Lời cuối sách
Em thân thương của anh!
Từ ngày Liên Tông Sơ Tổ Huệ Viễn đại sư chấn hưng đến nay, bất cứ kẻ tăng người tục, giàu nghèo, nếu tin Phật A Di Đà, chuyên lòng xưng niệm, không có một người nào chẳng được vãng sinh. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Từ phụ có nguyện: “Chúng sinh trong mười phương, hết lòng tin vui, muốn sinh về nước ta, chỉ niệm được mười niệm. Nếu người đó không được sinh về cõi Cực lạc, ta thề không làm Phật”. Theo đại nguyện đó, đức Từ phụ A Di Đà luôn luôn nhớ đến ta, hết lòng tiếp độ. Nếu chúng ta tin Phật, muốn về, cảm ứng phù hợp nhất định sẽ được vãng sinh. Qua những điều hoài nghi của em vừa qua là tâm yếu của pháp môn Tịnh độ, và cũng là điều kiện thiết yếu để thoát ly sinh tử luân hồi.
Phải biết cõi Ta bà khổ não, thân người vô thường. Tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường, luôn luôn sống khổ đau, không bao giờ được yên ổn. Phải biết được việc làm của mình, khả năng của mình có thể đạt được như ý muốn. Những hoài nghi phải được quét sạch không còn chút bụi, tức là lòng tin ta được kiên cố.
Một học sinh muốn tương lai mình bảo đảm, cũng phải gắng chí đèn sách mười năm. Một danh nhân muốn được tiếng là anh hùng, phải vượt qua muôn vạn hiểm nguy mới đến đích. Chàng nông dân muốn thu hoạch được kết quả, phải dãi nắng dầm mưa. Như thế, ước muốn là một động cơ chính thúc đẩy hành giả đi đến thành công. Người tu Tịnh nghiệp cũng thế. Chúng ta đã tin vào đức Phật, tin vào khả năng của chính mình. Nếu thiếu lòng ham muốn thoát khỏi nghiệp khổ sinh tử, về cõi Cực lạc yên vui, chắc chắn lòng tin sẽ bị lui thụt. Do đó, ta phải có lòng nguyện thiết tha, mong được về Cực lạc.
Sau khi lòng tin đã sâu, ý nguyện đã thiết, chúng ta phải thực hành. Trước hết, chúng ta phải thực hiện những trợ hạnh như đoạn ái dục, giữ giới, trường trai. Phải biết sự quan hệ trọng yếu khi lâm chung, sau đó mới chuyên chấp trì danh hiệu hoặc quán tưởng chắc chắn sẽ có kết quả. Nếu trường hợp tâm khó định, ta có thể dùng phương pháp Thập niệm ký số, lần lần vọng niệm đình chỉ. Chừng ấy:
“Nước lặng ngàn trùng không còn sóng gợn
Trời trong xanh biếc chẳng chút mây lồng
Thuyền không thênh thang chở ánh trăng về
Phật chính là tâm và tâm chính là Phật”