Tịnh độ
Thư cho người em Tịnh độ
Tác giả: Thích Hồng Nhơn
05/04/2553 09:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tinh thần trì danh
 
Ngày 15 tháng 06 Nhâm Tuất 1982

   Thưa anh!
   Hôm nay, lòng tin em đã sâu, ý nguyện em đã thiết, em quyết sẽ thực hành. Với tâm hồn quá khổ đau cằn cỗi, cứ ngỡ tâm em đã chai đá, không còn gì để nghĩ. Nhưng khi em bắt đầu chí thành niệm Phật, tự nhiên em cảm thấy vọng niệm nổi lên quá nhiều. Tâm như vượn chuyền cây dứt, ý như ngựa chạy mãi không cương, thật khó có thể điều phục. Càng cố gắng diệt trừ, vọng niệm lại càng loạn động hơn, lúc tế lúc thô thật không kể xiết. Em nghĩ, đây là một cuộc chiến vô cùng khó khăn như cổ nhân nói: “Chiến thắng một vạn quân không bằng tự chiến thắng mình, tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Dĩ nhiên, trước cuộc chiến phức tạp và vô cùng khó khăn như thế, chúng ta phải có bí quyết của binh pháp để chiến thắng. Mong anh chỉ cho em bí quyết để chiến thắng được vọng niệm ma quân!

   Em thân thương của anh!
   Người mặc áo đen bị dính nhiều vết mực, ngỡ như chẳng có gì xâm phạm. Trái lại, người mặc áo trắng chỉ một đốm đã thấy rõ ràng. Cũng thế, chúng ta ở trong đời mạt pháp, nghiệp chướng quá dày, phước duyên rất mỏng, hôn mê tăm tối, vọng niệm đan xen. Vì thế, khi tâm có một chút phản chiếu là vọng niệm liền hiện ra. Do đó, trước khi hạ thủ công phu, chúng ta phải biết rõ phương pháp diệt trừ vọng niệm. Em hãy nghe phương pháp nhiệm mầu của chư Tổ dạy!

   Trong Tây Phương Xác Chỉ, Bồ tát Giác Minh Diệu Hạnh nói: “Người tu Tịnh độ tối kỵ là tạp hạnh. Tạp hạnh là đọc kinh, trì chú, làm việc hội, nói đạo, thiền, nói việc họa phước, thấy thần thấy quỷ… Nếu đã tạp hạnh là tâm không chuyên nhất, tâm không chuyên nhất thời việc thấy Phật vãng sinh thật vô cùng khó. Nếu muốn khỏi phí một đời, phải một niệm chuyên nhất đừng nghĩ gì khác. Chỉ cần khẩn thiết giữ một câu A Di Đà Phật cầu sinh Cực lạc, lâu ngày thành công, không thể nhầm lẫn”. Có bài kệ rằng:
“A Di Đà một câu
Muôn pháp đều tóm thâu
Tâm và tiếng phù hợp
Niệm đầu ở trong đầu
Khó nghĩ bàn cảm ứng
Hoa nở ao báu sâu”.
               Lại có bài kệ:
“Ít nói một câu chuyện
Niệm nhiều một câu Phật
Đánh chết hết vọng niệm
Pháp thân người hiển lộ”.

   Người tu Tịnh nghiệp, khi đi đứng, nằm ngồi, tới lui, ăn uống, đều nên hướng mặt về phía Tây, cơ cảm tất sẽ dễ thành. Trong nhà, nên có một bàn Phật, một lư hương, một quyển kinh, một bàn, một ghế, không nên có nhiều đồ quý. Trong nhà phải dọn sạch sẽ trống trải để đi chung quanh không bị trở ngại, cốt yếu để cho mình khỏi bận rộn những lo nghĩ đầu tiên. Trống không thấu suốt, không biết có thân, không biết có cảnh, không biết luôn cả những việc tu hành trong ngày. Có như thế, đạo mỗi ngày mỗi gần, việc trần mỗi ngày mỗi xa, có thể thành công Tịnh nghiệp. Lúc sinh thời không còn một niệm trần tục, đầu mối khởi vọng không còn. Đến khi lâm chung, không còn nhớ luyến vợ con, bỏ hết tình ái. Đó chính là cử động của bậc đại trượng phu vậy.

   Có người hỏi: “Niệm Phật không được nhất tâm, cần phải làm thế nào?”. Bồ tát Giác Minh Diệu Hạnh đáp: “Chỉ dứt hết lo nghĩ. Chậm chậm mà niệm, cốt yếu làm cho tiếng hợp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Niệm lâu vọng niệm tự nhiên lắng trong, tâm cảnh vắng bặt, chứng được niệm Phật tam muội. Tuy vậy, hằng ngày phải niệm thật nhiều, từ ngàn đến muôn, tâm không gián đoạn thời căn khí rất dễ thuần thục. Nếu chỉ gắng gượng niệm ít câu, khi lâm chung e khó thành tựu”.

   Kinh A Di Đà ghi: “Nếu người niệm Phật, đến khi lâm chung, chắc được sinh về nước Cực lạc”. Và Quán Kinh cũng chép: “Người niệm Phật chắc được sinh về nước Cực lạc, sen chia làm chín phẩm”. Như thế, pháp môn niệm Phật không luận trai, gái, tăng, tục; chẳng luận giàu, nghèo, hiền, ngu, chỉ cần niệm Phật nhất tâm bất loạn, tùy theo công hạnh của người ấy nhiều hay ít mà vãng sinh lên chín phẩm. Nên biết rằng: “Trong đời, người nào cũng niệm Phật được”. Người giàu sang, thọ dụng đầy đủ, cần nên niệm Phật. Kẻ nghèo hèn, nhà nghèo ít bận rộn, cần nên niệm Phật. Nếu người có con cháu, thờ phượng ông bà, cần nên niệm Phật. Kẻ không có con, một mình tự do, cần nên niệm Phật. Nếu người có con hiếu, sắm sửa đầy đủ, cần nên niệm Phật. Kẻ có con nghịch, khởi lòng thương mến, cần nên niệm Phật. Nếu người không bệnh, thân thể khỏe mạnh, cần nên niệm Phật. Kẻ có bệnh, cảm thấy thân vô thường, cần nên niệm Phật. Nếu người tuổi già, thời gian không lâu, cần nên niệm Phật. Kẻ thiếu niên, tinh thần minh mẫn, cần nên niệm Phật. Nếu người có hoàn cảnh nhàn nhã, lòng không chút lo, cần nên niệm Phật. Kẻ có hoàn cảnh bận rộn, mong muốn thanh nhàn cần nên niệm Phật. Kẻ ở tại nhà, khác gì nhà lửa, cần nên niệm Phật. Kẻ quê mùa, không có tài giỏi, cần nên niệm Phật. Nếu có người trì luật, luật do Phật chế, cần nên niệm Phật. Có người xem kinh, kinh do Phật nói, cần nên niệm Phật. Nếu có người tham thiền, thiền là tâm Phật, cần nên niệm Phật. Có người ngộ đạo, ngộ cần Phật chứng, cần nên niệm Phật… Khắp khuyên người đời mau mau niệm Phật, vãng sinh về chín phẩm, hoa nở thấy Phật, nghe pháp, hoàn toàn thành Phật mới biết tâm mình xưa nay là Phật.

  Niệm Phật có thể niệm thầm, niệm cao tiếng, hoặc niệm hòa hoãn. Nếu niệm quá cao sẽ bị hao nhiều sức lực, niệm thầm dễ bị hôn trầm. Chỉ cần niệm hòa hoãn, không lớn không nhỏ, tiếng phát từ trong răng lưỡi gọi là kim cang. Dù vậy, vẫn không định chắc vào từng cách. Nếu biết mình thường bị hôn trầm, phải niệm lớn tiếng; biết hao phí sức, cần nên niệm thầm. Ngày nay, có người niệm Phật, tay đánh mõ, miệng đọc theo hơi, không chú tâm nhiếp niệm nên không có lợi ích. Khi niệm, cần nên mỗi câu từ miệng vào tai, mỗi tiếng đánh thức tự tâm, như một người ngủ say một người lay gọi, chắc chắn người ngủ sẽ thức dậy. Vì thế, cốt yếu của pháp môn niệm Phật là phải nhiếp tâm.

   Người niệm Phật không cần phải sửa sang hình tướng, chỉ quý ở chỗ chân thật tu hành. Người cư sĩ tại gia không cần phải sắm áo lễ, khăn đạo. Người cư sĩ tự mình có thể mặc thường phục niệm Phật, không cần phải đánh mõ hoặc khánh. Người ưa vắng lặng, tự mình có thể niệm Phật thầm, không cần phải kết đàn, lập hội. Người sợ công việc buộc ràng, tự mình có thể đóng cửa niệm Phật, không phải khó nhọc đến chùa. Người biết chữ, tự mình có thể y lời dạy trong kinh để niệm Phật. Đốt hương ngàn dặm không bằng ngồi nhà niệm Phật. Cúng phụng thầy tà không bằng hiếu thuận mẹ cha, y theo giáo pháp niệm Phật. Giao thiệp nhiều với bạn bè không bằng một mình thanh tịnh niệm Phật. Gởi kho đời sau không bằng hiện tại làm phước, niệm Phật. Ước nguyện bình an không bằng sám hối niệm Phật. Học tập văn thơ ngoại đạo không bằng người không biết một chữ niệm Phật. Không biết mà nói dối về thiên lý không bằng cụ già thành thật trì giới, niệm Phật. Mong cầu phép lạ của ma quỷ không bằng tin nhân quả niệm Phật… Trên đây là những điều cốt yếu cần phải nhớ. Nếu người lòng dạ thẳng ngay, diệt ác niệm Phật, gọi là thiện nhân. Nhiếp tâm trừ tán loạn niệm Phật gọi là hiền nhân. Ngộ tâm dứt hoặc nghiệp niệm Phật là bậc Thánh nhân.

   Trong Liên Tông Bửu Giám, ngài Ưu Đàm đại sư dạy: “Niệm Phật là phương pháp thù thắng, cao siêu”. Có nhiều pháp môn:

   01. Pháp môn vô trụ ly tướng niệm Phật tam muội.
   Ngài Tông chủ Từ Chiếu dạy: “Người lìa tướng niệm Phật tam muội là bậc thượng căn. Ngộ được lý ấy, thường vận dụng tâm bình đẳng như hư không, không có tướng của người, ta, chúng sinh và thọ giả”. Trong kinh viết: “Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật”. Do đó, mỗi niệm là Phật Di Đà hiện thế, mỗi chỗ là Cực lạc rõ bày. Người được như thế, lìa tướng là không tướng, không tướng thời không trụ, không trụ là vào cảnh giới Phật. Đây là chính đạo vô thượng chơn chánh của bậc đại Bồ tát.

   02. Pháp môn vô niệm không quán niệm Phật tam muội.
   Người tu theo không quán niệm Phật tam muội phải theo phương pháp ba chỉ, ba quán của ngài Trí Giả đại sư dạy. Trước tiên quán không, kế đó quán giả, kế đó trung quán làm cho hành giả bỏ vọng về chơn. Trước tiên quán tất cả pháp là giả, như bốn đại, năm uẩn, sáu căn, sáu trần, sáu thức; núi sông, đất liền của mười phương thế giới đều không có một vật. Hiểu biết được cái giả tức là rõ biết được cái chơn. Người tu Tam quán trước cần phải nhiếp tâm tịnh tọa, đem tất cả cảnh giới hư vọng không thật của thế gian để gội rửa cho sạch hết, không đắm nhiễm một vật gì. Quán ở nơi không, cái không cũng không thể được, như thế hành giả đã vào thẳng được bể không sáng suốt của Như Lai. Tánh hiểu được lý chơn không tức là Như Lai tạng. 

   03. Pháp môn cứu cánh tham thiền niệm Phật tam muội.
   Trong Thiền Kinh Tự, đức Sơ Tổ Huệ Viễn nói: “Thiền mà không trí thì không thể hiểu hết sự yên lặng (tịch), có trí mà không thiền không thể chiếu được sâu xa. Thiền và trí gọi là yên lặng (tịch) soi sáng (chiếu)”. Người niệm Phật muốn tham thiền thấy tánh, chỉ nương theo phương pháp sau đây: “Cần yếu ở trong tịnh thất, thân ngồi ngay ngắn, dẹp hết duyên trần ràng buộc, dứt hết ái tình. Ngoài không chấp cảnh, trong không trụ nơi định. Ánh sáng chiếu lại, trong ngoài đều vắng lặng, sau đó từ từ niệm Nam Mô A Di Đà Phật từ ba đến năm câu, bỗng nhiên tỏ ngộ, chính mình thấy được Di Đà, trong tâm ngoài thân, tức khắc thông suốt. Tất cả vũ trụ, đại địa đều là Tây phương; muôn vật sum sê đều ở chính mình. Thường lặng, thường chiếu, động không rời tịnh, động không rời chiếu, được sinh vào thượng phẩm gọi là Thật Báo Trang Nghiêm Độ”.

   04. Pháp môn điều tức nhiếp tâm niệm Phật tam muội.
   Kinh Tọa Thiền Tam Muội viết: “Bồ tát tọa thiền không niệm tất cả, chỉ niệm một hiệu Phật liền đặng tam muội”. Người mới tu tập thường bị hai bệnh hôn trầm và tán loạn. Trong Nhân Thiên Bảo Giám nói: “Người muốn tu thiền định cần vào tịnh thất, ngồi ngay ngắn, đếm hơi thở ra vào từ một đến mười, từ mười đến trăm, đến ngàn, đến muôn. Tâm ấy thơ thới, tâm ấy vắng lặng đồng với hư không, không cần ngăn giữ, tự nhiên tỏ ngộ. Đời nay, phương pháp nhiếp tâm niệm Phật này, muốn mau được thành tựu tam muội, phương pháp đếm hơi thở là cốt yếu”. Khi muốn tịnh tọa, trước tiên tưởng thân mình ở trong vùng ánh sáng, thầm quán mũi, tưởng hơi thở ra vào, mỗi một hơi thở ra vào đều niệm một câu Nam Mô A Di Đà Phật. Cách thức đều hòa hơi thở, không chậm không mau, tâm và hơi thở nương nhau, đừng cho gián đoạn. Cho đến khi đi sâu vào thiền định, hơi thở và niệm đều quên, tức là thân này đồng với hư không, lần lần thuần thục, tâm và mắt mở tỏ, tam muội bỗng nhiên hiện ra. Đó chính là duy tâm Tịnh độ.

   05. Pháp môn chuyên niệm nhất tướng niệm Phật tam muội.
   Kinh Đại Bát Nhã chép: “Phật bảo ngài Mạn Thù Thất Lợi rằng: “Bồ tát cần tu hành nhất tướng trang nghiêm tam muội, mau chứng quả vô thượng Bồ đề”. Tu hành này phải xa lìa chỗ bận rộn, không nghĩ đến các tướng, chuyên niệm danh hiệu một đức Phật. Từ những danh tự đó, khéo nghĩ đến dung nhan, tức là quán đủ chư Phật ra đời, sẽ được tất cả trí huệ của chư Phật”.

   Trong Thiên Thai Thập Nghi Luận nói: “Chúng sinh căn tánh chậm lụt, nhiều phiền não tán loạn. Nếu không chuyên tâm niệm một hiệu Phật, chắc chắn tâm sẽ càng bị tán loạn hơn, không thể thành tựu được tam muội. Vì thế, chuyên niệm Phật A Di Đà chắc chắn sẽ được nhất tướng tam muội”.

   Hám Sơn đại sư nói: “Đức Phật vì cứu độ chúng sinh khổ não ở thế giới Ta bà nên chuyên nói pháp môn Tây phương Tịnh độ, khuyên mọi người chuyên niệm Phật A Di Đà phát nguyện vãng sinh”. Trong kinh Di Đà, đức Phật nói rõ sự thật của cảnh giới Cực lạc. Người tu theo pháp môn Tịnh độ, lấy việc niệm Phật làm chủ yếu. Mỗi ngày, sáng sớm khi mới thức dậy, tụng một quyển kinh Di Đà hoặc kinh Kim Cang, rồi lần chuỗi niệm danh hiệu Phật từ hai ngàn đến năm ngàn hoặc muôn, sau đó hồi hướng phát nguyện vãng sinh Cực lạc. Sáng và tối đều thực hiện công khóa như thế, quyết định thực hiện đúng giờ đã chọn, không trễ nãi hoặc chậm lui. Mỗi ngày, trừ hai thời công khóa ra, các giờ khác luôn luôn giữ danh hiệu Phật A Di Đà, trong lòng không bao giờ quên. Mỗi niệm tâm không mờ, dẹp hết các duyên đời không còn nhớ nghĩ. Lấy một câu A Di Đà làm mạng sống chính mình, giữ luôn trong tâm, quyết không buông bỏ. Cho đến lúc ăn cơm, uống nước, đi đứng, nằm ngồi, tới lui, câu hiệu Phật lúc nào cũng có mặt. Nếu khi gặp những cảnh thuận nghịch, vui buồn, phiền não, tâm không được an ổn, chỉ cần đem câu Phật hiệu ra điều phục, chắc chắn phiền não sẽ bị tiêu diệt. Lấy “một niệm” để niệm phiền não là nguồn gốc của sinh tử, lấy “một niệm” để niệm hiệu Phật, diệt phiền não là cách hay nhất để thoát sinh tử, điều đó không có gì lạ.

   Nếu niệm Phật làm chủ được phiền não tức là làm chủ được giấc ngủ, làm chủ được giấc ngủ tức làm chủ được bệnh khổ. Nếu làm chủ được bệnh khổ thì khi lâm chung sẽ biết được rõ ràng nơi nào mình đến. Việc ấy không khó, chỉ cốt yếu là khi niệm Phật phải chí thành tha thiết vì muốn thoát sinh tử. Hết lòng chuyên niệm như con nhớ mẹ, không nghĩ gì đến việc khác, lâu dần thuần thục, tự nhiên được thọ dụng đại an lạc, đại tự tại và đại hoan hỷ.

   Trong Niệm Phật Thuyết của ngài Trương Quang Vi, có ghi: “Bài kệ của Thạch Nam Hòa thượng dạy: “Niệm Phật không nhất thiết phải tham niệm cho nhiều, mà cốt yếu ở chỗ tâm không loạn”. Trong một trăm câu niệm, niệm đến chín mươi chín câu mà có một câu sai thì cũng không tính. Niệm như thế từ trăm đến ngàn, muôn, khít khao như hạt châu luân chuyển không dứt, chừng đó thì tên bắn không vào, đao chém không đứt, trăm ngàn quân ma đều bỏ chạy. Ta từ trước niệm Phật cũng chỉ niệm suông, nay mới biết niệm Phật cần phải mỗi chữ lưu xuất từ tâm, lại mỗi chữ phải từ tâm mà vào. Khi niệm Phật, cần nhất nhắm mắt, ngồi ngay thẳng lắng thần. Đình hết lo nghĩ, không cho lòng tạp loạn xen vào. Ngăn lòng tranh đua, lòng say đắm tình cảm. Mở miệng niệm hiệu Phật, hiệu Phật khởi từ tâm ra miệng, hơi thở đều hòa. Không gấp không chậm, từng chữ rõ ràng nối tiếp nhau; từng câu cũng nối tiếp nhau, duyên khít khao, một câu cũng thế. Từ một phút đến suốt 24 giờ gắng niệm không dứt, không thiếu, lâu ngày thuần thục, hoa nở thấy Phật”.

   Trong Niệm Phật Trực Chỉ, ngài Đạo Thạnh thiền sư dạy: “Những phương pháp cốt yếu chứng được tam muội của Phật dạy, đều từ tham thiền, niệm Phật, trì chú, tu quán, trì giới, tu phước. Nhưng trong tất cả tam muội, niệm Phật tam muội là cao hơn hết. Vì người niệm Phật có được nhất tâm, trong nhất tâm ấy hoàn toàn có chủng tử Phật. Tất cả vọng niệm, tạp niệm đều về chánh niệm; các chủng tử nghiệp thức từ vô thỉ đến nay, đều bị dung hóa nhiệm mầu của chơn tâm, vì chính lúc niệm hoàn toàn đề xướng tâm Phật mà đức Phật là pháp vương, muôn pháp quy y, không cần phương tiện khác, tự mình được thoát sinh tử.

   Pháp môn niệm Phật này, từ ngày thiền sư Huệ Viễn khai thị, kết liên xã ở Lô Sơn, các vị xã viên tiền bối đều có cảm ứng trong lúc tu hành, khi lâm chung thấy Phật và Thánh cảnh hiện ra, được vãng sinh không thể kể hết. Chỉ một đời được thoát sinh tử, không phải đợi đến kiếp sau. Vì thế, nên tôi (Đạo Thạnh thiền sư) viết quyển Niệm Phật Trực Chỉ này để hiển minh tôn chỉ tức tâm là Phật của Mã Tổ thiền sư”.

   Thiền sư Thạch Võ Phương dạy: “Niệm Phật có nhiều loại. Có chậm, có mau, có mau trong chậm, có chậm trong mau. Người chậm là thường ngày miệng chỉ niệm Phật, dù không biết nhiếp tâm, không biết quán tưởng, không biết Tây phương. Sau khi nghiệp thiện ác đã hết, chỉ còn miệng niệm Di Đà cũng được. Nếu người niệm mau, quyết lòng trì danh hiệu hoặc một ngày cho đến bảy ngày được nhất tâm bất loạn, không cần sau khi chết mới được vãng sinh, mà ngay cả hiện tại cũng thấy được toàn thân của đức Phật A Di Đà, chừng đó biết rõ người niệm Phật là ai. Tùy mỗi niệm mỗi lần gõ, gõ đến chỗ không chỗ gõ, tự nhiên được nhất tâm, đó là mau trong chậm. Người chậm trong mau là người niệm Phật không biết được cảnh trí Tây phương, không biết được tịnh niệm, tán niệm, chỉ biết niệm một câu Phật mà thôi, cứ như thế mà thực hành. Nên trong kinh Pháp Hoa viết:
“Nếu người tâm tán loạn
Vào ở trong tháp miếu
Chỉ niệm Nam Mô Phật
Sẽ thành được Phật đạo”.

   Em thân thương của anh!
   Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn thẳng tắt để chúng sinh trong thời mạt pháp thoát khỏi sinh tử luân hồi, mà phương pháp trì danh hiệu Phật là phương pháp thẳng tắt nhất trong pháp môn thẳng tắt ấy. Chúng ta còn ngần ngại gì mà không hạ thủ công phu ngay để trong hiện đời được vãng sinh Cực lạc!