[38]
Con Đường Niết Bàn (III)
"Tất cả các pháp hữu vi [1]
đều vô thường,
Tất cả các pháp hữu vi đều đau khổ
Tất cả các pháp, hữu vi và vô vi, đều vô ngã."
-- Kinh Pháp Cú
Tuệ Minh Sát (Vipassana)
Khi đã tạm thời chế ngự
các pháp Triền Cái (Nivarana) tức năm chướng ngại tinh thần, tâm hành giả trở
nên trong sạch như mặt kiếng được lau chùi bóng loáng, phản chiếu mọi sự vật
một cách rõ ràng, đúng với sự thật. Tuy nhiên, tâm định chỉ tạm thời đè nén
những tư tưởng bất thiện mà không tận diệt. Các tâm bất thiện này có thể trồi
lên mặt và tái phát một cách bất ngờ, bất cứ lúc nào.
Giới luật điều hoà hành động và
lời nói. Định kiểm soát tâm. Nhưng chính Tuệ (Panna), giai đoạn cuối cùng, giúp
người có nguyện vọng từ phàm trở nên thánh tận diệt mọi ô nhiễm mà tâm định tạm
thời chế ngự.
Hành giả bắt đầu phát triển quan
kiến trong sạch (ditthi-visuddhi, kiến tịnh) [2] để nhận thấy chân tướng của
vạn pháp. Với tâm an trụ vào một điểm, hành giả phân tách và quan sát cái gọi
là chúng sanh. Sự dò xét và quan sát này cho thấy rằng cái được gọi là
"Ta", cá thể, hay tự ngã, chỉ là sự cấu thành phức tạp của tâm và cơ
thể vật chất, danh và sắc. Cả hai đều ở trạng thái luôn luôn biến đổi, luôn
luôn trôi chảy, như một dòng suối trường lưu bất tức.
Khi đã có được quan kiến chân chánh
về bản chất thực sự của cái gọi là chúng sanh và hoàn toàn dứt khoát với mọi ảo
tưởng về một linh hồn trường cửu, hành giả cố tìm những nguyên nhân sanh ra cái
"Ta" và nhận định rằng thế gian này không có sự tự nhiên phát sanh mà
không tùy thuộc ở một, hay nhiều điều kiện, trong hiện tại, hay trong quá khứ.
Vạn pháp đều do duyên sanh. Hành giả nhận định rằng kiếp sống của mình có đây
là do vô minh (avijja), ái dục (tanha), thủ (upadana), và nghiệp (kamma), của
kiếp quá khứ, và vật thực (oja) trong kiếp sống hiện tại. Do năm nguyên nhân
ấy, cái gọi là chúng sanh được cấu tạo. Nguyên nhân quá khứ tạo điều kiện cho
hiện tại, và cùng thế ấy, hiện tại tạo điều kiện cho tương lai. Chú tâm suy
niệm như thế ấy hành giả vượt lên mọi hoài nghi về quá khứ, hiện tại và tương
lai. [3]
Tiếp theo, hành giả suy niệm
rằng tất cả các vật cấu tạo, hay các pháp hữu, vi đều vô thường (anicca), phải
chịu đau khổ (dukkha), và không có một linh hồn trường cửu phải bất diệt
(anatta). Hướng tầm mắt vào bất luận nơi nào, hành giả chỉ nhìn thấy ba đặc
tướng ấy phát rộ rành mạch, rõ ràng, không thể lầm lẫn. Bây giờ hành giả nhận
thức rằng kiếp sống chỉ là một sự trôi chảy, một di động liên tục, không gián
đoạn. Dù ở các cảnh Trời hay trên quả địa cầu, hành giả không tìm được nơi nào
có hạnh phúc thật sự, bởi vì mỗi hình thức khoái lạc chỉ là bước đầu, mở đường
đến đau khổ. Do đó, cái gì vô thường tất nhiên phải chịu đau khổ, và nơi nào
đau khổ và biến đổi chiếm ưu thế thì không thể có một tự ngã trường tồn vĩnh
cửu.
Khi cố tâm chuyên chú hành thiền
như thế ấy, sẽ có một ngày kia, trước sự ngạc nhiên của chính mình, hành giả
chứng kiến một ánh hào quang (obhasa) phát tủa ra từ thân mình. lúc ấy hành giả
thọ cảm trạng thái thoả thích, hạnh phúc và vắng lặng, trước kia chưa từng bao
giờ được biết. Hành giả càng củng cố tâm định và tinh tấn thêm. Tâm đạo nhiệt
thành càng tăng trưởng, tâm niệm toàn hảo, và Tuệ Minh Soát càng trở nên sâu
sắc một cách lạ thường.
Lầm tưởng mức tiến bộ khá cao ấy
là Đạo Quả Thánh, nhất là vì thấy có hào quang, hành giả phát triển tâm ưa
thích trạng thái tinh thần ấy. Nhưng sớm nhận thấy rằng những hiện tượng mới ấy
chỉ làm trở ngại cho những tiến bộ tinh thần mới ấy, hành giả trau giồi và phát
triển "trạng thái trong sạch của sự hiểu biết" liên quan đến
"Con Đường và Không-Phải-Con-Đường". [4]
Đã nhận thức con đường chân
chánh, hành giả gom tâm quán tưởng vào sự phát sanh (udaya nana, tuệ sanh) và
sự hoại diệt (vaya nana, tuệ diệt) của tất cả các pháp hữu vi. Trong hai trạng
thái sanh và diệt, sự hoại diệt nổi bật chiếm ưu thế hơn, nên dần dần gây ấn
tượng mạnh hơn trong tâm hành giả, bởi vì sự thay đổi được nhận thấy dĩ nhiên
và rõ ràng hơn sự trở thành. Do đó, hành giả hướng tâm chú niệm của mình về sự
phân tán của sự vật (bhanga nana, tuệ diệt) và nhận định rằng cả hai, danh và
sắc, hai thành phần cấu tạo cá nhân mình luôn luôn ở trong trạng thái đổi thay,
trôi chảy, không thể tồn tại giống hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Bây giờ,
phát sanh đến hành giả sự hiểu biết rằng tất cả những gì bị phân tán đều là đáng
sợ (bhaya nana, tuệ kinh hãi). Toàn thể thế gian phát hiện trước mắt hành giả
như một đống củi đang phừng cháy, một nguồn hiểm họa. Kế đó là hành giả suy
tưởng về tánh chất rách nát, đổ vỡ và tạm bợ nhất thời (adinava nana, tuệ hiểm
nguy) của thế gian đáng kinh sợ này và có cảm giác nhàm chán nó (nibbida nana,
tuệ chán nản) và nảy sanh ra ý muốn tẩu thoát ra khỏi đó (muncitukamyata nana,
tuệ muốn giải thoát).
Hướng về đối tượng ấy, hành giả
chú tâm niệm trở lại vào ba đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã (patisankha nana,
tuệ suy tư) và sau đó phát triển tâm xả chọn vẹn, hoàn toàn thản nhiên đối với
tất cả các pháp hữu vi - không luyến ái cũng không ghét bỏ, hay bất toại nguyện
- đối với bất luận sự việc gì trên thế gian (sankharupekkha nana, tuệ xả hành).
Chín loại tuệ giác ấy: udaya,
vaya, bhanga, bhaya, adinava, nibbida, muncitukamyata, patisamkha, và
upekkha-nanas có tên chung là "patipada nana dassana visuddhi", trạng
thái trong sạch của sự hiểu biết và trông thấy có liên quan đến Con Đường hay
pháp hành, Đạo Tri Kiến Tịnh, giai đoạn thứ sáu của Con Đường Trong Sạch (Thanh
Tịnh Đạo).
Khi đạt đến mức độ tinh thần
này, hành giả chọn một trong ba loại đặc tướng, vô thường, khổ, vô ngã, cái nào
thích hợp nhất với mình và gia công khai triển tuệ giác theo chiều hướng ấy cho
đến ngày vẻ vang tươi sáng mà hành giả thành tựu mục tiêu cuối cùng - Đạo Quả
Niết Bàn. [5]
"Cũng như người đi trong
đêm tối nhờ trời chớp, nhìn thấy quang cảnh quanh mình rồi giữ lại hình ảnh ấy
trước mắt một lúc lâu. Cũng thế ấy, do cái chớp bật sáng lên của tuệ giác, hành
giả nhoáng chứng ngộ Niết Bàn một cách rõ ràng và hình ảnh ấy lưu lại trong
tâm, không còn phai mờ nữa." [6]
Người đã thành tựu Niết Bàn lần
đầu tiên được gọi là Tu Đà Huờn (Sotapanana, Nhập Lưu), có nghĩa là người bước
vào dòng suối chảy đến Niết Bàn lần đầu tiên.
Dòng suối là Bát Chánh Đạo.
1) Vị Tu Đà Huờn (Sotapanna) không còn là người phàm tại thế
(puthujjana) nữa. Ngài đã là bậc Thánh Nhân (Ariya).
Khi bước vào dòng suối, vị Tu Đà
Huờn đã tận diệt ba Thằng Thúc (Samyojana), tức là ba trong mười dây trói buộc
cột chúng sanh vào cuộc phiêu lưu vô tận, sanh tử triền miên trong vòng luân
hồi. Ba dây trói buộc ấy là:
a. Sakkaya-ditthi = sati + kaye + ditthi - Thân Kiến.
Theo đúng nghĩa là quan kiến
trong khi có một nhóm hay một hợp tổ tồn tại. Ở đây, danh từ Kaya ám chỉ năm
uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tin rằng có một thực thể không biến đổi, một
linh hồn trường cửu, trong khi đó chỉ là một sự cấu thành phức tạp của những
uẩn tâm-vật-lý, được gọi là Sakkaya-dithi. Kinh Dhammasangani (trong Vi Diệu
Pháp) kể ra hai mươi loại lý thuyết khác nhau về linh hồn. Sakkaya-ditthi,
thường được phiên dịch là ảo kiến về cái ta, hay thân kiến, lý thuyết về bản
ngã hay ảo ảnh của bản ngã luận.
b.. Vicikiccha - Hoài Nghi. Có sự hoài nghi về:
1. Đức Phật, 2. Giáo Pháp, 3.
Giáo Hội Tăng Già, 4. Giới Luật, 5. Quá Khứ, 6. Vị Lai, 7. Cả Hai, Quá Khứ và
Vị Lai, và 8. Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada).
c. Silabbataparamasa - Giới Cấm Thủ.
Tin tưởng vào những nghi thức và
lễ cúng (sai lầm). Kinh Dhammasangani giải thích điểm này như sau:
"Có giáo lý của những vị tu
sĩ và những vị Bà La Môn, ngoài giáo lý này (tức ngoài Phật Giáo), dạy rằng có
thể tự thanh lọc bằng cách giữ giới hay bằng nghi thức cúng tế hay bằng cả hai,
nghiêm trì giới luật và theo đúng nghi thức cúng tế."
Để tận diệt bảy Thằng Thúc còn
lại, vị Tu Đà Huờn còn phải tái sanh nhiều lắm là bảy lần. Niềm tin nơi Đức
Phật, Giáo Pháp và Giáo Hội Tăng Già của các Ngài thật hoàn toàn vững chắc. Bất
luận trong trường hợp nào và không vì lý do gì, các Ngài còn vi phạm năm giới
căn bản. Các Ngài không còn tái sanh vào cảnh khổ.
2) Từ đây hành giả, bây giờ là bậc thánh nhân, đã nhoáng
chứng Niết Bàn từ xa, càng quyết tâm gia công, tiến bộ nhanh chóng, kiện toàn
Tuệ Giác, thành tựu Đạo Quả Tư Đà Hàm (Sakadagami), tầng
nhì trong bốn tầng thánh, bằng cách làm suy giảm hai Thằng Thúc là tham dục hay
lòng tham duyên theo Dục Giới (kamaraga) và bất toại nguyện (patigha). Danh từ
"Sakadagami" có nghĩa là Nhứt Lai. Gọi vị Tư Đà Hàm là Nhứt Lai vì
Ngài còn tái sanh trong cảnh người chỉ một lần nữa thôi, nếu trong kiếp hiện
tiền Ngài chưa đắc được Đạo Quả A La Hán. Nên ghi nhận rằng vị Thánh Nhân đắc
được tầng thứ nhì chỉ có thể làm suy giảm sức trói buộc chặt chẽ của hai Thằng
Thúc đã cột trói Ngài từ quá khứ vô tận. Đôi khi các Ngài cũng còn phải bận rộn
với một vài tư tưởng luyến ái và sân hận, nhưng ở mức độ rất thấp.
3) Chí đến khi thành đạt tầng thánh thứ ba, A Na
Hàm (Anagami, Bất Lai), hành giả mới trọn vẹn tận diệt hai
Thằng Thúc ấy. Kể từ đó, Ngài không còn tái sanh vào cảnh người hay các cảnh
trời Dục Giới nữa vì đã hoàn toàn tận diệt mọi ham muốn thoả mản vật chất của
Dục Giới.
Sau khi viên tịch ở đây, Ngài
tái sanh vào cảnh giới Vô Phiên Thiên (Suddhavasa, cảnh giới hoàn toàn tinh
khiết), một cảnh giới thích hợp với các vị A Na Hàm. Ngài sẽ chứng đắc Đạo Quả
A La Hán và sống hết tuổi thọ trong cảnh giới này. Một người cư sĩ Đắc Quả A Na
Hàm sẽ sống độc thân.
4) Bậc Thánh Nhân A Na Hàm cố gắn thành tựu bước tiến cuối
cùng để tận diệt năm Thằng Thúc còn lại là: luyến ái những cảnh Sắc Giới
(Ruparaga), luyến ái những cảnh Vô Sắc Giới (Aruparaga), ngã mạn (mana), phóng
dật (uddhacca) và vô minh (avijja), và đắc Quả A La Hán,
mức đến cuối cùng.
Những vị Tu Đà Huờn, Tư Đà Hàm
và A Na Hàm được gọi là Sekhas (ta thường dịch là "bậc hữu học",
trong ý nghĩa là những vị "còn phải học thêm nữa"), bởi vì các Ngài
còn cần phải tu luyện thêm nữa mới đến mức tuyệt đỉnh. Chư vị A La Hán được gọi
là Asekhas (thông thường được gọi là "bậc vô học") vì các Ngài không
còn phải học hành thêm.
Một vị A La Hán (đúng theo căn
nguyên của danh từ Arahant, là bậc xứng đáng thọ lãnh vật cúng dường, Ứng Cúng)
không còn tái sanh nữa vì Ngài không còn tạo nghiệp mới. Mầm giống tái tạo đã
bị tận diệt.
Vị A La Hán nhận thức rằng tất
cả những điều kiện phải làm đã làm xong, gánh nặng phiền não đã được đặt xuống
và tất cả những hình thức ái dục, tất cả những mức độ vô minh đều hoàn toàn
được tiêu diệt, loại trừ. Vị hành giả hữu phước ấy bấy giờ đã đến mức tột đỉnh,
cao hơn tất cả các cảnh Trời, hoàn toàn dứt bỏ mọi tham vọng và mọi ô nhiễm của
thế gian, và chứng nghiệm hạnh phúc vô cùng cao thượng mà ngôn ngữ trần gian
phàm tục không thể mô tả - hạnh phúc Niết Bàn.
Tuy nhiên, ngày nào còn mang cơ
thể vật chất này, một vị A La Hán vẫn còn phải chịu đau đớn về vật chất.
Ta có thể ghi rằng các vị A Na
Hàm hay A La Hán nào đã phát triển Thiền Sắc Giới và Vô Sắc Giới (Rupa và Arupa
Jhana), ngay trong kiếp sống này có thể chứng nghiệm hạnh phúc Niết Bàn liên
tục trong bảy ngày. Danh từ Pali goị là Nirodha Samapatti - Diệt Thọ Tưởng Định
hay Đại Định [7]. Trong trạng thái này, vị Thánh Nhân hoàn toàn không thọ cảm
đau đớn gì hết và mọi sanh hoạt tinh thần đều ngưng. Luồng tâm tạm thời ngừng
trôi chảy.
Về sự khác biệt giữa người nhập
Nirodha Samapatti, Diệt Thọ Tưởng Định, và người chết, sách Thanh Tịnh Đạo
(Visuddhi Magga) dạy rằng:
"Trong xác chết, chẳng
những mọi năng lực của cơ thể như hơi thở, tiếng nói, tâm đều ngưng động và yên
lặng, mà mọi sự sống cũng đều chấm dứt. Hơi nóng không còn và giác quan cũng
hết nhạy cảm. Trong khi ấy, bên trong vị tỳ khưu nhập Diệt Thọ Tưởng Định, sự
sống, hơi nóng vẫn còn và giác quan vẫn sáng suốt mặc dù hơi thở, sự quan sát
và tri giác đều ngưng động và yên lặng." [8]
Thep Phật Giáo, trong ngôn ngữ
ước định thông thường, ta nói đó là hình thức hạnh phúc cao thượng nhất có thể
có được trong kiếp sống này.
Tại sao, đã đắc Quả Niết Bàn, một vị A
La Hán còn tiếp tục sống trong kiếp người?
Là bởi vì cái nghiệp lực tạo
điều kiện cho Ngài tái sanh trong kiếp sống hiện tiền chưa chấm dứt. Để lặp
lạilời của Schopenhauer, cũng giống như cái bánh xe mà anh thợ lò gốm quay để
uốn nắn món độ Khi nắn xong, giở tay ra, bánh xe vẫn còn quay cho đến lúc hết
trớn.
Hoặc nữa, để ghi lại một hình
ảnh mà kinh sách chúng ta thường dùng, cũng như một cái nhánh mà ta chặt lìa
khỏi thân cây. Nhánh không còn trổ ra thêm lá tươi hay hoa quả nữa, vì không
còn tiếp nhận mủ từ trong thân cây, nhưng lá và hoa đã sẵn có trên cành vẫn tồn
tại thêm một thời gian.
Vị A La Hán tiếp tục sống cho đến
hết kiếp sống hiện tiền, nhưng không tạo nên nghiệp mới và không hề quan tâm
đến sự chết.
Ngài sẽ nói như Đức Sariputta
(Xá Lợi Phất):
"Ta
không quan ngại đến cái chết hay sự sống,
Ta sẽ trải cái thể xác phù du này xuống trong tức khắc
Với tâm sáng suốt và thức tỉnh, hoàn toàn kiểm soát.
Ta không hững hờ với ý tưởng về sự chết, cũng không
Thích thú trong sự sống. Ta chờ thì giờ.
Như người làm thuê đã hoàn tất công việc." [9]
Sau khi vị A La Hán nhập diệt
Như ngọn lửa trước gió có thể
tắt mà ta không thể ghi nhận xem ngọn lửa ấy đi về đâu, cùng thế ấy, Đức Phật
dạy, một vị A La Hán thoát ra khỏi danh-sắc, tâm và vật chất, rồi mất, ta không
thể ghi nhận Ngài đi đâu.
Như vậy, vị A La Hán chỉ biến
mất đi đâu hay quả thật Ngài không còn nữa?
Kinh Nipata dạy rằng người đã
biến "mất" thì không còn hình thể để cho ta nói rằng người ấy
"còn'. Khi tất cả những điều kiện đều chấm dứt thì tất cả mọi vấn đề để
chấm dứt như vậy.
Kinh Udana giải thích điểm phức
tạp này như sau:
"Như
những tia lửa nóng văng tủa tung ra khi anh thợ rèn đập vào cục sắt đỏ. Từng
đớm một phát lên, tủa ra, rồi tắt.
Và không ai biết nó đi về đâu.
Cũng dường thế ấy, những vị đã hoàn tất Đạo Quả Giải Thoát.
Đã vượt qua trận lụt tham ái.
Đã thành tựu hạnh vphúc ắng lặng, các Ngài không lưu lại vết dấu nào."
[10]
Về vấn đề này, bộ Majjhima
Nikaya, Trung A Hàm cũng có ghi lại giai thoại lý thú sau đây: [11]
"Một vị đạo sĩ du phương
hành khất tên Vacchagotta đến yết kiến Đức Phật và hỏi: "Này Đạo Sĩ Cồ
Đàm, một vị tỳ khưu đã giải thoát sẽ tái sanh đi đâu?" Lẽ dĩ nhiên vị đạo
sĩ muốn ám chỉ người đã đắc Quả A La Hán.
"Này Vaccha, nói rằng người
ấy tái sanh thì không đúng.
- Vậy người ấy không tái sanh?
- Nói rằng người ấy không tái
sanh thì không đúng.
- Này Đạo sĩ Cồ Đàm, vậy người
ấy vừa tái sanh vừa không tái sanh?
- Nói rằng người ấy vừa tái sanh
vừa không tái sanh là không đúng.
- Vậy người ấy không tái sanh mà
cũng không tái sanh?
- Này Vaccha, nói người ấy không
tái sanh mà cũng không không tái sanh cũng không đúng."
Trước những câu giải đáp thoáng
nghe hình như không vững ấy, Vaccha lấy làm bối rối và trong tâm trạng mập mờ
ấy, vị đạo sĩ du khất than:
"Này Đạo sĩ Cồ Đàm, quả
thật tôi hết biết gì nữa vấn đề này, và thấy càng rối trí!
"Đủ rồi, Vaccha, không nên
rối trí và không biết gì nữa. Này Vaccha, giáo lý này thật uyên thâm, bí hiểm,
và khó hiểu, tốt đẹp, thật tốt đẹp và không thể thấu hiểu bằng cách luận lý
suông, tế nhị và chỉ có bậc thiện trí mới thấu đạt. Đây là một giáo lý mà
Vaccha khó lãnh hội vì Vaccha trưởng thành trong một giáo phái khác, trong niềm
tin khác, trong tín ngưỡng khác, trong kỷ cương khác và ngồi dưới chân một đạo
sư khác.
"Do đó, hỡi Vaccha, Như Lai
sẽ nêu lên đây những câu hỏi và Vaccha hãy giải đáp theo ý mình. Này Vaccha,
nếu có lửa đang cháy trước mặt, Vaccha có ý thức rằng lửa đang cháy trước mặt
mình không?
- Nếu lửa cháy trước mặt tôi,
tôi sẽ ý thức được rằng lửa đang cháy trước mặt tôi.
- Nếu có người hỏi do đâu lửa
cháy thì Vaccha giải đáp thế nào?
- Tôi sẽ đáp rằng do nhiên liệu,
cỏ và cây khô mà lửa cháy trước mặt tôi.
- Nếu lửa trước mặt Vaccha tắt,
Vaccha có ý thức rằng lửa trước mặt Vaccha tắt không?
- Nếu lửa trước mặt tôi tắt, tôi
sẽ ý thức rằng lửa trước mặt tôi tắt.
- Nếu có người hỏi ngọn lửa tắt
rồi đi về ngã nào? Hướng Đông hay hướng Tây,
Nam hay Bắc?
Vaccha sẽ giải đáp thế nào?
- Câu hỏi đặt như thế không
đúng, hỡi Sa Môn Cồ Đàm, bởi vì lửa cháy do nhiên liệu, cỏ và cây khô. Khi
nhiên liệu hết, không còn nhiên liệu nữa, không còn gì nuôi ngọn lửa nữa, ta
nói rằng ngọn lửa tắt.
- Cũng đúng như vậy, tất cả những
hình thể (sắc), cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), sinh hoạt tinh thần (hành),
và thức đã bị dứt bỏ, diệt tận gốc rễ, giống như ta bứng gốc một cây kè và
không còn gì có thể đâm chồi lên nữa, tắt hẳn.
Vị Thánh Nhân, này Vaccha, đã
vứt bỏ được cái gọi là thân ngũ uẩn này, thật cao siêu, không thể đo lường
được, mênh mông như đại hải. Nói rằng vị ấy tái sanh là không đúng. Nói rằng vị
ấy không tái sanh cũng không đúng, mà nói rằng vị ấy không tái sanh cũng không
không tái sanh cũng không đúng."
Ta không thể nói rằng vị A La
Hán tái sanh, vì mọi khát vọng tạo điều kiện cho sự tái sanh đều bị tận diệt.
Ta cũng không thể nói rằng vị A La Hán tan biến, mất tiêu, trở thành hư vô,
không còn gì hết, at tại, vì không có cái gì để tiêu mất, tở thành hư vô.
Một khoa học gia, Robert
Oppenheimer viết:
"Nếu hỏi rằng vị trí của
điện tử có ở nguyên một chỗ không, ta phải trả lời "không". Nếu hỏi
điện tử có ngừng nghỉ không, ta phải trả lời "không". Nếu hỏi điện tử
có di động không, ta phải trả lời "không".
"Đức Phật cũng giải đáp như
vậy, khi có người hỏi về hiện trạng của con người sau khi chết [12]. Nhưng đó
không phải là những câu trả lời quen thuộc trong truyền thống khoa học của
những thế kỷ mười bảy, mười tám."
Vậy ta có thể kết luận chắc chắn
rằng Niết Bàn được thành đạt bằng cách hoàn toàn chấm dứt mọi ô nhiễm (kilesa).
Nhưng bản chất thật sự của pháp Cao Thượng (Dhamma) ấy không thể diễn đạt bằng
ngôn ngữ.
Về phương diện siêu hình, Niết
Bàn là hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi đau khổ. Về phương diện tâm lý, Niết Bàn
là tận diệt "Tự Ngã". Về phương diện luân lý, Niết Bàn là sự tận diệt
tham, sân, si.
Chú thích:
[1] Pháp hữu vi: những vật và
những hiện tượng phát sanh do điều kiện. Những vật cấu tạo, tùy thế, chỉ hiện
hữu nhờ có duyên sanh.
[2] Kiến Tịnh là giai đoạn thứ
ba của con đường trong sạch (Visuddhi-magga,Thanh Tịnh Đạo).
[3] Kankhavitaranavisuddhi: Đoạn
Nghi Tịnh, giai đoạn thứ tư của Con Đường Trong Sạch (Thanh Tịnh Đạo, Visuddhi
magga).
[4]
Maggamaggananadassanavisudhi: Đạo Phi Đạo Tri Kiến Tịnh, giai đoạn thứ năm của
Thanh Tịnh Đạo.
[5] Tuệ giác trong Con Đường
siêu thế nầy có tên là Nanadassana visudhi, Tri Kiến Tịnh, giai đoạn thứ bảy
của Thanh Tịnh Đạo.
[6] Dr Dhalke.
[7] Nirodha-Samapatti, đúng
nghĩa là "thành đạt sự chấm dứt". Xem "A Manual of Abhihamma",
tác giả Narada, trang 227 và 435.
[8] The Path of Purity, Thanh
Tịnh Đạo, phần 11, trang 872.
[9] Psalm of the Brethen, trang
346.
[10] Woodward, Verses of Uplift,
trang 114.
[11] Kinh Aggivacchagotta,
Majjhima Nikaya, kinh số 72.
[12 ] Lẽ dĩ nhiên, ở đây tác giả
ám chỉ của người đã đắc Quả A La Hán.