Chương
13. Phật giáo và phân tâm học
Jean Francois: Bước
sang một địa hạt khác mà Phật giáo cần phải đương đầu: Phân tâm học. Khoa học
này không phải là một khoa học chính xác mà chỉ là một hướng tìm tòi. Nhưng nó
đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu bản thể con người ở Tây
phương từ 100 năm nay. Có một thời kỳ nó giữ vai trò chủ đạo trong tư tưởng Tây
phương. Khía cạnh phân tâm học mà Phật giáo cần lưu ý là thuyết của Freud: Dù
nội tâm có sáng tỏ đến mức nào, dù có ý muốn thành thật, khiêm tốn, dù có cố
gắng tự biết mình và tự sửa đổi, có một cái gì đó ngoài tầm với của việc nội
quán cổ điển. Đó là điều mà Freud gọi là vô thức. Nói đơn giản có những cấu tạo
tinh thần, những kích động, những kỷ niệm bị dồn nén luôn luôn hoạt động trong
tâm thức và ảnh hường đến thái độ của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết,
cũng không hề phản ứng lại được. Kỹ thuật duy nhất khiến ta phát hiện ra chúng
và nếu cần dẹp tan chúng và làm chủ được chúng chính là phân tâm học. Nhưng
Freud nghĩ rằng với trí thông minh bình thường thì khó mà vượt qua cái rào cản
đã chôn dấu những cấu tạo tinh thần trong vô thức. Chúng ta không làm sao vào
được vô thức chỉ với việc nội quán và việc rèn luyện tinh thần. Đây không hẳn
là thuyết suông vì kinh nghiệm chữa bệnh tâm thần đã cho thấy là không thể tiếp
xúc được với vô thức chỉ bằng việc nội quán cổ điển.
Matthieu: Khẳng
định là không thể vượt qua những rào cản ẩn ức có vẻ hơi vội vã đấy cũng giống
như Will1am James khi ông ta cho rằng không thể ngăn được dòng tư tưởng dù ông
ta có cố gắng. Kiểu kết luận đó cho thấy một sự thiếu kinh nghiệm sống về việc
quán xét nội tâm về thiền định trực tiếp bản thể của tâm. Để cố vượt qua bức
rào cản đó, Freud đã làm gì? Bằng cách sử dụng trí thông minh tuyệt vời của ông
để quán tưởng, và bằng những kỹ thuật mới. Nhưng ông đâu có để ra hàng tháng,
hàng năm tập trung vào sự quán xét nội tâm như những vị ẩn sĩ Tây Tạng? Làm thế
nào một nhà phân tâm học, nếu chưa nhìn thấu được cội nguồn tư tưởng có thể
giúp đỡ được kẻ khác thành tựu được điều đó. So với một đạo sư đã hiểu được lý
tánh, thì ông ta còn kém xa. Phật giáo dành một sự quan tâm lớn lao về việc
vượt qua được cõi vô thức. Cõi này gồm có những xu hướng tích lũy những tầng
bực tâm linh sâu thẳm nhất của tâm thức con người. Cái vô thức này không có mặt
trong việc cấu tạo nên tư tưởng của chúng ta, nhưng nó ảnh hưởng đến thái độ
của chúng ta. Chính cái vô thức này theo Phật giáo được tạo thành do vô số kiếp
sống trước đây. Người ta có thể phân tích tâm thức ra tám tâm vương: Nhãn thức,
nhĩ, tỉ, thiệt, thân thức là năm tâm vương thuộc về ngũ quan. Rồi đến ý thức
giúp ta nhận thức được tổng quát mọi sự vật. Kế đến là mạt na thức liên quan
đến cái ngã của con người và sau cùng là tàng thức nơi tàng trữ mọi xu hướng,
tình cảm tích lũy từ nhiều kiếp. Chính cái tàng thức này là rào cản mà Freud
bảo là không thể vượt qua được. Ta có thể so sánh nó như một tờ giấy cuộn lại
từ lâu. Khi ta đặt nó lên bàn, mở nó ra và giữ nó lại thì nó nằm thẳng, còn khi
ta buông nó ra thì nó cuộn lại như cũ.
Jean Francois: Như vậy Phật
giáo chấp nhận sự hiện hữu của những xu hướng, những tư tưởng vô thức có liên
quan đến những kỷ niệm tiềm tàng và những hình ảnh bị dồn nén. Như vậy theo con
thì cái mớ vô thức này không những liên quan đến thuở ấu thơ mà lại còn dính
líu đến những kiếp sống trước đó. Thế thì
như Socrates đã từng khuyên bảo các đồ đệ của mình, việc nhớ lại phải bắt nguồn
trước cả những năm đầu đời, và điều này khiến cho các nhà phân tâm học phải mở
rộng tầm nghiên cứu và khám phá.
Matthieu: Sự sinh
đẻ tạo nên một chấn động làm ta quên hết những gì đã xảy ra trong kiếp trước,
trừ trường hợp các bậc đã giác ngộ có thể làm chủ được giòng tâm thức giữa khi
chết và lúc tái sinh qua giai đoạn trung ấm. Đối với người bình thường thì họ
sẽ quên hết giống như khi ta đã trưởng thành và quên đi những gì đã xảy ra
trong thời ấu thơ. Cũng nên nhắc lại là phải rất lâu trước Freud, trong cuốn Tứ
thư Tây Tạng có ghi rằng khi thụ thai, thai nhi cảm thấy sẽ thành đàn ông hoặc
đàn bà khi ấy nó sẽ bị hấp dẫn bởi cha hay mẹ nó. Nhưng điều khác biệt là cái
quan niệm Phật giáo về vô thức và các phương pháp áp dụng để thanh lọc nó. Nói
về phương pháp thì Phật giáo không đồng ý với Freud, vì Freud cho rằng người ta
không thể vươn tới và ảnh hưởng đến vô thức bằng những phương pháp tâm linh.
Mục đích của đời sống tâm linh là xóa tan các xu hướng ẩn ức vì những tư tưởng
thương ghét đều đã bị quy định trước. Vấn đề là tầm đến cội nguồn các xu hướng
đó, xem xét bản chất của chúng và xóa tan chúng. Ta có thể gọi điều đó là sự
thanh lọc nội tâm, giống như sự loại bỏ các rác rưởi, các cặn bả làm bẩn nước
của dòng sông. Với số kinh nghiệm ít ỏi mà con có được, con có cảm tưởng khi
đứng trước các bệnh nhân phân tâm học, là những người này có khả năng trút bỏ
được những ám ảnh có từ thuở ấu thơ, nhưng đã không xóa tan được hết cả gốc rễ,
do đó họ không hoàn toàn được tự do nôi tại. Và cũng vì thế sau nhiều năm, họ
vẫn không thể thanh thản được và luôn bị căng thẳng lo sợ.
Jean Francois: Rủi thay
điều nhận xét của con không phải là duy nhất theo chiều hướng đó, mà nhiều
trường phái gần đây của khoa phân tâm học đã chối bỏ Freud, và nghĩ rằng vô
thức có thể hoàn toàn được soi sáng.
Matthieu: Lý do
tại sao những xu hướng ẩn ức của vô thức không thể nhìn thấy được là vì chúng
tiềm tàng giống như hình ảnh một cuốn phim đã chụp nhưng chưa rửa. Và tất cả cố
gắng của khoa phân tâm là để rửa ra hình các phim đã chụp ấy. Phật giáo cho
rằng khi người ta giác ngộ, người ta đạt đến tâm không và nhờ vậy mọi cấu uế
của tâm sẽ được rửa sạch. Cái việc nhớ lại những sự kiện xa xưa chỉ giải tỏa
phần nào tâm thức nhưng không loại bỏ được
cái gốc phiền não. Cứ quậy mãi bùn trong ao với một cây gậy không tài nào lọc
sạch được nước.
Jean Francois: Thế nào
là một người bị loạn thần kinh? Trên nguyên tắc phân tâm được giành cho những
người gặp khó khăn trong đời sống. Lấy ví dụ một người luôn luôn gặp thất bại
trong công việc. Hắn vừa khởi công làm một việc gì, sắp thành công thì đột
nhiên hắn phạm một sai lầm nghiêm trọng làm hỏng công việc. Hắn lại là một con
người thông minh do đó không thể dùng lý lẽ thông thường để giải thích thất bại
của hắn. Ba có nhiều người bạn rất nổi tiếng trong một giai đoạn nào đó của
cuộc đời họ, đột nhiên họ có những hành động sai lầm không thể hiểu được làm
tiêu tan cả sự nghiệp mà họ đã dầy công xây dựng bằng sự khôn ngoan, bằng trí
thông minh và lòng tận tụy trong công việc. Không có cách giải thích hợp lý nào
cũng như không thể thuyết phục được họ. Nếu họ gặp lại những trường hợp tương
tự họ lại phạm sai lầm như cũ. Nếu không nhờ khoa tâm phân học, họ không làm
sao thoát ra được các sai lầm gần như định mệnh ấy.
Dù sao giả thuyết của Freud cũng
đã được kiểm chứng qua nhiều trường hợp. Người ta đã có những bản tường trình
đầy đủ về một số những vụ phân tâm của Freud và của một số nhà tâm phân học
khác. Người ta ghi nhận một trường hợp trong đó đối tượng xung đột với mẹ ruột thuở
còn ấu thơ. Để trừng phạt mẹ mình, đương sự đập phá một vật gì hoặc cố tình
được điểm xấu trong lớp để trả thù cái việc mà hắn cho là mẹ thiếu tình thương
đối với hắn. Và cái tai biến này chìm sâu vào vô thức của hắn và tiếp tục chi
phối thái độ của hắn khi hắn trưởng thành. Hắn tiếp tục làm khổ mẹ hắn mà không
hề hay biết. Và trong trường hợp này khoa phân tâm giải tỏa cho hắn cái mặc cảm
tội lỗi đã bắt nguồn từ thuở ấu thơ. Điều này không có nghĩa là hắn sẽ trở nên
hoàn hảo hơn nhưng ít ra cũng giúp hắn chữa được chứng rối loạn tâm thần.
Matthieu: Phật
giáo và phân tâm học đi hai con đường khác nhau trong việc giải phóng vô thức.
Phân tâm học rất hợp lý và vận hành trong hệ thống của nó, nhưng hệ thống đó bị
giới hạn do các mục tiêu nó đề ra. Lấy ví dụ như vấn đề tình dục, nếu ta kìm
chế nó, nó sẽ sử dụng các ngõ ngách khác để biểu hiện một cách bất thường. Phân
tâm học nhắm vào việc đưa tình dục lại sự biểu hiện bình thường. Theo thiền
định Phật giáo, ta không cố gắng kìm chế nó hay để nó tự do phát tiết, mà tìm
cách thoát ra sự ám ảnh của nó. Người ta sử dụng những phương tiện tuần tự từ
chỗ ban đầu chuyển sang đề tài khác, sau đó quán tưởng về tánh không của sự ham
muốn và sau cùng chuyển hoá ham muốn bằng trí huệ. Rốt lại sự ham muốn không
còn khống chế tâm trí mà nhường chỗ cho một sự an lạc vĩnh viễn và thoát ly mọi
ràng buộc. Trong khi Phật giáo nhắm vào việc thoát ra khỏi sự bấn loạn của tư
tưởng, như một con chim bay ra khỏi một thành phố đầy khói bụi để đến vùng núi
trong lành thì phân tâm học có vẻ như kích động thêm cho những giấc mơ và cho
những tư tưởng luôn hướng về tự ngã. Người bệnh cố gắng tổ chức lại nội tâm của
mình, tạm kiểm soát nó nhưng vẫn dính chặt vào nó. Đi vào vô thức theo cách
phân tâm học khác nào đi tìm những con rắn đang ngủ, đánh thức chúng dậy, tìm
cách loại ra những con hung dữ nhất, và sống chung với những con còn lại.
Jean Francois: Hơn nữa,
nếu là Phật tử ta lại càng không thể giết chúng. Nhưng Phật giáo quan niệm về
giấc mơ như thế nào?
Matthieu: Có cả
một diễn trình trong việc thực hành thiền định liên quan đến giấc mơ. Người ta
tập dần thói quen nhận biết khi nào mình bắt đầu mơ, rồi tìm cách sửa đổi điều
đang mơ và sau cùng tạo ra những giấc mơ theo ý muốn. Và đỉnh cao của sự tập
luyện này là chấm dứt hẳn các giấc mơ. Một thiền giả nhiều kinh nghiệm không
còn mơ nữa, trừ ra hạn hữu ông có vài giấc mơ báo điềm trước. Người ta kể lại
câu chuyện của Gampopa, đệ tử của Milarepa, đã mơ thấy mình bị mất đầu, điềm
báo trước là ngài sẽ chấm dứt mọi tư tưởng. Từ đó ngài không còn mơ nữa. Diễn
trình này có thể kéo dài nhiều năm. Nói tóm lại, trở ngại mà khoa phân tâm học
gặp phải là không nhận biết được nguồn gốc của vô minh, và sự tù hãm của nội
tâm. Sự xung đột với cha mẹ hay những rắc rối khác không phải là những nguyên
nhân đầu tiên mà chỉ do hoàn cảnh tạo nên. Nguyên nhân đầu tiên chỉ là sự dính
mắc vào tự ngã, từ đó nảy sinh ra yêu ghét, luôn nghĩ về mình và luôn muốn bảo
vệ mình. Tất cả những sự kiện tinh thần, những tình cảm, những ham muốn như
những cành lá của một cái cây. Nếu ta cắt chúng đi, chúng lại mọc trở lại.
Ngược lại, nếu chúng ta bứng đi cả gốc rễ, tức là chúng ta chấm dứt sự ràng
buộc vào tự ngã, tất cả cành, lá, hoa, quả đều rơi rụng cùng một lúc. Sự nhận
biết cái tư tưởng lệch lạc và ảnh hưởng phá hoại hay ức chế của chúng không đủ
làm tan biến chúng và không đưa đến một sự giải thoát toàn diện. Chỉ có việc
giải thoát khỏi tư tưởng bằng cách sử dụng thiền định để đi đến tận đầu nguồn
của chúng, và giác ngộ bản thể của tâm mới có thể giải thoát con người khỏi mọi
vấn đề tâm thức. Tất cả các kỹ thuật thiền định về bản thể của tâm đều nhắm vào
sự khám phá ra là căm ghét, ham muốn, bất mãn, kiêu căng v.v... đều không có
năng lực mà người ta thường gán cho chúng. Nếu ta trực tiếp quan sát chúng,
phân tích chúng, quán tưởng về chúng, ta sẽ nhận ra thật sự chúng rỗng không và
không có một thực lực nào cả. Cần phải thực hành nhiều lần sự quán tưởng này,
và đến một thời cơ nào đó tâm sẽ hiển hiện bản thể nguyên sơ của nó. Và theo
thời gian, người ta sẽ dần dần làm chủ được tư tưởng của mình. Trong giai đoạn
đầu tiên, người ta phải bắt đầu nhận biết sự xuất hiện của tư tưởng giống như
ta nhận ra một người quen trong đám đông. Khi một ý tham hay căm ghét nảy sinh,
ta đừng để cho nó phát triển, ta biết rằng nó không chắc thật, không có tánh
nhưng ta không biết làm thế nào để chấm dứt nó. Giai đoạn kế tiếp giống như một
con rắn tự tháo mình ra khỏi sự cuộn tròn thân mình nó mà không cần sự giúp đỡ,
hay một nút thắt mà ta làm với cái đuôi con ngựa, nó tự tháo ra mà thôi.
Jean Francois: Ôi, biết
bao nhiêu là ẩn dụ.
Matthieu: Đến giai đoạn thứ hai này, ta đã có một số kinh
nghiệm về sự giải phóng tư tưởng, và ta ít còn cần đến những phương pháp khác.
Tư tưởng đến rồi đi. Sau cùng đến giai đoạn thứ ba con người hoàn toàn tự do đối
với tư tưởng mà không có gì có thể làm hại mình được nữa. Chúng giống như một
tên trộm đi vào một căn nhà trống. Tên trộm không được gì và chủ nhà cũng không
mất gì. Tư tưởng xuất hiện và biến mất mà không gây được ảnh hưởng nào, và
người ta hoàn toàn thoát ra cái ách của những tư tưởng hiện hành, và của những
xu hướng quá khứ đã gây ra các tư tưởng đó. Như vậy là ta thoát được đau khổ.
Tâm thức luôn ở trong một trạng thái sáng suốt và tỉnh thức, trong đó không còn
những tư tưởng lệch lạc nữa. Cặn bã, cấu uế của vô thức không còn là những hòn
đá, mà là những cục nước đá tan đi dưới mặt trời trí huệ.