Chương 5.
Về Phật giáo siêu hình
Jean Francois: Ba nghĩ
là đã đến lúc không nên quanh co nữa, mà phải đi thẳng vào vấn đề và trả lời
câu hỏi: "Phật giáo là một triết lý? Một tôn giáo? Một siêu hình học? Phật
giáo hình dung vũ trụ và con người như thế nào để giải thích mọi khía cạnh của
cuộc sống trên thế gian?”
Matthieu: Con
không thể không kể Andre Migot, theo con, đã trả lời rất chính xác câu hỏi nêu
trên trong quyển sách của ông nhan đề ''Đức Phật''. Ông ta viết "Người ta
đã cãi nhau rất nhiều để biết Phật giáo có phải là một tôn giáo, hay một triết
lý và vấn đề chưa bao giờ được giải quyết dứt khoát. Hỏi như vậy chỉ có ý nghĩa
với một người Tây phương. Vì lẽ chỉ ở Tây phương, triết lý được xem như là một
ngành đi tìm tri kiến, giống như toán học hay vạn vật học. Triết gia thường là
một vị giáo sư đã nghiên cứu và giảng dạy một học thuyết, nhưng khi về đến nhà rồi
thì sống hệt như ông thư ký, hay ông nha sĩ mà chẳng cần nghĩ đến học thuyết mà
ông ta dạy ở trường có mảy may ảnh hưởng đến cách cư xử của ông ta trong cuộc
sống hay không? Chỉ có ở phương Tây nơi mà tôn giáo với một số đông tín đồ,
được xem như là một ngăn kéo mà người ta kéo
ra vào những ngày giờ nhất định, và người ta lại đóng vào trước khi
hành động. Trái lại ở Đông phương, một triết gia được xem như là một lãnh đạo
tinh thần mà đời sống được các đệ tử noi theo gương và bắt chước. Học thuyết mà
vị thầy giảng dạy không phải là để thỏa mãn trí tò mò mà là để sống. Vậy thì
hỏi rằng Phật giáo là một triết lý hay một tôn giáo phỏng có ích gì. Đó là con
đường, con đường giải thoát đã đưa Đức Phật đến Giác ngộ. Đó là một phương pháp
giúp ta đạt tới một sự giải thoát nhờ công phu thiền định miên mật.
Vậy là con nghĩ rằng nếu muốn
định nghĩa Phật giáo một cách đơn giản nhất, trước tiên phải xem nó như một con
đường, con đường dẫn tới sự hoàn thiện, tới tri thức tuyệt đối, hay nói khác
hơn tới trạng thái Phật.
Jean Francois: Trạng
thái mà người ta chỉ có thể đạt tới qua rất nhiều kiếp sống kế tiếp.
Matthieu: Nhưng
cũng có thể thành tựu trong một kiếp sống giống như trường hợp Đức Phật Thich
Ca Mâu Ni mà sự giác ngộ còn gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác là điểm tột cùng của
nhiều kiếp sống dành cho sự phát triển trí tuệ, từ bi, bác ái.
Jean Francois: Nhưng
khi đạt đến đỉnh cao ấy thì người ta biến mất?
Matthieu: Sao lại
thế? Ai biến mất nào? Trái lại khi đã giác ngộ, Đức Phật đã hoạt động tích cực
để giúp đỡ chúng sinh giáo hóa họ và chỉ ra con đường giải thoát. Những sự giáo
hóa của Ngài bắt nguồn từ sự thành tựu tâm linh ở Ngài. Đó là những tấm bản đồ
để hướng dẫn trên con đường mà chính Ngài đã trải qua.
Jean Francois: Vậy là
cái "Ngã" của Ngài không mất?
Matthieu: Cái điều
duy nhất hoàn toàn mất đi đó là vô minh. Sự dính mắc vào bản ngã là một trong
những biểu hiện căn bản của vô minh. Do đó ý tưởng sai lầm về một cái ngã cũng
biến mất luôn. Phật đạo là sự tỉnh thức về thực tại tuyệt đối của vạn vật.
Không hề là một chuyện bịa mà là một sự thể hiện. Quan niệm cơ bản là ở mỗi
chúng sinh đều có Phật tính. Cái khả năng vươn tới thực tại tối hậu, cái tiềm
lực chuyển hóa nội tâm đều có sẵn trong mỗi người giống như một miếng vàng
nguyên chất không thể biến dạng được dù nó có bị bao bọc bởi một cái vỏ tạp
chất và vùi sâu trong lòng đất.
Trong những chúng sinh bình
thường cái sự hoàn thiện, cái Phật tính ấy bị che phủ bởi nhiều bức màn tạo nên
bởi những yếu tố tinh thần tiêu cực mà chúng ta đã đề cập đến, mà nguyên nhân
là sự ràng buộc vào một cái ngã của muôn vật. Đạo là dẹp tan mọi chướng ngại
làm ngăn chướng cái Phật tính của chúng ta để ta có thể khám phá ra nó. Rõ ràng
nếu ta không có Phật tính thì việc thành tựu Phật đạo sẽ khó khăn giống như
việc làm trắng một cục than.
Jean Francois: Điều này làm Ba nhớ lại thuyết hồi ức của
Platon. Học theo Socrate, là nhớ lại những gì đã quên.
Matthieu: Nhìn
dưới một góc cạnh khác, đó cũng là một diễn trình thanh lọc, không phải là một
tội tổ tông hay một sự ô uế căn nào, mà là những bức màn ngẫu nhiên che lấp thể
tánh của chúng ta. Khi chúng ta nhìn một chiếc máy bay đang bay xuyên qua một
đám mây, chúng ta có cảm tưởng bầu trời xám xịt đầy sương mù. Nhưng sau khi
thoát ra khỏi đám mây, thì thật là một điều kỳ diệu, được thấy mặt trời lộng
lẫy chiếu sáng một bầu trời xanh trong. Điều này có thể so sánh với con đường
thành tựu đạo quả Phật.
Jean Francois: Thuyết
của Socrate được trình bày trong nhiều cuộc đối thoại nhất là trong quyển
Menon. Theo Socrate, chúng ta không học được gì cả. Chúng ta chỉ nhớ lại mà
thôi. Mỗi con người khi sinh ra đã tiềm ẩn trong mình một khoa học bẩm sinh. Và
những gì xảy ra trong suốt cuộc đời của mình, nhìn kiến thức sai lạc, những ý
kiến, những trạng thái tâm lý thiên lệch đã bao quanh cái miếng vàng ròng mà
con vừa đề cập. Để chứng minh là thật ra học có nghĩa là nhớ lại, Socrate cho
gọi một người đầy tớ trẻ tên Menon, và ông hỏi ông chủ nhà: ''Ông có chắc là
tên đầy tớ này sinh ra tại nhà ông và nó không hề đi học?'' Và Socrate đã giúp
người nô lệ trẻ khám phá ra một định lý hình học, bằng cách vẽ lên trên cát
những hình vẽ bằng một cây gậy, và gợi ý cho anh ta bằng những câu hỏi. Đó là
phương pháp của Socrate dùng những câu hỏi để giúp cho học sinh nhớ lại những
gì mà nó đã biết rồi. Đó cũng là ý niệm mỗi con người đã có sẵn trong y một số
kiến thức. Chỉ cần tạo điều kiện để cho mớ kiến thức này bộc lộ ra. Nhưng trong
Phật giáo, lại có thêm một định đề phụ. Ba thật sự rất tò mò về Phật giáo vì có
những điều mà Ba không hiểu mà muốn tìm hiểu. Có đúng hay không là Phật giáo
dạy rằng chúng sinh đi từ kiếp sống này đến kiếp sống khác và hạnh phúc tối hậu
là chấm dứt sự luân hồi, giải thoát khỏi cái chuỗi dài tái sinh và tan biến vào
vũ trụ phi nhân.
Matthieu: Không
phải là một sự tan biến trong tắt ngấm nhưng mà là để khám phá ra bản thể của
chính mình. Cứu cánh không phải là để thoát ra khỏi thế giới hiện hữu mà là để
không phải lệ thuộc vào nó. Thế gian tự nó không xấu xa, chỉ có cách nhìn của
chúng ta là sai lệch mà thôi. Một đạo sư đã nói: "Không phải những cái bên
ngoài khiến anh lệ thuộc vào chúng, mà chính là anh tự lệ thuộc vào cái bên
ngoài.'' Đó là cái mà gọi là vòng luân hồi, cái vòng lẩn quẩn của các cuộc tái
sinh liên tục mà động cơ là vô minh. Trong cái vòng luân hồi bất tận này, con
người sống trong một thế giới đầy đau khổ, lầm lạc, hỗn loạn bị lôi kéo bởi
chính nghiệp chướng của họ. Nghiệp chướng này khác hẳn với cái mà ta gọi là
định mệnh. Nó không được quyết định bởi một đấng bề trên nào như là Ấn Độ giáo.
Nó cũng không phải là một sự ngẫu nhiên, nó là kết quả của những hành động
chúng ta. Người ta phải gặt cái gì người ta đã gieo. Không có gì có thể bắt
buộc một con người phải tái sinh theo cách thế nào, nếu không phải là do hành
động tích cực hay tiêu cực phát xuất từ thân khẩu ý của chính anh ta. Vấn đề
Thiện hay Ác ở đây không phải là những quan niệm tuyệt đối: Tư tưởng, hành
động, ngôn ngữ được xem là Thiện hay Ác là do những động cơ thúc đẩy tốt hay
xấu và kết quả mà những hành động đó đem lại hoặc hạnh phúc hay đau khổ cho
chính mình và cho kẻ khác.
Jean Francois :. Chúng ta
lại trở lại vấn đề đạo đức.
Matthieu: Người ta
có thể gọi đó là đạo đức hay luân lý nhưng thật ra đó là những cơ chế của hạnh
phúc và đau khổ. Trong mỗi giây phút của cuộc đời chúng ta tạo dựng tương lai, tạo
dựng cuộc sống kế tiếp của chúng ta bằng những hành động hiện tại của thân khẩu
ý. Và khi chúng ta chết, thì tổng kết những hành động đó sẽ quyết định tương
lai của chúng ta trong kiếp sống tiếp theo. Những hạt giống mà chúng ta đã gieo
có thể nở thành hoa thơm hay cỏ dại. Người ta cũng có thể mượn hình ảnh của một
con chim khi nó đáp xuống đất: Cái bóng của nó khi nó đang bay ta không nhận
thấy, nhưng khi nó đáp xuống đất thì bóng nó hiện ra rõ ràng (như là nghiệp đi
theo con người như hình với bóng). Để đưa ra một hình ảnh sống động hơn, Phật
giáo cho rằng trước khi chết, người ta thấy diễn lại trong tâm cuốn phim về
cuộc đời của mình cộng thêm những gì đã xảy ra trong các kiếp sống trước nữa.
Jean Francois: Có thật
là có cả những việc của các kiếp sống trước nữa sao?
Matthieu: Trong
kiếp sống hiện hữu người ta có thể thêm vào hay bớt ra những hành động tích cực
hay tiêu cực vào cái nghiệp của mình, làm cho nó tốt hơn hoặc xấu đi. Sau cái
chết là một giai đoạn trung chuyển mà ta gọi là thân trung ấm, sẽ hình thành nên
kiếp sống tương lai. Trong giai đoạn thân trung ấm này, giòng tâm thức bị cuốn
đi như một chiếc lông trong gió rồi tùy theo nghiệp lực tích cực hay tiêu cực
sẽ hình thành một kiếp sống sung sướng hay đau khổ hay lẫn lộn cả hai. Quan
niệm trên cho ta có một thái độ sáng suốt về số phận của chúng ta: Chỉ có chúng
ta là chịu trách nhiệm về nếp sống của chúng ta. Chúng ta là kết quả của những
hành động quá khứ và tương lai nằm trong tay chúng ta.
Jean Francois: Vậy là
có hẳn một thuyết về tái sinh và luân hồi?
Matthieu: Những
hành động trong cuộc sống hiện hữu là những nhân duyên đưa đẩy người ta đến
những kiếp sống mới. Vậy là nếu người ta không bắt đầu tìm cách thoát ra các
nghiệp chướng, thì sự luân hồi sẽ không bao giờ chấm dứt. Vì cuộc đời của chúng
ta là một hỗn hợp những hành động tiêu cực và tích cực, chúng ta chao đảo từ
một kiếp sống này đến kiếp sống khác khi hạnh phúc, khi đau khổ giống như một
bánh xe quay nước lên xuống liên tục. Người ta nói rằng không có khởi đầu cũng
như không có chấm dứt trong một thế giới hiện tượng, nhưng mỗi con người đều có
khả năng phá vỡ được cái vòng lẩn quẩn đó, bằng cách thanh lọc tâm mình đạt đến
sự giác ngộ và chấm dứt đau khổ. Muốn đạt đến tiến trình đó, cần phải đoạn dứt
gốc rễ của vấn đề tức là tận diệt tự ngã và vô minh là nguồn cội của mọi đau
khổ ở đời.
Jean Francois: Như vậy
con có đồng ý với Alfred Foucher khi ông ta nói rằng nếu so sánh quan điểm về
sự bất tử của linh hồn và sự cứu rỗi của người Công giáo với bên Phật giáo:
''Nơi người Công giáo là hy vọng ở sự cứu rỗi và sự bất diệt của linh hồn. Còn
ở người Phật tử thì đó là hy vọng biến mất hẳn.
Matthieu: Không
phải là biến mất mà là không tái sinh.
Jean Francois: Ông ta
nói là biến mất kia mà.
Matthieu: Từ ấy
dùng không đúng chỗ, xuất phát từ những quan niệm cổ xưa xem Phật giáo như là
một thuyết hư vô. Con đường trung đạo được gọi như vậy vì nó không theo thuyết
hư vô, cũng như thuyết vĩnh cửu. Cái mà biến mất đi là vô minh và tự ngã, bù
lại những đặc tính của sự giác ngộ xuất hiện tràn đầy. Người ta không còn bị
nghiệp chướng lôi kéo nữa, mà nếu muốn, người ta có thể tái xuất hiện trong thế
giới hiện tượng để làm lợi ích cho chúng sinh mà không hề bị ràng buộc. Niết
bàn theo nghĩa Tây Tạng là ''bên kia sự đau khổ''. Nếu có điều gì biến mất thì
đó chính là sự đau khổ và sự rối loạn tâm thức.
Jean Francois: Như vậy
Nghiệp, Luân hồi, Niết bàn không phải là từ ngữ Tây Tạng?
Matthieu: Đó là
những tiếng Phạn mà người ta hay dùng ở Tây phương vì người Tây phương dễ hấp
thu những thanh âm tiếng Phạn hơn là tiếng Tây Tạng.
Jean Francois: Đúng, vì
tiếng Phạn có nguồn gốc Ấn Âu.
Matthieu: Và tiếng
Tây Tạng thuộc nhóm Tây Tạng Miến Điện, và trong những bản dịch mà người ta tìm
thấy cho đến giữa thế kỷ 20, những nhà nghiên cứu Tây phương nói về Niết bàn
như là một sự tắt ngấm tối hậu. Dalhmann nói đến một hố thẳm vô thần và hư vô.
Burnouf thì cho là sự tận diệt. Hegeel và Schopenhauer thì cho là ''cái
không''. Roger Pol Droit trong quyển ''Sự sùng mộ cái không" đã chỉ ra sự
hiểu lầm về Niết Bàn này. Theo Đại thừa, gồm cả Phật giáo Tây Tạng, người nào
đã đến được mức Giác ngộ của Phật. thì không còn ở trong luân hồi hay Niết Bàn
là hai cực đoan. Người ấy không ở trong luân hồi vì ông ta đã thoát khỏi vô
minh và không còn chịu ảnh hưởng của nghiệp. Ông ta cũng không ở trong sự vắng
lặng của Niết Bàn, vì lòng thương xót vô hạn đối với chúng sinh còn đau khổ.
Jean Francois: Vậy là
ông ta sẽ làm gì?
Matthieu: Ông ta
sẽ thực hiện lời nguyện trước khi giác ngộ, là tiếp tục tự thể hiện không phải
vì bị nghiệp chướng ràng buộc mà vì lòng bi mẫn đối với chúng sinh còn đau khổ.
Ông ta sẽ tái sinh nhiều kiếp để làm lợi cho chúng sinh cho đến khi nào họ
thoát ra khỏi vô minh. Do đó theo Phật giáo, nhiều vị Phật và Bồ tát đã xuất
hiện dưới nhiều dạng chúng sinh khác nhau, để dẫn dắt chúng sinh đến sự giác
ngộ. Có thể kể đến các đạo sư đã thành tựu trong số các vị Phật và Bồ tát đó.
Jean Francois: Trên
bình diện lịch sử khi nào, thế nào và tại sao Tiểu thừa lại tách rời khỏi Đại
thừa?
Matthieu: Những vị
Thượng tọa của Đại thừa và Tiểu thừa không có cùng quan điểm về vấn đề này.
Những lời dạy của Đức Phật trong Tiểu thừa đều gồm đủ trong Đại thừa, duy Đại
thừa còn thêm vào đó một phần phụ thuộc. Chính phần phụ thuộc này là trung tâm
tranh luận giữa hai thừa Phật giáo.Theo Đại thừa thì khi sinh thời, lúc Đức
Phật còn tại thế đã truyền dạy cả hai thừa. Nhưng Ngài chỉ dạy tùy theo căn cơ
mỗi người cho nên Ngài chỉ truyền dạy Đại thừa cho những đệ tử có đầy đủ trí
tuệ để lĩnh hội được. Đây không phải là một pháp môn bí truyền dù rằng cũng có
bí truyền trong Phật giáo, nhưng là những mức độ giáo hóa khác nhau. Đại thừa
chủ trương rằng cá nhân tu để tự giải thoát khỏi đau khổ là một mục tiêu quá
hạn hẹp. Trước khi đi vào con đường Phật đạo, cần phải phát nguyện đạt đến sự
tỉnh thức của Đức Phật vì lợi ích của chúng sinh. Ta tự chuyển hóa để có thể
giúp kẻ khác thoát khỏi đau khổ. Chúng ta chỉ là một trong vô lượng chúng sinh,
vậy thì cái gì tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ cho bản thân tôi thì có gì
đáng kể so với hạnh phúc hay đau khổ của những kẻ khác. Cái chỗ thâm thúy của
Đại thừa ở nơi quan điểm về "cái không", về thực tại tối hậu. Cái
không này khác hẳn với cái hư vô mà chủ yếu giúp con người hiểu rằng các hiện
tượng đều không có tự ngã". Những đệ tử của Tiểu thừa chống đối quan điểm
này và cả sự chính xác của các lời dạy bên Đại thừa. Phải cần nói thêm rằng còn
có thêm một thừa nữa tức là "Kim cương thừa" cũng là một nhánh của
Đại thừa và gồm cả những phương pháp bí truyền về thiền định.
Jean Francois: Khi
những Phật tử nói về đau khổ hình như họ chỉ đề cập đến đau khổ gây ra bởi
những tình cảm lệch lạc, sự ghen ty, sự thù hận, lòng khao khát, những thất
vọng do ham muốn quyền lực, những kích động đưa đến thất bại, tuyệt vọng, oán
hờn và những sự lệ thuộc vào những trạng thái tâm lý tiêu cực. Nói tóm lại, sự
đau khổ chỉ xuất phát từ thói hư tật xấu, những lỗi lầm, những nhược điểm cũng
như từ sự ngã mạn của chính chúng ta. Nhưng thật ra đau khổ có quá nhiều nguyên
nhân khác ví dụ như đói khát, bị khổ hình do các bạo chúa, bị nạn binh đao từ
các kẻ thù nghịch, bị nạn diệt chủng v.v... Với những sự đau khổ đó chúng ta là
nạn nhân chứ không phải là thủ phạm. Muốn được chữa khỏi loại đau khổ này cần
có phương tiện vật chất hay những phương pháp thực tế hơn là sự tỉnh thức của
người Phật tử.
Matthieu: Một khi
mà tình thế đã vượt khỏi tầm kiểm soát của con người thì bắt buộc phải dùng
những phương thuốc thực tiễn, dù rằng ngay đến việc ấy, một sự bình an lâu dài
cũng cần phải có một sự thay đổi thích ứng. Nên nhớ rằng nguyên nhân đầu tiên
của chiến tranh vẫn là hằn thù, và của các cuộc xâm lược là lòng tham vì ích kỷ
cá nhân, vì sự ràng buộc vào tự ngã.
Còn đối với những loại đau khổ
mà thoạt nhìn chúng ta chỉ là những người thọ nhận vô can như chiến tranh,
thiên tai, bệnh tật chúng ta đã nói đến cái cách mà chúng ta phải thấu hiểu vấn
đề: đó là những đau khổ ấy đến với chúng ta không phải do tiền định, do sự ngẫu
nhiên mà chính là hậu quả của những hành động quá khứ của chúng ta. Đó là những
mũi tên mà chúng ta bắn ra và chúng quay ngược trở lại để nhắm vào chúng ta.
Con có thể hiểu là vấn đề nghiệp có thể làm cho chúng ta có phần ngỡ ngàng.
Theo thuyết nghiệp quả, điều gì đến với chúng ta không phải là sự ngẫu nhiên.
Chính chúng ta là nguyên nhân của những sự đau khổ hiện nay của chúng ta. Nếu
hiểu như thế thì chúng ta sẽ không phải thắc mắc trước những trường hợp những
đứa trẻ vô tội mắc phải những chứng bịnh nan y hay bị khuyết tật bẩm sinh, hoặc
những người đức hạnh lại gặp những cảnh ngộ bi đát. Chúng ta là kết quả của một
tổng hợp phức tạp các nguyên nhân và điều kiện có khi tốt, tích cực, vị tha có
khi lại xấu xa tàn hại. Dần dần những nguyên nhân ấy thể hiện và chín mùi theo
dòng đời. Đứng về toàn cảnh tâm linh như Phật giáo mà nói về những cuộc tái
sinh liên tục, thì điều nói trên có một ý nghĩa nào đó. Trong một toàn cảnh
siêu hình khác, người ta lại không thể hiểu nỗi vì sao hạnh phúc hay đau khổ
hiện nay của chúng ta lại là quả của một quá khứ xa xăm nào đó. Vậy là chúng ta
không có lý do gì để nổi loạn với những điều đến với chúng ta, nhưng chúng ta
cũng không chấp nhận một thái độ thụ động, bởi vì hiện nay chúng ta có khả năng
để vượt qua tình thế. Vấn đề là phải biết phân biệt rõ ràng điều nên làm và
không nên làm để xây dựng hạnh phúc và tránh đau khổ. Nếu chúng ta hiểu rằng
những hành động tiêu cực sẽ đem đến đau khổ cho chính chúng ta và cho kẻ khác,
còn những việc làm tích cực sẽ đem đến hạnh phúc thì chúng ta chỉ còn cần hành
động cho đúng, ngõ hầu gieo những hạt giống tốt cho tương lai chúng ta. Tục ngữ
có câu: ''Khi ta còn để bàn tay trên lửa, ta không sao tránh khỏi bị bỏng”.
Chúng ta sẽ không lệ thuộc vào luật thưởng phạt, chúng ta chỉ đơn giản tuân
theo luật nhân quả mà thôi. Đức Phật đã kể ra rất nhiều trường hợp về luật nhân
quả. Ngài nói rằng những ai đoạn mất mạng sống của người hay vật, sẽ chết yểu
hoặc chết vì tai nạn. Nhưng cho dù là thế, nếu những người ấy có thực hiện
những việc làm tích cực thì cuộc sống của họ dù cho có ngắn ngủi cũng giàu sang
và hạnh phúc. Những ví dụ như vậy rất là mênh mông mà chỉ có tuệ giác của một
vị Phật mới nhận rõ hết được.
Jean Francois: Phải,
nhưng cũng có những đau khổ tự nhiên như tuổi già, cái chết v.v...
Matthieu: Trong
bài thuyết pháp đầu tiên, Đức Phật đã trình bày bốn chân lý cao thượng tức Tứ
diệu đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cái khổ bao gồm cả sinh lão bệnh tử, cầu bất đắc,
ái biệt ly, oán tắng hội, và ngũ ấm xí thạnh khổ.
Jean Francois: Vậy là
đau khổ bao gồm cả người, vật và cả các vật thể khác?
Mathieu: Cái khổ
bao gồm cả cái khổ các kiếp sống trước và của các kiếp sống tương lai của đủ
mọi loại chúng sinh.
Jean Francois: Nhưng
những cái khổ cơ bản như sinh ra, sống một cuộc đời đầy dẫy tiêu cực và tình
cảm lệch lạc, bệnh hoạn và cái chết, những điều đó có thể xảy ra trong những
trường hợp ít hoặc nhiều bi đát. Người ta có thể trách phương Tây khoa học, kỹ
thuật và Duy vật là đã đánh mất đi một vài giá trị tinh thần, nhưng khi Ba nhìn
cảnh sinh hoạt hằng ngày trên đường phố Katmandou người ta dù có muốn nêu lên
những thất bại của các nền kinh tế Tây phương, cũng không thể phủ nhận được cái
việc mà một anh thất nghiệp ở Tây phương sống như một tỷ phú bên cạnh một anh
lao động ở Nepal. Ở Nepal này, 500 quan được xem như là một mức lương cao, 200
quan mức lương bình thường. Những điều kiện sống trong xã hội Tây phương dù có
thiếu thốn đi chăng nữa cũng tránh được phần nào cho kẻ bần cùng những đau khổ
xác thân, những thiếu thốn cùng cực luôn luôn đầy dẫy ở Đông phương. Quan niệm
về một liều thuốc thực tiễn có vẻ như xa lạ với Phật giáo. Theo nghĩa triết lý,
số phận một con người là số phận một con người. Người ta biết rằng một tỷ phú
người Mỹ có nhiều khổ tâm hơn một phu khuân vác người Nepal. Và có thể là Bá
tước Rothschild cũng tự tử vì thất vọng năm 1996. Nhưng dù sao hạnh phúc và đau
khổ trong cuộc sống hằng ngày cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác hơn là
yếu tố tinh thần.
Matthieu: Không
nên quá vội vã khi nhận xét về điều kiện vệ sinh đáng buồn trên các đường phố ở
Katmandou. Katmandou cũng giống như nhiều thành phố phương Đông khác đã bành
trướng một cách vô tổ chức, một phần do các đồng lúa ở miền quê trở nên cằn cỗi
và dân số thì tăng vọt, một phần là do sự thất vọng của một bộ phận dân số khi
chọn sống ở thành thị. Sự nghèo khổ ở Ấn Độ hay ở Nepal làm cho chúng ta mủi
lòng cũng đúng thôi, nhưng nếu nhận xét đơn giản như vậy người ta sẽ quên mất
những tiến bộ đã thành tựu được trong vòng 50 năm trở lại đây. Ấn Độ đã có một
chế độ dân chủ, và một số lớn người dân Ấn thuộc giai cấp hạ lưu không những đã
được giáo dục đàng hoàng mà còn giữ những chức vụ thường dành riêng cho các
giai cấp cao hơn. Còn rất nhiều người nghèo ở Ấn Độ, nhưng 1/4 dân số đã có một mức sống dễ chịu.
Nguyên nhân căn bản của sự nghèo khổ ở Ấn Độ không phải là do người ta quá chú
tâm vào việc phát huy tinh thần. Chính là do con số gần một tỷ người cộng thêm
sự khắc nghiệt của thời tiết. Ở Âu châu, người ta không khổ hàng năm vì nạn hạn
hán, và tiếp theo là lũ lụt gây hậu quả trầm trọng. Ta không nên quên rằng
những tiện nghi xã hội mà các dân tộc phương Tây được thừa hưởng cũng chỉ mới
gần đây giữa hai cuộc thế chiến. Đối với các nước nghèo như Ấn Độ và Nepal,
không thể tưởng tượng nổi là những tiện nghi xã hội khá tốn kém ấy lại có thể
được thiết lập trong một tương lai gần cho một dân tộc mà dân số cứ tăng lên
vùn vụt. Họ không có đủ tài nguyên để làm những việc đó. Paris và London đều có
những căn nhà lụp xụp tồi tàn dưới thời Louis 14 mà vấn đề tâm linh vẫn được
chú trọng. Con không nghĩ là Phật giáo đã bỏ qua việc tìm ra phương thuốc thực
tiễn, nhưng sự nghèo khổ ở phương Đông quá to lớn do những điều kiện địa lý
thời tiết và dân số. Còn nói về đau khổ do chiến tranh, do bị nhục hình hay bị
ức hiếp thì đó là hình thức đau khổ mà người ta thấy hằng ngày. Đó là kết quả
của vô minh. Để đối phó với vô minh, thì người Phật giáo, Công giáo hay những
ai có lòng tự trọng, dù theo tôn giáo hay không cũng cần phải làm tất cả để
giúp đỡ kẻ khác. Đối với tín đồ một tôn giáo, đó là sự thể hiện tâm linh trong
đời sống. Đối với người không tôn giáo thì đó là biểu hiện của lòng bi mẫn. Một
người giàu lòng nhân ái là kẻ cho người đói ăn, cho kẻ lạnh chỗ ở, cho thuốc
men đến với những người bệnh hoạn. Không làm được như vậy là thiếu sót bổn phận
làm người.
Jean Francois: Nếu nói
như vậy, thì ta lại trở lại vấn đế đạo đức. Những điều con vừa mô tả là một
tính cách rất đáng ca ngợi mà Ba có thể cho là tính cách của những vị thánh
thời Trung Cổ bên Âu châu. Bị bao phủ bởi một đại dương khốn cùng và đau khổ,
với một nếp sống rất thấp. Do lòng bác ái Cơ đốc giáo người ta cố gắng an ủi
những kẻ khốn cùng, những người ăn xin, bệnh hoạn, phong hủi và người ta cố
gắng làm nhẹ đi nỗi đau của họ. Mặt khác người ta cố gắng tạo ra một thể chế xã
hội trong đó cái khốn cùng không còn nữa, và hình thức cá nhân nhờ vả nhau để
mà sống không còn tồn tại. Hình như Phật giáo cho rằng mọi hình thức đau khổ
đều do sự thiếu kiểm soát tư tưởng, nhưng có nhiều sự đau khổ hoàn toàn khách
quan không đến từ vô minh.
Matthieu: Đúng
vậy, nhưng một cuộc chiến bắt đầu như thế nào, nếu không phải là do oán hờn và
thù hận?
Jean Francois: Điều này thì Ba hoàn toàn đồng ý. Nhưng sự
khốn cùng ở Nam Á không phải duy nhất là do chiến tranh mà còn là do sự thiếu ý
thức phát triển, thiếu sự áp dụng khoa học kỹ thuật, thiếu sự chủ động trong
nắm bắt kinh tế. Khoa học về vật chất bị khinh rẻ, nhường chỗ cho khoa học về
tâm linh. Một vài hình thức đau khổ đã biến mất trong xã hội Tây phương vì được
người ta áp dụng khoa học vào đời sống thực tế. Lấy ví dụ về bệnh tật. Không
thể chối cãi được là việc kéo dài tuổi thọ ở Tây phương là do bệnh tật càng
ngày càng được đối trị và chăm sóc chu đáo hơn. Người bệnh dù nghèo đến đâu
cũng được đảm bảo bởi những định chế xã hội đôi khi rất đắc tiền. Một khi có
người ngã bệnh, thì những định chế xã hội này lập tức vận chuyển mà không cần
đến sự quyết định hay lòng tốt của một cá nhân nào. Những kỹ thuật mới cũng góp
phần vào việc làm nhẹ bớt những đau khổ xác thân cũng như tinh thần. Và người
ta cũng biết rằng bệnh tật cũng mang đến nhiều đau khổ tinh thần trầm trọng.
Vậy thì ở đây, người ta đối phó với đau khổ bằng cách đi thẳng vào khía cạnh
thực tế của nó.
Matthieu: Con nghĩ
rằng không một Phật tử nào lại đi chống đối những tiến bộ y khoa, những tổ chức
cứu trợ nhân đạo. Sự phát triển khoa học giúp làm dịu nỗi đau con người. Để cho
Ba những ví dụ về thái độ trên về những cộng đồng Phật giáo, con xin nêu lên
trường hợp Srilanka, xứ sở đa phần theo Phật giáo, có tỷ lệ giáo dục cao nhất
Nam Á và một hạ tầng cơ sở y khoa đáng khâm phục. Srilanka cũng là nước ở Nam Á
đã thành công trong việc kiểm soát sinh sản, và chế ngự được sự bùng nổ dân số.
Những tiến bộ đó được thực hiện bởi một chính phủ vô thần, nhưng có nhiều thành
viên là Phật tử. Và nhà sư Thái Lan đã giữ một vai trò quan trọng trong công
cuộc chống tác hại của ma túy và bệnh Aids, và đã đón nhận trong các tu viện
một số con nghiện, cùng với một số người mắc bệnh Aids bị gia đình bỏ rơi. Nước
Bhoutan hoàn toàn theo Phật giáo dành 30% ngân sách cho giáo dục, một tỉ lệ có
lẽ là cao nhất thế giới. Hơn nữa, đó cũng là một quốc gia rất nghiêm túc trong
công việc bảo vệ môi trường săn bắn và câu cá cũng như phá rừng bị cấm chỉ
tuyệt đối. Vậy là chúng ta không nên rơi vào một cực đoan nào cả. Bác bỏ hay
phản đối một sự tiến bộ vật chất có thể xoa dịu nỗi đau của con người, là điều
đáng chê trách. Nhưng điều ngược lại cũng không hẳn là lành mạnh. Xao lãng việc
phát triển tâm linh mà chỉ chú tâm vào vật chất dần dần sẽ đem đến những hậu
quả tiêu cực từ đó nảy sinh sự hẹp hòi và sự hung hăng mở màn cho chiến tranh,
cho sự đấu tranh vì quyền lực, và như vậy là vì lợi ích cá nhân. Lý tưởng là
biết sử dụng đúng mức các tiến bộ vật chất mà không để chúng ảnh hưởng đến tinh
thần và hoạt động của chúng ta, và luôn luôn đặt việc phát triển tâm linh lên
hàng đầu nhằm trong sạch hóa con người của chúng ta.
Jean Francois: Đúng
thế. Nhưng hãy trở lại vấn đề những giáo điều và siêu hình trong Phật giáo.
Người ta nói với Ba rằng dù rằng Đức Giáo hoàng Jean Paul II rất quí trọng Đức
Đạt Lai Lạt Ma mà ngài đã tiếp nhiều lần, ngài dự định sẽ tham dự một hội nghị
đại đồng- giống như hội nghị về thánh Assise mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham dự,
nhưng trong đó chỉ có đại diện của các tôn giáo nhất thần như Thiên chúa giáo,
Hồi giáo, Do Thái giáo. Phật giáo không được mời tham dự, có phải vì lý do Phật
giáo không tôn thờ thần linh?
Matthieu: Đức Đạt
Lai Lạt Ma luôn luôn mong ước có một hội nghị thứ hai kiểu như hội nghị về
thánh Assise, và người còn gợi ý là nên chọn Jerusalem vì là nơi gặp gỡ của
nhiều tôn giáo, với ý định mà không thể chấp nhận được những cuộc xung đột như
ở Bosnia và ở Trung đông luôn luôn nảy sinh, một phần vì những dị biệt tôn
giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nhấn mạnh rằng mọi tôn giáo đều mang lại một
tinh thần đem lại hạnh phúc cho chúng sinh, và như vậy phải là một yếu tố hoà
bình. Thông điệp của Chúa Jesus Christ là một thông điệp tình thương và một
trong những nghĩa của từ Islam là hoà bình. Những sự tàn bạo và nhục hình được
thực hiện nhân danh tôn giáo, hay sử dụng tôn giáo để làm trầm trọng thêm sự
chia rẽ sắc tộc được xem như là những điều lầm lạc. Người ta có thể thuyết phục
kẻ khác bằng chân lý, và không nên áp đặt chân lý bằng sức mạnh. Nói khác đi,
chân lý thật sự không cần đến bạo lực để khẳng định.
Jean Francois: Sự lầm
lạc rất thường khi xảy ra.
Matthieu: Và vì
thế, trước sự kiện đáng buồn đó Đức Đạt Lai Lạt Ma rất trăn trở và khi du hành
trên thế giới, ngài cố gắng thuyết phục các vị lãnh đạo tôn giáo nên gặp nhau
để tìm hiểu nhau, và kính trọng nhau hơn. Ngài nêu bật những điểm chung của các
truyền thống tâm linh nhất là tình yêu đồng loại, và lòng từ bi đối với những
người khốn khổ.
Jean Francois: Điều này có thể đúng với các vị lãnh đạo
tôn giáo, nhưng chưa chắc đã đúng với đa số tín đồ. Và như thế tín đồ Cơ đốc
giáo và Hồi giáo tàn sát lẫn nhau cũng như tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo ở
Trung Đông. Nhưng trở lại vấn đề học thuyết, Phật giáo không thể được xem như
một tôn giáo hữu thần.
Matthieu: Không,
vì Phật giáo không quan niệm một Thượng đế sáng tạo ra thế gian và các loài như
con đã đề cập. Nhưng nếu ta quan niệm Thượng đế như là chân lý tối thượng, thực
tại tối hậu, tình yêu vô biên thì Phật giáo nằm trong quan điểm đó, chẳng qua
là vấn đề ngôn từ mà thôi.
Jean Francois: Trong
lịch sử tôn giáo, có một sự phân biệt rất lớn về đa thần giáo và nhất thần
giáo.
Matthieu: Phật
giáo cũng không phải là đa thần giáo. Trong truyền thống Tây Tạng có một tập
thể hình tượng thần linh, nhưng những hình tượng này không liên quan gì đến
những vị được sùng bái như thần linh vì họ là khuôn mẫu của tri thức, của lòng
bi mẫn, của lòng vị tha v.v... Họ có thể là những đề tài thiền định giúp chúng
ta thể hiện những đức tính nêu trên trong tâm thức của chúng ta.
Jean Francois: Trong
lịch sử các tôn giáo, người ta thường xem Nhất thần giáo như một sự tiến bộ lớn
so với Đa thần giáo vì tôn giáo sau này gồm nhiều hình thức mê tín dị đoan. Ba
nghĩ rằng những tôn giáo nhất thần lớn hiện nay hay trong quá khứ đều bao gồm
những vật húy kỵ, những điều cấm đoán, những nghi lễ mà Ba xem như là có tính
cách mê tín dị đoan. Do vậy, Ba không hiểu vì sao Nhất thần giáo lại hay hơn Đa
thần giáo, trái lại thì có, Ba cho rằng Đa thần giáo lại khoan dung hơn Nhất
thần giáo.
Matthieu: Điều
này vẫn luôn luôn như vậy, Đa thần giáo vẫn có hiện nay ở Ấn Độ và Nepal.
Jean Francois: Sự cố
chấp thường xuyên xảy ra với Nhất thần giáo. Khi mà có người báo rằng: “Chỉ có
một thượng đế, đó là thượng đế của tôi và như vậy tôi có quyền tiêu diệt tất cả
những ai không cùng một lòng tin” thì chắc chắn rằng sẽ có sự cố chấp và chiến
tranh tôn giáo sẽ xảy ra.
Matthieu: Rất buồn
khi phải nói như vậy.
Jean Francois: Nhưng đó
là một sự kiện lịch sử và cũng là một căn bệnh vẫn đang tiếp tục hoành hành
hiện nay, thời đại mà người ta xiển dương sự khoan dung và đa nguyên luận.
Matthieu: Những sự
diệt chủng tiếp tục xảy ra nhân danh tôn giáo. Có hai hình thức cố chấp về tôn
giáo. Thứ nhất là có những cá nhân không thâm hiểu sâu sắc về đạo của mình nên
không thể thực hành đúng theo những lời dạy. Họ dùng đạo như một lá cờ chiêu mộ
để làm sống những tình cảm sắc tộc, bộ tộc, hay dân tộc. Thứ hai là những tín
đồ thành khẩn bị hoàn toàn thuyết phục bởi lòng tin vào tôn giáo của họ, cho
nên họ muốn áp đặt cho kẻ khác.
Khía cạnh thứ nhất thì đáng được
ca ngợi, nhưng khía cạnh thứ hai thì dễ đưa đến sự lầm lạc, vì lẽ họ không biết
tôn trọng những truyền thống tâm linh khác, cũng như họ không hiểu được sự đa
dạng của chúng sinh. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói: "Cần phải có một niềm
tin tuyệt đối vào con đường đã chọn cộng thêm sự tôn trọng các hình thức tâm lý
khác."
Jean Francois: Trên
bình diện thần học và vũ trụ học tất cả các nhất thần giáo đều có một điểm
chung: đó là huyền thoại về sự sáng tạo. Huyền thoại được biết đến nhiều nhất
là trong Thánh kinh, trong Sáng thế thư (Cựu ước), trong Hóa công của Platon.
Đó là Đức Sáng thế. Ý niệm về sự sáng tạo thế gian là một ý niệm mà người ta
thường gặp trong nhiều tôn giáo kể cả đa thần giáo. Nhất thần giáo nhân cách
hóa Thượng đế như là một Đấng có thể nhìn thấy và chăm sóc tất cả, ý niệm này
chung cho Do Thái giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và sau này được các triết gia cổ
điển nhắc lại. Vì lẽ Thượng đế toàn giác toàn năng, Đấng sáng tạo ra thế gian,
ra những chân lý vĩnh hằng theo Decartes đã được tìm thấy lại trong quyển siêu
hình của Aristoste cũng như trong các tác phẩm của các triết gia cổ điển về sau
như Descartes và Leibniz. Vậy là chúng ta không tìm thấy quan niệm đó trong Phật
giáo? Phật giáo không cho rằng có sáng tạo? Không có một Thượng đế mà mắt và
tai dùng để giám sát thế gian.
Matthieu: Không,
con đã đưa ra những luận điệu tiến bộ để chỉ ra rằng một thực thể thường hằng,
toàn năng và độc lập không thể sáng tạo ra bất cứ thứ gì mà không làm mất đi sự
thường hằng và toàn năng của nó. Thế gian được hoàn toàn điều khiển bởi luật
"Nhân quả'' và luật ''Duyên khởi''. Nhưng nếu có ai quan niệm Thượng đế
như là một tình yêu vô tận giống như bên Cơ đốc giáo, thì Phật giáo không hề
chống đối một quan niệm như thế. Chỉ là vấn đề ngôn từ mà thôi.
Còn về thực tại tối hậu. Con
cũng muốn nói vài lời. Người ta có thể phân biệt ra hai khía cạnh. Thế giới
hiện tượng mà chúng ta cảm nhận được thuộc về chân lý tương đối. Thực tại tối
hậu của vạn vật, siêu thoát ngoài mọi ý niệm chúng sinh, không phải chúng sinh
hiện hữu và tan biến, động và tĩnh, một và nhiều, thuộc về chân lý tối hậu. Và
như vậy chân lý tối hậu là sự thành tựu về cái ''Không”, về sự tỉnh thức, về
bất nhị chỉ có thể đạt tới nhờ thiền định chứ không phải nhờ phân tích tư
tưởng.
Jean Francois: Con quan
niệm thế nào là “không''? Có phải là hư vô không?
Matthieu: Quan
niệm về "Không'' có thể làm nhiều người lạc hướng và sợ hãi. Họ nghĩ rằng
không có gì có thể xuất phát từ cái không này, không có cái gì có thể vận hành
được, và không có định luật nào- dù là định luật nhân quả chẳng hạn- có thể có
hiệu lực trong cái ''Không'' ấy. Họ cũng nghĩ rằng cái ''Không'' không chứa
đựng một tiềm lực nào có thể biểu hiện được và họ cảm thấy khó chịu về cái
không đó. Vậy là họ nhầm lẫn giữa cái Không Phật giáo và Hư vô. Không có cái gì
hết trong Hư vô trái hẳn với cái Không vì cái Không bao gồm tiềm lực của vũ trụ
của chúng sinh, của cái động, và của tâm thức. Thế gian không thể biểu hiện
được nếu bản chất tối hậu của nó không phải là cái không. Cũng như thế giới
cũng cần phải có không gian để được phô diễn hoàn toàn. Nếu không gian cứng
nhắc và thường hằng thì không thể có vật gì xuất hiện hay thay đổi được. Vì vậy
trong các bản văn Phật giáo đã có ghi ''Vì có cái Không nên có tất cả, Vậy là
trong cái Không có thể gồm cả mọi thứ, nếu những thứ này tương thuộc lẫn nhau.
Jean Francois: Nói như
con thì gần như là chơi chữ. Con dùng chữ không không phải trong nghĩa xoá bỏ
tâm thức mà là trong nghĩa không gian trống rỗng cốt để chứa đầy những thực
thể.
Matthieu: Không,
không phải thế. Ví dụ về không gian dễ dàng cho các vật thể có thể biểu lộ
được, chỉ là một hình ảnh để cho thấy rằng không có gì 1à rắn chắc thường hằng,
có tự ngã mà có thể hiện diện trong thế giới hiện tượng được. Vì không có tự
ngã, nên các hiện tượng có thể phô bày vô tận. Vậy là cái không, không phải là
khoảng trống trong một cái bình mà là tự thể cái bình và cả cái mà nó chứa đựng
nữa. Vì sao rất quan trọng khi cần phân biệt chân lý tương đối và chân lý tuyệt
đối. Bao giờ còn tồn tại một sự lẫn lộn giữa bản chất tối hậu và bản chất biểu
hiện của các hiện tượng, bao giờ chúng ta còn tin rằng các hiện tượng gồm có
một bản ngã riêng biệt, thì đầu óc của chúng ta luôn luôn bị xâm chiếm bởi muôn
vàn tư tưởng và tình cảm tích cực hoặc tiêu cực. Với mỗi tình cảm lệch lạc,
chúng ta có thể có một đối kháng ví dụ lấy thiện cảm để đối lại lòng ghen ghét.
Nhưng những tình cảm đối kháng đó không thể diệt tận gốc vô minh, tức là sự
dính mắc của chúng ta vào thế giới hiện tượng. Để cắt đứt sự dính mắc ấy, cần
phải nhận ra bản chất tối hậu của các hiện tượng mà ta gửi là cái ''Không. Đối
với những ai đã vươn tới Phật tính thì không còn có nhị nguyên giữa cái biểu
hiện và cái thực tại của vạn vật. Sự nhận thức các hiện tượng vẫn còn đó, nhưng
không bị đánh lạc hướng bởi vô minh, khi cho rằng các hiện tượng ấy gồm có tự
ngã riêng biệt. Và như vậy cái Không được nhận định rõ ràng.
Jean Francois: Thế nào
là cái Không?
Matthieu: Cái
Không, không khác với các hiện tượng, nó chính là bản thể của chúng. Trong lãnh
vực của thực tại tương đối, quan điểm của Phật giáo gần giống như những khoa
học về thiên nhiên vào thời Phật giáo ra đời. Theo vũ trụ luận Phật giáo, thế
giới được hình thành từ những hạt bụi không gian đông đặc lại và biến đổi thành
bốn yếu tố là đất nước, gió, lửa tạo thành vũ trụ. Người ta lại nói đến sau đó
là có một đại dương nguyên sơ mênh mông đã bị quậy lên bởi các cơn gió bão và
tạo nên một chất đặc sệt mà khi cứng lại biến thành các lục địa, các núi non
v.v... Tất cả diễn trình ấy đều tuân theo qui luật nhân quả. Phật giáo cho rằng
vũ trụ không có khởi đầu, vì lẽ một vật khi muốn thể hiện phải có một nguyên
nhân đầu tiên và vì vậy trước khi thể hiện ý niệm về thời gian không thể hiểu
đuợc. Thời gian chỉ là một quan niệm dính liền vào một chuỗi khoảnh khắc được
nhận ra bởi một người quan sát. Thời gian không thể tự nó có được vì lẽ người
ta không thể nắm bắt một khoảng thời gian riêng biệt nào cả. Thời gian và không
gian chỉ có tương đối cho những hệ thống tham khảo riêng biệt, và cho những
kinh nghiệm của chúng ta mà thôi.
Jean Francois: Đây cũng
gần giống như học thuyết của Kant. Thời gian không tự nó có, mà chỉ là để con
người nắm bắt được hiện tượng.
Matthieu: Ngoài
hiện tượng ra, không có thời gian. Nếu không có hiện tượng lấy đâu ra thời
gian. Thời gian dính liền với thay đổi. Quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa
tới và dòng thời gian không thể nắm bắt được trong giây phút hiện tại. Trong
siêu hình Phật giáo người ta nói đến một lọai thời gian thứ tư vượt lên trên
quá khứ, hiện tại và vị lại và đó là thời gian vĩnh cửu.
Jean Francois: Thời
gian vĩnh cửu? Có vẻ như mâu thuẫn đấy.
Matthieu: Không,
thời gian thứ tư này không thực sự là thời gian mà chỉ là một từ ngữ để ngụ ý
rằng vĩnh cửu ở bên kia thời gian, vì thời gian chỉ liên quan tương đối với thế
giới hiện tượng. Vũ trụ luận Phật giáo còn đề cập đến những chu kỳ. Chu kỳ của
một vũ trụ gồm bốn giai đọan: thành, trụ, hoại, không rồi sau đó một chu kỳ mới
lại phát sinh.
Jean Francois: Thuyết khắc
kỷ ủng hộ luận thuyết một sự tái lập bất tuyệt về lịch sử vũ trụ từ một năm
không trở đi trở lại và đánh dấu bằng một vụ nổ lớn.
Matthieu: Nhưng ở
đây không có vấn đề tái lập liên tục các vật thể giống nhau, vì như vậy thì
không còn ý nghĩa nào nữa, mà là một biểu hiện vô tận các hiện tượng đúng theo
luật nhân quả, theo nghiệp.
Jean Francois: Vậy là
nếu để riêng ra cái phần cổ xưa của nó, vũ trụ luận Phật giáo không phải là một
giáo điều đi ngược lại các khám phá khoa học?
Matthieu: Đúng ra
là không, vì lẽ vũ trụ luận Phật giáo thuộc về lĩnh vực chân lý tương đối, qui
ước có thể thay đổi tùy theo nhãn quan con người qua các thời đại.
Tuy nhiên có một sự khác biệt
quan trọng với các học thuyết khoa học về nguồn gốc cái Tâm. Như con đã nói
trước đây, cái Tâm không thể sinh ra từ cái bất động. Giây phút hiện tại mà cái
Tâm nắm bắt, là do giây phút trước đó tạo ra, cũng như chính nó tạo ra giây
phút kế tiếp. Chúng ta đã nói rằng thế giới không có khởi đầu trong thời gian,
cái Tâm cũng thế. Đó cũng là lý do mà người ta cho rằng đúng vào lúc thụ thai,
tia sáng tâm thức đầu tiên nảy sinh trong thai nhi chỉ có một nguyên nhân là
động dù cho là cái tia sáng nguyên sơ ấy có thể tưởng tượng như trong một đơn
bào đầu tiên của vũ trụ.
Jean Francois: Theo
quan niệm siêu hình truyền thống, cái gì thuộc về tâm thức đều đến từ nhận
thức, cũng như vật chất đến từ vật chất vậy. Điều này có từ Platon và người ta
lại tìm thấy trong triết lý cổ điển thế kỷ thứ 17 và trong một câu nói của
Descartes: "Không thể có nhiều trong nhân hơn là trong quả được.'' Nhưng ở
đây rõ ràng là khoa học hiện đại đã khám phá ra điều trái ngược dựa trên những
kinh nghiệm và quan sát. Đó là luận thuyết của thầy con- Jacques Monod trong
quyển: ''Tất yếu và ngẫu nhiên''. Cũng có nghĩa là: Cái sinh động đến từ vật
chất, và cái nhận thức đến từ cái sinh động và dần dần với sự phát triển các
giống loài dẫn đến sự nhận thức và ngôn ngữ. Đây có thể gọi là một biểu đồ được
khoa học hiện đại hoàn toàn công nhận.
Matthieu: Theo Phật
giáo, cái nhận thức không phải đơn thuần đến từ tiến triển của vô thức. Có một
sự thay đổi không những về số lượng và cả về chất lượng. Sự quan sát cấu trúc
càng ngày càng phức tạp của hệ thần kinh và các hình thức của sự sống đi đôi
với sự tiến triển của trí thông minh. Nhưng theo Phật giáo, một hình thức dù
cho đơn giản nhất của sự sống cũng phải có một dạng nhận thức nào đó, khác hẳn
vật chất thuần túy. Theo nấc thang động vật, khả năng nhận thức càng ngày càng
sâu sắc, hữu hiệu và hoàn hảo để sau cùng là trí thông minh của con người. Vậy
là nhận thức được biểu hiện qua nhiều thể trạng và trong những hoàn cảnh khác
nhau.
Jean Francois: Sự kiện
có một hình thức tâm lý ở động vật đã được chấp nhận, chỉ có Descartes là phủ
nhận nó. Hiện nay có nhiều tác phẩm viết về tâm lý loài vật, vì rõ ràng là nơi
loài vật có một tâm lý riêng biệt, nhưng đó có thể là bản năng hơn là một cái
tâm thức biết suy nghĩ.
Matthieu: Thật
vậy, nhưng dù sao cũng 1à những động vật. Còn đối với các động vật có mức phát
triển cao, con tự hỏi là những người hoài nghi về trí thông minh của loài vật,
có vô tình bị ảnh hưởng bởi giáo thuyết Do Thái và Công giáo khi cho rằng súc
vật không có linh hồn. Cũng đừng quên cách đây vài thế kỷ, một hội nghị tôn
giáo còn dám nghĩ rằng đàn bà không có linh hồn!
Jean Francois: Vậy thì
cái Tâm từ đâu đến nhất là trong các vi sinh vật?
Matthieu: Phật
giáo cho rằng nó đến từ một kiếp sống trước theo nguyên tắc bảo tồn tâm thức,
giống như bảo tồn năng lượng trong vật chất.
Jean Francois: Đó không
phải là quan điểm của khoa học. Khoa học xem con người giống như những thú vật
khác, một con vật mà tâm thức phát triển song song với phát triển não bộ nhưng
bí mật lớn nhất có lẽ là sự chuyển hoá từ vật chất sang sự sống. Khi người ta
tự hỏi không biết có sự sống trong các dãy ngân hà khác, người ta cũng luôn
luôn tự hỏi là các phản ứng điện năng và hóa học đem lại sự sống có xảy ra
trong các hành tinh, các hệ mặt trời hay các ngân hà khác hay không? Nhưng sự
chuyển đổi từ đời sống động vật hay thực vật sang đời sống nhận thức xuyên qua
quá trình tiến hóa các sinh vật, có lẽ ít bí hiểm hơn là sự chuyển đổi từ vật
chất sang sự sống.
Matthieu: Chúng ta
không thể đi xa hơn trong việc so sánh vì lẽ nếu Phật giáo không chống đối sự
tiến hóa đến những hình thức sự sống càng ngày càng phức tạp, những hình thức
thông minh càng lúc càng tế nhị, thì Phật giáo cũng chủ trương rằng cái Tâm
không thể sinh ra từ cái bất động. Khoa học nói rằng khi tế bào tiến hóa càng
phức tạp, thì nó càng phản ứng hữu hiệu với các kích thích bên ngoài, và sau
cùng nó tiến đến hệ thần kinh, mà cái Tâm cũng bắt nguồn từ đó. Theo Phật giáo
cái Tâm không thể sinh ra từ một phản ứng hóa học.
Jean Francois: Vậy là
rõ ràng. Nhưng hãy trở lại với điều mà con gọi là thực tại tối hậu, cái Không.
Matthieu: Cái
Không, không phải là hư vô, cũng không phải là một khoảng không gian trống rỗng
tách rời khỏi hiện tượng. Chính nó là bản chất của các hiện tượng. Và vì thế
Tâm kinh đã nói: ''Sắc tức là không, không tức là sắc''. Đứng trên quan điểm
tuyệt đối, thế gian không thể hiện thực. Vậy nên thế giới hiện tượng là tương
đối và cái Không là bản chất tuyệt đối.
Jean Francois: Nhưng
hiện tượng thì rõ ràng và nhận thức được.
Matthieu: Quan
niệm về cái Không đi ngược với cái thiên hướng bẩm sinh của con người về Ngã
chấp và Pháp chấp. Khi mà Phật giáo nói: ''Sắc tức thị không, không tức thị
sắc'' thì chẳng khác gì khoa học bảo: ''Vật chất là năng lượng, và năng lượng
là vật chất''. Ta không chối bỏ hiện tượng, nhưng ta chối bỏ rằng hiện tượng có
một tự ngã riêng biệt. Theo Heisenberg nếu các nguyên tử không phải là vật, thì
tại sao những hiện tượng lại có thể trở thành vật.
Jean Francois: Nhưng có
phải là Phật giáo phủ nhận thế gian vì cho rằng thế gian chỉ là sản phẩm của
nhận thức, và như vậy có phải giống như thuyết Duy tâm tuyệt đối bên Tây phương.
Matthieu: Phật
giáo cũng có một trường phái gọi là trường phái Duy thức chủ trương rằng: ''Rốt
ráo chỉ có cái thức. Mọi thứ khác chỉ là phóng ảnh của cái thức mà thôi. Nhưng
điều nầy cũng đã bị các trường phái khác bác bỏ''.
Jean Francois: Đó là
điều gọi là duy tâm tuyệt đối trong các thuyết về tri thức của Tây phương đặc
biệt là Berkeley và Hamelin.
Matthieu: Để đối
lại, các trường phải Phật giáo khác cho rằng sự nhận thức các hiện tượng phải
qua trung gian các giác quan, và được diễn giải qua tâm thức. Vậy là người ta
không nhận thức được hiện tượng y như nó đang là. Người ta chỉ nhận thức được
những hình ảnh của hiện tượng phản chiếu lại trong tâm.
Jean Francois: Cái đó
gọi là thuyết Duy tâm thăng hoa của Emmanuel Kant.
Matthieu: Một vật
được nhìn thấy bởi 100 người khác nhau giống như 100 cái bóng trong 100 cái
giường.
Jean Francois: Và cũng
chỉ có một vật.
Matthieu: Mới nhìn
thì quả là chỉ có một vật nhưng được nhận ra bằng nhiều cách khác nhau, nhiều
người khác nhau. Chỉ có kẻ đã giác ngộ mới có thể nhận ra thực tại tối hậu của
vật nghĩa là hiển hiện nhưng hoàn toàn không có tự ngã. Chủ trương của Phật
giáo 1à trung dung: Thế gian không phải là một phóng ảnh của tâm thức, cũng
không phải hoàn toàn tách rời tâm thức, vì lẽ một thực thể riêng biệt, cố định,
không thể quan sát hoặc quan niệm được thì không còn có nghĩa gì nữa. Ở đây có
sự tương thuộc Phật giáo tránh rơi vào hư không, hay rơi vào vĩnh hằng. Những
hiện tượng xuất hiện từ một diễn trình tương thuộc nguyên nhân và điều kiện,
nhưng không có gì là có tự ngã. Sau rốt thiền định về thực tại tối hậu siêu
thoát mọi quan niệm trí năng, mọi quan niệm nhị nguyên.
Jean Francois: Thế gian
có hiện hữu ngoài chúng ta không?
Matthieu: Màu sắc,
âm thanh, mùi vị và những gì sờ mó được là những biểu tượng của thế giới khách
quan, chúng nó độc lập ngoài giác quan của chúng ta. Những thứ đó, mặt dầu
chúng hiện hữu ngoài chúng ta, nhưng thật sự chúng có những đặc tính cấu tạo
riêng biệt để xác định bản chất thật của chúng hay không? Hỏi vậy chứ bản chất
thực của thế giới ngoài chúng ta là gì? Không ai có thể nói được, vì vấn đề
vượt ra ngoài ý niệm của chúng ta. Vì thế theo Phật giáo, một thế giới vượt ra
ngoài tư tưởng của chúng ta không có ý nghĩa nào đối với ai cả. Để lấy một ví
dụ, một vật trắng là gì? Một làn sóng, một dãy bụi không gian di động? Nhưng
dãy bụi này là gì, là năng lượng, là khối v.v...? Không có cái biểu tượng nào
là đặc trưng của vật mà đó chỉ là kết quả của những cuộc khám phá của chúng ta
mà thôi. Trong các bản văn Phật giáo có kể chuyện về hai người mù muốn nhờ
người khác giải thích về màu sắc. Với một người, có kẻ bảo: "Màu trắng
giống như tuyết". Người mù bốc một nắm tuyết và kết luận là màu trắng thì
lạnh. Với người kia có kẻ bảo: "Màu trắng là màu của những con thiên nga",
anh mù nghe tiếng đập cánh của thiên nga nên cho rằng màu trắng kêu sột soạt.
Nói tóm lại thế gian này không thể tự khẳng định được. Nếu nó tự khẳng định
được; thì chúng ta sẽ có cái nhìn giống nhau về nó. Không có vấn đề chối cãi
thực tế hiện hữu, cũng như không thể nói rằng không có thực tại nào ngoài tâm,
mà ta chỉ nói rằng không có thực thể nào có tự ngã. Tất cả các hiện tượng chỉ
hiện hữu với tính cách tương thuộc vào nhau mà thôi.
Jean Francois: Đó là
những điều mà ta có thể gọi chung là vũ trụ luận, vật lý học và tri thức luận
của Phật giáo. Không tranh cãi về tính cách kỳ đặc của các học thuyết ấy dù sao
cũng là trước triết lý Tây phương, Ba cũng rất đỗi ngạc nhiên bởi nhiều điểm
tương đồng tùy theo từng thời kỳ, với các triết lý phương Tây trong suốt lịch
sử tiến hoá của nền triết học phương Tây.
Matthieu: Con cũng
muốn thêm rằng Phật giáo không hề chủ trương độc quyền nắm giữ chân lý, hoặc
giả có phát minh gì mới. Đây không phải là một cấu trúc giáo điều mà là một
khoa học tâm linh nhằm đưa con người đến một sự chuyển hoá nội tâm, và đến việc
thành tựu nhận thức bản thể tối hậu của sự vật.
Jean Francois: Dù thế
nào thì Phật giáo cũng bắt đầu sớm hơn các học thuyết mà Ba đã kể ra, vì lẽ nó
cũng sớm hơn cả triết lý Hy Lạp cổ đại. Do đó ta không thể nói đến một sự vay mượn
nào cả. Điều thú vị là khi con người biết suy nghĩ về thực tại, về tâm, về chân
lý, về cách giải thích thế gian, thì con người đặt ra vô số giả thuyết. Khi mà
khoa học thực nghiệm đích thực chưa vào cuộc, bao lâu mà con người chỉ có bằng
lòng suy nghĩ và dựng lên những giải thích có thể chấp nhận được về thực tại,
về quan hệ giữa tâm và thực tại và phải sống thế nào cho thật tốt, người ta
nhận thấy rằng con số những giải pháp không phải là bất tận. Từ những nền văn
hóa cổ xưa không có ảnh hưởng lẫn nhau, con người đã xem xét các giả thuyết vừa
nêu. Phật giáo đã có ảnh hưởng đến Tây phương, nhưng ngược lại Tây phương không
hề có một ảnh hưởng nào đến nguồn gốc Phật giáo.
Matthieu: Ta có
thể chờ đợi những truyền thống thiền định đích thực có thể đưa đến những kết
luận khả dĩ dung hợp được.
Jean Francois: Bây giờ
nếu trở lại câu hỏi trước đây: Phật giáo là một tôn giáo hay một triết lý thì
giờ đây câu trả lời đã rõ ràng. Phật giáo là một triết lý, không phải là một
tôn giáo. Đây là một triết lý gồm có một chiều hướng siêu hình quan trọng, siêu
hình nhưng không bắt nguồn từ một sự mặc khải nào, dù rằng triết lý siêu hình
đó gồm có những nghi thức có dáng dấp tôn giáo. Dù sao những nghi thức tôn giáo
này cũng được tìm thấy trong các triết lý cổ đại như thuyết Platon cải biên.
Matthieu: Nếu ta
muốn thiết lập những mối tương đồng thì như Ba đã nói trong quyển ''Lịch sử của
Triết lý" mà Ba là tác giả, lời của Aristote về thuyết duy lý của Eleats.
Đồng thời với Đức Phật, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên: ''Không có vật gì
đang có mặt lại có thể hiện hữu hay tan biến đi bởi lẽ cái gì đang hiện hữu
phải có nguồn gốc hoặc là từ cái gì đã có trước, hoặc là từ cái gì không
có." Và cả hai tiến trình đều không thể chấp nhận được. Cái gì đang hiện
hữu, không thể trở thành bởi vì nó đang hiện hữu, và không có cái gì có thể đến
từ cái không có. Bây giờ con nói đến một bản văn Phật giáo đã viết như sau về
hiện hữu và không hiện hữu:" Với một cái gì đã hiện hữu, thì cần gì đến
một nguyên nhân? Với một cái gì không hiện hữu thì cũng cần gì đến một nguyên
nhân? Cả tỷ nguyên nhân cũng không thay đổi được hư vô. Hư vô không thể trở
thành hiện hữu mà không mất đi bản chất của nó. Vậy thì cái gì khác có thể đến
với đời sống? Khi mà hiện thực và không hiện thực không còn hiện ra trong tâm
trí, khi mà mọi toan tính biến mất khi ấy tâm thức cởi bỏ hết tư tưởng, trở nên
tĩnh lặng.
Jean Francois: Hai sự
trích dẫn vừa kể rất đẹp, nhưng triết lý của Parmenide lại nói trái ngược với Phật
giáo. Parmenide muốn chứng minh là mọi thay đổi đều không thể có, tiến hóa cũng
không thể có sự chuyển động cũng thế. Sinh vật của Parmenide được đúc kết như
vậy hoàn toàn bất động dòng chảy bất tận. Những mâu thuẫn thời danh của Zenon
D'Eleé chủ yếu để bác bỏ sự chuyển động. Cái tên bắn đi không hề nhúc nhích, vì
nếu ta quan sát nó trong suốt đường bắn thì từng khoảnh khắc một nó bất động.
Cũng thế, con thỏ không thể nào bắt kịp con rùa vì mỗi khi mà nó tiến đến gần
con rùa thì vẫn còn một khoảng cách nửa con đường mà nó phải chạy cho dù rằng
nửa con đường càng lúc càng ngắn đi. Vậy là các mâu thuẫn đó dùng để phân tích
sự chuyển động để chứng minh rằng không có chuyển động.
Matthieu: Trong
quyển ''Nguyên tắc của toán học vi phân" của Ren Guenon có chỉ ra rằng
những mâu thuẫn của Guenon là nếu không có sự liên tục thì cũng không có chuyển
động được. Phật giáo cũng sử dụng những lập luận tương tự với Guenon để chứng
minh rằng, đứng trên quan điểm chân lý tương đối, điều mà có vẻ như là một trò
chơi nhân quả không thể có một sự hiện hữu đích thực được. Vậy thì trên quan
điểm tuyệt đối vạn vật đều không thể sinh ra, không thể thực sự hiện hữu hay
thực sự biến mất. Mục đích không phải là để chối bỏ thế giới hiện tượng mà
chúng ta có thể nhận thức được, điều mà Phật giáo gọi là ''chân lý quy ước'' để
chỉ ra rằng thế giới này không thật sự hiện thực như người ta vẫn tưởng. Sự
sống có vẻ như không thể có được, vì lẽ sinh vật không thể sinh ra từ hư vô, và
nếu nó đã có rồi thì nó không cần phải sinh ra nữa, và đồng thời nó cũng không
biến đi vì nó không bao giờ được sinh ra. Vì lẽ đó mà Phật giáo cho rằng cuộc
đời giống như ảo mộng hay ảo tường. Nhưng sự thật là Phật giáo không cho rằng
đời là ảo mộng hay ảo tường vì như vậy sẽ lọt vào hư vô luận. Theo thuyết trung
đạo này những biểu hiện đến từ cái không, và từ cái không có ra các biểu hiện.
Jean Francois: Nếu nói
như vậy và dù ta chấp nhận sự tương đối của thế giới hiện tượng, thì cuộc đời
là một ảo tưởng nghĩa là sau rốt không có sự sống.
Matthieu: Không có
sự sống đích thực độc lập ngay trong bản thể.
Jean Francois: Điều này
có dẫn đến một triết lý thụ động không. Vì hành động với một cái gì không hiện
hữu để làm gì?
Matthieu: Hoàn toàn không phải vậy. Trái lại, điều này đem
đến một sự tự do lớn hơn trong hành động trong giao tiếp với tha nhân, vì chúng
ta không còn bị cản trở bởi sự dính mắc vào cái Ngã và vào sự chắc thật của các
hiện tượng. Một vài triết lý của Ấn Độ đã đưa ra lập luận để chống đối Phật
giáo như Ba vừa nêu lên: Nếu tất cả đều giống như giấc mộng, nếu xem đau khổ
như là mộng ảo thì tội gì anh phải thoát ly khỏi đau khổ làm gì? Có ích gì để
được giác ngộ. Và câu trả lời là: Vì lẽ các
sinh vật kinh nghiệm được thế nào là đau khổ, thì rất hợp lý khi tìm cách chấm
dứt nó, dù rằng nó chỉ hư ảo. Nếu luận điệu của Ba giống như luận điệu Ấn Độ
nêu trên mà có giá trị thì người ta cũng có thể áp dụng nó cho khoa học: Vì sao
ta phải hành động khi ta chỉ là một khối tế bào điều khiển bởi một khối tế bào
thần kinh. Vì sao ta phải hành động, khi ta được cấu thành bởi các nguyên tử
không phải là vật, và như vậy không phải là chúng ta?