Đời sống
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt
13/12/2558 23:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương 4: Người lớn suy nghĩ như thế nào về việc tốt và không tốt

Ngày xưa người ta chia đời người ra làm 5 giai đoạn như sau:

Giai đoạn đầu từ lúc mới sinh ra đến lúc 10 tuổi gọi là thời kỳ ấu thơ hay ấu niên. Sống nương vào sữa mẹ và sự đùm bọc của mẹ cha. Đây là thời kỳ chưa biết gì nhiều. Đến 10 tuổi mới được đi học với Thầy đồ ở trong làng và từ đó học tiếp lên cao hơn nữa. Trường lớp ngày xưa chắc chắn không quy củ như bây giờ. Nghĩa là con người sinh ra chỉ học cho biết chữ để đọc để viết là đủ. Nếu ai đó có đầy đủ của cải, tiền bạc, thế lực thì mới đi học xa hơn, cao hơn để đi thi làm ông Tú, ông Cử, ông Nghè, ông Tiến Sĩ v.v... Còn người nghèo đôi khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc khi đông đến, lúc hạ sang, lấy đâu ra tiền để cho con ăn học. Dân tộc ta vốn sống về nghề nông; nên sinh con ra là nghĩ ngay đến việc ruộng nương cày cấy. Do vậy nếu sinh ra con trai thì cha mẹ ai cũng vui mừng, vì có kẻ nối dõi tông đường, vả lại việc đồng áng đã có người nhờ cậy được. Còn con gái ngày xưa mà đi học thì cũng rất hiếm. Vì quan niệm rằng: Người con gái, đàn bà chỉ có bổn phận sinh con, đẻ cái, lấy chồng và làm công việc nhà chứ không phải như ngày hôm nay. Vả lại sự học ngày nay cũng bắt đầu sớm hơn cả nam lẫn nữ, chứ không phải chỉ cho con trai không mà thôi. Bây giờ trẻ em đi học từ 4, 5 tuổi gọi là vườn trẻ hay trường chuẩn bị trước khi vào tiểu học và đến 6 tuổi là đã bắt đầu vào học trường lớp đàng hoàng rồi. Chứ không phải như ngày xưa tuổi ấy còn chưa biết mắc cỡ và không mặc quần áo cũng không sao. Còn bây giờ thì khác nhau nhiều lắm.

Do đó tuổi ấu niên ngày nay có thể chia ra từ lúc mới sinh cho đến 6 tuổi là vừa và tuổi thiếu niên ngày xưa thì chia ra từ 10 đến 18 tuổi hay còn gọi là tuổi vị thành niên. Nghĩa là tuổi chưa trưởng thành. Bây giờ có lẽ cũng vậy thôi. Từ 6 đến 18 tuổi gọi là thiếu niên. Vì lẽ chưa có nước nào trên thế giới ngày nay cho người dưới 18 tuổi đi bầu cử cả. Ngoại trừ nước Mỹ mới 16 tuổi đã cho lấy bằng lái xe, mà ở các nước khác thì không được. Có lẽ vì văn minh tiến bộ của xứ Mỹ hơn các nước khác trên thế giới, nên trẻ em phát triển sớm hơn chăng? Nhưng một lý do thực tế là xứ Mỹ quá rộng, ai đi đâu cũng phải cần đến xe hơi. Nếu không tự lái thì ai có thể lo cho mình được? Cho nên đây có thể là lý do chính vậy. Tuy nhiên trẻ em ở Mỹ dưới 18 tuổi có bằng lái xe, vẫn được lái; nhưng cha mẹ phải chịu trách nhiệm. Do vậy mà tai nạn đã xảy ra trên đường sá ở xứ Mỹ cũng không phải là ít, do những người tuổi trẻ gây nên.

Từ 18 tuổi đến 35 tuổi gọi là tuổi thanh niên. Đây là lứa tuổi mà thành công nhất trong 5 giai đoạn của cuộc đời. Đó là ấu niên, thiếu niên, thanh niên, trung niên và lão niên. Giai đoạn nầy người con trai hay người con gái đem hết khả năng và nhiệt huyết của mình ra để phụng sự, học hành, thi cử, nghề nghiệp, dựng vợ, gả chồng, làm nhà, tạo cơ sở làm ăn, buôn bán v.v... hầu như những việc chính của đời người đều xảy ra trong giai đoạn nầy. Cũng có một số trường hợp ngoại lệ là thành công sớm hơn hoặc sau tuổi 35; nghĩa là bước vào tuổi trung niên mới khởi sắc; nhưng đa phần cả người con trai lẫn người con gái thời kỳ của tuổi nầy là thời kỳ lịch lãm nhất.

Ngày xưa Việt Nam ta có những người đàn bà như bà Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan hay một số bà Công Chúa, Hoàng Hậu văn hay chữ tốt và có tiếng tăm lừng lẫy trên văn đàn, có lẽ cũng nhờ cha mình làm quan nên ảnh hưởng lây và ngày xưa chỉ cho con trai đi thi chứ con gái thì không được. Rõ ràng đấy là chế độ trọng nam khinh nữ rất rõ rệt. Đa phần thấy các ông đỗ khoa nầy khoa nọ, Tiến Sĩ, Trạng Nguyên. Chứ còn mấy bà thì thời đó chưa thấy có ai hết. Nếu bây giờ ai đó về Hà Nội đọc hết tên trên bia Tiến Sĩ, có lẽ chẳng có tên một bà nào. Còn ngày nay lại khác, nam nữ đã bình quyền; nên có rất nhiều người nữ đã đậu đến 2 hay 3 bằng Tiến Sĩ, làm đến Bộ Trưởng nầy Bộ Trưởng kia. Có người còn làm Vua và Tổng Thống nữa. So ra chỉ 100 năm thôi, mà thế giới ngày nay thay đổi nhiều như thế đó.

Có những bà là tướng tài như bà Bùi Thị Xuân, bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, bà Triệu Ẩu v.v... cũng đâu phải là những người xuất thân từ khoa bảng; nhưng các bà vẫn là anh hùng của dân tộc, mà ngày xưa đa phần các ông Vua đâu thấy có ông Vua nào đậu Cử Nhân, Tiến Sĩ? Họ cai trị dân đa phần bằng cái đức. Còn bây giờ đa số cậy vào cái tài mà đất nước càng ngày càng loạn ly, bế tắc, đạo đức suy đồi, nhân tình ly tán. Trong các Vua của Việt Nam chỉ có ông Vua Tự Đức là hay chữ nhất. Ông Vua Trần Nhân Tông là ông Vua có tu nên để lại nhiều tác phẩm về đạo rất nổi tiếng, như Thượng Tọa Trí Siêu là Mạnh Thát, nhà học giả Phật Giáo mới đây có cho xuất bản quyển Trần Nhân Tông toàn tập, ta đọc thì thấy rõ. Trần Thái Tông cũng thế, ông Vua nầy cũng muốn đi tu nhưng không bỏ ngôi được, vì quân sư Trần Thủ Độ ngăn cản; nhưng cũng đã sáng tác rất nhiều tài liệu về Thiền. Còn đa phần những ông Vua khác của Việt Nam không có một lịch sử hãn hữu như nhiều ông Vua khác của Trung Hoa hoặc Nhật Bản. Ngay cả vua Lê Thánh Tông là người hay chữ; nhưng cái giá trị văn học ấy chưa thoát ra khỏi biên giới của đất nước Việt Nam. Thế giới khi nghĩ đến Việt Nam đa phần nhờ chiến tranh mà họ biết, chứ không phải vì văn học hay vì một nền kinh tế lớn mạnh như Nhựt mà họ phải lưu tâm.

Nhìn vào lịch sử Việt Nam và lịch sử Phật Giáo cũng thế, lúc nào cũng thấy chiến tranh cũng thấy tranh đấu. Thời gian đâu để xây dựng về văn học, nghệ thuật hay Tôn Giáo? Chỉ có 400 năm của triều Lý và triều Trần ở vào thế kỷ 11 đến 14 là ý nghĩa hơn cả. Gần đây Hà Nội đã khai quật được kinh đô Thăng Long của triều Lý và Trần; nên ta còn một chút hãnh diện về nguồn gốc lịch sử của 1000 năm trước. Đó là nhờ công lao của dân chúng, vua, quan và nhất là Phật Giáo. Nếu không có Phật Giáo trong những triều đại nầy, phải nói rằng Việt Nam chúng ta chẳng có gì cả.

Tuổi trung niên ngày xưa người ta chia từ 35 đến 50 tuổi. Sau 50 tuổi là lão niên rồi. Đó là tuổi hưởng nhàn như các nhà nho Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v... họ chia đời họ ra làm 2 phần; một phần xuất và một phần xử. Xuất là học tập, thi đỗ đạt ra làm quan để đền ơn vua nợ nước. Sau đó thời kỳ hưởng nhàn yếm thế của cuộc đời. Họ xem cuộc đời như mây nổi, như chiêm bao, do vậy càng hưởng nhàn lâu bao nhiêu thì càng tốt; nhưng bây giờ tuổi về hưu là trung bình giữa 50 và 65. Do vậy ta có thể kéo dài cái thời gian của tuổi trung niên hơn, nghĩa là từ 35 đến 60 hoặc 65 tuổi. Trong 25 hay 30 năm của cuộc đời nầy sau thời gian thanh niên và trung niên năng động là thời gian có nhiều kinh nghiệm nhất. Đây là thời kỳ bước lên cao điểm nhất của cuộc đời, rồi bắt đầu bước xuống cái thang danh vọng mà mình đã tự bắc đi lên lúc tuổi còn ấu thơ cũng như tuổi thiếu và thanh niên.

Thời gian được gọi là người lớn có nghĩa là sau 18 tuổi và thời gian được gọi là người già theo người xưa là 50 tuổi và bây giờ 60 hoặc 65 tuổi. Trong suốt khoảng thời gian ấy người ta đã làm cho tiếng thơm của mình cũng lừng lẫy, đồng thời chính mình cũng đã làm cho mình khổ lụy vào thân về đường tình, đường công danh, nghề nghiệp v.v... bao nhiêu thành công là người ta phải đạp lên biết bao nhiêu thất bại, phải có, trái có, tốt có, xấu có. Tất cả đều là 2 mặt của một cuộc đời. Thế nào là thiện? Thế nào là ác? Thế nào là tốt? Thế nào là xấu?

Ví dụ cha mẹ muốn người con gái ấy về làm dâu nhà mình. Vì cha mẹ nghĩ rằng người con gái ấy đoan chánh, đức hạnh. Trong khi đó ý kiến của con trai mình lại khác, nó không quan niệm đức hạnh là chính trong cuộc đời, mà sắc đẹp mới là chính. Do vậy dưới cái nhìn của cậu con trai nầy là người con gái ấy chẳng xứng đôi vừa lứa với mình. Vậy thì ai đúng và ai sai?

Có thể cả 2 cùng đúng mà cả 2 cùng sai. Cha mẹ đúng là vì cha mẹ đã thể nghiệm qua cuộc sống của cuộc đời nầy, đắng cay gian khổ đã nếm đủ mùi cho nên mới thấy rằng "cái nết kia mới có thể đánh chết cái đẹp" được. Nhưng người con trai thì không nghĩ thế, cha mẹ cổ hủ quá, vì cha mẹ già rồi làm sao biết tình yêu là gì? Luyến ái tự do là gì? Mà họ quên đi rằng chính cha mẹ cũng đã trải qua giai đoạn như thế, mới có cậu ta chứ. Do đó cậu ta đúng với cái nhìn của một thanh niên mà sai với cái nhìn từng trải của cha mẹ.

Sau đây là một câu chuyện mà tôi và Thầy Đồng Văn đã dịch trong Đại Tạng kinh quyển thứ 51 phần truyện của Ngài Huyền Trang sang tiếng Việt, xin viết lại để hầu quý vị.

Khi Ngài A Nan tuổi đã già rồi; nhưng Ngài vẫn muốn ở lại đời để tiếp tục giáo hóa chúng sanh. Vì sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Ngài Ca Diếp đã làm nhiệm vụ đó và nay thì Ngài Ca Diếp đã thị tịch rồi; nên Ngài A Nan muốn tiếp nối con đường ấy để xiển dương Phật Pháp. Lúc đó Ngài A Nan đã 120 tuổi rồi. Một hôm Ngài vào trong rừng nghe một Sa Di học thuộc lòng một đoạn kinh mà Ngài nghe thấy chương cú đều sai, ý nghĩa không đúng; nên Ngài muốn sửa lại cho đúng; nhưng Sa Di ấy bảo rằng: Sư Ông già rồi nên lẫn lộn, chứ Thầy con là một bậc cao minh trong thiên hạ, không thể sai được. Ngài A Nan nghe như thế nên mới than rằng: Dẫu ta có ở đời đến hơn trăm năm nữa thì cũng chẳng có ích gì. Do vậy muốn vội vào Niết Bàn. Đoạn văn ấy nguyên văn bằng tiếng Phạn như thế nầy:

Kẻ sống cả trăm năm

Mà không biết pháp sanh diệt

Không bằng sống một ngày

Mà hiểu pháp sanh diệt.

Sa Di đọc rằng:

Kẻ sống cả trăm năm

Mà không biết con vịt nước

Không bằng sống một ngày

Mà hiểu con vịt nước.

Chữ "pháp sanh diệt" và "con vịt nước" nó chỉ khác nhau có chữ m và n trong tiếng Phạn mà thôi. Thế là ý nghĩa nó sai đi rất nhiều.

Ngài A Nan buồn quá nên mới đi qua xứ Tỳ Xá Ly và đến nước Ma Kiệt Đà dùng thuyền để qua sông Hằng. Hai vua của 2 nước nầy một bên thì nhớ ân đức của Ngài A Nan nên đem 100.000 quân lính đến sau để nghinh đón. Còn vua xứ Ma Kiệt Đà vì biết Ngài A Nan cũng đi đến xứ mình cho nên cũng đem 100.000 quân lính đến cung nghinh. Khi đến bên bờ sông Hằng hai bên dàn quân ra hai phía Nam Bắc. Ngài A Nan sợ có đổ máu xảy ra nên dùng thần lực để bay lên hư không, dùng lửa Tam Muội để tự thiêu thân mình. Xá lợi chia ra làm hai, bên Nam bên Bắc. Hai vua của 2 nước hoan hỷ mang xá lợi về làm tháp để thờ.

Một câu chuyện khác cũng rất có ý nghĩa được dẫn từ Đại Tạng rằng: Một hôm Đức Phật ngồi trên phiến đá ở thành Tỳ Xá Ly bảo với Ngài A Nan rằng:

- Một Đấng Đại Giác có đủ tứ thông thì có thể kéo dài tuổi thọ thêm một kiếp. Nay ngươi nghĩ rằng ta sẽ thọ bao nhiêu?

Đức Phật hỏi 3 lần như thế; nhưng Ngài A Nan không trả lời mà làm thinh đi vào rừng, vì bị Thiên Ma mê hoặc rồi.

Khi đó Thiên Ma hiện ra và trả lời thế cho Ngài A Nan rằng:

- Tất cả những gì đã đợi, Ngài đã làm xong, đệ tử của Ngài đã thành tựu. Vậy mong Ngài hãy vào Niết Bàn.

- Đức Phật chống tay đứng lên khỏi mặt đất và hỏi Thiên Ma rằng:

- Đất trong móng tay của ta nhiều hay đất ở dưới mặt đất nhiều?

- Thiên Ma trả lời rằng: Đất ở trong móng tay của Ngài ít và đất ở dưới mặt đất nhiều.

Đức Phật tiếp:

- Cũng như thế đó, những gì ta đem ra dạy cho chúng đệ tử cũng như đất trong móng tay của ta thôi. Còn những gì ta chưa dạy giống như đất ở trong mặt đất vậy. Thôi được rồi, 3 tháng nữa ta sẽ vào Niết Bàn.

Ngài A Nan buồn khổ trở về lại thành Tỳ Xá Ly thì đúng như vậy - Đức Phật còn 3 tháng nữa sẽ nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na thành.

Qua 3 câu chuyện, gồm 2 câu chuyện đạo và một câu chuyện đời. Bây giờ chúng ta thử lần lượt phân tích và sẽ đi đến một kết luận cụ thể hơn.

Về câu chuyện người con cãi lời cha mẹ - Anh ta nghĩ rằng anh ta đúng. Vì tình yêu dưới mắt anh ta chỉ có sắc đẹp. Còn cha mẹ không phải như vậy. Cho nên mới có mâu thuẫn trên. Người con trai vì chỉ chấp vào cái nhìn thiển cận của mình; nên chỉ thấy tình yêu qua lăng kính của sắc đẹp. Cha mẹ đúng nhưng thiếu giải thích, mà có thể giải thích lúc ấy cũng chẳng thành công. Vì người con trai của mình đã chấp chặt vào định kiến ấy rồi; chỉ trừ phi anh ta đập nát cái vỏ cố chấp ấy mới được; nhưng khi đập được cái vỏ vô minh ấy thì nó đã trễ quá rồi; nó sẽ đến cái tuổi của cha mẹ mình mới có kinh nghiệm được. Lúc đó mới thấy cha mẹ mình là đúng, mà hỡi ôi cha mẹ đâu còn nữa. Lúc bấy giờ chỉ có cách ngửa mặt lên trời để than thôi và đời kế tiếp sẽ lăn theo vết xe cũ như trước để đi lại con đường thiên lý ấy. Cứ thế và cứ thế dần trôi trong vô minh sinh tử.

Câu chuyện thứ 2 cho ta thấy cái nhìn qua chánh pháp của sự đúng và sai, của tốt và xấu. Ngài A Nan tuy lúc đó tuổi đã già; nhưng chắc chắn cái nhìn, nghe, thấy của Ngài là của một bậc Thánh. Vì Ngài đã chứng được A La Hán sau khi Đức Như Lai nhập diệt và vừa lúc kết tập kinh điển lần thứ nhất, do Ngài Ca Diếp chủ tọa tại động Thất Diệp, mà chính câu kệ đó Ngài đã nghe qua rất nhiều lần khi Đức Thế Tôn còn tại thế và mặc dầu thời gian trôi qua hơn 70 năm; nhưng chắc chắn một điều Đức A Nan không lầm lẫn được. Thế nhưng chú tiểu Sa Di ấy lại lầm. Thay vì phải học hỏi, nghiên tầm lại, đằng nầy thấy Ngài già nghĩ là Ngài sai. Còn Thầy mình mới là đúng. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Khi bị chấp vào pháp thì sự chấp ấy không còn chơn thật nghĩa nữa. Cho nên Ngài A Nan dùng biện pháp yên lặng và nhập Niết Bàn là đúng. Vì nếu có giảng giải thêm bao nhiêu đi chăng nữa thì trong đầu vị Sa Di ấy chỉ có sự chấp duy nhất là: "Sư Ông đã già rồi, Sư Ông lầm lẫn, làm sao có thể bằng Sư Phụ con được. Vì Sư Phụ con còn trẻ minh mẫn hơn". Điều nầy rất đúng như trong kinh Kim Cang, Phật đã dạy rằng:

"Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp".

Nghĩa là: Chánh pháp còn phải bỏ huống gì phi pháp.

Đa phần chúng ta chấp vào phi pháp đã là sai mà chấp vào chánh pháp cũng chưa hẳn là đúng. Vì tất cả còn nằm trong chỗ chấp trước, mà kẻ hiểu biết là kẻ chấp nhận và biết đời nầy nó vốn không là gì cả. Thế thôi.

Đến câu chuyện thứ 3 cũng vậy. Đức Phật vẫn biết rằng Ngài A Nan lúc đó chưa đắc Thánh quả, sao Ngài vẫn hỏi và Thiên Ma đã mê hoặc Ngài A Nan?

Ở đây có thể hiểu là sau 49 năm thuyết pháp độ sanh. 12 năm đầu đã chẳng có chuyện gì xảy ra trong Tăng chúng cả. Nhưng từ đó về sau nào là chuyện của Ngài Đề Bà Đạt Đa, chuyện của Ngài Da Xá và còn vô số sự kiện khác nữa xảy ra trong thời gian Phật còn tại thế; nên Phật phải thị hiện như thế để cho con người biết rằng mọi vật trên thế gian nầy có sinh ra, có lớn lên, có già đi, ắt phải có chết và có mất mát. Dẫu cho Phật có thể ở lại đời nầy hơn một kiếp nữa (1 kalpa độ khoảng 7 triệu năm) hay Ngài A Nan có thể sống hơn 200 tuổi nữa mà cái chấp trước của chúng sanh vẫn bị vô minh che tối thì khó có cách gì có thể liễu ngộ được lý vô thường cũng như nhân duyên sanh được. Cho nên Phật mới thị tịch Niết Bàn. Bởi vậy trong kinh Kim Cang Đức Phật dạy rằng:

"Như Lai giả, vô sở tòng lai, diệt vô sở khứ, cố danh Như Lai".

Nghĩa là: Như Lai chẳng từ nơi nào đến, lại cũng chẳng đi đến nơi đâu; nên có tên là Như Lai.

Vậy Như Lai, Phật là gì? Là những gì bất động, không đến, không đi, không còn, không mất.- Sở dĩ đến đi còn mất là do cái chấp trước của con người, chứ chẳng phải là ý nghĩa của Như Lai hay của Phật. Người ta đợi chờ nơi Phật, nơi Bồ Tát rất nhiều; nhưng ít ai hiểu rằng trong ta, trong mọi người đều có chất Phật và chất Bồ Tát ấy luôn luôn hằng hiện hữu. Cũng giống như thế - mặc dầu trong đất, trong cát không thấy vàng; nhưng nếu ra công đãi cát, đãi đất thì sẽ thấy vàng. Ở trong biển cả mênh mông vô tận ấy ta chẳng hề trông thấy được của báu; nhưng nếu chịu khổ công nhọc sức lặn hụp ở biển sâu thì ta sẽ nhặt được của báu. Những thứ nầy chính là Bồ Đề tâm của ta, Phật tánh của ta đó.

Sau 49 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật cũng đã bảo rằng ta chưa từng nói một lời nào cả. Vì sao vậy? Vì trong kinh Kim Cang, Ngài dạy:

"Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp".

Nghĩa là: Thuyết pháp nghĩa là chẳng có pháp nào để nói, đó có tên là thuyết pháp.

Vì sao vậy? Vì tất cả đều là pháp, là Phật Pháp nằm sẵn trong tầm tay ta, trong đời sống của ta. Đâu có phải chờ Phật ra đời, chờ các Pháp Sư thăng tòa mới gọi là thuyết pháp. Pháp đã đương và sẽ có. Những gì Phật đã nói, đương nói và sẽ nói chỉ là những gì lặp lại mà thôi, giống như ta tìm lại nhà cũ để về chứ chẳng cần phải xây một ngôi nhà giác ngộ khác nữa.

Phật đến 80 tuổi Ngài cũng phải vào Niết Bàn. Ngài A Nan, ông Tu Bạt Đà La 120 tuổi cũng là một thọ mạng quá cao. Còn chúng ta ngày nay sống trên quả địa cầu nầy có không biết bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn lăn lộn vào với nhau và muốn sống càng lâu càng tốt. Tìm đủ mọi thứ thuốc để được sống lâu hơn. Với tuổi 60 người ta gọi là thọ, 70 là trung thọ, 80 là thượng thọ và 90 trở lên là thượng thượng thọ. Nhưng trên bàn thờ kia có không biết bao nhiêu người trẻ họ phải chết; chắc chắn rằng họ muốn sống lắm chứ? Con kiến, con sâu còn thế hà huống con người? Ta muốn sống nhưng ta luôn tìm cách giết kẻ khác để cung phụng cho thân mình thì làm sao mình có thể sống lâu hơn được. Vì trên cuộc đời nầy chẳng ai hy sinh cho ai cả, mà mọi người phải tự trả nghiệp cho sạch để thoát vòng sanh tử. Còn kẻ nào muốn linh đinh qua ải thần phù thì xin tự nhiên từ từ đến sau cũng chẳng muộn.

Ngày 21 tháng 11 năm 2003, Từ Vũ con anh chị Quảng Ngộ báo tin sinh được một cháu trai thì Hạnh Giới, Hạnh Giả đóng vai là cậu ruột vui lắm. Nói cười lớn tiếng và có lẽ anh Quảng Ngộ, chị Diệu Hiền trong lúc ở Việt Nam và ở Đức cũng sẽ rung đùi là mình đã lên chức ông bà ngoại rồi đó. Chỉ một ngày sau thôi và đúng 24 tiếng đồng hồ chứ không hơn không kém, từ Việt Nam anh Quảng Ngộ điện thoại qua Đức báo tin là bà cụ thân sinh anh, tức Sa Di Ni Huệ Chánh đệ tử của Ni Sư Diệu Chỉ chùa Bảo Vân ở Sàigòn vừa từ nhà đến chùa lễ Phật, sau khi dùng sáng ngày 22 tháng 11 lên giường nằm rồi ra đi luôn, hưởng thọ 84 tuổi. Tin buồn đưa đến, ai cũng lo toan. Ở Việt Nam đang lo chuẩn bị nhập liệm, rồi cúng kiến, đưa tang. Ở ngoại quốc thì lo truy niệm, tụng kinh, phục tang v.v... kẻ ở Đức, người ở Úc, kẻ ở Việt Nam, người ở Mỹ. Kẻ đi học, người đi làm. Kẻ đang sinh, người đang bịnh... Thế là tất cả nỗ lực phải dồn vào một việc là đám tang. Như vậy sự vui hôm trước và sự buồn hôm sau nó có ý nghĩa gì và hiện tượng nầy nó đã lặp đi lặp lại nhiều lần chứ đâu phải một lần trong kiếp nhân sinh của trần thế?

Hạnh Giả còn cho biết là ngày 22 tháng 11 năm 2003 nầy là ngày mất của Nội, đồng thời cũng là ngày giỗ của Ngoại đúng 3 năm và cũng đúng vào ngày nầy. Điều ấy nghĩa là sao? Tại sao nó là như vậy mà nó không phải là khác hơn? Từ đây sẽ có nhiều lối rẽ của đường đời nữa. Anh em sẽ hòa thuận hơn qua việc ra đi của cô Huệ Chánh, mà cũng có thể nhiều việc đáng tiếc xảy ra hơn nữa. Vì của cải chia không đồng đều. Gia đình nầy đã có tất cả, giàu có trước và sau năm 1975. Con cái của họ bây giờ đã là Bác Sĩ, Kỹ Sư, Tiến Sĩ v.v... chẳng thiếu cái bằng nào. Nhưng xem ra thì thế hệ thứ 2 nầy nó không còn tha thiết gì đến tài sản, của cải ở Việt Nam mà ông bà cha mẹ chúng đã khó nhọc gây nên và cũng khó nhọc để nghe thị phi với nhau trong thời gian mấy chục năm trường, để rồi thế hệ con cái ở hải ngoại nó thấy rằng cha chú nó không đúng cho nên chúng tự đứng riêng ra để nhìn về tương lai, mà không muốn dính mắc gì với quá khứ.

Cái chết nào cũng là sự mất mát của mình và của người thân. Do vậy hôm qua (22.11.03) Hạnh Giới dùng cơm tại Tu Viện Đa Bảo ở Úc bảo rằng sao cái tay của con nó run quá, chiều đó nghe tin bà nội mất và cũng may là bà nội đã biết cháu mình mặc dù đã đi tu; nhưng cũng đã xong Tiến Sĩ rồi. Sau khi Tiến Sĩ là gì nữa thì đố ai mà biết được; nhưng mừng để rồi ra đi như thế, chắc là cũng mãn nguyện lắm rồi?

Năm 1986 khi tôi đang ngồi chấm bài thi giáo lý của các Phật Tử nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại chùa Viên Giác ở Đức, bỗng nhiên mí mắt của tôi nó giật nhiều lần. Bỏ viết xuống để chậm nước mắt và khi ngẩng lên thì được một cái điện tín từ Việt Nam do cô Như Viên đánh sang là thân phụ tôi đã từ trần vào ngày mồng 8 tháng 7 năm ấy. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến lễ Vu Lan. Tôi đã đi xuất gia từ năm 1964, xa gia đình từ thuở ấy, ít có về nhà thăm. Trong suốt thời gian hơn 22 năm ấy có lẽ tôi chỉ thăm gia đình chừng 10 lần. Năm 1972 đi ra ngoại quốc và năm 1974 có về thăm lại Việt Nam, lúc ấy có gặp thân phụ tại Hội An một lần nữa rồi thôi. Thế mà khi người thân ra đi, có những điềm báo trước như vậy.

Có nhiều người già nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, nhất là những người đang sống trong Viện Dưỡng Lão. Có nhiều người hy vọng nơi con cái mình nhiều quá nên mới khổ tâm, ngày đêm đợi chờ nó đến thăm; nhưng chẳng ai đoái hoài. Lúc ấy sinh ra buồn chán, ghét đời giận người; nhưng đâu có ai tự hiểu rằng tất cả đều do nghiệp lực mà có sự hiện hữu nầy chăng và cũng đâu có ai biết rằng con cái, vợ chồng đều là những oan gia trái chủ trong nhiều đời; nên đời nầy phải vay và phải trả. Nếu chấp nhận được như vậy thì đỡ đau khổ lắm rồi. Ở đây tuổi già có rất nhiều thì giờ: nếu không biết dùng thì giờ ấy vào việc tu học, đi chùa, tụng kinh niệm Phật hoặc có một niềm vui nào khác thì dễ sinh ra nhàm chán. Vì mình lúc nào cũng thấy bị bỏ rơi. Đó là tâm lý chung của mọi người; nhưng nếu là người hiểu đạo ta phải có cách sống khác như trong kinh Kim Cang đã dạy rằng:

"Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc"

Nghĩa là: Cái tâm ở quá khứ không thể nắm bắt được, cái tâm hiện tại cũng không nắm bắt được và cái tâm vị lai cũng không thể nắm bắt được.

Cái tâm của mình mà mình còn không thể làm chủ được, huống gì mình muốn làm chủ kẻ khác, ngay kẻ ấy là chồng mình hay con mình cũng như những người thân cận nhất trong gia đình mình.

Chương nầy tương đối hơi dài so với các chương trước; nhưng nó là sự thật trong cuộc đời như bao sự thật khác mà ta nên đứng thẳng người và nhìn vào để chấp nhận mọi lúc và mọi phía về những quan niệm cũng như thành kiến về sự tốt cũng như sự xấu, mà dưới mắt của thế gian nầy tất cả nó cũng chỉ có tính cách tương đối mà thôi.