Chương 6.
Phật giáo và phương Tây
Jean Francois: Tất cả
các vấn đề mà chúng ta đã nêu ra, tất cả cái gì mà con đã trình bày về siêu
hình, về tri thức, về vũ trụ luận Phật giáo, những âm hưởng của các công trình
đồ sộ về triết lý, về siêu hình nói về thái độ đối với cuộc sống con người, tất
cả những điều đó là trọng tâm thảo luận sôi nổi giữa các tín đồ Phật giáo. Với
họ không phải là lịch sử triết học, lịch sử những tư tưởng mà là triết lý và
siêu hình đương đại, y hệt như thời Socrate và Platon ở Athenes vào thế kỷ thứ
5 và thứ 4 trước Thiên chúa. Những cuộc thảo luận công khai với tầm cỡ như vậy
đã biến mất ở phương Tây từ rất lâu. Những triết lý vẫn còn đó, nhưng không thể
hiện theo cách thế như vậy. Gần đây ở Paris
có xuất hiện một số triết gia ở quán café hội họp công khai và vào cửa tự do.
Nhưng mức độ các cuộc thảo luận không đi quá các quầy hàng. Dù phương Tây thành
công không chối cãi được trong nhiều lãnh vực, trong nhiều địa hạt có phải
chăng vì cái không khí trống rỗng thiếu những sự thảo luận nghiêm túc, mà Phật
giáo đã đem lại một sự tò mò thích thú cho Tây phương. Và điều này làm Ba nghĩ
đến một câu nói của Arnod Toynbee: “Một trong những sự kiện lý thú nhất của thế
kỷ 20 là sự kiện Phật giáo đến với Tây phương”.
Matthieu: Sự chú ý
đó có nhiều nguyên nhân. Trước tiên nó đem đến cho những ai muốn đi theo con
đường tâm linh, và chọn điều này làm lẽ sống, một sự minh triết và một giải
thuyết siêu hình sống động cùng với những phương tiện để thâm nhập vào sự minh
triết đó. Kế đó và chắc chắn là điều quan trọng nhất, nó mở ra cho mọi tín đồ
hay cả những người bàng quan một viễn ảnh về sự khoan dung, sự cởi mở, sự vị
tha và tự tin đồng thời nó cũng cho thấy đây là một khoa học tâm linh giúp con
người tìm được sự bình an trong tâm hồn, đồng thời cũng giúp cho kẻ khác thăng
hoa. Hơn nữa Phật giáo chỉ hiến dâng mà không hề áp đặt bất cứ điều gì, cũng
không bao giờ tìm cách cải đạo kẻ khác. Phật giáo chỉ chủ trương chia sẻ các
nhìn và kinh nghiệm của mình mà thôi.
Jean Francois: Không có
sự khuyến khích hay bắt buộc vào đạo nào chứ?
Matthieu: Đức Đạt
Lai Lạt Ma thường nói: ''Tôi không phải đến phương Tây để có thêm vài ba tín đồ
Phật tử, nhưng là để chia sẻ kinh nghiệm một nền minh triết mà Phật giáo đã
phát triển qua nhiều thế kỷ''. Và Ngài hay thêm vào đoạn cuối các bài giảng:
''Nếu các ông thấy cái gì có ích trong những gì tôi trình bày thì xin các ông
tùy nghi sử dụng, bằng không thì xin quên nó đi.'' Và Ngài thường bảo các Lạt
Ma Tây Tạng hay du hành: ''Các ông không nên quá ca ngợi Phật giáo, các ông chỉ
cần chia sẻ kinh nghiệm giữa con người và con người mà thôi.'' Hơn nữa khi
người ta cố gắng cải đạo cho một người nào, có thể là người ta thất bại và hơn
nữa, vô tình người ta làm cho người tín đồ kia giảm đi lòng tin vào đạo của
chính mình. Một cuộc vận động như vậy là nên tránh. Hay hơn hết là nên khuyến
khích tín đồ các tôn giáo khác, thâm nhập sâu hơn vào đạo của mình. Vấn đề là
làm cho mọi người đều thoải mái. Nhưng cũng không ngăn cấm những người thiết
tha muốn gia nhập Phật giáo vì một thiên hướng nào đó. Nếu như vậy họ cần phải
học hỏi và hành trì nghiêm túc để đi đến tận cùng con đường của mình giống như
một người đào giếng phải cố gắng đào cho đến khi thấy nước. Luôn luôn cởi mở và
khoan dung với các tôn giáo khác, tuy nhiên khi đã chọn con đường mình sẽ đi
thì phải quyết tâm đi đến cùng. Thật là vô ích khi ra công đào 10 cái giếng,
rồi bỏ dở giữa chừng mà không tìm thấy nước.
Vài trăm người Tây phương đã
thực hiện việc nhập thất trong 3 năm, 3 tháng, 3 ngày theo truyền thống Tây
Tạng. Trong 3 năm nhập thất đó, các hành giả cách ly với thế gian và hành
thiền. Trong 3 năm đó mỗi ngày họ học 1 hoặc 2 giờ triết lý hoặc các bản văn Phật
giáo về thiền định, đôi khi họ cũng học tiếng Tây Tạng. Thời gian còn lại, từ
sáng sớm cho đến khi hoàng hôn xuống họ cố gắng thâm nhập những gì đã học vào
con người của họ.
Jean Francois: Thâm
nhập vào con người của họ. Con người nào?
Matthieu: Hãy nói
rằng vào dòng tư tưởng của họ. Vấn đề là
làm sao cho điều họ đã học không là lý thuyết suông. Ta đã đề cập đến các kỹ
thuật nhằm thoát ra khỏi tư tưởng một khi chúng xuất hiện, để chúng không có
thời gian để hình thành, phát triển và chiếm lĩnh tâm trí.
Jean Francois: Thoát ra
hay là khép vào kỷ luật?
Matthieu: Chúng ta
đã thấy phải làm thế nào để kiểm soát tư tưởng bằng cách dùng những tình cảm
đối trị với những tình cảm tiêu cực (ví dụ lấy từ bi hóa giải hận thù), nhưng
người ta có thể dùng một phương pháp cơ bản hơn là khi một tư tưởng xuất hiện
hãy ngắm nhìn nó và nhận ngay rằng nó không chắc thật một chút nào cả. Ngay khi
ta chú ý đến nó, nó liền tan rã như một sắc cầu vồng trong không gian. Đó là
điều mà ta gọi là giải thoát hay tháo gỡ một tư tưởng, không để cho nó khởi
động một phản ứng dây chuyền. Những tư tưởng tan biến không để lại dấu vết, không
được nối tiếp bởi lời nói hay hành động, thường là biểu hiện thông thường của
một tình cảm như sân hận, ham muốn v.v... Dù trong trường hợp nào đi nữa, người
ta cũng không còn bị đặt dưới cái ách của tư tưởng. Người ta trở nên giống như
một kỵ sĩ lão luyện, ban đầu hơi khó khăn khi ngồi trên yên nhưng sau đó giống
như các kỵ sĩ Tây Tạng có thể cúi xuống để nhặt một vật khi đang phi nhanh mà
không ngã ngựa.
Jean Francois: Ở đây Ba muốn nói thêm một chút. Ba nhìn
nhận rằng Phật giáo đã trình bày các kỷ luật cá nhân một cách mới mẻ cho Tây
phương. Tuy nhiên, các kỷ luật ấy cũng không xa lạ gì với Tây phương. Trong các
triết thuyết Tây phương, người ta phân biệt rất rõ ràng giữa các tư tưởng vô tổ
chức và các tư tưởng có tổ chức. Người ta vẫn biết rằng một tư tưởng vô tổ chức
sẽ kéo theo nhiều tư tưởng khác một cách ngẫu nhiên và mặt khác, một tư tưởng
có tổ chức sẽ được hướng dẫn, điều khiển, ví dụ như tư tưởng toán học hay các
lập luận. Những người Tây phương là những nhà lý luận lớn. Từ Aristote đến
Bertrand Roussel qua Leibniz, nghệ thuật dẫn đạo tư tưởng không để nó trở thành
biến trình tư tưởng, luôn luôn là một kỷ luật được tuân theo qua các thời đại.
Đó cũng là mục tiêu chính của sự hình thành triết lý.
Matthieu: Ba tưởng
rằng các nhà toán học không có những tình cảm sai lạc sao? Con cầu mong cho họ
được như vậy. Dù sao, Phật giáo như con đã nói, không có ý định khám phá ra
điều gì mới lạ, nhưng trái với những truyền thống tâm linh và triết lý của thời
đại chúng ta, Phật giáo đem các hiểu biết về lý thuyết ra thực hành một cách
sống động và cương quyết. Chính cái khía cạnh thực hành có hiệu quả đó đã lôi
kéo những người chú ý đến siêu hình học, nhưng không biết làm sao để áp dụng nó
vào đời sống thường nhật.
Jean Francois: Phật
giáo có thể dành cho mọi người không, cho dù là những người không thích sống ẩn
cư hay sống trong các chùa chiền?
Matthieu: Đó lại
là một khía cạnh khác đáng chú ý. Không phải ai cũng có thể hay cũng muốn sống
ẩn cư ba năm hay sống trong một tu viện vì lý do gia đình hay nghề nghiệp. Nhưng
những phương pháp chuyển hóa tâm thức có thể được áp dụng từng giây phút trong
cuộc sống giúp cho cả những người bình thường được lợi ích đáng kể. Phật giáo
trước tiên là một khoa học tâm linh và có thể đáp ứng được rất nhiều vần đề xã
hội nhờ vào sự khoan dung, sự bất bạo động đối với chúng sinh và môi trường.
Với mỗi người dù là tu sĩ hay không, đều có chung một con đường. Ở châu Á, Phật
giáo tiếp tục có một sức sống mãnh liệt. Những người lưu vong Tây Tạng đã xây
cất lại những tu viện khi họ có thể làm được, dù rằng họ rất thiếu thốn. Các tu
viện này tràn đầy tín đồ, và giữa 130 ngàn người lưu vong Tây Tạng ở Ấn Độ, có
đến 1/10 lại tiếp tục sống trong các tu viện.
Jean Francois: Còn ở
Tây phương thì sao?
Matthieu: Phật
giáo gây nên một sự chú ý luôn luôn tăng trưởng dựa trên ý muốn một sự trao
đổi, một sự cởi mở. Người ta không học hỏi để trở thành Phật tử, mà đôi khi để
hiểu sâu hơn về đạo của mình, hay khám phá ra chân lý nội lực nhờ vào một vài
phương pháp trong Phật giáo.
Jean Francois: Có phải Phật
giáo là một đạo hỗn hợp không? Có nghĩa là lấy ở học thuyết này một ít, học
thuyết kia một ít. Đạo hỗn hợp không phải là đạo có mức độ tư tưởng cao siêu
nhất.
Matthieu: Chắc
chắn là không phải. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh rằng không ích lợi gì đặt một
cái đầu trâu trên thân một con cừu. Đạo hỗn hợp làm mờ nhạt, làm mất bản sắc
những truyền thống tâm linh mà nó muốn pha trộn. Con muốn nói đến một vài kỹ
thuật làm chủ tâm linh hay thiền định mà giá trị được công nhận tổng quát. Năm
1984, Đức Đạt Lai Lạt Ma được
mời một tuần lễ ở Anh quốc để chú giải về Phúc âm. Ban đầu Ngài tự bảo: ''Ta
phải làm sao đây, ta có bao giờ học Phúc âm đâu? Ta có thể nói gì được từ
nguyên tắc một vị Thượng đế sáng tạo mà chúng ta không đặt ra trong Phật giáo.
Điều này có vẻ khó giải quyết. Tuy nhiên ta cứ thử, tại sao không?” Và Ngài đã
chú giải một vài đoạn trong Phúc âm trước một cử tọa gồm có những tu sĩ và cả
những người vô thần. Điều đáng ngạc nhiên là trong khi người đọc và chú giải
kinh Thánh, những vị 1inh mục, những tu sĩ, những vị nữ tu đã cảm động bật khóc
và có cảm giác như mới nghe những đoạn kinh ấy lần đầu. Vì sao thế? Vì Đức Đạt
Lai Lạt Ma nói về tình thương, về lòng bác ái và những lời nói của Ngài 1à biểu
hiện trực tiếp kinh nghiệm bản thân của Ngài, Ngài đã sống đúng như những gì
Ngài đã nói. Người phương Tây rất cảm kích về khía cạnh sống động của truyền
thống. Tạng thư về sự sống và cái chết của Soygal Rinpotché đã xuất bản đến một
triệu ấn phẩm và dịch ra 26 thứ tiếng.
Jean Francois: Có phải
là một cuốn sách xưa, một cuốn sách cổ điển?
Matthieu: Không
phải, không phải là bản dịch cổ xưa ''Tử thư Tây Tạng'' giai đoạn chuyển tiếp
sau khi chết. Cuốn ''Tạng thư về sự sống và chết" là một sự giải thích đơn
giản và trực tiếp về nền minh triết Tây Tạng với những giai thoại về những cuộc
gặp gỡ của Soygal Rinpotché với các đạo sư nhưng thật ra đây là một quyển sách
về sự sống: Phải sống cuộc đời mình như thế nào? Phải đối mặt với cái chết như
thế nào? Làm thế nào để giúp đỡ những người hấp hối? Làm thế nào cho cuộc đời
có một ý nghĩa? Và làm thế nào để một cái chết yên lành là điểm cao của một đời
sống tốt.
Jean Francois: Cũng rất
đáng chú ý khi những triết gia thế hệ mới ở Pháp, càng ngày càng để tâm đến Phật
giáo. Ba hiện có trong tay quyển sách của Luc Ferry ''Con người là thần linh
hay là ý nghĩa của cuộc sống'' là một tiểu luận rất hay xuất bản năm 1996 và đã
thành công vang dội. Cuốn sách dựa vào quyển ''Tạng thư sống và chết'' và phát
triển một vài tư tưởng Phật giáo mà tác giả đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, ông ta
cũng nêu lên một sự bất đồng căn bản khi nói rằng: ''Tốt thôi. Một cuộc sống ẩn
dật, trốn tránh cuộc đời... ''Nhưng cho dù với rất nhiều lòng bác ái cho toàn
thể nhân loại nhưng điều đó cũng không giải quyết được vấn đề Auschwitz (dưới
thời Đức quốc xã) hay ở Bosnia (giữa người Albani và Nam Tư). Con có gì để trả
lời về sự bất đồng này.
Matthieu: Phải
đánh tan một sự hiểu lầm mà người ta cũng tìm thấy ở Đức giáo hoàng Jean Panl
II trong quyển sách của mình ''Bước qua ngưỡng cửa hy vọng'', ngài xác định rằng
theo Phật giáo cần phải cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài và dần dần
với sự thoát ly ấy chúng ta sẽ trở thành lạnh nhạt với tất cả mọi thứ trong
cuộc đời. Ngài miêu tả Niết Bàn như một sự vô cảm đối với thế gian. Những điều
đó hoàn toàn trái ngược với Phật giáo, nhưng có thể tha thứ được vì người ta
thiếu thông tin. Vì lẽ mục đích của Phật giáo là đạt tới một sự hiểu biết tối
hậu về thế giới hiện tượng trong cũng như ngoài. Trốn tránh thực tại không giải
quyết được gì. Niết Bàn hoàn toàn trái ngược với sự vô cảm đối với thế gian, đó
lại 1à tình thương và lòng bác ái với toàn thể chúng sinh. Một lòng nhân ái vô
biên đến từ sự minh triết, từ sự nhận ra 1à ở mỗi chúng sinh đều có Phật tánh,
và cái lòng nhân ái đó không hạn chế vào vài loại chúng sinh nào, như trường
hợp tình yêu bình thường. Cái điều duy nhất mà ta phải cắt đứt đó là sự dính
mắc ngây thơ và duy ngã vào những sự mê hoặc của dục lạc, của chiếm hữu, của
quyền lực v.v...
Jean Francois: Jean
Paul II cũng nghĩ rằng theo Phật giáo, việc xa rời các giác quan cũng là một
mục tiêu cần phải đạt đến.
Matthieu: Mục đích
là không còn phải lệ thuộc vào giác quan và như vậy không còn đau khổ giống như
con thiêu thân lao vào ngọn lửa. Kẻ nào đã rời bỏ mọi dính mắc, có thể hưởng
thụ vẻ đẹp tuyệt vời của thế gian, và còn có thể trở lại đó để phát huy lòng từ
ái vô biên mà không bị những tình cảm lệch lạc sai sử nữa.
Jean Francois: Đức Giáo
hoàng khẳng định rằng theo Phật giáo sự giải thoát là giải thoát khỏi cái ác
nhờ vào sự từ bỏ thế gian là nơi bắt nguồn cái ác.
Matthieu: Tất cả
đều tùy thuộc ở chỗ ta hiểu thế nào là thế gian. Nếu đó là thế gian bị qui
định, đau khổ cho những ai bị vô minh che lấp, thì có ai là không muốn giải
thoát? Nhưng thế gian tự nó không xấu vì đối với một kẻ giác ngộ như Đức Phật
thì đó là một sự trong sáng vô biên, một sự hoàn mỹ không bao giờ hư hoại.
Nhưng nói theo Jean Paul II rằng thần bí học Carmel bắt đầu khi tư tưởng Đức
Phật chấm dứt thì có vẻ hơi phiến diện đấy. Làm thế nào để thẩm xét từ bên
ngoài, sự thâm sâu của giác ngộ nơi Đức Phật. Kinh điển Phật giáo có ghi lại
lời của Đức Phật khi người chứng ngộ: ''Chân lý mà ta nhận biết đó rất sâu xa,
tĩnh lặng, không bị qui định, sáng ngời và ra ngoài mọi tạo tác của tâm thức.
''Điều này hoàn toàn khác hẳn một tư tưởng đơn thuần. Đức Giáo hoàng đã nhắc
lại một tri kiến lỗi thời dựa trên bản dịch các văn bản Phật giáo vào thế kỷ 19
và đầu thế kỷ 20. Dựa trên những hiểu biết không đầy đủ, tác giả các bản dịch
đó chỉ ghi lại sự chú tâm của Đức Phật vào nỗi khổ của con người, và họ chỉ
hiểu rằng chấm dứt đau khổ là một sự tắt ngấm, trong khi đó là một sự tỉnh thức
lợi cho mình và cho người. May mắn thay nhiều tín đồ Thiên chúa siêu việt như
Thomas Merton, tu sĩ thời danh người Mỹ dòng Trappes (khổ hạnh) mà các tác phẩm
rất phổ biến ở Mỹ đã được Giáo hoàng Jean 23 phái đi Á Đông đã đánh giá rất cao
Phật giáo. Thomas Merton đã chịu khó nghiên cứu cốt tủy của Phật giáo. Sau một
thời gian gần gũi các đạo sư Phật giáo, ông đã viết trong quyển ''Nhật ký Á
châu'': ''Chắc chắn rằng tôi sẽ hạnh phúc được biết thêm nhiều điều qua kinh
nghiệm. Tôi nghĩ rằng Phật tử Tây Tạng là những người duy nhất cho đến nay đã
tập hợp được một số đông tín đồ thành tựu được những đỉnh cao về thiền định''.
Trong cuộc hội họp tôn giáo về
Phúc âm mà con đã đề cập trước đây theo lời của cha Laurence Freeman, một con
người gương mẫu trong đối thoại thì Đức Đạt Lai Lạt Ma với sự cởi mở thường lệ
đã nói: “Tôi nghĩ rằng giữa truyền thống Phật giáo và Công giáo có một sự hội
tụ đặc biệt, và một tiềm năng phát huy hỗ tương do đối thoại nhất là trong địa
hạt đạo đức, kinh nghiệm tâm linh cũng như lòng bác ái, tình thương, thiền định
và sự tiến bộ trong khoan dung độ lượng. Tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại đó có thể
đi rất xa và đạt đến một mức độ rất sâu sắc.” Nhưng đồng thời ngài cũng lưu ý
thính giả về xu hướng một sự hỗn hợp tôn giáo rất đỗi vô ích.
Jean Francois: Nói về
tình yêu đồng loại, những tôn giáo lớn từ khởi thủy đã có hai đối tượng để thù
ghét: Những người dị giáo và những kẻ cuồng tín. Và họ không ngần ngại tàn sát
những hạng người này.
Matthieu: Theo Phật
giáo, khinh rẽ những tôn giáo khác là một trọng tội, dù cho người ta có không
đồng ý về vài quan niệm siêu hình.
Jean Francois: Đôi khi
người ta nghe nói: '' Phật giáo có thể làm được gì trong việc đem lại hòa bình
cho thế gian?'' Đó là một triết lý của sự cởi bỏ ràng buộc, và do đó người ta
không còn quan tâm đến xã hội. Những tu sĩ sống biệt lập trong những rừng núi
và cầu nguyện cho mọi người nhưng thực tế họ không làm gì được cho nhân loại,
họ chỉ lo tu sửa để hoàn thiện bản thân của họ và như vậy thì có lợi ích gì cơ
chứ?
Matthieu: Người tu
nhập thất xa lánh thế gian để củng cố sức mạnh tâm linh ngõ hầu phục vụ kẻ khác
hữu hiệu hơn. Con đường tâm linh bắt đầu bằng một sự chuyển hóa nội tâm, và một
khi họ đã thành tựu điều này thì hành giả mới có thể góp sức hữu hiệu vào sự
cải tạo xã hội.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng sự
giải giới bên ngoài không thể thực hiện được trừ phi có cuộc giải giới trong
lòng mọi người. Nếu cá nhân không yêu hòa bình, thì xã hội cộng đồng của những
cá nhân ấy, cũng không thể yêu hòa bình được. Những cá nhân noi theo và nuôi
các ý tưởng Phật giáo không thể quan niệm nỗi việc làm hại người khác. Một xã
hội bao gồm đa số là Phật tử đích thực, không bao giờ khởi hấn chiến tranh.
Jean Francois: Vậy là
mục tiêu của một nền hòa bình trường cửu chỉ có thể thực hiện được nhờ vào sự
chuyển hóa cá nhân?
Matthieu: Ngược
lại là điều không tưởng. Sự chuyển hóa cá nhân dĩ nhiên là phải bao gồm cả cấp
lãnh đạo. Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn luôn nhấn mạnh đến sự kiện không thể chấp
nhận được là các quốc gia Tây phương mãi lo buôn bán vũ khí mà quên rằng họ có
thể bị bắn trở lại bằng chính các vũ khí đó. Không thể chấp nhận được là các
quốc gia Tây phương tự cho mình là văn minh và có ý định thiết lập một nền hòa
bình thế giới lại đi bán những dụng cụ giết người vì lý do thương mại. Cũng
không nên quên rằng 90% các vũ khí bán ra cho các nước đang phát triển, xuất
phát từ 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Thật là một
biểu hiện đạo đức giả đối với các nước tự cho mình là vô địch trong việc bảo vệ
hòa bình và dân chủ.
Khi buôn bán vũ khí như vậy, họ
chỉ phát động thêm hiểm họa chiến tranh mà thôi. Các nhà máy của hãng Fiat chế
tạo hàng loạt loại mìn sát thương, và bây giờ họ lại nghĩ đến việc chế tạo ra
các loại mìn bằng chất dẻo để khỏi bị phát hiện. Và chắc là ông tổng giám đốc
và các cổ đông hãng Fiat sẽ rất hài lòng về số đàn bà và trẻ con đã giẫm lên
các quả mìn đó trong nhiều năm có chiến tranh. Và hãng Fiat lại có thể thủ lợi
thêm nữa bằng cách bán chân tay giả cho những người sống sót. Lẽ ra các hãng đó
chỉ nên bằng lòng với việc bán ô tô và máy tính mà thôi.
Jean Francois: Ba hoàn
toàn đồng ý. Thật là kinh khủng.
Matthieu: Bây giờ
lại nói về môi trường. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói đến một sự bất bạo động không
những đối với con người mà cả đối với thiên nhiên. Ở Bhoutan, đánh cá và săn
bắn bị hoàn toàn cấm chỉ, đó là một tấm gương tốt trong việc thực hiện các lý
tưởng Phật giáo trong một xã hội. Một quốc gia Phật giáo sẽ không ngần ngại ngăn
cấm việc dùng các tấm 1ưới dài 40 cây số để bắt tất cả mọi loại cá, cả cá heo
và tàn phá môi trường thủy sản. Tất cả những sự cuồng sát đó chẳng qua là vì
lợi nhuận và vì con người tự cho mình là có quyền giết hại vô số động vật, đơn
giản là vì mình có khả năng làm việc đó.
Jean Francois: Liên
hiệp Âu châu đã cấm chỉ các loại lưới đó.
Matthieu: Nhưng
Nhật Bản và Đài Loan tiếp tục tàn hại các đại dương.
Jean Francois: Trong
tất cả những gì con vừa nói, có vài điều thuộc riêng về Phật giáo, một vài điều
khác cũng đã được những người có thiện chí nêu lên. Các ý niệm thành lập một
lực lượng đa quốc gia để kiểm soát những lực lượng quốc gia, đã là ý niệm của
Hội Quốc Liên sau hai cuộc thế chiến, đó cũng là ý niệm của Liên hiệp quốc ngày
nay và cũng là của Liên hiệp châu Âu muốn xây dựng một thứ quân đội Âu châu gồm
nhiều quốc gia. Lý tưởng đó luôn trở đi trở lại. Cũng như có những cuộc họp
định kỳ về giải giới. Nhưng đi xa hơn là điều con đã lưu ý rằng không thể ngăn
được các nhóm sắc tộc tàn sát lẫn nhau như ở Bosnia, ngày nào người ta chưa
chuyển hóa được con người, chưa biến từng con người thành bất bạo động. Nhưng ở
đây thì các triết lý về sự cải tạo bản chất con người rất nhiều. Ba còn có thể
nói rằng tất cả những nền minh triết, những tôn giáo lớn đều có đề cập đến
những khả năng đó. Và cho đến bây giờ là một sự thất bại hoàn toàn! Các ý niệm
biến con người, từng cá nhân một, trở nên yêu chuộng hòa bình, để cho toàn thể
nhân loại trở thành thù nghịch với bạo động, là một việc trên thực tế không thể
thực hiện được. Ít ra là trong thế kỷ hiện nay, chúng ta không tiến bộ chút nào
trên con đường này.
Matthieu: Đúng
vậy, nhưng mặt khác việc cải tạo từ bên ngoài bằng cách áp đặt lên những cá
nhân cứng đầu, ngoan cố những luật lệ gắt gao, ngay cả một thể chế độc tài
không những không thực hiện được, mà lại còn băng hoại ngay tại gốc rễ. Người
ta có thể hà khắc một thời gian nào đó, nhưng sau đó những kẻ bị áp bức, luôn
luôn bày tỏ sự bất bình và tìm cách thoát khỏi những kẻ áp bức bằng hòa bình
hay bạo động. Họ sẽ tìm các tự võ trang và sử dụng vũ khí.
Jean Francois: Có thể
chăng một thái độ như vậy được toàn thể nhân loại chấp nhận? Phật giáo luôn
luôn ghê sợ phải dùng đến bạo lực để áp đặt quan điểm của mình, hay để tự bảo
vệ. Ngược lại những tôn giáo lớn mà chúng ta đã biết thường quay lưng lại với
lý tưởng của họ. Cơ đốc giáo cũng đặt nền tảng trên sự bất bạo động, Đấng Christ
đã chẳng nói: ''Nếu ai tát má phải của ngươi, hãy đưa nốt má trái ra và hãy
thương yêu lẫn nhau.'' Mặc dù thế, nhà thờ đã dùng thời gian để tận diệt những
kẻ không chịu cải đạo, cũng như những kẻ cuồng tín dám cả gan chống đối lại đức
Giáo hoàng như vào thời Galileé khi nhà bác học này chủ trương trái đất xoay
chung quanh mặt trời, trái với quan niệm tòa thánh. Vì vậy cái khả năng con
người làm trái lại với lý tưởng của họ, luôn luôn xuất hiện trong lịch sử. Ba
tự hỏi điều này có giới hạn ảnh hưởng của Phật giáo đối với phương Tây hay
không?
Matthieu: Cũng có
thể là những người muốn tìm hiểu Phật giáo đã cố gắng đưa vào phương Tây những
nguyên tắc khoan dung của Phật giáo, đã làm cho họ được nhiều cảm tình hơn. Dù
sao đi nữa phải tự thanh tịnh lòng mình- giải giới nội tâm rồi đến sự bình an-
trong gia đình, trong làng mạc, rồi rộng ra cả quốc gia và ảnh hưởng vượt qua
biên giới.
Khi
trình bày như vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma hy vọng giúp đã mọi người tìm lại đúng
những truyền thống tâm linh của chính họ. Như vậy thái độ của chúng tôi không
phải là của các nhà truyền giáo. Sự trở lại các hình thức tôn giáo cực đoan là
do thiếu vắng các truyền thống tâm linh. Thái độ cực đoan trong tôn giáo là
thiếu khôn ngoan, thiếu sáng suốt là vì ta phải hướng dẫn những người lầm lạc
thay vì loại bỏ họ.