Tịnh độ
Thư cho người em Tịnh độ
Tác giả: Thích Hồng Nhơn
05/04/2553 09:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đoạn lòng ái dục
 
Ngày 15 tháng 07 Nhâm Tuất 1982.

   Thưa anh!
   Chiều nay, nhận được thư nhà do một người bạn trao lại, em xúc động bàng hoàng. Những tình cảm khô cằn tưởng đã chết hẳn trong lòng em, giờ đây bỗng dưng sống lại vô cùng mãnh liệt. Hình ảnh người vợ gầy gò, ngày ngày mỏi mắt trông chồng ra đi không bao giờ trở lại, và những đứa con nheo nhóc bên nồi bo bo mong mỏi cha về. Tiếng khóc nỉ non của những đứa trẻ mất cha, tiếng thở dài não nuột của người cô phụ như luôn luôn văng vẳng bên tai em. Chính vì thế, những ý tưởng thoát tục thanh cao, quyết trọn đời phục vụ đạo pháp trước đây, giờ đã bị lung lạc. Những khung cảnh êm đềm tịch mịch làm lắng dịu tâm hồn ngày nào. Giờ đây, vọng niệm mịt mờ phủ đầy ký ức. Em mong anh xót thương hoàn cảnh em mà cho vài lời chỉ giáo!

   Em thân thương của anh!
   Tình ái vốn là nguồn gốc của sinh tử, mà cũng là điều kiện tất yếu để chúng sinh hiện hữu trong cõi khổ Ta bà này. Những khung cảnh trần ai, thoáng nhìn ta cảm thấy như là một bổn phận thiêng liêng, nhưng đó chỉ là tà kiến. Giả sử, trong chuyến vượt biên đầy nguy hiểm vừa rồi, nếu chẳng may em hóa thành người thiên cổ, thì bổn phận về ai? Hay cuộc đời cứ vẫn xuôi dòng, mong em hãy bình tâm nghe lời cổ đức dạy!

   Bồ tát Giác Minh Diệu Hạnh dạy: “Có người hỏi: “Người học đạo làm thế nào thoát ly được lòng trần ái dục, được không chướng ngại?”. Đáp: “Ta chỉ cần đem việc nhỏ mà so sánh với việc lớn, việc ở ngoài để biết được ở trong. Cần phải khéo léo để hiểu nghĩa này. Giả sử có người vô cớ nói xấu ông một câu, ông có giận chăng? Một lời nói xấu tuy nhỏ, nhưng nghe nói xấu mình là sinh lòng giận. Có người vô cớ khen ông một câu, ông có vui không? Một lời khen tuy nhỏ, nhưng nghe khen liền sinh lòng vui. Thật ra, một lời khen hay chê quá nhỏ, không có đủ lợi ích hay tai hại gì để vui hay giận! Nếu biết được như thế, tâm các ông đã thanh tịnh lâu rồi, đâu đến nỗi tới ngày nay vẫn còn nhiều cấu trược!

   Quý vị nên biết, người học Phật thấy có, thấy không, chỗ nào cũng chấp, mỗi niệm đều tham. Muốn dứt tham trước, ban đầu từ một đồng tiền khen chê đều quyết dứt bỏ. Nghĩ tất cả đều không phải là của ta có, do đó chê không sinh lòng sân, khen không sinh lòng thích. Như thế, lần đến có trăm ngàn tiền, muôn ức tiền, cho đến thân thể, xương tủy, vợ con, tài sản, cho đến tâm thức trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nghiệp báo, sinh tử, Bồ đề, Niết bàn… tất cả đều như đồng tiền khen chê, tự nhiên tập quán hữu lậu tiêu mất, chướng duyên không còn, tâm lần thanh tịnh, thành tựu đạo quả. Quý vị nên y theo đó mà tu hành, đừng sinh nghi ngại. Đó là phương pháp mầu nhiệm từ ít đến nhiều, xem nhiều thành ít, tự nhiên tham sân đều mất.

   Quý vị lo thân mình bị nhiều ràng buộc, niệm đầu khó được thanh tịnh. Ta có một phương pháp làm cho quý vị được thanh tịnh, là tất cả phải có ý nguyện lìa bỏ Ta bà, cầu sinh Cực lạc. Hết lòng mong về Tịnh độ thấy Phật A Di Đà, bỏ hết lòng đua chen danh lợi, chắc chắn sẽ khỏi cảnh trần lao mà quay về nẻo giác”.

   Trong Tịnh Độ Pháp Ngữ, ngài U Khê đại sư nói: “Lòng ái không nặng không sinh cõi Ta bà, niệm không nhất tâm không sinh về Cực lạc”. Nếu người ở cõi Ta bà lòng ái không nhẹ, khi lâm chung cái ái ấy sẽ lôi kéo ta vào con đường tình ái. Còn người niệm không chuyên nhất, khi lâm chung sẽ chuyển thành nhiều niệm không thể sinh về Cực lạc. Ái là lòng yêu thương từ cha mẹ, vợ con, anh em, bằng hữu, công danh, phú quý, văn chương, thi phú, đạo thuật, kỹ nghệ, quần áo, ăn mặc, nhà cửa, ruộng vườn, rừng suối, hoa cỏ, phong cảnh đẹp đẽ v.v… Có một vật không thể quên đó là ái. Nhất niệm trái ngược với ái. Còn một chút ái ở trong lòng là niệm không nhất. Nếu niệm không được nhất, sẽ không được sinh về Cực lạc. Vì thế, sự quan trọng là làm cho lòng tham ái nhẹ đi. Vì muốn diệt lòng tham ái cần phải có nhất niệm, vì nhất niệm là phương pháp cốt yếu để làm lòng tham ái nhẹ dần rồi dứt hẳn.

   Người muốn dứt lòng tham ái thì đừng xem cảnh ấy. Nếu cảnh không thấy, các duyên đều vắng bặt, nhất niệm đương nhiên được tựu thành, các ái duyên cũng bị tiêu diệt. Ta không thấy cảnh vì biết vạn pháp không có, sở dĩ có là do tình. Tình ở thì vật ở, tình không vật cũng không. Nếu vạn pháp không là bản tánh hiện, bản tánh hiện thì tình niệm sẽ dứt. Muốn xem cảnh phải biết bản thể của vật là không, tình niệm sẽ dứt. Tình dứt thì lòng ái không sinh, chỉ còn tâm hiện, nhất niệm sẽ thành. Kinh Viên Giác viết: “Biết huyễn là xa lìa, không cần phương tiện. Lìa huyễn là giác, không cần thứ lớp. Công hiệu nhanh chóng, Phật đạo viên thành”.

   Hám Sơn đại sư dạy: “Người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, cốt yếu là thoát khỏi việc lớn sinh tử”. Làm thế nào thoát khỏi sinh tử? Cội gốc của sinh tử là gì? Người xưa nói: “Nghiệp không nặng không sinh vào cõi Ta bà, lòng tham ái không dứt không sinh vào Tịnh độ”. Nên biết, ái là nguồn gốc của sinh tử. Người không biết nguồn gốc của sinh tử, chỉ niệm Phật một bên, còn nguồn gốc sinh tử mỗi lúc thêm nhiều. Niệm Phật như thế, niệm đến khi lâm chung chỉ thấy toàn nguồn gốc tham luyến sinh tử hiện ra, chừng đó mới biết sự niệm Phật hoàn toàn bất lực thì đã muộn. Vì thế, dám khuyên những người niệm Phật, trước tiên, cần yếu phải biết lòng luyến ái là nguồn gốc của sinh tử. Hôm nay, niệm Phật mỗi niệm cần phải đoạn cái nguồn gốc tham ái ấy. Như trước mặt chúng ta thấy vợ con, gia nghiệp, tài sản, ta phải nghĩ rằng: “Hiện ta đang ở trong nhà lửa bao phủ, sắp chết đến nơi, thân mạng còn không kể, kể gì đến tài sản, vợ con!”. Ta nhất tâm niệm Phật mong được thoát chết, chắc chắn sẽ dứt được lòng ái. Nếu dứt không được lòng tham ái, làm sao thoát khỏi sinh tử. Mong các hành giả niệm Phật lưu tâm, việc quan trọng thứ nhất là mỗi niệm phải nhất quyết dứt hẳn căn bản sinh tử, như thế mỗi niệm mới được thoát ngoài vòng sinh tử.

   Trong Tịnh Độ Thần Chung, ngài Châu Khắc Phục nói: “Phật cho tham, giận, si mê là ba món độc hại. Tham độc ở trong tâm mà hiện ra ngoài thân là hành vi trộm cắp”. Trong năm món dục, lòng tham sắc đẹp là nguy hại hơn hết, nên Kinh Viên Giác nói: “Tất cả chúng sinh đều lấy dâm dục làm mạng sống”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Lòng dâm không trừ, không thể ra khỏi cõi trần”, hoặc: “Lấy lòng dâm mong được diệu quả, dù được diệu ngộ nhưng cũng là gốc dâm luân chuyển trong ba cõi, không bao giờ ra khỏi”. Kinh Lăng Nghiêm ban đầu mượn phòng dâm để lập ngôn, vì muốn nói thẳng đến nguồn gốc vô minh của chúng sinh.

   Trong Tứ Thập Nhị Chương nói: “Phật bảo các thầy Tỳ kheo, cẩn thận đừng nhìn người nữ, cũng không nói chuyện với họ. Nếu có việc cần nói, phải hết lòng nhớ nghĩ: “Ta là sa môn, ở trong đời trược, cũng như hoa sen, không bị bùn nhơ. Tưởng người già như mẹ, người lớn hơn như chị ruột, nhỏ hơn như em ruột, nhỏ nữa như con. Phải sinh lòng độ thoát, dứt hết những ý nghĩ sai lầm”. Xem lời kinh trên, thật là những lời vàng ngọc, không những dạy cho các bậc sa môn mà cho tất cả những người niệm Phật.

   Em thân thương của anh!
   Sông ái trùng trùng sóng dập, biển khổ điệp điệp gió nhồi. Nghiệp trần thăm thẳm mù khơi, tình trường chôn biết bao đời trầm luân, khổ ải. Sắc dục không phải là làn sóng dữ, nhưng dễ dàng nhận chìm bao khách anh hùng. Sự sum hợp hoặc chia lìa của cuộc đời chỉ là huyễn kịch trên sân khấu, như đàn chim ngủ tạm chung cây một đêm, đến sáng ra rồi đường ai nấy dong ruổi. Chúng ta khi vô thường đến, tất cả vợ chồng, con cái mỗi người đều theo nghiệp đã tạo mà đi, dù cho lưu luyến khóc than, nghiệp ai tạo ra đều nhận lấy. Anh chân thành khuyên em, từ nay hãy:
“Bể ái ngàn trùng mau tát cạn
Thuyền ân muôn trượng dễ khơi vơi
Kìa kìa Cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười”.