Tịnh độ
Tây Phương Nhật Khóa
HT. Thích Thiền Tâm Soạn thuật
06/11/2553 01:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG I

PHẦN I

TIẾT MỘT

 

LỜI PHI-LỘ VÀ PHỤNG-KHUYẾN(2)

Hiện nay, ......

Người tu Tịnh-độ(3) càng ngày càng đông...  Sở-dĩ như thế, bởi vì môn Niệm-Phật có đầy-đủ được những yếu-tố sau đây:

                       1.  Thích ứng cả ba căn(4).

                       2.  Gồm tự-lực(5), tha lực(6).

                       3.  Giải thoát ngay trong hiện-kiếp.

                       4.  Hợp với thời-tiết, cơ-duyên(7).

 

 

I.  NIỆM-PHẬT THÍCH-ỨNG CẢ BA CĂN.

           Các pháp-môn khác, nếu như thấp thì bậc THƯỢNG-CĂN chẳng thích tu - và nếu như cao tất các bậc TRUNG-CĂN, HẠ-CĂN không kham tu học.

           Chẳng hạn như về THIỀN-TÔNG thì đạo-lý vô cùng mầu-nhiệm cao-siêu, một niệm đi thẳng vào chân-tâm(8) sáng-suốt, ứng-dụng tự-tại, vượt khỏi đầu sào trăm trượng, như nhạn bay giữa thái-hư dấu-vết chẳng còn lưu.

           Nhưng khúc điệu càng cao, thì người họa lại càng thêm thưa ít.

           Nếu chẳng phải là bậc tuệ-căn gieo sẵn, e cho vẽ cọp không thành, vì thế nên cổ-đức đã dạy:

Chẳng phải căn thượng-thượng,

Dè-dặt chớ khinh-thường...

       (Phi thượng-thượng căn,

                Thận vật kinh hứa...      )  

           Bởi nếu không phải là bậc THƯỢNG-CĂN triệt-ngộ thiền-cơ thì chẳng thể nào nhập được ngay vào chân-không(9) mà phần nhiều lại lạc vào trong lối chấp thiên-không(10).  Rồi từ đó bác phá nhân-quả, sự tướng(11) tăng lòng ngã-mạn, cống-cao.

           Về điều nầy trong bài CHỨNG-ÐẠO-CA HUYỀN-GIÁC thiền sư có dạy:

           - "  Nếu chấp cái không trống-rỗng, rồi bác phá nhân-quả thì mối ương-họa lan-tràn "...

 (Hoát-đạt không, Bác nhân-quả,

 Mảng-mảng, đãng-đãng chiêu ương-họa)....

 

           Thật ra THIỀN-TÔNG rất cần phải duy-trì và phục-hưng cho chúng-sanh được độ-thoát, an-vui, cho vườn hoa Phật-giáo được thắm-tươi và đầy đủ màu-sắc hơn...  Nếu có các bậc tu THIỀN chân chánh làm lợi-ích cho mình và cho người, thật cũng rất đáng nên cúi đầu đảnh-lễ - nhưng rất tiếc, có nhiều kẻ mới vào cửa mầu-nhiệm của THIỀN học, liền chuộng ngay những huyền-lý cao siêu, vội xem thường các sự:

                    -  Thờ cúng,

                    -  Tu phước,

                    -  Giữ giới,

                    -  Sám hối. vv...

Thậm chí đến còn bác phá luôn cả các sự:

                    -  Lễ Phật

                    -  Niệm Phật

                    -  Tụng kinh. vv...

cho là hành-môn thấp nhỏ, là chấp-trước sự-tướng...  Cảnh-trạng một kẻ mê đường dẫn nhiều người đi lạc lối, khiến cho ngay chính những bậc tôn-đức bên THIỀN-TÔNG trông thấy cũng đem lòng thê-lương cho Phật-pháp, xót-dạ, đau lòng !

           Nếu huyễn-sắc(12) tức là chân-không(13) thì dù cho có tham THIỀN, niệm PHẬT, tụng KINH ... hay hành-trì tất-cả sự-tướng trong đạo-pháp cũng đều là chân không.  Bậc liễu-đạt(14) tùy-niệm ứng-dụng tự-tại không dính-mắc, như trái hồ-lô(15) lăn tròn trên mặt nước, can chi mà phòng-ngại!

           Cho nên các bậc Cổ-đức bên THIỀN đã cảnh-giác rằng:

-"  THIỀN-TÔNG nếu đi đúng (đường lối và phương-cách) tất mau chứng-quả BỒ-ÐỀ, còn nếu đi lạc (lối), lầm (đường) thì đọa vào địa-ngục mau như tên bắn !".

Các Pháp-môn cao (như THIỀN) thì phải cần có các bậc THƯỢNG-CĂN tu mới được sự lợi-ích thiết-thật LÀ NHƯ THẾ VẬY.

 

           Còn riêng về môn TỊNH-ÐỘ thì ngược lại, vì pháp-môn nầy thích ứng với ba căn-cơ:

           1-  Bậc THƯỢNG-THƯỢNG căn như các ngài:  VĂN-THÙ BỒ-TÁT, PHỔ-HIỀN BỒ-TÁT, MÃ-MINH BỒ-TÁT, LONG-THỌ BỒ-TÁT, TRÍ-GIẢ ÐẠI-SƯ và các bậc cao-đức khác nữa xưa nay, phần nhiều đều tu về môn nầy.

           Như trong kinh HOA-NGHIÊM, ngài THIỆN-TÀI đồng-tử khi đi tham-phỏng (16) ở nơi bậc tri-thức đầu tiên là ngài ÐỨC-VÂN BỒ-TÁT, ngài ÐỨC-VÂN đã đem môn NIỆM-PHẬT TAM-MUỘI mà truyền dạy(17) ...

           Ðến lúc cuối cùng, ngài PHỔ-HIỀN đại Bồ-tát cũng tuyên nói "MƯỜI ÐẠI NGUYỆN vương", khuyên THIỆN-TÀI và chư-vị Bồ-tát trong Hoa-tạng Hải-hội niệm Phật hồi-hướng về CỰC-LẠC.(17b)

           Do đấy, nên nếu bảo rằng niệm PHẬT là pháp-môn thấp kém chỉ để cho các hạng tầm-thường, ngu-dốt tu, là quan-niệm rất sai lầm vậy.

           Ðến như các bậc hạ-căn, thì trong quyển TỊNH-ÐỘ THÁNH-HIỀN LỤC(18) đã có ghi chép các sự-tích của những:

                    -  Kẻ ngu-muội, dốt-nát,

                    -  Kẻ phá-giới, phạm-trai,

                    -  Kẻ nghèo khổ, tật-nguyền, ...

                    -  Cho đến các loài điểu-thú, nghe hành theo lời người dạy, xưng danh-hiệu Phật, biết hồi-tâm, sám-hối, trì-niệm chuyên-thành, đều được nguyện lực của PHẬT nhiếp-thọ, tiếp-dẫn sanh về Cực-lạc ...

           Vì thế cho nên một bậc danh-đức xưa đã khen pháp-môn Tịnh-độ là:

 - Bảo-phiệt(19) ra khỏi Ta-bà,

Huyền-môn(20) để thành Phật-đạo.

 (Xuất Ta-bà chi bảo-phiệt,

Thành Phật-đạo chi huyền-môn).

           Và cũng nương theo ý đó, Ấn-Quang Ðại-sư(21) đã có câu đối như sau:

               - Bỏ đường tắt Tây-phương, chín giới chúng-sanh, trên khó thể viên-thành quả-giác.

               - Lìa cửa mầu Tịnh-độ, mười phương chư PHẬT, dưới không toàn độ thoát quần-mê.     

Còn nếu nói theo kinh thì:

               -  Pháp-môn  niệm-Phật, quả thật như chiếc lưới báu cực to, có thể vớt hết tất-cả các loài cá lớn nhỏ(22) trong tam-giới, đưa lên bờ Niết-bàn vậy.

 

 

II.  NIỆM-PHẬT GỒM TỰ-LỰC VÀ THA-LỰC

           Trừ hai pháp-môn TỊNH-ÐỘ và MẬT-TÔNG ra ...

           Các pháp-môn khác đều nương vào nơi TỰ-LỰC, tức là sức tu của chính mình, để cầu giải-thoát.

           Còn luận riêng về TỊNH-ÐỘ thì:

           - Pháp-môn nầy là một pháp-môn gồm nhiếp luôn cả hai sức "Tự-lực" và "Tha-lực".

           - Tự-lực là sức trì-niệm của riêng mình.

           - Tha-lực là sức nhiếp-thọ, hộ-niệm trong hiện-tại và sự tiếp-dẫn, vãng-sanh của PHẬT khi lâm-chung.(23)

           Có người bảo:  -"Tu môn niệm PHẬT là hèn-yếu vì chỉ ỷ-lại và tha-lực".

           Ðây là một quan-niệm cạn-cợt, sai-lầm.

           Bởi vì:

           - Hành-giả tu Tịnh-độ đang khi hành-trì thì:

                   1.  Thân lễ-kính PHẬT - không lễ tạp.

                   2.  Miệng xưng danh PHẬT - không xưng tạp.

                   3.  Ý chuyên tưởng PHẬT - không tưởng tạp.

 

Và như vậy tức là nhiếp-tâm từ LOẠN vào ÐỊNH, cho đến cả khi ÐI, ÐỨNG, NẰM, NGỒI(24), vận-dụng hết cả ba nghiệp THÂN, KHẨU, Ý để hành-trì, cố-gắng hết sức mình, đó là chứng-minh thực-tế và hiển-nhiên về Tự-lực.

           - Như thế, tại sao lại bảo rằng niệm PHẬT là hèn-yếu, chỉ ỷ lại vào tha-lực ?

           Cho nên, niệm-PHẬT chính là đem hết tự-lực của mình để cảm thông với tha-lực của PHẬT, cứu-cánh là dung-hòa TỰ với THA, TÂM và PHẬT, đi sâu vào trong môn CHÁNH ức NIỆM Tam-muội(25).  Bước đầu tiên đã có sự cảm thông như vậy, thì hành-giả(26) sẽ được Phật phóng quang-minh thường-trụ nơi đảnh đầu nhiếp-thọ, hiện-tiền được tiêu-trừ tội-chướng, tai bịnh, phước-huệ lần-lần tăng và khi mãn-phần lại được tiếp-dẫn sanh về Cực-lạc.

           Sỡ-dĩ người xưa, nay khi đề-cập đến môn Tịnh-độ, phần nhiều đều nhấn-mạnh về Tha-lực, đó là hàm-ý chú-trọng sự tiếp-độ đến chỗ giải thoát.

           Vì sao thế ?

           - Bởi vì nếu không được sức Phật nhiếp-thọ, tiếp-dẫn, thì đạo lực tầm-thường của hành-giả không thể nào sanh về cõi Cực-lạc cách đây mười muôn ức Phật độ (27) được.

Dầu cho đạo lực cao-siêu của bậc lục-thông La-Hán(28), cũng chỉ ở phạm-vi thấy biết, dạo đi trong cõi Tam-thiên đại-thiên thuộc thế giới Ta-bà nầy mà thôi.

           - Hơn nữa, nếu hoặc-nghiệp(29) vẫn còn mà không được tiếp-dẫn vãng-sanh về Cực-lạc, bước lên cảnh-giới Bất thối-chuyển, nương vào nơi thắng-duyên(30) của cõi ấy mà tiến-tu, tất phải tùy nghiệp chịu cảnh luân-hồi, không biết bao-giờ mới giải-thoát được !

           Vì sự vãng-sanh có điểm rất quan-hệ như vậy, nên Tha-lực của Tịnh-độ pháp-môn được chú-trọng đến rất nhiều, khiến cho những kẻ nông-cạn vội nhận lầm rằng pháp-môn nầy chỉ ỷ-lại vào nơi Tha-lực mà thôi.

           Ðến đây, bút-giả thấy cần phải nên giải-thích thêm vài ba nghi-vấn nữa:

           Có kẻ hỏi:

           -  Bậc Bồ-tát chứng vô-sanh nhẫn đã dứt hoặc-nghiệp, thoát khỏi luân-hồi rồi, cần chi phải cầu sanh vè cõi Cực-lạc ?

           -  Các vị ấy đã có thần-túc thông có thể đi đến vô-lượng thế-giới thì cần chi phải niệm Phật để cầu sự tiếp-dẫn ?

           Xin đáp:

           -  Theo kinh dạy:

           "Sự cất chân lên, để bước xuống của PHẬT, bậc Ðẳng-Giác Bồ-tát(31) còn không thể hiểu-thấu huống chi hàng Thập-địa Bồ-Tát ư !

           Các vị ấy tuy đã dứt kiến, tư, trần-sa hoặc(32) song Vô-minh hoặc(33) hãy còn, nên cần phải gần-gũi PHẬT để học đạo-pháp thành PHẬT.

           Thật ra, chư đại Bồ-tát có hai việc:

               1.  Trên thì cầu sanh về mười phương Tịnh-độ để học vô-lượng pháp-môn của Như-Lai.

               2.  Dưới thì hiện thân đến khắp mười phương uế độ(34) để giáo-hóa các loài hàm-thức(35).

           Pháp-thân của các ngài là pháp-thân thường-trú(36), tuy ở cõi tịnh mà không lìa cõi uế, và dù ở cõi uế-độ nhưng cũng vẫn không rời khỏi tịnh-độ(37).

           Còn việc Bồ-tát niệm Phật để cầu tiếp-dẫn, thì ví như một người học-giả đến viếng bậc Thầy của mình, tuy có thể tự-tại đi vào nhà, nhưng theo lẽ phải xin phép.  Còn vị Thầy thì đúng theo tâm-niệm dìu-dắt hàng hậu-lai của mình, cũng vui vẻ đón tiếp.

           Việc như Bồ-tát muốn về Cực-lạc, niệm hồng-danh của Phật để cần-cầu, và đức Phật tùy bản-nguyện đến tiếp dẫn cũng lại như thế.

           Sự tiếp-dẫn của Phật tùy-niệm ứng-hiện, trong một sát na(38) có thể đồng-thời đến vô-biên thế-giới ở mười phương, tiếp-dẫn số chúng-sanh nhiều như vi-trần - Việc nầy cũng tựa như gương trăng sáng hiện bóng khắp các ao, biển, sông, hồ, v.v...  đâu có tướng đến, đi và đâu có chi nhọc-mệt mà phòng-ngại.     

 

III.  NIỆM-PHẬT GIẢI-THOÁT NGAY TRONG HIỆN-KIẾP

           Với các pháp-môn tu khác, hành-giả phải dứt trừ hết các hoặc-nghiệp mới vượt qua khỏi được sự sống-chết, luân-hồi.

           Riêng pháp-môn Tịnh-độ thì dù cho hoặc-chướng hãy còn cũng có thể hiện-đời nương nơi nguyện-lực của PHẬT, đới-nghiệp vãng-sanh, tiến thẳng lên bờ giải-thoát.

           Về điểm nầy, trong bức thư phúc-đáp cho TỊNH-TU pháp sư, ngài ẤN-QUANG đã nói như sau:

           - "Có hai đường tiến đến chổ giải-thoát là:

                           -  THÁNH-ÐẠO.

                           -  VÃNG-SANH.

 

A.  THÁNH-ÐẠO:

           Về THÁNH-ÐẠO đây, tức là con đường tu để chứng lên quả THÁNH(39) thì không chi bằng tắt và mau lẹ hơn môn "Trực-chỉ thiền"(40).  Nhưng tu Thiền giữa thời buổi mạt-pháp nầy, trong hiện đời chưa dễ gì ngộ-đạo(41), huống chi là chứng-đạo ư ?

           Nếu như không chứng quả, thì trong mười người (tu) đã lạc-lối hết tám, chín.  Bởi vì khi luân hồi sẽ bị nhiều chướng-duyên làm cho thối-chuyển, dễ mê-muội túc-căn(42).  Tu Thiền, nếu chứng được sơ-quả Tu đà-hoàn, tuy còn 7 lần sanh lên cõi Trời, 7 phen trở lại nhơn-gian, nhưng sẽ không lo sợ thối-chuyển.  Khi chứng đến quả A-LA-HÁN, mới dứt hẳn được nẻo luân-hồi.

           Ngoài ra thì không nhứt-định được.

           Có kẻ đời hiện-tại tu-hành rất tốt, kiếp sau được hưởng phước, lại say đắm theo dục-lạc, tạo nghiệp ác rồi bị đọa vào địa-ngục - Dù cho năm, ba đời có giữ được thiện-căn, không tạo nghiệp ác đi nữa, song ai có thể bảo-đảm ở nơi những kiếp về sau lại chẳng gây tạo nghiệp rồi bị đọa tam-đồ ư ?!

           Chẳng nói đâu xa, ngay trong đời hiện-tại, có rất nhiều hành-giả trước tu-hành siêng-năng, sau sanh biếng-trễ, đạo-tâm dần-dà thối-chuyển, đến nỗi có kẻ phải hoàn tục ...

           Những đời về sau, theo đà mạt-kiếp, Phật-pháp lần-lần suy kém, bậc thiện tri-thức lại rất khó tìm, sự giải-thoát sẽ còn xa hơn nữa!

           Riêng có đường lối vãng-sanh, tức là niệm PHẬT cầu sanh về Tịnh-độ, thì dù cho hoặc-chướng hãy còn, vẫn có thể nương theo nguyện-lực tiếp-dẫn của đức A-DI-ÐÀ, vượt ngang qua ba cõi(43), đới-nghiệp thẳng sang Cực-lạc.

           Thật ra, cũng như bên Thiền, giữa thời Mạt-pháp nầy, người tu Tịnh-độ đến cảnh-giới "SỰ nhứt-tâm bất-loạn"(44) rất là ít có, huống chi là cảnh "LÝ nhứt tâm"(45) và đi sâu vào " Niệm-Phật Tam-muội"(46) được !

           Nhưng nếu thuở bình-nhựt(47), chuyên cần trì-niệm thì khi lâm-chung, chủng-tử câu hồng-danh đã huân-tập từ lâu sẽ phát-hiện, liền khiến cho tạm-thời được nhứt-tâm.

           Lúc ấy, chỉ cần gia thêm vào ý-niệm tha-thiết, rủ sạch trần-duyên, tâm hướng về Liên-quốc, ắt quyết-định sẽ được cảm-thông tiếp-dẫn.

           Khi đã về đến cõi ấy rồi, trên thì có PHẬT, Bồ-tát, dưới đến là các hàng Thượng thiện-nhơn ... nước chảy, chim kêu, ... nói ra pháp-diệu, không còn bị các duyên ăn, mặc, ở và sanh-kế (tức là các việc: y, thực, trụ, hành) làm vướng-bận, sống lâu vô-lượng kiếp, lo chi đạo-quả không thành.

           Pháp-sư đã hỏi, tôi chỉ y theo chỗ thấy, hiểu của cổ-đức và căn-cứ nơi Phật-lý mà giải-đáp ...  "XIN SUY-GẨM KỸ RỒI TÙY-TÂM LỰA CHỌN ..."

           Lời giải-đáp trên đây của Ðại-sư, đã vạch rõ chỗ ổn-đáng cùng khó giải-thoát của thời nay, giữa TỊNH và THIỀN vậy.

 

 

IV.  NIỆM PHẬT HỢP THỜI-TIẾT, CƠ-DUYÊN.

           Trong thời chánh-pháp(48) và Tượng-pháp(49), con người phần nhiều nghiệp nhẹ, tâm thuần, hoàn-cảnh sinh-hoạt giữa xã-hội lại đơn-giản nên có thể tu theo các pháp-môn về Thánh-đạo.

           Thời ấy, Thiền-tông đặc-biệt hưng-thạnh, hành-giả căn-cơ sáng, lẹ ... thấy hoa-nở, ngắm non xanh, nghe gió thổi, suối reo, vv... đều có thể ngộ-đạo.  Nhưng từ thời mạt-pháp(50) trở đi, nhơn tâm khác xưa, sự sinh-hoạt, tổ-chức giữa xã-hội lần-lần trở nên phức-tạp, căn-cơ người tu đa phần là bậc Trung, Hạ.  Cho nên muốn được bảo-đảm sự giải-thoát, thì điều cần nhất là phải hướng về pháp hợp với thời-tiết, cơ duyên:

           - " ÐÓ LÀ MÔN NIỆM-PHẬT"

           Về điều nầy, xin dẫn ra những chứng-liệu như sau:

1.  Nơi kinh "ÐẠI-TẬP NGUYỆT-TẠNG", đức Thích tôn đã có lời huyền-ký rằng:

           - "THỜI MẠT-PHÁP, ỨC-ỨC KẺ TU-HÀNH, SONG ÍT CÓ NGƯỜI ÐẮC-ÐẠO, CHỈ NƯƠNG THEO PHÁP-MÔN NIỆM-PHẬT MÀ THOÁT KHỎI LUÂN-HỒI."

 (Mạt-pháp, ức-ức nhơn tu-hành, hẳn nhứt đắc-đạo.  Duy y niệm-Phật, đắc độ sanh-tử).

 

2.  Nơi kinh "VỘ LƯỢNG-THỌ", Phật cũng bảo:

           - "TRONG ÐỜI TƯƠNG-LAI, KHI KINH-ÐẠO DIỆT HẾT, TA DÙNG SỨC TỪ-BI, THƯƠNG XÓT, RIÊNG LƯU-TRỤ KINH NẦY MỘT TRĂM NĂM.  CHÚNG-SANH NÀO GẶP KINH NẦY, TÙY THEO SỞ-NGUYỆN, CÓ THỂ ÐẮC-ÐỘ." ...

(Ðương-lai chi thế, kinh đạo diệt-tận, ngã dĩ từ-bi, ai-mẫn, đặc lưu thử kinh, chỉ trụ bá tuế.  Kỳ hữu chúng-sanh, tri tư kinh giã, tùy-ý sở-nguyện, giai-khả đắc-độ)

           Ðức Như-lai là bậc trí-huệ rộng sâu, vì sao chẳng lưu lại các pháp-môn kia, mà chỉ lưu lại riêng pháp-môn Tịnh-độ ?

           Ðó là thâm-ý của PHẬT đã chỉ rõ-rằng:

           - "THỜI MẠT-PHÁP VỀ SAU, ÐƯỜNG TU HỢP VỚI CƠ-DUYÊN CHÚNG-SANH, CHỈ LÀ MÔN TỊNH-ÐỘ" vậy.

 

3.  Nơi đoạn minh-giáo của An-lạc Tập, Ðạo-xước thiền-sư có lời bình-luận rằng:

           - " NẾU GIÁO-PHÁP HỢP VỚI THỜI-CƠ, THÌ DỄ TU, DỄ NGỘ, NHƯ GIÁO-PHÁP TRÁI VỚI THỜI-CƠ, TẤT KHÓ TU, KHÓ NHẬP:

           Kinh "Chánh-pháp niệm" nói:

           - " HÀNH-GIÃ KHI NHỨT-TÂM CẦU-ÐẠO, PHẢI QUAN-SÁT VỀ PHƯƠNG-TIỆN, THỜI-CƠ, NẾU TRÁI VỚI PHƯƠNG-TIỆN ÐÓ, TẤT BỊ THẤT-LỢI.

           Tại sao thế ?

           - Như cọ gỗ ướt để tìm lửa thì không thể được vì trái thời, và như bẻ cây khô để tìm nước, cũng chẳng có thể có, vì không trí-huệ.

           Ðức Như-lai đã phân-định năm thời kiên-cố(51) sau khi Ngài nhập-diệt, mỗi thời là năm trăm năm.  Trong các thời chánh-pháp và Thiền-định kiên-cố thì hành-giã nên chọn môn tu Thánh-đạo, tu Ðịnh-huệ làm phần chánh, cầu Tịnh-độ làm phụ.

           Từ cuối thời Ða-văn kiên-cố bước sang thời Tháp-tự và Ðấu-tranh kiên-cố về sau nên lấy Tịnh-độ làm phần chánh, tu Thánh-đạo(52) làm phụ".

-------------------------------------

           Ngoài những chứng-liệu(53) kể trên, còn có thêm lời huyền-ký của bậc chơn-tu đắc đạo là Thiên-Như Thiền-sư cùng với những điểm nhận-định và biện-chứng của các bậc danh-đức xưa nay, mà trong phạm-vi khái-ước nầy không thể nào nêu ra hết được.

           Bên Trung-Hoa từ cuối đời nhà Tống về sau, các bậc Tôn-đức(54) quan-sát rõ thời-cơ nên đều chuyển lần từ Thiền-tông trở sang xiển-dương Tịnh-độ.  Tuy nhiên lưu-hành hưng-thịnh từ lâu, đã thành ra phong-thái, nên thường hay xảy ra những sự tranh-đua cao-thấp giữa TỊNH VÀ THIỀN.

           Song le, đó chỉ là kiến-chấp nông-nỗi của một số người chưa quán-triệt được Phật-lý cùng thời-cơ mà thôi, còn các bậc cao-tăng đã liễu-đạt(55) thì chỉ tùy-duyên mà hộ-trì chánh-pháp, tuyệt không có tâm-niệm phân-biệt đây kia.

           Cứ trung-thật mà luận, thì chúng hữu-tình có nhiều tâm-bệnh cùng sở-nguyện, cho nên riêng một môn Tịnh-độ vẫn không thể nào phổ-cập và thích-ứng để hoằng dương chánh-pháp, lợi-ích quần-sanh hết được, vì vậy mà rất cần sự có mặt của các pháp-môn khác.

           Theo thiển-ý(56) thì trong thời Mạt-pháp, hành-giã trong các tông-khác, tuy là hoằng-truyền bản-môn, nhưng cũng nên nghiên-cứu qua Tịnh-độ tông và quy-hướng về lối vãng-sanh để bảo-đảm cho sự giải-thoát - như chư Tôn-đức bên Tông Tào-động, bên ngoài hoằng-hóa Thiền-tông, bên trong mật tu Tịnh-độ - khi xưa vậy.

           Còn người tu Tịnh-độ cũng phải cần học-hỏi thêm nơi các TÔNG khác ... để thêm tiến-ích cho đường hành-đạo của mình, bởi vì mỗi TÔNG như những đóa-hoa khác nhau, đều sáng tươi riêng phần đặc-sắc ...

           Các lời dẫn-luận trên đây, bút-giã chỉ y theo quan điểm từ-mẫn lợi sanh của PHẬT và chư Cổ-đức, nêu ra một đường lối tu-tập thích-ứng, hợp với thời-tiết và cơ duyên mà thôi...

 

           Ở Trung-Hoa, vào thời cận đại(57), có phong-trào chấn-hưng Phật-giáo do một số danh-tăng và Phật-tử trung-kiên cổ-xúy(58) - Quán-sát hành-vi lúc sanh-thời và khi lâm-chung của một ít người trong nhóm đó - thấy có những biểu-tượng mà thường nhơn không thể nào có được - nên các nhà học-giã của đạo-Phật quả-quyết đó là các bậc Bồ-tát tái-lai để hộ-trì chánh-pháp.

           Trong số hạng các người phi-thường ấy ta thấy:

1.  Dế-Nhàn pháp-sư  giảng-kinh khắp nơi, chấn-hưng về Thiên-Thai tông.

2.  Hư-Vân Thượng-nhơn  - Tu chỉnh các danh-lam, thánh-tích của Phật-giáo, chấn-hưng về Thiền tông.

3.  Ấn-Quang đại-sư  -  Dùng thơ-tín, kinh, tượng độ vô-số người, chấn-hưng về Tịnh-độ tông.

4.  Hoằng-Nhứt luật-sư  -  Nghiêm trì giới-hạnh, soạn thành bộ "Nam-sơn luật - Uyển Tòng-thư" - chấn-hưng vè luật tông.

5.  Thái-Hư đại-sư  -  Vận-động cuộc canh-tân Phật-giáo, chấn-hưng về Duy-thức tông.

6.  Kim-Cang Thượng-sư  Hồ-Ðồ Khắc-Ðồ từ Tây-Vức đến - truyền-dương về Mật-tông.

7.  Dương-Nhân-Sơn Cư-sĩ  -  trọn đời thành-lập Bang, Hội Phật, sưu-tầm và vẽ ảnh Phật, Bồ-Tát in ra phổ-biến khắp nơi, khắc bản in lại "Tam-tạng kinh-điển" để cho chánh-pháp khỏi bị sớm hủy-diệt sau nầy ...

           Riêng ngài ẤN-QUANG đại-sư đã đem sự vãng-sanh lúc lâm-chung của ngài để chứng-minh cho lời nói và các hành-động trong buổi bình-thời của mình, thì không cần chi phải bình-luận thêm nữa.

           Còn Dế-Nhàn pháp-sư  thì tuy hoằng dương kinh Pháp-Hoa, truyền dạy môn Tam-Quán(59), nhưng lúc lâm-chung vẫn theo gót đấng khai-tổ bản-tông(60) là Thiên-Thai Trí-giã niệm Phật sanh về Cực-lạc.

           - Hư-Vân Thượng-nhơn tuy thị-hiện ngộ-đạo, làm mô-phạm(61) hướng-dẫn hành-giã tu Thiền, song khi gặp hoàn-cảnh, cơ-duyên cũng vẫn khuyên người niệm-Phật.

           - Hoằng-Nhất luật-sư  lưu lại bút-tích "Bi-Hân giao-tập" và khi lâm-chung được Tây-phương Tam-Thánh tới rước.

           - Thái-Hư đại-sư  tuy hoằng dương Duy-Thức, song vẫn hằng khen-ngợi mười phương Tịnh-độ, nhưng vì không muốn trái với ứng-tích của đấng khai-tổ là Di-lặc Bồ-tát, nên hồi-hướng cầu sanh về Ðâu-suất tịnh-độ(62).

           -  Thượng-sư Hồ-Ðồ Khắc-Ðồ tuy-truyền pháp "Thánh cứu-độ Phật mẫu" gồm 21 độ mẫu (tức là 21 hóa-thân của đức Quán-Âm) để cứu nạn tai cho thời mạt-kiếp, song cũng khuyên hàng đệ-tử đem công-đức trì-niệm hồi-hướng về Cực-lạc.

           - Dương-Nhơn Sơn cư-sĩ lúc mãn phần, ngồi kiết-già, chắp tay nói với các hàng liên-hữu rằng:  - "Bản-nguyện của tôi cùng đức A-Di-ÐÀ dung-hợp nhau."  Rồi niệm Phật mà thoát-hóa.

           Như vậy.....

           Có phải chăng các bậc danh-đức trên đây, tuy mỗi người làm một Phật-sự, song đã dùng hoặc bản thân, hoặc lời nói mà ngầm khuyên các hành giã nên chú trọng về sự giải-thoát, vãng sanh ư ?

 

 

V. LUẬN VỀ NGƯỜI VÀ CẢNH THỜI NAY.(63)

           Nói-chung ......

           Trên phương-diện hoằng-dương đạo-pháp(64), mỗi Tông (phái của đạo Phật ta) đều phát-huy lên những đặc-điểm của mình để người học Phật tùy theo sở-thích mà thu-nhập.

           Nhưng bình-tâm thử-nghiệm xét:

                   - Lúc nầy là thời buổi nào ?

           Thời nầy thì:

A.  Luận về người:

           - Bên Trung-Hoa(65), khoảng cuối đời nhà Thanh bước sang thời Dân-quốc(66), Cư-sĩ Cao-Hạt-Niên(67) khi tham-phỏng đạo-pháp nơi các danh-lam(68), gặp một vị cao-tăng ẩn-tu bảo:

                   - “Thời nay, trong 100 kẻ ác, mới có một người thiện.

                   - Trong 100 kẻ thiện, mới có một người hướng về đạo.

                   - Trong 100 kẻ hướng về đạo mới có một người giữ vững tâm-nguyện, không thối-chuyển trên bước đường tu-hành ...

           Lại nữa, nhớ thuở-xưa ......

           Trong lúc phú-pháp(69) cho ngài Huệ-Khả Ðại-sư(70), Tổ Ðạt-Ma có dạy rằng:

           -“ Khoảng 200 năm về sau, người học LÝ thì nhiều, song ngộ LÝ rất ít.

           Người nói Lý thì nhiều, song hành LÝ rất ít.

           Người hành LÝ hoặc nhiều, song chứng LÝ rất ít” ......(71)

           Nên ý-thức:

           Chỉ riêng bước đầu là phần học Phật-lý, có nhiều kẻ nếu chẳng vướng về “chấp CÓ”, giữ chặt lấy SỰ-TƯỚNG, thì cũng lạc vào “chấp KHÔNG”, bài-bác nhân-quả !...... Mấy ai là bậc hiểu sâu Phật thừa, liễu ngộ lý:

                   - “ DIỆU-HỮU TỨC CHƠN KHÔNG

                        CHƠN-KHÔNG TỨC DIỆU-HỮU ”(72)

Cư-sĩ tuy mộ-đạo(73), song phải dè-dặt đừng để phải bị sa vào trong “kiến-chấp đó”. 

           Cao Hạt-Niên cư-sĩ cũng có hỏi đến chỗ tiến chứng(74) của nhiều bậc Trưởng-lão(75), tất-cả (các vị đó) thảy đều khiêm-nhường và thành-thật trình-bày, đại-khái như:

                   -  Nghiệp-chướng nặng,

                   -  Còn nhiều tán-loạn, hôn-trầm,

                   -  Giới-hạnh và oai-nghi kém-khuyết,

                   -  Bước đường tu-hành chưa đạt đến thật-địa(76).

                   -  ... ...

           Khi cư-sĩ đề-cập đến những kẻ tự-xưng rằng mình đã chứng-ngộ thì các vị ấy đều cảnh-giác rằng:

           -  Theo kinh Lăng-Nghiêm, đức PHẬT có huyền-ký rằng:

Gần thì thập-thế (mỗi thế có 100 năm - Thập-thế tức là 1000 năm), xa thì bách-sanh (mỗi sanh có 30 năm - Bách-sanh là 3000 năm), có rất nhiều ma, ngoại (tà-ma và ngoại-đạo) ám-nhập người tu hoặc ẩn-bóng trong chánh-pháp ... Thời buổi nầy, nếu có ai tự-xưng mình đã chứng-ngộ, hoặc bảo rằng mình là PHẬT, TỔ ... hiện-thân, thì các kẻ đó đích-thị là hàng ma, ngoại”. 

.....................

           Những điều trình-thuật trên đây chỉ cho chúng ta thấy rằng:

           - “ CON NGƯỜI THỜI NAY HOẶC-NGHIỆP VÀ MA-CHƯỚNG QUÁ NHIỀU” vậy.

 

B.  LUẬN VỀ CẢNH:

           Còn nói về CẢNH (hoàn-cảnh và thời-thế ) ngày nay thì những tai-nạn như:

           -  Ðộng đất, núi lở, bảo-lụt, trộm-cướp, chiến-tranh, lửa cháy, hạn-hán, mưa nắng trái thời, sâu trùng phá-hoại, mùa-màng, thất-bát, dịch-chướng lan-tràn, vv... đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều nước ...

           Nhìn đến tương-lai, thì trận thế-chiến thứ ba chắc đâu tránh khỏi ! ...

           -  Các phái bên Tiên cũng đều bảo rằng thời-buổi nầy là thời-buổi mạt-kiếp, có sự thanh-lọc rất rộng-lớn.

           -  Ðạo Chúa (Công-giáo) cũng nói sẽ có tận-thế trước năm hai ngàn(2.000)

           -  Còn riêng bên đạo Phật ta, khi HƯ-VÂN thiền-sư(77) xuất-thần lên cung trời Ðâu-xuất, được nghe đức DI-LẶC Bồ-tát(78) nói pháp-môn Duy-Tâm thức định (Duy-thức) ... Nơi đoạn kết-thúc, Bồ-tát đọc một bài kệ dài, trong ấy có mấy câu sau đây:

                   ... ...

                   Kiếp-nghiệp đương đầu,

                   Cảnh-tích phổ-giác.

                   Khổ-hải từ-hàng,

                   Vô-linh thối-khước.

                   ... ...

           Ðại-ý của đoạn kệ nầy Bồ-tát bảo:

           - “... Ở dưới trần-giới, tam tai tiểu-kiếp đã bắt đầu, gồm có các nạn:  -Ðói-khát, tật-dịch và chiến-tranh.  Bồ-tát khuyên thiền-sư (Hư-Vân) và những hành-giả đạo Phật nên làm chiếc thuyền từ (từ hàng) trong bể khổ, nhắc-nhở chúng-sanh nên thức-tỉnh trước các tai-nạn ấy mà lo cố-gắng tu-hành, đừng để cho thối-chuyển”...

 

           Nói khái-quát lại:

           -  Càng đi sâu vào thời mạt-pháp, chúng-sanh thì nghiệp nặng, thế-giới thì nạn-tai... Cảnh nước lửa lầm-than đã thấy hiện ra trước mắt.

           Thời buổi nầy, thật ra còn không nên có sự phân-biệt giữa các tôn-giáo, huống chi là các tôn-phái trong đạo Phật ư !

           Hiện nay các tôn-giáo đều thi nhau dong con thuyền tế-độ giữa cảnh sóng-gió, trầm-luân:

           -  Thần-đạo thì độ thuộc-phái(79) trở về cảnh-giới Thần.

           -  Tiên-đạo thì độ các người có căn Tiên.

           -  Còn Phật-đạo, tất-nhiên phải khuyên các hữu-duyên nhơn về nơi Phật-cảnh.

 

 

ÐÔI LỜI KẾT-YẾU.

           Qua các đoạn trên ...

           Tệ-nhơn(80) đã trình-bày môn Tịnh-độ qua bốn yếu-điểm, luận về NGƯỜI và CẢNH thời nay cùng khái-lược lên các điều quan-yếu để phụng-khuyến các bạn đồng tu trong biển mê, tối trầm-luân cùng hướng bước về nẻo sáng-suốt, an-lành của pháp-môn Tịnh-độ ...

           Và đó là phần lý-thuyết ...

           Còn phần thực-hành (SỰ) sẽ có nghi-thức ở chương sau.

           Trong khi trình-luận, có một vài điểm đề-cập đến giới-hạn giữa TỊNH và THIỀN, ấy cũng bởi-vì lý-do bất đắc-dĩ và cần-thiết sau đây:

           1.  Vì có ít vị tu-học Thiền, bài-bác việc tụng-kinh, niệm Phật qua nhiều điểm, khiến cho đa-số Phật-tử bối-rối, hoang-mang hỏi đến, nên bất đắc-dĩ phải biện-minh.

           2.  Vì nương theo gót từ-bi của Phật và chư tôn-đức, đã nói về pháp tu hợp thời-cơ để làm lợi-ích cho người học-đạo, nên cần-thiết phải giải-thích.

           Bởi-vì nếu:

           - Nói pháp (tu) chẳng hợp thời-cơ, tất chúng-sanh sẽ chìm trong bể-khổ (thuyết-pháp bất đậu-cơ, chúng-sanh một khổ-hải).

 

*

           Thật ra tệ-nhơn tôi rất mến-thích Thiền-tông và có-thể bảo là có căn-cơ về môn ấy.

           Nói mến-thích vì Thiền-tông có những đặc-điểm của nó.

           Chẳng-hạn như sau:

           - Khi có học-giả đến hỏi một Thiền-sư rằng:

           - Thế nào là đạo ?

           - Sư đáp:

                             Một áng khói mây phong cửa động,

                             Muôn chim về tổ chợt mê đường (81)

Chỉ dùng hai câu vừa văn-nhã, vừa giản-dị bao-quát để phá những khái-niệm phân biệt về đạo, đưa vào chân-tâm.  Thiền-tông đã tỏa ra một hương vị thanh-thoát rồi.

 

           Lại như câu chuyện:

           ...

           Khi ngài Pháp-Nhãn hỏi Như-Tắc Thiền-sư rằng:

           - Sao chưa từng thấy giám-viện phỏng-đạo ?

           Như-Tắc đáp rằng:

           - Tôi đã có chỗ sở-nhập do sư Thanh-Lâm khai-thị, vì khi tôi hỏi:

           - Thế nào là đạo ?

           Sư Thanh-Lâm đáp:

           - Bính-Ðinh đồng-tử đi tìm lửa.

           - Ngài Pháp-Nhãn nghe xong, bảo rằng:

           - Khá hay, nhưng e ông chưa hiểu, vậy hãy bày-tỏ chỗ kiến-giải(82) xem sao ?

           - Như-Tắc thưa rằng:

           - Bính, Ðinh (là hai can trong thập can) thuộc về hành HỎA - tức là lửa - Ðem lửa đi tìm lửa cũng như chính mình là PHẬT mà lại đi tìm PHẬT vậy.

           Ngài Pháp-Nhãn nói:

           - Quả-nhiên Giám-viện hiểu sai rồi !

           Như-Tắc nghe chê nhưng không tỏ ra sắc giận chi cả, quay mình bỏ đi.

           Ngài Pháp-Nhãn bảo thị-giả rằng:

           - Người nầy nếu trở lại thì cứu được, bằng không chắc chẳng thể cứu-độ

           - TẮC Thiền-sư đi được một đoạn đường, bỗng-nhiên động tâm suy nghĩ:

           - Ông ấy là bậc Thiện tri-thức của 500 vị (tăng), chẳng lẽ lại đi trêu ghẹo mình sao ?

Liền trở lại, sám-hối và cầu khai-thị.

Ngài PHÁP-NHÃN bảo NHƯ-TẮC Thiền-sư đề khởi lại câu hỏi trước.

TẮC thiền-sư quỳ đảnh-lễ, thưa rằng:

           - Bạch Tôn-đức, thế nào là PHẬT ?

PHÁP-NHÃN đáp:

           - BÍNH-ÐINH đồng-tử đi tìm lửa.

Nghe xong NHƯ-TẮC chợt tỏ ngộ.

           (Ðến đây người chú-giải xin dừng lại một chút để làm sáng tỏ lên cái ý-nghĩa của đoạn văn khai-thị nầy hầu cho chư Phật-tử ngộ-nhập vào trong ý của Tổ-sư, như sau:

           1.  Trong lần đầu TẮC thiền-sư hiểu lầm câu khai-thị của THANH-LÂM sư:  BÍNH-ÐINH đồng-tử đi tìm lửa, cho nên sanh tâm cao ngạo, tự-nghĩ rằng mình đã có Phật-tánh sẵn rồi - mình đã là Phật rồi - còn lạy Phật, niệm Phật, cầu tìm thêm Phật nữa mà làm chi !

(Ðây gọi là tăng thượng mạn.)

           2.  Qua lần thứ hai cũng được PHÁP-NHÃN thiền-sư khai-thị lại câu:

                   “BÍNH-ÐINH đồng-tử đi tìm lửa” nữa - nhưng lần nầy thì TẮC thiền-sư lại được mở-mang trí-huệ mà hiểu rằng:

                   a.  BÍNH-ÐINH đồng-tử tuy là đã có lửa sẵn đấy, nhưng lửa ấy đã bị gió vô-minh thổi tắt từ lâu rồi - Bây giờ phải đi tìm chỗ có “NGUỒN” lửa mà “MỒI” cho nó cháy lại.

                   b.  Tuy rằng mình có sẵn Phật-tánh đó, nhưng cái Phật-tánh kia của mình nó đã bị vô-minh, ái-dục vv... vùi sâu xuống dưới đất đen rồi.  Bây giờ cần phải tìm Phật, lạy Phật, tu theo Phật (Cho Lý-Sự viên-dung) thì Phật-tánh kia mới lộ bày ra được.

 

Kinh dạy:

                   ... Trong khi chưa chứng Diệu Bồ-Ðề,

                     Thời phải tu-hành tất-cả hạnh ...

Tức là:

           - Khi mà mình chưa chứng được Diệu-quả Bồ-đề - chưa thành Phật - thì các hạnh lớn nhỏ gì cũng phải siêng-cần tu tập hết chớ không được buông bỏ hay là coi thường bất-cứ một pháp môn nào cả.

 

Lại nữa, kinh PHÁP-CÚ dạy:

           - Chớ coi thường những điều lành nhỏ (mà không làm) - Phải biết một giọt nước tuy là nhỏ (xíu) nhưng mà nếu nó cứ mãi nhỏ (xuống) lâu ngày, thì bình lớn cũng phải đầy.

           Cũng thế:

           - Nhiều Pháp nhỏ kết lại thành một pháp to (Ðại pháp của Ðại-thừa) rồi dần-dần sẽ chứng được thành Phật quả.)

 

@

 

           Lối giải đáp của ngài PHÁP-NHÃN là đáp đúng ngay vào ý-thức tìm cầu về Phật đã có sẵn của NHƯ-TẮC thiền-sư, hốt-nhiên đưa TẮC sư vào trong cảnh-giới siêu-thức.

           Cảnh-giới tỏ-ngộ ấy sâu hay cạn và như thế nào ... đều không thể dùng lời nói hay tâm-tư mà có thể đến được, chỉ do đương-nhơn tự biết lấy, như chính mình thể-nhận khi uống nước hoặc nóng hoặc lạnh mà thôi.

           Và đây cũng lại là một hương-sắc thơm đẹp của bên Thiền vậy:

           Còn nói:  - Có căn về Thiền - vì tệ-nhơn lúc trẻ tuổi còn đang trên đường học đạo, một hôm đứng tựa gốc cây, bỗng-nhiên muôn niệm đều tiêu-tan, tâm cảnh thoạt vào cõi rất mực an-tĩnh, nhẹ-nhành, sáng-suốt ... Cảnh thoát trần ấy không thể diễn-tả được, chỉ kéo dài không đầy năm phút.

           Khi hoàn lại trạng thái cũ, tệ nhơn tôi suy-nghĩ và biết đó là túc-tập(83) về tu Thiền trong một tiền-kiếp nào đó của mình.

           Từ ấy tệ-nhơn thường ưa-thích thiền, tư, tĩnh-tọa.

           Trên bước đường tu, tuổi càng lớn, sự lịch-duyệt càng sâu, tự xét mình thiện căn tuy có song hoặc-nghiệp hãy còn nhiều, lối luận-thuyết cao-siêu cùng sự hiểu biết chút ít về đạo không thể nào đưa đến sự giải-thoát được - Do đó nên lần-lần hướng về Tịnh-độ, sám-hối, niệm Phật, cầu nguyện lực Như-Lai hộ trì, tiếp dẫn.

@

           Ðến nay, ...........

           Thành-thật mà nói:

            - Gương tánh hãy còn mờ, gót tu chưa ổn, căn-thân chẳng tịnh, hạnh-kiểm còn sơ.

           - Soi gương Cừ Bá-Ngọc(84), hơn năm mươi vẫn còn thấy lỗi-lầm.

           - Hướng gót Triệu-Châu(85), tuổi tám-chục vẫn còn mong học hỏi.

           - Với danh-phận xuất-gia, tự thấy còn chưa xứng-đánh, chẳng qua trên cương-trường, hoằng-hóa, phải cố-gắng đóng cho trọn vai-tuồng của mình đó mà thôi.

           Nhìn về tương-lai,

           Xét về bổn-phận,

           Xin mượn hai câu thơ sau đây để tự diễn-tả:

                     Quý Tử áo thô nhiều vẻ thẹn,

                     Lưu-lang suối cũ luống bàng-hoàng. (86)

 

Phương-Liên Tịnh-xứ

Liên-Du - Vô-Nhất Tăng.

Thích Thiền-Tâm

 Cẩn chí.

 

 

Kính-mừng:

ÐỨC-HẠNH rạng-ngời,

Hoằng-khai tông TỊNH,

Giúp đời độ-sanh.

NGÀI nay:

Ðạp lối sen thanh,

Kim-đài thượng-phẩm,

An-lành thiên-thu.

CHÚC-CÂU:

LẠC ÐẠO VÔ-ƯU.

 

Ðồ-tôn

Ưu bà-di BẢO-ÐĂNG

(Cung-tặng)

 

 

TỊNH - ÐỘ THI ......

Thân tàn quang-cảnh có bao mà,

Bọt nước làn sương một sát na !

Gió lạnh riêng thương thu quạnh-quẻ,

Lá khô những xót tuổi suy già.

Tấm lòng để sạch, hư-danh mật,

Tay chuỗi lần theo tiếng PHẬT qua.

Trân-trọng khuyên ai nên gắng-sức,

Chớ cho muôn kiếp lụy TA-BÀ

 

 Liên-Tông thập nhứt TỔ

 THIỆN-HIỀN Ðại-sư.

 

--------------

Ghi-chú:

(1)- Hai câu thơ trên ý nói:

-  Ðừng ngại gian-khổ mà lui chí tu-hành - Kìa chín phẩm sen nơi miền Cực-Lạc vô cùng rực-rõ và mầu-nhiệm biết bao.

 

(2)-  Phi-lộ:  Là lời nói phụ thêm phần ngoài truyện của một quyển sách ...

           - Phụng-khuyến:  Lời khuyến-nhắc của người dưới đối với người trên trước.  Ðây chỉ cho ý khiêm-hạ của cố Hòa-thượng soạn-giả đối với chư Phật-tử, bổn-đạo.

 

(3)-  Tịnh-độ:  Cõi nước thanh-tịnh, đây là chỉ cho cõi nước Cực-lạc của đức A-DI-ÐÀ Phật.  Trái với "uế độ" là cõi nước có ngũ-trược (ác thế) như cõi Ta-bà nầy của chúng ta là một.

 

(4)- Ba-căn:  là ba căn-tánh của chúng-sanh trong hàng Tứ-Thánh, lục-phàm.

           a.  Thượng-thượng căn:  Gồm có các vị đại Bồ-tát như Văn-Thù, Phổ-Hiền. vv....

           b.  Thượng Trung-căn:  Gồm có các bậc ở ngôi-vị Duyên-Giác.

           c.  Thượng Hạ-Căn:  Gồm có các bậc ở ngôi-vị Thanh-Văn.

Ðây là 3 căn-tánh của các chúng-sanh ở ngôi-vị giải-thoát của hàng Tứ-Thánh.

Sau đây là 3 căn-tánh của chúng-sanh trong cõi lục-phàm:

           a.  Thượng-căn:  Là căn-tánh của trời, Thần.

           b.  Trung-căn:  Là căn-tánh của Người (nhơn-đạo).

           c.  Hạ-căn:  Là căn-tánh của chúng-sanh nơi nẻo Ðịa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh.

Riêng về nhơn-đạo (nẻo người) căn-tánh cũng được chia ra làm 3 loại:

           - Thượng-căn:  Như các bậc Tổ-sư đắc đạo.

           - Trung-căn:  Như các người có trí thông-minh, hiểu biết rõ về đạo-lý và chăm lòng tu-tập.

           - Hạ-căn:  Của các người còn nặng-nề và đầy-đủ tham, sân, si, phiền-não, không chịu tu-hành, không thông đạo-lý.

(5)- Tự-lực:  Tự sức mình tu-tập (như bên Thiền-tông).

(6)- Tha-lực:  Nương nơi sự trợ-lực của chư Phật, chư Bồ-tát gia-hộ.  Pháp-môn Tịnh-độ nầy gồm đủ cả hai phần TỰ-LỰC và THA-LỰC.  Vì tự mình chăm lòng chịu khó niệm-Phật (Tự-lực) và nương nơi nguyện lực tiếp-độ của đức Phật A-DI-ÐÀ (Tha-lực) trong 48 đại-nguyện vương của ngài.

(7)- Hợp với thời-tiết cơ-duyên:  Ý nói là vào thời buổi mạt pháp nầy căn-cơ chúng-sanh hầu-hết đều ở bậc Hạ-căn còn nặng-nề phiền-não.

(8)- Chân-tâm:  Tức là Phật-tánh.

(9)-  Chân không:  Là cái không chân-tánh (Thập bát không) của chư Phật, Bồ-tát.

(10)- Thiên-không:  Là cái không nghiêng-lệch, méo-mó trống-rỗng, sai lầm của ngoại-đạo, tà-giáo.

(11)- Sự-tướng:  Tức là phần trì-niệm (hành-trì) của ta mỗi ngày, như ngày lễ 6 thời, 4 thời, 3 thời vv...

 (12)- Huyễn-sắc:  là cái có sắc-tướng:  Ðây là chỉ cho cái SỰ.

(13)- Chân-không:  Là cái không có sắc-tướng:  Ðây là chỉ cho cái LÝ (chân-lý, tánh-thể).

           Câu:  "Huyễn-sắc tức là chân không" đây là chỉ cho: 

                        SỰ và LÝ đều như nhau (viên-dung).

           Bởi vì:

                        - SỰ chứng-minh cho LÝ.

                        - LÝ dẫn đường cho SỰ.

Như bản-đồ của một bộ máy (vẽ trên giấy) là LÝ - còn bộ máy (sau khi đã chế-tạo xong) là SỰ - như vậy thì có thể nói rằng:

           Trong bộ máy nầy có đầy-đủ cả LÝ (thuyết) và SỰ (thực-hành) vậy (như thế mới thành diệu-dụng được)

           Trong đường TU cũng thế, tức là cái LÝ (thuyết) cần phải đi đôi với cái SỰ (thực-hành) thì mới THÀNH-ÐẠO và GIẢI-THOÁT được.

(14)- Liễu-đạt:  Người hiểu rõ LÝ và chứng được đạo.

 (15)- Trái hồ-lô:  Là trái bầu (già chín và rỗng ruột) người xưa thường dùng để làm bình đựng nước, đựng rượu hoặc là thuốc (tiên-đơn).

 (16)- Tham-phỏng:  đi cầu học đạo-pháp nơi các danh-sư khác (du-phương học đạo). 

(17)-  Sau khi được ngài Ðức-Vân Bồ-tát truyền dạy môn Niệm-Phật tam-muội nầy rồi thì THIỆN-TÀI đồng-tử liền chứng được quả-vị SƠ-TRỤ trong hàng THẬP-TRỤ Bồ-tát. 

(17b)-  Trong 10 nguyện-vương nầy có lời nguyện thứ hai như sau:

           "Nhị giả xưng-tán Như-Lai"

           Nghĩa là:  Nguyện thứ hai là NIỆM PHẬT (xưng-tán Như-lai tức là Niệm Phật). 

(18)-  Quyển Tịnh-độ thánh-hiền-lục nầy đã được hai đại tôn-sư của Phật-giáo Việt-Nam ta dịch ra dưới đề tựa là:

           - Ðường về Cực-lạc (Hòa-thượng Thích Trí-Tịnh - Tu-viện Vạn-Ðức - Thủ-Ðức).

           - Mấy điệu sen-thanh (Hòa-thượng Thích Thiền-Tâm - Phương-Liên và Hương-Nghiêm Tịnh-độ đạo-tràng - Lâm-Ðồng, Ðà-lạt).

(19)-  Bảo-phiệt:  là một môn bảo-kiếp cực-kỳ quý-báu. 

(20)- Huyền-môn:  pháp-môn tu học rất là huyền-diệu. 

(21)- Ấn-Quang đại-sư:  là vị Tổ thứ 13 trong tông Tịnh-độ. 

(22)- Các loài cá lớn nhỏ:  Ðây là ý nói các chúng-sanh từ thượng-căn (cá lớn) - cho đến hạ-căn (cá nhỏ), đều nhớ nơi pháp-môn Tịnh-độ nầy mà được giải-thoát. 

(23)- Lâm-chung:  Là mãn phần, chết. 

(24)-  Ði, đứng, nằm, ngồi:  Gọi là "Tứ oai-nghi" của người tu-tập.  Sở-dĩ gọi là oai-nghi vì qua bốn cách đi, đứng, nằm, ngồi nầy người khác nhìn vào có thể hiểu được giá-trị và tâm-tánh của (người) đối-tượng. 

(25)- Chánh ức-niệm Tam-muội:  Là một pháp-môn chánh-định chuyên tưởng nhớ đến PHẬT không lúc nào quên. 

(26)- Hành-giả:  là người hành-trì, đây là chỉ cho mình trong (khi) đang tu-tập vậy. 

(27)- Phật-độ:  tức là thế-giới của một vị Phật - Như cõi Ta-bà gồm có đại-thiên thế-giới (một ngàn triệu (1 tỷ) châu TỨ thiên-hạ)(một) Phật-độ của đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, Cực-Lạc thế-giới là Phật-độ của đức A-DI-ÐÀ PHẬT. vv... 

(28)- Lục-thông La-Hán:  là sáu phép thần-thông của bậc A-LA-HÁN, ấy là:

           - Thiên-nhãn thông (mắt thấy phi-thường).

           - Thiên-nhĩ thông (tai nghe phi-thường).

           - Thần-túc thông (đi, đứng và dạo chơi vô-ngại khắp trên hư không xa gần).

           - Túc-mạng thông (trí nhớ biết quá khứ, vị-lai phi-thường).

           - Tha-tâm thông (trí biết được tâm-tưởng của người, vật, thần, tiên, vv... khác).

           - Lậu-tận thông  (dứt hết phiền-não, trói-buộc, ngã và ngã sở ...)

(29)- Hoặc-nghiệp:  là các nghiệp-duyên phiền-não (hoặc quá khứ, hoặc hiện-tại) trói buộc.

(30)- Thắng-duyên:  là nhân-duyên cao siêu nhất không còn chi hơn nữa.

(31)-  Ðẳng-Giác bồ-tát:  là các Bồ-tát ở vào ngôi-vị Nhất-sanh bổ-xứ như ngài Di-Lặc, Văn-Thù ...

(32)- Kiến đây tức là "Kiến-hoặc":  là cái thấy biết sai lầm của chúng-sanh trong 3 cõi Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc giới.

           Kiến-hoặc nầy là do sự vọng-chấp của ý-thức mà sanh ra, nên có tên là "phân-biệt hoặc" - do nơi mê LÝ mà có. 

           Căn-bản của kiến-hoặc là do "Thập-sử" phối-hợp với "Tứ-đế" nơi "3 cõi" (Dục-giới - Sắc-giới - Vô-sắc giới) mà thành, gồm có cả thảy là 88 hoặc - Theo như chi-tiết sau đây:

           a.  Thập-sử là: 

                   - Tham, sân, si, mạn, nghi (5 độn sử).

                   - Thân-kiến, biên-kiến, tà-kiến, kiên-thủ kiến, giới-thủ kiến (5 lợi sử).

Mười món "SỬ" nầy nó chỉ-huy và sai-sử chúng-sanh như là chủ-nhân sai-sử tôi-tớ vậy.

           b.  Tứ-đế là:  Khổ-đế, tập-đế, diệt-đế, đạo-đế.

           c.  Ba cõi là:  Dục-giới thiên, Sắc-giới thiên, Vô-sắc giới thiên.

Sau đây là biểu-đồ của 88 món kiến-hoặc trong 3 cõi:

           1.  Cõi Dục-giới: 

           - Khổ-đế (có đủ 10 món) là:  Tham, sân, si, mạn, nghi, thân-kiến, biên-kiến, tà-kiến, kiên-thủ kiến, giới-thủ kiến.

           - Tập-đế (có 7 món) là:  Tham, sân, si, mạn, nghi, tà-kiến, kiên-thủ kiến.

           - Diệt-đế (có 7 món):  giống như tập-đế.

           - Ðạo-đế (có 8 món) là:  Tham, sân, si, mạn, nghi, tà-kiến, kiên-thủ kiến, giới-thủ kiến.

Như vậy cõi Dục-giới có 32 kiến-hoặc trói buộc chúng-sanh vào trong sanh-tử.

            2.  Cõi Sắc-giới: 

           - Khổ-đế (có 9 món) là:  Tham, si, mạn, nghi, thân-kiến, biên-kiến, tà-kiến, kiên-thủ kiến, giới-thủ kiến.  (không có sân).

           - Tập-đế:  (có 6 món):  tham, si, mạn, nghi, tà-kiến, kiên-thủ kiến.

           - Diệt-đế:  (có 6 món) giống như ở Tập-đế.

           - Ðạo-đế: (có 7 món) là:  Tham, si, mạn, nghi, tà-kiến, kiên-thủ kiến, giới-thủ kiến.

Vậy ở cõi Sắc-giới có cả-thảy là 28 món kiến-hoặc.

            2.  Cõi Vô-sắc giới:

           - Khổ-đế:  y như khổ-đế của Sắc-giới.  (có 9 món).

           - Tập-đế:  y như tập của Sắc-giới (có 6 món).

           - Diệt-đế:  y như Diệt-đế của Sắc-giới  (có 6 món).

           - Ðạo-đế:  y như Ðạo-đế của Sắc-giới (có 6 món).

Vậy ở cõi Vô-sắc giới có cả thảy là 28 món kiến hoặc.

 

Chú-ý:

           Nơi 2 cõi Sắc-giới và Vô-sắc giới không có SÂN vì chư thiên nơi 2 cõi nầy đều sống trong định, có hỷ, có lạc, nên không khởi ra SÂN-HẬN.

           Ở cõi Dục-giới:

           - Khổ-đế vì là QUẢ khổ nên có đủ 10.

           - Tập-đế vì đây thuộc về NHÂN khổ nên chỉ có 7 mà thôi.

           - Diệt-đế vì đây thuộc về QUẢ XUẤT-THẾ nên cũng chỉ có 7.

           - Ðạo-đế vì là phần tu-hành nên chỉ có 8.

 

Lời chú-thích riêng:  Vì 3 cõi Dục-giới, Sắc-giới, và Vô-sắc giới cũng còn nằm trong vòng sanh-tử và 6 nẻo luân-hồi - chớ chưa được giải-thoát - nên vẫn bị lệ-thuộc vào "thập-sử" và "Tứ-đế" khi nào thành được A-la Hán trở lên (hoặc như Duyên-giác ...) thì mới thoát khỏi 10 sử và bốn đế nầy. 

TƯ-HOẶC:  Còn có tên là "Câu-sanh hoặc" do nơi mê SỰ (tức là đắm nơi các trần:  Sắc, thanh, hương, vị xúc, ...) mà sanh ra.  Goiï là "Câu-sanh hoặc".  Sở-dĩ có tên "Câu-sanh hoặc" nầy là vì hễ có ta là có nó.  NÓ với TA đồng sanh ra một lượt (Câu-sanh).

           Phải đắc quả A-LA-HÁN trở lên mới trừ được các món Tư-hoặc hay là Câu-sanh hoặc nầy được.

           Tư-hoặc nầy cũng căn-cứ vào nơi 10 món kiết-sử mà sanh ra.

           Tư-hoặc nầy được phân-bố ra như sau:

           - Dục-giới:  Có 4 món (tư-hoặc) là:  Tham, sân, si, mạn.

           - Sắc-giới:  (có 3 món) là:  Tham, si, mạn (cũng không có sân).

           - Vì 2 cõi Sắc-giới và Vô-sắc giới, thiên-chúng luôn sống trong thiền-định nên không có sân.

           Các món Tư-hoặc này chia ra làm 3 loại:

           - Nhiễm nặng quá thì gọi là bậc THƯỢNG.

           - Nhiễm vừa-vừa thì gọi là bậc TRUNG.

           - Nhiễm mõng, nhẹ, ít thì gọi là bậc HẠ.

           - Bậc THƯỢNG nầy cũng lại chia ra làm 3 loại là:

           Thượng-Thượng, Thượng-Trung-Thượng-Hạ.

           - Bậc TRUNG nầy cũng lại chia ra làm 3 loại là:

           Trung-Thượng, Trung-Trung, Trung-Hạ.

           - Bậc HẠ nầy cũng lại chia ra làm 3 loại là:

           Hạ-Thượng, Hạ-Trung, Hạ-Hạ.

 

           Như vậy là 3 món TƯ-HOẶC THƯỢNG, TRUNG, HẠ nầy cộng lại gồm có:

           9 bậc hay là 9 phẩm - 9 phẩm nầy phối-hợp với 9 địa của 3 cõi DỤC - SẮC - VÔ-SẮC như sau:

 

           a.  Dục-giới:  Có 1 địa duy-nhất là NGŨ THÚ TẠP CƯ ÐỊA (tức là 5 loài):  Trời, người, địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh - cùng chung nhau ở.

           Gồm có:  9 phẩm Tư-hoặc (3 Thượng, 3 Trung, 3 Hạ)

 

           b.  Sắc-giới:  Có 4 địa là:

           1.  Trời Sơ-thiền  -  ly-sanh hỷ-lạc địa:  Có 9 phẩm tư-hoặc (như trên).

           2.  Trời Nhị-thiền  -  Ðịnh sanh hỷ-lạc địa:  Có 9 phẩm tư-hoặc (như trên).

           3.  Trời Tam-thiền  -  ly-hỷ diệu-lạc địa:  Có 9 phẩm tư-hoặc (như trên).

           4.  Trời Tứ-thiền  -  Xả niệm thanh-tịnh địa:  Có 9 phẩm tư-hoặc (như trên).

 

           c.  Trời Vô-sắc giới:  có 4 địa là:

           1.  Không vô-biên xứ địa (có 9 phẩm tư-hoặc Thượng, Trung, Hạ như trên).

           2.  Thức vô-biên xứ địa (có 9 phẩm tư-hoặc như trên).

           3.  Vô sở-hữu xứ địa (có 9 phẩm tư-hoặc như trên).

           4.  Phi-tưởng, phi-phi tưởng xứ địa (có 9 phẩm tư-hoặc như trên).

           Như vậy, nhơn tất-cả 9 địa lại thì thành ra có:

           - 9 x 9 = 81 phẩm (hoặc là 81 món) tư-hoặc.  Phải đoạn cho hết 81 món tư-hoặc nầy thì mới thành bậc A la-hán và giải-thoát ra ngoài ba cõi tử-sanh được.

 

TRẦN-SA HOẶC.

           Trần-sa Hoặc:  Trần là bụi - Sa là cát.

           Ðây là những cái mê-lầm nhỏ như cát-bụi, do mê nơi pháp-chấp mà ra.  Bởi vì sau khi chứng-quả A-la Hán, đoạn được kiến-hoặc tư-hoặc (như đã nói ở trên rồi), nếu muốn thành bậc Ðại-thừa Bồ-tát thì phải đoạn thêm hai cái hoặc Trần-sa và vô-minh nữa.

           Vì bậc A-la Hán dùng (mắt huệ-nhãn) nhìn ra ngoài thì thấy những cái mê-lầm của chúng-sanh nhiều như cát-bụi (trần-sa) nên sanh tâm chán-ngán, không muốn ra hoằng-pháp, lợi-sanh, ôm giữ cái Niết-bàn Tiểu-thừa của mình vừa chứng được mà vào trong cõi tịch-diệt luôn.

           Tại sao vậy ?

           Vì quý-vị "Tiểu-thừa thánh nhơn" chưa hiểu thấu nghĩ-lý:

                   "THỊ CHƯ PHÁP KHÔNG TƯỚNG"

Nên còn thấy có pháp (tức là pháp-chấp) mà mình tu để thủ  -  Tức là "Tứ-đế" hoặc "Thập nhị nhân-duyên" vv..., còn thấy có Niết-bàn mình chứng-đắc để nhập-diệt.  Vì thế nên không thể nào thành Bồ-tát và Phật được.

 

VÔ-MINH HOẶC:

           - Vô-minh là không sáng (tức là tối), là mê lầm, là chưa rõ được bổn-thể chơn-tâm vốn là "KHÔNG", là vô-tướng, là siêu quá tam thế vv..., Còn hoặc là các sự trói-buộc là gút-mắt ...

           - Ðây là một sự "mê-lầm nguồn-gốc" của tất-cả các loại mê-lầm, tức là "Ông-tổ" của tất-cả các thứ điên-đảo, vọng-tưởng vậy.  Kinh gọi là "CĂN-BỔN VÔ-MINH".  Nó cực-kỳ vi-tế (nhỏ-nhiệm đến nổi không thể nào thấy, biết hay tưởng-nghĩ được cả) chỉ có cái TRÍ-HUỆ BA-LA MẬT của Bồ-tát mới nhìn thấy được nó.

           Loại "Vô-minh hoặc" nầy (chỉ thấy, biết được) khi nào đã phá hết tất-cả các "TRẦN-SA HOẶC" rồi, thì nó mới hiển-hiện ra mà thôi.

           Theo cách tu-chứng của "Ðại-thừa" thì cách phá "VÔ-MINH hoặc" nầy phải lần-lượt trải qua các giai-đoạn sau đây:

 

           1.  Phải hoàn-mãn 10 giai-vị THẬP-TÍN Bồ-tát (Tức là 10 cái đức TÍN (tin) như sau:  Tín-tâm, Niệm-tâm, Tinh-tấn tâm, Huệ-tâm, Ðịnh-tâm, Bất-thối tâm, Hộ-pháp tâm, Hồi-hướng tâm, Giới tâm, Nguyện tâm) -  Chứng được 10 bậc TÍN nầy thì đã dứt xong được tất-cả các "TRẦN-SA hoặc" rồi.  Kế đó ...

 

           2.  Qua đến 10 giai-vị của bậc THẬP-TRỤ Bồ-tát là:  Phát-tâm trụ, Trì-địa trụ, Tu-hành trụ, Sanh quí trụ, Phương-tiện cụ-túc trụ, Chánh-tâm trụ, Bất-thối trụ, Ðồng-chơn trụ, Pháp-vương tử trụ, Quán-đảnh trụ.

           Cứ lên được một bậc TRỤ (như từ "Phát-tâm trụ" lên "Trì địa trụ", từ "Trì địa trụ" lên "Tu-hành trụ") vv ...  Như vậy thì PHÁ được một phần VÔ-MINH và chứng được một phần PHÁP-TÁNH (pháp tánh tức là CHƠN-TÁNH gồm có 3 phần là:  PHÁP-THÂN, BÁT-NHÃ, và GIẢI-THOÁT).

           Như vậy thì giai-vị THẬP-TRỤ BỒ-TÁT có 10 lần phá VÔ-MINH, và chứng được 10 phần pháp-thân.

 

           3.  Qua đến 10 giai-vị của bậc THẬP-HẠNH Bồ-tát là:  Hoan-hỷ hạnh, Nhiêu-ích hạnh, Vô sân-hận hạnh, Vô-tận hạnh, Ly si-loạn hạnh, Thiện-hiện hạnh, Vô-trước hạnh, Tôn-trọng hạnh, Thiện-pháp hạnh, Chơn-thật hạnh.

           Cứ lên được một bậc HẠNH (thí-dụ như từ "Hoan-hỷ hạnh" lên "Nhiêu-ích hạnh", Từ "Nhiêu-ích hạnh" lên "Vô sân-hận hạnh" vv...)  như vậy thì PHÁ thêm được một phần VÔ-MINH và chứng thêm được một phần PHÁP-TÁNH.

           Hoàn-mãn được 10 giai-vị của THẬP-HẠNH Bồ-tát nầy xong rồi, thì phá thêm được 10 phần VÔ-MINH và chứng thêm được 10 phần PHÁP-TÁNH nữa.

 

           4.  Qua đến 10 giai-vị THẬP HỒI-HƯỚNG Bồ-tát là:  Cứu-hộ chúng-sanh, ly chúng-sanh tướng hồi-hướng, Bất-hoại hồi-hướng, Ðẳng nhứt-thiết chư PHẬT hồi-hướng, Chí nhứt-thiết xứ hồi-hướng, Vô-tận công-đức tạng hồi-hướng, Tùy-thuận bình-đẳng thiện-căn hồi-hướng, Tùy-thuận đẳng quán nhứt-thiết chúng-sanh hồi-hướng, Chơn-như tướng hồi-hướng, Vô-phược giải-thoát hồi-hướng, Pháp-giới vô-lượng hồi-hướng.

           Cứ lên được một bậc HỒI-HƯỚNG (thí-dụ như Từ "Cứu-độ chúng-sanh ly chúng-sanh tướng hồi-hướng" lên "Bất-hoại hồi-hướng", Từ "Bất-hoại hồi-hướng" lên "Ðẳng nhứt-thiết chư PHẬT hồi-hướng" vv...) như vậy, thì PHÁ thêm một phần VÔ-MINH và chứng thêm một phần PHÁP-TÁNH.

           Hoàn-mãn được 10 giai-vị THẬP HỒI-HƯỚNG Bồ-tát nầy xong rồi, thì phá thêm 10 phần VÔ-MINH và chứng thêm được 10 phần PHÁP-TÁNH nữa.

 

           5.  Qua đến 10 giai-vị THẬP-ÐỊA Bồ-tát là:  Hoan-hỷ địa, Ly-cấu địa, Phát-quang địa, Diễm-huệ dịa, Cực nan thắng địa, Viễn-hành địa, Bất-động địa, Thiện-huệ địa, Pháp-vân địa.

           Cứ lên được một bậc ÐỊA (thí-dụ như từ "Hoan-hỷ địa" lên "Ly-cấu địa" từ "Ly-cấu địa" lên "Phát-quang địa" vv...) như vậy, thì PHÁ thêm được một phần VÔ-MINH và chứng thêm được một phần PHÁP-TÁNH.

           Hoàn-mãn được 10 giai-vị của THẬP-ÐỊA Bồ-tát nầy xong rồi thì phá thêm được 10 phần VÔ-MINH và chứng thêm được 10 phần PHÁP-TÁNH nữa.

 

           6.  Lên đến giai-vị Bồ-tát thứ 51 sau cùng là "ÐẲNG-GIÁC BỒ-TÁT", thì bấy giờ mới dùng cái trí "KIM-CƯƠNG BÁT-NHÃ" phá "sạch bách" hết cái "sanh-tướng Vô-minh vi-tế" tối-hậu.

           Ðến đây thì hoàn-mãn tất-cả các hạnh Bồ-tát và :

           - CHỨNG ÐƯỢC GIAI-VỊ THỨ 52 Sau cùng hết là:

           "NHƯ-LAI, ỨNG-CÚNG, ÐẲNG CHÁNH-GIÁC".

 

PHẦN PHỤ GIẢI THÊM:

Xin lưu-ý quý chư hiền-học PHẬT 2 điều sau đây:

         

           1.  Hai phần KIẾN-HOẶC và TƯ-HOẶC nếu như chưa trừ được thì vẫn còn bị chiêu-cảm lấy cái thân "PHẦN-ÐOẠN SANH-TỬ" (Phần là từng phần, đoạn là từng giai-đoạn) trong 3 cõi Dục, sắc, vô-sắc.  Tức là sau khi chết, bỏ thân nầy rồi thì đầu thai lại mang thân khác, kiếp khác, đời khác vv...

           Thí-dụ như:  Thân Tu-Ðà-Hoàn thứ nhất chết rồi thì đầu thai qua kiếp khác, lấy thân Tu-đà-hoàn thứ 2 ... cho đến thứ 7 vv..., rồi thân Tu-đà-hoàn thứ 7 chết đi, kế lại đầu thai nữa lấy thân TƯ ÐÀ-HÀM vv...

           (Ðây là nói theo thứ-tự thông-thường của Tiểu-thừa thánh-nhơn quả-vị", ngoài ra cũng còn có những trường-hợp đặc-biệt như là từ thân TU-ÐÀ-HOÀN không cần phải chết, liền chứng luôn quả A-LA-HÁN hiện-tiền như các vị đại A-la-Hán hồi PHẬT còn tại thế, quý ngài MA-HA-CA-DIẾP, XÁ LỢI-PHẤT, MỤC KIỀN-LIÊN, vv...)

           - Còn nếu như dứt trừ xong được 2 phần KIẾN-HOẶC và TƯ-HOẶC nầy rồi thì không còn phải thọ thân "PHẦN ÐOẠN Sanh-tử" nữa.  Có thể nhập vào VÔ-DƯ NIẾT-BÀN luôn (nếu muốn) vĩnh-viễn chấm-dứt sự luân-hồi, sanh-tử.

           2.  Kế nữa nếu như đã đoạn xong được:  TRẦN-SA HOẶC (của THẬP-TÍN) và VÔ-MINH-HOẶC (từ THẬP-TRỤ trở lên...)  thì không còn thọ thân "Phần-đoạn sanh-tử nữa mà chỉ còn chiêu-cảm (thọ) lấy thân "BIẾN DỊCH SANH-TỬ ngoài ba cõi (DỤC, SẮC, VÔ-SẮC) thôi.

           Thân "BIẾN-DỊCH" tức là thân biến-hóa để thay-đổi thứ-bậc, giai-vị từ thấp đến cao - Nghĩa là cũng chỉ dùng có một thân đó mà biến-đổi thành ra thân khác, đẹp hơn, thắng-diệu hơn, thần-thông, đạo-lực và quả-vị cao hơn chớ không có TỬ nữa (hết còn lệ-thuộc vào TỬ MA).

           Việc nầy cũng giống như cũng cùng một thân con sâu đó thôi mà biến-đổi thành ra con bướm khác vậy vv...  Dứt TRẦN-SA HOẶC và VÔ-MINH-HOẶC nầy rồi thì thành được các bậc Quyền-thừa Bồ-tát.

           3.  Ðoạn sạch hoàn-toàn hết các VÔ-MINH HOẶC rồi thì thành ra bậc Diệu-giác (tức là PHẬT)

           Tóm lại:

           - Từ khi phát tâm Bồ-tát cho đến khi thành PHẬT, phải trải qua:

           a.  10 lần phá TRẦN-SA HOẶC (Ở giai-vị Thập-Tín Bồ-tát).

           b.  40 lần pháp VÔ-MINH HOẶC (Ở giai-vị Thập-Trụ vv... cho đến Thập-địa).

           c.  1 lần phá VÔ-MINH sau rốt (Ở giai-vị Ðẳng-giác Bồ-tát).

           d.  1 lần phá VÔ-MINH tối-hậu (Ở giai-vị Nhất-sanh bổ-xứ Bồ-tát).

           Rồi mới thành PHẬT được.

           Như vậy thì có: 

                   - 10 lần phá TRẦN-SA HOẶC,

                   - 42 lần phá VÔ-MINH HOẶC,

           Cộng lại có cả thảy là 52 lần phá VÔ-MINH (kể cả 10 lần phá TRẦN-SA HOẶC trong đó luôn).  Rồi mới thành PHẬT, ÐẲNG, CHÁNH-GIÁC, ... được vậy.

 

           (Xét như vậy thì biết:

           - Từ khi phát tâm tu-hành cho chí đến khi thành PHẬT phải trải qua một thời-gian cực-kỳ lâu dài, có khi phải mất đến nhiều hằng-hà sa-số A-tăng kỳ-kiếp, chớ không phải như gần đây có một loại thiên-ma, ngoại-đạo nói rằng:  Cứ đưa đầu cho nó "Truyền tâm-ấn" rồi bảo-đảm 3 năm sau sẽ được thành PHẬT đâu).

 

(34)- Uế-độ:  Là cõi đầy-đủ các sự phiền não, ngũ-trược (ác-thế) như cõi Ta-bà của chúng ta đây là một.

(35)- Hàm-thức:  Hàm là ngậm, Thức là tánh-linh.  Ðây là chỉ cho các hữu-tình chúng-sanh có đầy-đủ thức-tánh phân-biệt (hư-vọng phân-biệt) cũng như chúng ta vậy.

(36)-  Thường-trú:  Không biến đổi, còn hoài, bất-sanh, bất-diệt, bất-cấu, bất-tịnh, bất-tăng, bất-giảm vv...

 (37)-  Câu nầy ý nói các ngài vẫn ở một chỗ mà phân-thân đi khắp mười phương để độ chúng-sanh.

(38)- Sát-na:  Là 1/90 của một niệm.  Tức là trong một niệm-tưởng ngắn-ngủi của mình có đến 90 cái "sát-na" - Như vậy thì xét biết thời-gian của cái "sát-na" ấy nó lẹ như thế nào rồi!

(39)- Quả Thánh:  Từ quả Tu đa-hoàn trở lên như (Tư đà hàm, A na-hàm, A la-hán) thì gọi là THÁNH của đạo PHẬT.

(40)- Trực-chỉ Thiền:  Tôn-chỉ của Thiền-tông là:  "Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật" (Trực chỉ là chỉ thẳng).

 (41)- Ngộ-đạo:  Là thấy rõ lối đi về (nhưng chưa đắc quả).

(42)- Mê-muội túc-căn:  là quên mất căn tu tiền-kiếp.

(43)- Ba cõi:  Dục-giới, Sắc giới, Vô-sắc giới.

(44)- Sự nhứt tâm bất-loạn:  tức là hành-trì câu niệm-Phật được nhứt-tâm.

(45)- Lý nhứt tâm:  tức là đoạn dứt các phiền-não, kiết-sử trói buộc.

(46)- Niệm Phật tam-muội:  là chỗ chứng-đắc cùng-cực, cao nhất của pháp-môn Tịnh-độ, người chứng được Tam-muội nầy rồi thì tùy ý muốn thấy đức Phật nào thì Phật ấy hiện thân cho thấy theo như-ý muốn, hoặc muốn sanh về thế-giới của Phật nào thì Phật ấy cũng hiện-thân ra tiếp rước.

(47)- Bình nhựt:  (đều-đặn) mỗi ngày.

(48)- Chánh-pháp:  Thời-gian trong vòng 500 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn.  Chữ CHÁNH đây có nghĩa là CHỨNG.  Trong thời-kỳ nầy, tuy Phật đã nhập-diệt, nhưng pháp-nghi, giới-luật còn vững chắc, nên có người hành-trì, có người tu-chứng.  Trong trăm người tu cũng được 70, 80 người giải-thoát.

(49)- Tượng-pháp:  Thời-gian trong vòng 500 năm tiếp sau thời chánh-pháp (1000 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn).  Chữ TƯỢNG đây có nghĩa là MƯỜNG-TƯỢNG, Tương-tợ mà thôi.  Thời-kỳ nầy giới-luật, pháp-nghi tu-hành của Phật để lại bị các Ma-tăng (Ngoại-giáo trá-hình, lẫn-lộn vào trong Phật-giáo để phá rối đạo) giảng giải sai lầm ...  Nên tuy có giáo-lý, có người hành-trì ... song rất ít người tu-chứng.

           Trong 100 người tu may ra chỉ được 1 hoặc 2 người đắc-đạo.

(50)- Mạt-pháp:  Thời-gian 500 năm kế tiếp sau thời-gian Tượng-pháp (1500 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn) trở riết về sau.  Chữ MẠT đây có nghĩa là VI-MẠT, là bụi nhỏ, như chót nhọn của đầu sợi lông, như điểm sương ban sáng ...  Thời-kỳ nầy đạo-pháp suy-đồi, luật-nghi bại-hoại.  Tà-ma, ngoại-đạo lẫn-lộn vào trong Phật-giáo rất nhiều, phá hư Phật-pháp.  Tuy rằng giáo lý vẫn còn, người tu vẫn có, nhưng không một ai chứng-đắc được cả.

(51)-  Năm thời kiên-cố:

           a.  Năm thời:  là 5 thời-kỳ biến-chuyển của Phật-pháp từ thạnh đến suy.

           b.  Kiên-cố:  Ðây là nói về tâm-niệm của chúng-sanh, vọng-chấp quá bền-chắc, khó nhổ lên, khó xoay-chuyển nỗi tựa như rể cây quá sâu chắc không nhổ được vậy.

           Theo kinh "Ðại-tập Nguyệt-Tạng", sau khi Phật nhập Niết-bàn, Phật-pháp sẽ lần-lượt trải qua 5 thời-kỳ kiên-cố như sau:

1.  Giải-thoát kiên-cố:  (Chánh-pháp).

           Sau khi Thế-tôn nhập Niết-bàn 500 năm đầu-tiên thì đệ-tử của Phật có nhiều vị tu-hành được chứng-đắc, giải-thoát.  Trong 100 người tu cũng có được 70, 80 người đắc quả.  Trong nhơn-gian đầy-dẫy các bậc nhơn-hiền.

2.  Thiền-định kiên-cố:  (Tượng-pháp).

           Sang đến 500 năm thứ hai, hàng xuất-gia, tại-gia tuy ít có người chứng-đạo như 500 năm đầu, song vẫn còn thực-hành y theo lời Phật dạy, đi sâu vào trong cảnh-giới Thiền-định.  Trong 100 người tu cũng có được 7,8 người chứng quả.

3.  Ða-văn kiên-cố:  (Mạt-pháp).

           Qua đến 500 năm thứ ba, thì đạo-căn chúng-sanh cạn-cợt hơn trước nhiều.  Ða phần chỉ ham thích giảng-kinh, nói lý ngoài môi-miệng để cầu danh-lợi mà thôi.  Trong muôn ức người tu, họa may lắm mới có vài ba người đắc đạo.

4.  Tháp-tự kiên-cố:

           Sang qua 500 năm thứ tư (tức là 2000 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn) - Phật-giáo đồ chỉ thuần chuyên-chú vào các việc cất chùa to, tháp lớn để cầu phước-báo, chớ không còn cầu việc giải-thoát nữa.  Ức-ức kẻ tu-hành, song không có một ai chứng đạo.

5.  Ðấu-tranh kiên-cố:

           Bước sang 500 năm thứ năm (tức là 2500 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn - chính là thời buổi bây-giờ đây) - Phật giáo-đồ vì ngã-chấp và tự-ái quá nặng, nên trong đạo lẫn ngoài đời thường xảy ra nhiều cảnh tranh-đua, tàn-hại, giết-chóc lẫn nhau.  Tam-Bảo không còn đúng theo thiệt-nghĩa nữa.

           Kinh nói:  "Năm trăm năm rốt sau ..."  Chính là thời kỳ nầy, là hiện nay vậy.

(52)- Thánh-đạo:  Tức là phương-pháp tu-hành để đạt đến quả-vị Thánh. (Tứ-thánh:  Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát, Phật).

(53)- Chứng-liệu:  Tài-liệu (kinh-pháp) dẫn ra để chứng-minh.

(54)- Tôn-đức:  Các bậc Tổ-sư đạo-cao, đức-trọng đã bước vào trong cảnh-giới chứng-ngộ rồi.

(55)- Liễu-đạt:  Chứng-đắc và giải-thoát.

(56)- Thiển-ý:  Là ý-kiến thô-sơ, nhỏ hẹp của mình (khiêm-nhượng).

(57)- Thời cận-đại:  Là thời-gian gần đây (vài ba trăm năm trở lại).

(58)- Cổ-xúy:  Hô-hào, cổ-động rầm-rộ ...

(59)- Tam-quán:  Tức là quán 3 cái "KHÔNG" sau đây:

           - Không quán:  Mọi vật đều là không có thật tánh, mọi pháp đều là Không.

           - Giả- quán:  Mọi vật và các pháp đều vô-thưòng, giả-tạm.

           - Trung-quán:  Là Trung-đạo - chẳng phải thật cũng chẳng phải giả, chẳng phải có cũng chẳng phải không.

(60)- Khai-tổ bản-tông:  là người khai-sáng ra một Tông-phái tu-tập.

(61)- Mô-phạm:  Người dẫn-đạo, chỉ dắt đường lối tu-hành.

(62)- Ðâu-suất tịnh-độ: Tức là nội-viên cung trời Ðâu-Suất nơi Nhất-sanh Bổ-xứ Bồ-tát ở (Ðức Di-Lặc) - còn ngoại-viên Ðâu-Suất là nơi chư thiên ở thì không được gọi tịnh-độ được (vì chư thiên nơi cõi trời nầy vẫn còn đắm-say ngũ-dục lạc).

(63)-  Tức là bàn-luận về nhơn-tâm (lòng người) và hoàn-cảnh, thời thế hiện-tại.

(64)- Hoằng-dương đạo-pháp: Tức là làm cho đạo-pháp càng ngày càng được phổ-biến rộng-rãi hơn lên - cho khắp mọi nơi, mọi người đều biết.

(65)- Sở-dĩ chỉ nói bên Trung-Hoa mà không nói đến Ấn-Ðộ, Tích-Lan ..vv... (hay các xứ khác) là bởi vì Phật-giáo Ðại-thừa Việt-Nam chỉ ảnh-hưởng nhiều nhất từ nơi Phật-giáo Trung-quốc mà thôi.

(66)- Tức là thời Cách-mạng dân-chủ tại Trung-Hoa do Tôn-Văn (Tôn Nhật Tiên) chủ-trương canh-tân Trung-Hoa thời-đại sau nầy ...

(67)- Cao-Hạt-Niên là tên của một danh-sĩ Phật-giáo nổi tiếng và được đa-phần Phật-tử thời đó khâm-phục.

(68)- Danh-lam:  Chùa nổi tiếng có bậc cao-tăng đạo-hạnh.

(69)- Phú-pháp:  tức là truyền-pháp, truyền ngội-vị giáo-chủ của mình lại cho một người khác.

(70)- Huệ-Khả Ðại-sư:  tức là nhị-tổ Thần-Quang kế-truyền y-bát tổ-sư (Thiền-tông) từ nơi Ðông-độ sơ-tổ là Ðạt-Ma tổ-sư.

(71)- Lời dạy nầy ứng với cơ Phật-giáo đời nay, hầu hết các vị "như-lai sứ-giã" đứng ra hoằng-đạo đều chỉ có nói lý-thuyết suông căn-cứ trên kinh-điển mà thôi chớ ít có ai chịu thực-hành y theo lý cả.

(72)- DIỆU-HỮU (là SỰ) TỨC CHƠN-KHÔNG (là LÝ) - Câu pháp ngữ vô-thượng thậm-thâm nầy ý dạy:  Biết LÝ rồi thì phải áp-dụng lý ấy vào SỰ thực-hành mới có kết quả được.  Thí-dụ như nói:  Niệm Phật được Phật rước - thì phải ra trước bàn Phật quỳ xuống niệm Phật liền - chớ nói suông mà không niệm thì không được Phật rước vậy.

           Trong Bát-nhã Tâm-kinh dạy:

           "SẮC TỨC THỊ KHÔNG - KHÔNG TỨC THỊ SẮC" câu kinh nầy cùng với câu:  DIỆU-HỮU TỨC CHƠN-KHÔNG - CHƠN-KHÔNG TỨC DIỆU-HỮU" cùng đồng văn, đồng nghĩa với nhau không khác.

           Bởi SẮC tức là CÓ, là DIỆU-HỮU, là SỰ - còn KHÔNG là CHƠN-KHÔNG, là LÝ - Vậy cho nên khi tụng Bát-nhã đến câu kinh nầy thì phải hiểu ý Quán Tự-Tại bồ-tát dạy rằng:

           Hiểu LÝ rồi thì phải hành-trì SỰ - SỰ và LÝ đi đôi với nhau SỰ tức là LÝ, LÝ tức SỰ vậy.

           Người học Phật, tu Phật triệt-để phải hiểu, phải nhớ và phải thực hành theo lời dạy nầy, nếu không (thực-hành) thì cũng giống như ăn bánh vẽ mà thôi.  (làm sao no được).

(73)- Mộ-đạo:  Mến thương, ưa thích đạo (Phật của ta).

 (74)- Tiến-chứng:  tức là tu tiến và chứng-đạo (tức là chứng LÝ, là đắc-đạo).

 (75)- Trưởng-lão:  là các bậc tu-hành cao-hạ, lâu năm, nổi danh về đạo-cao, đức-trọng.

(76)- Thật-địa:  tức là chứng-đắc, chứng-đạo.

(77)- Hư-Vân Thiền-sư:  Một vị cao-tăng chứng-đạo ở bên Thiền-tông vào thời cận-đại Trung-quốc.

(78)- Di-Lặc Bồ-tát:  là một vị Bồ-tát nhất sanh bổ-xứ (một đời nữa sẽ thành Phật), nối-tiếp đức Thích-Ca Như-lai thành Phật ở cõi Ta-bà nầy vào tiểu-kiếp thứ 10 khi nhơn-thọ sống đến 80,000 tuổi. 

(79)- Thuộc-phái:  là các đệ-tử trực-thuộc trong môn-phái của mình 

(80)- Tệ-nhơn:  Là người hèn, xấu.  Ðây là danh-từ bày tỏ lên ý khiêm-hạ của Hòa-thượng soạn-giả (Hòa-thượng Thích Thiền-Tâm)

(81)- Trong hai câu nầy thì câu thứ nhất:

           - Một áng khói mây phong cửa động.

là ý nói:  Vì bị một đám mây khói vô-minh che mờ chơn tánh - tức là Phật tánh - lấp nẻo giải-thoát đi.

           Câu 2: Muôn chim về tổ chợt mê đường.

Là ý nói: Bởi vì bị vô-minh che mờ, lấp nẻo giải-thoát như thế, cho nên chúng-sanh bị mê muội chơn-tâm đi, cam chịu bị ngũ dục vùi sâu vào trong 6 nẻo luân-hồi.

Lại cũng có ý nói rằng:

           - Cứ mãi mê tranh-đấu hơn thua, thấp cao trong đạo (ta hay, người dở vv...) cho nên tu-hành hoài mà vẫn không chứng đạo được. 

(82)- Kiến-giải:  Chỗ thấy biết (của riêng mình)

(83)- Túc-tập:  là tập-khí, là công-phu (tu) của tiền-kiếp còn sót lại. 

(84)- Cừ Bá-Ngọc:  Tên một văn nhân, nho-sĩ ... lập tâm sửa đổi tánh hạnh của mình - Ðến năm người được 50 tuổi, vẫn còn than rằng:

           - Tôi năm nay 50 tuổi, ngóộai năm 49 vẫn còn thấy quá nhiều lầm-lỗi. 

(85)- Triệu-Châu:  Tức là Tổ Triệu-Châu (Thiền-tông) tám chục tuổi mà vẫn còn học hỏi (đạo pháp)

(86)- Hai câu thơ trên đây hàm ý của soạn-giả rằng:

           Nghĩ phận mình mang tiếng là tăng, thừa ơn, lộc của Tam-Bảo mà tu-hành chưa xứng với danh-phận (người Tăng-sĩ).

           Nhớ đến quê nhà An-Dưỡng quốc mà mình cách-biệt đã từ lâu, lòng càng thêm bàng-hoàng, thương-cảm (tha-thiết mong được sanh về)

---o0o---