[27]
Những Cảnh Giới
"Không thể đi đến mức cùng
tận của thế gian". -- Tăng Nhứt A Hàm
Theo Phật
Giáo, quả địa cầu chỉ là một điểm nhỏ trong vũ trụ bao la, không phải là nơi
duy nhất trên đó có sanh linh, mà con người cũng không phải là chúng sanh duy
nhất. Chúng sanh vô cùng tận, mà hệ thống tinh tú cũng cô cùng tận. "Bào
thai không phải là con đường duy nhất để đi tái sanh". Ta cũng có thể đi
mãi đến mức cùng tận của thế gian [1]. Đức Phật dạy như vậy.
Tùy theo nghiệp thiện hay bất
thiện đã tạo, chúng sanh có thể tái sanh vào một trong ba mươi mốt (31) cảnh
giới.
Có bốn trạng thái bất hạnh được
xem là khổ cảnh (apaya) [2] vì cả tinh thần lẫn vật chất đều chịu đau khổ. Bốn
cảnh giới ấy là:
1. Địa Ngục (Niraya).
"Ni" là không có.
"Aya" là hạnh phúc. Niraya là cảnh giới trong đó không có hạnh phúc,
là cảnh khổ mà một chúng sanh phải chịu vì đã tạo nghiệp bất thiện, hay nói
cách khác, là trạng thái đau khổ mà chúng sanh phải chịu để trả quả bất thiện
đã tạo lúc nào trong quá khứ. Khổ cảnh không phải là địa ngục trường cửu mà
chúng sanh bị bắt buộc phải ở trong đó để chịu hình phạt đau khổ một cách vĩnh
viễn.
Đến lúc trả xong nghiệp xấu, kẻ
bất hạnh cũng có thể tái sanh vào một cảnh giới khác, an vui hạnh phúc, nhờ các
thiện nghiệp đã tạo.
2. Cảnh Thú (Tiracchana-yoni).
"Tiro" là xuyên qua.
"Acchana" là đi. Tiracchana-yoni là cảnh giới của loại cầm thú. người
Phật tử tin có sự tái sanh vào cảnh thú vì đã tạo nghiệp xấu. Tuy nhiên, nếu có
tích trữ thiện nghiệp thích đáng, từ cảnh thú chết đi, cũng có thể tái sanh vào
cảnh người. Một cánh chính xác, ta phải nói rằng cái nghiệp đã biểu hiện dưới
hình thức thú có thể biểu hiện dưới hình thức người, hay ngược lại. Cũng như
luồng điện có thể biển hiện kế tiếp dưới nhiều hình thức như ánh sáng, hơi
nóng, động lực v.v... Như vậy, động lực không phải do hơi nóng, cũng không phải
do ánh sáng mà phát sanh. Cùng thế ấy, không phải người trở thành thú hay thú
trở thành người [3].Ta cũng ghi nhận rằng lắm khi có những con thú như mèo, chó
sống còn đầy đủ hơn người, tuy vẫn mang hình thức thú. Đó cũng do tiền nghiệp.
Chính Nghiệp tạo tinh chất của
sắc tướng. Hình thể như thế nào là do hành động thiện hay bất thiện trong quá
khứ.
3. Cảnh Ngạ Quỉ (Peta-joni).
Đúng theo nguyên ngữ,
"Peta" là người đã ra đi, hay người tuyệt đối không có hạnh phúc.
Cảnh ngạ quỉ có nhiều hình thù xấu xa dị tướng mà mắt thường của người không
thể thấy. Ngạ quỉ không có cảnh giới riêng biệt của mình mà sống trong rừng
bụi, ở những nơi dơ bẩn v.v... Bộ Samyatta (Tạp A Hàm) cũng có đoạn nhắc đến
cảnh ngạ quỉ.
Đức Moggallana (Mục Kiền Liên)
miêu tả trạng thái đau thương ấy như sau:
"Vừa rồi, đi từ đồi kên kên
xuống, tôi có thấy một đám diều, quạ và kên kên tranh nhau xô đẩy và mổ cắn một
chúng sanh chỉ còn bộ xương, đang bay lơ lửng trên không trung và kêu la rên
siết. Nầy đạo hữu, lúc đó tôi có ý nghĩ như sau:- Thật là quái lạ!Vì sao chúng
sanh có thể đến đỗi ký hình dị thể, tàn tệ như thế, thật là kinh dị."
"Khi bạch với Đức Phật.
Ngài dạy rằng người ấy trước kia là một tên đồ tể, do nghiệp đã tạo trong quá
khứ, phải lâm vào trạng thái ấy trong hiện tại. [4]
Theo sách Milinda Vấn Đạo, có
bốn hạng ngạ quỉ:
Hạng Vantasika, sống bằng vật ói
mửa của kẻ khác, hạng Khuppipasino, phải luôn luôn chịu đói khát, hạng
Nijjhamatanhika, phải chịu khát đến hao mòn tiều tụy, hạng Paradattupajivino,
chỉ sống nhờ thực vật của người khác cho.
Trong kinh Tirokudda sutta
(Khuđaka Patha) có dạy rằng những hạng ngạ quỉ kể trên có thể hưởng được phước
báu mà thân quyến họ đã tạo nên và hồi hướng đến họ, và cũng có thể nhờ đó mà
tái sanh sang một cảnh giới khác có hạnh phúc hơn.
4. Cảnh Giới A Tu La (Asura-yoni).
Là cảnh giới của những người
không bao giờ hớn hở vui tươi và không bao giờ có những cuộc tiêu khiển giải
trí. Họ là một hạng chúng sanh khác cũng đau khổ tương tợ như ngạ quỉ. Nên phân
biệt hạng nầy với hạng Asuras thường hay chống đối chư Thiên.
Trên bốn cảnh giới bất hạnh
(duggati) ấy, có bảy cảnh giới hữu phúc (sugati). Bảy cảnh ấy là:
1. Cảnh Người
(Manussa). [5]
Là một cảnh giới trong đó hạnh
phúc và đau khổ lẫn lộn. Chư vị Bồ Tát thường chọn tái sanh vào cảnh nầy vì ở
đây có nhiều hoàn cảnh thuận lợi để phục vụ và thực hành những Pháp cần thiết
nhằm thành tựu Đạo Quả Phật. Kiếp cuối cùng của Bồ Tát luôn luôn ở cảnh người.
2. Cảnh Tứ Đại Thiên Vương
(Catummaharajika).
Cảnh trời thấp nhất, nơi mà
những vị Trời canh phòng bốn hướng lưu ngự cùng với đoàn tùy tùng.
3. Cảnh Đạo Lợi (Tavatimsa).
Tavatimsa có nghĩa là ba mươi
ba. Có tên như vậy vì Đạo Lợi cũng là cung Trời của ba mươi ba vị, trong đó
Trời Sakka (Đế Thích) là vua. Theo một tích chuyện, có ba mươi ba người kia do
Magha (một tên khác của Trời Đế Thích) lãnh đạo, tình nguyện thực hiện nhiều
công tác từ thiện. Cả ba mươi ba vị đều tái sanh vào cảnh nầy. Chính ở cung
Trời Đạo Lợi mà Đức Phật giảng Vi Diệu Pháp cho chư thiên nghe trong ba tháng
liền.
4. Cảnh Dạ Ma (Yama).
Yama có nghĩa cái gì tiêu diệt
khổ đau, là tên cảnh giới của các vị Trời Dạ Ma.
5. Cảnh Đấu Xuất Đà (Tusita).
Theo nghĩa trắng, Tusita là dân
cư có hạnh phúc, là cảnh giới khoái lạc.
Những vị Bồ Tát đã thực hành
tròn đủ các Pháp cần thiết để đắc Quả Phật đều lưu ngụ ở cảnh giới nầy, chờ cơ
hội thich nghi để tái sanh vào cảnh người lần cuối cùng. Bồ Tát Mettaya (Di
Lạc), vị Phật tương lai, hiện đang ở cảnh Trời nầy chờ ngày tái sanh vào cảnh
người để thành tựu Đạo Quả Phật. Hoàng hậu Maya (Ma Da), mẹ của Bồ Tát
Siddhattha (Sĩ Đạt Ta), sau khi chết cũng tái sanh vào cảnh Trời Đấu Xuất Đà và
từ đó sang cung Trời Đạo Lợi nghe Đức Phật giảng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).
6. Cảnh Hóa Lạc Thiên (Nimmanarati).
Cảnh giới của những vị Trời ở
trong những cung điện to lớn, đẹp đẽ.
7. Cảnh Tha Hóa Tự Tại
(Paranimmitavasavatti).
Cảnh giới của những vị Trời có
khả năng tạo thêm những vị khác để phục vụ mình
Chư Thiên trong sáu tỉnh Trời
thuộc Dục Giới kể trên cũng có hình thể, nhưng cơ thể vật chất (sắc) của các vị
ấy rất vi tế hơn "sắc" ở cảnh người nhiều. Vì thế, thông thường mắt
người không thể trông thấy.
Tất cả những vị ấy đều phải
chết, mặc dầu trên một vài phương diện, như về hình thể, nơi ở, vật thực, thì
được sung sướng hơn ở cảnh người. Về trí tuệ, các vị ấy thường không hơn người.
Chư Thiên trong cảnh Dục Giới
đều là hóa sanh, bỗng nhiên xuất hiện dưới hình thức một thiếu nữ hay một thanh
niên lối mười lăm hay mười sáu tuổi. Đó là những cảnh giới có nhiều khoái lạc
tạm bợ.
Bốn (4) cảnh khổ (Apaya) và bảy
(7) cảnh hữu phúc (Sugati) đều nằm trong Dục Giới (Kamaloka).
Trên Dục Giới có Sắc Giới
(Rupaloka), cảnh giới các vị Phạm Thiên, những vị Trời đã từ bỏ tham dục và đang
thọ hưởng hạnh phúc của Thiền (Jhana).
A.- Cảnh Giới tương ứng với Sơ Thiền
1. Phạm Chúng Thiên (Brahma
Parisajja). Cảnh giới của các vị Trời tùy tùng các vị Phạm Thiên.
2. Brahma Purohita. Cảnh giới
của những vị Trời thân cận các vị Phạm Thiên.
3. Đại Phạm Thiên (Maha Brahma).
Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có nhiều hạnh phúc, đẹp đẽ và tuổi thọ nhiều
hơn các Phạm Thiên khác, nhờ phước báu đạo do thiền tập.
B.- Cảnh Giới tương ứng với Nhị Thiền:
4. Thiều Quang
Thiên(Parittabha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ít ánh sáng.
5. Vô Lượng Quang Thiên
(Appamanabha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng vô cùng, vô hạn
định.
6. Quang Âm Thiên (Abhassara).
Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có ánh sáng rực rỡ chói lòa.
C.- Cảnh Giới tương ứng với Tam Thiền:
7. Thiền Tịnh Thiên
(Parittasubha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang nhỏ.
8. Vô Lượng Tịnh Thiên
(Appamanasubha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên co hào quang vô cùng, vô hạn
định.
9. Biến Tịnh Thiên (Subha
kinha). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên có hào quang vững chắc, không lay
động.
D.- Cảnh Giới tương ứng với Tứ Thiền:
10. Quảng Quả Thiên
(Vehapphala). Cảnh giới của những vị Phạm Thiên hưởng quả rộng lớn.
11. Vô Tưởng Thiên
(Asannasatta). Cảnh giới của những vị Trời không có tâm (danh).
12. Vô Phiên Thiên (Suđhavasa).
Cảnh giới hoàn toàn tinh khiết. Cảnh nầy lại chia làm năm (5) là:
i.
Aviha, cảnh giới trường cửu.
ii. Atappa, cảnh giới êm đềm tĩnh lặng.
iii. Sudassa, cảnh giới đẹp đẽ.
iv. Sudassi, cảnh giới quang đãng.
v. Akannittha, cảnh giới tối thượng.
Chỉ có những vị đắc Thiền Sắc
Giới mới tái sanh vào những cảnh Sắc Giới kể trên. Đắc Sơ Thiền thì sanh vào ba
cảnh giới thứ nhất (A), đắc Nhị Thiền thì sanh vào ba cảnh giới thứ nhì (B),
đắc Tam Thiền thì sanh vào ba cảnh giới thứ ba (C), đắc Tứ Thiền thì sanh vào
bảy cảnh giới thứ tư (D).
Trong mỗi tầng Thiền-na, có
nhiều bậc. Cũng cùng đắc một tầng thiền, như Sơ Thiền chẳng hạn, mà có người ở
bậc thấp còn có người ở bậc cao. Bậc thứ ba là những người đã nắm vững hoàn toàn
tầng Thiền của mình.
Trong cảnh thứ 11, Vô Tưởng
Thiên (Asannasatta), chúng sanh không có tâm. Chỉ có sự biến chuyển liên tục
của Sắc. Trong lúc năng lực của Thiền (Jhana) diễn tiến thì tâm tạm thời chấm
dứt. Thông thường Danh và Sắc dính liền với nhau, không thể phân tách ra được.
Nhưng đôi khi, do năng lực của Thiền, như trường hợp kể trên, cũng có thể tách
rời Danh và Sắc. Khi một vị A La Hán nhập đại định (Nirodha Samapatti, Diệt Thọ
Tưởng Định) cũng vậy, tâm của Ngài tạm thời không có. Đối với hạng phàm nhân
như chúng ta thì khó mà quan niệm được một trạng thái tương tợ. Tuy nhiên, có
nhiều việc không thể quan niệm mà thật sự có.
Vô Phiên Thiên (Suddavasa) hay
cảnh giới hoàn toàn tinh khiết là cảnh giới tuyệt đối riêng biệt của các vị A
Na Hàm (Anagami). Chúng sanh ở trong một cảnh khác mà đắc Quả Bất Lai, hay A Na
Hàm, thì tái sanh vào cảnh nầy. Về sau, các Ngài đắc Quả A La Hán và sống cảnh
hoàn toàn tinh khiết ấy cho đến lúc hết tuổi thọ, nhập Đại Niết Bàn.
Có bốn (4) cảnh gọi là Arupaloka
(Vô Sắc Giới), hoàn toàn không có phần vật chất (Sắc) hay hình thể.
Theo Phật Giáo, có những cảnh
giới trong ấy chỉ có Danh (tâm) mà không có Sắc (vật chất). "Cũng như khi
ta cầm một thanh sắt và buông thả tay ra thì thanh sắt rơi xuống đất. Tuy nhiên
cũng có thể dùng đá nam châm để giữ thanh sắt lơ lững giữa không trung. Cùng
một thế ấy, do Thiền, có thể tách rời Danh ra khỏi Sắc và giữ trạng thái ấy cho
đến khi chấm dứt Thiền. Đó chỉ là sự tách rời tam thời Danh và Sắc, hai yếu tố
theo thường phải dính liền nhau." Cũng nên ghi nhận rằng không có giống
nam, hay giống nữ trong hai cảnh Sắc và Vô Sắc Giới.
Trong Vô Sắc Giới có bốn cảnh
tương xứng với bốn tâm Thiền Vô Sắc Giới:
1. Không Vô Biên Xứ
Thiên (Akasanankayatana). Cảnh giới có quan niệm rằng không gian vô tận.
2. Thức Vô Biên Xứ
Thiên (Vinnancayatana). Cảnh
giới có quan niệm quan niệm rằng thức là vô cùng tận.
3. Vô Sở Hữu Xứ Thiên (Akincannancayatana). Cảnh
giới có quan niệm về hư không.
4. Phi Tưởng Phi Phi
Tưởng Thiên (Neva
Sanna Nasannayatana). Cảnh giới có quan niệm rằng
không có tri giác cũng không có không-tri-giác. [6]
Nên ghi nhận rằng Đức Phật không
nhằm mục đích truyền bá một lý thuyết về vũ trụ. Dầu những cảnh giới trên có
hay không, điều ấy không ảnh hưởng gì đến giáo lý của Ngài. Không ai bị bắt
buộc phải tin điều nào, nếu điều ấy không thích hợp với suy luận của mình.
Nhưng nếu bác bỏ tất cả những gì mà lý trí hữu hạn của con người không thể quan
niệm thì điều ấy cũng không hoàn toàn chánh đáng.
Bảng Tóm Tắt
I. Vô
Sắc Giới
Thiền Vô Sắc
|
Tuổi
Thọ
|
Phi
Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên
Vô Sở hữu Xứ Thiên
Thức Vô Biên Xứ Thiên
Không Vô Biên Xứ Thiên
|
84.000
Đại A-Tăng-Kỳ
60.000 "
40.000 "
20.000 "
|
II.
Sắc Giới
Tứ Thiền Sắc Giới
Vô
Phiên Thiên
Cảnh giới tối thượng
Cảnh giới quang đãng
Cảnh giới đẹp đẽ
Cảnh giới thanh tịnh
Cảnh giới trường cửu
Vô Tưởng Thiên
Quảng Quả Thiên
|
16.000
Đại A-Tăng-Kỳ
8.000 "
4.000 "
2.000 "
1.000 "
500 "
500 "
|
Tam Thiền Sắc Giới
Biến
Tịnh Thiên
Vô Lượng Tịnh Thiên
Thiền Tịnh Thiên
|
62 Đại
A-Tăng-Kỳ
32 "
12 "
|
Nhị Thiền Sắc giới
Quang
Âm Thiên
Vô Lượng Quang Thiên
Thiều Quang Thiên
|
8 Đại
A-Tăng-Kỳ
4 "
2 "
|
Sơ Thiền Sắc Giới
Đại
Phạm Thiên
Phạm Thiên Purohita
Phạm Chúng Thiên
|
1
A-Tăng-Kỳ
1/2 "
1/3 "
|
III.
Dục Giới
Lạc Cảnh - Trời Dục Giới
Tha
Hóa Tự Tại
Hóa Lạc Thiên
Đấu Xuất Đà
Dạ Ma
Đạo Lợi
Tứ Đại Thiên Vương
|
16.000
Thiên Niên
8.000 "
4.000 "
2.000 "
1.000 "
500 "
|
Cảnh Người - Tuổi Thọ bất định
Khổ Cảnh
A Tu
La
Ngạ Quỉ
Loài Thú
Địa Ngục
|
Không
giới hạn
Không giới hạn
Không giới hạn
Không giới hạn
|
Chú thích:
[1] Xem Kindred Sayings, phần i,
trang 85-86.
[2] Apa + aya =không có hạnh
phúc. Niraya (Ni + aya) cũng có nghĩa "thiếu hạnh phúc"
[3] Xem Chương 31.
[4] Xem Kindred Sayings, phần
ii, trang 170.
[5] Đúng theo nghĩa trắng, là
những chúng sanh có tâm phất triển, hay ở một trình độ cao (mano ussannam
etasam). Dùng từ Bắc Phạn (Sanskrit) tương đương với Manussa là Manushya, có
nghĩa là những người con của Manu. Gọi như vậy vì họ trở nên những chúng sanh
có văn hóa cao hơn nhờ thần Manu.
[6] Xem "A Manual of
Abhidhamma", do tác giả Narada Thera, trang 234-246, để có thêm chi tiết
về tuổi thọ của những cảnh giới khác nhau.