Đời sống
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt
13/12/2558 23:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời nói đầu

Hôm nay là ngày 16 tháng 11 năm 2003 tại vùng núi rừng của Tu Viện Đa Bảo ở Sydney thuộc nước Úc, tôi và tăng chúng ở đây đã gần một tháng nhập thất rồi và công việc của chúng tôi là dịch kinh, hành trì, tu tập, công phu, học tập, chấp tác v.v... Mỗi ngày cứ như thế và cứ thế, bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng và chấm dứt vào lúc 23 giờ đêm.

Thời gian trôi qua thật nhanh, làm cho ai trong chúng tôi cũng có cảm tưởng rằng mới ngày nào đó mình đến đây mà nay đã ở gần một nửa thời gian đã được ấn định rồi. Mọi người đang vội vã để tự làm xong những công việc của mình. Riêng tôi, ngoài dịch phẩm: "Đại Đường Tây Vức Ký" nói về hành trình đi thỉnh kinh của Ngài Huyền Trang tại Ấn Độ, tôi muốn rằng phải có thêm một tác phẩm nữa. Do vậy mà tác phẩm này mang tên là: "Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt" được ra đời. Nhằm để cảm tạ thâm ân củaTamBảo, Thầy Tổ, cha mẹ và đàn na thí chủ đã vun bồi cho cá nhân mình trong hơn nửa thế kỷ qua.

Đây cũng là một tác phẩm chuyên đề về giáo dục, về đạo đức, luân lý. Mà cũng có thể là một quyển sách hướng dẫn về cách sống cho mọi người, nếu ai đó thấy thích hợp. Vì lẽ cuộc sống hôm nay và cuộc sống ngày trước có nhiều thay đổi quá, khiến cho lương tâm con người thật khó phân biệt, đâu là chánh, đâu là tà. Phải nên nghe theo ai, phải nên bỏ ai v.v... Cuối cùng rồi nhiều khi chính mình lại mâu thuẫn với mình nữa. Do vậy mà tác phẩm nầy cần góp mặt với cuộc đời. Dĩ nhiên đây chẳng phải là kim chỉ nam cho mọi người phải noi theo, mà là một cái nhìn của người đã qua những phương pháp sư phạm ở trường Đạo cũng như trường Đời và nhất là phải nhìn đời hay đúng hơn là cuộc sống nầy dưới cái nhìn về Đạo Đức của một Tôn Giáo thì mới mong cứu vãn tình thế như hiện nay đã xảy ra nhan nhản khắp nơi trên quả địa cầu nầy.

Tôi ở trong rừng cây vắng vẻ trên núi, chung quanh được bao bọc bởi những cây bạch đàn. Đêm về có tiếng côn trùng nỉ non, than thở. Ngày đến có nhiều động vật khác lạ, có nhiều màu sắc, tiếng kêu ở xứ Nam Bán Cầu với những động vật mà tôi đã thấy qua ở Phi Châu hay Á Châu, cũng như Âu Châu. Vì vậy mà cái nhìn về thiện ác, tốt xấu v.v... có lẽ nó cũng sẽ giải trình theo từng quan điểm khác nhau khi ở chỗ nầy hay chỗ khác. Vì lẽ ở bên này là ngày mà bên kia quả đất là đêm và bên nầy bán cầu là mùa hè, trong khi đó ở bên Âu Châu là mùa đông lạnh lẽo, giá buốt. Vậy thì đúng hay sai, tốt hay xấu hãy đừng nên bị không gian và thời gian chi phối, mà chúng ta hãy gạt qua tất cả, để đứng lên trên mọi chuyện chấp nhứt thị phi thì quan điểm ấy mới hợp với đường lối nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay. Ngay cả đó là môn khoa học về đạo đức hay khoa học của một Tôn Giáo.

Mỗi sát na là một biến đổi. Mỗi giờ phút là một sự thay ngôi đổi chủ và trong khi chúng ta đang sống thì cũng đã có biết bao nhiêu người đang phải chết. Trong khi chúng ta đang đi đầu thai thì có không biết bao nhiêu người và động vật được sinh ra. Thế giới nầy là một sự biến ảo. Một sự ảo hóa, có có không không. Khiến cho người không vững lòng tin, khó mà thoát ra khỏi vòng đối đãi chấp trước.

Ta là gì trong vũ trụ nầy? Thật sự ra nó chẳng là gì cả. Vì trong vũ trụ nầy có biết bao nhiêu cái ta như thế được đem ra giải trình; nhưng đâu có thấy được cái ta nào đâu. Vậy nó là cái gì? Con kiến càng lớn, cái ta càng cao. Con kiến nhỏ chắc cũng phải có một bản ngã nhỏ như thế? Vì lẽ khi ta đạp đến nó. Nó tự vệ bằng cách cắn lại mình. Con chim két đang kêu tíu tít đó, chắc chắn rằng con trống đang khoe tài với con mái, nhất là khi có con trống thứ hai bên cạnh, thì con trống nầy lại ráng sức hơn để nói những gì mà có lẽ chỉ chúng hoặc con mái đứng bên cạnh biết mà thôi. Nhưng có lẽ một điều không sai là con nào cũng muốn phần thắng thuộc về mình.

Mỗi con vật, mỗi con người đều có một loại vũ khí để phòng vệ. Ví như con kiến, con ong khi chúng ta đụng vào nó, điều đầu tiên là nó lấy 2 càng và vòi cũng như nọc độc để chích lại đối phương. Đấy chỉ nhằm tự vệ cho sự sinh tồn của chúng. Vì chúng nghĩ rằng chúng phải sống. Sống là một định luật mà bất cứ loài nào cũng phải tranh giành lấy. Vì sự hiện hữu trên cuộc đời nầy rất quan trọng. Như con thiêu thân cố gắng ở trong bóng tối bao lâu để được nở thành hình dạng; thì chỉ một đêm thôi đã trở thành cát bụi. Con muỗi cũng thế, nếu chẳng may gặp người giết thì cũng chỉ trong khoảnh khắc lại tan tành. Con rệp nó chui rúc dưới giường, giấu mặt để tìm chút hương thơm của máu, thì cũng bị con người phát hiện và trước sau cũng sẽ bị chết với nước sôi, hoặc dưới bàn tay không nhân nhượng của con người. Vì lẽ ai cũng phải chiến đấu cho cái tự ngã của mình trước hết.

Có những con vật thật lớn nơi vườn Tu Viện Đa Bảo nầy; nhưng nhiều khi bị những con kiến thật nhỏ khiêng đi thân xác của những con gấp 20 hay 30 lần của chúng, mặc dầu con vật lớn ấy vẫn còn sống. Tôi thấy được vội cứu đi liền và tự hỏi làm sao có nhiều con lớn mà thiếu trí và mưu như thế, để cho một bầy kiến nhỏ lại mang đi dễ dàng như vậy? Có lẽ bầy kiến sẽ hận tôi lắm? Nhưng chuyện mạnh được yếu thua hay lớn ăn hiếp nhỏ có lẽ không đúng trong trường hợp nầy?

Tôi quan sát 2 con quạ và 2 con két. Khi quạ kêu lên thì két nó lắng tai nghe và khi két nói thì quạ nó làm thinh. Chẳng biết chúng hỏi nhau gì; nhưng hỏi xong rồi mỗi con bay đi mỗi ngả, quạ thì bay theo quạ và két thì bay theo két. Chúng thường hay bay cặp hay bay thành đàn với nhau, chứ ít khi bay lẻ một con.

Trời hôm qua nóng đến 32 độ C; nhưng hôm nay thì gió bụi mịt mù. Ai ai cũng bảo sao mà trời làm như thế? Nhưng dẫu làm thế nào thì con người, muôn vật vẫn phải sống. Nếu lạnh thì mặc áo ấm vào. Nếu mưa thì phải che dù. Nếu gió thì phải khép cửa lại để bảo vệ cho sự sống. Ta cũng chẳng có quyền để bảo gió phải dừng, trời đừng mưa nữa và mây kia hãy đừng kéo đến để phủ kín bầu trời nầy.

Biển vẫn xanh, có nhiều gợn sóng; nhưng giông bão đến thì biển sẽ gầm thét không ngừng. Nhiều khi có khả năng nuốt hết những ngôi nhà nhiều tầng, nhất là những đợt sóng thần trong lịch sử đã chứng minh điều đó.

Máy bay vẫn bay, vẫn thành công về độ nhanh; nhưng cũng có nhiều chiếc đang rớt và có nhiều người chết. Ai là người bị số phận hẩm hiu như thế? Và ai là kẻ được hạnh phúc đến nơi chốn an toàn? Những cuộc hành trình ấy được bao lâu thì phải chấm dứt? Và vũ trụ nầy có đứng yên hay bị hoại diệt bởi thời gian năm tháng? Hay cứ thế mà lững lờ trôi về một nơi vô định nào khác?

Rồi trong lòng đất người ta đã rút ra nào dầu lửa, hơi đốt, nhôm, chì, thép, đồng, vàng và những kim loại khác v.v... nhưng khi nào thì những chỗ thủng ấy được thay thế vào? Rồi những thứ được rút ra khỏi lòng đất ấy đã đi đâu? Biến thể như thế nào? Của ngàn năm trước và ngàn năm sau nữa?
Con người ngày nay đã chinh phục được mặt trăng và cả những hành tinh xa xôi khác nữa trong vũ trụ nầy. Nhưng để làm gì? Và cuối cùng sẽ là gì? Nhìn đến phía trước các khoa học gia đã và sẽ thấy gì và nhìn lại sau, họ đã rút ra được bài học gì cho nhân loại?

Còn Tôn Giáo ư? Dĩ nhiên là Tôn Giáo nào cũng muốn dạy cho Tín Đồ của mình trở thành những người tốt. Tuy nhiên điều răn dạy ấy có hợp với tín đồ không, lại là một điều khác. Ta thấy rằng cuộc đời nầy có lúc chìm lúc nổi, lúc lên lúc xuống. Do đó Tôn Giáo cũng bị ảnh hưởng theo. Có lẽ đó là vòng quay của tạo hóa chăng? Ngày xưa Phật Giáo ở Ấn Độ. Hơn 5000 năm của Ai Cập. Khổng Giáo của Trung Hoa. Thiên Chúa giáo ở Âu Châu v.v... tất cả đều vang bóng một thời. Tất cả đã đi vào dĩ vãng. Lật lại những trang sử ngày xưa người ta thấy rằng dĩ vãng rất oai hùng, rất kiêu hãnh. Từ đền đài cung điện cho đến văn hóa văn chương. Những gì mà còn lại như Kim Tự Tháp của Ai Cập, Đại Tháp nơi Bồ Đề Đạo Tràng v.v... tất cả là những công trình to lớn mà đời nầy người ta không thể xây dựng nên được. Không phải người ta thiếu những phương tiện máy móc, mà người ta thiếu những đầu óc sáng tạo. Ngày xưa người ta sống với thiên nhiên, tiếp cận, giao thoa với thiên nhiên; nên thiên nhiên đã ưu đãi cho con người như thế. Tuy rằng phương tiện ngày ấy chẳng có gì. Phải nói rằng chắc chắn thô sơ hơn ngày hôm nay; nhưng con người ngày đó làm được. Còn bây giờ thì không.

Những tảng đá lớn nơi đền thờ Đế Thiên Đế Thích tại Cam Bốt hay tại Bura Budur Nam Dương chẳng hạn. Ai đã tạo nên những kỳ công lịch sử như thế nầy? Có phải một ông Tiên nào đó ở thế giới khác đến đây để giúp cho con người, hay do nghị lực của con người mà thành tựu? Thế thì cái nghị lực ấy ngày hôm nay nó đi đâu rồi?

Ai trong chúng ta lại tự nhận mình là người xấu, người thiếu khả năng? Ai có thể tự xấu hổ khi một lỗi lầm đã xảy ra dầu trong vô tình hay cố ý? Ai có ý ăn năn để sám hối, rửa tội? Những hình thức ấy có ý nghĩa gì? Và ai là người sẽ chịu trách nhiệm về những gì mà chính ta đã gây nên? Phật, Trời, Chúa, Đế Thích?

Con chim nó bay nhiều lúc chúng ta nghĩ rằng nó không định hướng; nhưng chắc chắn chúng biết cái tổ của nó ở đâu nó lại trở về. Con vật đi ăn đêm, làm sao có thể trở về lại nơi xuất xứ ra đi? Con kiến nó bò xa miệng hang cả hàng trăm thước. Thế mà nó vẫn có thể tự trở về. Con con người ngày hôm nay mặc dầu có cả tấm bản đồ trong tay; nhưng đi vào phố vẫn bị lạc nhiều tiếng đồng hồ? Đó là chưa hiểu làm sao có thể tự mình lên Thiên Đàng hay vào thế giới Cực Lạc được? Mới đi chỉ một đoạn đường ngắn mà đã lạc rồi, làm sao trong luân hồi sanh tử ấy biết bao nhiêu lần lặn hụp của kiếp nhân sinh, có thể làm cho ta nhắm hướng đúng được?

Ngày nay những thương thuyền lớn ra đi vẫn có hải bàn, có tài công giỏi, có đầy đủ phương tiện liên lạc, thông tin, nhưng thỉnh thoảng ta đọc báo thấy có chiếc tàu đâm vào đá, chiếc kia bị nổ, bị cháy giữa đại dương khiến cho hàng ngàn người chết. Lỗi ấy tại ai và do đâu mà có?

Máy bay bay trên trời rộng thênh thang. Họ có đủ các cơ phận radar để dò xét. Thế mà thỉnh thoảng vẫn có những chiếc máy bay tông nhau trên bầu trời rộng rãi ấy. Trong khi đó những con kiến chạy thành đàn ở dưới đất nầy đâu thấy con nào bị tai nạn giao thông đâu. Lỗi ấy tại ai?

Quyển sách nầy nhằm giải đáp một phần nào những thắc mắc trên qua kinh nghiệm bản thân của người viết. Chắc chắn rằng có rất nhiều sự thiếu sót. Mong rằng qua kinh nghiệm và ý kiến của chính quý độc giả sẽ đóng góp xây dựng, để từ đó rút ra nhiều bài học quý giá hơn. Mong được như vậy.

Núi rừng Đa Bảo vào một ngày hè của năm 2003
Tác giả cẩn chí 
Thích Như Điển