Tịnh độ
Tây Phương Nhật Khóa
HT. Thích Thiền Tâm Soạn thuật
06/11/2553 01:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG III

 

TIẾT V

 

GIẢI-THÍCH BÀI KỆ TÁN

VÔ-LƯỢNG THỌ PHẬT

(Tức là Phật A-DI-ÐÀ)

 

           Sau đây là phần giải-thích bài kệ khen ngợi (tán-thán) Phật VÔ-LƯỢNG-THỌ (A-DI-ÐÀ PHẬT).

           Nguyên đức Phật VÔ-LƯỢNG THỌ đây, chẳng những riêng gì đức Phật THÍCH-CA cao giọng tán-dương không thôi, mà ngay đến cả 10 phương chư PHẬT cũng đều đồng giọng ngợi-khen, xưng-tán nữa.

           Kinh VÔ-LƯỢNG THỌ dạy:

           .... "Chẳng riêng gì ta (Phật THÍCH-CA) hôm nay khen-ngợi NGÀI (Phật Vô-Lượng Thọ), mà tất-cả chư PHẬT, chúng Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn cũng đều ngợi-khen như vậy." ...

           (Vì thế nên chúng-ta là các hàng con PHẬT (Phật-tử) cũng phải nên phát-tâm dũng-mãnh xưng-tán và trì-niệm danh-hiệu NGÀI, nguyện một đời đới-nghiệp vãng-sanh về nơi Cực-lạc nữa - mới là phải đạo tu-hành (theo Tịnh-độ pháp-môn) vậy).

 

Câu 1:

           QUANG, THỌ khó suy-lường.

 

A. QUANG:

           Chữ QUANG đây, dịch từ nơi chữ PHẠN là AMITA - nghĩa là VÔ-LƯỢNG QUANG.

           Trong các phần chú-thích trước và qua kinh VÔ-LƯỢNG THỌ, chúng-ta đều biết rằng đức PHẬT A-DI-ÐÀ (tức Phật Vô-Lượng Thọ) có tất-cả 12 tên (Phật danh, Phật hiệu) sau đây là:

           - VÔ-LƯỢNG QUANG Như-lai,

           - VÔ-BIÊN QUANG Như-lai,

           - VÔ-NGẠI QUANG Như-lai,

           - VÔ-ÐỐI QUANG Như-lai,

           - DIỆM-VƯƠNG QUANG Như-lai,

           - THANH-TỊNH QUANG Như-lai,

           - HOAN-HỶ QUANG Như-lai,

           - TRÍ-HUỆ QUANG Như-lai,

           - NAN-TƯ QUANG Như-lai,

           - BẤT-ÐOẠN QUANG Như-lai,

           - VÔ-XỨNG QUANG Như-lai,

           - SIÊU-NHẬT-NGUYỆT QUANG Như-lai.

Nên chữ "QUANG" ở trong bài kệ đây là danh-từ dùng để tôn-xưng và tóm-gọn lại tất-cả 12 Phật danh của NGÀI vậy ...

... Bởi thế nên chữ "VÔ-LƯỢNG QUANG" có nghĩa là "ánh-sáng không lường" được.

 

Kinh Tiểu-bổn A-DI-ÐÀ dạy:

           - "XÁ LỢI PHẤT, ư nhữ-ý vân-hà ?

               Bỉ Phật hà cố hiệu A-DI-ÐÀ ?

               Xá-lợi Phất, Bỉ Phật quang-minh vô-lượng, chiếu thập phương quốc, vô sở chướng-ngại, thị cố hiệu vi A-DI-ÐÀ" ...

 

           Dịch nghĩa:

           - "Xá-lợi Phất, ý ông nghĩ thế nào, đức PHẬT A-DI-ÐÀ kia, cớ sao lại có danh-hiệu là A-DI-ÐÀ ?

           Xá-lợi Phất, đức Phật kia có quang-minh vô-lượng, chiếu khắp cõi nước ở 10 phương mà không bị chướng-ngại gì cả, vì vậy mà NGÀI có tên hiệu là A-DI-ÐÀ" ...

           Như vậy thì chữ "QUANG"  đây gồm có các nghĩa như sau (tóm lược):

 

           a.  Xứng tánh với "QUANG (sáng) TỊCH CHIẾU" - tức là Tịch-tịnh và chiếu minh - của PHÁP-TÁNH GIỚI -

           Ðây (là cái Quang Tịch-chiếu) thuộc về: -Bổn thể tự-tánh KHÔNG (Gọi cho dễ hiểu là phi không-gian - tức là siêu-thoát ra khỏi phạm-vi không-gian).

 

           b.  Cứ mỗi một câu niệm Nam-mô A-DI-ÐÀ PHẬT mà mình "xưng-niệm được rành-rõ, nhứt-tâm, tương-ưng và cảm-ứng (đạo giao) với PHẬT A-DI-ÐÀ", thì đó gọi là:

                   Ý NGHĨA CỦA "QUANG"  vậy.

 

           c.  Và như thế thì chữ QUANG đây nó thuộc về phần "CHƠN-NHƯ TRÍ-HUỆ", (chỗ của trí-huệ nầy ở vào 3 nơi VÔ-TRỤ-XỨ là:

           - Thánh-huệ vô-trụ-xứ,

           - Ngôn (từ), (văn) nghĩa vô trụ-xứ,

           - Chỗ tu kiến-lập vô trụ-xứ.)

 

Tóm lại:

           QUANG tức là "TRÍ-HUỆ Quang như-như".

Vậy:

           QUANG = TRÍ-HUỆ NHƯ-NHƯ.

Hay là:

           TRÍ-HUỆ NHƯ-NHƯ = QUANG.

 

           Ðây (Trí-Huệ) chính là chỗ xuất-sanh ra các vị Bồ-tát, vì thế nên trong kinh "DUY MA CẬT" có câu kệ tụng rằng:

                   TRÍ-HUỆ:  - MẸ Bồ-tát,

                   Phương-tiện ấy là CHA,

                   Bậc ÐẠO-SƯ tất-cả (1),

                   Ðều từ đó sanh ra.

 

B.  THỌ:

           THỌ đây tức là sống lâu,

           - VÔ-LƯỢNG THỌ có nghĩa là sống lâu không lường, không ngằn (mé).

           Mà nếu đã sống lâu không lường, không ngằn như thế, thì tức là nghĩa:

           - BẤT SANH, BẤT DIỆT ... BẤT TĂNG, BẤT GIẢM ... rồi.

           Và như vậy thì nó (THỌ) là chỉ cho cái gì ở nơi mình (ta) đây ?

           Chính là ám-chỉ cho mình (nói riêng) và cho mọi hành-giả niệm Phật (nói chung) khi đi, đứng, nằm, ngồi, (tức là trong 4 oai-nghi) cần nên có:

           - Mỗi câu niệm PHẬT phải được không gián-đoạn (tức là nó cứ Thọ hoài, còn hoài chớ không bao giờ bị đứt, nối cả)

           - Mỗi câu niệm PHẬT phải được NHỨT-TÂM BẤT LOẠN,

           Ấy là ý-nghĩa

                                 CỦA CHỮ "THỌ".

           Bởi vì nếu cái TÂM niệm PHẬT của mình lúc nào cũng liền nhau, không dứt, không loạn như vậy, thì nó chính là (cái tâm) trường thọ, là bất-diệt rồi - Chính danh của nó gọi là:  Thanh-tịnh pháp-thân TỲ LÔ GIÁ-NA - là PHẬT đó vậy.

           Tóm lại chữ:

                        THỌ = LÝ NHƯ-NHƯ.

           Hay là:

                        LÝ NHƯ-NHƯ = THỌ

           - Vậy thì hai chữ "QUANG, THỌ" trong câu kệ trên đây tức là:

                        - TRÍ NHƯ-NHƯ (Quang),

                        - LÝ NHƯ-NHƯ (Thọ).

           a.  Dùng TRÍ chiếu rõ nơi LÝ,

           b.  TRÍ sáng hiện rõ ra LÝ,

           c.  LÝ, TRÍ, tuy hai một.

           d.  QUANG, THỌ cũng chẳng phải hai.

Mà nếu như:

           - CHẲNG PHẢI HAI đây thì tức là MỘT, LÀ NHẤT vậy.

           - NHẤT nầy là "TỰ TÁNH DI-ÐÀ", là "DUY TÂM TỊNH-ÐỘ", đó.

           - NHẤT nầy là "NHỨT TÂM NIỆM PHẬT" đó.

           - NHẤT nầy tức là THANH-TỊNH PHÁP-THÂN, TỲ-LÔ GIÁ-NA PHẬT đó.

           Nếu như hiểu rõ được lý nầy và niệm PHẬT được như thế nầy, thì gọi là:

 

           NƠI TÂM CÓ ÐỦ HẾT 10 PHƯƠNG CHƯ PHẬT.

 

           Vậy chớ há có riêng gì chỉ một mình PHẬT VÔ-LƯỢNG THỌ thôi đâu !

 

           Nhưng ở đây đứng riêng về mặt tu Tịnh-độ, thì chỉ nói đến PHẬT A-DI-ÐÀ, Tây-Phương giáo-chủ, Cực-lạc thế-giới mà thôi.

           Bởi vì:

           - Một PHẬT A-DI-ÐÀ = tất-cả PHẬT,

           - Tất-cả PHẬT = PHẬT A-DI-ÐÀ.

Tại sao ?

           - Vì cùng đồng nhau một "PHÁP-TÁNH GIỚI-THÂN TỲ-LÔ GIÁ-NA" vậy.

           - VÌ PHẬT-PHẬT đạo-đồng (nhau) vậy.

           - Do đó cho nên trong kinh xưng-tặng Phật A-DI-ÐÀ hiệu là:

           "Pháp-giới tạng-thân A-DI-ÐÀ PHẬT."

Nghĩa là:

           - Tất-cả công-đức, tướng-hảo, trí-huệ vv... của chư PHẬT trong khắp 10 phương pháp-giới hiện đang có, thì ở nơi đức Phật A-DI-ÐÀ thảy đều đầy-đủ cả.

           Vì thế nên mới gọi là:  PHÁP-GIỚI TẠNG-THÂN.

 

C.  KHÓ SUY-LƯỜNG:

           Sao gọi là khó suy-lường ?

           Bởi vì nghĩa chữ QUANG, THỌ nầy (như sơ-lược ở trên) nó là đệ-nhứt nghĩa không, là thể CHƠN-NHƯ pháp-tánh giới, rất là cao-thâm, huyền-diệu.

           Chính là chỗ mà trong "Bát-nhã tâm kinh" gọi là:

 

           - VÔ-TƯỚNG, BẤT SANH, BẤT DIỆT, BẤT CẤU, BẤT TỊNH, BẤT TĂNG, BẤT GIẢM.

           Và:

           - VÔ-NHÃN, NHĨ, TỶ, THIỆT, THÂN, Ý.

           Tức là:

           - Không NHÃN, không NHĨ, không TỶ, không THIỆT, không THÂN, không Ý.

           Mà nếu như đã:

           - Không nhãn (2) thì không sắc (không bị sắc-tướng trói buộc).

           - Không nhĩ thì không thanh (không bị âm-thanh trói buộc).

           - Không Tỷ thì không Hương (không bị mùi hương trói buộc).

           - Không Thiệt thì không vị (không bị các vị trói buộc).

           - Không thân thì không xúc (không bị xúc-giác trói buộc).

           - Không ý thì không pháp (không còn có ý-niệm phân-biệt ở nơi các pháp).

 

           Và nếu như các bậc tu-hành đã đạt đến địa-vị nầy thì được gọi là GIẢI-THOÁT (Khỏi lục-trần).

           Nghĩa nầy ở nơi tất-cả các hàng Trời, Người - và luôn cả đến các bậc Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát - Nếu như không nhờ PHẬT chỉ dạy, ắt cũng không làm sao tỏ-rõ ra cho được.

           Vì thế nên mới gọi:

                   KHÓ SUY-LƯỜNG.

là như vậy đó.

 

Câu thứ 2:

                   SÁNG LẶNG KHẮP 10 PHƯƠNG

 

           Nguyên cả câu nầy là chỉ cho cái PHẬT-TÁNH tức là cái tánh-giác DIỆU-VIÊN THANH-TỊNH sẵn có của mình.

           Nguyên cái "Tánh" nầy nó vốn chỉ có một mà thôi, nhưng trong kinh thì dùng rất nhiều tên khác nhau để gọi nó - (Phải là người dày công học-hỏi và nghiên-cứu kinh Phật mới hiểu rõ được).

 

           Kinh dạy:

           ... Cái TÁNH nầy nếu như nó ở:

           a.  Nơi phàm-phu thì gọi là TÂM-TÁNH,

           b.  Nơi chư Thiên thì gọi là THIÊN-TÁNH,

           c.  Nơi chư Thánh-hiền thì gọi là THÁNH-TÁNH,

           d.  Nơi chư Bồ-tát thì gọi là PHẬT-TÁNH,

           e.  Nơi chư PHẬT thì gọi là THANH-TỊNH PHÁP-THÂN.

 

           Trong kinh LĂNG-NGHIÊM, Phật gọi cái TÁNH nầy là:

           ... "TÁNH GIÁC DIỆU-MINH, BẢN GIÁC MINH-DIỆU" ...

           - "Tánh-giác" cùng "bản-giác" cũng đều là một mà thôi chớ chẳng khác nhau đâu.  Ðó là cái tánh.  "DIỆU-VIÊN THANH-TỊNH" sẵn có của mình, lúc nào NÓ cũng vẫn MINH (sáng) và cũng vẫn DIỆU, TÁNH nầy nếu y theo LÝ mà nói thì ở nơi chúng-sanh và ở nơi chư PHẬT vẫn đồng nhau không khác.

 

           Còn nói SÁNG LẶNG KHẮP 10 PHƯƠNG là sao ?

           Là như vầy:

           - Bởi vì cái THỂ-TÁNH của BẢN-GIÁC (tức là cái tánh DIỆU-VIÊN THANH-TỊNH) nầy, nguyên cái gốc sẵn có của nó đã là "Thanh-tịnh bản-nhiên" rồi (3), nó vốn:

           a.  Chẳng thuộc về SỞ (Sở tức là chỗ, là nơi - là phương-sở) vì nó không có ở nhứt định tại một chỗ nào (vô sở-trụ).  NHƯNG ÐÂU-ÐÂU CŨNG LÀ CỦA NÓ hết cả.

           b.  Chẳng thuộc về MINH (sáng) vì nó không phải sáng.  NHƯNG ÐÂU-ÐÂU CŨNG LÀ CÁI SÁNG CỦA NÓ hết cả.

           (Ðây cũng lại là thêm một nghĩa KHÓ SUY-LƯỜNG khác nữa).

 

           Và vì vậy cho nên:

           a.  Khắp tất-cả cái "CHỖ" trong 10 phương, CHỖ NÀO cũng đều là CHỖ của nó hết.

           b.  Khắp tất-cả cái SÁNG trong 10 phương, CÁI SÁNG nào cũng đều là CÁI SÁNG của nó hết.

 

Vậy "NÓ" là cái gì mà "NÓ" huyền-diệu như vậy ?

           Xin trả lời vắn-tắt như sau:

           - NÓ CHÍNH LÀ CÁI "CHƠN-TÂM PHẬT-TÁNH" hay là cái "THANH-TỊNH PHÁP-THÂN" sẵn có của mình đó vậy:

           Cái "CHƠN-TÂM PHẬT-TÁNH" đó, vì NÓ biến-mãn thập-phương như thế, nên trong kinh LĂNG-NGHIÊM dạy rằng:

 

... "Tâm biến thập-phương, kiến thập-phương không, như quan thủ trung, sở trì diệp vật, giai tức Bồ-đề.  Diệu-minh nguyên-tâm, tâm tinh biến viên, hàm-lã thập-phương, Phản quan phụ-mẫu, sở-sanh chi thân, du bỉ thập-phương, hư-không chi trung, Xí nhứt vi-trần, nhược tồn nhược vong.

           Như trạm cự hải, lưu nhứt phù âu, khởi diệt vô tùng, liễu nhiên tự-tri, hoạch bản diêu-tâm, thường-trụ bất diệt" ...

 

(Tạm dịch):

... "Cái CHƠN TÂM của mình ở khắp cả 10 phương hư-không, rõ-ràng như là coi chiếc lá cầm ở trong lòng bàn tay.  Tất-cả mọi vật trong thế-gian nầy, đều do nơi tâm DIỆU-MINH Bồ-đề mà lưu-xuất ra cả.

           CHƠN-TÂM ấy trùm phủ khắp hết cả 10 phương, trở lại ngó cái thân mình của cha mẹ sanh ra, thấy hết sức là nhỏ-nhít, cũng tựa như là một hột bụi nhỏ bay trong khoảng thái-hư, lúc còn lúc mất.  Lại cũng giống như một cụt bọt nhỏ trôi trên mặt đại-hải bao-la, lúc có lúc không vậy.

           Tự biết rõ-ràng cái CHƠN-TÂM ấy là THƯỜNG-TRỤ BẤT-DIỆT" ...

        

           Còn như nếu nói về hai chữ SÁNG và LẶNG trong câu kệ trên đây thì:

           a.  SÁNG thì thuộc về CHIẾU MINH (chiếu sáng).

           b.  LẶNG thì thuộc về TỊCH-TĨNH (vô động chuyển).

           Vậy cái CHƠN-TÂM PHẬT-TÁNH của ta đây nó:

           - CHIẾU-MINH mà TỊCH-TĨNH.

           - TỊCH-TĨNH mà CHIẾU MINH.

Khắp tất-cả MƯỜI PHƯƠNG và BA ÐỜI NÓ đều chiếu suốt hết-cả.

           Như vậy thì câu kệ tụng:

           - SÁNG LẶNG KHẮP 10 PHƯƠNG.

nầy là tán-thán, là ca-ngợi, là nói về cái CHƠN-TÂM PHẬT-TÁNH huyền diệu, sẵn có của mình.

           (Nhưng vì nó bị cái VÔ-MINH (tức là cái NGU-SI của ta) che lấp rồi nên nó không hiện ra được - cũng tựa như mặt trời sáng mà bị mây đen che, nên ánh-sáng không chiếu ra được vậy - Khiến cho mình cứ bị mãi-mãi làm phàm-phu hoài trong vòng sanh-tử mà thôi).

        

Câu 3 và 4:

                   THẾ TÔN, VÔ-LƯỢNG QUANG,

                   CHA LÀNH CÕI LIÊN-BANG

 

A.  THẾ-TÔN:  Ðây chỉ là cho bậc tôn-quý (không còn ai hơn) tức là PHẬT.  Tất-cả chư PHẬT đều là THẾ-TÔN.  Sở dĩ trong câu kệ đây có thêm vào 3 chữ VÔ-LƯỢNG QUANG là để phân-biệt cho người học Phật-pháp hiểu rằng:

           - Ðức PHẬT được nói ở trong câu kệ nầy chính là PHẬT VÔ-LƯỢNG QUANG tức là PHẬT A-DI-ÐÀ.

 

B.  CHA LÀNH tức là TỪ-PHỤ.

           Tất-cả chư PHẬT đều là bậc cha lành của (12 loại) chúng-sanh cả, vì đều bình-đẳng xót-thương và tế-độ như nhau.  Sở-dĩ trong câu kệ đây có thêm vào ba chữ "CÕI LIÊN-BANG" (cõi bông sen, ý chỉ là nói đến cõi có 9 phẩm sen), để phân-biệt cho người học PHẬT hiểu rằng:

           - Ðấng Từ-phụ (cha lành) được nói trong câu kệ nầy là đức PHẬT A-DI-ÐÀ, giáo chủ cõi CỰC-LẠC, đấng cha lành của tất-cả các bậc hiền, thánh, tại nơi quốc-độ AN-LẠC nầy (nói riêng).

 

Câu 5:

                   THẦN-LỰC BẤT TƯ-NGHÌ.

           - THẦN là thần-thông.

           - LỰC là sức lực.

           - Bất tư-nghì (bất tư-nghị) là không thể nào nghĩ-tưởng đến được cả (vì nó quá sức tưởng-nghĩ của mình).

 

           Tại sao vậy ?

           - Vì sức thần-thông của chư PHẬT vô-cùng cao-siêu, huyền-diệu, ngay đến cả chư Ðẳng giác Bồ-tát, Nhất sanh bổ-xứ Bồ-tát cũng còn chưa hiểu thấu thay (huống chi là các hàng Thanh-văn, Duyên-giác và Trời, người thì làm sao biết được).

           - Thần-thông của chư PHẬT thì chỉ có PHẬT cùng với PHẬT mới thấu rõ mà thôi.

           Xin hãy cung-kính đọc, tụng, vài đoạn kinh nói về "Thần-thông lực" của đức Phật THÍCH-CA, tất cũng sẽ hiểu được thần-thông lực của đức PHẬT A-DI-ÐÀ (nói riêng) và của chư PHẬT (nói chung) - vì "PHẬT, PHẬT đạo đồng" vậy.

 

           Kinh dạy:

           ....  Nầy Xá-lợi Phất, đức Như-lai chứng được "Thần-thông", chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tuyên nói (cho cùng tận) được ...

           - Nầy Xá-lợi Phất, ...

           Nay các ông có muốn nghe ví-dụ về Thần-thông lực của Phật chăng ?

           Ngài Xá-lợi Phất thưa:

           - Bạch đức Thế-tôn, nay đã phải lúc ...

           Phật phán:

           - Lắng nghe, lắng nghe.  Ta sẽ vì ông mà tuyên nói ...

           Ví như có số-lượng Thanh-văn A la-hán nhiều như rừng-rậm, lúa, mè, tre, lau ... đông đầy khắp hết cõi Ðại-Thiên thế-giới.  Tất-cả đều đồng một lức dùng hết sức thần-thông biến hóa của mình để so với thần-thông lực của Như-lai thì chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, cho chí đến chẳng bằng như hột bụi nhỏ "cực vi-trần" nữa.

           Vì sao ?

           Vì đức Như-lai đã chứng-đắc được đệ nhứt Thần-thông biến-hóa Ba la-mật vậy.

           Giả-sử đức Như-lai lấy một hột cải ném xuống đất.  Tất-cả chúng Thanh-văn ấy đồng một lúc dùng hết sức thần-thông của họ, cũng chẳng lay động được hột cải đó.

           Ðừng nói chi đến số-lượng Thanh-văn (ở trên) ấy.  Mà giả-sử như tất-cả chúng-sanh trong hằng-hà sa-số thế-giới ở khắp mười phương - (trong 12 loài chúng-sanh) - đều tu thành A la-hán và có sức thần-thông như Ðại Mục-kiền-liên, đồng một lúc đại hiển sức thần-thông, biến-hóa của họ cũng chẳng thể nào lay-động nổi hột cải mà đức Như-lai đã ném xuống đất ấy được.

           ................

           - Nầy Xá lợi-Phất,

           Ông có từng nghe nói đến thời kỳ "Phong tai" kiếp hoại (4) khởi lên, có ngọn gió lớn tên là "TĂNG-GIÀ ÐA" thổi cả cõi Ðại-thiên nầy ... núi Thiết-vi, Tu-di, các biển lớn ... lên cao cả trăm, ngàn do-tuần rồi làm tan-nát ra thành bụi chăng ?

           Ngài Xá lợi-Phất thưa:

           - Bạch Thế-tôn, ngày trước tôi ở nơi Như-lai, đã có nghe PHẬT dạy như vậy.

           PHẬT phán:

           - Nầy Xá-lợi Phất, đúng vậy.

           Ngọn gió lớn TĂNG GIÀ ÐA ấy, thổi cả cõi Ðại-thiên thế-giới nầy, tất-cả núi Tu-di, Thiết vi, đại Thiết-vi, các biển lớn, nhỏ vv... lên cao cả trăm do tuần, hoặc hai trăm, năm trăm, một ngàn, hai ngàn, năm ngàn cho đến vô-lượng trăm ngàn do-tuần rồi làm cho tan-nát ra thành bụi nhỏ, theo gió bay tãn mất, chẳng còn một chút gì cả.  Ngọn đại phong TĂNG GIÀ ÐA ấy lại thổi tan cả các cõi Trời Tứ Vương, Ðạo-lợi, Dạ-Ma, Ðâu-suất, Hóa-lạc, Tha-hóa Tự-tại và luôn đến cả các cõi Trời Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, Biến tịnh-Thiên, làm cho các cõi trời ấy cũng đều nát tan ra làm vi-trần, rồi bay tản mất trong hư-không, chẳng còn tông-tích.

           Nầy Xá-lợi Phất,

           - Giả-sử như (có người) dùng ngọn gió mạnh TĂNG GIÀ ÐA ấy thổi vào y-phục của Như-lai, tận hết sức gió cũng chẳng động được một chút xíu bằng sợi lông nhỏ, chớ đừng nói chi là động được một chéo áo, hay toàn cả áo của Như-lai.

           Lại nữa, nầy Xá-lợi Phất.

           - Giả-sử có hằng-hà sa số luồng gió mạnh TĂNG GIÀ ÐA đó cùng một lúc khởi lên, làm cho tan-nát hằng-hà sa-số thế-giới ở mười phương.  Như-lai chỉ cần dùng một đầu ngón tay để:

           a.  Hoặc là mang hằng-hà sa số thế-giới đó đem qua phương khác (để tránh gió).

           b.  Hoặc là làm cho hằng-hà sa-số luồng gió TĂNG GIÀ ÐA ấy đồng một lúc phải bị thổi vụt ngược trở lại.

           c.  Hoặc là làm cho hằng-hà sa-số luồng gió TĂNG GIÀ ÐA ấy đồng một lúc hoàn-toàn bị mất hết sức-lực, chẳng còn một chút heo-may ...  Mà ở nơi sức "Thần-thông biến-hóa lực" của Như-lai chẳng hề tổn-giảm.

           Ðức Thế-tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, nên nói kệ rằng:

                   - Giả-sử các chúng-sanh ba cõi,

                   Ðều tu trở thành Ðại Thanh-văn.

                   Ðồng đắc thần-thông, đại biến hóa,

                   So bằng tôn-giả Mục KIỀN-LIÊN.

                   Như-lai có đại thần-thông lực,

                   Lấy một hột cải ném xuống đất.

                   Chúng Thanh-văn ấy hiện thần-thông,

                   Cũng chẳng động được hột cải đó.

                   - Giả-sử thế-giới trong mười phương,

                   Nhiều như hằng-hà sa-số cát.

                   Gió TĂNG GIÀ ÐA vụt thổi lên,

                   Oai-lực làm tan-nát tất-cả.

                   Ðem ngọn gió TĂNG GIÀ ÐA ấy,

                   Ðến thổi y-phục của Như-lai.

                   Cùng cực sức gió chẳng động được,

                   Một chút y-phục bằng đầu lông.

                   Ðấng Ðại Mâu-ni dùng lông hồng,

                   Ngăn ngọn gió ấy không cho thổi.

                   Phật có đủ thần-lực dường ấy,

                   Vô-biên, vô-lượng tợ hư-không.

                   ...................

 

           Qua đoạn kinh trên, chúng ta đã được đọc-tụng và biết được một ít phần nào về thần-thông lực bất tư-nghì của PHẬT rồi, vậy phải nên sanh lòng kính-tin và trân-trọng, chớ không nên đem tâm kém, hẹp, nhỏ-nhít của phàm-phu sanh-tử mà khởi lòng bất-tín, không nên.

..........................

 

           Kinh dạy:

           - "Nầy Xá-lợi Phất, thần-thông của NHƯ-LAI chẳng thể nghĩ-bàn như vậy, nghe khó tin, khó hiểu.  Chỉ có chư đại Bồ-tát mới hiểu-biết, mới tin nhận được và không nghi lầm, làm trái lại, càng thêm phát khởi tâm-ý hớn-hở, vui mừng thêm nữa".

           Thần-thông lực của Như-lai vô-tận, vô-biên, bất khả xưng-kể ... không ai tưởng-nghĩ, suy-lường được cả.

.....................................

 

           Kinh dạy:

           .... Phật bảo ngài Xá-lợi Phất:

           - Nay ông có muốn nghe nói ví-dụ về "Thiền-lực Ba-la mật" của Phật không ?

           Xá-lợi Phất thưa:

           - Bạch Thế-tôn nay đã phải lúc, xin đức Như-Lai từ-bi tuyên nói ...

           Phật phán:

           - Nầy Xá-lợi Phất, cõi Ðại-thiên nầy khi vào trong kiếp hoại (diệt), hỏa tai khởi lên.  Bảy mặt trời đồng thời xuất-hiện, núi Tu-vi sụp đổ, chư thiên trong 6 cõi trời Dục-giới thảy đều mạng chung.  Sức lửa ấy chẳng những thiêu-hủy hết cỏi Lục-dục Thiên mà còn đốt tan luôn đến cả trời Sơ-thiền, từ cõi trời Quang-Âm trở xuống, vạn-vật đều thành ra tro bụi ...

           Nầy Xá-lợi Phất, phải biết đức Như-lai ở tại trong thế lửa kinh-khiếp ấy, hoặc là đi kinh-hành, hoặc đứng, ngồi, nằm ... chẳng những thế lửa lớn, mạnh ấy không làm chi tổn-hại được đến một sợi lông của Như-lai, mà ngay chính tại chỗ Như-Lai ngự ấy lại còn thành-tựu thêm được mười sự hy-kỳ (5) chẳng thể nghĩ bàn được nữa.

           Gì là mười sự hy-kỳ bất tư-nghì ấy ?

           Ðó là :

           Chỗ của đức Như-lai đi đứng ấy, chẳng cần dùng đến công-lực mà:

           1.  Ðất ấy đều trở nên bằng-phẳng như lòng bàn tay.

           2.  Ðất ấy tự-nhiên nổi cao lên, sạch, đẹp, không lẫn-lộn với ngói đá.

           3.  Ðất ấy tự-nhiên bằng-phẳng, rộng-rãi, trang-nghiêm, thanh-tịnh.

           4.  Ðất ấy tự-nhiên sanh ra cỏ xanh thơm, mướt, mềm-mại, trơn láng, xoay ngọn về bên hữu.

           5.  Ðất ấy tự-nhiên xuất-hiện ra ao có nước bát công-đức là:

           Nhẹ, mát, mềm, đứng lặng, không nhơ, trong sạch, thích uống, uống nhiều không sanh bệnh mà còn thêm nuôi lớn căn lành.

           6.  Chỗ đất ấy tự-nhiên có gió mát thổi đến, nhẹ-nhàng, hòa-hưỡn.

           7.  Ðất ấy tự-nhiên sanh ra ao, hồ, sông, rạch, Trong ấy xuất-hiện các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng ... hương sắc đẹp thơm ai cũng ưa-thích.

           8. Ðất ấy tự-nhiên mọc đầy các thứ hoa trời, thế-gian không có.

           9.  Ðất ấy tự-nhiên trở thành chất kim-cương cứng bền.

           10.  Ðất ấy tự-nhiên trở thành ra một nơi linh-miếu mà tất-cả thế-gian, trời, người vv... đều cung-kính cúng-dường, tôn-trọng và tán-thán.

           Phản biết đức Như-lai có đầy-đủ đại oai-đức, đại tông-thế, đại thần-thông lực như vậy.

..............................

 

           Như trước đã nói:

           - Vì "PHẬT PHẬT đạo đồng" ...

           Nên chẳng những:

           - Một PHẬT có thần-thông lực chẳng thể nghĩ bàn như thế.

           - Mà tất-cả chư PHẬT cũng đều có thần-thông lực chẳng thể nghĩ bàn như thế.

           - PHẬT Thích-Ca có thần-thông lực chẳng thể nghĩ bàn như thế.

           - Mà PHẬT A-DI-ÐÀ cũng có thần-thông lực chẳng thể nghĩ bàn như thế.

           - Tất-cả chư PHẬT trong ba đời:  Quá khứ, hiện-tại, vị-lai, cũng đều có thần-thông lực đồng nhau, chẳng thể nghĩ-bàn như thế cả.

 

Câu 6:

                   SỐNG LÂU A TĂNG-KỲ

 

Câu kệ nầy ý nói:

           - Ðức PHẬT A-DI-ÐÀ sống lâu vô-lượng vô-biên A tăng-kỳ kiếp, vì thế nên ngài còn có tên là VÔ-LƯỢNG THỌ PHẬT.

(Xem lại phần giảng trước).

 

           Khi còn là PHÁP-TẠNG Bồ-tát, ngài đã có phát ra lời nguyện về thọ mạng (sống lâu) như sau:

           - Nguyện thứ 13:

           Giả-sử khi tôi thành PHẬT, thọ mạng có hạn-lượng, tối thiểu là trăm, ngàn, ức, na do tha kiếp thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.

           (Chẳng những chỉ riêng cho đức A-DI-ÐÀ Như-lai sống lâu vô-lượng, vô-biên A-TĂNG-KỲ kiếp thôi, mà ngay chính đến cả các hàng Thiên, nhơn (Trời, người) trong nước của ngài cũng đều đồng được một thọ-lượng (số tuổi thọ) y như NGÀI vậy:

 

           - Nguyện thứ 15:

           - Giả-sử khi tôi thành PHẬT, hàng Thiên-Nhơn nơi cõi nước tôi thọ-mạng không ai hạn-lượng được.  Trừ họ có bổn-nguyện thọ mạng dài, ngắn tự-tại.

           Nếu chẳng được như vậy thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.

 

           Do đó nên khi thành PHẬT rồi thì NGÀI (và nhơn-dân nơi cõi Cực-lạc) được sống lâu bất khả xưng kể kiếp số.

           Chính là câu kệ trên:

                        SỐNG LÂU A TĂNG KỲ (kiếp) vậy.

 

Câu 7:

                   AI-DI-ÐÀ NHƯ-LAI

(Xin xem lại nơi các phần chú-giải trước).

 

Câu 8:

                   TIẾP-DẪN LÊN LIÊN-DÀI

 

a.  TIẾP-DẪN:

                   - Tiếp là Tiếp-rước.

                   - Dẫn là Dắt-dìu.

           Ðức A-DI-ÐÀ Phật còn có thêm một danh-xưng khác nữa là "TIẾP-DẪN ÐẠO-SƯ" - Tức là một vị PHẬT "tiếp-dẫn" chúng-sanh về nơi LIÊN-ÐÀI (đài sen).

           Trong các chốn thiền-môn (hoằng-dương về Tịnh-độ)  và các Phật-tử tu theo Tịnh-độ tông, nơi phần lễ Phật A-DI-ÐÀ đều thường xưng niệm câu rằng:

           Nam-mô Tây-phương Cực-lạc Thế-giới,

           Ðại-từ, Ðại-bi,

           TIẾP-DẪN ÐẠO-SƯ, A-DI-ÐÀ PHẬT.

là có ý phát-tâm cung-kính, trân-trọng và ngưỡng-vọng nơi thâm-ân Tiếp-Dẫn chúng-sanh - và cả cho mình nữa -  về Cực-lạc quốc-độ của NGÀI.

 

b.  LIÊN ÐÀI:

                   - Liên là bông sen,

                   - Ðài là chỗ ngồi.

           Tức là chỗ ngồi bằng bông-sen.

           Tại sao trong đạo Phật của ta lại lấy bông sen làm chỗ ngồi và làm tiêu-biểu(6) (biểu thị) ?.

           Sở-dĩ như thế là vì bông sen có hàm các ý-nghĩa như sau:

 

A.  GIẢNG VỀ LÝ:

           1.  Tượng-trưng cho NHƠN và QUẢ cùng thời.  (Cánh sen và nhụy sen thì thuộc về NHƠN - Gương sen và hột sen thì thuộc về QUẢ).

           - Hễ có Cánh Nhụy thì có gương, hột.

           - Mà có gương hột thì nhứt định phải có cánh nhụy.

Vì vậy mà:

           - Hễ có NHƠN thì chắc-chắn là có QUẢ.

           - Hễ có QUẢ thì nhứt-định là phải có (do) NHƠN.

           - Nhơn đâu thì Quả đó.

           - Quả chẳng ngoài Nhơn,

           - Nhơn không ngoài Quả.

           - Nhơn, Quả đồng thời.

           - Quả tức là Nhơn.

           - Nhơn tức là Quả.

CHO NÊN:

           a.  Nếu muốn tránh QUẢ thì đừng có gieo NHƠN.

           b.  Nếu đã gieo NHƠN rồi thì đừng mong thoát QUẢ.

           Là người Phật-tử nhứt-định phải biết điều nầy.

           - Ðiều nầy là điều gì ?

 

           CHÍNH LÀ:

           Phải biết cái "LÝ NHƠN QUẢ" vậy.

           Do vì đã biết được lý Nhơn, Quả rồi thì:

           - RÁNG TRÁNH GIEO NHƠN (Xấu) để KHỎI BỊ THỌ QUẢ BÁO (Xấu).

           - Ráng gieo nhơn Tốt, nhơn Lành, nhơn giải-thoát để được:

           HƯỞNG QUẢ-BÁO TỐT, LÀNH và GIẢI-THOÁT.

 

Kinh dạy:

           Bồ-tát sợ nhơn, chúng-sanh sợ quả.

 

Nghĩa là:

           - Bồ-tát vì sợ QUẢ nên tránh gieo NHƠN.  (có trí-huệ).

           - Còn chúng-sanh thì chỉ sợ QUẢ (báo) mà không biết tránh gieo NHƠN.  (Không có trí-huệ) - Ðến khi bị QUẢ-BÁO đáo đầu rồi thì mới kêu la, than khóc, oán trời, trách đất, hoặc chừng đó mới nói "ăn-năn" thì đã muộn-màng lắm thay !!

           Phật dạy:

                   Giả-sử bá thiên-kiếp,

                   Sở-tác nghiệp bất vong.

                   Nhơn-duyên hội-ngộ thời,

                   Quả báo hoàn tự-thọ.

 

Nghĩa là:

                   Giả-sử trăm, ngàn kiếp,

                   Nghiệp gây tạo vẫn còn.

                   Nhơn-duyên khi đầy-đủ,

                   Quả báo đến không sai.

 

B.  GIẢNG VỀ SỰ:  (Tức là giảng theo nghĩa thường, nghĩa đời, cho dễ hiểu).

           Sở-dĩ đạo Phật ta lấy bông sen để làm tiêu-biểu và chỗ ngồi, vì bông sen có những đặc-tính sau đây:

           a.  Bông sen từ nơi bùn hôi-nhơ mà sanh ra, nhưng chẳng nhiễm mùi hôi, nhơ của bùn.  Trái lại còn có thêm mùi hương thơm tho, ngào-ngạt.

           Thì cũng thế:

           - Chư A la-hán, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật, cũng từ ở nơi chúng-sanh mà ra, nhưng chẳng bị tâm chúng-sanh xoay-chuyển vào trong luân-hồi, sanh-tử.  Trái lại quý NGÀI còn tu-hành và đạt được mùi hương Phạm-hạnh, giải-thoát nữa (Xem lại chỗ giải-thích về "Ngũ phần pháp-thân hương").

           b.  Mùi thơm của bông sen không có mùi thơm nào so-sánh được.

           Thì cũng thế:

           - Mùi hương phạm-hạnh, giải-thoát của chư PHẬT, BỒ-TÁT, DUYÊN-GIÁC, THANH-VĂN, không có Ngoại-đạo, ngoại-giáo nào bì-kịp cả.

           c.  Các người phụ-nữ không bao giờ lấy hoa sen để làm trang-điểm hay giắt lên đầu, tóc, máng trên áo, quần, thân-thể vv ...

           Thì cũng thế:

           - Các bậc tu-hành phạm-hạnh không bị đàn-bà và nữ-sắc mê hoặc.

           d.  Ong, bướm và côn-trùng không dám đến gần, vì mùi thơm của bông sen quá ư ngạt-ngào và thanh-khiết.

           Thì cũng thế:

           - Những kẻ tiểu-nhơn, ác-độc, tà-ma, ngoại-đạo chẳng dám bén-mảng đến gần người tu phạm-hạnh, giải-thoát.

           ............................

   

           Do vì như vậy (và còn thêm nhiều nghĩa-lý khác nữa, không thể nào giải-thích ra cho hết được ...) nên đạo Phật ta lấy.

           BÔNG SEN để làm BIỂU-THỊ.

Và:

           - Một khi (mà) chúng ta niệm PHẬT đã thuần rồi, tu (Tịnh-độ) đã công-thành, quả-mãn rồi, thì khi lâm-chung (chết), PHẬT A-DI-ÐÀ, QUÁN THẾ-ÂM ÐẠI THẾ-CHÍ Bồ-tát vv... sẽ đem bông sen tới cho chúng-ta ngồi lên trên rồi rước (Tiếp-dẫn) ta về luôn nơi cõi CỰC-LẠC.

           Cho nên mới nói:

                        TIẾP-DẪN LÊN LIÊN-ÐÀI.

chính là như thế.

           Mong lắm vậy thay.

 

Câu thứ 9:

                   Cõi Cực-Lạc THUẦN-TỊNH

 

Tức là:

           - Nơi cõi CỰC-LẠC thì tất-cả y-báo, chánh-báo đều hoàn-toàn thanh-tịnh, sạch đẹp (chớ không có nhơ ác, xấu, kém, như ở cõi (Ta-bà) ngũ-trược ác thế mà chúng-ta hiện đang ở (đây) vậy.

 

           "Thuần-tịnh" như thế nào ?

           - Thuần-tịnh như thế nầy:

           a.  Cõi Ta-bà có đầy-đủ "NGŨ-TRƯỢC" chớ không có "NGŨ-THANH".

           - Cõi CỰC-LẠC có ngũ thanh chớ không có ngũ-trược.

           (Xem lại phần giải-thích trước)

           b.  Cõi Ta-bà có Nhị khổ, Tam khổ, Tứ khổ, Bát khổ cho đến vô-lượng khổ(7) ...

           - Cõi Cực-Lạc có Nhị lạc, Tam lạc, Tứ lạc, Bát lạc cho đến vô-lượng lạc (8) ...

           (Xem lại phần giải-thích trước).

           c.  Thí-dụ về Tứ-khổ (của Ta-bà) và Tứ thành (của Cực-lạc) như sau:

           Cõi Ta-bà nầy chúng-sanh bị khổ vì:

 

           1.  SANH (đẻ):  Ở trong bào-thai mẹ như ở tù, khi sanh ra thì bị thời-tiết nóng, lạnh bên ngoài làm cho đau-đớn, phải buột miệng kêu khóc, rên-la.

           CÒN Ở: 

           Cõi Cực-lạc thì VUI vì không bị SANH khổ như vậy.

           Mà trái lại thì thần-thức được hóa-sanh từ nơi hoa sen, thơm-tho, sạch, đẹp.

 

           2.  Cõi-Ta-bà chúng-sanh bị khổ vì GIÀ như:

           - Sức-khỏe suy kém, nhan-sắc xấu-xa, hình dung thay-đổi, tinh-thần, trí-huệ suy-nhược, đi đứng lụm-cụm khó-khăn, ngay chính đến cả các con cháu cũng hết còn ưa-thích nữa (chớ đừng nói chi là người ngoài).

           CÒN Ở:

           - Cõi Cực-lạc thì VUI vì cái thân kết-tụ bằng CÔNG-ÐỨC, PHƯỚC LÀNH không bao-giờ bị sanh, diệt, suy-biến, xấu-xa hết.

 

           3.  Cõi Ta-bà chúng-sanh bị KHỔ vì BỆNH như:

           Thân Tứ-đại bất điều-hòa, đau-đớn, nhức nhối, ăn ngủ không được, ngồi nằm chẳng yên, thuốc men không thấy thuyên-giảm, hiệu-nghiệm vv...

           CÒN Ở:

           - Cõi cực-lạc thì sống lâu ngang bằng với đức PHẬT A-DI-ÐÀ, nghĩa là sống vô-lượng vô-biên A tăng-kỳ kiếp, rồi tiếp-tục tu hoài cho đến khi nào thành Phật (mới thôi).

        

           Còn về các phần Y-BÁO và CHÁNH-BÁO nơi cõi Cực-lạc (so với cõi Ta-bà và các cõi khác thì Thắng-diệu vô song) (xem lại các phần giải-thích trước).

           Cho nên gọi:

                        COI CỰC-LẠC THUẦN-TỊNH.

chính là như thế.

 

Câu thứ 10:

           Công-đức lạ Trang-Nghiêm.

   

           Cõi Cực-lạc có vô-lượng sự trang-nghiêm, đẹp-đẻ, lạ-lùng, không sao kể-xiết được.  Ấy cũng là bởi vì ban-sơ, khi phát-tâm trang-nghiêm cõi nước, lúc còn là PHÁP-TẠNG Bồ-tát, đức A-DI-ÐÀ Như-lai đã có khởi ra 48 đại-nguyện thù-thắng công-đức, nên nay cõi Cực-lạc của NGÀI mới được:

                   TRANG-NGHIÊM ÐẸP LẠ.

như thế.

           Sự trang-nghiêm nơi nước CỰC-LẠC vi-diệu tột cùng, từ CHÁNH-BÁO cho đến Y-BÁO thảy đều thù-thắng, nên trong kinh VÔ-LƯỢNG THỌ, Phật bảo cùng ngài ANAN rằng:

           - Nầy A-NAN rằng:

           ... "Cõi nước AN-LẠC ấy thành-tựu công-đức như vậy.  Ta chỉ nói lược cho ông nghe đó mà thôi.  Nếu nói rộng ra thì dầu cho suốt trăm, ngàn, muôn kiếp cũng chẳng cùng tận được ...

           ... Cho nên mọi người phải gắng-sức làm lành, phải siêng năng tinh-tiến và nổ-lực để được vãng-sanh về cõi nước AN-LẠC, dứt hẵn được năm trược, ác đạo tự-nhiên đóng bít"...

 

Câu 11 và 12:

                   Nơi tất-cả Quần-Sanh,

                   Vượt lên Ngôi BẤT THỐI.

 

a.  Quần-sanh:  Là tất-cả các loài chúng-sanh (Xin xem lại 12 loài chúng-sanh có giảng ở trước).

b.  Ngôi bất thối:  Là ngôi-vị bất thối-chuyển, tức là đã vào được đến địa-vị TU mà KHÔNG BAO GIỜ CÒN BỊ LUI SỤT, THỐI-THẤT nữa.

           Như trước đã có chú-thích qua - nơi đây xin bổ-túc cho rõ thêm để chư liên-hữu rộng đường kiến-giải.

           Nguyên ở cõi Cực-lạc có bốn khu-vực:

 

           a.  Phàm thánh đồng cư độ:

           Các bậc được vãng-sanh về nơi đây, nhờ nương nơi nguyện-lực của Phật A-DI-ÐÀ, cho nên dù là hoặc-nghiệp chưa được tiêu-trừ - vì là đới nghiệp vãng-sanh (Mang luôn cái nghiệp-báo của mình về Cực-lạc) - Nhưng cũng đã được dự vào trong ngôi-vị bất-thối chuyển rồi.

           Vì thế nên các vị vãng-sanh về nơi khu-vực tịnh-độ nầy, được trong kinh gọi là:

           - VỊ BẤT THỐI.

           (Vị là địa-vị, là ngôi-vị.  Bất thối là không còn lui-sụt đường tu nữa).

 

           b.  Phương-tiện hữu-dư độ:

           Các bậc vãng-sanh về đây đều là các bậc thánh-nhơn trong hai thừa THANH-VĂN và DUYÊN-GIÁC (tức là các quả-vị như Tu đà-hoàn, Tư đà-hàm, A na-hàm, A la-hán, Duyên-giác, Ðộc-giác).

           Sở-dĩ gọi là "Phương-tiện" vì quý NGÀI chưa chứng được cái LÝ-TÁNH CHƠN-NHƯ của PHẬT, nên còn phải cần dùng đến phương-tiện - tức là còn cần phải nương vào nơi giáo-pháp (trong kinh dạy) mà HÀNH-TRÌ (PHẦN) SỰ (tức là còn chấp nơi PHÁP) để dứt trừ đi các phần:  Kiến-hoặc (88 phẩm), tư-hoặc (81 phẩm) và Trần sa-hoặc (xem lại phần giải-thích ở trước) để được:

           - TIẾN ÐƯỢC LÊN QUẢ-VỊ QUYỀN-THỪA BỒ-TÁT.

           (Quyền là "quyền-biến", tức là tùy theo căn-tánh cao, thấp, sai khác của chúng-sanh mà lập ra quyền-nghi, phương-tiện - tìm đủ cách-thức - để hóa-độ cho chúng-sanh được giải-thoát).

           Và được:

           - VÀO TRONG CÕI THẬT-BÁO TRANG-NGHIÊM ÐỘ, để tiếp-tục tu-hành nữa.

           cho nên quý bậc Thánh-nhơn nơi khu-vực tịnh-độ nầy, được trong kinh gọi là:

                   - HÀNH BẤT THỐI.

                   (Hành trì tu-tập không lui sụt).

 

           c.  Thật-báo Trang-nghiêm độ:

           Ðây là nơi cư-trụ của các giai-vị BỒ-TÁT đang phá từng phần Vô-minh để hoàn-mãn Bồ-tát đạo của mình.  (Thập-trụ, Thập-hạnh, Thập hồi-hướng, Thập-địa).

           Quý NGÀI đây đã (ít nhiều) chứng được cái "LÝ TÁNH CHƠN-NHƯ" của PHẬT rồi, đã đạt được vào trong cảnh giới VÔ-NIỆM và dứt trừ hết tất-cả các sự chấp trước về PHÁP rồi (dứt pháp-chấp), tức là không còn có tâm phân-biệt ở nơi các pháp nữa.

           Quý NGÀI đã chứng đắc được cái LÝ:

           - "THỊ CHƯ PHÁP KHÔNG TƯỚNG, BẤT SANH, BẤT DIỆT, BẤT CẤU, BẤT TỊNH, BẤT TĂNG, BẤT GIẢM" ... rồi, đã chứng được (ít, nhiều) phần PHÁP-THÂN rồi, nên không còn trụ vào nơi kinh-pháp nữa mà chỉ thuần trụ ở nơi CHƠN-NIỆM mà thôi, nên trong kinh gọi là:

                   - NIỆM BẤT THỐI.

           (Niệm là chơn-niệm, cái niệm nầy nó vô hình tướng, vô sanh diệt, vô sở trụ, vô khứ lai, bất khả-thuyết, phi tam-thế (tức là ra ngoài quá-khứ, hiện-tại, vị-lai). vv...

 

           d.  Thường-Tịch Quang Tịnh-độ:

           Ðây là chỗn CHƠN-NHƯ PHÁP-TÁNH trụ (ở), vắng-lặng sáng soi (tức là TỊCH-CHIẾU), cái LÝ và cái TRÍ đều hòa nhau thành MỘT (xem lại phần giải-thích của hai chữ QUANG THỌ - nơi câu Quang thọ khó suy-lường ... ở trước).

           Ðây là chỗ TRỤ của bậc THANH-TỊNH PHÁP-THÂN TỲ LÔ GIÁ-NA (tức là PHẬT) vậy.

 

           Sở-dĩ quý NGÀI được vào địa-vị BẤT THỐI (Vị bất-thối, Hành bất-thối, Niệm bất-thối) CHUYỂN như vậy là nhờ nương vào nơi bổn nguyện-lực của Phật A-DI-ÐÀ mà nên.

           Bởi khi còn làm PHÁP-TẠNG Bồ-tát, ngài đã có phát ra các đại-nguyện về Bất-thối chuyển (cho chư Bồ-tát ở nơi cõi của NGÀI) như sau:

          

           Nguyện thứ 47:

           - Giả-sử khi tôi thành PHẬT, chúng Bồ-tát ở quốc-độ phương khác khi nghe đến danh-hiệu tôi mà chẳng liền được BẤT THỐI CHUYỂN, thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.

 

           Nguyện thứ 48:

           - Giả-sử khi tôi thành PHẬT, chúng Bồ-tát ở quốc-độ phương khác khi nghe đến danh-hiệu tôi mà chẳng liền chứng được đệ nhứt nhẫn, đệ nhị nhẫn và đệ tam nhẫn (9) nơi các Phật pháp, chẳng liền được chứng nơi bậc BẤT THỐI CHUYỂN, thì tôi thề chẳng lấy ngôi chánh-giác.

 

           Vì thế cho nên kệ-tụng nói:

                   NƠI TẤT-CẢ QUẦN-SANH,

                   VƯỢT LÊN NGÔI BẤT THỐI.

Chính là như vậy.

 

Câu thứ 13 và 14:

           Mười phương hằng sa PHẬT,

           Ðều ngợi khen Vô-lượng.

 

           Tức là ý nói:

           - Trong 10 phương hư không có hằng-hà sa số (có vô-lượng, vô-biên cái "hằng-hà sa-số" như vậy) chư PHẬT.

           Tất-cả chư PHẬT đó đều dùng:

           - VÔ-LƯỢNG lời để khen-ngợi Phật VÔ-LƯỢNG THỌ (PHẬT VÔ-LƯỢNG QUANG).

           (Chớ không riêng gì chỉ có các Bồ-tát, Thanh-văn, Duyên-giác khen-ngợi thôi đâu).

           Chắc quý liên-hữu, chư Phật-tử, nhớ bài kệ khen-ngợi Phật A-DI-ÐÀ rất là thông-dụng sau đây:

                   - Thập phương Tam thế PHẬT,

                   A-DI-ÐÀ đệ nhất.

                   Cửu phẩm độ chúng-sanh,

                   Oai đức vô cùng cực.

                   Ngã kim đại quy-y, ...

Tức là:

                   - Mười phương ba đời PHẬT,

                   A-DI-ÐÀ bậc nhất.

                   Chín phẩm độ chúng-sanh.

                   Oai-đức không cùng cực,

                   Con nay "đại Quy-y" ...

của ngài Ðại-Từ Bồ-tát chớ ?

Và chúng-ta - Cũng phải noi theo gương của chư Bồ-tát và chư PHẬT - mà khen-ngợi và tán-thán lên NGÀI để được:

                   - Tội diệt, phước sanh,

                   - Căn lành tăng trưởng ...

                   - Ðạo-nghiệp viên-thành ...

 

Câu 15 và 16:

           Cho nên hôm nay con,

           Nguyện sanh về AN-DƯỠNG.

           Tức là ý nói:

           Bởi vì:

           - Ngài là bậc cha lành nơi cõi Cực-lạc,

           - Ngài có Thần-lực Bất tư-nghì,

           - Ðại-nguyện (tiếp-độ) bất tư-nghì.

           - Sống lâu A tăng-kỳ,

           - Ngài tiếp-dẫn lên liên-đài.

           vv...

như thế, cho nên hôm nay con xin được:

           - Ðại Quy-y nơi NGÀI.

           - Cúi đầu khấn-nguyện nơi NGÀI.

và:

           - CẦU ÐƯỢC SANH VỀ NƠI AN-DƯỠNG.

           - Giữ TÍN, NGUYỆN, HẠNH chuyên-nhất và trì-niệm danh-hiệu của NGÀI không thối-chuyển.

 

Ðể nguyện cầu:

           - NGÀI TIẾP-DẪN CON VỀ CỰC-LẠC DỰ VÀO TRONG CHÍN PHẨM SEN VÀNG.

          

           Nam-mô A-DI-ÐÀ PHẬT (3 lần).

           Nam-mô LIÊN-TRÌ HẢI-HỘI PHẬT, BỒ-TÁT. (3 lần).

                  

-------------------------------------------------------------

(1)- Bậc đạo-sư tất-cả:  Tức là Phật vậy.

 

(2)- Ðể bổ-túc thêm nghĩa chữ VÔ-NHÃN ...

Nói "Vô-nhãn" đây, không phải là không có con mắt như mình nghĩ vậy. Vẫn có con mắt như thường, nhưng vì đây là con mắt của người tu đắc-đạo, giải-thoát cho nên mắt dầu cho có thấy sắc đẹp, xinh ... cũng không khởi lòng ham muốn, không bị động tâm, không bị cái sắc đẹp (của phụ-nữ...) làm cho mê-hoặc mà sanh khởi ra tà-ý - Phải từ bậc A la-hán trở lên mới đạt được đến địa-vị nầy.  Cho nên mới gọi "VÔ-NHÃN" nguyên là như vậy đó.

           Nếu như "Mắt" đã được như vậy rồi, thì năm căn kia là:  Nhĩ đối thanh, Tỷ đối hương, Thiệt đối vị, Thân đổi xúc, Ý đối pháp cũng y như (mắt) vậy.  Ðây gọi là "đáo bỉ ngạn".  Là đắc-đạo giải-thoát.

 

(3)- Thanh-tịnh bản-nhiên:  Là gốc nó tự-nhiên thanh-tịnh (tức là sẵn cái thanh-tịnh rồi) không cần phải thêm hay bớt gì nữa cả.

 

(4) - Phong-tai kiếp hoại:  Gió nổi lên làm tan-nát cõi Ta-bà nầy thành ra bụi nhỏ.

 

(5).  Hy-kỳ:  là hy-hữu (hiếm có) và kỳ lạ.

 

(6)- Tiêu-biểu (biểu thị):  Là tượng-trưng, là đại-diện vv....

 

(7)-  Nhị khổ:  Thân khổ, tâm khổ.

        Tam khổ:  Hành khổ, hoại khổ, khổ khổ.

        Tứ khổ:  Sanh, già, bệnh, chết khổ.

        Bát khổ:  là Tứ khổ cộng thêm vào:  Thương xa lìa khổ, oán thù gặp-gở khổ, cầu muốn không được khổ, ngũ ấm lẫy-lừng khổ.

 

(8)-  Cõi Cực-lạc hoàn-toàn không có các điều trên ... nên gọi là "THANH", là "LẠC".

 

(9)-  a.  Ðệ nhất nhẫn:  Tức là TÍN-NHẪN, đây là VÔ-SANH PHÁP-NHẪN của các bậc Ðại-thừa Bồ-tát trong các quả-vị:  Sơ-địa, nhị địa, tam địa.

b.  Ðệ nhị nhẫn:  Tức là THUẬN-NHẪN, đây là VÔ-SANH PHÁP-NHẪN của các bậc Ðại thừa Bồ-tát trong các giai-vị:  tứ địa, ngũ địa, lục địa.

c.  Ðệ tam pháp-nhẫn:  tức là VÔ-SANH PHÁP-NHẪN của các bậc Ðại-thừa Bồ-tát trong giai-vị:  Thất địa, bát địa, cửu địa.

 

---o0o---