Tịnh độ
Tây Phương Nhật Khóa
HT. Thích Thiền Tâm Soạn thuật
06/11/2553 01:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TIẾT VII

 

GIẢI-THÍCH VỀ:

BÀI KỆ TÁN-THÁN PHẬT A-DI-ÐÀ

VÀ CỬU PHẨM LIÊN-HOA.

 

A.  Câu thứ nhất:

                   A-DI-ÐÀ PHẬT THÂN KIM SẮC,

                      (Thân Phật DI-ÐÀ vàng rực-rỡ).

 

THÂN PHẬT DI-ÐÀ:  Tức là thân của đức A-DI-ÐÀ PHẬT.

           - Vậy "THÂN CỦA PHẬT" khác với thân của chúng-sanh trong 9 giới như thế nào ?

           Từ trước đến nay chư Phật-tử lễ PHẬT, học PHẬT, tu theo PHẬT, hành lời dạy của PHẬT vv... nhưng chưa hiểu rõ thế nào là thân của PHẬT.  Nơi đây xin được chú-giải riêng về "THÂN" của chư PHẬT mà thôi.  Các phần còn lại như KIM-SẮC (vàng rực-rỡ) xin xem lại nơi các phần giải-thích trước.

 

           - TẤT-CẢ CHƯ PHẬT (nói chung) và riêng cho đức A-DI-ÐÀ Như-Lai (ở nơi câu kệ tán-thán lên NGÀI, trong phần kinh-văn trên đây) - Có tất-cả là 3 loại thân - Và DUY chỉ ở ngôi PHẬT-BẢO mới có được đầy-đủ 3 thân nầy mà thôi - (Từ chư Ðại Bồ-tát trở xuống hàng Thanh-văn, Duyên-giác đều không có đủ).

           Sau đây là "ba thân" của PHẬT:

 

1.  THANH-TỊNH PHÁP-THÂN (TỲ LÔ GIÁ-NA) hay còn gọi là TỰ-TÍNH THÂN hoặc là PHÁP-THÂN, CHƠN THÂN vv... đầy-đủ vô-lượng công-đức.  Thân nầy là thân vô thủy (không có khởi đầu), vô-chung (không có kết cuộc), lìa hết thảy tất-cả "tánh-tướng", dứt hết mọi hí-luận (luận bàn), tròn đầy (viên-mãn) cùng khắp, không có bờ mé và lặng im, thường-trụ (còn mãi-mãi).

           Ðây là thân "ÐẠI ÐOẠN ÐỨC" của PHẬT, tức là đã đoạn-trừ hết tất-cả phiền-não trói-buộc vv...  Ðầy-đủ đạo Niết-bàn vô-thượng.

           Tất-cả chư PHẬT đều đồng có THANH-TỊNH PHÁP-THÂN nầy.

 

2.  THỤ-DỤNG THÂN hay còn gọi là BÁO THÂN, TỰ THỤ DỤNG THÂN:

           - Ðây là thân do tu đầy-đủ vô-số hạnh trong vô-lượng, vô-biên A tăng-kỳ kiếp, viên-mãn Thập-địa, Ðẳng-giác, vv... mà thành.

           Thân nầy là thân hữu-thủy (có trước) nhưng vô-chung (không có kết cuộc), thọ-mệnh tùy theo sự mong muốn, kiếp-số không có hạn-lượng.  Như thân của Phật A-DI-ÐÀ được đức THÍCH-CA Như-lai diễn-tả trong kinh VÔ-LƯỢNG THỌ (có trích ra nơi phần chú-thích trước) đó chính là THỤ-DỤNG THÂN, là BÁO-THÂN (TỰ THỤ-DỤNG THÂN) của PHẬT A-DI-ÐÀ vậy.

 

           BÁO-THÂN nầy ở nơi chư PHẬT đều đồng nhau (vì cùng đầy-đủ vô-lượng công-đức tu-tập) - Ngoại trừ phương-tiện biến-hóa thì không kể.

           - Khi muốn giáo-hóa các hàng Bồ-tát, thì PHẬT dùng loại "THA THỤ DỤNG THÂN" (Tức là thân làm lợi-ích, thành-tựu, cho chư đại Bồ-tát).

           Cho nên thân THỤ-DỤNG (thứ hai) nầy của Phật, được chia ra làm 2 loại thân khác nữa, ấy là:  TỰ THỤ DỤNG THÂN và THA THỤ DỤNG THÂN (1).

 

           Ðây là thân "ÐẠI TRÍ-ÐỨC" của chư PHẬT, chơn-thường, vô-lậu.  Thân nầy ở nơi tất-cả chư PHẬT (trong 3 đời quá-khứ, hiện-tại, vị-lai) đều đồng nhau không khác.  Sỡ-dĩ gọi là thân "ÐẠI TRÍ-ÐỨC" là vì đã hoàn-toàn phá hết tất-cả các mê-lầm, đầy-đủ đại-trí bất tư-nghì của một bậc Thế-tôn vô-thượng.

           Cái "ÐẠI-TRÍ THÂN" nầy có đầy-đủ hết tất-cả bốn loại đại-trí, ấy là:

           a.  Ðại-Viên cảnh-trí:  do chuyển Dị thục thức (thức A lại Da thứ 8) mà thành.

           b.  Bình đẳng tánh-trí:  do chuyển Mạt na thức (thứ thứ 7) mà thành.

           c.  Diệu-quán sát-trí:  do chuyển Ý thức (thức thứ 6) mà thành.

           d.  Thành-sở tác-trí:  do chuyển 5 thức Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, mà thành.

           (Xem lại phần chú-thích trước).

 

3.  BIẾN-HÓA THÂN còn gọi là ỨNG THÂN, HÓA-THÂN (gọi tắt là ỨNG, HÓA-THÂN):

           Ðây là thân mà Phật dùng thần-thông biến-hóa ra - Tùy theo vô-lượng căn-cơ cao, thấp, hoặc thượng, trung, hạ, của chúng-sanh mà PHẬT hóa ra vô-lượng thân hình khác nhau, hầu dễ-dàng cho sự hóa-độ.

           Như đức THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT, ẩn cái thân TỰ THỤ-DỤNG (BÁO THÂN) của NGÀI, mà ứng-hiện ra nơi xứ ẤN-ÐỘ cách đây 2539 năm về trước:  - Màu da và chủng-tộc vv... thảy đều giống y như người Ấn-Ðộ, nhưng thân cao một trượng sáu (cao hơn tất-cả mọi người dân trong nước thời đó. - vì NGÀI là PHẬT),

           Thân một trượng sáu nầy gọi là ỨNG-THÂN của Phật THÍCH-CA Mâu-ni.

           Vậy, sao gọi là ỨNG THÂN và HÓA-THÂN ?

           - ỨNG-THÂN:  Là thân ứng-thế, dựa theo phong-tục của nhơn-gian, tức là cũng có cha, mẹ, giòng-họ, thân-tộc, sanh ra, già, bệnh, chết và để lại xá-lợi cho đời sau thờ-cúng (như Phật Thích-Ca vậy).

           - HÓA-THÂN:  Là thân biến-hóa, tự thinh-không mà đến, không ai biết là nguyên gốc ở đâu, không cha, mẹ, thân-thuộc, giòng-họ.  Tóm lại, "hóa thân" là thân mà khi ÐẾN không ai biết (gốc tích), khi ÐI cũng chẳng ai biết là về đâu.  (Tự-nhiên đến, tự-nhiên đi - không có chết và cũng không có lưu lại xá-lợi gì hết).

 

B.  Câu thứ hai:

                       TƯỚNG HẢO QUANG-MINH VÔ ÐẲNG LUÂN.

                    (Tuyệt-vời xinh-đẹp tướng trang-nghiêm).

 

           Trong câu kệ tụng trên đây ta thấy có hai phần:

           1.  Tướng-hảo vô-đẳng:

           Tức là nói đến các nét-tướng đẹp trên báo-thân "TỰ THỤ DỤNG" của Phật A-DI-ÐÀ, cực-kỳ siêu-đẳng, không có PHẬT nào hơn được.

           2.  Quang-minh Vô-đẳng:

           Tức là nói về hào-quang của Phật A-DI-ÐÀ thì cũng không có hào-quang của (báo thân) Phật nào hơn được cả.

           a.  Tướng hỏa Vô-đẳng:

           (Xin xem lại các lời giải-thích trước, nơi phần quán-tưởng về báo-thân của đức A-DI-ÐÀ Thế-tôn nơi cõi CỰC-LẠC...)

           b.  Quang-minh Vô-đẳng:

           Như trước đã có giải-thích về hào-quang của đức A-DI-ÐÀ Như-lai rồi.  Nơi đây, xin bổ-túc thêm về cái tính-chất "Vô-đẳng" (Siêu-đẳng) trong ánh quang-minh của Phật VÔ-LƯỢNG QUANG (nói riêng)(chung) cho tất-cả chư PHẬT.

           Sở-dĩ quang-minh của chư PHẬT được gọi là "VÔ-ÐẲNG LUÂN" là bởi vì quang-minh ấy chẳng thể nghĩ bàn được.

           Tại-sao thế ?

           Bởi vì quang-minh của chư PHẬT là do:

           - Từ nơi vô-lượng giới-tụ phát-sanh ra.

           - Từ nơi đẳng-trì tụ phát-sanh ra (2)

           - Từ nơi Huệ-tụ, giải-thoát tụ, giải-thoát tri-kiến tụ phát sanh ra.

           Tóm lại:

           - Quang-minh của chư PHẬT là do từ nơi vô-lượng, vô-biên công-đức chứa nhóm và tạo thành, cho nên tất-cả các loại ánh-sáng khác chẳng thể nào so-bì được.

 

           Kinh dạy:

           - "Nầy Xá-Lợi-Phất, nay ta vì ông mà nói ví-dụ - Những người có trí nhơn nơi đây mà được hiểu rõ thêm về quang-minh của PHẬT.

           Ví như có người đem cõi Ðại-thiên thế-giới nầy nghiền nát ra làm vi-trần, bỏ vào trong tay áo, rồi đi qua phương Ðông quá số thế-giới nhiều bằng số vi-trần đó mới bỏ rơi xuống một hột vi-trần.  Lần-lượt đi mãi cho đến khi nào bỏ rơi hết tất-cả số vi-trần đó mà cũng vẫn chưa hết được số-thế-giới ở phương Ðông.

           Các phương còn lại như Nam, Tây, Bắc, Ðông-Nam, Tây-Nam, Ðông-Bắc, Tây-Bắc, Thượng-phương, Hạ-phương, cũng thảy đều đi qua và điểm vi-trần xuống y như vậy.

           Nầy Xá-lợi-Phất, có người nào có thể biết được biên-tế (bờ mé và số-lượng) của số các thế-giới ấy không ?

           Ngài Xá-lợi-Phất thưa:

           - Bạch đức Thế-tôn, không ai có thể biết được cả.

           Ðức PHẬT phán:

           - Nầy Xá-lợi-Phất, bao nhiêu ánh-sáng có được trong các số thế-giới ở 10 phương đó họp lại ắt-nhiên là sáng vô-lượng, vô-biên, khó thể nghĩ bàn được.  Ấy vậy mà ánh-sáng của Như-Lai cũng vẫn là đệ-nhứt hơn hết.

           Lấy tất-cả ánh-sáng của các thế-giới ấy nhập lại rồi đem so-sánh với ánh-sáng của Như-lai thì nó chẳng bằng một phần trăm ... cho đến chẳng bằng một phần "Ưu-ba-ni sa-đà" (3), toán số ví-dụ chẳng thể nào so-bì được cả ...

           ... Ánh-sáng của đức Như-lai không có gì làm chướng-ngại được.  Bao nhiêu là tường, vách, cây cối, núi non, núi Tu-di, núi luân-vi, núi đại luân-vi, núi Càn-đà ma Ðạt-na, núi Mục chơn lân-đà, núi đại Mục chơn lân-đà, núi Tuyết-sơn, hắc-sơn (4) ... đều chẳng che-chướng được ánh-sáng của Phật....

           ... Hoặc có chúng-sanh thấy ánh-sáng nơi thân của PHẬT chiếu ra chỉ có một tầm (khoảng 3 thước tây), hai tầm, ba tầm ...  Người có đại-trí (từ A-la-hán trở lên) có thể thấy ánh-sáng của Như-lai chiếu khắp cõi Ðại-thiên ...

           ... Ðại Phạm-Thiên vương, chúa cõi Ta-bà, có thể thấy ánh-sáng của Như-lai chiếu khắp trăm ngàn thế-giới...

           ... Bậc Pháp-Vân địa Bồ-tát có thể thấy ánh-sáng từ nơi thân Như-lai chiếu khắp vô-lượng, vô-biên thế-giới...

           ... Ðức Thế-tôn muốn làm cho sáng-tỏ lại nghĩa ấy nên nói kệ rằng:

                   ... Giả-sử vô-lượng Nhựt,

                   Hiệp làm một mặt nhựt,

                   Sáng chẳng bằng tia sáng.

                   Một lỗ lông của PHẬT.

                   Giả-sử bảy vạn ức.

                   Na do tha thế-giới.

                   Mặt nhựt ngang rộng bằng,

                   Chiếu sáng vô-lượng cõi.

                   Các mặt nhựt lớn ấy.

                   Số nhiều như hằng-sa.

                   Hiệp chung lại thành một,

                   Tia-sáng bằng Tu-di.

                   Chiếu khắp 10 phương cõi,

                   Ðem so ánh-sáng PHẬT,

                   Luốt mất như than đen.

                   Ánh-sáng của mặt nhựt,

                   Chẳng thấu qua lá cây.

                   Núi sông và vách đá,

                  Ðều có thể chướng-ngại.

                   Ánh-sáng của Như-lai,

                   Tất-cả núi Tu-di,

                   Núi Thiết-vi, Kim-cương,

                   Tất-cả các loại núi.

                   Chiếu thấu qua không ngại.

                   .................

                   Ai thấy quang-minh PHẬT,

                   Mà chẳng phát đại-tâm.

                   Chỉ trừ kể bất-tín ...

                   .....................

 

           Trên đây là chỉ nói phần sơ-lược về quang-minh của PHẬT.  Vì thế cho nên trong kinh-văn và kệ tụng mới nói rằng:

           - "QUANG-MINH VÔ-ÐẲNG LUÂN"

chính là như vậy.

 

 

C.  Giải-thích câu:

              BẠCH-HÀO UYỂN-CHUYỂN NGŨ TU-DI

                    (Năm Tu-di uyển-chuyển bạch hào)

 

a.  Bạch-Hào:

           - Tức là "Bạch-hào tướng quang" (Tướng lông trắng giữa chặn mày) của PHẬT.

           Ðây là một trong 32 tướng "đại nhơn" của một đấng THẾ-TÔN.

           Tướng bạch-hào nầy gồm có:  - Một sợi lông dài màu trắng như tuyết, rỗng ruột, nằm trong một hình bát-giác nhỏ giữa khoảng hai đầu chân mày của PHẬT, từ nơi sợi lông nầy chiếu ra ánh quang-minh sáng-rỡ, (mà không chói mắt) dịu-dàng.

           Sợi lông nầy nếu như kéo dài ra thì chấm đến mặt đất, còn bình thường thì cuộn tròn lại và nằm giữa chặn mày, uyển-chuyển xoay về bên hữu của PHẬT.

           Ánh sáng từ nơi "Tướng bạch-hào" nầy chiếu suốt khắp 10 phương.

           Mỗi khi PHẬT muốn nói kinh "ÐẠI THỪA" để giáo-hóa chư đại Bồ-tát cùng các bậc Nhị-thừa thánh-nhơn thì trước hết NGÀI phóng ánh-sáng tốt đẹp, vi-diệu từ nơi tướng bạch-hào nầy ra, chiếu sáng khắp tất-cả quốc độ để hiển thị ...

 

           Như trong kinh PHÁP-HOA nói:

           - " ... Lúc bấy giờ, đức PHẬT từ nơi tướng lông trắng giữa chặn mày phóng ra luồng hào-quang, chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi nước ở phương Ðông.  Dưới thì chiếu đến địa-ngục A-tỳ, trên suốt thấu đến trời Sắc Cứu-cánh ...

           ... Lúc bấy giờ ngài VĂN-THÙ SƯ-LỢI Bồ-tát nói với ngài DI-LẶC đại Bồ-tát cùng các vị Ðại-sĩ Bồ-tát khác rằng:

           - Các đại Thiện-nam tử, như chỗ ta xét nghĩ, thời nay đức THẾ-TÔN muốn nói pháp lớn, mưa pháp lớn, thổi Pháp-hoa lớn, đánh trống pháp lớn và diễn pháp nghĩa lớn.

           Chư đại thiện-nam tử,

           - Ta từng ở nơi các đức PHẬT quá-khứ thấy được điềm lành nầy.  Chư PHẬT ấy cũng phóng hào-quang giống như đây, sau đó liền nói pháp lớn.  Cho nên ta biết chắc rằng ngày hôm nay, đức PHẬT hiện ra hào-quang kia cũng lại y như vậy.  PHẬT vì muốn cho chúng-sanh đều được nghe, biết pháp-mầu mà tất-cả trong đời khó tin theo, cho nên trước hết hiện ra điềm-lành nầy"...

 

           - Tất-cả chư PHẬT hoặc quá-khứ, hiện-tại, vị-lai đều cùng có "bạch-hào tướng-quang" đồng đẳng như nhau cả.

           - Chư đại Bồ-tát cũng có tướng bạch-hào nầy, nhưng thua kém PHẬT rất xa.

           - Chư thánh-nhơn trong hàng nhị-thừa Thanh-văn, Duyên-giác thảy đều không có được tướng bạch-hào nầy.

 

b.  TU-DI:

           Tức là núi TU-DI, còn có tên khác nữa là núi DIỆU-CAO (Diêu cao sơn).  Ðây là loại "núi chúa" trong tất-cả núi của một "TIỂU THẾ-GIỚI".

           (Xem lại phần giải-thích về Tiểu thế-giới / Ðại-thiên thế-giới).

           Núi Tu-di nầy an-trụ trên lớp KIM-LUÂN (tức là phần cứng chắc của một tiểu thế-giới)

 

(Phụ-giãng:

A.  Lớp KIM-LUÂN (để cho núi Tu-di an-trụ) nầy, về:

           a.  Bề dầy (đo được):

           - 3 lạc xoa lẻ 20,000 do-tuần.

           (Lạc-xoa là con số Ức.  Có 4 loại số Ức Là:  một trăm ngàn, 1 triệu, 10 triệu, 100 triệu do-tuần - không biết là trong kinh nói đến số Ức nào, nhưng theo ý của người giải-thích thì chắc là nói đến số 100 triệu do-tuần, vì phải dầy như thế mới đủ sức chịu nổi được trọng-lượng của núi Tu-di).

           - Do-tuần (yojana) - Có 3 loại do-tuần là:  16 dặm, 32 dặm, 60 dặm - Có lẽ là PHẬT nói đến loại 60 dặm thì phải hơn).

           b.  Bề rộng (đo được):

           - 12 lạc-xoa lẻ 3450 do-tuần.

(Trên lớp KIM-LUÂN nầy có thêm lớp ÐỊA-LUÂN (Ðất) bao-phủ nữa, chiều dầy và rộng của lớp nầy gần tương đồng như lớp KIM-LUÂN).

 

B.  LỚP THỦY-LUÂN:

           - Bao-bọc và duy-trì cho lớp KIM-LUÂN cùng ÐỊA-LUÂN nầy là lớp THỦY-LUÂN (nước) lớp nầy có:

           a.  Bề dầy (đo được):

           - Tám (8) lạc-xoa du thiện na (8 lạc-xoa x do-tuần).

           b. Bề rộng (đo được):

           12 lạc-xoa lẻ 3450 du thiện-na (do-tuần).  (Theo luận "Khởi Thế Nhân-Bản", thì THỦY-LUÂN khi còn là hơi nước chưa được gió thổi đông-đặc lại, thì có bề dầy là 11 lạc-xoa lẻ 20,000 du thiện-na (do-tuần).

 

C.  LỚP PHONG-LUÂN:

           - Bao-bọc, duy-trì và che đở cho lớp THỦY-LUÂN nầy là lớp PHONG-LUÂN (gió) trùm phủ bên ngoài.  Lớp PHONG-LUÂN nầy có bền dầy là:

           - 16 lạc-xoa du thiện-na.

           - Bề rộng vô-số du thiện-na.

Ngoài lớp PHONG-LUÂN nầy là khoảng hư-không rộng-rãi, bao-la, vô-biên tế (không có giới-hạn).

 

GHI-CHÚ:

           - Các sự đo-lường nầy là do nơi "Phật-nhãn" tròn suốt của PHẬT thấy biết nói ra, chớ người thế-gian không hiểu thấu được.  Chư đọc-giả chỉ nên lấy lòng tin-tưởng tuyệt-đối vào nơi lời dạy của PHẬT mà thôi).

 

I.  HÌNH THỂ NÚI TU-DI:

           Như trên vừa nói:  - Núi Tu-di là trái núi lớn nhất của một "Tiểu thế-giới" cấu-tạo bằng 4 chất báu là:  Vàng, bạc, lưu-ly, pha-lê hợp thành.  Núi nầy đứng giữa làm trung-tâm điểm.  Có hình-thể như một cái chày đâm thuốc, trên dưới rộng ra, chính-giữa eo lại, vuông góc bốn cạnh.

           - Bề cao của núi từ mặt biển "Hương-thủy" trở lên đo được 84,000 do-tuần.  (5 triệu lẻ 40,000 dặm cao).

           - Phần chìm xuống nước (từ mặt biển trở xuống đến lớp KIM-LUÂN cũng đo được 84,000 do-tuần.  (5 triệu lẻ 40,000 dặm chìm).

          (Như vậy thì núi Tu-di từ chân (gốc) lên đến đỉnh là:  16 vạn 8 ngàn do-tuần (168,000 do-tuần), tức là khoảng chừng 10,080,000 (10 triệu 80,000 dặm cao).

 

           II.  NÚI TU-DI VÀ CÁC QUYẾN THUỘC:

           Xin đại-lược như sau:

 

           1.  Chung-quanh chân núi Tu-di có một vòng biển nước thơm (thứ nhất) gọi là HƯƠNG-THỦY hải bao-bọc - Chiều ngang của biển rộng 80,000 do-tuần.

 

           2.  Kế lớp biển nầy là một lớp núi vàng (thứ nhất) tên là TRÌ SONG SƠN (kinh dịch là DU-KIỆN ÐẠT-LA (Sudassana) bao-bọc chung-quanh, bề cao của núi từ mặt biển trở lên là 40,000 do-tuần, phần chân chìm xuống biển và an-trụ trên lớp KIM-LUÂN được 84,000 do-tuần.

           - Chiều ngang (rộng) của núi đo được 40,000 do-tuần.

 

           3.  Ngoài lớp núi TRÌ SONG SƠN nầy lại có thêm một vòng Hương-thủy hải (thứ hai) bao-bọc - Bề rộng của biển là 40,000 do tuần.

 

           4.  Kế vòng biển nầy là một lớp núi vàng (thứ hai) tên là TRÌ TRỤC SƠN (kinh dịch là Y-SA ÐÀ-LA (Isadhara) bao-bọc chung-quang.  Núi nầy, từ mặt nước trở lên cao 20,000 do tuần, phần chìm sâu xuống biển an-trụ trên lớp Kim-luân được 84,000 do-tuần.

           Bề rộng của núi là 20,000 do-tuần.

 

           5.  Ngoài lớp núi vàng TRÌ-THỤC SƠN nầy lại còn có thêm một vòng Hương-thủy hải (thứ ba) bao-bọc.  Bề rộng của biển là 20,000 do-tuần.

 

           6.  Kế vòng biển nầy là một lớp núi vàng (thứ ba) tên là CHIÊM-MỘC SƠN (kinh dịch là KHÊ ÐỊA LẠC-CA - Nemindhara) bao-bọc chung quang, bề cao của núi từ mặt biển trở lên là 10,000 do-tuần, phần chân chìm dưới mặt biển của núi và an-trụ trên lớp KIM-LUÂN là 84,000 do-tuần.

           Chiều ngang (rộng) của núi đo được 10,000 do-tuần.

 

           7.  Ngoài lớp núi vàng CHIÊM MỘC SƠN nầy là một vòng biển "Hương thủy hải" (thứ tư) bao-bọc, chiều ngang rộng 10,000 do-tuần.

 

           8.  Kế vòng biển "Hương-thủy hải" nầy là một lớp núi vàng (thứ 4) tên là THIỆN KIẾN SƠN (kinh dịch là Tô Ðạt-lê Xá-Na - Assakanna), bề cao của núi từ mặt nước trở lên là 5,000 do-tuần, phần chìm dưới nước và an-trụ trên lớp KIM-LUÂN là 84,000 do-tuần.

           Chiều ngang (rộng) của núi đo được 5000 do-tuần.

 

           9.  Ngoài lớp núi vàng THIỆN KIẾN SƠN nầy là một vòng "Hương thủy hải" (thứ 5) bao-bọc, chiều rộng là 5000 do-tuần.

    

           10.  Kế vòng biển Hương-Thủy hải nầy là một lớp núi vàng (thứ 5) tên là MÃ-NHĨ SƠN (kinh dịch là Nghạch-phạ Yết-noa.  Karavika) bề cao của núi từ mặt nước trở lên là 25000 do-tuần, phần chìm dưới nước và an-trụ trên lớp KIM-LUÂN là 84,000 do-tuần.

           Chiều rộng (ngang) của núi đo được 2500 do-tuần.

    

           11.  Ngoài lớp núi vàng MÃ-NHĨ SƠN nầy lại có thêm một vòng biển "Hương thủy hải" (thứ 6) bao-bọc, chiều rộng của biển là 2500 do-tuần.

 

           12.  Kế vòng biển nước thơm nầy là một lớp núi vàng (thứ 6) tên là "TƯỢNG-TY SƠN" (Kinh dịch là TỲ-NA ÐÁT-CA - Sanadhaca), bề cao của núi từ mặt nước trở lên là 1250 do-tuần, phần chìm dưới mặt nước và an-trụ trên lớp Kim-luân là 84,000 do-tuần.

           - Bề ngang (rộng) của núi là 1250 do-tuần.

 

           13.  Ngoài lớp núi vàng thứ 6 nầy lại có thêm một vòng biển Hương thủy hải (thứ 7) bao-bọc, chiều rộng của biển là 1250 do-tuần.

 

           14.  Kế vòng biển nước thơm nầy là một lớp núi vàng (thứ 7) tên là TRÌ-BIÊN SƠN (Kinh dịch là NI-DÂN ÐẠT-LA - Nidandaca), bề cao từ mặt nước trở lên là 625 do-tuần, phần chìm dưới mặt nước là 84,000 do-tuần.

           Bề rộng của núi là 625 do-tuần.

 

Tóm lại:

           Như vậy thì có tất-cả là 8 lớp núi báu, ấy là:

           1.  Núi Tu-di (ở giữa) cao 84,000 do-tuần, bằng 4 chất báu vàng, bạc, lưu-ly và pha-lê (hợp thành).

           2.  Trì-song Sơn, cao 40,000 do-tuần, bằng vàng.

           3.  Trì-trục Sơn, cao 20,000 do-tuần, bằng vàng.

           4.  Chiêm-mộc Sơn, cao 10,000 do-tuần, bằng vàng.

           5.  Thiện-kiến Sơn, cao 5000 do-tuần, bằng vàng.

           6.  Mã-nhĩ Sơn, cao 2500 do-tuần, bằng vàng.

           7.  Tượng-tỵ Sơn, cao 1250 do-tuần, bằng vàng.

           8.  Trì-biên Sơn, cao 625 do-tuần, bằng vàng.

 

và:

           2.  Bảy (7) vòng biển "Hương-thủy hải" - Nước trong các biển Hương-thủy nầy rất thơm, đầy-đủ 8 đặc-tánh là: ngon-ngọt, mát-mẻ, nhẹ-nhàng, trong-sạch, nhu-nhuyễn, trơn-nhuần, thơm tho, uống vào trừ được bệnh-hoạn và đói khát.

         

           Trên đây (tức là 7 lớp núi vàng (không kể núi Tu-di) và 7 vòng biển hương-thủy), là nơi cách-biệt hẵn với nhơn-gian, người thường (phàm-phu) với nhục-nhãn và thân tứ-đại thô-phù, không thấy và không sao đi đến được.

           Ðây là nơi cư-trú của các bậc "ngũ thông" tiên nhơn (5), sách thế-gian gọi tên là "BỒNG-LAI TIÊN-CẢNH".

 

           Ngoài vòng núi vàng thứ 7 (là TRÌ-BIÊN SƠN) có một vòng biển nước mặn bao-bọc giáp vòng, gọi là ÐẠI HÀM THỦY-HẢI.  Bề rộng của biển nầy là 84,000 do-tuần.

           - Trong biển nầy:

 

           1.  Về phương Ðông thì có châu "Ðông thắng thần" (Kinh dịch là Phất Bà-Ðề, hoặc là Tỳ đề ha = Purvavideha) rộng độ 9,000 du thiện-na (do-tuần) - Hình dạng như bán-nguyệt.

 

           2.  Về phương Nam thì có châu "Nam Thiện-bộ" (Kinh dịch là Diêm phù đề - Jambudvika), chu-vi rộng độ 7,000 du thiện-na -Hình dạng như trái lê (trên phương Bắc) rộng, dưới (phương Nam) hẹp (Ðây tức là quả địa cầu của ta đang ở).

 

           3.  Về phương Tây thì có châu "Ngưu-hóa" (Kinh dịch là CÙ ÐÀ-NI - Aparagodaniya), chu-vi rộng độ 8,000 du thiện-na.  Hình dạng như mãn-nguyệt (trăng tròn).

 

           4.  Về phương Bắc thì có châu "Bắc Câu-Lư" (Kinh dịch là UẤT ÐAN-VIỆT - Uttarakuru.)  Chu-vi rộng độ 10,000 du thiện-na.  Hình dạng như tứ-giác (hình vuông).

           Cả bốn châu nầy đều nổi ở trên mặt biển "Ðại-hàm thủy hải", chung-quanh đều có hai trung châu và tiểu châu nhỏ khác nữa vây bộc chung quanh.

 

           - Riêng về châu BẮC CÂU-LƯ, về y-báo chánh-báo đều thắng-diệu so với ba châu kia (là Nam Thiện-bộ, Tây Ngưu-hóa và Ðông thắng-thần).

 

           1.  Về y-báo (cảnh vật) tại châu Bắc Câu-lư nầy thì:

           - Non sông, cảnh trí tú lệ (thanh-tú, mỹ lệ), cây cỏ thanh-u, nhiều ao-hồ trong mát, cây cối đầy hoa-quả, đủ màu-sắc tốt-tươi.  Các loài chim như:  Chim hồng, bạch-nga (ngỗng), nhạn, oanh, oan-ươn vv... kêu hót, giao-hòa khắp nơi.

           - Khí hậu quanh năm mát-mẻ, trong lành, không có gai-gốc, ruồi, muỗi, rắn-rít, độc-trùng.

           - Các thứ lúa gạo thơm (tám cánh) tự-nhiên sanh ra, đầy-đủ vị ngon-ngọt.

 

           2.  Về chánh-báo (Loài người):

           a.  Châu nầy toàn là người da trắng, khỏe-mạnh sống lâu (đều đồng nhau là 1000 tuổi) thân-hình cao lớn, xinh-đẹp.

           b.  Khi muốn ăn, họ lấy gạo thơm để trong nồi vàng, bạc vv... phía dưới nồi đặt một hột hỏa-châu tên là "DIỆM QUANG MA-NI", trong giây phút ánh sáng hỏa-châu tắt, thì cơm liền chín.

           c.  Lúc muốn cần dùng y-phục hoặc vật-dụng, thì họ đến cây "HƯƠNG-THỌ" hái trái chín, trái nầy tự-nhiên nứt ra, trong ấy có đủ thứ y-phục tốt đẹp, hoặc đồ dùng, hoặc thức ăn.

           d.  Lúc muốn nghỉ mát, họ đến dưới cây "KHÚC CUNG", cây nầy cành lá dầy, đặc, xanh-tươi, nắng mưa không lọt, họ có thể nằm ngủ dưới đó mà không lo-ngại chi cả.

           e.  Khi muốn dạo chơi, họ xuống thuyền vàng, bạc vv... bơi nhẹ theo sông, hồ, đàn, sáo du-dương, lời ca, tiếng nhạc hòa lẫn với nhau, âm-thanh du-dương, trong-trẻo, vi-diệu, nhiệm-mầu.

           f.  Khi vầy đoàn tắm gội, họ xếp y-phục để trên bờ hồ, ai lên trước hễ gặp cái nào thì mặc ngay cái đó, không cần phải kiếm y-phục riêng của mình.  Mặc vào xong thì cũng hóa ra vừa-vặn, xinh-đẹp như y-phục cũ.

           g.  Người ở châu Bắc Câu-lư tướng-mạo đồng nhau, không có ai cao, thấp, không có tật, bệnh.  Tóc chỉ rủ xuống đến chân mày, màu xanh biếc.

           h.  Khi nghĩ đến việc vợ-chồng giao-hợp, thì người Nam chăm-chú nhìn người Nữ.  Nếu như người Nữ đồng ý, thì họ cùng nắm tay nhau đưa đến vườn cây KHÚC-CUNG.

           Nếu như Nữ-nhơn với Nam-nhơn vốn là thân-thuộc (bà con, hoặc anh, chị, em) thì tàn cây KHÚC-CUNG không rủ xuống, mỗi bên tự tản-mác đi.

           Còn nếu như không phải là thân thuộc, thì tàn cây KHÚC-CUNG tự-nhiên rủ xuống che kín-đáo lại.  Hai bên tùy-ý ân-ái với nhau từ một ngày cho đến bảy ngày rồi phân-tán.

           Người Nữ mang thai độ bảy, tám ngày liền sanh-nở.  Lúc sanh ra thì dù là con trai hay con gái, cũng đem đến để ở nơi ngã tư đường, mỗi người đi qua đều đến đưa tay vào miệng em bé, từ trong ngón tay họ tuông ra chất sữa ngọt.  Hài nhi liền được no-đủ.

           Như thế đến ngày thứ bảy, đứa bé cao lớn như người thường.  Hễ con trai thì đi theo đoàn người Nam, còn con gái thì đi theo đoàn người Nữ.

           i.  Ðất-đai ở châu Bắc Câu-lư nầy mềm-mại, mịn-nhuyễn, dân-chúng khi bước đi đến đâu, nơi đất ấy tự-nhiên êm-dịu, bằng-phẳng.  Lúc người cần đại, tiểu-tiện ... (đi tiêu, tiểu), đất tự-nhiên nứt ra ...  khi xong rồi thì đất cũng tự-nhiên khép lại ...

           j.  Người ở châu Bắc Câu-lư thọ số đều đồng nhau là 1000 tuổi.  Không có bệnh-hoạn, chết yểu.  Vì thế nên khi chết không có ai khóc-lóc, thương-buồn, điếu-tang chi cả.

           Người chết được đồng bọn gói kỹ thi-hài lại, đem để nơi đường vắng.  Liền đó, có một loại chim to tên là “ƯU-UẤT THIỀN-GIÀ" bay đến gắp lấy thây, đem đi bỏ xa ở nơi khác ...

           Tóm lại:

           - CHÚNG-SANH nơi đây sở-dĩ được phước-báu như thế là vì CÓ TU THẬP THIỆN NGHIỆP ở trong đời trước.

 

III.  NÚI TU-DI VÀ CÁC THIÊN-XỨ (CÕI TRỜI) TRỰC THUỘC.

           Như trước đã nói:

           - Núi Tu-di cao 84,000 do-tuần (từ mặt biển trở lên).  Vuông gốc 4 mặt - Cấu-tạo bằng 4 chất báu là vàng, bạc, lưu-ly và pha-lê.  Hình-dạng hai đầu nở ra, khoảng giữa eo lại (như chày đâm thuốc).

           Chu-vi của núi rộng 84,000 do-tuần.

           Từ mặt nước (biển Hương-thủy) lên đến giữa núi Tu-di (42,000 do-tuần) có bốn tầng cấp như sau:   (Mỗi tầng-cấp cách nhau 10,500 do-tuần).

           1.  Tầng-cấp thứ nhất bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 16,000 do-tuần.  Ðây là chỗ ở của thần KIÊN-THỦ (giống như Sơn-thần giữ núi vậy).

           2.  Tầng-cấp thứ hai cũng bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 8000 do-tuần.  Ðây là chỗ ở của thần TRÌ HOA-MANG (Còn gọi là trời TRÌ-MẠN).

           3.  Tầng-cấp thứ ba cũng bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 4000 do-tuần.  Ðây là chỗ ở của thần "HẰNG KIỀU DƯỢC-XOA".

           (Ba tầng-cấp nầy thống-thuộc quyền cai-trị của cõi trời TỨ-VƯƠNG chớ không có THIÊN-ÐẾ riêng)

           4.  Tầng-cấp thứ tư cũng bao vòng quanh núi, de rộng ra ngoài 200 do-tuần.  Ðây là trụ-xứ của 4 vị Thiên-Vương, gọi là Trời "TỨ-VƯƠNG".

           Bốn vị THIÊN-VƯƠNG nầy thống lãnh các Thiên-binh, thần tướng cùng với các bộ quỷ-thần, ủng-hộ và cai-trị 4 đại bộ châu.

Như sau:

           A.  Phương Ðông, là chỗ ở của "TRÌ-QUỐC THIÊN-VƯƠNG" (Kinh gọi là Ðề đầu Lại-Tra Thiên-Vương) và chư thiên tùy-thuộc.  Thiên xứ nầy thuộc về vùng "Bạch-ngân" (Bạc), nên cung-điện đa-số đều bằng bạc.  Có khu đại thành là nơi của THIÊN-VƯƠNG ngự tên là "THƯỢNG-HIỀN".

           TRÌ-QUỐC THIÊN-VƯƠNG thống-lãnh các bộ quỷ-thần là:

                   - Càn thát-bà.

                   - Tỳ xá-xà.

           Cai-trị và ủng-hộ châu "ÐÔNG-THẮNG THẦN".

           B.  Phương Nam, là chỗ ở của "TĂNG-TRƯỞNG THIÊN-VƯƠNG" (Kinh gọi là Tỳ lâu lặc-xoa Thiên-Vương) và chư Thiên tùy-thuộc.

           Thiên-xứ nầy thuộc về vùng "Thanh lưu-ly" nên đa-số cung-điện đều bằng chất lưu-ly xanh.  Có một khu đại-thành là nơi của THIÊN-VƯƠNG ngự tên là "THIỆN-KIẾN".

           TĂNG-TRƯỞNG THIÊN-VƯƠNG thống-lãnh hai bộ quỷ, thần là:

                   - Cưu bàn-trà,

                   - Tịch-hiệp đa.

cai-trị và ủng-hộ châu "NAM THIỆN-BỘ" (Quả địa-cầu của ta).

           C.  Phương Tây, là chỗ ở của QUẢNG-MỤC THIÊN-VƯƠNG (Kinh gọi là Tỳ-lâu Bắc-xoa Thiên-Vương) và các chư-thiên tuỳ-thuộc.

           Thiên-xứ nầy thuộc về vùng hoàng-kim (vàng) nên đa-số cung-điện đều bằng vàng.  Có một khu đại-thành là nơi của THIÊN-VƯƠNG ngự tên là CHÂU-LA.

           TĂNG-TRƯỞNG THIÊN-VƯƠNG thống-lãnh hai bộ quỷ, thần là:

                   - Long-thần (Rồng),

                   - Phú đơn-na.

cai-trị và ủng-hộ châu "TÂY NGƯU-HÓA".

           D.  Phương Bắc, là chỗ ở của ÐA-VĂN THIÊN-VƯƠNG (Kinh gọi là Tỳ Sa-môn Thiên-Vương) và chư Thiên tùy-thuộc.

           Thiên-xứ nầy thuộc về vùng Pha-lê, nên đa-số cung-điện đều bằng pha-lê (thủy-tinh).  Có 3 khu đại-thành là nơi THIÊN-VƯƠNG ngự tên là:  Khả-Úy, Chúng-Quy và Thiên-Kính.

           ÐA-VĂN THIÊN-VƯƠNG thống-lãnh hai bộ quỷ, thần là:

                   - Dạ-xoa,

                   - La-sát.

ủng-hộ và cai-trị châu "BẮC CÂU-LƯ".

 

(Phụ-giảng:

           1.  Tất-cả các loại quỷ-thần (Thiên-long Bát-bộ) và thành quách, cung-điện của họ ... đều thuộc quyền cai-quản của bốn vị Thiên-Vương nầy.

           2.  Trừ ra có một số ít các vị Thiên-vương nguyên gốc là người thế-gian trước kia, do nhờ tu-phước mà thành - Phần nhiều còn lại là do các bậc Bồ-tát thuộc giai-vị SƠ-ÐỊA (trong hàng THẬP-ÐỊA) tức là HOAN-HỶ ÐỊA, hiện thân ra làm "Thiên-Ðế" của cõi trời TỨ-VƯƠNG nầy (mới có đủ đạo-lực để cai-quản và giáo-hóa chư Thiên được).

 

           Từ cõi trời TỨ-VƯƠNG đi lên 42,000 do-tuần nữa (đỉnh núi Tu-di) là trụ-xứ của Trời ÐẠO-LỢI (Kinh gọi là TAM THẬP TAM THIÊN).

           Ðịa-thế nơi đây rộng-rãi, tốt-đẹp, chu-vi được 84,000 do-tuần.  Cõi "Ðạo-lợi thiên" nầy, về các "Y-BÁO" và "CHÁNH-BÁO" như sau (sơ-lược):

           1.  Ở Bốn góc của đỉnh núi Tu-di nơi Thiên-xứ có bốn tòa núi nhỏ, mỗi núi cao 500 do-tuần.  Có thần Ðại Dược-Xoa tên là KIM-CƯƠNG THỦ ở để tuần-thị (A Tu-La) và hộ-vệ cho chư THIÊN.

           2.  Chính giữa đảnh núi Tu-di có một khu đại-thành tên là "THIỆN-KIẾN".  Ðây là Ðế-đô của trời ÐẠO-LỢI, chu-vi rộng 10,000 do-tuần.  Thành nầy có 1000 cửa.  Giữa thành nầy lại có thêm một tòa thành-quách khác nữa, chu-vi rộng 1000 do-tuần, toàn bằng vàng tử-kim kết-tạo, có 500 cửa.

           Ðất nơi đây cũng toàn bằng vàng tử-kim, nhu-nhuyễn, mềm-dịu như nệm, khi bước chân đi tự-nhiên lún xuống, không làm đau chân.

           Thành nầy là nơi của THIÊN ÐẾ-THÍCH KIỀU THI-CA (Kinh gọi là THÍCH-ÐỀ HOÀN-NHƠN) cư-ngụ, nơi đây lầu-các nguy nga, tráng-lệ, tuyệt-vời, toàn bằng các khối trân-bảo quý-giá nơi cõi Trời kết thành.

           Biệt-điện của Thiên-Ðế ở tên là TỲ THIỀN-DIÊN, chung-quanh biệt-điện nầy có 101 tòa lầu-các nhỏ hơn bao-bọc, gồm có tất-cả là 10,770 phòng - Trong mỗi phòng có 7 người thiên Ngọc-nữ ở, mỗi thiên Ngọc-nữ có 7 thiên thể-nữ hầu-hạ (tức là có 75,390 thiên Ngọc-nữ + 527,730 thiên thể-nữ hầu-hạ).

           Các thiên Ngọc-nữ nầy đều là CHÁNH-PHI của trời ÐẾ-THÍCH.

           Chánh-thân của "Thiên-đế ÐẾ-THÍCH" KIỀU THI CA thì ở chung với Chánh-hậu là XÁ-CHỈ NGỌC-NỮ, hóa-thân của ông thì ở với các bà-phi - (Bà XÁ-CHỈ Ngọc-nữ nầy nguyên là công-chúa, con gái của vua A Tu-la TỲ MA CHẤT-ÐA, được THIÊN-ÐẾ THÍCH KIỀU THI-CA cưới về làm vợ.

           Bà ấy có một phước-báu rất lạ-lùng, nên THIÊN ÐẾ-THÍCH KIỀU THI-CA rất quý-trọng.  Sau khi về làm vợ THIÊN ÐẾ-THÍCH rồi thì bà vào ngự nơi đại cung-điện trong khu vườn "Hoan-Hỷ", chung-quang mình bà có hằng trăm-ngàn thiên-nữ hầu-hạ.

           Bà XÁ-CHỈ Ngọc-nữ có nhan-sắc xinh-đẹp, thắng-diệu nhất trong hàng Ngọc-nữ nơi cõi trời Ðạo-Lợi.  Dung-nhan bà đẹp-xinh như hoa nở, đôi má như cánh sen hồng, gương mặt như màu hoàng-kim ...

           Bà Ngọc-nữ XÁ-CHỈ ấy mặc y-phục mịn, nhuyễn, tươi sáng, dùng hoa báu vi-diệu trên cõi Trời làm tràng trang-sức trên đầu, thòng xuống những chuỗi châu-báu, những chuỗi ngọc-bội, khi bà ấy đi thì các châu-báu ấy khua, lắc, lay-động vang ra những tiếng nhiệm-mầu.

           Trán của bà XÁ-CHỈ Phu-nhơn ấy rộng, cao, bằng, ngay thẳng, rũ che the lượt hoàng-kim.  Ðôi mắt bà dài, nhọn, như hoa sắp nở.  Toàn thân mình bà ấy vừa-vặn, chẳng mập, chẳng cao, chẳng ốm, chẳng lùn ...  Thể-chất thơm, sạch không có hôi xấu.

           Do phước riêng của bà nên thường có gió thổi đưa hoa báu cõi Trời đẹp đến, kết thành lọng hoa trời che trên đầu.  Bà ấy đối với Thiên-Ðế một lòng chơn-thành, vững-chắc, không hề giận-hờn, tranh-cãi.  Bà ấy cũng không hề có sự lo-lắng về thai-nghén.

           Bà XÁ-CHỈ phu-nhơn ấy say-mê ân-ái nặng hơn các Thiên Ngọc-nữ khác.  Tánh-tình bà ấy kiêu-căng, tự-hào còn quá hơn núi Di-lâu, núi Mạn-đà ...  Dầu vậy, nhưng mà bà phu-nhơn ấy rất hay biết phát-huy cái chủng-tánh PHẬT của mình) và làm lợi ích cho Phật-pháp.

           3.  Khoảng giữa thành "THIÊN-KIẾN" và thành "TỲ THIỀN-DIÊN" có 7 khu thị-tứ lớn là:  - Khu Mể-Cốc, khu Ẩm-Thực, khu Y-Phục, khu Chúng-Hương, khu Hí-Nữ, khu Công-Xảo, khu Hoa-Mang.

           Tại bảy khu nầy đều có người canh-gác (Thị-quan).  Các Thiên-tử, thiên-nữ khi đến dạo chơi, cũng bình-luận là món nầy mắc, món kia rẻ (như cách mua bán thế-gian), nhưng chỉ để chưng-bày thôi, chớ chẳng có ai bán và chẳng có ai mua hết.

           Thỉnh-thoảng như có ai cần dùng món gì thì có thể tự-ý lấy đem đi.

           Trong thành "THIỆN-KIẾN" cũng chia ra làm các Thiên-châu (tỉnh), Thiên-huyện (Quận), Thiên-thôn (làng) đầy khắp các nơi.

           Chung quanh (vòng ngoài) của thành Thiện-Kiến còn có 32 thiên-xứ nhỏ khác bao-bọc.  Mỗi thiên-xứ như thế đều có một vị Thiên-Vương quản-trị.  Ba mươi hai Thiên-xứ nầy cùng với trung-đô "THIỆN-KIẾN" thành của ÐẾ-THÍCH hợp lại thành ra 33 thiên-xứ - Vì thế nên gọ là "Tam thập tam thiên".

         

A.  BẢO UYỂN:

           Ngoài bốn phía thành THIỆN-KIẾN có bốn khu đại Viên-Uyển (Vườn hoa lớn) như sau:

           - Phương Nam có đại viên-uyển tên là THÔ-SÁP.

           - Phương Tây có đại viên-uyển tên là TẠP-LÂM.

           - Phương Bắc có đại viên-uyển tên là HỶ-LÂM.

           - Các chư Thiên-tử, ngọc-nữ khi đi du-ngoạn vào đến nơi vườn CHÚNG-XA thì tùy nơi phước-đức hơn, kém, liền có các thứ xe như-ý hoặc thắng (đẹp) hoặc liệt (xấu) hiện ra.  Mỗi vị đều ngồi lên trên cổ xe của mình mà tùy-ý dạo chơi khắp nơi ...

           - Khi chư Thiên sắp-sửa đánh nhau với A Tu-la, liền kéo nhau vào trong vườn THÔ-SÁP, nơi đây liền có các món giáp, trượng (khí-giới) tự-nhiên hiện ra dùng để đi đánh trận.  Cảnh-trí của vườn THÔ-SÁP nầy rất là tươi đẹp, nên mỗi khi vào đây du-ngoạn, chư Thiên cũng tranh nhau đi trước, đi sau, ngắm xem phong-cảnh, khen-ngợi, trầm-trồ ...

           - Vườn TẠP-LÂM là nơi rất đẹp, nơi đây có nhiều cung-điện nguy-nga, rừng cây, hoa-cảnh u-nhã.  Các Thiên Ngọc-nữ nơi cung TỲ THIỀN-DIÊN (chỗ của Thiên-đế Thích KIỀU-THI-CA ngự)  thường ra đây họp bạn với chư Thiên-chúng khác mà vui đùa, thọ ngũ-dục lạc ...

           - Vườn HỶ-LÂM (tức là vườn HOAN-HỶ - nơi bà XÁ-CHỈ Ngọc-nữ ngự) có một cảnh-sắc rất là đặc-biệt, lạ-lùng, chư Thiên khi vào du-ngoạn tại nơi đây, tự-nhiên đều sanh lòng hớn-hở, vui tươi.

           - Trong bốn khu đại Viên-Uyển nầy, ở mỗi khu vườn, nơi bốn góc đều có bốn hồ "Như-Ý", mỗi hồ rộng 50 do-tuần, trong ấy chứa toàn là nước bát công-đức.

           Trong mỗi hồ lại còn có thêm các thứ hoa trời tranh nhau đua-nở, phô-trương vẻ đẹp thần-tiên.

           - Lại nữa, trong bốn khu đại Viên-Uyển nầy đều có tháp lớn để thờ các di-tích, xá-lợi của PHẬT.  Như vườn CHÚNG-XA có một khu tiểu-viên, rất đẹp tên là CHIẾU-MINH, nơi đây có bảo-tháp thờ tóc của PHẬT (khi Phật cắt tóc xuất-gia, thì THIÊN-ÐẾ thỉnh tóc ấy đem về trời thờ).

           - Vườn THÔ-SÁP có bảo-tháp thờ Y của PHẬT.

           - Vườn TẠP-LÂM có bảo-tháp thờ BÁT của PHẬT.

           - Vườn HOAN-HỶ (Hỷ-Lâm) có bảo-tháp thờ RĂNG của PHẬT.

           Ngoài 4 khu đại Viên-Uyển nầy ra còn có nhiều khu "Tiểu Viên-Uyển" khác nữa, số nhiều có đến trăm, ngàn.  Vườn-tược, rừng cây đều được trang-nghiêm bằng các thứ châu-báu, liên-tiếp nối nhau khắp mọi chốn xa gần, như là:

           - Vườn Hoàng-diêm-thạch, vườn Ba-lộ-sa, vườn Ba-lê-gia, vườn Quang-thắng, vườn Hiệp-hôn, vườn Câu-la vv...

          

           (Riêng tại khu vườn Hiệp-hôn, có đại đệ-tử Thanh-văn của PHẬT là ngài "Ngưu-chủ KIỀU-PHẠM BA-ÐỀ" an-trụ nơi đó, ngài thuyết-pháp nói ra các Khế-kinh, Trường-hàng, Trùng-tụng vv... để giáo-hóa thiên-chúng.

           - Các Thiên-nữ dầu say-mê ái-dục, nhưng mỗi khi vào đến khu vườn nầy, trông thấy tôn-giả KIỀU-PHẠM BA-ÐỀ thì liền được sanh lòng thanh-tịnh và mang hoa sen đến dâng cúng-dường lên NGÀI.

           - Các Thiên-tử khác trên cõi trời Ðạo-lợi cũng đều đến vây-quanh, cung-kính nghe pháp và mang chất thiên cam-lộ cúng-dường.

           Tất-cả chư Thiên trên cõi "Tam-thập tam-thiên" nầy không ai là chẳng cung-kính Tôn-giả cả).

 

           Phía Ðông-Bắc của thành THIỆN-KIẾN có một bảo-thọ là cây BA-LỢI CHẤT-ÐA (Kinh dịch là HƯƠNG BIẾN THỌ - Paricitra) Ðây là cây quý báu nhất trên cõi trời Ðạo-Lợi.

           Cây cao 100 do-tuần, tàng rậm de ra cũng 100 do-tuần, rộng tròn như một cái lọng.  Ðây là một thắng-cảnh du-ngoạn được ưa-thích nhất của tất-cả chư THIÊN.

           Cây nầy hoa-nở liên-miên không dứt, mùi hương-hoa thanh-thản, nhẹ-nhàng và thắng-diệu theo gió bay xa.  Khi gặp gió thuận, mùi hương bay xa được 100 do-tuần.  Khi gặp gió nghịch, mùi hương cũng bay xa được 50 do-tuần.

           Cây BA-LỢI CHẤT-ÐA nầy có 7 đặc tánh thù-thắng sau đây:

           1.  Lúc lá cây chín thời có màu hoàng-kim rực-rỡ.  Chư THIÊN thấy lá vàng liền sanh lòng vui-mừng, hớn-hở ..., vì:

           2.  Lá vàng ấy không bao lâu sẽ rụng.  Chư Thiên thấy lá vàng ấy rụng, còn nhánh không thời sanh lòng mừng-vui nữa..., vì:

           3.  Những nhánh không ấy chẳng bao lâu sẽ đổi màu sắc.  Chư Thiên thấy các nhánh cây ấy đổi sắc, thời sanh lòng vui-mừng hơn nữa..., vì:

           4.  Nhánh cây ấy sau khi đổi màu xong, chẳng bao lâu thời sanh ra các nụ tròn.  Chư Thiên thấy các nụ hoa ấy thời lòng rất vui-mừng, ... vì:

           5.  Những nụ tròn ấy chẳng bao lâu sẽ trở thành dài và nhọn.  Chư Thiên thấy vậy càng thêm vui mừng ... vì:

           6.  Những nụ dài, nhọn nầy không bao lâu sẽ nở ra các hoa cực-kỳ xinh-đẹp, rực-rỡ không sao tả-xiết được, mùi hương theo gió bay xa đến cả trăm do-tuần.

           7.  Toàn thân của cây tỏa ra ánh quang-minh rực-rỡ, ánh sáng ấy chiếu xa đến cả 80 do-tuần.

          

           Vì cây "Ba-lợi chất-đa" nầy có 7 đặc tánh kỳ-diệu như vậy, cho nên nó sanh ra các sự vui-mừng bất-tuyệt cho chư THIÊN, các thiên-chúng đều cực-kỳ ưa-thích cây bảo-thọ nầy, cho nên thường tụ-tập, vui-chơi nơi dưới tàn cây, thong-dong, tự-tại, đàn hát, ca múa vui-vẻ ...

           Khi hoa-tàn thì lá lại đổi ra màu xanh bích-ngọc, trong suốt như "thanh lưu-ly".  Chư Thiên thấy lá nầy thời vui-mừng, vì không bao lâu lá xanh chín sẽ đổi ra màu hoàng-kim ...

           Và các đặc-tánh của cây nầy lại sẽ tiếp-nối nhau luôn không dứt.

           Chư Thiên cũng vui-mừng tiếp-nối nhau luôn không dứt...

 

 

B.  BẢO-ÐIỆN:

           Trên thiên-xứ nầy có vô-số bảo-điện (lầu các quý-báu) nghiêm-sức bằng các khối trân-bảo cõi Trời tráng-lệ, tuyệt-vời, nối-tiếp nhau khắp cả mọi nơi.

           Nhưng đặc-biệt nhất là về phía Tây-Nam của đại thành THIỆN-KIẾN có một ngôi ÐẠI BẢO-ÐIỆN tên là "THIỆN-PHÁP-ÐƯỜNG".

           Ngôi đại-điện nầy to rộng có đến bốn vạn tám ngàn (48,000) cây cột, làm toàn bằng những thứ như:  - Hoàng-kim, bích-ngọc, bạch-ngân, xa-cừ, mã-não cùng với lõi cây chiên-đàn (trầm-hương)..., khắp nơi của đại-điện đều có treo linh, lạc, gió thổi vang ra những tiếng nhiệm-mầu, làm vui đẹp lòng người nghe.

           Trong hội-đường THIỆN-PHÁP dùng toàn là "MA-NI bửu-châu" để trang-sức, mặt nền lót bằng ngọc lưu-ly, trong-sáng, nhuần-bóng, sạch-sẽ như gương, gió nhẹ thơm, mát, phảng-phất khắp nơi.

           Tất-cả những vật trang-trí trong hội-đường nầy thuần toàn là các khối báu vật trân-kỳ, hiếm có.

           Ngoài bốn phía hội-đường còn có những khu vườn rộng đến cả trăm do-tuần.

           Trong các khu vườn ấy đều có những hoa sen màu vàng hoàng-kim tươi đẹp, từ trong hoa sen ấy vang ra các tiếng nhạc, tiếng ca nhiệm-mầu làm cho mọi người nghe đến thảy đều sanh lòng vui đẹp ...

           Các Thiên-tử, Thiện-nữ sau khi dạo chơi khắp mọi thắng-cảnh xong rồi, thì đồng nhau tụ-hội về "Thiện-pháp đường" ấy để hưởng thọ các sự vui-sướng ...

           Ngoài ra còn có một hội-trường khác nữa tên là THIỆN-KIẾN, điện nầy có đến sáu vạn cây cột (60,000), trính, kèo, chói sáng lẫn nhau trùng-trùng, điệp-điệp.

           Giữa hội-trường có bày-trí một màng lưới lớn, kết-tạo bằng những hạt "Ma-ni châu vương" - Các hột bảo-châu ấy chiếu-sáng, giao-hòa lẫn nhau.  Gọi là "Ðế-Châu Ma-ni Linh-Võng".

           Trong lưới "Ðế-Châu" ấy ảnh-hiện lên hình-bóng của tất-cả các việc hoặc thiện, hoặc ác vv... của thiên, long, nhơn, quỷ-thần và A Tu-la vv... khắp trong bốn châu thiên-hạ và nơi núi Tu-di.  Thiên-Ðế Thích KIỀU-THI-CA chỉ cần nhìn vào trong đây liền biết rõ hết mọi việc của các Thiên-xứ thuộc quyền để (mà) tùy-cơ xử-đoán ...

 

           (Trong nghi-thức tụng-kinh, nơi phần "Tán-Phật, Quán-tưởng" có câu kệ-tụng sau đây:

           Lưới Ðế-châu ví đạo-tràng ...

           Chính là nói về cái lưới "Ðế-châu ma-ni linh-võng" nầy vậy).

 

           Trong hội-đường nầy lại còn có thêm 1000 vị Thiên Ngọc-nữ diệm-mạo đẹp-xinh như trăng tròn sáng, tuyệt-thế vô-song, trên mão trang-sức bằng vòng hoa thất-bảo, mặt che the chỉ hoàng-kim, trên thân đeo chuỗi trân-bảo chiếu ra ánh hào-quang rực-rỡ...

           Thiên-Ðế THÍCH ÐỀ HOÀN-NHƠN KIỀU THI-CA tay cầm chày Kim-cương, quanh mình có trăm ngàn Thiên Ngọc-nữ hầu-hạ, đều vào bảo-điện nầy thưởng-ngoạn, dạo chơi.

           Toàn thân của THIÊN-ÐẾ KIỀU THI-CA ấy cực-kỳ xinh-đẹp.  Cánh tay của Ngài suông-đuột, thòng xuống đến đầu gối tựa như vòi voi báu, toàn thân màu vàng hoàng-kim, sạch bóng.  Gân thịt kín đáo, rắn dẻo, xương cốt và các mạch máu đều ẩn kín không lộ bày dưới da.

           Ngực của THIÊN-ÐẾ tròn như ngực Sư-tử chúa, bụng chẳng vun cao, eo lưng bó nhỏ, trên đầu trang-sức bằng các loại bảo-châu xỏ bằng chĩ hoàng-kim lòng-thòng chiếu sáng, y-phục nhuyễn nhẹ, tiếng nói trong-trẻo, ăn uống toàn bằng chất cam-lộ cõi trời, ngồi trên lưng voi báu trắng 6 ngà tên là Y-BẠT ÐÀ-LA, sức mạnh của Ngài địch nổi chín ngàn con voi lớn.

           Sắc-thân và sức mạnh của THIÊN-ÐẾ KIỀU THI-CA nầy nguyên chẳng phải là do xương, thịt, thường hợp-thành mà thuần bằng các thứ bảo hoa kết-tụ lại.  Trên mình Ngài cũng có đủ 32 tướng tốt như Phật (nhưng kém hơn nhiều và không rõ-ràng như của Phật) toàn thân toát ra mùi thơm kỳ-lạ, hào-quang rực-rỡ có thể làm lu-lờ được khối hoàng-kim để ở gần.

           Chánh-hậu của NGÀI là bà XÁ-CHỈ Ngọc-nữ (xem lại phần giảng trước) có dung-nhan thắng-diệu hơn tất-cả các Thiên Ngọc-nữ khác.

 

(Phụ-giảng:

           Trừ một số ít các vị Thiên-đế nơi cõi Ðạo lợi là do người thế-gian tu phước mà thành (như Thiên-đế KIỀU THI-CA đây là một) - Còn đa-phần các vị ÐẠO-LỢI THIÊN-ÐẾ khác đều là do các vị Bồ-tát trong hàng Nhị-địa (Ly Cấu-Ðịa) hiện thân ra làm - mới có đủ đạo lực để cai-quản và giáo hóa chư Thiên được.)

 

C.  TẬP-HỢP, XỬ-ÐOÁN

1.  Tập-hợp nghe pháp:  Mỗi khi chư THIÊN nghe "Thiên-cổ" (trống trời) vang lên tiếng kêu gọi "thức-tỉnh" trước cơn mê ngũ-dục, thì đồng kéo nhau về Hội-trường của THIỆN PHÁP ÐƯỜNG tập-hợp.

           THIÊN-ÐẾ KIỀU THI-CA ngồi chủ-tọa trên tòa sư-tử ở giữa HỘI-TRƯỜNG, chư THIÊN-TỬ, THIÊN-NỮ vây quanh nghe THIÊN-ÐẾ thuyết-giảng lại kinh-pháp mà Ngài đã từng nghe, học từ nơi PHẬT và chư Ðại Bồ-tát khác ...

           Xong thời học PHÁP rồi thì chư Thiên đồng nhau tản-mác ra khắp mọi nơi, tiếp-tục vui chơi, dạo xem thắng-cảnh và thọ-hưởng ngũ-dục... cho đến khi nào nghe THIÊN-CỔ vang lên tiếng gọi "cảnh-tỉnh" nữa, thì lại quay về hội-trường và cùng nhau luận-bàn đạo-lý...

 

2.  Tập-hợp Xử-Ðoán:

           Ðại-khái có 2 loại Xử-Ðoán:

           1.  Xử-đoán các việc làm phi-pháp của A Tu-la ...

           2.  Xử-đoán và kiểm-soát các việc THIỆN-ÁC trong thế-gian.          

          Khi tập-hợp xử-đoán các việc nầy, thì THIÊN-ÐẾ KIỀU THI-CA ngồi trên tòa sư-tử ngay giữa trung-ương của hội đường THIỆN-KIẾN.  Hai bên tả, hữu của THIÊN-ÐẾ, mỗi bên đều có 16 vị THIÊN-VƯƠNG ngồi đối-diện nhau.

           Mỗi THIÊN-VƯƠNG như thế đều có hai Thái-tử và cũng là Ðại-Tướng của mình đứng ở phía sau mà hầu-hạ, thị vệ.

           Nơi vòng ngoài thì:

           a.  Ðông-phương TRÌ QUỐC Thiên-Vương cùng hàng đại-thần của NGÀI ngồi ở hướng Ðông.

           b.  Nam-phương TĂNG-TRƯỞNG  Thiên-Vương cùng hàng đại-thần của NGÀI ngồi ở hướng Nam.

           c.  Tây-phương QUẢNG-MỤC Thiên-Vương cùng hàng đại-thần của NGÀI ngồi ở hướng Tây.

           d.  Bắc-phương ÐA-VĂN  Thiên-Vương cùng hàng đại-thần của NGÀI ngồi ở hướng Bắc.

 

           Tứ đại THIÊN-VƯƠNG nầy lần-lượt tâu trình lên THIÊN-ÐẾ KIỀU THI-CA về các việc Thiện-Ác ở thế-gian, nơi châu của mình cai-trị.

           Chẳng-hạn như:

           - TRÌ-QUỐC Thiên-Vương thì tâu-trình các việc Thiện, Ác của chúng-sanh nơi châu "Ðông Thắng thần" của mình.

           - TĂNG-TRƯỞNG Thiên-Vương thì tâu-trình các việc Thiện, Ác của chúng-sanh nơi châu "Nam Thiện-Bồ" (Ðịa-cầu) của mình.

           - QUẢNG-MỤC Thiên-Vương thì tâu-trình các việc Thiện, Ác nơi châu "Tây-Ngưu-Hóa" của mình.

           - ÐA-VĂN Thiên-Vương thì tâu-trình các việc Thiện, Ác nơi châu "Bắc Câu-lư" của mình.

           Nếu THÍCH-ÐỀ HOÀN-NHƠN THIÊN-ÐẾ nghe nói ở thế-gian có nhiều người bố-thí, giữ-giới, tu thập-thiện thì NGÀI vui-mừng lắm, nói rằng:

           - "Như thế thì Thiên-chúng sẽ tăng thêm nhiều, A Tu-la sẽ bị kém bớt."

           Còn như nghe nói ở thế-gian không có nhiều người bố-thí, giữ-giới, tu thập-thiện thì NGÀI lộ sắc buồn, lo, mà nói rằng:

           - "Như thế thì Thiên-chúng sẽ lần-lần kém bớt đi, A Tu-la mỗi ngày càng thêm nhiều thế-lực và đông, mạnh."

 

Tóm-lại:

           Cõi Trời ÐẠO-LỢI  (tức là Tam thập tam thiên) nầy có tất-cả là:

           - Bảy lớp thành,

           - Bảy lớp lan-can,

           - Bảy lớp lưới báu,

Bên ngoài các lớp thành, lan-can, và lưới báu nầy lại có thêm:

           - Bảy lớp cây đa-la boa-bọc, nhiều màu-sắc xinh-đẹp.

           - Cứ mỗi lớp thành như vậy đều có nhiều cửa và lầu ngăn giặc (A Tu-la)....

           Nơi Thiên-xứ nầy không có mặt trời, mặt trăng, chỉ có ánh-sáng của cây-cối, cung-điện và hào-quang của chư THIÊN chiếu ra soi-sáng khắp toàn thiên-xứ mà thôi.

           - Khi hoa sen hồng khép lại, hoa sen xanh nở ra là ban đêm, Thiên chúng đều ưa ngủ-nghỉ.

           - Khi hoa sen xanh khép lại, hoa sen hồng nở ra, là ban ngày.  Thiên chúng lại thích dạo chơi.

           Chư Thiên trên cõi trời ÐẠO-LỢI đều do nhơn tu phước bố-thí, giữ-giới, và hành thập-thiện (lúc còn ở nhân-gian) mà cảm-báo được sanh về đây, họ đều vui-đắm theo dục-lạc mà quên mất thời-gian, ca múa nói cười, kéo nhau đi dạo chơi hết cảnh nầy qua đến cảnh khác ...

           Ðến khi phước Trời mãn rồi thì tướng "Ngũ-suy" hiện ra, sau 7 ngày mạng chung, thần-thức lại tùy theo nghiệp mà đi luân-hồi ở nơi sáu đường, ba cõi.

           Tiếp diễn không ngừng ....

 

           Trên đây đã giải-thích về hai chữ "TU-DI" (cùng với các thiên-xứ trực thuộc rồi).

           Nay kết lại câu:

                   BẠCH-HÀO UYỂN-CHUYỂN NGŨ TU-DI

như sau:

           - Bạch-hào tướng-quang của Phật A-DI-ÐÀ lớn dường như 5 hòn núi Tu-Di và uyển-chuyển xoay về bên hữu của NGÀI.

           Tất-cả chư PHẬT nơi khắp mười phương pháp-giới cũng đều đồng có tướng BẠCH-HÀO y nhau như vậy cả.

 

Giải-thích câu 4:

           HÁM MỤC TRỪNG-THANH TỨ ÐẠI-HẢI.

                 (Bốn biển lớn trong ngần mắt biết).

 

           MỤC:  Tức là con mắt (nhãn mục) của PHẬT.

           Nói về NHÃN (Mắt) thì trước hết người học PHẬT pháp phải nên hiểu rằng:

           - Có tất-cả là 5 loại nhãn, như sau:

 

1.  NHỤC-NHÃN:

           - Ðây là con mắt thịt của phàm-phu chúng-sanh (như mình vậy).  Loại nhục-nhãn nầy chỉ thấy trước mắt chớ không thấy sau lưng.  Tầm thấy có giới-hạn xa gần (xa quá thì không thấy rõ), thấy ngoài sáng mà không thấy trong tối, khi bị tường, vách ngăn che đều không thấy được.

           Vậy nên nhục-nhãn của phàm-phu chúng-sanh là loại con mắt thịt CÓ BỊ CHƯỚNG-NGẠI.  Kinh gọ là:

           - Phàm-phu chúng-sanh hữu-ngại nhục-nhãn.

 

2.  THIÊN-NHÃN:

           - Ðây là loại mắt của chư THIÊN cùng với các bậc ngũ-thông Tiên-nhơn, loại mắt nầy hoặc do nơi Thiên-báo mà có, hoặc do nơi công tu tập trãi qua nhiều năm tháng mà thành.

           Với loại Thiên-nhãn nầy thì:  - Trước, sau, trong, ngoài, gần, xa, sáng, tối, núi, gò, vách đá, sông, biển ... chi-chi thảy đều thấy thông-suốt không chướng-ngại.  Có thể thấy biết được chuyện vài ba ngàn kiếp trước và sau.

 

Loại Thiên-nhãn nầy nếu đem so-sánh:

           a.  Với Phàm-phu Nhục-nhãn thì nó được xem là VÔ-NGẠI.  (không bị chướng ngại).

           b.  Với Nhị-thừa Huệ-nhãn thì nó vẫn còn là HỮU-NGẠI (vẫn còn có bị chướng-ngại) vì sự thấy biết vẫn còn nằm trong phạm-vi của cõi dục-giới và sắc-giới.

           Kinh gọi là:

           - Thiên-nhơn cập ngũ-thông tiên-nhơn hữu ngại Thiên-nhãn.

 

3.  HUỆ-NHÃN:

           - Ðây là loại mắt của các bậc nhị-thừa thánh-nhơn là Thanh-văn, Duyên-giác.  Mắt nầy Thắng-diệu hơn Thiên-nhãn rất nhiều.  Với loại HUỆ-NHÃN nầy, quý NGÀI đều thấy rõ được các nghĩa-lý sâu-xa trong kinh-điển, biết rõ nghiệp nhơn lành-dữ, báo-ứng nơi ba cõi sáu đường.

           Huệ-nhãn của A la-hán soi thấu suốt 84,000 kiếp trước, 84,000 kiếp sau (Huệ-nhãn của Duyên-giác còn thấy nhiều hơn A la-hán gấp trăm lần) và xem cõi Ðại Thiên thế-giới rõ-ràng như xem thấy chỉ tay của mình.

 

Loại HUỆ-NHÃN nầy nếu đem so-sánh:

           a.  Với Thiên-nhãn của chư Thiên và chư tiên ngũ-thông thì nó được xem là VÔ-NGẠI.  Vì sự thấy biết của nó vượt ra khỏi phạm-vi Tam-giới: Dục, Sắc và Vô-sắc.

           b.  Với các bậc Ðại-sĩ Pháp-thân BỒ-TÁT Pháp-nhãn thì nó vẫn còn là HỮU-NGẠI vì sự thấy biết cũng còn nằm trong vòng giới-hạn của Ðại-thiên thế-giới và 84,000 kiếp trước, kiếp sau, hoặc rộng xa hơn nữa như Huệ-nhãn của Bích-Chi Phật, Ðộc-giác Phật (tức là Duyên-giác) nhưng nó cũng vẫn còn xem là Hữu-ngại (so với Bồ-tát pháp-nhãn).

     

4.  PHÁP-NHÃN: (Hay còn gọi là VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN).

           - Ðây là loại NHÃN của các bậc Ðại-thừa Bồ-tát (Từ Thập-tín trở lên đến Thập-địa và Ðẳng-giác Bồ-tát, nhất-sanh Bổ-xứ Bồ-tát).

           Với loại NHÃN nầy quý NGÀI thấy rõ tất-cả các pháp- "Thiệt-tướng, vô-tướng," và các pháp-môn "thiện-xảo phương-tiện".  Vì thế cho nên quý NGÀI mới tùy theo được mọi căn-tánh của chúng-sanh mà đem pháp thích-hợp ra giáo-hóa không hề sai-lạc.  Công-đức và sự thấy biết của Pháp-nhãn nầy vô-lượng, vô-biên không sao nói ra cho cùng-tận được ...

           Huệ-nhãn của Thanh-văn, Duyên-giác đem so với loại Bồ-tát Pháp-nhãn nầy thì cũng tỷ như là đem ánh-sáng của đom-đóm mà sánh với trăng rằm.

           Ðạt đến loại PHÁP-NHÃN nầy mới được thực-sự gọi "VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN".

           Xin hãy cung-kính đọc, tụng một đoạn kinh nói về PHÁP-NHÃN của Ngài VĂN-THÙ SƯ-LỢI Bồ-tát như sau:

 

           - "Bấy giờ, ngài VĂN-THÙ SƯ-LỢI Bồ-tát bạch đức PHẬT rằng:

           - Bạch đức THẾ-TÔN, tôi từ thuở xa-xưa trăm, ngàn, ức, na-do-tha a tăng-kỳ kiếp đến nay có phát-khởi lời nguyện như vầy:

           Tôi dùng "VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN" của tôi, thấy trong vô-lượng, vô-biên Phật-độ, có vô-lượng, vô-biên tất-cả chư Như-lai, nếu như các chư PHẬT đó chẳng phải là do nơi tôi khuyên phát tâm quyết-định vô-thượng Bồ-đề và giáo-hóa khiến tu lục Ba-la mật cho đến thành tựu được quả vị VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ, thì tôi trọn chẳng chịu thành PHẬT, mà tôi quyết-định phải viên-mãn sở-nguyện nầy xong trước đã, rồi sau đó tôi mới chịu chứng-quả VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ của PHẬT.

           Khi ấy, tất-cả chư đại Bồ-tát ở khắp 10 phương cõi PHẬT đến dự trong pháp-hội đều tự nghĩ rằng:

           - Chẳng biết ngài VĂN-THÙ SƯ-LỢI dùng VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN thấy được bao nhiêu đức Như lai ?

           Ðức Phật (Thích-Ca) biết được tâm-niệm ấy mới bảo cùng ngài SƯ-TỬ DŨNG-MÃNH LÔI-ÂM Ðại Bồ-tát rằng:

           - Nầy Thiện-nam tử, ví như đem cả cõi Ðại-thiên Thế-giới nầy nghiền-nát ra làm vi-trần, vậy có thể dùng toán-số để biết rõ được số vi-trần ấy chăng ?

           - Bạch đức THẾ-TÔN, không thể nào biết được.

           Phật bảo:

           - Nầy Thiện-nam tử, VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN của VĂN-THÙ SƯ-LỢI Bồ-tát thấy vô-lượng chư PHẬT ở PHƯƠNG-ÐÔNG CÒN QUÁ HƠN SỐ VI-TRẦN ấy, chín phương kia cũng đều thấy y như vậy"...

 

           Ðây là "TRÍ-LỰC thần-thông Vô-ngại Thiên-nhãn" của Bồ-tát.  Với loại VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN nầy thì sự thấy biết của chư Bồ-tát đại-sĩ pháp-thân mới có thể:  - THÂM NHẬP VÀO TRONG CẢNH-GIỚI CỦA CHƯ PHẬT ÐƯỢC.

 

5.  PHẬT-NHÃN

           Ðây là con mắt của PHẬT.

           Phật-nhãn chẳng những bao gồm hết tánh-chất của tất-cả bốn loại NHÃN trên (Nhục-nhãn, Thiên-nhãn, Huệ-nhãn, Pháp-nhãn) mà còn thêm vào vô-lượng phần, bất khả-thuyết phần, thắng-diệu hơn nữa.

           Bởi PHẬT NHÃN tròn sáng, chói khắp kiếp trước vô-thỉ (không có nguồn), kiếp sau vô-chung (không cùng-tận)...  Ðem Pháp-nhãn của chư Bồ-tát  mà so với Phật-nhãn của Phật thì cũng tỷ như là đem ánh-sáng của tinh-tú mà so với ánh-sáng của mặt trời.

           Xin hãy cung-kính đọc-tụng một đoạn kinh nói về "PHẬT TRÍ-LỰC VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN THÔNG TÁC-CHỨNG" (tức là Sức thấy biết của PHẬT Vô-ngại Thiên-nhãn) như sau:

 

           - "Nầy Xá-lợi Phất, Ðức Như-lai, Ứng-cúng, Ðẳng Chánh-giác dùng trí-lực Thiên-nhãn thanh-tịnh vô-thượng vượt hơn tất-cả mà:

           a.  Nhìn xem khắp tất-cả các loài hữu-tình chết đây, sanh kia, hoặc đẹp, hoặc-xấu, hoặc liệt hoặc thắng, hoặc sanh cõi lành, sanh cõi dữ vv... đúng theo nghiệp họ đã gây tạo, không một chút sai lầm.

           b.  Nhìn xem tất-cả các hành-nghiệp về thân, khẩu, ý của hữu-tình chúng-sanh hoặc thiện, hoặc ác, hoặc tà-kiến, hoặc chánh-kiến vv.... sau khi chết sanh về cõi nào, không một chút sai lầm.

           c.  Nhìn xem tất-cả nhiều thứ hình-dạng thế-giới của chư PHẬT ở khắp 10 phương quá hơn số cát sông Hằng, tột cùng hư-không biên tế, tột lượng pháp-giới, bất khả xưng-kể được ... chẳng hề thiếu-sót.

           d.  Hoặc thấy tất-cả các quốc-độ, trong đó có quốc-độ đang bị hỏa-tai, phong-tai, thủy-tai, hoặc quốc-độ đương hoại, hoặc quốc-độ đương thành-lập.

           e.  Hoặc thấy tất-cả các loài hữu-tình ở trạng-thái khi sanh, khi tử ...

           f.  Hoặc thấy tất-cả tối-hậu thân của "Nhất-sanh Bổ-xứ Bồ-tát" từ cung Ðâu-suất giáng-thần, thị-hiện bát-tướng thành-đạo, nhập Niết-bàn ...

           g.  Hoặc thấy tất-cả chư Thanh-văn, Duyên-giác ở khắp 10 phương quốc-độ rốt-ráo nhập vô-dư Niết-bàn, hoặc thấy chư Ðộc-giác Phật hiện thần-thông đáp-ơn thí-chủ rồi sau đó mới nhập Niết-bàn.

           h.  Lại có những thứ, loại mà tất-cả các loài hữu-tình chẳng thấy được, nhưng VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN CỦA PHẬT thảy đều thấy rõ.

           i.  Hoặc có những thứ, loại, mà Thiên-nhãn của các ngũ-thông tiên-nhơn, của Thanh-văn, của Duyên-giác, của Ðộc-giác, của Bồ-tát đều chẳng thấy biết được, nhưng với VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN TRÍ-LỰC của PHẬT thì thảy đều thấy biết một cách rõ-ràng, không hề lầm-lẫn.

........................

           Nầy Xá-lợi Phất,

           - "Trí-lực Thiên-nhãn tùy-niệm tác chứng" của Như-lai chẳng thể nghĩ bàn, không có giới-hạn, đồng với hư-không.  Nếu muốn tìm cầu biến-tế VÔ-NGẠI THIÊN-NHÃN của PHẬT thì chẳng khác gì như là tìm cầu biên-tế của hư-không.

           Ðức Thế-tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:

                   Thiên-nhãn của PHẬT rất thanh-tịnh

                   Do vô-lượng kiếp tu tịnh-nghiệp.

                   Phật dùng Thiên-nhãn thấy mười phương,

                   Vô-lượng thế-giới Phật đều thấy,

                   Hoặc hoại, hoặc thành, hoặc thành-hoại,

                   Nhẫn đến hoặc trụ, hoặc hỏa tai.

                   Hoặc có Phật, hoặc không có Phật,

                   Mắt Phật tự-nhiên đều thấy rõ.

                   Hữu-tình nhiều loại khó nghĩ-bàn,

                   Nhẫn đến loài có sắc, không sắc.

                   Hoặc đọa loài ác, sanh cõi lành,

                   Mắt Phật tự-nhiên đều thấy rõ.

                   Hoặc thấy câu-chi Phật hiện-tại,

                   Hoặc thấy chư Phật nhập Niết-bàn.

                   Cũng thấy chư Thanh-văn, Duyên-giác,

                   Hiện thần-thông đáp thí-chủ ân.

                   Có chư Bồ-tát độ chúng-sanh,

                   Sắp sửa chứng thành vô-thượng giác.

                   Ở ngôi Như-lai không chướng-ngại,

                   Mắt Phật tự-nhiên đều thấy rõ.

                   Thiên-nhãn Vô-ngại Phật thanh-tịnh,

                   Thấy rõ tột các loài vi-tế ...

                   ................

 

           Trên đây là sơ-lược về PHẬT-NHÃN của chư PHẬT.

           Sau đây xin hết ý câu kệ:

                   HÁM MỤC TRỪNG THANH TỨ ÐẠI-HẢI

                          (Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc)

nơi văn tụng như sau:

           Mắt của PHẬT trong ngần, thanh-tịnh, to như bốn biển lớn hợp lại.

 

(Phụ-giảng:

           Từ trước đến đây, quý Phật-tử, chư liên-hữu đã đọc và nghe giảng, cùng hiểu biết về:

           1.  Tam thân (Pháp-thân, báo-thân, ứng hóa-thân).

           2.  Tứ trí (Ðại-viên cảnh trí, Bình-đẳng tánh trí, Diệu quán-sát trí và Thành-sở tác trí)

           3.  Ngũ nhãn (Nhục-nhãn, Thiên-nhãn, Huệ-nhãn, Pháp-nhãn và Phật-nhãn).

           4.  Lục thông (Thiên-nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Thần-túc thông, Tha-tâm thông, Túc-mạng thông và Lậu-tận thông) của chư PHẬT rồi.

           Như vậy thì chúng-ta phải hiểu rằng: - tất-cả chư PHẬT đều đồng một danh-xưng như nhau là đấng đầy-đủ:

           - "TAM THÂN, TỨ TRÍ, NGŨ NHÃN, LỤC THÔNG".

           Và đây mới đúng là đấng:

           - NHƯ-LAI, ỨNG-CÚNG, CHÁNH BIẾN-TRI, MINH-HẠNH TÚC, THIỆN-THỆ, THẾ-GIAN GIẢI, VÔ-THƯỢNG SĨ, ÐIỀU-NGỰ TRƯỢNG-PHU, THIÊN-NHƠN SƯ, PHẬT THẾ-TÔN.

           Bậc tối-thượng Ðại đạo-sư không còn ai hơn được nữa).

 

Giải-thích câu 5 và 6:

                   Quang-trung hóa Phật vô-số ức,

                   Hóa Bồ-tát chúng diệc vô-biên.

                   (Trong hào-quang hóa vô-số PHẬT,

                    Hóa Bồ-tát chúng cũng vô-biên)

Hoặc:

                   Vô-biên hóa PHẬT cùng Bồ-tát,

                   Hiện đầy trong ánh diệu quang-minh.

 

           Trên đây là hai câu kệ tụng, khen-ngợi và tán-thán các hóa thân PHẬT và hóa Bồ-tát của đức A-DI-ÐÀ Như-lai.

           Sao gọi là:  - QUANG-TRUNG HỮU HÓA PHẬT cập HÓA BỒ-TÁT ?

           (Trong hào-quang có PHẬT và Bồ-tát biến hóa).

           Như qua ý-nghĩa của các phần chú-thích nơi trước - Ðức A-DI-ÐÀ Như-lai tuy là BÁO-THÂN (Tự Thụ-dụng thân) của NGÀI hiện-tại ở nước AN-LẠC, nhưng hào-quang và phân-thân của NGÀI chiếu-hiện khắp tất-cả các cõi nước ở 10 phương để độ các chúng-sanh nào hữu-duyên với NGÀI.

           Trong mỗi đạo hào-quang chiếu khắp các pháp-giới ấy, NGÀI đều có biến ra vô-số HÓA-THÂN.  Cứ mỗi một hóa-thân của PHẬT A-DI-ÐÀ như vậy thì có một hóa QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát và một hóa ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát làm thị-giả cùng với nhiều "hóa Bồ-tát" khác hầu hai bên và chung-quanh NGÀI...

           Số lượng HÓA PHẬT và HÓA BỒ-TÁT ấy đông đến vô-lượng, vô-biên đầy khắp 10 phương hư không pháp-giới, thảy đều cùng thuyết-pháp mầu và dùng vô-số thiện-xảo phương-tiện để độ-thoát và tiếp-dẫn chúng-sanh về nơi Cực-lạc.

 

(phụ-giảng:

           Không riêng gì đức A-DI-ÐÀ Phật thôi đâu, mà tất-cả chư PHẬT khác cũng đều phóng-quang và biến hiện ra nhiều hóa-thân để độ chúng-sanh y như vậy).

           Việc Phật-sự nầy có ý-nghĩa và diệu-dụng như thế nào ?

           - Có vô-lượng nghĩa-lý và diệu-dụng.  Nơi đây chỉ xin khái-lược như sau:

 

NGHĨA-LÝ CHỦ-BẠN:

A.  THÔNG-NGHĨA:

Như trong hào-quang được phóng đi ấy thì:

                        - HÓA PHẬT là CHỦ,

                        - HÓA BỒ-TÁT là BẠN.

           - CHỦ là hóa Phật A-DI-ÐÀ,

           - BẠN là hóa Bồ-tát QUÁN-ÂM, THẾ-CHÍ (và chư Bồ-tát khác nữa).

           - Vì hào-quang của NGÀI chiếu khắp 10 phương pháp-giới cho nên HÓA CHỦ và HÓA BẠN cũng đông-đầy khắp 10 phương pháp-giới.

           - CHỦ lẫn với BẠN, BẠN lẫn với chủ.

           - Báo-thân chánh TỰ THỤ-DỤNG của Phật A-DI-ÐÀ là CHỦ giữa các (HÓA PHẬT) CHỦ - Ðây là vi-diệu nghĩa-lý "trong PHẬT có thêm PHẬT".

           Kinh gọi là:

                   - "PHẬT TÂM TRUNG TÂM".

           Ðây là nghĩa của:

           - Trong MỘT có NHIỀU, trong NHIỀU có MỘT.

           (Trong LÝ có SỰ, trong SỰ có LÝ).

 

B.  PHÁP-NGHĨA (MẬT-NGHĨA):

           Các đạo-lý ở trên, như là:

           - CHỦ và BẠN,

           - CHỦ, BẠN hòa-lẫn với nhau.

           - Trong CHỦ có BẠN,

           - Trong BẠN có CHỦ.

           - Trong PHẬT có PHẬT.

           - Trong MỘT có NHIỀU,

           - Trong NHIỀU có MỘT.

           - MỘT và NHIỀU cùng dung-hợp lẫn nhau không chướng-ngại vv...

Ðây chính là diệu-dụng của:

           a.  Pháp-giới LÝ VÔ-NGẠI,

           b.  Pháp-giới SỰ VÔ-NGẠI.

           c.  Pháp-giới LÝ-SỰ VÔ-NGẠI.

           d.  Pháp-giới SỰ-SỰ VÔ-NGẠI.

(Trong kinh HOA-NGHIÊM vậy).

 

a.  Sao gọi là DIỆU-DỤNG ?

           - Diệu-dụng đây là nói về cái sự-thể của "BỬU-GIÁC CHƠN-TÂM" (tức là Phật-tánh) nó rất mầu, rất nhiệm.    

           Ấy là:

           - TÙY-DUYÊN BẤT BIẾN.

           - BẤT BIẾN TÙY-DUYÊN.

           - Cái "BỬU-GIÁC CHƠN-TÂM" nầy ai cũng có đủ cả.  Nơi chúng-sanh và chư PHẬT đều đồng.  Nhưng ở nơi chúng-sanh thì bởi vì MÊ nên trái với "PHÁP TÁNH-GIỚI", dong-rủi theo trần-lao, bội-giác hiệp-trần, nên cái DIỆU-DỤNG nầy không phát-huy ra được, vì vậy mà cứ cam phận mãi làm hạng "Bạt địa phàm-phu" trôi lăn trong vòng sanh-tử.

           - Còn ở nơi chư PHẬT, thì bởi-vì đã GIÁC nên thuận theo "PHÁP TÁNH-GIỚI", trái nghịch với trần-lao, bội-trần hiệp-giác, nên cái DIỆU-DỤNG ấy toàn-thể lộ bày, trở thành đấng Như-lai vô-thượng.

 

           Kinh LĂNG-NGHIÊM dạy:

           - "Cái BỬU-GIÁC CHƠN-TÂM tuy là ai cũng có sẵn đủ, ai cũng viên-mãn, nhưng TA (PHẬT) đắc-chỉ ư tâm, ứng-chỉ ư thủ, nên khi ta vừa động ngón tay thì ánh hải-ấn quang-minh, tức là tâm THƯỜNG-ÐỊNH của ta, rực-rỡ chiếu khắp 10 phương vô-lượng, vô-biên thế-giới.

           Còn các ngươi, hễ tâm mới vừa bị động, thì trần-lao phiền-não liền khởi ra trước, nên DIỆU-DỤNG chẳng có một chút nào phát ra được cả" ...

 

           Vậy thì:

           - Cái "Bửu-giác chơn-tâm" đây thuộc về LÝ (có một).

           - Cái "Diệu-dụng" thuộc về SỰ (có nhiều).

 

b.  Sao gọi là NGHĨA CỦA LÝ VÀ SỰ:

           1.  LÝ:  Tức là "CHƠN-LÝ" không có sai lầm, lúc nào NÓ cũng y như vậy (bất biến), trước sau gì NÓ cũng chỉ có MỘT chớ không có HAI, vì thế cho nên:

           - LÝ không phân chia hạn-lượng được.

           (Vì trước sau nó chỉ có một mà thôi thì làm sao phân chia).

           - Vì không phân chia được nên nó gọi là LỚN.

           Vậy thì LÝ ở đây nó là:

                   TUY MỘT mà LỚN.

(Ðây là đạo-lý:  - Tất-cả PHẬT là một PHẬT.  Một PHẬT là tất-cả PHẬT chớ không có phân chia ra Phật nào lớn, Phật nào nhỏ hết).

           2.  SỰ:  Tức là các DIỆU-DỤNG (của LÝ), mà DIỆU-DỤNG thì có vô-lượng, vô-biên thứ khác nhau - Vì thế cho nên SỰ thì không cùng.  Mà đã không cùng như vậy thì là không kể xiết.  Không kể-xiết là nhiều, là VÔ-LƯỢNG.

           Vậy thì:

           - SỰ có phân chia ra hạng, loại, lớn nhỏ vv... khác nhau được.

           - Vì thế nên SỰ (tuy nhiều) mà nó thuộc về NHỎ.

         

           KẾT LẠI:

           - LÝ tuy một mà LỚN.  (vì không chia được).

           - SỰ tuy nhiều mà NHỎ (vì chia được).

           vì lẽ như vậy, cho nên:

           - Một mà thành vô-lượng - (Một (LÝ) mà hiện ra thành nhiều (SỰ). (6) 

           Một chánh thân PHẬT mà biến ra vô-lượng thân HÓA PHẬT).

           - Vô-lượng mà thành một - (Nhiều (SỰ) mà gồm trong MỘT (LÝ). (7)

           (Vô-lượng Hóa-Thân Phật cũng là do (từ nơi) một thân (Chánh) của Phật biến hóa ra mà thôi).

           - Ðây gọi là LÝ, SỰ vô-ngại vậy.

 

Như vậy, kết ý của câu:

           TRONG HÀO-QUANG HÓA VÔ-SỐ PHẬT

           (Quang trung hóa Phật vô-số ức).

 

           HÓA BỒ-TÁT CHÚNG CŨNG VÔ-BIÊN,

           (Hóa Bồ-tát chúng diệc vô-biên).

 

là ý nói rằng:

           - LÝ và SỰ dung-hợp nhau không chướng-ngại.

           (MỘT và nhiều dung-hợp nhau không chướng-ngại), và cùng đầy-dẫy khắp 10 phương hư-không pháp-giới, không chỗ nào là không có hóa PHẬT và hóa BỒ-TÁT cả.

           (Trong tâm của mình cũng có hóa PHẬT A-DI-ÐÀ, QUÁN-ÂM, THẾ-CHÍ vv... nữa (có đủ CHỦ và BẠN) - Một người đã có như vậy rồi, thì vô-lượng, vô-biên chúng-sanh cũng có y như vậy.  Ví như chỉ có một mặt trăng trên trời thôi mà hiện bóng ra cùng khắp các ao, hồ, sông, biển, thậm-chí đến trong từng giọt sương nhỏ đọng trên đầu ngọn cỏ cũng có bóng-dáng của mặt trăng nữa vv...)

 

Giải-thích câu thứ 7:

           Tứ thập bát nguyện độ chúng-sanh.

           (Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh).

 

(Xin xem lại các lời giải-thích trước và phần phụ-lục 48 đại-nguyện của đức Phật A-DI-ÐÀ ở cuối quyển Tây-phương nhật khóa).

 

Giải-thích câu thứ 8:

           Cửu phẩm hàm-linh đăng bỉ-ngạn.

           (Chín phẩm sen vàng lên giải-thoát).

 

A.  Cửu phẩm:

           Tức là 9 phẩm, hay còn gọi là 9 bậc.  Nguyên các bậc thánh-nhơn được sanh về cõi nước Cực-lạc thì tùy theo công-hạnh tu-hành sâu hay cạn mà được dự vào trong các hạng bậc khác nhau sau đây:

           - Bậc THƯỢNG-PHẨM vãng-sanh.

           - Bậc TRUNG-PHẨM vãng-sanh.

           - Bậc HẠ-PHẨM vãng-sanh.

           Trong 3 bậc THƯỢNG, TRUNG, HẠ nầy thì cứ mỗi bậc như vậy lại được phân ra làm 3 bậc nhỏ khác nữa, như sau:

           1.  Bậc THƯỢNG-PHẨM thì có:

                   - THƯỢNG-PHẨM Thượng sanh.

                   - THƯỢNG-PHẨM Trung sanh.

                   - THƯỢNG-PHẨM Hạ sanh.

           2.  Bậc TRUNG-PHẨM thì có:

                   - TRUNG-PHẨM Thượng sanh.

                   - TRUNG-PHẨM Trung sanh.

                   - TRUNG-PHẨM Hạ sanh.

           3.  Bậc HẠ-PHẨM thì có:

                   - HẠ-PHẨM Thượng sanh.

                   - HẠ-PHẨM Trung sanh.

                   - HẠ-PHẨM Hạ sanh.

Kinh gọi CỬU-PHẨM là 9 bậc nầy vậy.

 

B.  Hành-tướng TỔNG-QUÁT của PHẨM VÃNG-SANH BẬC THƯỢNG:

           Ðây là những hạng người đã có hội đủ được các hạnh sau đây:

           - Phải bỏ nhà (Xuất-gia).

           - Phải lìa ái-dục,

           - Phải làm Sa-môn (phải có hình-dáng tăng-tướng, thọ đủ các giới như:  Thanh-văn giới, Bồ-tát giới).

           - Phải có giảng-giải Kinh-điển đại-thừa, hoằng-dương Tịnh-độ.

           - Phải có phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           - Phải có chuyên tâm xưng-niệm Phật A-DI-ÐÀ (trọn đời).

           - Phải có tu đầy-đủ các công-đức.

           - Phải có phát-nguyện cầu sanh về cõi nước Cực-lạc.

           Hạng người nầy khi lâm-chung sẽ được chính đức Phật A-DI-ÐÀ cùng QUÁN-ÂM, THẾ-CHÍ Bồ-tát và chư thánh-chúng thân-hành đến tiếp rước.

           Như vậy:

           - Muốn được vãng-sanh vào bậc THƯỢNG PHẨM thì bắt-buộc phải là người xuất-gia.

 

C.  Hành-tướng TỔNG-QUÁT của PHẨM VÃNG-SANH BẬC TRUNG:

           Ðây là những hạng người (hoặc chư thiên) đã có hội đủ được các hạnh sau đây:

           - Phải chí-tâm phát-nguyện quyết-sanh về cõi Cực-lạc.

           - Không bắt-buộc phải là người xuất-gia. (Tức là người Phật-tử tại-gia cũng được)

           - Phải có phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           - Phải có chuyên-tâm trì-niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ (trọn đời).

           - Phải có làm lành (hoặc ít, hoặc nhiều).

           - Phải có giữ giới Bát-quan-trai (tối thiểu).

           - Phải có làm các việc công-đức như:  - Xây chùa, dựng tháp, đúc-tượng, in kinh, cúng-dường Tam-Bảo, tụng kinh-kệ, khuyên dắt mọi người tu niệm vv...

           - Nếu như có làm được các việc phước-lành chi, thảy đều dùng đó để hồi-hướng và nguyện-cầu sanh về nơi cõi Cực-lạc.

           Hạng người nầy khi lâm-chung sẽ được hóa-thân của Phật A-DI-ÐÀ đầy-đủ các tướng-tốt cùng chư thánh-chúng đến tiếp rước.

 

D.  Hành-tướng TỔNG-QUÁT của PHẨM VÃNG-SANH BẬC HẠ:

           Ðây cũng là những hạng người (hoặc chư Thiên) đã có hội đủ được các hạnh sau đây:

           - Phải có chí-tâm phát-nguyện muốn sanh về Cực-lạc.

           - Phải có phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           - Không bắt buộc phải là người xuất-gia.

           - Nghe kinh-pháp Ðại-thừa chẳng sanh lòng nghi sợ.

           - Phải có chuyên-tâm niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ tối thiểu từ 10 câu đến 100 câu (niệm trong phút tối-hậu của cuộc đời, tức là trước khi tắt hơi thở, chớ không phải nói là nguyên cả một đời người mà trước sau gì chỉ niệm có từ 10 câu hoặc 100 câu A-DI-ÐÀ PHẬT thôi đâu).

           Hạng người nầy khi lâm-chung sẽ được Hóa-thân của Bồ-tát cùng chư thánh-chúng tới tiếp rước.

           Trên đây chỉ là nói đại-lược về các điều-kiện "cần phải có" của ba bậc vãng-sanh THƯỢNG, TRUNG, HẠ mà thôi.

           Kế tiếp dưới đây là các chi-tiết về:

 

           HÀNH-TƯỚNG CỦA CỬU-PHẨM VÃNG-SANH:

           (Ðây là một tiết-mục "tối-ư quan-trọng" nói về tướng-trạng của 9 phẩm sen nơi cõi Cực-lạc mà một người Phật-tử tu-học theo pháp-môn TỊNH-ÐỘ, cầu-nguyện được vãng-sanh về CỰC-LẠC rất cần phải biết, để phát thêm tâm chí-thành trân-trọng hơn nữa trên bước đường Tịnh-độ.  Và đây cũng là PHẦN CHÁNH-YẾU NHẤT của quyển "TÂY-PHƯƠNG NHẬT-KHÓA, Mật-Tịnh Pháp-Nghi" nầy.

           Phần chú-thích được căn-cứ vào QUÁN VÔ-LƯỢNG THỌ KINH (THẬP LỤC QUÁN KINH) là một trong ba quyển kinh chủ-lực nhất của pháp-môn Tịnh-độ - Tức là TỊNH-ÐỘ TAM-KINH (8) mà chư Tổ-sư đã căn-cứ vào đây để thành-lập ra TỊNH-ÐỘ tông).

 

A.  THƯỢNG-PHẨM VÃNG-SANH:

1.  THƯỢNG-PHẨM THƯỢNG-SANH:

           Người phát-nguyện muốn được sanh về Cực-lạc thế-giới ở nơi BẬC THƯỢNG-PHẨM, trước hết cần phải có hội đủ các điều-kiện (tiên-quyết) sau đây:

           a.  Phải phát ba tâm, đó là:

           - Chí-thành tâm.

           - Thâm-trọng tâm.

           - Hồi-hướng, phát-nguyện tâm.

           

           - Chí-thành tâm là tâm tin-tưởng tuyệt-đối, không có một chút nghi-ngờ gì về lời dạy của PHẬT ở nơi pháp-môn Tịnh-độ nầy (dù cho cái nghi đó nó nhỏ-nhít như vi-trần đi nữa, cũng thành ra ngăn-cách được).

           - Thâm-trọng tâm:  là tâm tin-tưởng sâu chắc, không động-chuyển, giả-sử như đang tu theo Tịnh-độ, bấy giờ có PHẬT THÍCH-CA hiện thân ra bảo rằng: -"Hảy bỏ pháp-môn niệm PHẬT ấy đi rồi, ta sẽ dạy cho pháp-môn tu khác cao-diệu hơn" - Hành-giả niệm PHẬT cũng nhất-quyết từ-tạ mà chẳng vâng lời (9).

           - Hồi-hướng:  là trọn đời có làm nên được các việc phước-đức, căn-lành chi cũng đều hồi-hướng cầu vãng-sanh CỰC-LẠC.

           - Phát-nguyện tâm:  là phải phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ, nguyện sanh về CỰC-LẠC, nguyện chứng thành PHẬT quả, nguyện độ tất-cả chúng-sanh.

 

           b.  Kế đến là phải:

           - Giữ TỪ TÂM BẤT SÁT.

           (Tâm từ-bi không tự giết, không bảo người giết, không tùy-hỷ giết vv...)

           - Giữ đủ các GIỚI-HẠNH.  (Thanh-văn giới, Bồ-tát giới).

           -  Ðọc tụng, Thọ-trì kinh-điển ÐẠI-THỪA, PHƯƠNG-ÐẲNG.

           - Giảng-giải kinh-điển Ðại-thừa, Phương-đẳng, hoằng-dương Tịnh-Ðộ.

           - Tu lục-niệm (10), hồi-hướng, phát-nguyện sanh về CỰC-LẠC.

           - Niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ (Nhứt-tâm bất-loạn)

 

           Người có đủ được các công-đức nầy thì:

           - TỪ MỘT NGÀY ÐẾN BẢY NGÀY LIỀN ÐƯỢC VÃNG-SANH.

           Người nầy vì cực-kỳ tinh-tiến và dũng-mãnh như thế, nên khi lâm-chung sanh về CỰC-LẠC sẽ được:

           - Ðức A-DI-ÐÀ Như-lai, đức QUÁN THẾ-ÂM, Bồ-tát, đức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát, cùng với vô-số HÓA-PHẬT, BỒ-TÁT và trăm, ngàn, muôn, ức chư TỲ-KHEO Thanh-văn đại thánh-chúng, vô-lượng chư Thiên, cùng với cung-điện thất-bảo hiện ra nơi trước người ấy.

           - Ðức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát tự tay bưng đài sen bằng kim-cương cùng với đức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát thân đến bên cạnh hành-nhơn.  Ðức A-DI-ÐÀ Thế-tôn phóng đại quang-minh chiếu sáng thân của hành-giả, đoạn cùng với che Bồ-tát đồng thời trao tay nghinh-tiếp.

           - Ðức QUÁN THẾ-ÂM và ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát cùng với vô-số chư Bồ-Tát khác thảy đều đồng nhau thốt lời khen-ngợi, tán-thán và khuyến-khích để sách-tiến (11) tâm của hành-giả.

           Hành-giả ấy thấy được như vậy rồi, tâm phát đại hoan-hỷ, đại dũng-dước (12), thấy tự thân của mình bay lên ngồi trên đài Kim-Cương đi theo sau PHẬT.  Khoảng thời-gian như khảy ngón tay (đàn chỉ sát-na) liền được vãng-sanh về CỰC-LẠC.

           Sanh về cõi ấy rồi, liền được thấy sắc-thân của Phật A-DI-ÐÀ đầy-đủ các tướng-hảo, cũng thấy được chư đại Bồ-tát đầy-đủ sắc-tướng, thấy quang-minh, rừng cây báu, đồng diễn nói pháp-mầu.  Hành-giả nghe rồi liền chứng được "VÔ-SANH PHÁP-NHÃN", (dự vào hàng ÐĂNG ÐỊA Bồ-tát nơi cõi THẬT-BÁO Trang-Nghiêm).

           Trong thời gian giây-lát, người ấy mương nơi sức thần-thông của chính-mình và đại-nguyện lực của đức Phật A-DI-ÐÀ, đi khắp 10 phương thế-giới, cúng-dường và kính thờ vô-số chư PHẬT, theo thứ-tự được chư PHẬT thọ-ký cho quả-vị VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           Liền ngay sau giây phút đó, người ấy trở về lại cõi CỰC-LẠC, chứng được pháp tổng-trì và vô-lượng trăm ngàn môn Ðà-ra-ni.

           Ðây gọi là người THƯỢNG-PHẨM THƯỢNG-SANH vậy.

 

2.  THƯỢNG-PHẨM TRUNG-SANH:

           Người được sanh về Thượng-phẩm trung-sanh ấy.

           Cần phải:

           - Khéo hiểu thâm-nghĩa của kinh Ðại-Thừa, phương-đẳng (không cần phải thọ-trì, đọc tụng như ở bậc THƯỢNG-SANH)

           - Nghe Ðệ-Nhất nghĩa-đế mà tâm chẳng kinh-động (13).

           - Thâm tin nơi lý Nhơn-Quả.

           - Chẳng hủy-báng kinh-điển Ðại-Thừa,

           - Niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ (Nhứt-tâm bất-loạn)

           - Ðem tất-cả phước-đức, công-đức đã tài-bồi ấy mà hồi-hướng và phát-nguyện vãng-sanh về CỰC-LẠC thế-giới.

           Người có đầy-đủ được các công-hạnh như vậy, khi lâm-chung, ở nơi tối-hậu sát-na, sẽ được:

           - Thấy tự-thân của đức A-DI-ÐÀ Phật, đức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát, đức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát cùng vô-lượng Bồ-tát và đại-chúng Thanh-văn vây quanh hiện đến.

           - Ðức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát tự tay bưng đài sen vàng tử-ma-kim cùng đức ÐẠI-THẾ-CHÍ Bồ-tát thân đến bên hành-giả, khen rằng:

           - "Nầy Pháp-tử, người tu-hành Ðại-thừa, hiểu Ðệ-Nhất nghĩa đế, nên nay ta đến nghinh-tiếp ngươi".

 

           - Liền đó đức Phật A-DI-ÐÀ cùng với 1000 (một ngàn) Hóa-Phật đồng-thời trao tay nghinh-tiếp.

           Hành-giả tự thấy mình bay lên ngồi trên đài sen Tử-kim chắp tay tán-thán chư PHẬT, kế đó hoa-sen liền khép cánh lại.

           Trong khoảng một niệm liền được sanh về cõi CỰC-LẠC trong ao thất-bảo.  Ðã đến ao ấy rồi, phải trải qua MỘT ÐÊM kim liên-hoa (hoa sen vàng) mới nở.

           Thân hóa-sanh của người đó sáng rực ánh vàng Tử-ma-kim, đứng chắp tay trên hoa sen thất-bảo.

           Bấy giờ đức Phật A-DI-ÐÀ và chư Bồ-tát đồng phóng quang-minh chiếu đến thân của hành-giả.  Nhờ quanh-minh ấy, hành-giả liền được mở sáng "Trí-huệ nhãn" (Mắt trí-huệ), thấy nhớ rõ hết những việc lành từ trước đến nay, kế đến lại nghe thêm được các âm-thanh vi-diệu tuyên-thuyết nghĩa-đế thậm-thâm thích-hợp với trí-huệ và sở-nguyện của mình.

           Người ấy liền bước xuống đài sen thất-bảo, chắp tay lạy Phật và tán-thán đức THẾ-TÔN.

           Qua bảy ngày sau mới chứng được Bất thối-chuyển nơi quả-vị VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ, rồi nương nơi sức thần-thông của chính mình cùng đại-nguyện-lực của Phật A-DI-ÐÀ, bay đến khắp 10 phương cúng-dường và kính-thờ vô-số chư PHẬT.  Ở trước chư PHẬT ấy tu các môn tam-muội.

           Qua đến một tiểu-kiếp sau mới chứng được "Vô-sanh pháp-nhẫn" dự vào hàng ÐĂNG-ÐỊA Bồ-tát, hiện-tiền được thọ-ký quả-vị VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           Ðây gọi là người THƯỢNG-PHẨM TRUNG-SANH vậy.

 

3.  THƯỢNG PHẨM HẠ-SANH:

           Người được sanh về THƯỢNG-PHẨM HẠ-SANH ấy.

           Cần phải có:

           - Tin sâu lý Nhơn-quả.

           - Chẳng hủy-báng kinh-điển Ðại-Thừa.

           - Phát-tâm Vô-Thượng Bồ-Ðề. (chỉ mới phát thôi chớ chưa thật hành được bao nhiêu)

           - Ðem các công-đức, phước lành hồi-hưóng, phát-nguyện sanh về CỰC-LẠC.

           - Phải niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ.  (Nhứt-tâm bất-loạn).

          

           Hành-giả ấy khi sắp lâm-chung, ở phút tối-hậu sát-na, sẽ được:

           - Ðức A-DI-ÐÀ Phật, đức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát, đức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát và vô-lượng chư Bồ-tát, thánh-chúng vây quanh hiện đến.

           - Ðức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát tự tay cầm Kim-liên hoa (Bông sen vàng) cùng với đức ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát thân đến bên hành-giả, khen rằng:

           - "Nầy Pháp-tử, nay ngươi thanh-tịnh phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ nên ta đến rước ngươi".

           Liền đó 500 (năm trăm) Hóa Phật đồng-thời trao tay nghinh-tiếp.

           Người ấy thấy tự-thân mình bay lên ngồi trên Kim-liên hoa.

           Hoa sen liền khép cánh lại, bay theo sau PHẬT, khoảng sát-na liền được sanh về CỰC-LẠC thế-giới, trong ao Thất-Bảo.

           Trải qua MỘT NGÀY, MỘT ÐÊM Kim-liên hoa ấy mới nở (Nhưng cũng vẫn còn chưa thấy được PHẬT).

           - Qua BẢY NGÀY sau đó, mới thấy được thân PHẬT nhưng vẫn chưa thấy rõ được các tướng-hảo.

           - Sau HAI-MƯƠI MỐT NGÀY nữa mới thấy rõ được các tướng-hảo của PHẬT.

           Bấy giờ hành-giả ấy tai nghe được các âm-thanh vi-diệu, nhiệm-mầu diễn nói diệu-pháp, liền nương nơi sức "đại-nguyện lực" của PHẬT A-DI-ÐÀ đi khắp 10 phương, cúng-dường và Kính-thờ vô-số chư PHẬT, Ở trước chư PHẬT nghe lãnh và tu-học giáo-pháp thậm-thâm (đại-thừa).

           Trải qua 3 tiểu-kiếp mới tỏ-rõ được "BÁCH PHÁP MINH-MÔN" chứng ngôi HOAN-HỶ ÐỊA (Sơ quả trong hàng THẬP-ÐỊA) trụ vào trong bậc ÐĂNG-ÐỊA Bồ-tát (nơi cõi Thật-báo trang-nghiêm độ).

           Ðây gọi là người THƯỢNG-PHẨM HẠ-SANH vậy.

 

(Phần phụ-giảng:

           Ba bậc vãng-sanh nầy, nhứt định phải là:

           - Người xuất-gia, thọ giữ đủ các giới.

           - Tu Ðại-thừa thuần-túy).

 

B.  TRUNG-PHẨM VÃNG SANH:

1.  TRUNG-PHẨM THƯỢNG-SANH:

           Người được sanh về TRUNG-PHẨM THƯỢNG-SANH đó, đã có hội đủ được các điều-kiện sau đây:

   

           - Chăm ăn chay (Hoặc trường chay, hoặc chay kỳ).

           - Hoặc thọ-trì ngủ-giới, Bát quan trai-giới, hoặc Thanh-văn giới, Bồ-tát giới.

           - Không phạm nhằm các tội thập-ác, ngũ-nghịch.

           - Niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ.

           Ðem các thiện-căn và công-đức, phước lành nầy hồi-hướng và nguyện-cầu vãng-sanh về cõi CỰC-LẠC.

           - Hành-giả nầy:

           Khi lâm-chung, lúc tối-hậu sát-na được thấy đức Phật A-DI-ÐÀ cùng các Thánh-chúng vây quanh, phóng ra kim-sắc quanh-minh, đến bên hành-giả.

           - Ðược nghe Phật diễn nói các pháp KHỔ, KHÔNG, VÔ-THƯỜNG, VÔ-NGÃ và tán-thán hạnh xuất-gia sẽ được xa-lìa các khổ.

           Người ấy nghe pháp rồi liền được tỏ-ngộ và vui mừng, tự thấy thân mình bay lên trên đài liên-hoa, quỳ dài, chắp tay lạy PHẬT.

           Trong khi đang lạy ấy, chưa ngước đầu lên thì đã được vãng-sanh về nơi CỰC-LẠC thế-giới, hoa sen LIỀN NỞ cũng như vừa mới sanh ra.  Tai nghe các âm-thanh thuyết-pháp tán-thán TỨ-ÐẾ, liền đắc ngay được quả-vị A-La-Hán đầy-đủ Tam-minh, lục thông và Bát giải-thoát.  (Trụ vào nơi cõi Phương-tiện hữu-dư độ).

           Ðây là người được sanh về THƯỢNG PHẨM TRUNG-SANH vậy.

 

2.  TRUNG-PHẨM TRUNG-SANH:

           Người được sanh về TRUNG-PHẨM TRUNG-SANH ấy, đã có hội đủ được các điều-kiện sau đây:

           - Thọ đủ ngũ-giới.

           - Hoặc một ngày, một đêm thọ-trì Bát quan-trai giới (và niệm Phật).

           - Hoặc một ngày, một đêm thọ-trì giớ Sa di (thập giới).

           - Hoạc một ngày, một đêm thọ-trì giới Cụ-túc không khuyết-phạm.

           - Có niệm danh-hiệu Phật A-DI-ÐÀ.

           Ðêm các công-đức, phước lành ấy hồi-hướng và nguyện-cầu được vãng-sanh về CỰC-LẠC thế-giới.

           Người nầy vì được nhờ vào nơi "GIỚI-HƯƠNG HUÂN-TU" như vậy, nên khi lâm-chung, vào phút sau cùng, được thấy Phật A-DI-ÐÀ cùng các thánh-chúng, phóng Kim-sắc quanh-minh, cầm "Bửu liên hoa" (Hoa sen báu) đến trước hành-giả.

           Người ấy nghe giữa không-trung có tiếng khen rằng:

           - "Nầy Thiện nam-tử, người là người thiện nhơn biết tùy-thuận và vâng-lãnh theo lời dạy của chư Phật ba đời (Tam thế chư PHẬT) nên nay ta đến rước ngươi."

           Người ấy nghe xong, tâm đại hoan-hỷ, tự thấy thân mình bay lên ngồi trên "Thất bảo liên-tòa".  Hoa sen liền khép cánh lại.

           Trong khoảng sát-na liền được sanh về Cực-lạc, nơi ao thất-bảo.

           Sau BẢY NGÀY hoa sen mới nở.

           Khi hoa nở rồi, hành-giả ấy mở mắt, chắp tay, tán-thán đức THẾ-TÔN, nghe pháp Tứ-đế, đắc được sơ-quả TU-ÐÀ-HOÀN.

           Từ đó tiếp-tục tu hành, quá nửa kiếp sau mới thành ra được bậc A-la-Hán.

           Ðây gọi là người TRUNG-PHẨM TRUNG-SANH vậy.

 

(Lời phụ-giảng:

           - Hai bậc TRUNG-PHẨM THƯỢNG-SANH và TRUNG-PHẨM TRUNG-SANH nầy là các người trước kia - Hoặc có xuất-gia, hoặc tu tại-gia -theo hạnh Tiểu-thừa.

           Khi sắp lâm-chung, được gặp bậc thiện tri-thức khuyên-dạy, nhắc-nhở, nên hồi tâm hướng về Ðại-Thừa, niệm PHẬT và phát-nguyện vãng-sanh về CỰC-LẠC thế-giới - mà được).

 

3.  TRUNG-PHẨM HẠ-SANH:

           Người được sanh về TRUNG-PHẨM HẠ-SANH ấy là các Thiện-nam, thiện-nữ nơi thế-tục (Hoặc có thọ ngũ-giới, bát-giới hoặc không có thọ cũng được),  đã có hội đủ được các hạnh sau đây:

           - Hiếu-dưỡng cùng với cha, mẹ.

           - Làm các việc lành, tốt của người (Quân-tử) thế gian.

           - Tâm-tánh hiền-lành, chất trực.

           Người nầy khi sắp lâm-chung, may-mắn gắp được bậc Thiện tri-thức (trong đạo Phật, như Tăng, Ni hoặc Phật-tử cư-sĩ).  Người thiện tri-thức đó vì người nầy mà khen-ngợi, tán-thán nói rộng cho họ nghe về cõi Cực-lạc và hạnh-nguyện của đức Phật A-DI-ÐÀ cùng nói 48 nguyện của PHÁP-TẠNG Bồ-tát (tiền-thân của Phật A-DI-ÐÀ), khuyên họ nên nhứt-tâm niệm PHẬT cầu sanh về CỰC-LẠC thế-giới.

           Người nầy nhe xong rồi, phát-tâm hoan-hỷ, liền chắp tay xưng niệm Nam-mô A-DI-ÐÀ Phật. Chưa xong một niệm, liền nhắm mắt tắt hơi.

           Trong khoảng thời-gian mau lẹ như người lực-sĩ co-duỗi cánh tay, liền được sanh về cõi Cực-lạc, nơi ao thất-bảo.

           Qua BẢY NGÀY sau, gặp được đức QUÁN THẾ-ÂM và ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát, nghe thuyết-pháp, phát-tâm đại hoan-hỷ, liền chứng được sơ-quả TƯ ÐÀ-HOÀN.

           Qua một Tiểu-kiếp sau mới chứng thành quả-vị A-La-Hán.

           Ðây gọi là người sanh về TRUNG-PHẨM HẠ-SANH vậy.

 

(Lời phụ-giảng:

           - Người sanh ở nơi TRUNG-PHẨM HẠ-SANH nầy, lúc còn sanh-tiền, không phải là Phật-tử, cũng không biết Phật-pháp và tu-hành chi cả mà chỉ là người:

           - "HIỀN-LÀNH nơi thế-gian, hiếu-dưỡng cha-mẹ theo lối thường tình và biết lánh ác, làm lành" mà thôi.

           Vậy cái nhân của Phẩm vãng-sanh nầy là:

           - Người biết làm việc thiện nơi đời).

 

C.  HẠ-PHẨM VÃNG-SANH:

1.  HẠ-PHẨM THƯỢNG-SANH:

           Người được sanh về HẠ-PHẨM THƯỢNG-SANH nầy là những kẻ:

           - Không có hủy-báng PHẬT.

           - Không có hủy-báng kinh Ðại-thừa, Phương Ðẳng.

           Nhưng mà có:

           - Gây tạo nhiều loại việc ác không lòng thẹn hổ (tàm-quý).

           Người nầy (nhờ có túc-căn tu-hành trong quá-khứ), nên khi sắp lâm-chung, duyên-may gặp được Thiện Tri-thức (trong đạo PHẬT, như Tăng, Ni hoặc Phật-tử tại-gia cư-sĩ) dạy-bảo, khuyên-nhắc.

           Lại vì họ mà đọc ra tên của các loại kinh-điển Ðại-thừa đầu đề danh-Tự (Như kinh PHÁP-HOA, HOA-NGHIÊM, KIM-CANG, VIÊN-GIÁC, VÔ-LƯỢNG THỌ vv ...).

           Người nầy do nhờ nghe được tên của các kinh Ðại-thừa, Phương-Quảng như vậy nên dứt trừ được ác-nghiệp trong ngàn kiếp sanh-tử.

           Kế đó vị Thiện tri-thức ấy lại bảo kẻ đó chắp tay xưng niệm "Nam-mô A-DI-ÐÀ PHẬT".  Do vì xưng-niệm danh-hiệu PHẬT A-DI-ÐÀ nên trừ thêm được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh-tử nữa.

           Khi sắp lâm-chung ...

           Lúc ấy đức Phật A-DI-ÐÀ liền khiến HÓA-PHẬT, HÓA QUÁN THẾ-ÂM, HÓA ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát, HÓA THÁNH-CHÚNG đến nơi trước người ấy, khen rằng:

           - "Nầy Thiện nam-tử, do vì người chí-tâm xưng danh-hiệu PHẬT, các tội tiêu-diệt, nên nay ta đến rước ngươi".

          Hành-giả nghe các lời khen ấy rồi, liền phát-tâm hoan-hỷ, kế đó lại thấy hóa PHẬT, hóa BỒ-TÁT, hóa THÁNH-CHÚNG phóng ánh hào-quang sáng chói đầy cả phòng nhà ...

           Sau đó liền mạng chung.

           Thấy mình ngồi trên bửu-liên-hoa bay theo sau Hóa PHẬT, khoảng một niệm liền được sanh về ao báu, nơi cõi Cực-Lạc.

           Trãi qua 49 NGÀY hoa sen mới nở.

           Ðương khi hoa nở ấy, đức Ðại-Bi QUÁN THẾ-ÂM Bồ-tát và đức Ðại-Lực ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát phóng ra ánh đại quang-minh, đứng trước người ấy, vì người ấy mà tuyên nói ý-nghĩa thâm-sâu của Thập nhị Bộ kinh (12 bộ kinh).

           Người ấy nghe PHÁP rồi tin-hiểu, liền phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           Từ đó tinh-tấn tu-hành.

           Qua 10 TIỂU-KIẾP sau mới chứng được "bách pháp-minh-môn", đắc quả-vị SƠ HOAN-HỶ ÐỊA, sanh về cõi Thật-Báo Trang-Nghiêm, dự vào hàng đăng ÐỊA Bồ-tát.

           Ðây gọi là người HẠ-PHẨM THƯỢNG-SANH vậy.

 

2.  HẠ-PHẨM TRUNG-SANH:

           Người được sanh về bậc HẠ-PHẨM TRUNG-SANH nầy là các kẻ "NGU NHƠN" phạm đủ các trọng tội như:

           - Hủy phạm ngũ-giới, Bát-giới. (Phá trai, phạm-giới).

           - Ăn trộm vật của Tam-Bảo, Thường-trụ.  (Trộm cắp tài vật của Tăng, Ni).

           - Cướp đoạt tài-sản của chùa như:  Ruộng, đất, vườn rừng, nhà cửa, gạo thóc, đồ-vật xài ... của đàn-na dâng cúng.

           - Bất tịnh thuyết pháp.  (Thuyết pháp mà không có PHÁP, chỉ chuyên nói chính-trị, đấu-tranh, hoặc là khoe-khoang, mục-đích cầu của tín-thí cúng-dường).

           - Ham lợi-dưỡng.

           - Không có lòng Tàm-quý (Hổ-thẹn).

           - Dùng các nghiệp ác để trang-nghiêm thân.

           ...................................

 

           Người phạm tội nặng, ngu-xuẩn như đây, khi sắp lâm-chung, các thứ lửa dữ và các loại tướng khổ-độc nơi Ðịa-ngục đồng-thời hiện ra, báo-trước cho người ấy thấy những hình-phạt dành sẵn cho họ nơi chốn Tam-đồ.

           Nhờ có túc-căn tu-hành trong quá-khứ nên duyên may gặp được Thiện Tri-Thức trong đạo Phật (Như Tăng-Ni, Phật-tử cư-sĩ).

           Người Thiện Tri-Thức nầy phát-tâm đại Từ-Bi, vì người tội nặng ấy mà khen nói công-đức của Phật A-DI-ÐÀ, những là Thập-lực, oai-đức, giới, định, huệ, cùng tán-dương các pháp giải-thoát, giải-thoát tri-kiến ...

           Người ấy nghe rồi chắp tay thành-tâm sám-hối, liền tiêu-trừ được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh-tử.

           Bấy giờ các thứ lửa mạnh-dữ nơi Ðịa-ngục trước kia liền biến thành ra gió mát, thổi các loại hoa Trời (thiên-hoa) bay đến.  Trên các hoa ấy đều có Hóa PHẬT, Hóa BỒ-TÁT ngồi, đồng duỗi tay xuống tiếp rước người ấy.

           Trong khoảng một niệm kẻ ấy liền được sanh về ao báu (bảo trì) nơi cõi CỰC-LẠC thế-giới.

           Trãi qua 6 KIẾP sau hoa sen mới nở.

           QUÁN THẾ-ÂM BỒ-TÁT, ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát vì người đó mà dùng Phạm-âm thanh êm-dịu an-ủi và diễn-thuyết kinh điển thậm-thâm.

           Nghe pháp rồi, người ấy liền phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           Ðây gọi là người được về HẠ-PHẨM TRUNG-SANH vậy.

 

3.  HẠ-PHẨM HẠ-SANH:

           Người được sanh về HẠ-PHẨM HẠ-SANH ấy, là những kẻ đã lỡ-lầm gây-tạo đủ các trọng tội như:

           - Thập-ác.

           - Ngũ-nghịch.

           - Làm đủ hết các việc bất-thiện (chẳng thiếu loại ác nào cả).

           Con người đại NGU như vậy, do các ác-nghiệp đó, đáng bị đọa vào trong địa-ngục (A-TỲ) trãi qua vô-lượng kiếp thọ lấy các điều khổ độc lớn.

           Nhờ có túc-căn tu-tập trong quá-khứ, nên trước phút lâm-chung, duyên-may gắp được Thiện-Tri-Thức trong đạo PHẬT (Như Tăng, Ni, cư-sĩ Phật-tử).

           Bậc Thiện tri-thức nầy phát-lòng đại từ-bi, vì kẻ ấy mà dùng nhiều lời an-ủi, khuyên dạy, nói diệu-pháp cho nghe và bảo nên chí-thành chắp tay niệm các danh-hiệu PHẬT.

           Kẻ ấy vì các khổ và nghiệp Ðịa-Ngục bức-bách, xui khiến nên không rảnh tâm để nghe theo và niệm PHẬT được.

           Người thiện tri-thức nầy lại tận-lực khuyên-nhắc nữa rằng:

           - Nếu ngươi chẳng có thể niệm được danh-hiệu của các đức Phật kia được, vậy thì ngươi nên xưng-hiệu A-DI-ÐÀ PHẬT từ 10 câu cho đến 100 câu chẳng dứt.

           Nên xưng niệm như vầy:

                        Nam-mô A-DI-ÐÀ PHẬT.

           Người ấy nghe rồi liền chắp tay xưng danh-hiệu Nam-mô A-DI-ÐÀ PHẬT một cách chí-thành khẩn-thiết, vì biết mình sắp-sửa bị đọa vào trong đại địa-ngục, nên lo sợ và nhứt-tâm tưởng-niệm.

           Do vì xưng danh-hiệu PHẬT A-DI-ÐÀ như vậy cho nên trong MỖI NIỆM trừ được 80 ức kiếp sanh-tử tội nặng.

           Lúc mạng chung, kẻ ấy thấy "Kim liên-hoa" (Bông sen vàng) dường như mặt trời trụ nơi trước mặt.

           Trong khoảng MỘT NIỆM, liền vãng-sanh về ao báu nơi cõi CỰC-LẠC thế-giới.  Phải ở trong thai sen như vậy trải qua 12 ÐẠI-KIẾP liên hoa ấy mới được nở ra.

           Bấy giờ đức QUÁN THẾ-ÂM và ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát liền vì người ấy mà diễn nói "Thiệt-tướng" của các pháp.

           Người ấy nghe xong, rất đổi vui mừng.

           Liền phát tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ.

           Ðây gọi là người HẠ-PHẨM HẠ-SANH vậy.

 

(Lời phụ-giảng:

           Trong ba bậc vãng-sanh HẠ-PHẨM nầy, thì thuần chỉ là những người suốt đời chuyên làm ác-hạnh, ác-nghiệp mà thôi.

           Ấy vậy mà đến khi lâm-chung, biết hồi-hướng, thức-tỉnh, nghe lời dạy khuyên, xưng niệm danh-hiệu A-DI-ÐÀ PHẬT, từ 10 câu đến 100 câu cũng được vãng-sanh.

           Than-ôi!

           Phật lực vô-bờ, đức A-DI-ÐÀ PHẬT đại từ-bi, đại-nguyện lực, cứu-khổ cứu-nạn như vậy.

           Mà:

           CHÚNG-SANH CÓ BIẾT HAY CHĂNG ?)

 

Kết yếu của câu thứ 8:

           CỬU PHẨM HÀM-LINH ÐĂNG BỈ-NGẠN.

             (Chín phẩm chúng-sanh đồng giải-thích).

 

Tức là ý nói:

           - Ðức A-DI-ÐÀ Thế-tôn lập ra 9 phẩm sen nầy:  3 THƯỢNG, 3 TRUNG, 3 HẠ - Nhờ vào đó mà vô-lượng các loài hữu-tình đồng được giải-thoát ra khỏi 6 nẻo luân-hồi phiền-lụy khổ đau.

 

           Chí-tâm đảnh-lễ:

                   Nam-mô Tây-Phương Tiếp-dẫn,

                   Ðại-Từ, Ðại-Bi

                   A-DI-ÐÀ PHẬT.

 

Tác đại chứng-minh.

 

---------------------------------------------------------------------------------------

(1)- Tự Thụ-dụng:  là thân để cho mình dùng (Tự dụng).

- Tha thụ-dụng thân:  là thân dùng để độ người (tha nhân).

 

(2)- Ðẳng trì tụ:  tức là do từ nơi ÐỊNH mà sanh ra (Ðẳng là Ðịnh). 

    

(3)- Ưu ba-ni sa-đà:  Là một loại đơn-vị đo-lường rất nhỏ - như một hột cải vậy.

 

(4)- Hắc-sơn:  Tức là núi Thiết-vi nơi trụ xứ của địa-ngục.    

 

(5)- Ngũ thông tiên-nhơn:  Các vị tu-tiên đắc 5 phép thần thông (nhãn thông, nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông, túc mạng thông).

 

(6)- MỘT mà thành vô-lượng:  Thí-dụ như chỉ có một bộ máy (xe hơi) mà thôi.  Nhưng trong bộ-máy đó nó có nhiều món phụ-tùng khác nhau ráp lại.

 

(7)- Vô-lượng là MỘT:  Là ý nói tuy có nhiều món đồ phụ-tùng khác nhau ráp lại, nhưng chung cuộc rồi cũng chỉ là có MỘT bộ máy mà thôi.

 

(8)- Tịnh-độ Tam-kinh:  là 3 quyển kinh chánh-yếu nhất của pháp-môn Tịnh-độ là:

           a.  Vô-lượng THỌ-KINH (Ðại-bổn A-DI-ÐÀ kinh),

           b.  Quán VÔ-LƯỢNG THỌ kinh (Kinh Thập-lục Quán)

           c.  Phật thuyết A-DI-ÐÀ kinh (kinh Tiểu-bổn A-DI-ÐÀ)

 

(9)- Vì nếu có như vậy thì đó là ma nó giả hình Phật đến gạt mình đó.

 

(10)- Lục niệm là:  Niệm Phật, Niệm Pháp, niệm Tăng, Niệm thiên (tức là giữ tròn thập-thiện), Niệm thí, Niệm giới.

 

(11)- Sách-tiến:  Làm cho càng thêm tăng-tiến hơn nữa.

 

(12)- Dũng-dước:  Phần-khởi mừng vui tột-độ.

 

(13)- Kinh-động:  là kinh sợ và động tâm

 

---o0o---