Đời sống
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt
13/12/2558 23:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương 2: Ý nghĩ của trẻ thơ khi làm một việc thiện

Đa phần chúng ta đánh giá về tuổi thơ rất sai lầm. Đại để là: Con nít nó biết gì? Đó là một cái đánh giá thiếu căn bản. Nhiều lúc có thể trẻ nhỏ cũng sẽ đánh giá ngược lại như thế, là người lớn chẳng hiểu gì việc của con trẻ làm cả. Vì người lớn lúc nào cũng nghĩ rằng mình làm đúng; nhưng điều đó chưa chắc!

Ví dụ như tai nạn giao thông trong phố thì người lớn lái xe gặp nhiều khó khăn hơn với đèn vàng, đèn đỏ. Trong khi đó người trẻ lại nhanh hơn. Vì người lớn bao giờ cũng nghĩ là phản ứng của mình là đúng, cẩn thận; nhưng những phản ứng đó quá chậm, làm cho xe sau bị gây ra tai nạn. Trong khi đó tuổi trẻ thì nhanh nhẩu hơn. Họ chỉ gặp tai nạn khi bất cẩn tại xa lộ vì háo thắng cũng như hấp tấp. Trong khi đó người lớn tuổi ít vấp phải trường hợp nầy.

Đứa bé nó luôn luôn muốn có khoảng tự do riêng của nó; nhưng người lớn thì ép nó phải như mình. Điều đó dĩ nhiên sẽ bị kháng cự. Lúc ấy người lớn sẽ bảo rằng đứa bé nầy hư. Nhưng sự nhận xét ấy cũng chỉ một chiều thôi. Vì đứa bé sau khi sinh ra đời, tất cả những gì đối với nó trong thời gian phát triển nầy là mang tính cách cộng thêm vào. Còn người lớn thì ngược lại, càng ngày càng phải trừ bớt đi, trong đó có cả sự trừ đi của việc hiểu biết nữa. Người trẻ luôn luôn nhớ cái mới và thích học hỏi những gì cần học hỏi; trong khi đó đối với người lớn tuổi thì chỉ nhớ cái quá khứ còn cái mới thì hay quên. Có lẽ vì cái túi chứa nơi tâm thức đã đầy rồi chăng? Có một câu chuyện thiền xin kể ra đây để hầu quý vị.

Có một vị khách rất tri thức đến gặp một vị Thiền Sư để hỏi đạo. Khi gặp khách, Thiền Sư đem trà ra chế mời khách. Vừa nói chuyện vừa châm trà và khi ly trà đã đầy; nhưng Thiền Sư cứ châm mãi cho nó tràn ra. Vị khách ấy mới bảo:

- Bạch Ngài, nước đã tràn ra ngoài ly khá nhiều.

- Cũng như thế đó, những gì được gọi là tri thức nó đã ngự trị nơi tâm của ông đã đầy dẫy. Ông còn tâm đâu để học Thiền nữa. Cho nên những gì ông muốn học, nó cũng như những giọt nước tràn ra đấy thôi. Thiền Sư trả lời như thế.

Sau khi nghe Thiền Sư nhắc khéo như vậy, người khách mới tỉnh mộng nam kha và tất cả người lớn của chúng ta cũng đều như thế cả. Chúng ta hay tự dễ dãi với chính mình và buộc người khác phải tuân phục mình thì mình mới thỏa mãn với cái tự ngã của mình.

Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam có một vở kịch nhan đề là "Lá Sầu Riêng" do nghệ sĩ Kim Cương đóng. Nữ nghệ sĩ nầy đóng rất xuất sắc, ai xem cũng cảm động, có nhiều người cầm lòng không đậu khi xem kịch, phải lau nước mắt nhiều lần. Nội dung của vở kịch, soạn giả viết rất hay đã đành mà cách diễn xuất câu chuyện và hình thức của câu chuyện cũng đã thành công một cách tuyệt vời do sự diễn xuất của nữ nghệ sĩ Kim Cương. Trong vở kịch có nhiều đoạn hay; nhưng hay nhất và cảm động nhất có lẽ là câu nầy.

Kim Cương nói: "Tại sao lúc con còn nhỏ, mẹ chỉ cho con một cây kẹo, mà lúc nào con cũng quấn quít bên mẹ. Còn bây giờ con lớn khôn rồi, mẹ đã cho con cả cuộc đời của mẹ mà con vẫn chối từ?"

Câu nói chỉ đơn giản thế thôi; nhưng đã đánh đúng vào tâm lý của biết bao nhiêu bà mẹ. Thế là nước mắt cứ lưng tròng và tủi phận mình làm sao lại có những đứa con bất hiếu như thế! Tại sao vậy? Vì trong vòng tay của mẹ, lúc nào người mẹ cũng muốn người ấy là con của mình, chứ không thể là con của người khác. Cái tình thương mà lúc còn nhỏ ấy bây giờ nó không còn nữa. Nó bị đẩy xa ra, càng ngày càng xa ra khỏi tầm tay của mẹ; nên người mẹ mới nghĩ như vậy. Đứng về phương diện của người mẹ thì mẹ có lý đấy chứ. Nhưng đứng về quan điểm của người con thì sao?

Lúc nhỏ sinh ra lúc nào đứa con cũng được vòng tay thương yêu bảo bọc của người mẹ; nên mẹ con là tất cả. Do vậy ca dao Việt Nam mình vẫn ca tụng tình mẹ như:

"Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau"

Tình mẹ cao cả thật và người con được sinh ra cũng như lớn lên trong tầm tay của mẹ. Thế rồi tình thương vẫn tràn đầy, không thay đổi, không thuyên giảm; nhưng còn người con thì sao? Dĩ nhiên đứa bé của lúc 3 tháng không thể là đứa bé của lúc 1 tuổi và đứa bé của lúc 3 tuổi không thể là đứa bé của lúc 10 tuổi được. Cậu ta sẽ học từ mẹ cha, học từ bạn bè, học từ Thầy giáo, học từ môi trường và từ chính khả năng nội tại của cậu bé ấy. Nếu môi trường tốt, cậu ấy có thể trở thành văn nhân, thi sĩ, kỹ sư, bác sĩ v.v...; nếu môi trường xấu sẽ không là như vậy. Ở đây xin nêu ra một ví dụ để mọi người cùng tường lãm.

Ví dụ như một đứa bé mồ côi ở Phi Châu được một người Âu hay người Mỹ đem về quê hương của họ để nuôi nấng. Dĩ nhiên ban đầu đứa bé ấy rất khó để thích hợp với môi trường văn minh; nhưng dần dà cậu ta sẽ quên đi tất cả những gì mà cậu ta đã cảm thọ, mặc dầu da và tóc của cậu ta vẫn còn đen. Tuy nhiên tư tưởng và sự học hành của cậu ta là một sự tiến bộ. Nhiều khi còn hơn cả những bạn bè da trắng cùng lớp nữa.

Một điều bất hạnh khác là có một đứa bé người Mỹ hoặc người Âu đem bỏ vào trong vùng rừng rú của Phi Châu, ngày đêm đứa bé nầy chỉ quen biết với khỉ, với cọp thì chắc chắn rằng dẫu cho di truyền của đứa bé nầy tốt bao nhiêu đi chăng nữa, đứa bé ấy cũng sẽ là đứa bé bán khai, mặc dầu được sinh ra nơi văn minh nhất nhì thế giới.

Cuộc đổi đời năm 1975 đã có biết bao nhiêu người Việt Nam đã ra đi khỏi quê mẹ thân yêu và định cư trên năm châu của thế giới. Tính đến nay đã có hơn 2 triệu người rồi đó. Đó là chưa kể cả hơn 500 ngàn người vùi thân nơi biển cả mênh mông kia để làm mồi cho cá mập cũng vì hai chữ tự do mà đã cất bước ra đi. Khi đến xứ người đa phần đã thành công hơn là thất bại. Sau đây là một vài câu chuyện nhỏ được dẫn chứng qua tác phẩn "Vẻ Vang Dân Việt" của tác giả Trọng Minh ở Hoa Kỳ.

Chuyện kể như thế nầy: Có nhiều gia đình xuất thân từ nghề đánh cá (dĩ nhiên là con cái không có cơ hội tiến thân về việc học tập, chứ không phải là một nghề xấu); nhưng khi đến Mỹ, con cái được học hành đàng hoàng và con cái trong gia đình nầy có nhiều người đã đậu bằng Bác sĩ và Thạc sĩ.

Cũng có một người học trò bình thường sinh ra trong một gia đình trung lưu của Việt Nam; nhưng khi đến Mỹ cho con đi học và nay cậu ấy đã ra trường với học vị Tiến sĩ Chính trị học. Mới 33 tuổi thôi và hiện tại đang làm trong Bộ Tư Pháp của Hoa Kỳ, xếp hạng thứ ba đấy. Người ta cũng tiên đoán rằng chỉ cần vài thập niên nữa thôi, người nầy sẽ trở thành Bộ Trưởng Ngoại Giao của Hoa Kỳ. Điều ấy rất đúng với câu tục ngữ của Việt Nam là: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nhưng cũng có một số trường hợp không được như ý lắm giống như những câu chuyện dưới đây.

Có nhiều gia đình ít học, khi ra đi khỏi Việt Nam muốn cho con cái mình càng giống Mỹ càng tốt. Họ cho hội nhập thật nhanh, chỉ có cái đầu tóc đen và màu da vàng là chưa đổi được. Còn phong tục tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo v.v... đều Mỹ hóa hết. Vì lẽ cha mẹ trình độ thấp cho nên không dạy cho con học tiếng Việt được mà cũng chẳng khuyến cáo con đi học. Do đó con cái chỉ nói tiếng Mỹ. Do vậy khi lớn lên con nói con nghe, cha mẹ nói cha mẹ nghe. Thế là hỏng. Cha mẹ đâm ra bực dọc con cái. Thế rồi từ thế hệ nầy trở đi đã có hàng rào ngôn ngữ cản ngăn rồi. Cha mẹ chỉ biết tiếng Việt, còn con cái chỉ biết tiếng Mỹ. Nên đây là một vấn đề nhức nhối của thời đại của nhiều gia đình tỵ nạn Việt Nam ở khắp năm châu, chứ không riêng gì ở Mỹ.

Nhưng được một cái là thế hệ thứ hai nầy ở ngoại quốc, họ ít có liên hệ về quá khứ như cha ông của họ đã sanh ra và lớn lên tại Miền Nam Việt Nam nên cái suy nghĩ của họ nó cũng khác. Nó không đâm sau lưng mà là đối diện. Nếu ai thắng thì kẻ thua phải chịu thiệt thòi, chứ không phải thua cũng cứ đòi mình trở thành người thắng.

Tôi đang dịch Đại Đường Tây Vức Ký từ chữ Hán sang tiếng Việt cùng Thầy Đồng Văn có một đoạn cũng rất hay, hợp với điều trên nên xin ghi vào đây để cho mọi người đọc.

Khi Ngài Huyền Trang đi chiêm bái Ấn Độ, lúc ấy cách nay cũng đã hơn 1.300 năm rồi; nên những địa danh không còn như xưa; nhưng đại khái câu chuyện như thế này:

Ở nước nọ có một nhà vua rất sùng tín Ngoại đạo và vua ra lệnh các Tăng sĩ cũng như các Luận sư của ngoại đạo phải có một cuộc tranh tài. Nếu Ngoại đạo thắng, nhà vua sẽ tiêu diệt Phật Giáo. Nếu Phật Giáo thắng, những Luận sư của Ngoại đạo phải tự hủy hoại thân thể của mình. Khi chư Tăng bên Phật Giáo nghe thấy thế lấy làm lo nên ai cũng im lặng. Có người đề nghị rằng có Ngài Hộ Pháp người học rộng hiểu nhiều, nên cung thỉnh Ngài ra luận nghị. Cuối cùng Ngài đồng ý và đã thăng tòa.

Ngoại đạo đọc thuộc lòng những thánh kinh của họ và dương dương tự đắc.

Ngài Hộ Pháp nghe xong liền cười và bảo rằng: Ta sẽ là người thắng rồi đó.

Ngoại đạo hỏi tại sao?

Ngài bảo rằng ta không những thuộc lòng mà còn đọc ngược lại tất cả những gì mà ngươi đã đọc, đồng thời lý giải những chỗ còn yếu. Thế rồi Ngài Hộ Pháp đọc. Đọc đến đâu Ngoại đạo khiếp vía đến đó và tất cả Luận sư của phái Ngoại đạo kia đều quỳ xuống xin bái phục, đồng thời xin sám hối và sẽ làm như lời giao ước là sẽ tự hủy mình.

Ngài Hộ Pháp điềm tĩnh bảo rằng: Cái thân thể nầy nó chẳng có tội lỗi gì cả. Nếu muốn cải thiện thì cái tâm của các ông mới là điều căn bản. Hãy cải hối nơi tâm, chứ không nên sát hại thân thể.

Ngoại đạo nghe xong mừng rỡ cảm tạ và nhà vua từ đó cũng từ bỏ Ngoại đạo mà phụng trì Phật Pháp.

Ngày xưa cái thời mà văn minh vật chất chưa tiến bộ lắm; chỉ có văn minh tinh thần thôi; nhưng họ rất rõ ràng và lịch sự, hiểu biết. Còn ngày nay con người càng chạy đông chạy tây, chạy sao cho khỏi tội và càng đổ tội, bôi nhọ lên người khác cho xấu hơn mình để mình được nổi bật hơn những kẻ khác, thì quả thật cái đạo đức và luân lý của người đời nay nó đã xuống thấp quá nhiều rồi.

Một đứa bé được giáo dục tại ngoại quốc ngày nay nó khác với sự giáo dục trong nước rất nhiều. Nghĩa là tự nó làm, tự nó học, nó sẽ mãn nguyện; chứ không phải việc làm và sự học hỏi ấy do cha mẹ nó làm dùm hay bày vẽ làm dùm thay cho nó. Ví dụ một đứa bé đi học mang rất nhiều sách vở, người mẹ Việt Nam thấy thế tội nghiệp mang dùm đi đến trường cho con. Điều nầy nếu nhìn dưới cái nhìn của người mẹ có lẽ đúng. Vì thương con trẻ nhọc nhằn; nhưng nếu nhìn với cái nhìn giáo dục thì sai. Vì lẽ phải để cho đứa trẻ tự mang vào lưng, vào đời của nó, để sau nầy nó đứng vững trong đời, chứ cha mẹ có đi vào đời thế cho nó bằng đôi chân, bằng khối óc, bằng nghị lực được đâu?

Chỗ nào nó học không hiểu thì chúng hỏi và cha mẹ phải tự xem là bạn của chúng trong sự trao đổi học hỏi, chứ không là kẻ đàn áp chúng; nếu chúng học không được hay làm bài sai thì đem roi ra để dọa nạt, đánh đập. Ở Á Châu chúng ta cách giáo dục đơn thuần là người học trò chỉ cần học thuộc lòng những gì mà Thầy dạy là đủ; nhưng ở đây thì không thế, ngoài cái dạy của vị Thầy ra, người học trò, đứa bé có thể nói lên ý kiến hoặc quan điểm của mình nữa. Nhiều khi biết đâu ý kiến của đứa bé lại hay hơn ý kiến của Thầy giáo và cha mẹ của mình cũng không chừng. Ở Á Châu, thực ra đứa bé nó chỉ sợ con roi khi nó không thuộc bài, chứ thực ra nó không sợ ông Thầy hoặc cha mẹ khi xử dụng vũ lực với nó, mà không xử dụng lý trí, sự hiểu biết hay khả năng. Nếu nó có biện luận thì bảo rằng: Con trẻ biết gì?

Nhưng thế nào là biết? Một đứa bé mỗi ngày có thể mỉm cười từ 5 đến 10 lần. Trong khi đó người lớn, có nhiều người suốt ngày tìm một nụ cười cũng chẳng có. Vậy thì ai hạnh phúc hơn ai? Ai thánh thiện hơn ai? Mặc dầu đứa bé chẳng làm việc gì gọi là thiện cả; nhưng ít ra nó không gây tội ác hơn là người lớn và một việc được gọi là thiện đối với trẻ thơ nó chỉ đơn thuần như một nụ cười, một niềm vui, không tính toán, không khoe khoang, không vị kỷ và nhất là không vì tự ngã của mình mà làm.

Khi chơi trò chơi, khi nhìn những con vật nhỏ bé bị nạn trẻ thơ kia đôi khi cũng làm người dũng sĩ tí hon, rất hào hiệp nhảy vào cứu người và cứu kẻ bị thế cô. Thế là các em đã mãn nguyện lắm rồi, không cần đền đáp, không cần ai nhắc đến tên mình để trả ơn trả nghĩa. Nếu là người lớn chắc là việc cứu mạng như thế họ sẽ nhớ lâu lắm?

Đầu óc của trẻ thơ rất non nớt và hầu như không tính toán. Nhiều lúc phát ngôn ra nhiều lời nói bộc trực, táo bạo, khiến người khác cũng rùng mình, không biết rằng ai đã dạy chúng như thế? Nhưng đâu có ai biết rằng đó là một việc tự nhiên như một phản xạ của thân thể và trí óc.

Một hôm tôi thấy một con mèo rình bắt một con chim vành khuyên. Sau khi mèo bắt được chim rất hí hởn, tôi không nỡ lòng nào ngồi nhìn, đoạn mở cửa phòng chạy ra thì thấy chim kia đã bị sứt hết nhiều lông và có những vệt máu bầm, cổ chim đã quẹo lại, tôi mới đuổi con mèo; nhưng hắn ta gầm gừ dữ dội, đã 2 lần như thế cố tranh với con mồi trên tay tôi. Sau đó chú mèo chạy vào bụi rậm. Có lẽ chú giận tôi lắm. Tôi đem con chim để nơi cao ráo; nhưng chẳng bao lâu sau nó trút hơi thở cuối cùng. Dẫu sao đi nữa nó chết, cũng còn toàn thây và con mèo kia không ăn được con chim, chắc cũng không bị chết đói.

Khi tôi ngồi viết bài nầy nhìn ra ngoài sân thấy có con chim gì màu sắc rất đẹp đang cắn xé một con ve sầu mùa hạ. Giống ve ở đây cũng khác lạ với quê hương mình. Con ve có 2 cánh rất lớn, mà theo Hạnh Tuệ thì bảo rằng nhờ thế nó mới kêu to. Tôi thấy bất nhẫn quá nên mở cửa để đuổi con chim đi. Con chim vì miếng mồi ngon mà không được ăn, có lẽ nó cũng giận tôi lắm; nhưng con ve kia đâu có tội tình gì? Vả lại con chim không ăn một bữa đâu có chết mà sợ. Con ve còn kêu than để cho người ta biết mùa hè đã đến nữa, cho nên Hạnh Tuệ đã hí hửng đem thâu băng để nghe tiếng ve sầu. Vì ở Âu Châu làm gì có được thứ côn trùng ấy. Sau đó thì ve sống lại và bay đi. Tôi không là trẻ thơ; nhưng vẫn cố cứu những con vật cô thế như vậy.

Ở đây chim chóc rất lạ có nhiều màu sắc rất đặc biệt. Mỗi buổi sáng, mỗi trưa và mỗi chiều chúng thường hay bay liệng trước cửa thất của tôi và phòng của quý Thầy quý Chú. Có nhiều loài chim, loài sâu bọ, loài kiến tôi chưa từng thấy lần nào. Có lẽ đây là vùng đất nam phương của thế giới; nên có nhiều con vật lạ như thế. Cũng tiếng kêu ấy; nhưng xem ra hình tướng khác lạ vô cùng, như con quạ vẫn nghe kêu là quạ quạ. Con vành khuyên, con chim sáo chúng vẫn kêu như thế; nhưng sự dạn dĩ và màu sắc thì ở đây rất lạ kỳ.

Mới đây báo chí có nói rằng nếu con người tăng lên 30 đến 40% rau cải hoa quả trong mỗi bữa ăn thì bệnh đau tim không còn nhiều và bệnh khủng hoảng tinh thần cũng ít đi. Nếu con người chỉ muốn ăn thịt động vật thì những bệnh kia khó chữa lắm! Mình cũng là động vật; heo gà, trâu bò cũng là động vật, nỡ nào mình ngon miệng mà chúng phải bị đau thương kêu cứu như thế?

Có một năm trường tiểu học ở Mỹ các em học sinh làm kiến nghị dâng lên Tổng Thống Clinton rằng nhân lễ Thaksgiving (Lễ Tạ Ơn) không nên ăn thịt ngỗng nữa. Vì những con vật ấy các em thấy chúng rất là hiền hòa dễ thương. Đó là một việc thiện; nhưng không biết người lớn có nghe chăng? Hay vẫn bảo rằng các em vẫn còn nhỏ dại chưa biết gì? Vậy thì trong trường hợp nầy người lớn biết gì? Biết chém giết? Biết hơn thua? Biết ngon miệng? Còn các em? Ai sẽ là người hóa giải hay xử kiện cho vấn đề lương tâm nầy? Chắc chắn một điều các em có lý. Vì các em không muốn thấy sự chết chóc ấy diễn ra tại nước Mỹ và khắp nơi trên thế giới khi mùa Tạ Ơn đến lại có những con vật phải hy sinh cuộc đời của mình như vậy chỉ để làm cho con người được khoái khẩu lúc ăn nhậu mà thôi.

Đây là một chương và một đề tài cần phải nghiên cứu và thảo luận để chúng ta có thể nâng cao giá trị đạo đức của tuổi thơ ngày nay.