[35]
Con đường Niết Bàn (I)
"Con đường Trung Đạo này
dẫn đến trạng thái vắng lặng, sự thành tựu, sự giác ngộ và Niết Bàn." Kinh
Chuyển Pháp Luân.
Con đường
Niết Bàn là Trung Đạo (Majjhima Patipada) tránh xa hai cực đoan là lối sống khổ
hạnh, làm giảm suy năng lực trí thức, và lối sống lợi dưỡng, làm chậm trễ tiến
bộ tinh thần.
Trung Đạo gồm tám chi: Chánh
Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh
Niệm và Chánh Định.
Hai chi trên là Trí Tuệ (panna),
ba chi kế là Giới Luật (sila) và ba chi cuối cùng là Định (samadhi):
Chánh Ngữ
Chánh Nghiệp
Chánh Mạng
|
Giới
|
Chánh Tinh Tấn
Chánh Niệm
Chánh Định
|
Định
|
Chánh Kiến
Chánh Tư Duy
|
Tuệ
|
Theo đúng thứ tự của lịch trình
tiến hóa tinh thần, Giới, Định và Tuệ là ba giai đoạn trên đường dẫn đến Niết
Bàn. Ba giai đoạn này được cụ thể trong kệ ngôn sau đây:
"Chấm
dứt mọi hành động bất thiện,
Phát triển những hành động thiện,
Thanh lọc tâm,
Đó là lời dạy của tất cả chư Phật" -- Pháp Cú
Ta gặt hái những gì chính ta đã
gieo. Điều bất thiện đem lại đau khổ. Điều thiện, hạnh phúc. Đau khổ và hạnh
phúc của ta là ảnh hưởng trực tiếp của những hành động thiện và bất thiện của
chúng ta. Người có Chánh Kiến nhận thức rõ ràng định luật nhân quả - tức hành
động và phản ứng của hành động - và tận dụng mọi khả năng để tránh xa điều ác,
phát triển việc lành.
Làm như vậy, vì lợi ích riêng
của mình và sự an lành của người khác, người có tránh kiến nhận thấy có bổn
phận làm cho đời sống mình là một phước lành, cho mình, và cho tất cả những
người khác.
Biết rằng đời sống thật vô cùng
quí báu đối với mọi chúng sanh, và không ai có quyền hủy hoại sự sống của kẻ
khác, người có Chánh Kiến nới rộng tâm Bi và tâm Từ của mình đến tất cả, dầu là
những con vật bé nhỏ, và tránh xa mọi hành động sát hại hoặc gây thương tích
cho bất cứ người hay thú.
Không có luật lệ nào bắt chúng
sanh này phải làm mồi cho chúng sanh khác. Tuy nhiên người mạnh vẫn giết kẻ yếu
để lấy thịt bày tiệc tùng. Đó là bản năng của loài thú. Đối với thú, hành động
tương tự còn có chỗ tha thứ vì chúng không có ý thức được việc của mình làm,
nhưng với ai có đầy đủ lý trí mà còn cố tình làm vậy thì thật là đáng trách.
Dầu để ngon miệng, hay để giải khuây, không có lý do nào ta tự cho phép, hoặc
nhờ tay người khác giết một chúng sanh. Nếu sát hại thú vật là sai lầm thì giết
người còn đáng ghê tởm đến bậc nào - dầu giết từng cá nhân hay giết từng đoàn,
từng nhóm, dầu dùng những phương tiện tàn bạo hay những phương pháp gọi là văn
minh tân tiến và nhân đạo, dầu giết để đem lại hòa bình, giết vì mục tiêu tôn
giáo, hay vì mục tiêu nào có vẻ đẹp đẽ nào khác.
Liêm khiết, chân thật và chánh
trực cũng là đặc tính của người có Chánh Kiến. Người có Chánh Kiến tránh xa mọi
trộm cắp, dầu là sự trộm cắp hiển nhiên, lộ liễu, hay trộm cắp vi tế, kín đáo,
ẩn núp dưới một lớp gì khác. Người có Chánh Kiến cũng tránh xa mọi hành động tà
dâm làm giảm suy giá trị con người. Người có Chánh Kiến tránh vọng ngữ, không
nói thô lỗ đâm thọc và nhảm nhí, mà chỉ dùng lời lẽ chân thật, nhã nhặn, hiền
hòa và bổ ích. Có nhiều loại thuốc và rượu làm tâm trí xao lãng và lu mờ. Người
có Chánh Kiến cũng tránh xa các loại rượu mạnh, cố gắng trau giồi và mở mang
trí tuệ.
Năm quy tắc sơ đẳng ấy - nhằm
kiểm soát cả hành động và lời nói - rất cần thiết cho những ai bước chân vào
con đường dẫn đến Niết Bàn. Phạm những giới ấy tạo trở ngại cho tiến bộ tinh thần.
Đã vững vàng tiến một bước hướng
đến mục tiêu, bây giờ hành giả cố gắng thu thúc lục căn. Để chế ngự sự thèm
thuồng vật thực và để cho tâm và thân được nhẹ nhàng khoan khoái, trong mỗi
tháng nhịn ăn một ngày là tốt. Đời sống phải giản dị và thanh đạm. Sống xa hoa
dẫn con người trở lên nô lệ của tham vọng. Nên ở độc thân, vì tất cả năng lực
nhờ đó mà bảo tồn trọn vẹn, để có thể xử dụng trong việc trau giồi tinh thần và
đạo đức, cho mình và cho người khác. Cũng nhờ đó, ta có thể tách rời ra khỏi
những dây trói buộc của xã hội, những trở ngại cho mức tiến đạo đức. Hầu hết
tất cả những vị giáo chủ đều có một cuộc sống khiêm tốn, độc thân giản dị, tự ý
nghèo nàn, và tự kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi tiến bộ từ từ và vững
chắc, hành giả càng kiểm soát hành động, lời nói và thu thúc lục căn càng chặt
chẽ hơn. Nghiệp lực của người hành giả tinh tấn bấy giờ thúc đẩy đương sự từ
khước những lạc thú trần gian và chấp nhận đời tu sĩ. Những ý như sau phát
sinh:
"Đời
sống tại gia là sào huyệt củra tranh chấp,
Dẫy đầy những vất vả, những nhu cầu,
Nhưng đời sống của bậc xuất gia,
Tự do và cao cả như trời rộng mênh mông."
Nhận thấy rằng xa hoa vật chất
là ảo huyền và thú vui vật chất không tạo hạnh phúc thật sự, hành giả tự nguyện
bỏ tất cả sự nghiệp vật chất trên đời để khoác lên mình tấm y vàng và cố ghép
mình vào nếp sống hòan toàn trong sạch.
Tuy nhiên không phải vì sắc
tướng bề ngoài mà chính sự thanh lọc bên trong đời sống gương mẫu, làm cho con
người trở nên trong sạch. Sự đổi thay từ trong ra ngoài, chớ không phải từ
ngoài trở vô trong. Không tuyệt đối cần thiết phải rút và ẩn dật nơi hẻo lánh
vắng vẻ và sống đời tu sĩ mới chứng ngộ được Niết Bàn. Đời sống tỳ khưu chắc
chắn giúp sự tiến bộ tinh thần được thành đạt mau chóng và dễ dàng hơn, nhưng
người cư sĩ vẫn có thể đắc quả Thánh.
Trước tất cả những quyến rũ của
đời sống tại gia, người tu sĩ mà đắc được Quả A La Hán chắc chắn đáng được tán
dương hơn vị tỳ khưu, cũng đắc Quả A La Hán, giữa khung cảnh tĩnh mịch an nhàn,
không có gì làm cho tâm giao động.
Nhắc đến một vị đại thần đắc Quả
A La Hán lúc ngồi trên lưng voi, trong một cái bành sang trọng, Đức Phật ghi
nhận:
"Dầu
trang sức lộng lẫy, nếu người kia đi trong sự thanh bình an lạc,
Nếu giữ tâm yên lặng thu thúc, vững chắc và trong sạch,
Và nếu người kia tự chế ngự, không làm tổn thương bất luận chúng sanh nào,
Người ấy là Bà La Môn, là sa môn, là tỳ khưu." (Kinh Pháp Cú, câu 142).
Có rất nhiều trường hợp người tu
sĩ sống tại gia cũng chứng ngộ Niết Bàn. Vị thiện tín giàu lòng quảng đại và
tâm đạo nhiệt thành của Đức Phật, Anathapindika (Cấp Cô Độc) là một vị Tu Đà
Huờn (Sotapanna). Mahanama dòng Thích Ca là một vị Tư Đà Hàm (Sakadagami).
Người thợ lò gốm Ghatikara đắc quả A Na Hàm (Anagami) và Đức Vua Suddhodana
(Tịnh Phạn) nhập diệt với Đạo Quả A La Hán.
Một vị Tỳ khưu phải giữ bốn loại
Giới Luật Cao Thượng:
1)
Patimokkha Sila - Giới luật căn bản
2) Indriyasamvara Sila - Giới luật có liên quan đến công trình thu thúc lục căn
3) Ajivaparisuddhi Sila - Giới luật có liên quan đến đời sống trong sạch
4) Paccayasannissita Sila - Giới luật có liên quan đến sử dụng "tứ vật
dụng", những vật cần thiết cho đời sống.
Bốn loại giới luật ấy gọi chung
là Sila Visuddhi (Tứ Thanh Tịnh Giới, sự trong sạch của giới hạnh), là tầng đầu
tiên trong bảy tầng trong sạch, Thanh Tịnh Đạo, dẫn đến Niết Bàn.
Giới tử đã thọ lễ xuất gia và
thọ trì Upasampada (Cụ Túc Giới ) được gọi là Bhikkhu (Tỳ khưu). Tu sĩ hành
khất có lẽ là gần nhất của danh từ "Bhikkhu", không phải trong ý
nghĩa người đi xin, mà trong nghĩa đời sống bằng vật thực được tặng, bằng lòng
quảng đại, bằng tâm trong sạch bố trí của người khác.
Một vị tỳ khưu không có lời thề
phải sống bằng đời sống xuất gia cho đến chết. Giới tử tự nguyện để xin ghép
mình vào giới luật để sống đời sống trong sạch, đời sống thiêng liêng cao
thượng của vị tỳ khưu cho đến ngày, nếu muốn, cũng tự ý, bước chân ra khỏi Giáo
Hội mà không bị một sự bị ràng buộc nào.
Nhưng ngày nào còn đắp trên mình
bộ y vàng, vị tỳ khưu phải giữ trọn 220 giới chánh [1] và nhiều giới phụ khác.
Bốn trọng giới có liên quan đến đời sống độc thân, đến sự trộm cắp, sát nhân và
khoác loác khoe khoang rằng mình đã đạt đến một mức cao thượng mà thật ra mình
không có, phải được gìn giữ trang nghiêm. Vị nào phạm một trong bốn trọng giới
kể trên phải chịu tội Parajika (Bất Cộng Trụ) và đương nhiên không còn là tỳ
khưu nữa. Nếu muốn, vị ấy có thể xuất gia Samanera (Sadi) trở lại.
Ngoài bốn trọng tội ấy, nếu vị
tỳ khưu phạm nhầm giới nào khác, phải tùy nặng nhẹ mà sám hối chịu tội.
Những đặc điểm chánh của một vị
tỳ khưu là trong sạch, hoàn toàn độc thân, tự ý sống nghèo nàn, khiêm tốn, đơn
giản, vị tha phục vụ, tự kiểm soát, nhẫn nại, bi mẫn và thanh tao nhã nhặn.
Đời sống của một tỳ khưu, hay
nói cách khác, sự từ bỏ những thú vui và những tham vọng của thế gian, chỉ là
một phương tiện hữu hiệu để thành tựu quả Niết Bàn. Sự xuất gia tự nó không
phải là cứu cánh.
Chú thích:
[1] Ngoài ra, còn bảy điều diệt
tránh (adhikaranasmatha dhamma), cộng lại là 227.