Kết luận
KẾT LUẬN CỦA VỊ TRIẾT GIA
Tôi đã rút ra được bài học nào
từ những cuộc đối thoại nêu trên. Chúng đã mang đến cho tôi điều gì? Một mặt nó
làm cho tôi càng ngày càng thán phục Phật giáo như là một sự minh triết. Mặt
khác nó làm cho tôi càng hoài nghi về một Phật giáo siêu hình. Nó cho phép tôi
hiểu được sự cuốn hút của Phật giáo đối với xã hội Tây phương. Vì lẽ Phật giáo
đã lấp đầy được một cái hố tạo nên do sự thiếu vắng một nếp sống khôn ngoan và
đạo đức. Từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên cho đến cuối thế kỷ thứ 16 sau Công
nguyên, nền triết học Tây phương đã theo hai nhánh chủ đạo: Nhánh thứ nhất dành
cho việc tìm hiểu thái độ con người với cuộc sống và nhánh thứ hai là tìm hiểu thiên
nhiên. Giữa thế kỷ l7, triết học từ bỏ nhánh thứ nhất, còn nhánh thứ hai thì
dành cho khoa học. Triết học chỉ còn dành cho sự tìm hiểu các hiện tượng siêu
nhiên, tức là khoa siêu hình học vào khoảng thời gian đầu tiên của triết học Hy
Lạp, Heraclite cho rằng không cần phải biết nhiều mới là một người hiền được.
Triết học là để giúp con người trở nên đứng đắn mực thước biết vươn tới hạnh
phúc bằng một sự sống gương mẫu và giáo dục kẻ khác bằng sự minh triết mà mình
đã có được. Người Hy Lạp đi tìm sự minh triết do giá trị thực tiễn của nó.
Người hiền tốt, công bằng lại vừa có nhiều mưu chước. Triết học do đó là một sự
cải tạo toàn diện cuộc sống, và cũng vì thế mà Phật giáo đã có đất phát triển
mà không có đối thủ. Không nghi ngờ gì kể từ Socrate, Platon và Aristote cho
đến thế kỷ thứ V và thứ IV trước Công nguyên, lý thuyết giữ vai trò chủ động và
được xem như chỗ dựa về sự biện minh của minh triết. Tri kiến và minh triết chỉ
là một. Một đời sống tốt vẫn có thể có, và sự nhận ra chân lý gồm có việc tìm hiểu
cuộc đời và nếu có thể cả bên kia cuộc đời. Việc phối hợp giữa sự trầm tư để
tìm chân lý và sự vươn tới hạnh phúc nhờ vào minh triết được liên tục tìm thấy
trong chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa hưởng lạc để kết thúc vào cuối thế kỷ 17
với quyển ''Đạo đức của Spinoza''. Và từ đây câu nói của Socrate ''ta phải sống
như thế nào'' bị bỏ dở. Và ngày nay triết lý phải nhường chỗ cho khoa học mà
khoa học thì cứ phát triển mà không cần đến đạo đức hay trí tuệ. Người ta có
thể chứng minh rằng các nhà khoa học về mặt đạo đức và chính trị, còn ít sáng
suốt, ít e dè hơn là một số người trung bình. Và chính sự sụp đổ của các lý
thuyết không tưởng, mà thời đại ngày nay mới bắt đầu quay về tìm lại sự minh
triết trong đời sống. Và Phật giáo đã chỉ ra rằng sự cố chấp, sự không khoan
nhượng không bao giờ đưa đến cái tốt, cái đẹp trong chính trị cũng như trong
đạo đức.
Qua những cuộc đối thoại này, sự
tĩnh lặng trong Phật giáo là một huyền thoại. Đó là một sự khám phá bất ngờ của
tôi, và Phật giáo đã dạy cho tôi rất nhiều điều hữu ích. Ngược lại, con tôi đã
không thuyết phục được tôi về phần siêu hình trong Phật giáo vì lẽ tôi cho Phật
giáo là một triết lý không phải là một tôn giáo, mặc dù cũng có đầy đủ các nghi
thức tôn giáo. Nói thẳng ra, lý thuyết Phật giáo về cõi bên kia đã không được
chứng minh và cũng không thể chứng minh được. Và mặc dù đánh giá rất cao về nền
minh triết Phật giáo, tôi chỉ chấp nhận mặt thực tiễn của nó cũng như đối với
thuyết khắc kỷ và thuyết hưởng lạc. Theo tôi, tình thế có thể tóm tắt như sau:
Phương Tây đã phát triển mạnh về khoa học nhưng không còn đạo đức và minh triết
khả dĩ chấp nhận được. Phương Đông đem lại cho chúng ta đạo đức và những chỉ
dẫn để có một đời sống tốt, nhưng lại thiếu căn bản lý thuyết, trừ ra về mặt
tâm lý học mà tâm lý học không phải là khoa học. Thật là vô ích khi người ta co
rút ra từ sự hiểu biết một nền đạo đức và một nghệ thuật sống. Sự minh triết
không nằm trên một thực tế khoa học nào cũng như một thực tế khoa học cũng
không đem lại sự minh triết. Tuy nhiên cả hai đều hiện hữu, tuy tách rời, nhưng
cần thiết và bổ túc cho nhau.
KẾT LUẬN CỦA NHÀ SƯ
Cái gì thật sự có ích cho con
người? Khoa học, tâm linh, tiền bạc? quyền lực? thú vui? Để trả lời có lẽ phải
tự hỏi đâu là khát vọng sâu xa của con người và mục đích cuộc đời là gì? Phật
giáo khẳng định: Đó là việc đi tìm hạnh phúc. Đừng có hiểu nhầm về sự đơn giản
của một nhận định như vậy. Hạnh phúc ở đây không phải là một cảm giác, mà là
một sự sung mãn tràn đầy khi người ta tìm ra một ý nghĩa cho cuộc đời và người
ta thích nghi được với bản chất sâu xa của con người mình. Hạnh phúc là cảm
tưởng hiện thực hóa cái tiềm lực có sẵn ở mỗi con người và hiểu ra được bản thể
tối hậu của tâm mình. Với một kẻ biết tìm cho đời mình một ý nghĩa, mỗi giây
phút là một mũi tên bay đến mục tiêu. Nếu không biết đem lại một ý nghĩa cho
cuộc đời thì sẽ dễ rơi vào thụ động rồi sinh ra thất vọng cuối cùng có thể dẫn
đến tự vẫn. Hạnh phúc dĩ nhiên là cần đến sự hiểu biết. Không có sự hiểu biết
thì không làm sao chữa lành được nguyên nhân gây ra đau khổ là sự bất mãn triền
miên luôn luôn dằn vặt chúng ta. Sự bất mãn đó cũng nảy sinh từ chỗ chúng ta
không chiến thắng được những tình cảm tiêu cực như là lòng căm giận, sự ghen
ghét, sự luyến ái, tham lam, ngã mạn tất cả đều do một cái nhìn duy ngã về cuộc
đời, do sự dính mắc vào một cái "Tôi'' quá ư là hùng mạnh. Một yếu tố cần
thiết khác cho hạnh phúc chỉ gồm ba từ : Lòng vị tha, tình yêu, và lòng nhân
ái. Làm sao chúng ta hạnh phúc cho được khi quanh ta có bao người đang rên
xiết. Hơn nữa, dù thế nào thì hạnh phúc của chúng ta cũng dính liền chặt chẽ
với hạnh phúc của kẻ khác. Trong vòng 20 năm gần đây, sau nhiều thế kỷ dài bị
vô minh che lấp đã bắt đầu có cuộc đối thoại thật sự giữa Phật giáo và những
luồng tư tưởng Tây phương. Và Phật giáo đã thật sự dành chỗ của nó trong lịch
sử triết học và khoa học. Nhưng dù cho Phật giáo đã xây dựng nên một lý thuyết
về nguyên tử mạch lạc hơn lý thuyết của Democrite, không phải là để dừng lại ở
một vài điểm về tri thức luận. Vì lẽ Phật giáo chủ trương một khoa học của tâm
linh, một kỹ thuật thiền định đang là vấn đề thời sự và cũng vì nó đề cập đến
những cơ chế căn bản nhất của hạnh phúc và đau khổ. Tại sao phải tham thiền?
Việc làm nhẹ đi những đau khổ vật chất lại chưa đủ hay sao? Những điều kiện
sinh hoạt bên ngoài có thể thuận lợi cho sự thoải mái của chúng ta, cho các
tiện nghi đời sống, sức khỏe, tuổi thọ và ngay cho suốt cuộc đời chúng ta.
Nhưng tất cả những thứ đó không đem lại cho ta một sự an lạc nội tâm. Chính cái
tâm là nguồn cội của sự thỏa mãn và bất mãn, hạnh phúc và đau khổ, thành công
và thất bại. Chính cái tâm quyết định thái độ chúng ta với cuộc đời. Cái tâm
chính là cửa sổ để chúng ta quan sát thế giới bên ngoài và bên trong chúng ta.
Bỏ qua các tính cách ngoại lai, con đường của Phật giáo cũng theo cách các
truyền thống tâm linh lớn, là giúp chúng ta sống tốt hơn. Khoa học không có ý
định cũng như phương tiện để đạt đến mục đích đó. Khoa học chỉ tìm hiểu và giải
thích thiên nhiên và sử dụng những khám phá của mình để cải thiện đời sống vật
chất: Nó sưởi ấm khi ta lạnh, nó chữa lành khi ta bệnh. Theo quan niệm ấy thì
lý tưởng là sống cả trăm tuổi khỏe mạnh. Nhưng dù có sống bao lâu, cuộc sống sẽ
tẻ nhạt nếu ta không tìm thấy một ý nghĩa cho cuộc đời. Không nên chờ đợi Phật
giáo sẽ được hành trì ở Tây phương giống như ở Đông phương, ví dụ sống trong tu
viện hoặc sống ẩn cư. Cũng không có vấn đề xây dựng nên một Phật giáo Tây
phương với những cải cách phù hợp theo ước muốn của mỗi người, nhưng là để sử
dụng những chân lý căn bản của Phật giáo ngõ hầu làm hiển lộ Phật tính ở mỗi
chúng ta. Khi chúng ta đã quyết định đi theo con đường tâm linh, sau nhiều năm
tháng hành trì, chúng ta tự xét xem đã vượt thoát được lòng tham, sự kiêu căng,
ghen ghét và nhất là những tình cảm vô ngã và vô minh là nguyên nhân của mọi
đau khổ. Đó là một kết quả đáng kể và cái học thuyết dẫn đến đó rất xứng đáng
được xem là một khoa học với cái nghĩa hiểu biết, không phải là một sự hiểu
biết vô ích, mà là một sự hiểu biết đưa đến minh triết.
Tôi
phải thú thật rằng ban đầu tôi rất ngạc nhiên về sự chú tâm của dư luận phương
Tây đối với Phật giáo, và khi ý nghĩ một cuộc đối thoại được nêu lên, tôi cũng
không nghĩ rằng một trí thức hoàn toàn tự do trong tin tưởng cũng như trong tín
ngưỡng, có tầm cỡ như cha tôi lại chấp nhận đối thoại. Ba tôi đã nhiệt thành
hưởng ứng và đã chọn sự tĩnh mịch của vùng núi Nepal làm nơi để chúng tôi trao
đổi với nhau. Trong câu chuyện ước muốn của tôi là chia sẻ và giải thích, còn
cha tôi thì tìm hiểu, phân tích và so sánh. Do đó mà vị triết gia đã hỏi nhà sư
nhiều hơn. Và nhà sư đã hỏi vị triết gia về ý nghĩa cuộc đời dưới mắt ông- một
nhà tư tưởng Tây phương hiện đại. Những tình cảm thương yêu giữa cha con chúng
tôi không hề phai lạt trong những cuộc hành hương của tôi. Và thật là một niềm
vui được chia sẻ, được nói chuyện thỏa thích về những nguyên tắc đã chỉ đạo đời
sống của hai chúng ta và đem chúng ra đối chiếu. Tuy nhiên mọi cuộc đối thoại,
dù sáng suốt đến mấy, cũng không thay thế được sự im lặng của kinh nghiệm cá
nhân, rất cần thiết để hiểu rõ bản chất sự vật. Kinh nghiệm mới chính là con
đường và như Đức Phật thường nói: Mỗi người cần phải đi trên con đường để rồi
một ngày nào đó người mang tin lại trở thành chính cái tin mà mình mang đi.