Sống là để đồng cảm, yêu thương và chia sẻ!
Ngày … tháng … năm …
Con yêu của cha!
Thứ Bảy cuối tuần vừa rồi, sau bữa cơm tối, mẹ con đã đề xuất với cả
nhà một ý tưởng rất hay, đó là: mỗi năm, cả nhà mình sẽ trích thu nhập
của gia đình để tặng 5 suất học bổng cho sinh viên nghèo tại trường của
mẹ. Đối tượng nhận học bổng là các sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi,
phần lớn đều ở nông thôn. Sau khi tốt nghiệp ra trường, những sinh viên
này sẽ về quê để phục vụ bà con nghèo, nhất là những nơi xa thành phố,
không có những bệnh viện lớn, mà dịch vụ y tế thì còn rất đỗi thiếu
thốn!
Với ý tưởng này của mẹ, cha sẵn lòng ủng hộ cả hai tay! Việc này lẽ ra
cha và mẹ đã phải làm từ rất lâu rồi! Bởi vì đó là ước mơ của mẹ con từ
thời còn là sinh viên! Mẹ con là một người vừa sống thực tế nhưng cũng
vừa rất lãng mạn. Mẹ thực tế ở chỗ rất thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của
người khác. Mẹ lãng mạn ở chỗ, luôn có những ước mơ thật đẹp để giúp đỡ
người khác, trong khi hoàn cảnh của mình cũng không phải dễ dàng gì. Mẹ
của con là vậy đó! Lúc nào cũng nghĩ đến người khác nhiều hơn là nghĩ
cho bản thân mình. Cha rất yêu mẹ con và sẵn lòng đồng hành với mẹ trọn
cuộc đời cũng vì đức tính hiếm có này của mẹ!
Từ trước đến nay, con có biết rằng, cả cha và mẹ đều tự hào vì có chung
một mục đích sống, đó là: phục vụ con người. Dù rằng, ngành nghề chuyên
môn của cha và mẹ là khác nhau, nhưng lại gắn bó hết sức mật thiết với
nhau, bổ sung cho nhau. Nghề nghiệp của cả cha lẫn mẹ đều luôn cần đến
sự đồng cảm, yêu thương và sẻ chia với những nỗi đau của người khác –
có thể đó là nỗi đau về thể chất hay tinh thần. Mục đích cuối cùng của
công việc cha mẹ làm là: đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người!
Mà một khi cha mẹ đã nguyện sống cả đời vì một mục đích như vậy, thì
cha có gì còn phải e ngại trong chuyện góp một phần thu nhập của mình
để tặng học bổng cho các sinh viên của mẹ con?
Nhưng con phản đối cha mẹ rằng: “Nhà mình cũng không giàu có gì? Sao
cha mẹ lại phải làm như vậy? Việc đó nên để cho các đại gia làm!”
Cha đồng ý với con, đúng là gia đình mình không giàu có gì, nhưng cũng
không đến mức quá thiếu thốn. Tiền bạc mà nhà mình có được hằng tháng
đều là công sức lao động chân chính của cả cha lẫn mẹ phải “đổ mồ hôi,
sôi nước mắt” mới có được! Nhưng nếu như trong xã hội ai cũng có thái
độ chần chừ, chờ đợi người khác làm trước rồi mình mới chịu làm, thì
rốt cuộc ai sẽ làm hở con? Là những người trí thức, chúng ta phải quyết
tâm vào cuộc trước, rồi mới may ra kêu gọi các đại gia vào cuộc được,
con ạ! Vẫn biết “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng nếu không có sự khởi đầu
này, thì sẽ chẳng bao giờ có được những điều tốt đẹp xuất hiện tiếp
theo đâu con!
Hình như mẹ con tỏ vẻ hơi ngạc nhiên về thái độ của con, nhưng cha thì
không! Lúc còn nhỏ, cha sống ở một huyện vùng sâu thuộc tỉnh Đồng Nai.
Tuổi thơ của cha rất cơ cực, cha đã từng làm ruộng, làm rẫy, nên cha
rất thông cảm và thương những người nông dân nghèo khổ. Còn con, tuổi
thơ của con bây giờ không còn phải chịu đựng nhiều cơ cực như cha ngày
xưa nữa. Thế nhưng, nếu con may mắn được sống trong hoàn cảnh đầy đủ mà
con vẫn biết cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của người khác, để rồi
hết lòng yêu thương giúp đỡ họ, thì càng đáng quý, con ạ!
Người Việt Nam mình có câu: “Dốc bồ thương kẻ ăn đong.” Ý nghĩa của câu
này là gì? Chắc con chưa hiểu ý nghĩa của câu thành ngữ này! Con biết
không? Ngày xưa, người nông dân sống ở quê thường đựng lúa thóc trong
bồ, cất trong nhà. Số lúa thóc này được cất trữ để cả gia đình ăn dần
dần. Đến khi nào phải dốc bồ, có nghĩa là lượng lúa thóc trong bồ đã
vơi đi nhiều, sắp hết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia đình lâm
vào cảnh thiếu thốn, sẽ phải đi vay bên hàng xóm may ra mới có cơm ăn
hằng ngày. Mà nếu bên nhà hàng xóm cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn như
mình, thì còn biết xoay sở ra sao? Ý nghĩa sâu xa của câu thành ngữ này
là, chỉ khi nào con người ta sống trong cùng cảnh ngộ khó khăn, thiếu
thốn thì mới dễ thương nhau, thông cảm cho nhau.
Con chưa sẵn lòng giúp đỡ người khác, điều này cũng không có gì là khó
hiểu. Bởi vì, từ nhỏ đến giờ, con luôn được cha mẹ lo cho con đầy đủ.
Con chưa phải chịu thiếu thốn thứ gì, chưa phải thiếu thốn ngày nào.
Nhưng bắt đầu từ mùa hè năm nay, cha mẹ sẽ không còn “bao cấp” từ A đến
Z cho con nữa! Con sẽ phải cố gắng đi làm thêm ngay từ bây giờ, để hiểu
biết thực tế cuộc sống, để biết quý đồng tiền chân chính do mình làm
ra, và nhất là để biết đồng cảm, sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn của
nhiều người khác!