Tịnh độ
Thư cho người em Tịnh độ
Tác giả: Thích Hồng Nhơn
05/04/2553 09:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Quyết định một đời vãng sinh
 
Ngày 15 tháng 05 Nhâm Tuất 1982.

   Thưa anh!
   Qua những lời giải nghi, tâm hồn em tự nhiên bừng sáng, như nhà tối ngàn năm, nay nhờ một ngọn đuốc, làm tiêu tan bóng tối. Em cảm thấy lòng tin đã vững chắc, sẽ quyết định thực hành. Nhưng lý tưởng mà em đeo đuổi, đó là ý nguyện thoát ly sinh tử, về Cực lạc để thành nguyện độ sinh. Ước nguyện như thế có phù hợp với khả năng hoàn cảnh hay quá cao? Có thể thành tựu được chăng, hay trở thành không tưởng? Mong anh hãy xót thương mà cho em vài lời chỉ giáo!
 
   Em thân thương của anh! 
   Tin mà không ước nguyện, sự tin ấy trở thành vô nghĩa. Nhưng tất cả sự ước mong muốn có kết quả cần phải phù hợp với khả năng và hoàn cảnh. Đức Phật ra đời chỉ có một hoài bão duy nhất là làm sao cho mọi người thoát ly sinh tử, chứng thành Phật quả vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, có khả năng thành Phật. Pháp môn Tịnh độ hoàn toàn thích hợp với mọi căn cơ, hoàn cảnh chúng sinh thời mạt pháp. Như thế, những ước nguyện của em hoàn toàn phù hợp với hoài bão của chư Phật, chư Tổ. Em hãy nghe kỹ những lời vàng ngọc sau đây để làm tiêu chuẩn cho sự quyết định thực hành.

   Ngài Liên Tông Ngũ Tổ, Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư dạy: “Trong kinh nói quả vị của chín phẩm không ngoài hai tâm: định tâm và chuyên tâm. Người tu theo định tâm thực hành theo định quán trong 16 phép quán sẽ được thượng phẩm thượng sinh. Người tu chuyên tâm chỉ niệm danh hiệu Phật. Các thiện đồng về, hồi hướng phát nguyện được vào hạ phẩm. Người niệm Phật phải một đời nương về đức Phật, chuyên tu hết lòng. Nằm hay ngồi mặt phải thường hướng về phương Tây. Khi đi, đứng, kính lễ hoặc niệm Phật phát nguyện, phải khẩn thiết chí thành, không có niệm khác như đến hình ngục đề lao, hoặc oan gia theo đuổi, nước lửa ép ngặt. Nên hết lòng cầu cứu, mong được thoát vòng nguy khổ, mong mau chứng được vô sinh, rộng độ các loài, làm hưng thạnh Tam bảo, thề trả bốn ơn. Chí thành được như thế chắc chắn sẽ được vãng sinh, khỏi uổng phí một đời. Như có người hoặc nói thực hành mà không làm, sức tin rất ít, mỗi niệm không nối tiếp nhau, ý thường bị gián đoạn. Giải đãi như thế, khi lâm chung mong được vãng sinh, chỉ e nghiệp chướng ngăn che, sợ khó gặp bậc thiện tri thức, bị gió lửa (trong thân) bức bách, chánh niệm khó thành. Vì sao? Vì hiện đời là nhân, lâm chung là quả. Nên biết rằng, hạt giống chắc, quả sẽ tốt. Tiếng hòa thời vang thuận, hình thẳng thì bóng ngay”. 

   Đại sư Ưu Đàm dạy: “Người chơn chánh tu hành cốt yếu phải cầu sinh về thế giới Cực lạc, phải chuyên ý vào một niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Một niệm là bổn sư, một niệm là hóa Phật. Một niệm có khả năng phá tan sự kiên cố của địa ngục, một niệm là kiếm báu chém hết các tà. Một niệm là đèn sáng chiếu vào đêm tối, một niệm là thuyền lớn qua biển mê. Một niệm là liều thuốc hay trị lành bệnh sinh tử, một niệm là con đường tắt ra khỏi ba cõi. Một niệm là bản tánh Di Đà, một niệm là duy tâm Tịnh độ. Muốn được một niệm này, chỉ cần giữ câu Nam Mô A Di Đà Phật ở một chỗ đừng cho thất lạc, mỗi niệm thường hiện tiền, mỗi niệm không lìa tâm. Rảnh cũng niệm như thế, bận rộn cũng niệm như thế. An vui cũng niệm như thế, bệnh cũng niệm như thế. Sống cũng niệm như thế, chết cũng niệm như thế. Môït niệm được rõ ràng không trại, không mờ, cần gì hỏi ai để tìm đường về!”.
 
   Người tu Tịnh độ, cốt yếu phải thoát khỏi sinh tử. Đó là việc lớn, không phải nói rồi bỏ qua. Phải nhớ vô thường mau chóng, thời gian không hẹn cùng người, phải quyết tâm làm cho thành công. Nếu bán tín, bán nghi, nửa tiến, nửa lùi, rốt cuộc không làm được việc gì, làm sao thoát luân hồi sinh tử! Nếu lòng tin được chắc, mau phát lòng đại dõng mãnh, đại tinh tấn. Không cần thấy tánh hoặc đại triệt đại ngộ, chỉ cần giữ kỹ một câu Nam Mô A Di Đà Phật, không ai làm lay chuyển nổi. Chuyên lòng nhất chí hoặc tham niệm, quán niệm, nhớ niệm, mười niệm, hoặc mặc niệm, chuyên niệm, lễ niệm, hệ niệm. Mỗi niệm ở lòng thường nhớ thường niệm. Đứng niệm, đi niệm, ngồi niệm, tâm niệm không cho luống qua. Hiệu Phật không rời tâm, mỗi ngày mỗi giờ không cho xen hở. Niệm liên tục khít khao như gà ấp trứng cần hơi ấm đều đặn mới có thể nở con. Niệm được như thế mỗi niệm kế nhau, lại lấy trí huệ để quán chiếu, mới biết Tịnh độ ở trong tâm mình, đó là công phu tiến tu của bậc thượng trí. Như thế là giữ được tâm định, làm chủ được tâm mình. Lúc ấy, dù ở trong hoàn cảnh thuận nghịch hay khổ vui, trước mắt chỉ có một câu A Di Đà Phật, không còn một niệm nào khác thay đổi trong tâm, không còn tạp tưởng thụt lui, chắc được vãng sinh về thế giới Cực lạc. Nếu quyết dụng công như thế, tất cả nghiệp chướng sinh tử nhiều đời nhiều kiếp tự nhiên tiêu diệt, những tập khí trần lao tự nhiên hết sạch. Chính mình thấy Phật A Di Đà, không lìa bổn niệm. Công thành hạnh đủ, nguyện lực giúp nhau, đến khi lâm chung chắc sinh thượng phẩm.

   Người đời nay quy y đầu Phật, phần nhiều hoặc vì bệnh khổ mà phát tâm, hoặc vì báo đáp ơn song thân mà niệm Phật, hoặc vì bảo vệ gia đình, sợ tội đọa địa ngục mà trì trai. Tuy họ có lòng tin nhưng không có ý nguyện thoát khỏi sinh tử, niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, do đó không phù hợp với kinh, với bản nguyện của chư Phật.

   Người tu Tịnh độ cần phải một lòng cương quyết, tu theo pháp môn ra khỏi Tam giới, nguyện bỏ Ta bà, vãng sinh Tịnh độ, tha thiết như người khách lạ bơ vơ nơi xứ người muốn mau được về quê cũ. Người cầu sinh Tịnh độ nguyện lực phải mạnh mẽ mới mong tựu thành. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Người sắp đến giờ lâm chung các căn đều hư hoại, chỉ có sức nguyện kiên cố không bao giờ mất, ý nguyện sẽ dẫn dắt chúng ta, chỉ trong chốc lát đến nơi mình mong muốn”.

   Ngài Ngẫu Ích đại sư nói: “Pháp môn niệm Phật thật không có gì đặc biệt, kỳ lạ. Chỉ cần tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật liên tục. Rất tiếc đời nay, có một số người thấy phương pháp niệm Phật thực hành được dễ dàng, cho là thiển cận, để dành cho kẻ quê mùa. Chính vì thế, lòng tin của họ không sâu, việc làm không gắng sức. Suốt ngày rong ruổi, Tịnh nghiệp khó thành. Người niệm Phật chỉ quý ở lòng tin sâu, phát nguyện vãng sinh, luôn luôn hết lòng niệm Phật. Ngày đêm có thể mười muôn, năm muôn, ba muôn câu Nam Mô A Di Đà Phật. Cần phải lấy quyết định không bao giờ thiếu làm tiêu chuẩn, suốt đời không bao giờ đổi thay. Nếu làm được như thế, người đó quyết sẽ được vãng sinh. Nếu được vãng sinh, vĩnh viễn không bao giờ thối chuyển”.

   Người niệm Phật không trụ tâm, buông bỏ thân và thế giới là đại bố thí. Niệm Phật không khởi tâm sân si là đại trì giới. Niệm Phật lòng không còn tính thị phi, nhân ngã, là đại nhẫn nhục. Niệm Phật thuần nhất tâm không gián đoạn là đại tinh tấn. Niệm Phật không theo đuổi vọng tưởng là đại thiền định. Niệm Phật có tâm tịch chiếu, không bị mê hoặc lôi cuốn là đại trí tuệ. Cốt yếu là một lòng không loạn động chứ không có gì lạ cả.

   Ban đầu, khi niệm Phật cần phải lần chuỗi, ghi được rõ ràng, định rõ thời khóa, quyết định không thiếu. Lâu dần thuần thục, không niệm cũng thành. Tự niệm được như thế dù có ghi số hay không cũng được. Nếu mới phát tâm, lại muốn không chấp tướng, muốn được viên dung tự tại, đều do lòng tin không sâu, việc làm không gắng hết sức, đều là việc đứng bên bờ sinh tử, đến khi lâm chung không thế nào vãng sinh được.

   Liên Trì đại sư dạy: “Hoặc có người hỏi, ngày nay người niệm Phật cũng nhiều, tại sao người thành Phật lại ít?”. “Vì có ba nguyên nhân:

   01. Có người miệng tuy niệm Phật, nhưng trong lòng không làm điều thiện, nên không được vãng sinh. Dám mong mọi người đã niệm Phật, cần yếu phải y theo lời Phật dạy. Phải chứa đức tu phước, phải hiếu thuận với mẹ cha, trung với vua, anh em hòa thuận, vợ chồng cung kính. Cần phải chí thành tin thật, ngọt dịu nhẫn nại, công bình chính trực, phương tiện giúp người. Cần phải lấy lòng từ bi đối với tất cả, không sát hại sinh mạng, không làm nhục kẻ dưới, không khinh chê người kém hơn mình. Nếu người có lòng không tốt, dù có niệm Phật, chắc chắn niệm bị thối lui. Trái lại, người tích đức, tu phước, luôn làm việc lành, niệm Phật chắc được thành Phật.

   02. Có người miệng tuy niệm Phật, trong lòng tạp nghĩ loạn tưởng, do đó không được vãng sinh. Dám mong mọi người khi niệm Phật, cần phải an định tâm vượn, ý ngựa. Niệm mỗi chữ được rõ ràng, mỗi tâm thường chiếu sáng như chính mình đối với Phật ở Tây phương không dám tán loạn. Nếu niệm Phật được như thế, chắc chắn sẽ được thành Phật.

   03. Có người tuy miệng niệm Phật, trong lòng chỉ cầu sinh về chỗ giàu sang. Hoặc nghĩ ta là phàm phu không thể về Thánh địa được, chỉ mong khỏi mất thân người là tốt rồi. Những ý tưởng ấy hoàn toàn không phù hợp với tâm Phật, vì đức Phật chỉ hướng dẫn chúng ta vãng sinh Cực lạc, trái lại chúng ta từ chối không muốn sinh. Tâm mình trái với tâm Phật, vì thế không được vãng sinh. Dám mong tất cả mọi người, nếu niệm Phật phải quyết chí cầu sinh Cực lạc, không nên nghi ngại. Người ở cung trời giàu sang tột bậc, phúc hết còn bị đọa lạc, huống chi người giàu ở đời này có được bao lâu! Nếu sợ ta là phàm phu không được vãng sinh, song tất cả phải đều từ phàm phu mới tiến lên Thánh quả. Ai dám nói chúng ta không được vãng sinh? Vì thế, chúng ta cần phát tâm rộng lớn, lập chí kiên cố thệä nguyện vãng sinh, thấy Phật nghe pháp, chứng quả vô thượng, độ thoát tất cả chúng sinh. Niệm Phật như thế chắc sẽ được thành Phật.

   Em thân thương của anh!
   Có câu: “Đường tuy khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”. Sự quyết định là động cơ chính để tiến đến thành công, vì trên đường lý tưởng, không phải lúc nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ, mà thường lắm chông gai. Nếu chúng ta không quyết chí tiến lên, chắc sẽ bị rơi vào vực thẳm. Vì thế, chư Tổ thường khuyên chúng ta phải quyết chí đi theo con đường của ta đi, chậm hay mau thế nào cũng có ngày đến đích. Huống chi, đường về Cực lạc đã có đức Bổn sư chỉ dạy, chỉ cần chúng ta cố gắng một chút là có thể thành công, như Triệt Ngộ Thiền Sư dạy:
“Sáu chữ Di Đà phải khắc ghi
Đứng bờ vực thẳm gắng từng ly,
Cảnh trần như ngựa qua song cửa
Tịnh độ không còn lệ rớm mi”.