Chương 6: Thế nào là một cuộc sống không đạo đức?
Việc xấu của con người, của tập thể hay của xã hội tôi thường quan niệm rằng nó giống như những thùng rác nhỏ, trung bình hoặc độ lớn khác nhau. Đã gọi là rác rưới thì nên đem chôn nó cho đỡ hôi, đỡ thối, không nên bươi móc tìm tòi nhiều hơn nữa. Cuối cùng rồi cũng chẳng có lợi ích gì.
Tuy nhiên đứng trên phương diện giáo dục thì không được phép như thế. Nếu không có rút ưu khuyết điểm của mọi sự kiện, mọi vấn đề thì con người khó bề mà tiến xa hơn được, nhất là về phương diện đạo đức. Một Bác Sĩ cũng thế, trước khi chữa bịnh cho bịnh nhân, phải biết thân chủ của mình đã bị bịnh gì và nguyên nhân của căn bệnh do đâu mà có thì mới có thể chữa trị được. Bằng không, chỉ có giá trị mặt nổi như xoa bóp vết thương cho đỡ đau, chứ chưa thể trị tuyệt căn bệnh được.
Những nhà nghiên cứu về Phật học người Anh như Rhy David hay Đức Schoppenhauer ở vào thời điểm của 200 năm về trước, hầu như họ đều quan niệm rằng Đạo Phật là một đạo yếm thế, tiêu cực. Vì dưới cái nhìn của Đức Phật theo họ cái gì cũng khổ đau, vô thường; nhưng bây giờ thì Âu Châu đã nhìn Phật Giáo dưới một nhãn quan khác và họ đã đánh giá giáo lý của Đạo Phật như sau: "Buddhismus ist weder optimistisch noch pessimistisch, sondern realistisch" - Nghĩa là Đạo Phật không những chẳng yếm thế tiêu cực mà còn thực tế nữa. Vậy thì chỉ 200 năm thôi. Tại sao lại có cái nhìn thay đổi ấy? Nguyên nhân là các nhà nghiên cứu, các nhà học Phật nghiên cứu về Tứ Diệu Đế ở mặt nổi thì rõ ràng là thế. Đầu tiên là thấy 8 sự khổ của sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắn hội, ngũ ấm xí thạnh khổ ... như thế rõ ràng là bi quan rồi. Sau đó Đức Phật nói về nguyên nhân nào đưa đến sự khổ đau. Kế đến là làm thế nào để chấm dứt sự khổ đau và cuối cùng là 8 phương pháp, 8 chân lý giúp cho con người thoát ly sinh tử luân hồi.
Đứng về phương diện y học mà khảo cứu, ta thấy Đức Phật như một vị Bác Sĩ, đầu tiên nói ra bệnh trạng của bệnh nhân. Đó là những thứ khổ và sau đó tìm hiểu những nguyên nhân, những chủng tử nào đã huân tập nên những bịnh khổ ấy. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn bắt mạch cho thuốc và cuối cùng khi bệnh nhân lành bịnh thì thăng tiến trên một lộ trình dài. Muốn khỏi bệnh phải ngăn ngừa bệnh bằng cách giữ thân và tâm được thanh tịnh để thoát ly cảnh sanh tử của trần gian.
Đứng về phương diện triết lý thì rõ ràng Đức Phật là một nhà triết học, một nhà luân lý học, một nhà đạo đức học. Khi nhìn con người, không thể khỏa lấp bằng những lời hay tiếng khéo mà phải thực tế đi vào cuộc sống của con người, vạch ra những đường kim sợi chỉ đâu là nguyên nhân tác hại đã làm cho con người bị nghiệt ngã, rồi từ đó mới cho đời những thang thuốc trị liệu khác nhau để nhân sanh khỏi đau khổ nữa.
Đứng về phương diện đạo đức học thì đây là giáo lý căn bản của Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa và Kim Cang Thừa, là nền móng của mọi Tông phái. Chưa có một tông phái nào đi ra khỏi những lời dạy căn bản đầu tiên ấy. Tinh thần Đại Thừa là tinh thần khai phóng, cởi mở, vượt lên. Do vậy mà nó đã thăng hoa từ sau khi Phật nhập diệt 700 năm và vẫn còn tồn tại mãi mãi cho đến ngày nay trên khắp năm châu bốn bể nầy. Rồi tinh thần Kim Cang Thừa khi Phật Giáo được du nhập vào Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ v.v... nó đã đi sâu hơn vào tâm thức của con người để xiển dương rộng thêm tinh thần căn bản của Tiểu Thừa và tinh thần khai phóng của Đại Thừa. Tất cả đều bổ sung cho nhau chứ không chống trái nhau.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngày nay Ngài là một vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng nổi tiếng khắp thế giới về lòng từ bi, hòa bình và quan niệm về hạnh phúc đối với nhân sinh, dựa trên căn bản của giáo lý Phật Giáo. Đi đâu và lúc nào Ngài cũng giảng cho đại chúng về Tứ Diệu Đế và từ đó con người làm sao tìm ra được một hạnh phúc chân thật để làm hành trang đi vào cuộc đời, mới là vấn đề quan trọng. Còn giảng cao hơn thì đã có những khóa nghiên tu khác.
Tôi đã có lần tham dự tu học một tuần lễ với Ngài về phép tu Lamrin. Có nghĩa là tu theo phép tiệm giáo, tu từ từ, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Đầu tiên Ngài dạy về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, sau đó đến 37 phẩm trợ đạo, rồi Bồ Tát Đạo, rồi Mật Tông và cuối cùng của ngày thứ bảy là vào nơi Mạn Đà La của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Nhìn người tu, người thế gian hay hiểu sai về hành hoạt của họ. Nghĩ rằng họ yếm thế, chán đời. Thật ra không phải vậy. Chính người xuất gia là kẻ thương đời thật sự họ mới đi tu và với quan niệm cứu đời khi thực hành Bồ Tát hạnh đó, chính là một sự thực tiễn chứ không phải là chán đời.
Trong Đại Tạng phần Túc Sanh truyện có kể việc thực hành Bồ Tát Hạnh của Đức Phật trong vô lượng kiếp về trước như sau:
"Thuở xa xưa ở cõi trần nầy có 3 con vật rất hòa hoãn vui vẻ sống chúng với nhau. Đó là con Thỏ, con Cáo và con Khỉ. Một hôm Đế Thích mới giả làm một người già và bảo với con Khỉ và con Cáo rằng: Hai chúng mày rất tốt với nhau. Còn con Thỏ thì đi đâu rồi? Ta đang đói, ta muốn có gì ăn, chúng bay có thể giúp ta được chăng?
Khi Cáo nghe như thế liền nhảy xuống nước bắt cá đem dâng cho ông lão và Khỉ đi kiếm trái cây về dâng lên cho ông lão. Lúc ấy chưa thấy phần của con Thỏ. Người ấy mới hỏi rằng Thỏ ở đâu? Lúc ấy từ trong bụi rậm nhảy ra bảo rằng: Các anh nên chạy khỏi nơi đây đi. Vì lão tiều phu ấy không hiền với các anh đâu. Đoạn Thỏ nhảy vào lửa để hiến dâng thịt mình cho lão. Đế Thích thấy như thế liền lượm xương cốt làm tháp để thờ. Con Thỏ ấy chính là tiền thân của Đức Phật".
Con vật mà còn như thế, thì thử hỏi con người ta phải cư xử ra sao đây?
Một người sống không có đạo đức được gọi là kẻ ấy đạo đức giả. Kẻ đạo đức giả là kẻ sống ngược lại với những người sống có đạo đức mà chương trước đã nêu. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu một vài câu chuyện sau đây để biết thế nào là đạo đức giả.
Cũng câu chuyện trong Đại Tạng kinh thuộc phần Túc Sanh truyện kể như sau:
"Có một người thợ săn, anh ta vào rừng thấy một con voi có 2 cái ngà rất lớn và đẹp; nhưng không có cách nào để săn. Một hôm anh ta rình xem đời sống hàng ngày của voi kia. Thấy có hôm voi mang trái cây đến dâng cho một vị tu sĩ đang tu gần đó. Người thợ săn nầy rất đắc ý, về nhà thay đổi y phục và mặc áo nhà tu rồi vào rừng ngồi dưới gốc cây ấy. Voi nhìn chiếc áo và cứ nghĩ rằng: đó là vị Sa Môn đáng kính bấy lâu nay; nên đã đến gần dâng trái cây. Nhân cơ hội đó người thợ săn bắt được voi, đoạn chặt ngà".
Câu chuyện chỉ đơn giản có thế; nhưng ở đây ta lấy ra được bài học gì?
Ai trong chúng ta cũng phải kết luận rằng người thợ săn kia là một người thiếu đạo đức. Vì bình thường không thể chinh phục được voi, chỉ có giả dạng chiếc áo mới thành công, thì quả thật đây là kẻ thiếu lương tâm và đạo đức của con người; nhưng ở thế gian nầy cũng có lắm người muốn mình được đóng vai người thợ săn như thế để được lợi, được danh, được tài sản của cải; nhưng cuối cùng chỉ chuốc lấy sự nguyền rủa của cuộc đời mà thôi.
Cũng như thế ấy có nhiều người Cộng Sản lợi dụng chiếc áo nhà tu để phá hoại người tu, chứ đã là một người tu chân chính thì không thể là Cộng Sản được. Ví như người thợ săn thì rõ. Anh ta luôn luôn muốn có lợi; nên bất kể là phương tiện nào, miễn anh ta đạt được mục đích. Đó vẫn là chủ trương của người Cộng Sản lâu nay. Đa phần thì người đời nhẹ dạ tin theo sự giả dạng của người Cộng Sản như con voi đã tin lầm ông thợ săn kia mặc chiếc áo nhà tu vậy thôi. Còn một bậc tu hành chân chính thì quyết không thể để cho ai lợi dụng và bị người khác lợi dụng cả.
Mới đây có câu chuyện là có một nhà sư đi từ Bắc vào chùa Vĩnh Nghiêm ở Sàigòn có mang thuốc phiện. Ở đây cũng có thể là do Cộng Sản chủ trương để chứng minh cho mọi người biết rằng các ông tu hành cũng đâu có tốt đẹp gì, cũng tham lam, vị kỷ mà còn phạm vào luật tử hình của nhà nước nữa. Từ đó họ có cơ hội để đi đàn áp các Giáo Hội, kể cả Giáo Hội Phật Giáo của Nhà nước bây giờ chứ không phải chỉ riêng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà thôi và cũng có thể kẻ kia là một người thường vì ham lợi cho nên giả dạng người tu để đi buôn bán thuốc phiện để có lợi nhiều hơn và hắn ta nghĩ rằng mặc chiếc áo nhà tu chắc ít ai để ý đến, cũng giống như người thợ săn đã lợi dụng chiếc áo nhà tu để dối gạt con voi kia.
Viết đến đây tôi lại nhớ một câu chuyện cách 10 năm về trước. Một hôm tôi từ Mỹ về Hòa Lan, rồi từ Hòa Lan về Đức. Trên xe lửa ai cũng không bị soát mà chỉ có một mình tôi là bị soát tung hết tất cả hành lý, từ quần áo cho đến những vật dụng cá nhân; những người ngồi chung quanh tôi cũng thấy ái ngại. Sau đó họ cảm ơn rồi đi. Lúc đó tôi cũng hơi bực mình. Vì chẳng biết lý do tại sao. Đoạn có một bà Đức ngồi bên cạnh đưa cho tôi một tờ báo để đọc và chỉ cho tôi xem một tít lớn: "Những bà Soeur giả dạng mang hằng trăm kí-lô héroin vào Pháp và Hòa Lan". à, té ra là vậy! Họ thấy tôi mặc đồ nhà tu, họ cũng nghĩ rằng tôi là những người như thế; nên đã bị lục soát tơi bời; nhưng cuối cùng vẫn thấy hay hay. Vì đó là bổn phận của cảnh sát biên giới và đó là lỗi của những người giả dạng, chứ mình có gì đâu mà phải buồn. Vậy rồi thôi, mọi chuyện đã qua đi.
Gần đây ở trong nước báo chí hay đăng câu: "Đạo Pháp, Dân Tộc, Chủ Nghĩa Xã Hội". Nghe nó "dị hợm" và chói tai. Cái chủ nghĩa xã hội ấy là một quái thai của thời đại, là một đứa con lai, là đứa con mà 2 cái đầu, 4 cái chân nhưng bị dính vào nhau chỉ có một thân hình. Vậy là cái chủ nghĩa ấy cần phải giải phẫu để tách rời ra. Nó không thể nhập nhằng như thế được. Hóa ra lâu nay cái chủ nghĩa ấy nó không nằm trong dân tộc, cho nên bây giờ nó phải đứng riêng ra một cụm từ như vậy.
Nói như Chủ Tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là dân chủ theo định nghĩa của chủ nghĩa xã hội, hoặc Cộng Sản Việt Nam vẫn hay nói tư bản theo chủ nghĩa xã hội. Làm sao lại có những định nghĩa nhập nhằng như thế được? Nếu định nghĩa như thế cũng có nghĩa là: cái đầu suy nghĩ theo chủ nghĩa tư bản, còn 2 chân thì di chuyển chậm chạp, ăn theo như chủ nghĩa xã hội? Như vậy đó là một xã hội gì? Có phải một xã hội tới không tới mà lùi cũng chẳng được chăng?
Còn dân chủ là dân chủ chứ không thể định nghĩa khác được. Đó là cái quyền làm chủ của dân nơi lá phiếu của họ, họ muốn bầu ai đại diện cho họ lên làm Dân Biểu, chứ đâu phải như Dân biểu Quốc hội ở xứ mình. Có nhiều ông Dân biểu là Hòa Thượng; nhưng khi vào Quốc Hội họp, chẳng bênh vực được một tiếng nói nào cho những chùa bị đập phá, bị lấn đất xây nhà; những cơ sở từ thiện của Giáo Hội như trường học, nhà thương, cô nhi viện đã bị tước sạch mà các ông Nghị Phật Giáo nầy ngồi trong Quốc Hội ấy để làm gì? Đại diện cho ai và vì ai mà ngồi đó? Như vậy cái quyền đại diện cho dân để nói lên tiếng nói của dân nó nằm ở chỗ nào?
Do vậy một người tu chân chánh có đạo đức không thể là một người Cộng Sản được. Vì lẽ Cộng Sản đâu có tin luân hồi nhân quả và họ đã cho Tôn Giáo là thuốc phiện của nhân dân kia mà và so ra những học thuyết của họ nó không xứng đáng là học trò của xã hội tư bản thì làm sao có thể sánh vai với Phật Giáo là một tôn giáo của dân tộc đã có mặt suốt gần 2000 năm lịch sử với nước nhà rồi. Còn họ là những người sinh sau đẻ muộn mới 70 tuổi đời đã đi dạy lại cho những cụ già thọ gấp mấy chục lần như thế. Cho nên tốt nhất hãy vứt bỏ cái chữ Chủ Nghĩa Xã Hội ấy đi thì nó có duyên hơn. Một người đã biết luân hồi, nhân quả thì không thể chấp nhận lý thuyết của Cộng Sản được. Hai đường thẳng song song ấy không bao giờ gặp nhau được. Bây giờ có thể có một loại định nghĩa khác là những đường thẳng ấy cấu tạo bằng những hình khối và hình lập phương chứ không phải mặt phẳng, thì ý nghĩa có khác đi; nhưng chắc chắn nó không thể tồn tại lâu dài được. Đó là đạo đức của con người và là một phi đạo đức của một xã hội thời đại như thế.
Báo chí trong nước gần đây có đăng rất nhiều tin làm chấn động lương tâm của con người. Từ đó mới có thể đánh giá cái giá trị của Đạo Đức dưới thời cai trị của Cộng Sản thuộc xã hội chủ nghĩa Việt Nam nó tàn bạo, ức chế như thế nào.
Chuyện kể rằng công an đã đột nhập vào nhiều chỗ quay heo, quay gà và quay vịt, bắt đi hàng loạt người phạm pháp. Lý do là heo, gà, vịt ấy đã bị chết vì bịnh; những nhà buôn nầy mua những con vật bịnh ấy về ướp hàn the, xông ngũ vị hương, bôi tẩm bột lên, sau đó cho quay và đem đi bỏ mối cho các tiệm buôn. Dĩ nhiên là kết quả người tiêu thụ phải lãnh đủ, chứ người bán thì cứ phè phỡn hốt tiền, một vốn, bốn lời. Một công việc làm như thế là một công việc có đạo đức chăng? Nhà nước thì sao? Công an cũng nghèo nên có được lót tay tiền trà nước thì cũng êm đi. Như vậy là dân chủ ở xã hội chủ nghĩa sao?
Lại có chuyện những cô gái quê 14, 18, 20 tuổi vì nhà nghèo nên bị các bà mối dụ lên thành phố để có công ăn việc làm. Nghe như vậy các cô ham. Vì chữ hiếu phải lo cho cha mẹ già hoặc cho em ăn học nên các cô bằng lòng đi; nhưng khi đi lên Sàigòn công ăn việc làm đâu chẳng thấy, chỉ thấy bị bán mình cho tú bà và trở thành gái lầu xanh bất đắc dĩ. Vậy cái đạo đức nó nằm ở chỗ nào? Họ là con nhà lương thiện, mà bây giờ ra nông nỗi nầy. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Đời họ coi như tàn rồi. Đâu còn nữ tướng Bùi Thị Xuân hay những văn sĩ lịch lãm như bà Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm và bà Huyện Thanh Quan nữa. Cái thời mất nước, mất chủ quyền ấy về một dòng tộc khác, thế nhưng các bà vẫn còn có cái quyền của con người để nói lên tâm tình hoài cổ của mình. Còn cái Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ấy nó huênh hoang tự đắc là bách chiến bách thắng, đang độc lập, hòa bình, tự do, hạnh phúc đấy; nhưng con người sao mà đắng cay đoạn trường như vậy?
Ngày xưa Kiều của cụ Nguyễn Du đã vì chữ hiếu bán mình chuộc cha để rồi lầu xanh 3 lượt, thanh lâu mấy lần, cũng đã có không biết bao nhiêu bút mực và quan điểm viết về chữ hiếu của nàng Kiều. Người thương thì ít, người chê thì nhiều. Còn bây giờ ở một cái xã hội nó đang được độc lập đấy, mà cái nhân phẩm của con người như vậy thì thử hỏi cái nhà nước ấy nó có xứng đáng để đại diện cho dân chăng? Đó là chưa kể ngày nay cái chế độ ấy nó xuất cảng hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn con người bằng da, bằng thịt đi lao động trên thế giới để mang ngoại tệ về cho nhà nước, mà ngày xưa khi nghe đến 2 chữ xuất cảng thì người ta chỉ nghĩ đến bò trâu, heo gà, cá mắm, gỗ, lúa gạo v.v... chứ không thể là con người. Thế mà dưới thiên đàng Chủ Nghĩa Xã Hội lại có đấy! Đó là một cái xã hội gì? Khó mà định nghĩa cho đúng. Đúng là một xã hội vô đạo đức, vô lương tâm, chứ không phải là một xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh nước của mình là nước Lào, Cao Miên và Thái Lan ngày xưa người ta phải triều cống mình nào: vịt xiêm, chuối xiêm, dừa xiêm, ớt xiêm v.v... còn bây giờ mình sắp hàng làm chư hầu cũng chưa xứng đáng. Trong khi các quốc gia nầy nhờ Phật Giáo mà phát triển và ngày nay họ cũng tiến nhanh như thế giới, chứ họ có bị chậm tiến đâu. Đạo Phật ở những nước nầy là quốc giáo. Trong khi đó tại Việt Nam những Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ về tuổi đời họ cũng đáng cha chú những người đang cầm quyền, về việc đạo họ chẳng có tội gì, chỉ ngoài một tội yêu nước thương dân muốn nói lên tiếng nói trung thực của cõi lòng để được sống, được làm con người đầy đủ với ý nghĩa của nó. Có khí trời để thở tự do, có chùa viện để ở, có tín đồ để hoằng hóa. Đâu có ai muốn cướp chính quyền để làm gì mà họ sợ! Ngày xưa cho tới bây giờ đã có biết bao nhiêu ông vua bỏ ngôi vị của mình để đi tu, chứ đâu có người Tăng sĩ nào bỏ nơi giải thoát của mình để trở lại chốn đọa đày nơi trần thế đâu? Họ muốn chế độ xin cho và ban phát. Nhưng ở đây không có gì để phải xin hết cả; nhất là 2 chữ tự do, ai cũng phải có quyền có. Đã gọi là đầy tớ nhân dân; nhưng bây giờ phải bảo là chế độ đày đọa nhân dân mới đúng. Vì dân càng ngày càng nghèo và chính phủ càng ngày càng giàu.
Những bậc nhân tài học giả lỗi lạc như Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Trí Siêu, Ni Sư Trí Hải v.v... cũng đã bao phen vào tù ra khám. Họ là những người trí thức của Phật Giáo, trí thức của dân tộc mà còn bị bẻ cong ngòi viết, không cho sáng tác, đập hết bảng đen không cho lên bục giảng để dạy học. Thử hỏi cái chế độ đó nó ngu dân như thế nào? Trong khi người dốt thì nắm quyền, còn kẻ tài ba lỗi lạc lại bị chôn vùi trong quên lãng.
Thế giới có đạo đức nó ngược lại. Họ trọng nhân tài. Bằng chứng là xứ Mỹ, Canada và Úc nầy, nếu ai đó muốn di dân vào đây thì ưu tiên một là những người đã tốt nghiệp đại học, sau đó là những người giàu có và những người có nghề chuyên môn. Vì sao vậy? Thế giới loài người lâu nay vẫn trọng nhân tài, trọng đức chứ đâu có ai tôn thờ bạo lực đâu? Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon, Hitler ngày nay đâu còn nữa; những giấc mộng đế vương ấy chỉ còn là cát bụi mà thôi. Nếu có còn chỉ là tiếng xấu ở đời lưu danh cho hậu thế, chứ chẳng được gì. Thế mà đã có không biết bao nhiêu người bán rẻ lương tâm và cái đạo đức căn bản làm người để tích chứa vàng bạc của cải cho riêng mình, còn miệng thì hô hào chủ nghĩa xã hội. Với sự quân bình của vũ trụ, đô-la Mỹ sẽ trở về Mỹ, tiền Euro sẽ trả về cho Euro. Chỉ có người dân thấp cổ bé họng càng ngày càng khổ sở nhiều hơn mà thôi.
Ngày xưa những việc dở xấu như vậy đều gán ghép cho người phụ nữ. Bằng chứng là chữ gian (姦) viết bằng 3 chữ nữ (女) nghĩa là 3 người đàn bà hợp lại có nghĩa là gian xảo, gian dâm, kẻ ác, gian dối, can phạm v.v... Việc ấy ngày nay người đàn ông cũng đã can phạm vào quá nhiều rồi; nhất là ở chính trường và chiến trường cũng thế. Trong khi đó người phụ nữ chịu nhiều nỗi oan khiên.
Chữ Điểu (嬲) có nghĩa là chọc ghẹo nhau, điểu cáng thì có 2 chữ nam (男) đứng 2 bên một chữ nữ (女). Điều ấy cũng có nghĩa là 2 người đàn ông tranh nhau một người đàn bà, mà đôi khi cũng có nghĩa là không đứng đắn là người đàn bà ấy luôn luôn có 2 người đàn ông bên cạnh. Ý nghĩa tốt hoặc xấu ở đây không bàn; nhưng phàm là những việc như thế đều có sự can dự của người đàn bà và cả người đàn ông nữa.
Đôi khi giảng giáo lý cho các học sinh, sinh viên Đức tại chùa Viên Giác, tôi vẫn thường nói rằng: Ở Đức bây giờ cái gì cũng đắt hết, chỉ trừ có một món rất rẻ, đố quý vị biết là món gì? Mọi người trân trố nhìn nhau và hỏi là món gì? - thì tôi trả lời là: Đạo Đức. Các em lại xịu mặt xuống. Người học trò bây giờ đi học không còn nghe lời cha mẹ và Thầy giáo nữa mà muốn học cho nhanh để có cái nghề trong tay để đi làm kiếm tiền tiêu riêng, hoặc giả trông cho đủ 18 tuổi sẽ ra ở riêng sống xa cha mẹ gia đình để được tất cả sự tự do. Ở Âu Mỹ ngày nay cái gì cũng bị tư nhân hóa hết, ngay cả tình yêu và tình thương cũng vậy. Đây là cái phòng riêng, đây là chiếc xe riêng, đây là cái máy riêng v.v... và v.v... tất cả những gì riêng thì gọi là tốt. Trong khi đó ngày xưa các cộng đồng người Á Châu trong đó có Việt Nam chúng ta cái gì chung mới là tốt. Ví dụ như ông bà cha mẹ, con cái mấy đời ở chung nhau dưới một mái nhà. Con mới sinh ra nằm chung với mẹ, chứ không ở riêng như tại Âu Mỹ. Con mà không bú sữa mẹ thì cái tình mẹ con nó không còn là: "Chuối ba hương và đường mía lau" được.
Báo chí ngày nay cũng đề cập đến vấn đề ly dị hằng ngày. Ngày nay có nhiều nước kết hôn ít hơn là ly dị. Vậy thì những đứa trẻ sinh ra đó ai sẽ thừa nhận? Xã hội à? Còn tình thương và trách nhiệm đối với con cái ra sao? Một xã hội muốn cho bền vững thì đạo đức cá nhân là căn bản. Nếu cá nhân sống một cuộc đời không có đạo đức thì sẽ sản xuất tiếp tục những sản phẩm khác cũng vô đạo đức như vậy. Cứ thế mà cộng thêm, nhân lên; chứ ít có trừ đi hay chia bớt. Do vậy các nhà đạo đức học ở đây cũng đang cố gắng làm sao tạo dựng cho con người có môi trường và lối sống có đạo đức hơn.
Có những vấn đề thực tế trên cuộc đời rất khó thực hiện được mà cũng có những giấc mơ khiến cho mình trở nên lo lắng. Mới tối hôm qua đây (23.11.2003) trong 5 canh tôi có 4 giấc mơ rất lạ lùng, chẳng biết là điềm lành hay dữ. Dĩ nhiên là tôi không và chưa bao giờ lưu tâm đến; nhưng tại sao trong A Lại Da Thức của mình có thể huân tập những chủng tử như thế được?
Canh một tôi mơ thấy Hạnh Tấn, Thầy ấy bảo rằng: không được đâu, không được! Tôi hỏi cái gì không được thì Thầy ấy im lặng. Lúc ấy tôi thấy Thầy ấy ngồi bên cạnh tôi.
Canh hai tôi mơ thấy một số quý Sư Cô, có vị ra đời rồi bây giờ tu lại đang đứng ở một bàn thờ của chùa nào đó để chuẩn bị cúng cho một Sư Cô mà ai cũng chẳng nhớ tên họ người chết. Tôi đang lo đi hỏi thì phía trước mặt lửa đang phựt cháy. Có người đứng ở đó rất đông mà kêu ai cũng chẳng chịu tắt lửa. Thế rồi có một người bưng lửa chạy ra và mỗi người một tay, ngọn lửa kia đã diệt.
Canh ba tôi mơ thấy Hạnh Vân, Như Tịnh, Như Tú và một số quý Thầy khác chỉ mặc áo vàng thôi, đi đâu về và lên chánh điện đảnh lễ, tôi thấy da của ai cũng sạm nắng, tôi hỏi từ đâu về, mọi người lại làm thinh; nhưng dáng vẻ có niềm an lạc.
Canh năm tôi mơ thấy Hòa Thượng Trí Nhãn là Sư Phụ của Thầy Hạnh Chánh đang đứng ở hiên chùa chờ tôi đi đến báo tin một đám ma, mà tôi nhớ ra không phải là nhiệm vụ của mình.
Đó là 4 giấc mơ của một đêm và chưa kể trưa hôm trước mới vừa chợp mắt đã thấy mình bị gãy một cái răng cửa hàm trên, lúc thì không chảy máu, lúc thì có máu.
Trong chủng tử của mình gồm cả thiện lẫn ác, xấu lẫn tốt; nó đan xen với nhau. Do vậy mà A Lại Da Thức được gọi là: Năng tàng, sở tàng và ngã ái chấp tàng là vậy. Nghĩa là hay chứa, bị chứa và chấp vào cái ái để chứa. Như vậy từ vô lượng kiếp cho đến nay và mãi mãi về sau nữa cũng thế. Chỉ khi nào cái sự hiểu biết, hoặc những giấc chiêm bao chìm hay nổi đó nó không còn nữa, chuyển qua Đại Viên cảnh trí thì cái trí tuệ ấy mới là cái trí tuệ miên viễn của cuộc hành trình sinh tử nầy.
Những tốt, xấu, khen, chê, còn, mất, lợi danh v.v... rồi tất cả cũng sẽ bị chôn vùi vào dĩ vãng. Chỉ một thời gian ngắn thôi. Nhưng có một điều chắc chắn không thể mất đi đó là bia miệng của thế gian. Cho nên người xưa nói rằng:
"Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ"
Mong rằng những gì trái với đạo đức bên trên, chúng ta lấy đó làm gương, không nên cho tái phạm và quyết chí trở thành một người gương mẫu để đời đạo noi chung.