Chương
11. Đạo Phật: đức tin, nghi thức, mê tín, dị đoan
Jean Francois: Sự sùng
đạo mà có kẻ cho là ngu tín mà các hình thức như nước thánh, chuỗi hạt, cành
lá, sự tin tưởng vào mọi thứ vớ vẩn, sự linh ứng của các thánh lễ hay các lời
cầu nguyện, sự đốt nến, những biểu hiện này có mặt trong rất nhiều tôn giáo
trái ngược hẳn với khía cạnh trong sáng mà người ta dành cho Phật giáo. Đó cũng
hẳn là một trong nhiều lý do mà thành phần trí thức bị quyến rũ bởi sự minh
triết Phật giáo trong khi họ lại quá chán nản với những tôn giáo khác vì những
biểu hiện quá phường tuồng, quá hình thức và không hợp lý. Nhưng theo Ba, đó là
một hình tượng có vẻ lý tưởng về Phật giáo khi được nhìn từ xa, khi người ta hiểu
giáo lý mà không được chứng kiến sự hành trì thường nhật. Nhưng khi ta du hành
qua các nước Phật giáo, hay đi thăm các tu viện ta sẽ rất đỗi ngạc nhiên với
các hình thức cúng dường, nào là diễu hành, xướng ca, lễ lạy mà đối với một kẻ
vô thần như Ba, thì không khác chi các loại mê tín dị đoan hay các nghi thức
thờ cúng của Chính thống giáo, Công giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo. Ba còn có
thể nói là một vài nghi thức khi diễn ra trước mắt ta ngay trong thế kỷ 20 này
có vẻ gần với Công giáo thời Trung cổ hơn là với Công giáo bây giờ. Có phải
chăng đó là mặt bất hợp lý, là bề ngoài những hình thức cúng tế Phật giáo đã
gán vào sự minh triết của Đức Phật theo dòng thời gian hơn hai thiên niên kỷ?
Matthieu: Trước
tiên trong Phật giáo cũng như trong hầu hết các tôn giáo hay truyền thống tâm
linh khác, cần phải phân biệt giữa mê tín và nghi thức. Đức tin trở thành mê
tín, khi nó trái với lý trí, và tách rời khỏi ý nghĩa thâm sâu của nghi thức.
Nghi thức thuần túy đòi hỏi sự trầm tư, sự quán tưởng cầu nguyện và thiền định.
Ý nghĩa của những lời trong các bài hát là kêu gọi sự quán tưởng". Điều
này rất đúng với Phật giáo Tây Tạng. Khi người ta xem xét nội dung của các nghi
thức trên những bài tụng được đọc lên, người ta nhận ra như một bản hướng dẫn
về các yếu tố thiền định Phật giáo như là tánh không, tình yêu và lòng bác ái.
Một nghi thức là một hành trì tâm linh được tổ chức trong khung cảnh tôn nghiêm
của một tu viện, giữa một bầu không khí thanh tịnh được tôn tạo bởi một thứ âm
nhạc thiêng liêng không phải để kích thích tình cảm mà để làm dịu tâm hồn và
khuyến khích sự trầm tư mặc tưởng. Loại âm nhạc này được xem như một sự cúng
dường chứ không phải là một biểu hiện nghệ thuật. Vài loài nghi thức được kéo
dài liên tục ngày và đêm trong suốt một tuần lễ. Mục đích cuộc lễ là đưa những
tín đồ cùng nhau tinh tấn tu tập. Trong việc quán tưởng một mạn đà la, người ta
nhấn mạnh đến một vài kỹ thuật thiền định dựa trên những hình vẽ phong phú.
Jean Francois: Về Mạn
Đà La (Mantra), Ba chỉ hiểu mơ hồ. Con có thể giải thích chính xác hơn không?
Matthieu: Mạn đà
la là một biểu trưng về vũ trụ và chúng sinh, dưới hình thức một nơi chốn hoàn
mỹ, nơi ấy các thần linh chiếm ngụ. Những vị thần linh này không phải là những
vị trời vì như con thường nói, Phật giáo không phải nhất thần giáo hay đa thần
giáo. Đó chỉ là những phạm trù, những khía cạnh của Phật tính. Sự quán tưởng về
Mạn Đà La là để đi đến nhận thức về Phật tính vốn sẵn có ở mọi chúng sinh.
Những kỹ thuật thiền định đó giúp cho ta thay đổi nhận thức thông thường của ta
về thế gian vốn dĩ là một sự pha trộn giữa tịnh và bất tịnh, thiện và ác trở
thành một nhận thức hoàn hảo về thế giới hiện tượng. Khi ta quán tưởng về chính
bản thân ta cũng như các chúng sinh quanh ta như là những khuôn mẫu của các vị
thần linh trong các đền thánh Tây Tạng, ta sẽ quen dần với ý tưởng Phật tính ở
khắp mọi nơi. Và ta sẽ không còn phân biệt những hình thức bên ngoài như đẹp và
xấu, thù hay bạn. Nói tóm lại, những phép quán về mạn đà la ấy là những phương
tiện khôn khéo để giúp chúng ta tìm lại Phật tính ở tất cả mọi chúng sinh. Sau
cùng phải hiểu rằng dưới mắt của các bậc thầy Tây Tạng, những nghi thức chỉ có
một giá trị tương đối, và những vị ẩn sĩ đã dấn thân vào thiền định thì hoàn
toàn buông bỏ mọi nghi thức. Vài vị như đạo sư Milarepa còn đi đến chỗ công
khai lăng mạ những lễ lại và nghi thức. Vậy là các dạng nghi thức tâm linh cũng
tùy theo các dạng tín đồ khác nhau và cũng tùy mức độ hành trì nữa.
Jean Francois: Phải,
nhưng ngày nọ ở Kamandou, chúng ta đã có dịp chứng kiến đám đông Phật tử đi
diễu quanh một ngôi đền lớn mà người ta gọi là...
Mathieu: Ngôi
tháp-chùa (stoupa).
Jean Francois: Vậy là
những Phật tử ấy diễu hành hàng giờ chung quanh ngọn tháp, theo chiều kim đồng
hồ, vì như Ba đã biết qua một cuộc du hành ở Bhoutan là khi người ta muốn đi
quanh một ngọn tháp, người ta phải đi theo chiều kim đồng hồ vì một lý đo bí
mật nào đó mà không ai nói cho Ba biết: Phải chăng đó chỉ là mê tín dị đoan?
Mathieu: Đây là
một điểm quan trọng. Đa số các hành động mà ta cho là thuộc về đời thường, có
phải chăng chúng chỉ thuần túy có lợi ích mà không có một ý nghĩa thâm sâu nào
khác? Đi cũng chỉ là di chuyển nhanh đến một điểm nào đó, ăn chỉ là làm cho đầy
bụng, làm việc chỉ là để sản xuất cho thật nhiều. Trong khi đó nếu đời sống tâm
linh ngự trị toàn bộ cuộc sống, những hành động bình thường đều có một ý nghĩa.
Nói một cách lý tưởng thì không có gì 1à tầm thường. Khi đi, ta có thể nghĩ là
ta đi đến sự tỉnh thức, khi đốt lửa ta có thể tâm niệm "Mong sau cho những
tình cảm tiêu cực của mọi chúng sinh đều bị cháy rụi", khi ăn ta có thể
nghĩ: ''Cầu mong cho mỗi người đều được nếm mùi vị của thiền định'', khi mở
cửa: "Xin cho cánh cửa giải thoát mở ra cho mọi người" v.v... Trong
trường hợp ngọn tháp chùa, người Tây Tạng nghĩ rằng sẽ ích lợi khi diễu quanh
tháp một giờ, hơn là chạy bộ chậm thể dục. Một ngôi tháp tượng trưng cho tinh
thần Đức Phật (những nét chữ viết tượng trưng cho lời nói của ngài, và những
hình tượng là thân của ngài). Bên phải được xem như là chỗ danh dự để tỏ lòng
tôn kính Đức Phật và giáo thuyết của ngài, cho nên Phật tử đi vòng quanh tháp
theo chiều kim đồng hồ. Làm như vậy tinh thần họ hướng về Đức Phật và về lời
dạy của ngài.
Jean Francois: Tại sao
lại có những hình vẽ những nhân vật dường như là siêu nhân? Ba tưởng Phật giáo
không có thần linh.
Mathieu: Một lần
nữa, đây không phải là thần linh vốn tự sẵn có môt cuộc sống riêng. Đó chỉ là
biểu trưng. Khuôn mặt của vị thần tượng trưng cho nhất thể. Hai cánh tay là
tánh không nhập vào lòng bác ái. Một vài vị thần có đến sáu tay tượng trưng cho
sáu sự hoàn mỹ: Kỷ luật, độ lượng, kiên nhẫn, siêng năng, tập trung và minh
triết. Thay vì ngắm nhìn những bức tranh tầm thường, có lẽ ích lợi hơn là đưa
vào trong tâm những hình ảnh biểu tượng cho các yếu tố của đời sống tâm linh.
Những khuôn mẫu biểu trưng đó giúp cho trí tưởng tượng của chúng ta tiến bộ về
tâm linh, thay vì bị lôi cuốn vào những ý tưởng vẩn vơ. Một trong những trở
ngại của việc thiền định là sự bấn loạn của tư tưởng. Những kỹ thuật về quán
tưởng là những phương tiện khéo léo để giúp những ai luôn luôn dao động, có thể
tập trung vào một hình tượng để quán tưởng ngõ hầu tìm lại được sự yên tĩnh tâm
hồn. Một sự quán tưởng đúng đắn đòi hỏi ba đức tính: giữ cho hình tượng trong
tâm luôn luôn trong sáng, nghĩa là luôn tập trung chú ý vào hình tượng, ý thức
được ý nghĩa của hình tượng mà ta đang quán tưởng và sau rốt luôn luôn ý thức
được Phật tính trong chính bản thân mình.
Jean Francois: Nhưng Ba
luôn luôn nhìn thấy trong các đền chùa, Phật tử quỳ lạy trước tượng Phật, đó là
thái độ thường có trước một vị thần, một vị trời, một thần tượng chớ không phải
trước một hiền nhân!
Matthieu: Sự quỳ
lạy trước Đức Phật là để tỏ lòng tôn kính, không phải đối với một vị trời, mà
đối với một người tiêu biểu cho sự minh triết tối hậu. Sự minh triết cũng như
những lời dạy của ngài có một ý nghĩa sâu đậm đối với kẻ quỳ lạy ngài. Biểu
hiện lòng tôn kính với ngài cũng là một cử chỉ khiêm tốn đối trị với tính kiêu
ngạo luôn là trở ngại cho mọi chuyển biến tâm hồn. Tính tự cao ngăn cản mọi
hình thức minh triết cũng như lòng từ bi. Một tục ngữ có nói: "Nước không
thể tích tụ trên đỉnh núi và giá trị thật sự của một con người cũng không thể
tích tụ trên đỉnh của sự tự cao được''. Hơn nữa sự quỳ lạy cũng không phải là
một cử chỉ máy móc. Khi ta đặt hai bàn tay, hai đầu gối và trán trên mặt đất- 5
điểm- ta tâm niệm thanh lọc năm độc chất là lòng căm ghét, ham muốn, vô minh,
tự cao và ghen tị và biến chúng thành năm sự khôn ngoan. Khi đôi bàn tay trượt
trên mặt đến lúc ta đứng dậy, ta nghĩ: ''Xin cho ta gánh chịu mọi đau khổ của
chúng sinh để loại trừ chúng". Như thế mọi hành động thường nhật thay vì
tầm thường nhạt nhẽo sẽ trở nên một sự hành trì trên phương diện tâm linh.
Jean Francois: Tuy
nhiên, trong đời sống ở một tu viện Công giáo, thực tại duy nhất là Thượng đế.
Thế giới mà ta đang sống, "thế kỷ" như những người Công giáo thế kỷ
thứ 17 gọi nó chỉ là một sự làm lệch sự chú tâm đối với điều căn bản nhất:
Thượng đế. Như thế, đời sống tu hành nói chung là đời sống của kẻ đã lìa bỏ thế
gian để đến ở Port Royal như Pascal hoặc đến một tu viện như những người
Chartreux, là dẹp bỏ mọi hình thức vui chơi giải trí tức là những thứ làm mất
cảnh giác với tính phù du của lợi lộc, những thành công giả tạo, những sự thỏa
mãn tạm thời về tiền bạc hay danh vọng v.v… Người ta cố gắng gạt ra những giây
phút phù phiếm đó, để tập trung vào điều quan trọng duy nhất là sự tiếp cận với
Thượng đế. Những tu sĩ ở Grande Chartreuse rời thế gian để hoàn toàn chú tâm
vào Thượng đế không ngừng nghỉ và cũng không xao lãng. Vậy thì theo Phật giáo,
không chấp nhận Thượng đế thì đời sống tu hành lìa bỏ thế gian để làm gì? Và
nếu Phật giáo không phải là một tôn giáo, tại sao nó lại giống tôn giáo đến như
vậy?
Matthieu: Con
tưởng chúng ta đã nói qua về vấn đề này. Dù cho gọi nó là tôn giáo hay siêu
hình học cũng không có gì quan trọng. Điều duy nhất mà Phật giáo hướng tới là
sự giác ngộ mà Đức Phật đã thành tựu được. Điều này đòi hỏi một sự chuyển hóa
tâm linh sâu rộng thế thì ta có thể hiểu được những người có quyết tâm đi trên
con đường này sẽ dành hết thời gian cho việc tu tập. Ta cũng có thể hiểu được
những điều kiện bên ngoài có thể khuyến khích hay cản trở việc tu hành. Riêng
chỉ có kẻ đã giác ngộ thì hoàn toàn không bị ngoại cảnh chi phối, vì lẽ thế
giới hiện tượng dưới mắt anh ta là một quyển sách mà mỗi trang đều khẳng định
chân lý mà anh ta đã khám phá ra. Môt kẻ đã giác ngộ chẳng hề giao động trước
sự ồn ào của một thành phố lớn, cũng như ở trong am cốc nơi sơn dã. Nhưng đối
với kẻ sơ cơ, phải có điều kiện thuận tiện để phát huy sự tập trung và chuyển
hóa tư tưởng. Trong sự nhộn nhịp của đời sống thường nhật, sự chuyển hóa đó đòi
hỏi rất nhiều thời gian và dễ bị gián đoạn trước khi đạt đến sự thành tựu. Vì
vậy những Phật tử Tây Tạng phải trải qua nhiều năm trong các am cốc xa xôi. Mục
đích của họ là hướng về tâm linh và mục tiêu sau cùng là sự giác ngộ để sau đó
có thể giúp đỡ tha nhân.
Jean Francois: Con định
nghĩa giác ngộ như thế nào?
Mathieu: Đó là sự
khám phá ra thực tại tối hậu của bản thân và của mọi vật.
Jean Francois: Và trong
Phật giáo người ta quan niệm đức tin như thế nào?
Mathieu: Hiển
nhiên là từ đức tin có ý nghĩa rất hàm súc ở Tây phương. Người ta có thể phân
biệt bốn khía cạnh của đức tin. Đầu tiên là đức tin trong sáng hay cảm ứng là
loại đức tin được khơi dậy khi người ta nghe một lời dạy hay một chuyện kể về
cuộc đời Đức Phật hay của một vị thánh. Kế đó là một sự ngưỡng vọng, một ý muốn
được biết nhiều hơn và hành trì theo giáo lý noi theo gương của một vị thánh và
cố gắng đạt tới sự hoàn mỹ mà ông ấy biểu hiện. Thứ ba là một sự tự khẳng định
khi chính bản thân kinh nghiệm thành quả của con đường tâm linh đã đem đến cho
mình một sự an lạc càng ngày càng tăng trưởng giống như ta đi đến một xứ sở với
nhiều cảnh đẹp.
Sau cùng khi sự xác tín ấy không
bao giờ mâu thuẫn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người ta sẽ vững vàng trong
việc hành trì dù trong tình huống thuận lợi hay bất lợi để càng ngày càng tiến
bộ. Sự xác tín ấy trở thành một bản thể thứ hai. Đó là lòng tin bất thối
chuyển.
Tóm
lại đó là bốn giai đoạn trong đức tin Phật giáo. Đức tin đó không thể bỗng
nhiên mà có được, mà là một sự khám phá tiệm tiến, một nhận thức về thành quả
của một sự hành trì miên mật.