Chương 7.
Nguồn gốc của bạo động
Jean Francois: Những
điều chúng ta vừa đề cập đưa đến một vấn đề siêu hình, vấn đề cái ác. Về vấn đề
này, Ba muốn biết lập trường của Phật giáo, vì lẽ đặc trưng của các tôn giáo
lớn cũng như của các nền triết học Tây phương là chấp nhận đặt vấn đề cái ác.
Nghĩa là chấp nhận ý niệm có cái ác trong lòng mỗi con người. Đây là một vấn đề
siêu hình và đạo đức lớn, cũng là của các tôn giáo lớn và các triết lý lớn, đặc
biệt là trong Cơ đốc giáo mà ý niệm tội ác dính liền với ý niệm tội tổ tông. Và
trong các triết thuyết lớn- triết thuyết Decartes, Lelbniz- cái ác đặt ra một
vấn đế đáng lo ngại chỗ các triết gia vốn là tín đồ Cơ đốc, và hệ thống triết
lý của họ đặt nền tảng trên ý niệm một Thượng đế toàn năng tiêu biểu cho trí
huệ tuyệt đối và lòng nhân ái vô biên. Làm thế nào một Thượng đế như vậy lại
cho phép cái ác xuất hiện và tồn tại? Đó là một vấn đề đã đặt ra một rào cản
không thể vượt qua cho các triết gia, cũng như cho các nhà thần học, và đã
không được giải quyết thỏa đáng trong bất cảnh siêu hình mà nó được đặt ra. Tất
cả giải pháp mà người ta đã đề nghị để vượt qua sự mâu thuẫn đó đều không thỏa đáng.
Phật giáo nghĩ gì về cái ác sẵn có ở mỗi con người?
Matthieu: Không,
trên căn bản cái ác không hiện hữu vì lẽ bản chất tối hậu của mọi chúng sinh là
hoàn hảo. Sự hoàn hảo này vẫn nằm sâu trong lòng chúng ta và bị che lấp bởi vô
minh sân hận và tham ái. Vấn đề cái ác thật khó giải quyết với những người xem
sự sáng tạo như là công cụ của Thượng đế, và như vậy xem Thượng đế như phải
chịu tránh nhiệm về cái ác cũng như cái thiện. Theo Phật giáo, Phật tánh ở
trong mọi chúng sinh giống như dầu ở trong hạt mè. Phật tánh có thể bị ngăn
che, nhưng chỉ cần được phát hiện, được biểu lộ khi ta vén mở bức màn vô minh,
và những tình cảm lệch lạc do vô minh gây nên. Những bức màn vô minh đó không
thuộc Phật tánh, chúng chỉ ngăn che chứ không làm mất đi Phật tánh đó. Tuy
nhiên rất dễ dàng để đánh lạc hướng Phật tánh đó và rơi vào trong những tư
tưởng nhị nguyên, tiêu cực biểu lộ bằng những lời nói và hành động mang lại đau
khổ.
Thật ra không có đối nghịch giữa
cái thiện và cái ác, nó chỉ tùy theo cách chúng ta nhìn sự vật. Nó chỉ là một
thứ ảo giác. Cái sai không thật có và cũng không phải là yếu tố tạo thành cái
đúng. Cái ác chỉ là một sự sai lầm, cũng như một sự sai lầm là do nhận định sai
thực tế. Sự lầm lẫn, sự thật tương đối trong đó chúng ta sống, là do một sự
chia chẻ của sự thật vì lẽ chúng ta không nhìn thấy được y nguyên của sự vật và
các hiện tượng. Cái ác chỉ có theo một hình thái ảo tưởng và khi chúng ta giác
ngộ được Phật tánh, thì ta sẽ nhận ra sự sai lầm là không hề có.
Jean Francois: Như vậy
không phải như bên Cơ đốc giáo con người không rơi vào tội Tổ tông.
Matthieu: Không hề
có tội Tổ tông, mà chỉ là sự quên đi Phật tánh và khi quên đi Phật tánh thì có
ta có người, với mọi sự thương ghét vị ngã đem lại đau khổ.
Jean Francois: Vậy thì
những tình cảm tiêu cực từ đâu tới nếu người ta bản nguyên là thiện.
Matthieu: Thật ra
tình cảm và đau khổ không hề xảy ra vì lẽ không có gì là chắc thật, và khi
người ta đạt đến giác ngộ, người ta như tỉnh dậy sau một cơn ác mộng. Vô minh
không hề có. Một bậc giác ngộ như Đức Phật xem vô minh của con người giống như
là một người có thể đọc được tư tưởng của một kẻ đang ngủ sắp rơi vào ác mộng:
Ngài biết bản chất của cơn ác mộng, và Ngài không bị nó lừa gạt.
Jean
Francois: Nói hay đấy! Dù cái ác có không thật, nó cũng hành
hạ chúng ta. Nếu mọi thứ bản nguyên là tốt thì cái ác từ đâu ra?
Matthieu: Đúng là
cái ác có biểu hiện, nhưng nó không thật có. Nếu người ta nhận lầm một sợi dây
là con rắn, con rắn không có thật, chỉ do tưởng tượng ra và chỉ có trí huệ mới
làm tan biến vô minh. Ta có thể rửa sạch một miếng vàng, chứ ta không thể làm
trắng một hòn than được.
Jean Francois: Dù rằng
cách trình bày không giống nhau trong Cơ đốc giáo và trong bộ môn siêu hình học
cổ điển thế kỷ l7 và đầu thế kỷ 18, vấn đề cũng gần giống như nhau. Các triết
gia Tây phương rất khó khi phải giải thích là một Thượng đế tràn đầy nhân ái
lại có thể cho phép cái ác xuất hiện ở thế gian. Dù người ta có nói rằng cái ác
chỉ là một ảo tưởng, điều này thật sự không thỏa đáng.
Matthieu: Khi
người ta chưa nhận ra bản chất thật sự của sự vật, thì người ta chỉ nhận biết
được những biểu hiện của chúng. Thể nhị nguyên ta và người, đẹp và xấu, ưa và
ghét, tạo nên một dây chuyền tình cảm lệch lạc. Vô minh xuất hiện như một tấm
màn ngăn che khiến con người quên đi và hành động ngược lại với Phật tính vốn
có. Cũng giống như một ảo ảnh thúc đẩy tâm làm hại tâm, làm hại chính bản thân
mình và người.
Jean Francois: Vậy thì
tại sao những tư tưởng tiêu cực những mầm mống ác đó lại xuất hiện được. Nếu
con người bản nguyên là thiện thì làm sao các ác lại có thể biểu hiện được.
Matthieu: Nếu khi
nhìn mặt trăng mà ta đè lên hai
nhãn cầu ta sẽ thấy hai mặt trăng. Không ích gì để tìm hiểu ai hoặc cái gì đã
làm ra mặt trăng thứ hai. Tuy nhiên hãy tưởng tượng một kẻ luôn đè lên mắt mình
và như vậy hắn tin rằng có hai mặt trăng. Theo hắn đó là chân lý và hắn sẽ dựng
lên đủ mọi lý thuyết về nguồn gốc và bản chất của mặt trăng thứ hai. Nhưng đối
với kẻ bình thường thì vấn đề không bao giờ đặt ra, tuy vậy hắn cũng khó mà thuyết
phục được kẻ kia nếu anh ta không ngưng lại việc đè lên mắt mình. Vô minh hay
nguồn gốc của tội ác và đau khổ luôn luôn có khả năng muốn biểu hiện. Vô minh
nằm ngay trong nhận thức nhưng không thuộc bản nguyên của nhận thức. Do đó khi đạt
tới giác ngộ, thì thật ra không có điều gì xảy ra cả. Đây là một vấn đề rất khó
giải thích nói đơn giản hơn, vô minh là một sự hiểu lầm ngẫu nhiên đã tạo ra
một chuỗi ảo tưởng giống như một cơn ác mộng không làm kẻ đang ngủ say thay đổi
vị trí, tuy nhiên hắn vẫn thấy hoảng sợ trong tâm. Và kẻ đã tỉnh giấc thì cũng
không cần được giải thích là những điều hắn đã trải qua đều là hư ảo.
Jean Francois: Nhưng
những sự kiện không có thật đó vẫn làm hắn đau khổ như thường kia mà.
Matthieu: Đúng
vậy, dù là ở trong mộng con người vẫn cảm thấy đau khổ và cần phải thoát ra. Và
như vậy biện minh cho các hành động vị tha, giúp đỡ kẻ khác và tìm học thiền
định để giảm bớt hận thù và các nguyên nhân khác của đau khổ. Mà đau khổ thì
xuất hiện theo luật nhân quả, là kết quả của nghiệp thân, khẩu, ý. Dù có đau
khổ đến đâu thì Phật tính cũng không thay đổi. Vàng không bao giờ bị biến chất
dù có bị chôn sâu vào lòng đất, và mặt trời vẫn chói sáng dù cho có bị mây che.
Jean Francois: Câu trả
lời không làm Ba hài lòng chút nào. Nó tương tự như câu của Leibniz để giải
thích sự mâu thuẫn trong một thế giới đầy dẫy cái ác trong khi Đấng sáng tạo ra
thế giới ấy là hiện thân của lòng nhân ái. Người ta cố gắng giải thích sự xuất
hiện của cái ác như là ngẫu phát chứ không do chính Thượng đế gây nên. Nhưng
giữa hai điều phải chọn một: hoặc là Thượng đế toàn năng thì Ngài phải chịu
trách nhiệm về cái ác, hoặc là Ngài không phải là Thượng đế.
Matthieu: Đấy là
một lập luận mà Phật giáo dùng để bác bỏ quan
niệm một Thượng đế toàn năng.
Jean Francois: Leibniz,
với một sức tưởng tượng siêu hình phong phú, đã dựng lên một lý thuyết thời
danh về một thế giới hoàng kim mà Voltaire đã chế riễu trong quyển Candide. Còn
triết gia Manès thì khẳng định rằng có hai thế lực khác nhau và độc lập trong
thế gian này, đó là cái thiện và cái ác thuyết này đã bị Nhà Thờ lên án, và
không được các triết gia khác như Kant công nhận. Đây là một vấn đề siêu hình
rất khó giải quyết thỏa đáng. Dù sao thì Phật giáo khác Cơ đốc giáo ở chỗ không
nhìn nhận có tội Tổ tông.
Matthieu: Thật ra
cái gọi là tội lỗi không thật sự hiện hữu. Do đó không có hành động hay tư
tưởng tiêu cực nào mà không có thể tẩy rửa, thanh lọc hay sửa đổi.
Jean Francois: Mặt khác
thì Thượng đế không thể bị tố cáo là tác giả của cái ác vì Thượng đế không hiện
hữu.
Matthieu: Chính
chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về các nỗi đau khổ của chúng ta. Chúng ta
thừa hưởng quá khứ và làm chủ tương lai. Hơn nữa điều quan trọng không phải là
khía cạnh siêu hình của cái ác và những đau khổ mà nó đem đến, mà chính là
phương cách mà chúng ta khắc phục nó.
Một ngày nọ, Đức Phật cầm một
nắm lá trong tay và hỏi các đệ tử: ''Lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng
nhiều?” Các đệ tử trả lời rằng dĩ nhiên là lá trong rừng nhiều hơn. Đức Phật đã
nói tiếp: ''Những điều ta biết như lá trong rừng nhưng ta đã không nói ra, vì
có những điều không ích lợi cho việc chấm dứt đau khổ và đạt đến giác ngộ''.
Jean Francois: Nếu con
người bản nguyên là thiện thì làm sao giải thích về bạo lực trên thế gian này?
Matthieu: Ta có
thể hiểu Phật tính như một trạng thái quân bình ở con người, và bạo lực là sự
mất đi cái quân bình đó. Bằng chứng là bạo lực không nằm trong Phật tính vì lẽ
nó đem lại đau khổ vừa cho người bị hại, vừa cho kẻ hại người. Mơ ước sâu xa
của con người là sống hạnh phúc. Và người ta đã chẳng nói, khi một người nổi
cơn thịnh nộ là hắn đã quên mất mình hoặc là hắn không còn là con người của hắn
nữa. Làm hả lòng căm ghét bằng cách giết một con người không bao giờ đem lại
một sự an bình, một sự thoải mái mà chỉ là một cảm giác khoái trá ngắn ngủi.
Trái lại, kẻ sát nhân luôn bị bấn loạn, lo âu và đôi khi còn đưa đến việc tự
sát nữa.
Người ta cũng có thể trở nên vô
cảm với tội ác giống như các trẻ em Phi châu mà bọn lính đánh thuê đã buộc các
em phải giết hại người thân để tiêu diệt ở các em mọi nguồn cảm xúc và biến các
em thành những kẻ giết người không gớm tay. Người ta thường bảo các tên sát
nhân chuyên nghiệp là chúng không còn một chút gì thuộc về con người. Ngược
lại, có những kẻ thù không đội trời chung bỗng chốc hòa giải được với nhau và
họ sẽ cảm thấy cùng với một sự nhẹ nhõm là một niềm phúc lạc lớn có lẽ đến từ
Phật tính sẵn có của họ.
Jean Francois: Ba không
quá lạc quan như con về sự hối tiếc của các tên đại sát nhân. Hitler đã tự vẫn
vì thua trận không phải vì hắn hối tiếc những việc đã làm. Sự hối tiếc đưa đến
tự sát của các tên giết người là rất hạn hữu.
Matthieu: Không
phải là sự hối tiếc, mà là sự đau khổ, sự mất hoàn toàn an tịnh nội tâm.
Jean Francois: Ba rất
bi quan về việc tận diệt cái ác. Trái với Rouseau, Ba tin rằng con người vốn dĩ
ác và chính xã hội mới biến nó thành thiện, nếu xã hội đó dựa vào luật pháp.
Thỉnh thoảng có một vài mẫu xã hội khiến con người bớt đi cái ác. Vì sao? Vì
cái ác là không hợp lý.
Matthieu: Con sẽ
nói rằng trái với luật tự nhiên. Dù cho là các sự tranh chấp lãnh thổ, nguồn
nước, mọi nguyên nhân gây ra xung đột trên thế giới đến từ ý niệm người ta làm
hại tôi và rồi căm ghét và thù hận đi theo liền đó. Vậy là ta cần làm chủ tư
tưởng của ta, để chúng không phát triển khiến ta phải hành động sai quấy. Cũng
giống như ta phải dập tắt ngay ngọn lửa khi nó phát khởi, trước khi cả khu rừng
bốc cháy.
Jean Francois: Nhưng
làm sao cắt nghĩa được con người thích xa rời Phật tánh hơn là gần gũi nó.
Matthieu: Một ngạn ngữ Đông phương có nói: ''Với sự kiên
nhẫn, thì vườn cây ăn trái sẽ biến thành mứt.'' Dù biết rằng cần rất nhiều thời
gian, nhưng thật sự ta không có cách nào khác. Nếu đau khổ luôn xuất hiện, cách
duy nhất để thoát khổ là cải tạo lại con người. Sự cải tạo sẽ lan rộng từ cá
nhân đến gia đình, đến làng xã và đến xã hội. Điều này có thể thực hiện. được
nếu mỗi người biết cố gắng góp công sức, nêu tinh thần trách nhiệm đối với nhân
loại được xiển dương rộng rãi.