[09]
Đức Phật và Thân Quyến (II)
Đối với
thân bằng quyến thuộc, Chân thật là tốt nhất. -- Kinh Pháp Cú
Đức Phật và Người Em Khác Mẹ
Ba ngày sau khi Đức Phật
trở về Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), Hoàng Tử Nanda, con của Đức Vua Suddhodana
(Tịnh Phạn) và Hoàng Hậu Pajapati Gotami, cử hành ba đại lễ quan trọng: thành
hôn, phong tước và về cung điện mới.
Trong lúc mọi người nhộn nhịp
mang lễ vật đến chúc mừng thì Đức Phật cũng trở về hoàng cung. Sau khi thọ thực
xong, Đức Phật trao bát cho Hoàng Tử Nanda, đọc câu kinh chúc phúc và đứng dậy
ra về, không thâu bát lại.
Hoàng Tử lặng lẽ ôm bát theo
chân Đức Phật, bụng nghĩ rằng chắc rồi đây khi nhớ lại, Ngài sẽ thâu hồi cái
bát một lúc nào. Nhưng Đức Phật làm ngơ, không để ý đến. Vì kính nể Đức Phật,
hoàng tử buộc lòng tiếp tục đi theo.
Vị tân nương của hoàng tử là
Janapada Kalyani nghe thuật lại như vậy thì rất lo ngại, lệ tuôn đầy mặt, tóc
tai rối bời, bà hối hả chạy theo kêu to, "Này Hoàng Tử quý trọng, hãy mau
trở lại". Tiếng gọi đầy tình mến yêu quý chuộng ấy thấm sâu vào lòng Ngài,
nhưng dầu hết sức cảm kích, hoàng tử không dám trao bát lại cho Đức Phật vì nể
nang, tôn trọng một bậc trưởng thượng đáng kính. Và cứ thế, hoàng tử ôm bát lủi
thủi bước theo Đức Phật về đến ngự uyển là nơi Ngài tạm lưu ngụ. Đến đây, Đức
Phật hỏi hoàng tử muốn xuất gia không. Hoàng tử Nanda kính trọng và sùng bái
Đức Phật rất sâu xa vì lẽ Ngài là một vị Phật, vừa là người anh trưởng. Do đó,
dầu miễn cưỡng nhưng không dám chối từ, hoàng tử ưng thuận thọ lễ xuất gia.
Nhưng quả thật Tỳ Khưu Nanda
không tìm thấy chút hạnh phúc tinh thần nào trong sự từ bỏ thế gian vật chất.
Tinh thần ngày càng suy nhược vì luôn luôn mơ tưởng đến vị tân nương. Một hôm,
thầy tỳ khưu mới xuất gia thuật lại cho các vị khác như sau:
"Này các đạo hữu, tôi rất
lấy làm bất mãn. Tuy đã thọ lễ xuất gia và sống đời đạo hạnh cao thượng, nhưng
tôi cảm thấy không thể còn chịu nổi nữa. Tôi có ý định từ bỏ những giới luật
thanh cao này để trở về cuộc đời thấp kém hơn, làm người cư sĩ."
Khi nghe thuật lại, Đức Phật hỏi
Tỳ Khưu Nanda có quả thật vậy không. Tỳ Khưu Nanda nhìn nhận tinh thần suy
nhược của mình và tỏ ra rất lo ngại cho vị tân nương.
Để dẫn dắt Tỳ Khưu Nanda vào con
đường chân chánh, Đức Phật dùng oai lực thần thông, đưa vào cung Trời Đấu Xuất,
thưởng ngoạn sắc đẹp của những vì tiên nữ. Trên đường đi, Tỳ Khưu Nanda được
thấy một con khỉ cái đã bị mất mắt, tai, mũi và đuôi trong một đám hỏa hoạn,
còn đang cố bám lấy thân cây cháy trơ trọi giữa đám rừng vừa bị thiêu rụi. Khi
đến cảnh Trời, Đức Phật chỉ những vị tiên nữ và hỏi Tỳ Khưu Nanda:
"Này Nanda, những tiên nữ
này và Công Chúa quý trọng Janapada Kalyani, ai đẹp đẽ mỹ miều hơn?"
- Bạch Đức Thế Tôn, nếu so với
các tiên nữ vô cùng mỹ lệ yêu kiều này thì Janapada Kalyani tựa như con khỉ cái
bị cháy, cố bám lấy thân cây.
- Này Nanda, vậy hãy hăng hái,
cố gắng lên! Như Lai bảo đảm rằng nếu Nanda kiên trì thực hành giáo huấn, thì
một ngày kia Nanda cũng sẽ đạt được những phi tần mỹ lệ như vậy.
Như một đứa trẻ được khuyến
khích, Tỳ Khưu Nanda bạch:
"Nếu vậy, đệ tử sẽ lấy làm
hoan hỷ mà sống đời thanh khiết cao thượng."
Khi các vị Tỳ Khưu khác hay rằng
Tỳ Khưu Nanda cố gắng sống đời đạo hạnh thanh cao chỉ vì muốn đạt cho được các
tiên nữ, thì tỏ ý chế nhạo, gọi là "người làm thuê".
Đại Đức Nanda tỉnh ngộ, nhận
thức được lý do thấp hèn của mình nên lấy làm hổ thẹn và gạt bỏ mọi tư tưởng
xấu xa, tận lực cố gắng, kiên trì tu tập và đắc Quả A La Hán. Bấy giờ Ngài đến
bạch với Đức Phật:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, xin
Đức Thế Tôn hãy hủy bỏ lời mà Ngài hứa, bảo đảm với đệ tử rằng nếu thực hành
đúng giáo huấn, đệ tử sẽ được các tiên nữ đẹp đẽ."
- Này Nanda, chừng nào ngươi
không còn bám níu vào sự vật ở thế gian, tâm ngươi đã được hoàn toàn thanh lọc,
không còn vướng chút bợn nhơ, lúc ấy Như Lai sẽ hủy bỏ lời hứa. Đức Phật trả
lời như vậy và đọc lên bài kệ:
"Người đã vượt lên khỏi bùn nhơ và chế ngự dục vọng,
Người đã tận diệt mọi ảo tưởng (si mê),
Người ấy không bị cảm kích trong khoái lạc cũng như trong đau khổ."
Khi có một vài vị tỳ khưu tỏ ý
hoài nghi về thành quả của Đức Nanda, Đức Thế Tôn giải thích:
"Nước mưa không thể lọt qua
lớp tranh dầy của một nóc nhà khéo lợp kín. Cũng dường thế ấy, dục vọng không
thể thấm vào tâm thuần thục đã được phát triển đầy đủ." [1]
Sau khi đã thọ hưởng hạnh phúc
giải thoát, Ngài Nanda tán dương công đức của Đức Phật như sau: "Phương
pháp của Đấng Bổn Sư thật là tuyệt diệu, nhờ đó mà ta được cứu vớt, thoát ra
khỏi hiểm họa của vòng luân hồi sanh tử triền miên và thành đạt Đạt Quả Niết
Bàn."
Theo kinh Theragatha, chính Đức
Nanda đã thốt ra những lời sau đây:
"Có một thuở nào, vì không
nghĩ suy chân chánh, tôi chỉ ham mê luyến ái những gì biểu hiện ra ngoài. Bị
lòng khát khao ham muốn chế ngự, tâm tôi luôn luôn phóng dật và loạn động.
"Nhờ sự khéo léo và lòng từ
bi quảng đại của Đức Thế Tôn, nguyên là 'dòng dõi Thái Dương', tôi có diễm phúc
được đưa vào đời sống thanh cao, hành động chân chánh, và từ ao tù của những
kiếp sinh tồn, tâm tôi được vớt lên và cứu thoát. [2]"
Trong hàng đệ tử của Đức Phật,
Ngài Nanda được nổi tiếng là người tự kiểm soát rất chặt chẽ.
Đức Phật và Đức Ananda
Ananda là con của ông Hoàng
Amitodana, một người em của Vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Như vậy Ananda là em
chú bác của Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta). Sự ra đời của Ngài là một đại hạnh
cho hoàng tộc, vì lẽ đó, tên Ngài là Ananda.
Hai năm sau khi Đức Phật Thành
Đạo, Hoàng Thân Ananda xuất gia cùng với năm vị quý phái khác của dòng Sakya
(Thích Ca) là Anuruddha, Bhaddiya, Kimbila và Devadatta. Không bao lâu sau khi
nghe một thời Pháp của Đại Đức Punna Mantaniputta, Ngài đắc Quả Tu Đà Hườn
(Sotapatti, Nhập Lưu), tầng đầu tiên trong tứ thánh.
Khi Đức Phật được năm mươi lăm
tuổi thì Đại Đức Ananda trở thành vị thị giả chánh.
Trong khoảng hai mươi năm sau
khi Đức Phật Thành Đạo, Ngài không có chọn ai làm người hầu cận thường trực.
Một vài vị tạm thời hầu Đức Phật, nhưng tỏ ra không được chuyên cần và phẩm
hạnh không đúng mực thanh cao. Ngày kia, tại Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá), Đức
Phật gọi các đệ tử đến và dạy:
"Giờ đây Như Lai đã lớn
tuổi, này các Tỳ Khưu, lắm khi Như Lai nói: Ta hãy đi lối này, thì có người lại
đi lối kia. Cũng có người đánh rơi y, bát của Như Lai. Vậy các Thầy hãy chọn
một người để thường xuyên hầu cận Như Lai." [3]
Từ Đức Sariputta (Xá Lợi Phất)
trở xuống, hầu hết các vị Tỳ Khưu đều xin được phục vụ Đức Phật, nhưng Ngài
khước từ tất cả. Lúc ấy Đại Đức Ananda ngồi im lặng một bên. Các vị khác khuyên
Ngài xin, và Ngài quỳ lên xin được phục vụ Đức Phật với tám điều kiện:
1.- Đức Phật không ban cho Ngài
(Ananda) những bộ y mà thiện tín dâng đến Đức Phật
2.- Đức Phật không ban cho Ngài
những vật tực do thiện tín dâng đến Đức Phật.
3.- Đức Phật không cho phép Ngài
cùng ở chung trong một tịnh thất với Đức Phật.
4.- Đức Phật không cho phép Ngài
cùng đi với Đức Phật đến nơi mà thí chủ chỉ thỉnh Đức Phật.
5.- Đức Phật sẽ hoan hỷ cùng đi
với Ngài (Ananda) đến nơi nào có một thí chủ thỉnh Ngài (Ananda) đến.
6.- Đức Phật sẽ hoan hỷ cho phép
Ngài được tiến dẫn những vị khách từ phương xa đến yết kiến Đức Phật.
7.- Đức Phật sẽ hoan hỷ cho phép
Ngài đến bạch Đức Phật một khi có điều hoài nghi phát sanh.
8.- Đức Phật sẽ hoan hỷ lặp lại
thời Pháp mà Đức Phật giảng lúc không có mặt Ngài tại đó.
Đức Phật chấp thuận tám điều
thỉnh cầu, bốn có tính cách tiêu cực và bốn có tính cách tích cực, của Đại Đức
Ananda và kể từ đấy, Đại Đức Ananda trở nên vị thị giả, hầu cận thường xuyên
Đức Phật đến giờ phút cuối cùng, trong suốt hai mươi lăm năm trường.
Như bóng theo hình, Ngài theo
Đức Phật đi khắp mọi nơi, rất chuyên cần chăm sóc mọi nhu cầu của Đức Phật với
mọi lòng kính mến và quý trọng. Đêm như ngày, lúc nào Ngài cũng sẵn sàng để
phụng sự Đức Phật.
Kinh sách ghi rằng đêm đêm Đại
Đức Ananda tay cầm gậy, tay cầm đuốc đi quanh tịnh thất của Đức Phật chín lần
để giữ mình khỏi ngủ quên và để Đức Phật khỏi bị quấy rầy.
Cây bồ đề Ananda
Cây Bồ Đề mang tên là Ananda vì
chính Ngài đã trồng nó.
Lúc bấy giờ, thiện tín đến hầu
Đức Phật thường mang theo bông hoa hay những tràng bông để cúng dường. Trong
những lúc Đức Phật đi vắng thì thiện tín đặt những thứ hoa ấy trước cửa tịnh
thất Ngài rồi ra về. Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) thấy vậy thỉnh cầu
Đại Đức Ananda bạch với Đức Phật xem có nơi nào khác để thiện tín có thể đến lễ
bái cúng dường trong lúc Đức Phật mắc bận châu du hoằng Pháp, không có mặt ở
chùa.
Đại Đức Ananda vào hầu Đức Phật
và bạch:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, có
bao nhiêu bảo vật để chúng sanh lễ bái cúng dường (Cetiyani)? Xin Ngài hoan hỷ
giải thích."
- Này Ananda, có tất cả ba. Đó
là: Những vật để chúng sanh lễ bái cúng dường có liên quan đến thân (Sarikira)
[4], những vật liên quan đến đồ dùng riêng (Paribhogika), và những vật để tưởng
niệm Đức Phật (Uddesika).
- Bạch hóa Đức Thế Tôn, trong
lúc Ngài còn tại tiền, có nên xây dựng tháp thờ Ngài không?
- Không, vật để chúng sanh lễ
bái cúng dường có liên quan đến thân chỉ nên được kiến tạo sau khi Như Lai nhập
diệt. Vật lễ bái cúng dường để tưởng niệm Đức Phật hoàn toàn thuộc về tinh
thần, những vật kỷ niệm ấy chỉ là những vật tượng trưng, không có một căn bản
vật chất. Nhưng cây Bồ Đề to lớn mà xưa kia đã có lần che mưa đỡ nắng cho Như
Lai là vật để chúng sanh lễ bái cúng dường, dầu Phật còn tại thế hay đã nhập
diệt.
- Bạch hóa Đức Thế Tôn, khi Ngài
đi thuyết Pháp phương xa, Tịnh Xá Kỳ Viên rộng lớn này không còn nơi nương tựa,
và thiện tín đến đây không biết hướng vào đâu để lễ bái cúng dường. Bạch hóa
Đức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ cho phép con lấy một hột của cây Bồ Đề mẹ để gieo
trồng trước cổng Tịnh Xá.
- Được lắm này Ananda, hãy trồng
đi. Làm thế ấy cũng như luôn luôn có mặt Như Lai ở đây. [5]
Đại Đức Ananda thuật câu chuyện
lại cho những vị đại thí chủ như ông Anathapindika (Cấp Cô Độc), Bà Visakha và
Vua Kosala, rồi xin Đức Moggallana (Mục Kiền Liên) giữ lại một trái chín mùi từ
cây rơi xuống và trao lại Đức Ananda để Ngài dâng cho Vua. Vua đưa cho trưởng
giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) trồng. Một cây Bồ Đề sớm mọc lên tươi tốt, mang
tên là Bồ Đề Ananda. [6]
Đức Ananda và Giới Phụ Nữ
Cũng chính Ngài Ananda thỉnh cầu
Đức Phật chấp nhận giới phụ nữ vào Giáo Hội. Nhờ vậy mà bà Maha Pajapati Gotami
được xuất gia tỳ khưu ni. Toàn thể các tỳ khưu ni đều hết lòng kính mến Ngài.
Một lần nọ, Đại Đức Ananda đến
hầu Đức Phật và bạch:
- Bạch hóa Đức Thế Tôn, chúng
con phải đối xử với nữ giới như thế nào?
- Nầy Ananda, dường như không
trông thấy.
- Nhưng đã trông thấy rồi, bạch
hóa Đức Thế Tôn, chúng con phải làm thế nào?
- Nầy Ananda, không nên nói
chuyện.
- Nhưng nếu được hỏi, chúng con
phải làm thế nào?
- Nầy Ananda, phải cẩn thận đề
phòng, giữ vững chánh niệm.
Lời khuyên dạy tổng quát này
nhắc nhở các vị tỳ khưu phải luôn luôn thận trọng mỗi khi có việc liên quan đến
nữ giới.
Đại Đức Ananda có một trí nhớ lạ
thường. Ngài lại có diễm phúc hy hữu là được thường trực hầu cận Đức Phật và
nghe tất cả những lời giảng dạy của Đức Phật. Vì lẽ ấy, Đại Đức Ananda được xem
là vị Dhama-bhandagarika, "Bảo Thủ Giáo Pháp".
Để trả lời câu hỏi của một vị bà
la môn, Đại Đức Ananda nói đến tri kiến về Giáo Pháp của mình như sau:
"Tám
mươi hai ngàn của chính Đức Phật
Tôi được học. Ngoài ra còn thêm hai ngàn nữa, tôi học với các đạo hữu.
Như vậy, có tất cả tám mươi bốn ngàn bài Pháp mà tôi được học." [7]
Đức Phật liệt Đại Đức Ananda vào
hàng các đại đệ tử của Ngài vì năm lý do: sức học uyên thâm (bahussutanam), trí
nhớ vô cùng trung thực (satimantanam), phẩm hạnh cao thượng (gatimantanam),
kiên trì (dhitimantanam) và chuyên chú cần mẫn (upatthakanam) [8].
Mặc dầu là một đệ tử lỗi lạc,
thông suốt giáo lý, Ngài Ananda vẫn còn sống với Pháp-Học (Sekha), tức là còn
cần phải được rèn luyện thêm nữa, chưa đắc Quả A La Hán, cho đến ngày Đức Phật
nhập diệt. Lời khuyên nhủ cuối cùng của Đức Phật là: "Con đã tạo nhiều
phước báu, Ananda, con sẽ sớm thanh lọc mọi ô nhiễm. [9]"
Mãi đến sau khi Đức Phật nhập
diệt, Đại Đức Ananda mới đắc Quả A La Hán.
Trong buổi Kết Tập Tam Tạng lần
đầu tiên gồm toàn những vị A La Hán, Đức Ananda cần phải giữ một vai trò quan
trọng nên Ngài tận lực cố gắng, đắc Quả trong đêm trước, trong khi nghiêng mình
nằm xuống. Kinh sách ghi rằng Ngài là vị đệ tử duy nhất đắc Quả A La Hán ngoài
lúc đi, đứng, nằm, ngồi [10].
Đại Đức Ananda nhập diệt lúc
được một trăm hai mươi tuổi thọ. Bản chú giải Kinh Pháp Cú ghi rằng lúc ấy, vì
dân cư ở hai bên bờ sông Rohini đều hết lòng kính mến và ước muốn cung phụng
Ngài, và cả hai bên bờ đều mong mỏi được tôn thờ Xá Lợi của Ngài, nên Ngài dùng
thần thông ngồi trên không trung, giữa dòng sông, thuyết Pháp cho đám đông và
phát nguyện rằng một phần nhục thể của mình sẽ rơi một bên bờ và phần còn lại
sẽ rơi xuống bờ bên kia. Rồi Ngài chú tâm hành thiền về đề mục Lửa (Tejokasina
Samapatti). Tức khắc lửa phừng nổi dậy từ thân Ngài, và như ý nguyện, một phần
nhục thể của Ngài rơi xuống một bên bờ và phần khác rơi xuống bờ bên kia.
Kinh Theragatha có ghi lại nhiều
bài kệ do Đại Đức Ananda đọc trong nhiều trường hợp. Những dòng thơ rất ý nhị
sau đây của Ngài đề cập đến tánh cách tạm bợ của cái gọi là thân hình đẹp đẽ:
"Hãy xem kìa hình thể giả dối, phỉnh phờ của cái bù
nhìn.
Một khối đau đớn khốn khổ,
Một ổ chứa đựng bệnh tật đông đầy như kiến cỏ,
Bao nhiêu kế hoạch và mục tiêu.
Nhưng trong ấy (kế hoạch và mục tiêu) không có mảy may khả năng tồn tại.
Hãy nhìn kìa, hình dáng giả dối, nhờ những món đồ phụ thuộc bên ngoài trang
trí,
Nhưng tất cả chỉ là bộ xương, bên trong một bao da. [11]"
Đức Phật và Bà Di Mẫu Maha Pajapati
Gotami
Maha Pajapati Gotami là em gái
út của Vua Suppabuddha. Chị cả của bà là Hoàng Hậu Maha Maya. Cả hai chị em đều
là Hoàng Hậu của Vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Bà có hai người con, một gái tên
Nandã và một trai là Nanda, về sau cả hai đều xuất gia. Đến khi Hoàng Hậu Maha
Maya mệnh chung, bà nuôi dưỡng cháu là Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta). Con trai
bà, Nanda, thì nhờ một bà vú cho bú và chăm sóc.
Tên tộc bà là Gotami. Gọi là
Maha Pajapati bởi vì các nhà tiên tri lúc bấy giờ tiên đoán rằng về sau bà sẽ
cầm đầu một đám đông người. Khi Đức Phật trở về cung điện và thuyết bài Pháp
Dhammapala Jataka, Trì Pháp Túc Sanh Truyện, thì bà đắc Quả Tu Đà Hườn.
Sau khi đức vua thăng hà, lúc
bấy giờ cả hai con trai bà, Thái Tử Siddhattha và Hoàng Tử Nanda đều thoát ly
thế tục, bà quyết định xuất gia và sống đời thiêng liêng cao cả. Khi Đức Phật
đến Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) để giàn xếp một vụ tranh chấp giữa hai thân tộc
Sakya và Koliya về một con kinh đào từ con sông Rohini, Ngài ngự tại vườn
Nigrodha. Bà Pajapati Gotami đến gần và cung thỉnh Đức Phật hoan hỷ cho phép nữ
giới được xuất gia. Bà bạch như sau:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, sẽ
là một đại hạnh cho nữ giới nếu Đức Thế Tôn chấp nhận cho hàng phụ nữ được phép
từ bỏ nếp sống gia đình để khép mình vào đời sống không nhà cửa, trong khuôn
khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Như Lai đã công bố."
Đức Phật từ chối ngay, nhưng
không nêu lý do.
Lần thứ nhì và lần thứ ba, bà
Maha Pajapati Gotami lặp lại lời thỉnh cầu, nhưng Đức Phật một mực từ chối.
Sau khi ở Kapilavatthu một thời
gian, Đức Phật đi lần hồi đến Vesali. Ngài ngự tại Mahavana, trong đền
Kutagara.
Bà Pajapati Gotami đã quyết tâm.
Không nản chí trước lời chối từ của Đức Phật, bà xuống tóc, đắp y vàng, và cùng
một số đông những mệnh phụ phu nhân của dòng Sakya (Thích Ca), đi bộ từ
Kapilavatthu, trải qua nhiều gian khổ đến Vesali, một khoảng đường dài độ hai
trăm cây số. Với đôi chân sưng vù, thân thể lấm lem cát bụi, bà đến Vesali,
đứng một bên cổng của tịnh thất, nơi Đức Phật ngự. Đại Đức Ananda thấy bà đang
khóc nên đến hỏi han. Sau khi được biết về tình trạng sầu muộn của bà, Ngài đến
hầu Đức Phật và bạch:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, xin
Ngài hãy nhìn kìa, bà Pajapati Gotami đang đứng phía ngoài cổng, chân sưng vù,
mình mẩy lấm lem đầy cát bụi, và trông có vẻ rất âu sầu phiền muộn. Xin Đức Thế
Tôn hoan hỷ chấp thuận cho hàng phụ nữ được từ bỏ đời sống gia đình và khép
mình vào nếp sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà
Ngài đã công bố.
"Bạch Đức Thế Tôn, sẽ là
một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ gia đình và sống đời
không nhà cửa."
- Đủ rồi, Ananda, Như Lai không
thể chấp nhận cho hàng phụ nữ xuất gia.
Lần thứ nhì và lần thứ ba Đức
Ananda cố van nài, nhưng Đức Phật một mực chối từ.
Đại Đức Ananda kính cẩn bạch:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn,
người phụ nữ có khả năng để thành tựu đắc Quả Tu Đà Hườn (Sotapanna), Tu Đà Hàm
(Sakadagami), A Na Hàm (Anagami) và A La Hán không, nếu họ có thể tiến bước từ
cuộc sống gia đình đến đời sống không nhà cửa và khép mình vào khuôn khổ của
Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Thế Tôn đã công bố?"
Đức Phật trả lời rằng hàng phụ
nữ sẽ có đủ khả năng thành tựu các thánh Quả.
Được khích lệ bằng câu trả lời
thuận lợi ấy, Đại Đức Ananda thiết tha thỉnh cầu Đức Phật một lần nữa:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, nếu
vậy hàng phụ nữ cũng có đủ khả năng để thành đạt các thánh Quả. Lệnh bà Maha
Pajapati Gotami đã có rất nhiều công nuôi dưỡng Đức Thế Tôn - vừa là bà dì, vừa
là bà vú nuôi. Bà đã nuôi Đức Thế Tôn bằng sữa của chính bà, và bồng bế Ngài
trong lòng thay Đức Hoàng Hậu.
"Sẽ là một đại hạnh cho nữ
giới nếu hàng phụ nữ được chấp thuận từ bỏ thế gian để khép mình vào nếp sống
không nhà cửa, trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Đức Như Lai đã
công bố."
- Này Ananda, nếu bà Maha Pajapati
Gotami chấp thuận Tám Giới Chánh [12] bà sẽ được phép thành lập Giáo Hội Tỳ
Khưu Ni. Tám Giới Chánh ấy là:
1.- Tỳ khưu ni, dầu được trăm tuổi hạ, phải chào hỏi một tỳ
khưu, phải đứng dậy trước vị tỳ khưu, đảnh lễ và thực hành bổn phận đối với tỳ
khưu, mặc dầu vị này chỉ mới xuất gia ngày hôm ấy.
2.- Tỳ khưu ni không thể nhập Hạ (Vassa) nơi nào không có tỳ
khưu.
3.- Đến kỳ sám hối, tỳ khưu ni phải hỏi các tỳ khưu chừng nào
có lễ Phát Lồ (Uposatha) [13] và giờ nào các ngài đến họp.
4.- Khi mãn thời gian kiết hạ, mỗi tỳ khưu ni phải hành lễ Tự
Tứ (Pavarana) [14], chánh thức ra Hạ trước mặt những vị tỳ khưu và tỳ khưu ni
khác (để kiểm thảo xem trong ba điều, thấy, nghe, và hoài nghi, mình có lầm lỗi
điểm nào không).
5.- Tỳ khưu ni đã phạm trọng tội phải chịu phạt Manatta [15]
trước chư Tăng và chư Ni.
6.- Nữ sa di (Sikkhamana) đã thọ trì sáu giới trong thời gian
hai năm, có thể xuất gia tỳ khưu ni trước chư Tăng và chư Ni.
7.- Bất luận ở trường hợp nào, tỳ khưu ni không có quyền
khiển trách hay nặng lời với tỳ khưu.
8.- Tỳ khưu không được sám hối với tỳ khưu ni, nhưng tỳ khưu
ni có thể sám hối với những tỳ khưu.
Những giới luật trên đây phải
được tôn trọng trọn đời, phải được kính nể và không được thay đổi, xê dịch.
Khi Đại Đức Ananda thuật lại thì
bà Maha Pajapati Gotami hoan hỷ chấp nhận, ưng thuận tôn trọng Tám Giới Chánh
ấy. Do sự ưng thuận này bà đương nhiên được phép thọ cụ túc giới, xuất gia tỳ
khưu ni.
Khi Đức Phật chấp thuận cho
thành lập Giáo Hội các Tỳ khưu ni, Ngài đã tiên đoán những hậu quả và lưu ý:
" Này Ananda, nếu nữ giới
không được chấp thuận xuất gia để khép mình vào nếp sống không nhà cửa trong
khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống xuất
gia và Giáo Pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu dài. Nhưng nữ giới đã được phép sống
đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo Pháp cao siêu chỉ còn tồn tại
phân nửa thời gian. [16]"
Và Đức Phật thêm:
"Này Ananda, trong nhà nào
có đông phụ nữ và ít nam giới, thì trộm cướp sẽ dễ lọt vào. Cũng dường thế ấy,
trong bất luận Giáo Pháp và Giới Luật nào, nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ thế
gian và sống đời không nhà cửa, thì đời sống thiêng liêng sẽ không tồn tại lâu
dài, và cũng như người kia đắp bờ đê bên cạnh hồ nước rộng lớn để chặn nước
khỏi tràn qua, Như Lai lo ngăn chặn trước, khi ban hành "Tám Giới
Chánh" cho các tỳ khưu ni, buộc phải giữ nguyên vẹn trọn đời."
Khi giải thích như vậy, có thể
Đức Phật không làm vừa lòng nữ giới, nói một cách tổng quát, nhưng Ngài không
cố ý làm giảm suy giá trị của hàng phụ nữ, mà chỉ ghi nhận bản chất yếu đuối
của phái này.
Nên ghi nhận rằng Đức Phật là vị
Giáo Chủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã thành lập một Giáo Hội cho nữ giới
với đầy đủ giới luật. Cũng như bên nam môn sinh có hai vị đại đệ tử là Đức
Sariputta (Xá Lợi Phất) và Đức Moggallana (Mục Kiền Liên), trong Giáo Hội Tỳ
Khưu Ni, Đức Phật chỉ định hai vị, Khema và Uppalavana, làm Ni trưởng.
Ngày kia, Tỳ Khưu Ni Maha
Pajapati Gotami đến hầu Đức Phật và xin Ngài ban cho phép tu học để bà cố gắng
thành tựu mục tiêu tối hậu. Đức Phật dạy:
"Này Gotami, trong bất luận
Giáo Lý nào, phải nhận thức rõ ràng, rằng những điều này dẫn đến khát vọng -
không dẫn đến an vui, đến tính ngã mạn - không đến lòng tôn kính, đến ham muốn
nhiều - không muốn ít, thích cảnh phồn hoa đô thị - không ưa ẩn dật, dã dượi -
không cố gắng, khó được thỏa mãn - không có đức hạnh tri túc; thì đúng như vậy,
Gotami, phải hiểu biết rằng Giáo Lý ấy không phải là Chánh Pháp (Dhamma), không
phải là Giới Luật (Vinaya), không phải là giáo huấn của Đức Đạo Sư." [17]
"Nhưng trong bất luận Giáo
Lý nào, phải nhận thức rõ ràng, rằng những điều này dẫn đến an vui - không đưa
đến khát vọng, đến lòng tôn kính - không đến tính ngã mạn, muốn ít - không tham
nhiều, thích ẩn dật - không ưa phồn hoa đô thị, tận lực cố gắng - không dã dượi
hôn trầm, có hạnh tri túc - không khó được thỏa mãn; thì đúng vậy, Gotami, phải
hiểu rằng Giáo Lý ấy hẳn là Chánh Pháp (Dhamma), là Giới Luật (Vinaya), là Giáo
Huấn của Đức Đại Sư."
Ít lâu sau đó bà đắc Quả A La
Hán với tri kiến phân tích (Patisambhida) [18] cùng trí tuệ trực giác.
Các mệnh phụ phu nhân dòng Sakya
(Thích Ca) đã thọ lễ xuất gia cùng lúc với bà cũng đắc Quả A La Hán.
Trong hàng nữ đệ tử của Đức
Phật, bà Maha Pajapati được liệt vào hàng cao hạ và nhiều kinh nghiệm nhất
(Rattannu).
Kinh Therigatha có ghi nhiều
dòng thơ do bà đọc lên sau khi đắc Quả A La Hán.
Chú thích:
[1] Dhammapada, Kinh Pháp Cú,
câu 13-14
[2] Psalms of the Brethren,
trang 127. Câu 157-158
[3] Jataka, Túc Sanh Truyện, số
456. Jataka Translation, tập IV, trang 61.
[4] Như ngọc Xá Lợi của Đức
Phật.
[5] Kalingabodhi Jataka, số 479.
Jataka, tập IV trang 228. Jataka Translation, tập IV, trang 142.
[6] Đây là cội cây lịch sử cao
niên nhất được sùng bái. Cội Bồ Đề này đến nay vẫn còn sống tại Sahet Mahet
(tên hiện tại), trước kia là Savatthi, Ấn Độ.
[7] Psalms of the Brethren,
trang 354. Theragatha, câu 1424.
[8] Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt
A Hàm, tập 1, trang 24. Gradual Sayings, phần 1, trang 19
[9] Digha Nikaya, Trường A Hàm -
Parinibbana Sutta, Kinh Đại Niết Bàn.
[10] Buddhist Legends, tập III,
trang 160.
[11] Psalms of the Brethren,
trang 353. Theragatha, câu 1020. Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 147.
[12] Trong Tám Giới Chánh này,
người tại gia cư sĩ có thể khó hiểu được một vài giới vì những giới này chỉ
liên quan đến hàng xuất gia.
[13] Vào những ngày Rằm và Mùng
Một các vị tỳ khưu họp lại, đọc những giới luật căn bản.
[14] Nghi thức chấm dứt thời kỳ
kiết hạ.
[15] Một hình thức phạt kỷ luật.
[16] Xem Gradual Sayings, IV
trang 184.
[17] Vinaya Texts, phần III,
trang 329-330. Gradual Sayings, phần iv, trang 186-187.
[18] Hiểu biết phân tích về ý
nghĩa (Attha), Pháp (Dhamma), căn nguyên (Nirutti), và thấu đáo cả ba
(Patibhana).