Tịnh độ
Thư cho người em Tịnh độ
Tác giả: Thích Hồng Nhơn
05/04/2553 09:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phát tâm độ khắp
 
Ngày 29 tháng 05 Nhâm Tuất 1982.

   Thưa anh! 
   Đường trần nhiều gian khổ, bể trần thăm thẳm mù khơi. Trong ấy, biết bao chúng sinh đang còn lặn ngụp! Dù em đã quyết chí tu hành, nhưng nhìn lại những người thân, những bạn bè đang vui chơi trong nhà lửa, vẫn chưa biết hiểm nguy sắp đến. Từ đó, em muốn có một tâm hồn rộng mở, đứng ra kêu gọi những người còn mê hãy quay về nẻo giác như mình. Nhưng em tự nghĩ mình chưa tự độ mà muốn độ tha, cả hai sẽ cùng bị hại. Nhưng nếu chỉ tự độ riêng mình e sẽ lạc vào thiển kiến của Nhị thừa. Dám mong anh cho vài lời vàng ngọc!

   Em thân thương của anh!
   Phát Bồ đề tâm là một trong những yếu tố quan trọng để thành tựu Tịnh nghiệp, tâm niệm lợi tha sẽ làm cho hạnh tu của con người trở nên cao cả hơn. Do đó, người tu theo pháp môn Tịnh độ phải mở rộng lòng thương, muốn cho mình và người đều được lợi ích, để phù hợp ý muốn Đại thừa của Phật Tổ. Vì thế, nguyện vọng lợi tha của em rất thù thắng, như ngọn đuốc càng mồi nhiều ngọn đuốc, ánh sáng càng to lớn, mà ngọn đuốc gốc chẳng có hại gì, lại còn thêm tăng tấn là khác. Em hãy nghe kỹ những lời dạy của cổ đức…

   Long Thơ Tịnh Độ Văn viết: “Những lời nói về Tịnh độ này, chúng tôi muốn khuyên tất cả mọi người nên phát tâm rộng lớn, lấy tâm Phật làm tâm mình, làm cho tất cả mọi người đều được sinh về Tịnh độ. Nếu chỉ tu cho riêng mình là tâm niệm của hàng Thinh văn Tiểu thừa, như một chiếc xe nhỏ có thể chở một mình, không đem lợi ích gì cho kẻ khác. Nếu người đem pháp môn Tịnh độ rộng truyền cho người khác, gọi là Bồ tát Đại thừa, như một cỗ xe lớn, có thể chở được nhiều người. Mình và người đều có lợi ích, phước đức ấy thật vô lượng, thẳng đến Phật quả. Khuyên người đọc phải tu hành gọi là pháp thí. Pháp môn Tịnh độ lấy pháp thí làm chính, làm con đường siêu xuất luân hồi, phước đức của nó không pháp nào có thể so sánh được. Ngài Đại Từ Bồ Tát dạy: “Khuyên được hai người niệm Phật tu hành, tự mình đã tinh tấn. Khuyên được hơn mười người tu hành, công đức sẽ vô lượng. Khuyên trăm người đến ngàn người tu hành, gọi là Bồ tát. Nếu khuyên được số muôn, tức là Phật A Di Đà”. Xem lời dạy trên, chúng ta thấy một trong những điều kiện sinh về Tây phương là phải phát tâm rộng lớn, làm cho mọi người hiểu được pháp môn tu hành, tức là chứa được vô lượng phước đức”.
Người đói ta cho một bữa ăn, người lạnh ta cho một chiếc áo. Điều đó đã là một ân huệ lớn. Huống chi, người bị chìm đắm trong sáu nẻo không bao giờ ra khỏi, chúng ta đem pháp môn niệm Phật chỉ bày, làm họ thoát khỏi sinh tử luân hồi, nhận được sự sống lâu và vui vẻ không cùng tột, ân huệ ấy thật to lớn vô cùng. Lại nữa, khi về được Cực lạc là không còn luân hồi, được vào địa vị bất thối, thẳng đến thành Phật. Dù rằng mới sinh về Tịnh độ chưa thành Phật ngay, nhưng nó là nền tảng chắc chắn để thành Phật. Vì thế, khuyên một người tu Tịnh độ là giúp một chúng sinh thành tựu Phật quả. Nhờ sự giúp đỡ của ta mà một chúng sinh được thành Phật, công đức bố thí pháp ấy to lớn không thể kể xiết.

   Đại sư Ưu Đàm nói: “Học Phật có nhiều cách. Mở lòng từ bi rộng lớn là chánh hạnh của Bồ tát. Việc làm cốt yếu của lợi tha là khuyên mọi người nên gắng sức gây nhân tốt Tịnh độ. Kinh viết: “Nếu có người lấy hết bảy món báu trong thiên hạ cúng dường chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thinh văn được phước rất nhiều, nhưng không bằng khuyên người niệm Phật được một tiếng, phước đó còn hơn phước cúng dường”. Thật ra, dùng tài vật để bố thí, giúp cho người khác khỏi đói nghèo một đời; dùng thực phẩm bố thí, giúp cho người nuôi mạng sống một vài năm; dùng pháp thí làm cho người khác thoát khỏi sinh tử, công đức rất lớn đâu gì có thể so sánh được!”.

   Đem tiền của bố thí như ngọn đèn chỉ sáng một gian nhà, còn pháp thí như mặt trời soi khắp thế giới. Biết chánh pháp mà không khuyên người khác tu, nhiều kiếp sẽ rơi vào ngục tối. Biết niệm Phật và luôn khuyên dạy người khác niệm Phật, đời này chính thật là Di Đà. Giăng khắp mây lành, hết lời răn nhắc, đem lòng bi nguyện, kết hết Tịnh duyên. Vớt hết kẻ trầm luân trong biển ái, đem kẻ luân hồi ra khỏi sông mê. Tất cả đồng về Cực lạc, trả Phật ơn sâu.

   Phật dạy tuy tự mình chưa được độ, song trước muốn độ người, đó là điều phát tâm của bậc Bồ tát. Mình giác ngộ chưa tròn, lại muốn đem giáo pháp giác ngộ cho người khác, đó là lời huấn thị của đức Như Lai và liên tôn chư Tổ. Sáng lập pháp môn Tịnh độ để hạnh giải hợp nhau, lợi mình lợi người đầy đủ, chỉ bảo không mỏi gọi là Đạo sư. Pháp môn niệm Phật dùng nhiều phương tiện độ sinh, làm cho mình và người đều được độ thoát. Như có người thân thuộc bị rơi vào sông sâu, nếu hai người không biết lội vội vàng đến cứu sẽ chết cả đôi. Trái lại, người biết cách, tìm thuyền đến cứu cả hai đều thoát chết. Người tu Tịnh nghiệp tự mình phải cố gắng tu trì. Khi đã được tự lợi, phải đem lợi ấy giúp người. Đó chính là người nương theo thuyền đại nguyện của đức Phật A Di Đà ra bể khổ cứu vớt chúng sinh đang trầm luân. Công đức ấy thật là vô lượng.

   Khổ trước cái khổ của mọi người, vui sau cái vui của kẻ khác, đó là tâm niệm của Bồ tát. Lòng yêu thương nhân loại thiết tha, lấy tình yêu làm động lực cho việc dấn thân, hành động ấy phù hợp với ước mong của chư Phật. Thuở xưa, thái tử Sĩ Đạt Ta đã rời bỏ thê nhi, phụ hoàng và xã tắc chỉ vì muốn đem ánh sáng nhiệm mầu cho nhân thế. Ta hãy nghe cuộc đối thoại giữa Thái tử và Sa Nặc:
“Trời tối, nhân gian mờ mịt quá
Giờ này thái tử định đi đâu?
Chính đời mờ mịt nên ta phải
Đi để tìm ra ánh đạo mầu”…

   Vì thế, chúng ta hãy mau mở rộng lòng vị tha, quyết tâm thực hành, tự tạo cho mình và cho người một cuộc sông yên vui dưới ánh đạo. Phải biết hy sinh thì đời ta mới có nghĩa cao thượng.