CHƯƠNG III
TIẾT VI
GIẢI-THÍCH CÂU NGUYỆN
PHÁT TÂM BỒ-ÐỀ
(Từ trước đến đây (Phần I đến phần V) bút giả đã giải-thích về những
ý-nghĩa của các câu kệ tán-tụng dùng trong khóa-lễ rồi ...
Trong phần VI nầy, xin được giải-thích về phương-cách "phát-tâm
Vô-thượng Bồ-đề" trong pháp-môn tu Tịnh-độ - trước khi hành-giả
bắt đầu NIỆM PHẬT.)
Giải-Thích câu:
- "NGÃ KIM phổ-Vị tứ-ân, tam-hữu cập PHÁP-GIỚI CHÚNG-SANH CẦU ư
chư PHẬT NHỨT THỪA VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ, ÐẠO cố. Chuyên-tâm trì-niệm A-DI-ÐÀ
PHẬT, vạn-đức hồng-danh, cầu sanh CỰC-LẠC.
Duy-nguyện:
- Từ-phụ A-DI-ÐÀ PHẬT từ-bi gia-hộ, ai-lân nhiếp-thọ."
Nghĩa là:
- CON NAY khắp VÌ bốn ân, ba cõi cùng PHÁP-GIỚI CHÚNG-SANH CẦU nơi ÐẠO
NHỨT THỪA VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ CỦA PHẬT. Chuyên tâm trì-niệm muôn đức
hồng-danh A-DI-ÐÀ PHẬT, cầu được sanh về CỰC-LẠC.
Nguyện xin:
- Ðức cha lành A-DI-ÐÀ
PHẬT từ-bi gia-hộ, thương-xót nhiếp-thọ (cho con được vãng-sanh về nơi
Cực-lạc).
Trong câu phát-nguyện nầy (ở phần Âm Hán-Việt) quý Phật-tử phải nên
để-ý đến mấy chữ viết HOA, tất sẽ thấy các chữ ấy nếu như được kết-hợp lại
thì thành ra một câu nguyện nhỏ như sau:
- NGÃ KIM VỊ PHÁP-GIỚI CHÚNG-SANH, CẦU PHẬT NHỨT THỪA VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ ÐẠO
...
Tức là:
- CON NAY VÌ PHÁP-GIỚI CHÚNG-SANH (MÀ) CẦU ÐẠO NHỨT THỪA VÔ-THƯỢNG
BỒ-ÐỀ CỦA PHẬT ...
- Chữ NGÃ đây có nghĩa là Ta, là bản thân của mình hiện đang quỳ trước bàn
thờ, chí-thành, trân-trọng và chấp tay cung-kính lễ PHẬT.
- Chữ KIM là ngay bây giờ, hiện-tại đây.
- Chữ PHỔ-VỊ, thì PHỔ là phổ-cập, là cùng khắp hết tất-cả, còn chữ VỊ là
vì (người nào đó, vì ai đó vv ...)
Như vậy thì:
- Ngày hôm nay thử hỏi ta vì ai mà niệm PHẬT đây ?
Nếu như nói theo cái tánh tự-kỷ cố-hữu của ta (và chúng-sanh) thì
mình sẽ nói rằng:
Ta niệm PHẬT đây là vì TA muốn TA được vãng-sanh (về Cực-lạc cho khỏe,
khỏi còn phải lo-sợ sanh-tử nữa).
Nói như thế thì cũng đúng, vì phải độ mình trước hết cái đã, mình phải
vãng-sanh xong cái đã, rồi muốn sao cũng được. Nhưng nếu chỉ có nói và
hành như thế, khi xong được việc (giải thoát) rồi thôi, mà sau đó
không chịu phát-tâm tiếp theo để vì:
Tứ ân, Tam-hữu và pháp-giới chúng-sanh.
(Bốn ân, ba hữu và pháp-giới chúng-sanh)
thì TA
thành ra là người ích-kỷ, vì chỉ biết tự lo cho mình mà bỏ chúng-sanh -
Như thế là không hợp với tâm "PHỔ-ÐỘ CHÚNG-SANH" (độ khắp chúng-sanh)
của chư PHẬT, chư Bồ-tát và cũng không xứng-hợp được với đại-nguyện của
đức PHỔ-HIỀN nữa.
Vì thế cho nên chư Tổ-sư dạy ta phải:
- Vì bốn ân, ba hữu và pháp-giới chúng-sanh MÀ NIỆM-PHẬT.
Ðến đây,
Trước hết xin được giải-thích về chữ TỨ-ÂN (Bốn ân) như sau:
1. SAO
GỌI LÀ VÌ "BỐN ÂN" ? :
Bốn ân là: Ơn Phật, ơn thầy, ơn cha mẹ và ơn chúng-sanh.
Bốn ân nầy rất ư quan-trọng, là người Phật-tử, thì dù xuất-gia hay tại-gia
(đi chăng nữa) cũng phải hằng luôn mang lòng tưởng-nhớ.
Tổ-sư
dạy:
a. Sao
gọi là vì "nghĩ đến ơn PHẬT" ?:
Nghĩ đến ơn
PHẬT là như thế nầy:
- Như đức THÍCH-TÔN ta, khi mới phát-tâm, phương-tiện giáo-hóa, mà ta
ngu-si, không chịu tin theo. Ta đọa ác đạo, PHẬT lại càng thương, muốn
thay chịu khổ.
Nhưng ta nghiệp nặng, không thể cứu vớt.
Ta sanh làm người, PHẬT dùng phương-tiện, khiến gieo căn lành, nhiều kiếp
theo dõi, lòng không tạm bỏ.
PHẬT mới ứng-thế, ta còn trầm-luân. Nay được thân người, PHẬT đã diệt độ.
Thử hỏi ta đây:
- Tội chi mà sanh nhằm thời mạt-pháp ?
- Phước gì mà được dự chốn tăng-luân ?
- Chướng chi mà không thấy kim-thân ?
- May gì mà được gặp thánh-tượng ?
Rồi ta phải tự suy-nghĩ rằng:
- Nếu đời trước không trồng căn lành, thì kiếp nầy làm sao được nghe
Phật-pháp ?
- Nếu như không nghe được chánh-pháp, thì làm sao biết mình thường thọ
Phật-ân ?
Ân-đức nầy, sánh ra ắt biển thẳm không cùng, non cao khó ví.
Nếu như ta không phát-tâm Bồ-đề, tu Bồ-tát hạnh, giữ vững chánh-pháp, cứu
độ chúng-sanh ... thì dù cho thịt nát, xương tan đi nữa, cũng chẳng thể
báo đền được trong muôn một. "
Ðây gọi là vì nghĩ đến ơn PHẬT mà tu và phát tâm "vô-thượng Bồ-đề"
vậy.
b. Sao
gọi là vì nghĩ đến "ơn THẦY" (Tổ)
Nghĩ đến ơn Thầy (Tổ) là như vầy:
- "Cha mẹ tuy sanh ra sắc-thân ta, nhưng nếu không có thầy thế-gian dạy
bảo, thì ta chẳng hiểu biết NGHĨA, NHƠN.
- Còn nếu như không có thầy xuất-thế dắt-dìu tất-nhiên ta chẳng
am-tường Phật-Pháp.
Mà nếu như:
- Không biết lễ, nghĩa, liêm-sỉ thì nào khác chi các loài cầm-thú ?
- Không tường Phật-pháp, nhơn-quả thì đâu khác gì các hạng ngu-mông ?
Nay ta đây:
- Biết chút-ít lễ-nghĩa liêm-sỉ và hiểu được đôi phần Phật-pháp là
nhờ đâu ?
Huống nữa nay ta duyên may được dự vào hàng xuất-gia, tấm thân giới-phẩm
đã nhuận phần đức-hạnh, áo cà-sa thêm rạng vẻ phước-điền. Thật ra đều nhờ
nơi sư-trưởng mà được.
Ðã biết như thế, nên nếu ta cầu tiểu-quả (Thanh-văn, Duyên-giác)
thì chỉ có thể lợi riêng cho mình mà thôi. Vậy ta phải phát đại tâm
(Bồ-tát) mới mong độ khắp các loài hàm-thức.
Như vậy thì:
- Thầy thế-gian mới được lợi-ích.
và,
- Thầy xuất thế cũng được vui lòng.
Ðây gọi là: Vì nghĩ đến ơn Thầy (Tổ) mà TU và phát tâm "Vô-thượng
Bồ-đề" vậy.
c. Sao
gọi là vì nghĩ đến "ơn cha-mẹ" ? ...
Nghĩ đến ơn cha-mẹ là như thế nầy:
- "Than-ôi!
Cha-mẹ sanh ta khó-nhọc, mười tháng mang thai mỏi, nặng, ba năm bú sữa,
mớn cơm. Ðến khi ta khôn lớn, trưởng thành, mong sao cho ta nối dõi được
tông-đường, cúng thờ liên-tổ.
Ngờ đâu ta đã xuất-gia, lạm-xưng Thích-tử, không dâng cơm nước, chẳng đở
tay chân. Cha mẹ còn ta không thể nuôi-dưỡng thân già, cha mẹ chết ta
chưa thể dắt-dìu thần-thức !
Chừng hồi-tưởng lại, thì:
Nước, trời đã cách-biệt từ-dung,
Mộ biếc chỉ hắt-hiu thu-thảo.
Như thế:
- Ðối với đời là một lỗi lớn !
- Ðối với đạo lại chẳng ích chi !
Hai đường
đã lỗi, khó tránh tội khiên!
Nhĩ như thế
rồi, làm sao chuộc lại ?
- Chỉ có trăm kiếp, ngàn đời, tu Bồ-tát hạnh.
- Mười phương, ba cõi, độ khắp chúng-sanh.
Ðược như vậy thì:
- Chẳng những cha-mẹ một đời thôi, mà cha-mẹ nhiều đời, đều nhờ độ-thoát.
- Chẳng những cha-mẹ một người thôi, mà cha-mẹ nhiều người, cũng được
siêu-thăng".
Ðây gọi là:
- Vì nghĩ đến ơn cha-mẹ mà tu và phát-tâm "vô-thượng Bồ-đề" vậy.
d. Sao
gọi là vì nghĩ đến "ơn chúng-sanh" ?
Nghĩ đến ơn chúng-sanh là như thế nầy:
- "Ta cùng chúng-sanh, từ vô-thỉ đến nay, kiếp-kiếp, đời-đời, đổi thay
nhau mà làm quyến-thuộc, nên kia (là người), đây (là mình)
đều có nghĩa với nhau.
Nay dù cho cách đời, thay hình, cải dạng, khác họ, đổi tên, hôn-mê không
nhớ, biết. Nhưng cứ lấy LÝ mà suy ra, thì chẳng thể nào không đền-đáp
được.
- Vật loại mang lông, đội sừng ngày nay, biết đâu ta là con của nó trong
kiếp trước.
- Loài bướm, ong, trùng, dế hiện-tại, biết đâu đó là thân-sinh tiền-thế
của mình.
Còn đến như:
- Tiếng rên siết trong thành ngạ-quỷ,
- Giọng kêu la dưới cõi Âm-ty.
Ta tuy mắt không thấy, tai chẳng nghe, song họ vẫn van-cầu, cứu-vớt.
Ngoài Phật-kinh ra, nơi đâu chỉ rõ việc nầy, không nhờ Phật nói, ắt
chẳng hiểu rành nghĩa ấy.
Cho nên:
- Bồ-tát xem ong, kiến là cha-mẹ quá khứ,
- Nhìn thú-cầm là chư Phật tương-lai.
- Thương nẻo khổ lâu-dài, hằng lo cứu-vớt,
- Nhớ nghĩa xưa sâu nặng, thường tưởng báo-ân.
Ðây gọi là:
- Vì nghĩ đến "ơn chúng-sanh" mà Tu và phát-tâm "vô-thượng Bồ-đề"
vậy.
Trên đây đã giải-thích xong ba chữ: "Vì tứ ân" rồi.
Kế tiếp dưới đây, xin được giải-thích đến hai chữ: "Tam-hữu".
2. SAO
GỌI LÀ "TAM-HỮU" ?:
Tam là BA, còn HỮU là có.
- Ba đây là ba cõi: Dục-giới, Sắc giới, Vô sắc-giới (Tức là 3 cõi
trời).
- Còn CÓ (HỮU) đây, là có sanh, có tử, có luân-hồi (trong
6 nẻo Trời, Thần, Người, Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh), có khứ có
lai.
Bởi vì chư Thiên trong 3 cõi Trời nầy (Dục-giới, Sắc-giới, Vô
sắc-giới), Tuy là họ được hưởng thiên-phước (phước trời)
thắng-diệu hơn cõi nhơn-gian, thọ-mạng lâu dài hơn người nhơn thế, nhưng
một ngày kia, khi phước-báo và tuổi thọ hết rồi, tất-nhiên phải theo
nghiệp-nhơn tiền-kiếp (còn sót lại) mà đọa vào trong 5 nẻo.
Như chư Thiên nơi các cõi Trời Dục-giới, khi thiên-phước và thọ-số mãn,
thời có các "suy tướng" hiện ra, đại-để như:
a. Cõi
Trời Trì-Mạn (nằm ở trên núi
Tu-di, cách mặt biển Hương-thủy 20.000 do-tuần).
Chư Thiên ở cõi nầy, khi thiên phước và thọ-số
mãn rồi, thời có 2 tướng suy hiện ra như sau:
1. Cây trong vườn nhà lá khô, cành rũ, bông hoa mất mùi thơm, trái vàng
rơi rớt.
2. Tràng hoa trời trang-nghiêm trên thân bỗng-nhiên héo úa. Gió mát hằng
ngày biến thành gió nóng, độc.
Muốn rời bỏ cung-điện mà đi.
b. Cõi
trời Tứ-vương (nằm ở giữa chừng
núi Tu-di, cách mặt biển Hương-thủy 42.000 do-tuần).
Chư thiên ở cõi nầy khi thiên-phước và thọ-số mãn rồi, thời:
Có 3 tướng suy hiện ra như sau:
1. Ánh hào-quang nơi thân tắt mất.
2. Trang hoa trang-nghiêm nơi thân héo và không còn mùi thơm.
3. Chẳng còn thích nghe các thiên-nữ hòa-tấu thiên-nhạc và cũng không còn
thích dạo chơi nơi các vườn hoa nữa.
- Y-phục trên thân dơ-bẩn,
- Tràng hoa trên đầu héo-úa.
- Hai nách chảy ra mồ-hôi,
- Hai nách khô và rát.
- Nhìn lại các món vật-dụng hằng ngày mà mình ưa thích giờ đây thấy nó như
ẩn-hiện lờ-mờ.
- Tâm thần trở nên mê-muội.
- Ngột-ngạt, khó thở như cá lên khỏi nước lại bị gặp thêm trời nắng nóng.
- Trong mình phát nhiệt, lăn-lộn trên mặt đất.
c. Cõi
Trời Ðao-lợi (tam thập tam-thiên)
nằm ở trên chót núi Tu-di cách mặt biển Hương-Thủy 84.000 do-tuần.
Chư Thiên ở cõi nầy khi Thiên-phước và thọ-số mãn rồi, thời:
Có 5 tướng suy hiện ra như sau:
1. Nước tắm trong mát nơi ao, hồ trước kia nay bỗng biến thành ra mỡ,
nhớt.
2. Nơi hai nách bỗng-nhiên chảy ra mồ-hôi.
- Tràng hoa trên đầu héo-úa, y-phục trời (thiên y) đang mặc trên
thân, thình-lình dơ-bẩn.
- Không còn thích những món đồ mà mình ưa dùng khi trước.
3. Thân-thể bị nhiệt (nóng) thiêu-đốt, cả mình khô-héo.
4. Ðôi mắt đỏ ngầu như xích liên-hoa.
5. Các món đồ trang-nghiêm trên thân biến mất.
Khi các "tướng suy" nầy hiện ra, thì vị Thiên nhơn ấy chỉ còn có thọ thêm
từ 1 đến 7 ngày sau thời mạng chung. Thần-thức sẽ tùy theo nghiệp
tiền-kiếp (còn sót lại) mà đọa và trong 5 nẻo: Thần, người,
địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh...
Vì thế cho nên trong kinh nói rằng:
... "Ðến khi thắng nghiệp hết rồi, thì tóc tiên hoa héo, áo ngọc bụi
vương, điện vàng tắt ánh quang-minh, thân nhơ-nhớp còn chi vẻ đẹp" ....
là như vậy.
Từ trời Dạ-ma, Ðâu-suất, Hóa-lạc, Tha-hóa tự-tại trở lên, các chư Thiên
khi Thiên-phước và thọ-số mãn rồi, cũng có 5 tướng suy hiện ra giống như ở
nơi cõi Trời Ðao-lợi vậy ...
Hỏi:
- Thọ số của chư Thiên dài lâu ra sao ?
Ðáp:
- Tùy theo các cõi Trời cao hay thấp mà thọ số dài ngắn khác nhau.
Chẳng
hạn như:
a. TRỜI
DỤC-GIỚI: (Từ thấp lên cao).
Chư Thiên
có thân tướng thọ số (sống lâu) như sau:
- Trời Trì-mạn, Thân cao 1/4 dặm, sống lâu 250 năm, một
ngày đêm trên đó bằng 25 năm ở thế-gian. (25 x 365 x 250 = 2,281,250
năm thế-gian).
- Trời Tứ-vương, Thân cao 1/2 dặm, sống lâu 500 năm, một ngày đêm
trên đó băng 50 năm ở thế-gian. (9,125,000 năm thế-gian).
- Trời Ðao-lợi, thân cao hơn 1/2 dặm, sống lâu 1000 năm, một ngày
đêm trên đó bằng 100 năm ở thế-gian. (=36,500,000 năm thế-gian)
- Trời Dạ-ma, thân cao 1 dặm, sống lâu 2000 năm, một ngày đêm trên
đó bằng 200 năm ở thế-gian (146,000,000 năm thế-gian).
- Trời Ðâu-suất,
thân cao 1 dặm 1/2, sống lâu 4000 năm, một ngày đêm trên đó bằng 400 năm ở
thế-gian, (= 584,000,000 năm thế-gian)
- Trời Hóa-lạc,
thân cao hơn 1 dặm 1/2, sống lâu 8000 năm, một ngày đêm trên đó bằng 800
năm ở thế-gian, (2 tỷ 336 triệu năm thế-gian).
- Trời Tha-hóa tự-tại, thân cao 2 dặm, sống lâu 16000 năm, một ngày
đêm trên đó bằng 1600 năm ở thế-gian (9 tỷ 344 triệu năm thế-gian).
vv ...
Trên đây là chỉ nói về thân lượng và thọ số của chư Thiên trên 6 cõi trời
Dục-giới thôi ...
Ngoài ra:
a. Ở các cõi Trời Sắc-giới chư Thiên có thân lượng (thấp nhất) từ
1/2 do-tuần (cao 20 dặm) đến (cao nhất) là 16000 do tuần
(640,000 dặm).
Sống lâu (ít nhất) từ 1/2 trung kiếp cho đến cao nhất là 16,000
trung kiếp (1).
b. Trời Vô-Sắc giới chư Thiên không có thân-tướng, chỉ còn thần-thức mà
thôi, sống lâu (ít nhất) từ 20,000 đại kiếp cho đến (cao nhất)
80,000 đại kiếp (2).
Phụ-giảng:
Như trên vừa nói:
- Mặc dù sống lâu như vậy, nhưng rốt lại rồi cũng phải chết và đọa
và trong vòng luân-hồi (tức là còn hữu sanh, hữu tử, hữu luân-hồi).
- Ðắc được quả-vị A la-Hán trở lên mới dứt sanh-tử và ra khỏi 3 cõi được.
- Hoặc là chỉ có về nơi cõi Cực-lạc của Phật A-DI-ÐÀ thì mới thoát sanh-tử
và khỏi ra 3 cõi, sáu đường, mà thôi.
Cho nên đây gọi là:
- Vì chư Thiên trong 3 cõi
Dục, Sắc, Vô-sắc giới như thế mà:
- TU và phát-tâm "Vô-thượng Bồ-đề" để thành Phật độ-thoát cho HỌ vậy.
3. SAO
GỌI LÀ PHÁP-GIỚI CHÚNG-SANH ?
- Pháp-giới chúng-sanh đây là 12 loại chúng-sanh (xem lại phần
giải-thích trước) ở trong khắp các cõi nước của 10 phương hư-không
pháp-giới.
Và người tu-hành chúng ta cũng phải vì tất-cả các loài chúng-sanh đó mà:
- TU và phát tâm "Vô-thượng Bồ-đề" để thành PHẬT độ-thoát cho họ.
Xem như đây thì biết tấm lòng ÐẠI-TỪ, ÐẠI-BI, CỨU KHỔ, CỨU NẠN, ÐỘ KHẮP
CHÚNG-SANH của chư PHẬT bao-la đến là ngần nào! Chỉ có thể dùng chữ
Bất-khả-thuyết, bất khả thuyết (không nói được, không nói được) để
diễn-tả - cho cái đại tâm ấy - mà thôi.
TÓM LẠI:
Câu:
"Ngã kim phổ-vị Tứ-ân, Tam-hữu cập pháp-giới chúng-sanh, cầu
ư chư PHẬT, nhứt thừa vô-thượng Bồ-đề đạo cố".
Là câu nguyện PHÁT-TÂM VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ, CẦU THÀNH PHẬT-QUẢ để quảng-độ
chúng-sanh. Sự phát-tâm nầy nhứt định là KHÔNG THỂ THIẾU được trong suốt
cuộc đời tu-hành của một người chơn Phật-tử.
Bởi vì:
- Chỉ cần một lần (trong đời) mà mình có đối trước PHẬT phát cái
tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ nầy thôi, cũng đủ để bảo-đảm khỏi bị đọa và trong
địa-ngục.
Bởi công-đức phát-tâm "Vô-thượng Bồ-đề" là tối-thắng, không còn có
công-đức nào hơn được nữa cả.
Người mà đã phát-tâm vô-thượng Bồ-đề nầy rồi thì thường được CHƯ PHẬT
HỘ-NIỆM không bỏ rời.
Như khi xưa, lúc PHẬT còn tại-thế, vua A Xà-Thế giết cha là Tần-bà
Sa-la Vương để chiếm ngôi, giam tù thân-mẫu, phạm vào trọng tội
ngũ-nghịch, chỉ còn hơn 10 ngày sau là bị chết và sẽ đọa vào trong đại
địa-ngục A-Tỳ.
Ấy vậy mà vào phút chót vua lại được PHẬT thuyết-pháp cứu cho, chẳng những
thoát khỏi nạn A-Tỳ địa-ngục không thôi, mà còn được trường-thọ và làm một
vị vua hộ-pháp có danh-tiếng trong đạo PHẬT nữa - (Các kinh đều có nhắc
đến vua A xà Thế nầy về sự-nghiệp hộ-pháp và tu-hành của người sau khi
được PHẬT cứu-độ).
Sở-dĩ như thế là vì vua A xà-Thế trước kia có ở nơi Phật quá-khứ là
Tỳ-Bà-Thi Như-lai phát tâm "Vô-thượng Bồ-đề" một lần.
Như lời kinh sau đây:
"Bây giờ PHẬT khen vua A xà-Thế rằng:
- Lành thay, lành thay!
Nếu có người phát được tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ, phải biết là người
nầy đã trang-nghiêm chư PHẬT và đại-chúng.
Nầy Ðại-vương, thuở xưa nhà vua đã từng ở trước Phật TỲ-BÀ THI
phát-tâm Vô-thượng Bồ-đề, nên từ đó đến ngày nay, chưa từng bị đọa
địa-ngục.
Nên biết phát-tâm Bồ-đề có Vô-lượng quả-báo lành như thế!
Nầy Ðại-vương, từ đây về sau nhà vua phải thường siêng-năng tu
tâm Vô-thượng Bồ-đề, vì tu-tâm Bồ-đề sẽ tiêu-diệt được vô-lượng tội-ác."
Còn,
Ðứng trên phương-diện của pháp môn TỊNH-ÐỘ thì người niệm PHẬT chúng-ta
phải Phát-tâm vô-thượng Bồ-đề nầy ra sao và bằng cách nào ?
Như ở câu phát-nguyện trên, thì phần chót (của câu nguyện) có dạy
như sau:
... "Bồ-đề đạo cố - CHUYÊN-TÂM TRÌ-NIỆM, A-DI-ÐÀ PHẬT, VẠN-ÐỨC
HỒNG-DANH, CẦU SANH CỰC LẠC, DUY-NGUYỆN TỪ-PHỤ, A-DI-ÐÀ PHẬT, TỪ-BI
GIA-HỘ, AI-LÂN NHIẾP THỌ".
Như vậy thì chư Tịnh-độ Tổ-sư đã có dạy rõ-ràng rằng:
- "Người Phật-tử tu Tịnh-độ, phải phát-tâm VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ bằng cách:
CHUYÊN TÂM TRÌ-NIỆM SÁU CHỮ HỒNG-DANH "NAM-MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT" (thiệt
tinh-thuần, sao cho kết thành được một khối nhứt tâm) ÐỂ CẦU SANH VỀ CÕI
CỰC-LẠC".
Tại sao lại phải NIỆM và CẦU như vậy:
- Vì khi được vãng-sanh về đây rồi thì đã được dự vào bậc vô-sanh và bất
thối-chuyển nơi đường tu-hành, mãi-mãi cho đến ngày được thành-tựu quả-vị
VÔ-THƯỢNG BỒ-ÐỀ, rồi theo gương chư PHẬT quá-khứ, hiện tại ... mà:
ÐỘ TẬN CHÚNG-SANH
cho tất-cả
được:
ÐỒNG THÀNH PHẬT ÐẠO.
(Cũng như mình vậy).
Lành vậy thay,
Lành vậy thay.
Chúng con xin kính-cẩn cúi đầu, duy-nguyện:
- Ðức Từ-phụ A-DI-ÐÀ PHẬT, thương-xót, chứng-minh cho lời phát-nguyện
Vô-thượng Bồ-đề của chúng con hôm nay và:
TỪ-BI GIA-HỘ, AI-LÂN NHIẾP-THỌ.
cho con
cùng tất-cả chúng-sanh sớm được:
SANH VỀ CỰC-LẠC
DỰ VÀO NƠI
CHÍN PHẨM SEN VÀNG ...
Và
vĩnh-viễn thoát vòng sanh-tử.
Trên đây đã giải-thích xong câu nguyện phát Bồ-đề tâm rồi ...
------------------------------------------------------------------------------------
1)-
Một trung-kiếp có 20 tiểu-kiếp, tức
là 336 triệu năm.
(2)-
Một đại kiếp có 4 trung kiếp, tức là
1 tỷ 344 triệu năm.
Xin
chú-ý: - Ngày trên cõi Sắc-giới dài
hơn ngày của cõi trời Dục-giới gấp trăm, ngàn lần.
- Ngày trên
cõi Vô-Sắc giới dài hơn ngày của trời Sắc-giới cũng gấp trăm, ngàn lần.
---o0o---