Chương 8.
Tinh thần đạo giáo và tinh thần thế tục
Jean Francois: Với sự
phát triển Phật giáo ở Tây phương, một khía cạnh đáng lưu ý về thực tại hiện
nay nổi lên một cách rất cụ thể. Đó là sự tương quan giữa Phật giáo và vài bản
văn triết lý thuộc thế hệ mới. Ba đã kể với Luc Ferry. Ba muốn kể thêm André
Comte Sponville, đã cho xuất bản từ hai năm nay quyển ''Tiểu khái luận về những
đức hạnh lớn''. Đó là một chuỗi những lời dạy bảo khôn ngoan rất thực tế, mà ở
Pháp chúng ta gọi là truyền thống của những nhà đạo đức học. Tác giả nhận xét
về phong cách, tâm lý con người và đôi khi không e sợ sự nhạt nhẽo, tác giả đưa
ra những lời khuyên thực tế về lối sống hằng ngày của con người. Đây cũng gần
như một cuộc cách mạng tư tưởng vào cuối thế kỷ 20 vì lẽ các nhà đạo đức học
luôn luôn bị khinh miệt bởi các triết gia chuyên nghiệp đã nhìn ở họ như những
người ghi chép các giai thoại tâm lý.
Những nhân vật xây dựng các hệ
thống tư tưởng triết lý hồi Ba còn trẻ, đã liệt các nhà đạo đức học vào hàng
ngũ văn chương thời thượng. Họ cho các nhà đạo đức học chỉ có những nhận xét
theo kinh nghiệm, gián đoạn và độc đoán, không thể tạo thành một hệ thống nào
được. Nhưng hiện nay người ta nhận thấy rằng quần chúng đã quay về với những
phương pháp đạo đức cổ điển đã đưa ra những lời chỉ dạy rất khiêm tốn và rất
thực tế về nếp sống của con người. Nhà đạo đức học đặc sắc nhất hiện nay
E.M.Cioran cũng là một nghệ sĩ và nhà văn đã bị gạt qua một bên trong suốt 40
năm và chỉ có hai hay ba ngàn độc giả. Đột nhiên vào năm 1985, mọi người lại
bắt đầu chú ý đến ông ta và sách của ông ta đã thành công vang dội ở Pháp, điều
này nói lên nhu cầu của quần chúng về những nguyên tắc chỉ đạo người ta phải
sống như thế nào, phải vươn tới nghệ thuật sống và phải hướng dẫn cuộc đời mình
ra sao. Đó là những câu hỏi mà từ lâu nền triết lý của chúng ta không có câu
trả lời. Nhưng Comte Sponvil1e đã nhiều lần tham khảo Phật giáo và đã nói một
câu đáng chú ý vì nó vừa thể hiện một sự đồng cảm cũng như một sự đối kháng
giữa Phật giáo và Cơ đốc giáo, câu nói về tâm từ bi và lòng bác ái: "Tâm
từ bi là một đức hạnh lớn của Phật giáo Đông phương cũng như lòng bác ái là một
đức hạnh lớn của Cơ đốc giáo Tây phương. Có nên chọn lựa chăng? Để làm gì? Vì
cả hai đức hạnh đều không chối bỏ nhau. Nhưng nếu cần, ta có thể nói như thế
này: ''Lòng bác ái thì cao cả hơn nếu ít ra là chúng ta có khả năng, còn tâm từ
bi thì dịu dàng và dễ gần gũi hơn. Hay nói cách khác thông điệp của chúa Ki Tô
về tình yêu thì kích động hơn, còn bài thuyết giảng của Phật về tâm từ thì thực
tế hơn.'' Phải nói là Comte Sponville đã đúng khi nói rằng lòng bác ái là một
đức hạnh lớn của Tây phương- ít ra là trên lời nói- vì 1ẽ lòng bác ái đó đã
biểu lộ bằng sự tận diệt người đã đỏ ở Mỹ châu, hay bằng sự đưa lên giàn hỏa
dưới thời Trung Cổ của những kẻ cuồng tín, hay bằng những sự hành hạ người Do
Thái và người Tin Lành. Nhưng dù sao theo Comte Sponville thì cuối cùng phải
nhận ra rằng lòng từ bi hãy còn kém về so với lòng bác ái của Cơ đốc giáo. Vậy
thì con nghĩ như thế nào và hiểu lòng từ bi Phật giáo ra sao?
Matthieu: Trước
hết con muốn nói vài lời về câu hỏi đầu tiên của Ba, tại sao lại có sự chú ý về
những tác phẩm nói về minh triết trong đời sống thường nhật? Có lẽ là để sửa
chữa lại cái quan niệm muốn trở thành một người tốt trong thời buổi hiện nay,
là một sự bận tâm quá xa lạ
với hệ thống giáo dục hiện hành. Nền giáo dục hiện nay, chủ yếu là phàm tục,
chỉ chú trọng vào việc mở mang trí thông minh và tom góp kiến thức.
Jean Francois: Trong
lãnh vực này, không thể nói là đã có sự thành công hoàn toàn.
Matthieu: Trí
thông minh là một con dao hai lưỡi. Nó có thể đem lại điều tốt cũng như điều
xấu, được dùng để xây dựng cũng như để phá hoại. Trong quá khứ, các tôn giáo đã
dạy người ta trở thành người tốt, phải biết yêu thương đồng loại, phải có lòng
nhân ái, thành thật, khoan dung và hào hiệp. Nếu bây giờ người ta yêu cầu các
đức hạnh nói trên được dạy trong các trường học, chắc chắn sẽ có một sự phản
đối rầm rộ. Người ta sẽ trả lời rằng điều đó thuộc lãnh vực cá nhân và cha mẹ
có bổn phận phải dạy dỗ con cái về những đức hạnh đó. Thế nhưng trong các thế
hệ mới, số cha mẹ hiện nay đã học qua các trường lớp ấy, người ta cũng không
dạy bảo gì về đạo đức do đó rất ít bậc cha mẹ có được một sự hướng dẫn tôn giáo
hay tâm linh. Người ta còn đi đến chỗ xem tình yêu và lòng từ bi cũng thuộc về
tôn giáo. Đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói rằng ta có thể không cần đến tôn giáo
nếu mọi người đều có tình yêu đồng loại và tâm từ bi. Ngài phân biệt rõ ràng
tinh thần đạo giáo và tinh thần phàm tục. Chính cái tinh thần phàm tục này giúp
chúng ta trở hành những con người tốt, phát triển được những đức tính mà chúng
ta có khả năng phát triển dù chúng ta có tin theo đạo hay không. Nếu không có
hoạt động tâm linh thì không có gì hoặc không có bất cứ một người nào, có chăng
1à do tình cờ đọc sách, có thể chỉ ra cho các thanh thiếu niên những giá trị
nhân bản và làm thế nào để phát huy các giá trị đó. Do đó rất đáng phấn khởi
trước sự chú tâm của quần chúng yêu các tác phẩm dạy về minh triết trong đời
sống.
Jean Francois: Ba rất
hài lòng là con đã ghi lại lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma về cái tinh thần phàm
tục, vì Ba nghĩ rằng cái tinh thần này không hề đối nghịch với việc giáo dục
đạo đức. Phàm tục có nghĩa là sự trung lập của một nền giáo dục không lệ thuộc
vào bất cứ giáo điều nào dù 1à tôn giáo hay chính trị. Điều này không loại bỏ
mà còn bắt buộc nữa là khác, việc huấn luyện đạo đức tập trung vào sự tôn trọng
luật lệ và người khác, sự sử dụng đúng mức các quyền tự do, nói tóm lại cái mà
Montesquieu gọi là đức hạnh Cộng hòa. Nhưng gần đây tinh thần phàm tục đã bị
đánh lạc hướng.
Matthieu: Tinh
thần phàm tục không phải là việc xóa bỏ những bài giảng về tôn giáo như ta đã
làm. Tại sao ta lại không giảng dạy về mọi tôn giáo kể cả triết học và chủ
nghĩa duy vật và cho phép học sinh được chọn lựa việc dự thính các buổi học đó.
Làm như vậy người ta cho phép trẻ con và các em thiếu niên có một ý niệm về
điều đã học. Tại sao phải chờ đến khi các em 16 tuổi mới dạy triết học cho các
em cũng như những giá trị căn bản của con người.
Jean Francois: Đó là
vấn đề dành cho cấp lãnh đạo ngành giáo dục. Nhưng bây giờ con nghĩ sao về lòng
từ bi Phật giáo so với lòng bác ái bên Công giáo?
Matthieu: Lòng từ
bi theo Phật giáo khó có thể diễn tả bằng ngôn ngữ Tây phương. Tâm từ theo Tây
phương gợi lên ý niệm về thương hại, về lòng trắc ẩn và như vậy là có khoảng
cách giữa người thương và kẻ được thương. Nhưng tiếng Tây Tạng Nyingjé mà ta
dịch là tâm từ, đúng ra có nghĩa là ông chủ của trái tim, là người kiểm soát
được tư tưởng. Tâm từ, theo Phật giáo là ý muốn hàn gắn mọi hình thức đau khổ,
và nhất là các nguyên nhân gây đau khổ như vô minh, thù ghét, tham ái v.v... Do
đó tâm từ một mặt hướng về con người, còn mặt kia lại hướng về kiến thức.
Jean Francois: Con có
đồng hóa tâm từ với lòng bác ái không?
Matthieu: Lòng bác
ái là một biểu hiện của tâm từ. Bố thí tất nhiên là một đức hạnh lớn trong Phật
giáo. Người ta phân biệt nhiều hình thức bố thí: tài thí tức là cho thức ăn,
tiền bạc, áo quần.Vô úy thí là bảo vệ những người gặp nạn, cứu người và sau
cùng là Pháp thí giúp cho kẻ khác phương tiện để thoát khỏi vô minh. Những hình
thức bố thí ấy luôn luôn được thực thi trong xã hội Phật giáo và đôi khi người
ta cũng thấy những thí chủ cúng dường tất cả tài sản của họ cho những kẻ thiếu
thốn. Trong lịch sử Tây Tạng, có nhiều trường hợp có người đã hy sinh cả mạng
sống để cứu mạng những người khác. Điều này giống như lòng bác ái bên Công
giáo. Sau đó để loại bỏ đau khổ dài hạn, ta phải quán tưởng về nguồn gốc của
đau khổ, và người ta sẽ nhận ra là chính vô minh đã nuôi dưỡng chiến tranh,
lòng câm thù, sự ám ảnh triền miên và tất cả thứ gì đem lại đau khổ cho con
người.
Jean Francois: Tâm từ
và tình yêu khác nhau như thế nào?
Matthieu: Tình yêu
chính là phần bổ túc cần thiết cho tâm từ. Tâm từ không thể tồn tại hay phát
triển nếu không có tình yêu và tình yêu là điều mong ước của chúng sinh muốn
tìm hạnh phúc và nguyên nhân của hạnh phúc. Chữ tình yêu ở đây có nghĩa là vô
điều kiện, là toàn diện cho mọi chúng sinh không phân biệt. Tình yêu giữa đàn
ông và đàn bà, giữa những bạn bè, giữa những người thân có tính cách sở hữu độc
chiếm, giới hạn và bao gồm cả những tình cảm ích kỷ. Khi người ta cho, người ta
mong có sự đền đáp. Một tình yêu như vậy có vẻ như sâu sắc, nhưng nó dễ dàng
tan biến nếu nó không đáp ứng được điều ta cầu mong. Hơn nữa, tình yêu mà ta
dành cho người thân thường kéo theo một khoảng cách, hay hơn thế một cảm giác
giận hờn đối với những người lạ, những người có thể đe dọa cho chính chúng ta
hay cho những người thân của chúng ta. Tình yêu đích thực, tâm từ đích thực có
thể gồm cả những kẻ thù của ta, còn tình yêu và tâm từ kèm theo một sự quyến
luyến cá nhân thì không thể bao gồm kẻ thù của ta được.
Jean Francois: Vậy là
quan niệm tình yêu cũng quan trọng trong Phật giáo chứ không riêng trong Công
giáo?
Matthieu: Nó là
nguồn cội của con đường đạo. Nhưng tình yêu không thể một chiều, giới hạn cho
vài người thân, hay thiên vị. Tình yêu phải hoàn toàn không vị lợi, và không
cần đền trả. Như vậy, một trong những đề tài chính về thiền định gồm có việc
bắt đầu nghĩ đến người mà ta yêu mến nhất và để cho tình yêu ấy tràn ngập tâm
hồn ta, sau đó phá vỡ các ngăn cách và trải rộng tình yêu ấy đến những người
không thân, không sơ rồi sau cùng là đến những người ta xem là thù địch. Đó mới
là tình yêu đích thực. Biết được một kẻ muốn làm hại ta, cũng không làm tổn
thương đến tâm từ của ta vì tâm từ này dựa trên sự hiểu biết sâu xa rằng kẻ thù
của ta cũng như ta luôn luôn muốn hạnh phúc và xa lìa đau khổ.
Jean Francois: Như vậy
thì từ bi của Phật giáo khác với lòng bác ái bên Công giáo như thế nào?
Matthieu: Tình yêu
đồng loại như đã viết trong Thánh thư, đúng là tình yêu và tâm từ trong Phật
giáo. Thật ra có thể nói là nó chung cho các tôn giáo lớn. Trong Phật giáo
người ta thêm vào tình yêu và tâm
từ, hai đức hạnh khác. Một là tâm hỷ tức là chia sẻ niềm vui của kẻ khác, cầu mong cho niềm vui đó được tăng trưởng và kéo
dài. Tâm hỷ đối nghịch
với lòng ghen ghét. Hai là tâm xả, tức là dành tình yêu, tâm từ và sự khoan
dung cho người thân
cũng như cho người lạ và cho kẻ thù. Nếu
chúng ta so sánh sự an vui của chúng ta với sự an vui của vô số chúng sinh, thì rõ
ràng là sự an vui của
chúng ta không đáng kể. Hơn nữa, phải biết rằng niềm vui hay nỗi khổ của chúng ta ràng buộc rất nhiều vào niềm vui hay nỗi khổ
của kẻ khác. Trong đời sống thường nhật ta có thể thấy sự khác biệt giữa những người chỉ biết lo
cho chính mình và những
người luôn lo cho kẻ khác. Những người trước luôn luôn khó chịu và bất mãn. Sự hẹp hòi của họ trong giao tiếp khiến họ khó đạt
được điều mà họ mong
muốn. Họ thường xuyên gõ vào các cánh cửa
đóng kín. Trái lại, người có thái độ cởi mở và không ích kỷ, luôn nghĩ đến lợi ích kẻ
khác. Họ có sức mạnh
tinh thần sung mãn và những vấn đề của
riêng họ không làm họ mấy bận lòng và dù họ không mong muốn, những người khác
luôn chú ý đến họ.
Sau cùng, như con đã nói, tình yêu và tâm
từ Phật giáo không tách rời sự minh triết tức là sự nhận thức đúng về sự vật, nhắm vào
sự giải thoát kẻ khác
thoát khỏi vô minh vốn là nguyên nhân đầu
tiên của mọi đau khổ. Chính sự minh triết, trí tuệ đó đã đem 1ại sức mạnh cho tâm từ.
Jean Francois: Người ta
có thể phản bác là các điều kể trên không rõ ràng lắm. Ngày nay có sự lo âu về
cái mà ta gọi là những vấn đề xã hội, những bất công, phạm pháp, thuốc gây
nghiện, phá thai, án tử hình. Và ngoài án tử hình là không thể sửa chữa được,
có thể nào cứ phải nhốt những kẻ phạm pháp hay là nên giáo dục họ? Và những vấn
đề con vừa nêu ra về giáo dục, có nên cưỡng bức hay là tùy thuộc vào nguyện
vọng của học sinh?
Matthieu. Vấn đề
giáo dục là: Có nên dạy cho học sinh những gì chúng muốn nghe hay là những gì
chúng thật sự cần nghe. Sự chọn lựa thứ nhất là một giải pháp dễ dãi, còn thứ
hai 1à một thái độ có trách nhiệm.
Jean Francois: Và sau
cùng, tất cả vấn đề về bảo vệ xã hội, về thất nghiệp, bạo động, hội nhập những
di dân, đối đầu chủng tộc trong những xã hội lớn ngày nay, Phật giáo có tự hỏi
về những vấn đề nêu trên và đã có câu trả lời hay chưa?
Matthieu: Xã hội
Tây phương có thừa phương tiện để xoa dịu những đau khổ vật chất nhưng lại rất
thiếu phương tiện để xây dựng hạnh phúc tinh thần. Nó lại còn thiếu những điểm
chuẩn liên quan đến những vấn đề thiết thực của xã hội và của cuộc sống vì lẽ
càng ngày các nguyên tắc tâm linh càng ít soi sáng chúng ta. Năm 1993 khi con
theo Đức Đạt Lai Lạt Ma với tư cách là thông dịch viên khi ông viếng nước Pháp
trong ba tuần lễ, con rất ngạc nhiên về việc ngài đã được các sinh viên tiếp
đón trọng thể như thế nào. Đúng là trong các Đại học sự đón tiếp xảy ra rất
nồng nhiệt. Ở Grenoble vào tháng chạp, 8 giờ đêm trời lạnh, giảng đường đông
nghẹt và bên ngoài 3 hay 4 ngàn người đang chờ đợi trong cái lạnh và nhìn vào
một khung chiếu lớn hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang thuyết giảng. Ở Bordeaux
cũng thế. Đáng ngạc nhiên là không khí sôi sục trong cuộc hỏi đáp giữa ngài và
sinh viên. Ngài đã nói trong 20 phút rồi một loạt các câu hỏi được đưa ra về án
tử hình, về phá thai, kiểm soát sinh đẻ, về bạo lực, về tình yêu v.v... Người
ta có cảm giác là sinh viên sau cùng đã tìm được một nhân vật để đối thoại
Jean Francois: Và những
câu trả lời của Ngài là như thế nào?
Matthieu: Về vấn
đề kiểm soát sinh đẻ, Ngài chủ trương rằng mạng sống là của quí nhất mà con
người có được. Mỗi một mạng sống giống như một con tàu có thể giúp chúng ta đến
được sự giác ngộ. Nhưng nếu có quá nhiều mạng sống, thì nhân loại sẽ gặp rất
nhiều khó khăn vì tài nguyên của trái đất không đủ cho nhiều tỷ người có được
một cuộc sống đàng hoàng. Giải pháp duy nhất là chận đứng sự bùng nổ dân số và
Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trương sự kiểm soát sinh đẻ bằng cách "bất bạo
động” có nghĩa là sử dụng các phương pháp tránh thai sẵn có.
Jean Francois: Một sự
phòng ngừa sinh sản?
Matthieu: Làm đủ
mọi cách mà không dùng bạo lực để tránh một sự sinh sản quá mức.
Jean Francois: Như vậy
là Ngài không tán thành việc phá thai.
Matthieu: Phật
giáo cho sự giết chóc là cướp đi sinh mạng của một sinh vật đang hoạt động hoặc
đang tượng hình. Vì theo thuyết tái sinh, khi khởi đầu thụ thai thì giòng tâm
thức đã hiện hữu dù là rất sơ khai và khó phát hiện. Trong vài trường hợp nếu
mạng sống người mẹ bị đe dọa, và nếu đứa con ra đời sẽ là một quái thai thì sự
phá thai có thể chấp nhận được, nhưng ngược lại nếu vì lòng ích kỷ, vì mưu cầu
lợi ích riêng cho bản thân thì việc phá thai phải bị lên án. Và ta nên phát
triển các phương pháp tránh thai hiệu quả, để không sử dụng đến biện pháp phá
thai. Câu trả lời này có vẻ làm hài lòng cử tọa. Và Ngài lại bông đùa: ''Cách
hay nhất để tránh sự bùng nổ dân số là nên có nhiều nam và nữ tu sĩ'' và điều
này đã làm thính giả phải bật cười.
Jean Francois: Ba thêm
rằng việc gia tăng dân số không còn là một vấn đề lớn đối với các nước phát
triển vì nơi đây số trẻ sinh ra đã giảm xuống. Điều cần phải bàn là vấn đề tự
do cá nhân và tự do lựa chọn. Một vấn đề khác là án tử hình đã được giải quyết
trong phần đông các nước Tây phương tiên tiến, ở đây hầu như không còn giữ án
tử hình. Và ngay ở Hoa Kỳ, chỉ còn vài tiểu bang giữ lại và vài tiểu bang khác
thì mới thiết lập lại án tử hình. Như vậy chỉ còn lại sự trừng phạt các trường
hợp phạm pháp và giết người có tổ chức. Người ta không thể áp dụng sự bất bạo
động với các vụ giết người có tổ chức. Làm sao để chống lại bọn Mafia nếu không
dùng đến bạo lực, không bỏ tù những kẻ sát nhân và làm cho những kẻ này không
còn khả năng gây tội ác.
Matthieu: Sự bất
bạo đang không có nghĩa là một sự hèn yếu. Mục đích là giảm thiểu nỗi đau của
người khác. Như vậy vô hiệu hóa những tên sát nhân là một việc làm cần thiết.
Nhưng điều này không ngụ ý là mang ý nghĩa báo thù hay là đem áp dụng những
hình phạt tàn bạo. Gần đây con đã được nghe trên sóng phát thanh lời tuyến bố
rất cảm động của cha mẹ một đứa bé bị sát hại trong một vụ mưu sát, trước ngày
kết án tên khủng bố sát nhân: ''Chúng tôi không cần thêm một cái chết nữa.''
Đối với hình phạt chung thân để ngăn không cho kẻ sát nhân có cơ hội làm hại
nữa, thì án tử hình mang ý nghĩa như một việc báo thù. Đó là điều mà Đức Đạt
Lai Lạt Ma đã nói trong quyển ''Cõi trời với tai họa của con người''. Kết án tử
hình một con người là một việc làm quan trọng. Đó là sự loại bỏ hẳn một cá
nhân. Tuy nhiên con người đó nếu được sống có thể thay đổi nhân cách. Con tin
chắc rằng với những kẻ sát nhân thật sự nguy hiểm vẫn còn có khả năng một sự
thay đổi và hối cải. Nếu để cho họ sống, thì ta cho họ có cơ hội để cải tạo lại
con người của họ.
Gần đây, vào năm 1996 ở Hoa Kỳ
trong tiểu bang Arkansas, một phạm nhân bị hành quyết sau 12 năm bị giam cầm.
Trong thời gian đó hắn đã thấy ra sự ghê tởm về hành vi của hắn. Và ước mong
được đem quãng đời còn lại phục vụ kẻ khác chuộc lại lỗi lầm. Hắn cũng đã phát
nguyện xin được tu hành. Qua điện thoại hắn đã làm cho công chúng nghe được
trên sóng phát thanh địa phương: ''Tôi đã trở thành một con người khác. Hãy cho
tôi cơ hội để chuộc lỗi. Đừng giết tôi''. Chúng ta muốn tin rằng chúng ta sống
trong một xã hội loài người. Thật ra, không phải thế. Có lẽ chính phủ nên chính
thức xem án tử hình như một sự báo thù. Rõ ràng là án tử hình không làm đầy đủ
vai trò hình phạt gương mẫu có thể làm giảm thiểu tội ác sát nhân''. Và hắn lại
đặt câu hỏi: "Tại sao các ông lại hành quyết các phạm nhân giữa đêm làm
cho mọi người không hay biết? Nếu việc làm của các ông không phải là vô nhân
đạo, tại sao không hành quyết chúng tôi giữa ban ngày, trước ống kính vô tuyến
truyền hình.”
Thống đốc Arkansas, một vị mục
sư cũ, đã không ân xá cho ông ta và ra lệnh hành quyết trước kỳ hạn một tháng
để tránh việc tội nhân có dịp lại kêu ca.
Jean Francois: Ba nghĩ
rằng đã có sự đồng tình khá phổ biến về vấn đề này. Cái xã hội dân chủ lớn
nhất, còn giữ lại án tử hình là Hoa Kỳ dù rằng chỉ là ở trong một số tiểu bang
và điều này đã gây ra tranh cãi ở nhiều nơi. Ba nghĩ rằng nó sẽ biến mất thôi.
Matthieu: Xã hội
có bổn phận bảo vệ người dân chống lại những kẻ sử dụng bạo lực. Dù là một vụ
giết người hay là một sự hành quyết đều không thể chấp nhận được. Mục đích là
ngăn chận những kẻ nguy hiểm không cho họ gây hại, dù cho là họ có tổ chức hẳn
hoi.
Mục đích của sự bất bạo động là
làm giảm sự bạo động. Đó không phải là một thái độ thụ động. Giải pháp hay nhất
là vô hiệu hóa những kẻ gây hại lớn cho người khác mà không sử dụng bạo lực.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dùng một
công thức rất ấn tượng bằng Anh ngữ: ''Chúng ta phải tha thứ, nhưng không
quên.''
Jean Francois: Phải,
đúng thế, không thể quên. Nhưng lý luận như vậy chỉ áp dụng cho cá nhân, hiện
nay tội ác có tổ chức hẳn hoi. Đó là những băng đảng vì lợi nhuận, vì sự cuồng
tín ý thức hệ đã tự cho mình cái quyền giết hại kẻ khác. Như vậy là không phải
một con người cần phải cải tạo mà là cả một tổ chức tội ác. Và hiện nay xã hội
có xu hướng sản sinh ra những tập đoàn lưu manh mà mục đích chỉ là lợi nhuận
hay là quyền lực, hay cả hai. Và xã hội không có phương tiện nào khác để chống
đỡ hơn là dùng bạo lực để chống lại bạo lực.
Matthieu: Tội ác có tổ chức chỉ là do một nhóm người. Vô
hiệu hóa họ chỉ là giải pháp tình thế hơn là diệt trừ tận gốc. Muốn diệt trừ
tội ác chỉ còn cách là cải tạo con người, giúp cho con người thay đổi cách suy
nghĩ và hành động.