Đi thăm viện bảo tàng
Ngày … tháng … năm …
Con yêu của cha!
Ngày hôm qua, cả nhà mình đi chơi rất vui. Lúc cha mẹ dắt con ghé vào
thăm viện bảo tàng lịch sử văn hóa, con tỏ ra rất thích thú. Nhìn nụ
cười tươi trên gương mặt rạng rỡ của con, cha mẹ cũng cảm thấy vui
chẳng kém gì con đâu!
Cha còn nhớ, thầy giáo dạy môn Lịch sử ở lớp 9 của cha ngày xưa từng
nói rằng, một trong những cách dạy và học môn lịch sử hiệu quả nhất,
gần gũi với thực tiễn cuộc sống nhất, là tạo điều kiện cho học sinh
được đi tham quan các viện bảo tàng. Ở đó, chúng ta có thể học tập,
thưởng thức những nền văn hoá, lịch sử và nghệ thuật của nhiều quốc gia
khác nhau. Những quốc gia nằm ở khắp các châu lục trên thế giới...
Từ Châu Á, con có thể nhìn thấy những chiếc áo kimono mà người phụ nữ
Nhật Bản sử dụng trong những dịp lễ truyền thống rất trang trọng của
họ. Con cũng có thể tận mắt quan sát những hoa văn tinh tế chạm khắc
trên những chiếc ngà voi quý hiếm. Chúng mang đầy tính sáng tạo của
khối óc tuyệt vời cùng đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân...
Từ Châu Phi, con có thể nhìn thấy những chiếc xuồng đóng bằng gỗ cứng,
những cái trống, những bức tượng được dùng trong các lễ nghi tôn giáo
nghiêm trang. Các bức tượng ấy có thể được tạc nên theo hình dáng dịu
dàng, uyển chuyển của phái nữ, hoặc cũng có thể theo dáng vẻ oai hùng,
uy nghi của phái mạnh; chúng mang ý nghĩa biểu trưng cho những quyền
năng khác nhau của các vị thần. Nhiều bức tượng quan trọng còn được
trang trí bằng những chiếc mặt nạ bằng vàng hay những đồ trang sức quý
giá khác nữa.
Từ Ấn Độ, con có thể để ý thấy rằng, các loại đá quý luôn chiếm một vị
trí ưu tiên trong đời sống. Các thiếu nữ Ấn Độ rất chú ý đến các đồ
trang sức để điểm tô thêm nhan sắc cho mình, như những chiếc nhẫn,
những đôi hoa tai, những sợi dây chuyền, những sợi dây nho nhỏ xinh xắn
đeo nơi cổ tay ngọc ngà của các cô... Những đồ trang sức ấy luôn được
làm bằng nhiều chất liệu như hồng ngọc, ngọc trai, ngọc lục bảo, ngọc
bích, san hô, và thậm chí cả kim cương…
Từ Châu Mỹ kéo dài đến tận Mêhicô, chúng ta có thể nhìn thấy nền văn
hoá Olmecan của người Maya. Ở Veracruz thuộc Mêhicô, có một nghi thức
tế lễ gọi là Ulama. Người ta dùng hông của mình để chuyền những hòn đá
tròn nhỏ qua lại với nhau trông rất ngộ nghĩnh. Một bộ môn nghệ thuật
khác nữa đã thu hút sự chú ý của cha, đó là môn nghệ thuật gây ảo giác.
Trong môn này, người ta dùng những bức hình các loài hoa hoặc trái cây
rồi ghép lại với nhau, làm cho người xem có cảm giác y như thật, chứ
không còn là hình ghép nữa.
Con yêu!
Nói chung, khi đi thăm viện bảo tàng là con có dịp học hỏi thêm về
những nền văn hoá độc đáo, phong phú khác trên thế giới. Đi thăm viện
bảo tàng chính là một cơ hội rất tuyệt vời, góp phần đào tạo kỹ năng
đó. Và thật thú vị, khi chúng ta có dịp nhìn lại dấu ấn của những nền
văn hoá xa xưa, rồi so sánh với cuộc sống hôm nay để phần nào thấy được
những sự đổi thay, những bước thăng trầm của lịch sử...
Con biết không? Trong các mục tiêu đào tạo của nhà trường hiện đại ngày
nay, các nhà giáo dục đang nhấn mạnh đến việc đào tạo cho người học có
được kỹ năng hiểu biết và tôn trọng các nền văn hoá khác trên thế giới.
Phải làm sao cho con người ở khắp mọi nơi ngày càng có thể hiểu nhau
hơn, tôn trọng những khác biệt của nhau. Chắc con cũng đồng ý với cha
rằng, một khi chúng ta biết tôn trọng và học hỏi nơi các dân tộc khác,
điều đó sẽ tạo điều kiện để đất nước mình tiến nhanh hơn trên con đường
xây dựng đất nước giàu mạnh và giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngày hôm qua,
cha mẹ dẫn con đi thăm viện bảo tàng chính là vì điều này! Đó là một
cách học hỏi rất bổ ích và thú vị...