Quy luật “cạnh tranh” và “nhường nhịn”
Ngày… tháng … năm…
Con yêu của cha!
Lúc chiều, khi cha vừa lái xe về đến chỗ gần cổng nhà mình, cha thấy
mọi người đi đường đang tụ tập rất đông. Cha bỗng linh cảm thấy có một
chuyện gì đó không hay đang xảy ra! Hình như là một vụ xô xát gì đó.
Lúc cha tiến lại gần hơn, thì hỡi ôi, nhân vật chính trong vụ lộn xộn
này chẳng phải ai khác mà chính là con, đang sừng sộ to tiếng với một
thanh niên lạ mặt – kẻ mà con cho rằng đã phóng nhanh, vượt ẩu và lao
xe vào con khi con sắp sửa về đến trước cửa nhà mình.
Những ngày cuối năm, ai cũng vội vã, lo tranh thủ chuyện mua sắm cho
ngày Tết, nên đi đường lỡ va quẹt vào nhau là chuyện bình thường. May
mà cha kịp chạy đến can ngăn, chứ nếu không thì con và chàng thanh niên
kia đã sấn sổ vào nhau, vì dường như cả hai đều đang tích cực chuẩn bị
ra đòn.
Cha chưa hiểu thực hư mọi chuyện ra sao. Nhưng con ơi, cha vẫn nghĩ, biết đâu trong chuyện này cũng có một phần lỗi của con?
Đây không phải là lần đầu tiên con suýt đánh nhau với người khác. Trước
đây, cha nhớ mình đã từng can ngăn con một lần rồi! Cha biết, trong
chuyện này con hoàn toàn có khả năng tự vệ. Cha không lo lắng con sẽ bị
người khác gây thương tích, vì trong lĩnh vực võ thuật, cha rất yên tâm
về môn võ cổ truyền mà ngay từ khi còn nhỏ con đã may mắn được học từ
ông nội. Thế nhưng, điều cha quan tâm lại là những chuyện khác!
Con ơi! Liệu rằng thái độ phản ứng của con lúc chiều có phải là một thái độ phản ứng tích cực và khôn ngoan hay không?
*
Chuyện vừa xảy ra khiến cha suy nghĩ nhiều về một quy luật trong cuộc
sống, gọi là quy luật “cạnh tranh và nhường nhịn”. Con biết không? Quy
luật “cạnh tranh và nhường nhịn” luôn có mặt ở khắp mọi nơi, trong mọi
lĩnh vực, trong nhiều tình huống phong phú khác nhau của cuộc sống.
Sống ở đời, chúng ta luôn phải biết nhường nhịn và biết cạnh tranh,
song điều quan trọng là con phải biết khi nào thì mình nên cạnh tranh
và khi nào thì mình nên nhường nhịn. Hay nói cụ thể hơn, bản thân mình
phải tự biết nên cạnh tranh trong những chuyện gì và nên nhường nhịn
trong những chuyện gì?
Việc trả lời được những câu hỏi vừa nêu sẽ chứng tỏ rằng con trai cha
đã có một thái độ khôn ngoan và trưởng thành trong cuộc sống hay chưa?
Với vụ ẩu đả chiều nay, cả con và chàng thanh niên kia cứ nhất mực
“cạnh tranh” với nhau theo kiểu “một thắng một thua”. Nhưng con thử suy
nghĩ mà xem, kết cục sẽ chẳng có ai thắng cả, mà là cả hai đều thua
cuộc. Ai cũng sẽ bị thương tích, không ít thì nhiều. Ai cũng có thể bị
dính dáng đến những chuyện lôi thôi, có thể liên quan đến kiện tụng,
đến tội phá rối trật tự công cộng. Và còn nữa, trong mắt mọi người đi
đường, liệu họ có nhiệt liệt “hoan nghênh” hành vi của con hay chỉ là
những nụ cười chế giễu “cơn điên” của hai tên thanh niên vô lại mà thôi?
Và không chỉ có tuổi trẻ như con mới cạn nghĩ như vậy đâu! Cha đã từng
chứng kiến nhiều chuyện, ngay cả trong nhiều gia đình, với anh em họ
hàng mà người ta còn không biết nhường nhịn lẫn nhau. Trong những dịp
lễ tết, anh em bà con họ hàng cả năm mới có dịp gặp gỡ nhau, nhưng chỉ
sau khi uống một vài ly rượu, vài người lỡ có những lời lẽ xưng hô bất
cẩn, nên đã gây ra xích mích; thế rồi anh em trong nhà bắt bẻ nhau,
chấp nhặt những chuyện hết sức cỏn con, vụn vặt. Chuyện bé xé ra to. Cứ
như thế, cuộc vui trong phút chốc biến thành cuộc ẩu đả, làm mất tình
anh em, làm mất hòa khí trong gia đình.
Những chuyện như thế ở nhiều gia đình không phải là hiếm. Chắc con cũng đã thấy!
Cha vẫn nghĩ, trong cuộc sống có rất nhiều chuyện xích mích hết sức nhỏ
nhặt, nếu như mọi người đều biết chủ động nhường nhịn nhau một chút
thôi, thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều! Phải biết nhường
nhịn trong những chuyện nhỏ nhặt, chúng ta mới tiết kiệm thêm được thời
gian và sức lực để cạnh tranh trong những chuyện lớn lao hơn!
Từ nãy đến giờ, cha đã nói với con về chuyện nhường nhịn. Thế còn
chuyện cạnh tranh, chúng ta nên cạnh tranh trong những chuyện gì, những
lĩnh vực gì nhỉ? Theo cha nghĩ, chúng ta nên cạnh tranh trong những
việc có ý nghĩa, chẳng hạn việc học hành, nghiên cứu khoa học, làm giàu
một cách chân chính, làm việc từ thiện... Bởi vì, những việc đó đáng để
mọi người chúng ta cạnh tranh, vì chúng góp phần làm cho cuộc sống của
xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn!
*
Con ơi! Trong cuộc sống, con hãy biết cạnh tranh sao cho sự cạnh tranh
của con phải là sự cạnh tranh lành mạnh. Và con hãy biết nhường nhịn
sao cho sự nhường nhịn của con luôn là sự nhường nhịn khôn ngoan, thấm
đẫm tình người.
Một khi con biết sống như vậy, con đã xứng đáng là đứa con thực sự trưởng thành của cha rồi!