Giải quyết căn bản nghi vấn
Ngày 15 tháng 05 Nhâm tuất 1982.
Thưa anh!
Qua những lời dạy bảo chân thành của chư Phật Tổ, cho thấy pháp môn niệm Phật thật dễ thành công. Chính vì sự dễ dàng đó đã làm cho em nhiều nghi hoặc:
Thứ nhất, có phải pháp môn Tịnh độ chỉ độ cho kẻ độn căn, tội nặng không?
Thứ hai, niệm Phật tức gọi tên Phật có mang tội bất kính không?
Thứ ba, kinh nói “duy tâm Tịnh độ”. Vậy cõi Tịnh độ có thật không?
Thứ tư, niệm Phật hiện đời có lợi ích gì?
Mong anh vui lòng giải quyết để lòng tin của em thêm sâu chắc và quyết chí thực hành!
Em của anh!
Lời phát biểu thành thật của em, chứng tỏ em quyết tâm trong việc lựa chọn một hướng đi. Khi đức Phật còn trụ thế, Ngài thường dạy: “Nghe ta thuyết pháp các ngươi đừng vội tin ngay, mà cần suy ngẫm để thấy có lợi ích thật sự rồi mới thực hành”. Sự nghi hoặc của em vô cùng chính đáng. Không phải chỉ một mình em mà từ xưa đến nay, hầu hết những người quyết tâm tìm đạo cũng đều có nghi vấn như thế. Em hãy gắng nghe những lời quyết nghi của chư Tổ dạy!
Thiền sư Huệ Giác Ngọc dạy: “Có người cho rằng pháp môn niệm Phật là phương pháp tạm thời của đức Phật để tiếp dẫn những kẻ độn căn, chứ đâu có thể nhờ tha lực mà có thể vào địa vị của Như Lai được? Thật ra, họ đâu biết rằng khi đức Phật còn tại thế, ngài Văn Thù, Phổ Hiền là những bậc đại trí. Sau khi Phật diệt độ, Tổ Mã Minh, Long Thọ và hầu hết các tông chủ của các tông đều phát nguyện cầu sinh Cực lạc. Không lẽ, các vị ấy đều là những kẻ độn căn sao? Trong kinh Đại Bảo Tích, đức Phật khuyên vua cha Tịnh Phạn cùng bảy muôn người họ Thích đều nên phát nguyện cầu sinh Cực lạc, đó lại là phương pháp tầm thường sao? Nếu các bậc Bồ tát, Tổ sư là độn căn thì đời này ai là người lợi căn? Nếu pháp của Bồ tát, Tổ sư tu hành mà cho là quyền thì pháp nào là thật? Điều đó không cần trả lời, ta tự suy ngẫm cũng có thể biết được”.
Ngài Vương Long Thơ nói: “Có người nghi rằng, người đời niệm Phật làm sao sinh vào được hoa sen trên ao thất bảo ở Tây phương? Thật ra, điều này cũng không khó biết, vì mỗi chủng loại có một cách thọ sinh khác nhau. Ao thất bảo như một tấm gương lớn, nếu có vật đến thì ảnh hiện ra, tấm gương cần gì biết đến. Việc ảnh hiện trong gương là điều tự nhiên. Cõi đức Phật A Di Đà sáng suốt trong sạch, tự nhiên ảnh mười phương thế giới hiện ra, cũng như gương sáng có thể soi mặt. Do đó, những người niệm Phật, trong ao thất bảo sẽ sinh một đóa sen, đó là điều tự nhiên, không có gì đáng nghi ngại”.
Trong kinh nói: “Người niệm chú vãng sinh, đức Phật A Di Đà thường đứng trước mặt để hộ vệ người đó”. Nếu có vô lượng chúng sinh trong các thế giới đồng niệm chú vãng sinh, đức Phật làm sao đứng trước mặt hết các người ở các thế giới đó để hộ vệ? Thật ra, điều ấy rất tự nhiên. Như ở trên bầu trời có một vầng trăng, tất cả chỗ đều có trăng hiện. Trăng hiện ở đại dương, ở sông rạch, và cả trong bát nước đâu có gì là lạ.
Cũng có người nghi rằng: “Trong mười phương thế giới có vô lượng chúng sinh tinh tấn niệm Phật, cùng lâm chung một giờ, chỉ có một mình đức Phật làm sao có thể cùng một lượt tiếp dẫn hết chúng sinh đó về Cực lạc?”. Thật ra, việc ấy cũng tự nhiên thôi. Như trên vòm trời chỉ có một mặt trời, có thể chiếu sáng tất cả cảnh giới trên trái đất, đâu có chi lạ. Huống chi, oai thần của Phật vô biên, mặt trời, mặt trăng làm sao có thể so sánh được! Dĩ nhiên, đức Phật biết rõ tâm niệm của vô lượng chúng sinh, nên Ngài luôn ở bên người niệm Phật để hộ vệ và biết rõ kỳ hạn khi người ấy sắp lâm chung để đến tiếp dẫn, đâu còn gì để nghi ngại.
Có người nghe nói cảnh giới Cực lạc quá thù thắng lại không tin. Thật cũng không có gì lạ. Như người ở quê, suốt đời với chòi tranh nghèo nàn. Khi nghe người đi thủ đô về kể lại lâu đài nguy nga tráng lệ, họ sẽ không tin vì chính mắt họ không thấy. Nhưng xét vào tư cách người kể, ta có thể tin là có. Chúng ta thấy, đức Phật cấm mọi người không được vọng ngữ, có lý gì Ngài lại nói dối để gạt mọi người làm gì? Người đời nói dối phần nhiều để hưởng lợi hoặc tránh tai họa. Đức Phật bỏ tất cả việc đời, đâu cần hưởng lợi lộc; Ngài xem việc sống chết như dao chém vào hư không, đâu cần gì tránh tai họa. Như thế, Ngài cần gì nói dối! Ở đời, những người có chút tự ái còn không bao giờ nuốt lời để mang tiếng xấu, huống gì là đức Phật ư!
Lời đức Phật nói ra đáng được tin tưởng, không có gì phải nghi ngờ. Huống chi từ xưa đến nay, những người tu theo pháp môn này được chứng quả rất nhiều, chính các Ngài đã thân chứng xác nhận, đâu không thể không tin!
Có người cho rằng, tụng hiệu Phật như kêu tên một người, kêu mãi sẽ trở thành bất kính, do đó niệm hiệu Phật không tốt. Thật ra, chúng sinh từ vô thỉ đến nay, khẩu nghiệp tạo ác nhiều như núi. Chủ yếu miệng niệm Phật là để dứt trừ khẩu nghiệp. Hết lòng niệm liên tục còn sợ không đủ, đâu thể lấy tên của người mà so sánh được! Phật tự khai pháp môn niệm Phật để chúng sinh diệt được khẩu nghiệp, thân nghiệp, ý nghiệp. Hết lòng niệm danh hiệu Phật e rằng chưa đủ để tịnh tam nghiệp. Lại nữa, lời kêu còn định được thái độ của người kêu. Kêu để khinh mạn thì gây cho người khác tức giận. Trái lại, lời thiết tha của đứa con kêu mẹ, càng kêu lòng thương mẹ càng nhiều, quyết lòng dìu dắt. Chúng sinh niệm Phật như con kêu mẹ, cầu xin giúp đỡ nào có lỗi gì?
Liên Trì đại sư dạy: “Có chỗ nói duy tâm Tịnh độ, không phải ngoài mười muôn ức cõi mà có cõi Cực lạc. Đây chỉ nói trong tâm mà thôi. Ý này rút từ trong kinh hoàn toàn là thật, nhưng người đem ra dẫn chứng lại hiểu lầm ý ấy. Ý ấy nói, tâm tức là cảnh, hoàn toàn không có cảnh ở ngoài tâm. Đã nói cảnh toàn là tâm, làm sao lại định chấp tâm mà bỏ cảnh? Bỏ cảnh nói tâm là người chưa hiểu được tâm. Hoặc có người nói, khi lâm chung thấy cõi Tịnh độ đều là từ trong tâm, thật không có cõi Tịnh độ. Họ không biết từ xưa đến nay, những người niệm Phật được vãng sinh, khi lâm chung Thánh chúng đến rước, nhạc trời, hương lạ, tràng phang, lầu các đâu phải chỉ người vãng sinh thấy được mà nói cảnh ở tâm. Chính lúc ấy, mọi người đều được thấy tràng phang, lầu các; tai đều nghe thấy nhạc trổi đi lần về hướng Tây, mùi thơm ở trong thất nhiều ngày chưa dứt. Như thế, sao gọi là không có cõi Tịnh độ?”.
Viên Chiếu Bổn thiền sư dạy: “Có người nghi rằng ai có thể thấy được nêu tên trên đài sen, vì đâu ai có thể biết được tâm người khác? Ta thử hỏi người ấy, có người lâm chung tướng địa ngục hiện ra, có phải ở ngoài tâm chăng? Họ sẽ đáp trong tâm. Người ấy có đọa địa ngục chăng? Có. Nếu nói bị đọa vào địa ngục là phải có địa ngục để đọa chứ! Nếu tâm hiện tướng địa ngục thì bị đọa vào địa ngục thật. Tâm hiện tướng Tịnh độ lại không sinh về Tịnh độ thật sao? Điều đó không còn gì đáng nghi nữa”.
Trong Thiên Như Tịnh Độ Văn có viết: “Có người hỏi, mọi người đều nói Tịnh nghiệp chỉ có ích cho thân sau, vậy hiện thân đâu có lợi ích gì? Thật chỗ thấy ấy còn quá hạn hẹp. Quý vị không thấy kinh chép người thọ trì danh hiệu Phật sẽ được mười sự lợi ích lớn đó sao:
01. Thường được tất cả thiên thần ẩn hình theo giúp đỡ.
02. Thường được các Bồ tát giúp đỡ.
03. Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm. Phật A Di Đà thường phóng hào quang giữ gìn người ấy.
04. Tất cả quỷ dữ không thể làm hại, tất cả nọc độc của rắn rồng đều không thể trúng.
05. Tất cả nước, lửa, giặc, đao, tên, lao ngục, chết ngang, chết yểu… đều không bị hại.
06. Nghiệp của đời trước tất cả đều tiêu diệt, nếu lỡ giết oan mạng người, họ sẽ được giải thoát không còn gặp lại.
07. Đêm chiêm bao thấy việc tốt, hoặc thấy được thân tốt trang nghiêm của Phật A Di Đà.
08. Tâm thường vui vẻ, làm việc gì cũng có lợi ích.
09. Thường được mọi người kính trọng.
10. Khi mạng chung, lòng không sợ sệt, chánh niệm vững vàng, được thấy Phật A Di Đà và các Thánh chúng tay cầm đài sen vàng, tiếp dẫn về cõi Cực lạc.
Mười điều lợi ích trên đây, trong kinh có chép, chính lời Phật nói ra. Như thế, niệm Phật đời này hoặc đời sau đều có lợi ích. Đó là phương pháp khẩn yếu để thoát khỏi sinh tử. Tất cả pháp môn không pháp nào bằng pháp môn niệm Phật. Mong quý vị cần tinh tấn niệm Phật đừng hoài nghi”.
Trong Tịnh Độ Thập Môn, ngài Từ Chiếu Tông Chủ dạy: “Người niệm Phật không sinh được về Tịnh độ vì có ba điều nghi:
01. Nghi ta từ nhỏ đến giờ tạo nghiệp quá nhiều, tu hành quá ít, e không được vãng sinh.
02. Nghi ta tuy có niệm Phật A Di Đà nhưng tâm nguyện chưa được chí thành, lòng tham, sân, si, ái chưa dứt, e không được vãng sinh.
03. Nghi ta tuy niệm Phật A Di Đà, đến khi mạng chung, e Phật không đến rước.
Do ba điều nghi này, vì nghi thành ra chướng, mất hết chánh niệm, không được vãng sinh. Vì thế, người niệm Phật cần thiết tin chắc lời Phật dạy trong kinh, đừng sinh lòng nghi. Trong kinh dạy: “Niệm một câu A Di Đà Phật diệt được tám mươi ức kiếp tội nặng sinh tử”. Những người bậc thượng căn được nhất tâm bất loạn; kẻ bậc hạ chỉ mười niệm thành công, được Phật tiếp dẫn về Cực lạc. Nếu muốn thoát khỏi đời trược, phải có lòng tin chắc, mỗi niệm không rời hiệu Phật, chắc chắn lòng nghi chấm dứt, quyết định sẽ được vãng sinh”.
Trong bài Nhất Ý Tịnh Nghiệp, tiến sĩ Trần Tán nói: “Có người hỏi rằng: “Ông không nghe trong luận Đại Giám nói tất cả đều duy tâm, sao ông lại chán cõi uế để ưa cõi tịnh làm gì?”. Thật ra, họ nghe nói duy tâm Tịnh độ tự cho mình là hiểu, nhưng thật họ không hiểu nguồn gốc của câu nói. Đức Phật nói: “Tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật”, vì khuyên những người đem lòng bất tịnh để cầu sinh Tịnh độ, chứ không phải nói cõi nước không có cấu tịnh. Lại nữa, cái vui của Cực lạc không phải vui vì có hoa, có ao, có lầu ngọc, chim nói, gió rung cây, mà chính là vui vì được ở với các bậc thượng thiện, thấy Phật A Di Đà, gặp vô số Phật, chứng vô sinh nhẫn, thành vô thượng đạo, độ khắp tất cả chúng sinh, đó mới là cái chính. Ông chỉ thích cái vui ở cấu độ, còn ta chỉ thích cái vui ở Tịnh độ, ông cần gì quở ta!”.
Em thân thương của anh!
Qua dẫn chứng trên với những lời quyết nghi sắc bén của chư Tổ, chúng ta thấy pháp môn Tịnh độ dung thông cả ba căn, là nơi quy ngưỡng của các bậc thượng trí. Vì thế, các Tông chủ, Tổ sư một lòng niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc. Đức Đại Thế Chí dạy: “Người niệm Phật phải như con nhớ mẹ. Lòng thiết tha kêu mẹ, thì mẹ càng mến thương tiếp dẫn nên nào có hại gì!”. Cõi Tịnh độ do lời kim khẩu của đức Phật nói ra đều là có thật, người niệm Phật hiện đời cũng như kiếp sau được lợi ích không thể nghĩ bàn. Những lời quyết nghi như mặt nhật, làm tan hết phù vân sau cơn mưa. Chúng ta hãy sớm quyết định trở lại cố hương, như Sở Thạch thiền sư dạy:
“Cha lành Cực lạc hiệu A Di
Tiếp dẫn chúng sinh đến bảo trì
Đường cũ phẳng phiu, nhàn nhã bước
Quê xưa, Từ phụ ngại ngùng chi!”.