Đời sống
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt
13/12/2558 23:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương 8: Đứng về phương diện xã hội và tôn giáo để nhìn vấn đề tốt hay

Về phương diện xã hội thì có rất nhiều vấn đề để chúng ta có thể đề cập đến. Chúng ta biết rằng những cái gì trái với tốt là xấu, trái với xấu là tốt. Đó là một cái nhìn căn bản trong xã hội nầy.

Như trên chúng ta đã phân tích thế nào là tốt và thế nào là xấu và ở đây chúng ta có thể đi sâu hơn vào cái nhìn của từng vấn đề và từng thời đại cũng như từng lứa tuổi thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn.

Ví dụ như ngày nay chúng ta thường hay nghe về đòi hỏi nam nữ bình quyền, tranh đấu về môi sinh, về bảo vệ thú vật v.v... Tại sao con người phải tranh đấu như thế? Vì lẽ cái bên nầy nhiều, cái bên kia ít; nên người ta muốn cho nó được quân bình. Ví dụ đứa bé dưới 18 tuổi, nó thấy cha mẹ, anh chị nó có nhiều quyền quá. Như quyền được lái xe, có thể là đi công việc hay đi chơi; nhưng đó là cái quyền mà nó chưa có được; nên nó muốn cho có. Điều nầy cũng dễ hiểu thôi, ngày xưa mọi người đều tranh nhau một chiếc ngai vàng và ngày nay tranh nhau một ghế Tổng Thống, Thủ Tướng vậy. Khi được rồi thì có nhiều ông vua than rằng: Làm vua sao mà nó buồn tẻ quá, suốt ngày chỉ đối diện với 4 bức tường và cứ nghe tấu tấu, thưa thưa. Còn ở nơi hậu cung thì có không biết bao nhiêu điều chướng tai gai mắt và có lẽ cái ghế Tổng Thống, Thủ Tướng nó cũng thế thôi. Khi người ta chưa có được thì muốn cho nó có và khi có được rồi, người ta chẳng tìm được một giá trị đích thực nào nơi đó cả; ngoại trừ chém giết, thanh toán lẫn nhau để phần thắng thuộc về mình, mà muốn cho mình thắng cuộc, dĩ nhiên phải có nhiều thủ đoạn, nhiều tài gian xảo mới thành công.

Tôi có coi phim Hoàng Đế Cuối Cùng của Trung Quốc chiếu tại Đức, mô tả về cuộc sống nơi Hoàng Cung của Phổ Nghi Hoàng Đế. Lúc nhỏ nhà vua chỉ thích chơi nhảy như bao đứa trẻ khác, nghĩa là được đá dế, được chọi gà; nhưng lỡ sinh ra là con vua; nên phải làm vua. Đến cuộc cách mạng của Trung Hoa Cộng Sản vào ngày 1 tháng 10 năm 1949 vua lớn lên trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước, sống như bao nhiêu người dân khác, để rồi cuối đời về lại Tử Cấm Thành, trông lại chiếc ngai vàng ngày xưa và Phổ Nghi Hoàng Đế chỉ lưu luyến lại cái thời của tuổi trẻ năm xưa, là được xem đá gà, đá dế mà thôi v.v... chung quanh ngai vàng chỉ còn là bụi bặm, nhện giăng. Một triều đại Mãn Thanh oai hùng mấy trăm năm, kết cuộc là như thế.

Ai xem quyển Nước Tôi và Dân Tôi của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 viết thì cũng sẽ thấy rõ điều nầy. Ngài mô tả rằng: Lúc 4 tuổi Ngài rất ham chơi và tuổi thơ của Ngài chưa có một niềm vui nào trọn vẹn. Vì lúc nào cũng phải tập làm người lớn để dự và chứng minh những lễ hội quan trọng hàng mấy tiếng đồng hồ. Ngài không có bạn cùng trang lứa và nhiều lúc ngồi trên ngai vàng Ngài muốn bước xuống vì mắc tiểu nhưng cũng không được, đã chẳng ai có thể thông cảm cho vấn đề này và giờ đây sau hơn 50 năm lưu vong tại ngoại quốc Ngài cũng muốn về lại cố quốc của Ngài; nhưng người Trung Cộng chưa chấp nhận và Ngài cũng muốn rằng ngôi vị Tăng Vương đó có thể bầu cử tự do để chọn người kế vị, chứ không nhất thiết là một Đạt Lai Lạt Ma tái sanh như cả 10 thế kỷ nay.

Vấn đề xã hội học là một vấn đề khá phức tạp để đánh dấu một hay nhiều vấn đề. Vì lẽ trong khi những người đang có họ muốn từ bỏ; còn những người chưa có lại ham bước vào. Cho nên Nguyễn Công Trứ là một nhà thơ và là một vị tướng tài, sau khi thấm thía cuộc đời rồi mới thốt ra như thế nầy:

"Cái vòng lẩn quẩn loanh quanh
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào" 
Đúng thật là như vậy. Trong khi con trẻ nhìn cha mẹ anh chị mà thèm thuồng được cái quyền bình đẳng ấy, đến khi cha mẹ về già không có khả năng tạo ra tiền bạc và thế lực nữa thì người đã già, trong đó có cha mẹ, nghĩ rằng mình bị xã hội bỏ bê, không ngó ngàng, không chăm sóc tới và đâm ra hối tiếc cái thời trai trẻ. Có người đã giận mình là tuổi thanh xuân đã lãng phí quá nhiều chẳng làm nên tích sự gì; cho nên bây giờ cuộc đời và thời gian nó đã vô tình nghiền nát cái tấm thân giả tạo nầy; nên đâm ra trách trời, ghét người. Nguyễn Công Trứ cũng đã nói:

"Ôi nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao
Ba mươi năm hưởng thụ là dường nào
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín
Vật thái mạt cùng vân biến ảo
Thế đồ vô lự cái danh hư
Cái hình hài đã chắc thiệt chưa
Mà lẽo đẽo khóc sầu như thế mãi..."

Một Uy Viễn tướng công của triều đình vào sanh ra tử, oai phong lẫm liệt ở chốn triều nghi; một ông Tú Tài, ông Cử Nhân, ông Tiến Sĩ mà ở cuối cuộc đời mình nhìn lại chính mình và những sự kiện xảy ra chung quanh chỉ là: bóng đèn, mây nổi, gió thổi, chiêm bao. Tất cả những thứ ấy có nhưng thật cũng là không. Nó là mộng chứ không phải thật, mà dầu có thật đi chăng nữa, nó cũng sẽ trở thành mộng như thường.

Sau khi ra làm quan, rồi cáo quan về vườn để hưởng chữ nhàn trong 30 năm ấy với túi thơ bầu rượu và có lẽ lúc bấy giờ đã thấm sâu giáo lý của Đạo Phật cũng như cụ Nguyễn Du đã diễn tả trong truyện Kiều; nên những người hiểu biết cuộc đời và sự thế đều nhìn đời như vậy cả. Thời gian làm quan, thời gian hưởng nhàn dầu là mấy mươi năm đi chăng nữa, nó cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi.

Phàm là vật hay sự vật thì có lúc thịnh, lúc suy, lúc xanh, lúc vàng, lúc tím. Những thứ nầy nó không có tính cánh nhất định. Nó thay đổi như mây bay, như điện chớp, có nhiều trò ảo hóa lắm. Cuộc đời nầy cuối cùng rồi cũng chỉ là một cái hư danh thôi. Đó là một sự nhận xét vô cùng chí lý; nhưng mấy ai rõ được chân lý và thực hành cho đúng như thế được. Ngay như cái tấm thân của mình đây mà còn chưa có thực hiện nữa thì vui với buồn, nó có ích lợi chi đâu? Đó là kinh nghiệm bản thân của cụ Nguyễn Công Trứ, đã trải qua thời kỳ ấu niên, thiếu niên, thanh niên, đỗ đạt ra làm quan thời trung niên và đến lão niên về hưu sống nhàn hạ và đã nhìn ra rõ ràng cuộc đời nó là thế. Chỉ một cái hư danh thôi.

Ở Mỹ hôm nay có những hội của những người đàn ông đòi hỏi ngang hàng với đàn bà. Vì người đàn bà ở Mỹ bây giờ có nhiều quyền hơn đàn ông; nên mới sinh ra như vậy. Cho nên vấn đề nầy đã làm cho chính phủ Mỹ và một số nước dân chủ trên thế giới quá đau đầu. Vì cái muốn của con người nó không dừng nghỉ mà nó lôi cái ham muốn nầy xong, lại bày ra cái ham muốn khác và nó bắt con người phải làm nô lệ cho nó; nhưng con người đâu có hay biết gì. Vì cứ nghĩ rằng muốn chiếm đoạt được nó; nhưng không ai thực hành lời người xưa để lại cả. Phải tự hỏi nó là gì? Thật sự ra nó chỉ là một cái hư danh, vọng tưởng mà thôi. Thế nhưng đã có không biết bao nhiêu người lao đầu vào rồi lại trốn chạy thực tế để được ra khỏi sự bao vây kềm hãm đó.

Khi phân tích vấn đề xã hội người ta để ý rằng nếu trong gia đình mà người vợ đi làm lương cao hơn người chồng là sẽ có chuyện. Còn ngược lại thì ít chuyện hơn. Vì sao vậy? Lâu nay người chồng vẫn là cột trụ của gia đình, phải lao động, phải sản xuất. Còn vợ chỉ có bổn phận lo bên trong gia đình và sinh con đẻ cái. Trong khi đó xã hội ngày hôm nay lại khác, người đàn bà có nhiều cơ hội hơn; nên đã nhập cuộc vào đời trực tiếp và cái ngã chấp, ngã sở từ đó nó phát sanh, để rồi đi đến những đổ vỡ khác.

Khi xã hội phát triển về những mặt tốt, thì đồng thời những mặt xấu cũng bắt đầu ló dạng như xì-ke ma-túy, ăn chơi, đàng điếm, trụy lạc, cờ bạc v.v... đây là mặt trái hưởng thụ của xã hội và đó cũng là một quyền lợi mà đã có nhiều người đòi hỏi. Vì họ nghĩ rằng họ sản xuất mệt nhọc, họ phải được sự đền bù cho xứng đáng bằng sự hưởng lạc; nhưng đâu có ai ngờ rằng chính những sự buông xuôi và đòi hỏi quyền lợi đó, nó đã làm cho con người càng ngày càng đi vào ngõ cụt.

Ta hãnh diện có được một chiếc xe chạy nhanh; nhưng đồng thời cũng phải biết rằng xe chạy sẽ nhả ra không biết bao nhiêu khí độc, làm cho cây cỏ chết hết phía sau làn khói xe hơi của mình. Rồi từ đó sinh ra lụt lội, mưa nắng bất thường. Một bà lão ở Tân Tây Lan gặp tôi ở Auckland bảo rằng: Bạch Thầy, mấy năm trước ở Tân Tây Lan trời rất đẹp và ít mưa gió bất thình lình. Còn mấy năm trở lại đây, không những khí hậu thay đổi mà mỗi lần mưa là sấm sét và trời gầm to lớn. Chuyện gì sẽ xảy ra thế Thầy?

Dĩ nhiên bà ta hỏi không phải nghĩ rằng tôi biết tiên tri; nhưng hỏi để thấy rằng thiên nhiên bây giờ nó là như thế đấy và hoàn cảnh sống của con người sống trên hành tinh nầy của ngày hôm nay nó bất an vô cùng.

Trời Úc Châu trong 25 năm trước, khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi đây rất đẹp; cây cỏ thơm mùi thiên nhiên và hoàn cảnh chung quanh rất tươi mát mà sau 25 năm tôi trở lại đây, lần thứ 10, lần nầy ở lại đây đến 3 tháng đã chứng kiến thời tiết thay đổi bất chợt vô cùng, không phải chỉ có thành phố Melbourne không thôi đâu, mà cả Sydney cũng thế, một ngày có tới 4 mùa. Đó là sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và tối nhiều khi lạnh như mùa đông ở Âu Châu. Lỗi ấy dĩ nhiên không phải do thiên nhiên, mà tất cả đều do con người tạo ra. Rồi mai đây sẽ ra sao nữa thì đố ai mà biết được.

Còn dưới cái nhìn của một nhà Tôn Giáo học về sự tốt xấu như thế nào thì chắc chắn có nhiều vấn đề có thể nêu lên ở đây.

Nhớ lại những câu chuyện xưa khi còn là Thái Tử, Đức Phật nhân một hôm đi thăm lễ hạ điền với vua cha, đã quan sát về người cày ruộng, về chim chóc, côn trùng, con lớn ăn con bé để được tồn tại và nhất là sau khi đã dạo chơi bên cửa thành, xem được những cảnh sinh hoạt của sự già, bệnh, chết và đời sống giản dị tự tại của một vị Tăng sĩ, đã đánh thức trái tim của Thái Tử rất nhiều. Ngài đã suy tư về những khổ đau, những sự bất công ấy trong xã hội lúc bấy giờ; nên Ngài quyết tìm một con đường để cứu khổ nhân sinh. Một đề tài rất nan giải, chưa có đáp số ở thời bấy giờ và bài toán ấy đã được giải rõ sau khi Đức Phật đã thành đạo dưới cội cây Bồ Đề.

Đức Phật nhìn thế giới như trong tinh thần của kinh Kim Cang như thế nầy:

"Thế giới giả, Phật thuyết tức phi thế giới, thị danh thế giới".
Nghĩa là: Thế giới, Phật nói chẳng phải thế giới; ấy là thế giới.

Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta gọi là một thế giới, sống nơi đó; nhưng chấp vào đó thì Phật bảo cái đó không phải là một thế giới chân thật. Muốn có một thế giới chân thật thì phải vượt lên cái đối đãi nhị nguyên ấy mới có được.

Cũng như Phật định nghĩa về chúng sanh cũng thế:

"Chúng sanh giả, Phật thuyết tức phi chúng sanh, thị danh chúng sanh".

Nghĩa là: Chúng sanh, Phật bảo là không phải chúng sanh. Đó mới là chúng sanh.

Chúng sanh như chúng ta vẫn thường chấp nhận là chúng sanh đối đãi, có còn có mất, có được, có thua. Còn một chúng sanh chân thật thì phải vượt lên sự đối đãi ấy mới có được.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng mà ngộ được, nó nằm ở điểm chính ý nầy:

"Bất ưng trụ sắc sanh tâm bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".

Nghĩa là: Không nên dựa vào sắc tướng để sanh tâm, không nên dựa vào tiếng nói, mùi thơm, vị mặn, sự tiếp xúc mà sanh tâm. Nên sanh cái tâm ấy vào cái chỗ không nơi để trụ.

Nghĩa là như thế nào? Nghĩa là thế giới nầy, sự vật nầy làm sao không có chỗ dính mắc là được. Đến, đi phải thong dong tự tại, làm sao chúng ta không bị cuộc đời nó trói buộc mà ta cũng chẳng muốn níu kéo cuộc đời nầy làm gì. Vì tất cả chỉ là giả danh chứ chẳng phải là thực tướng.

Ngài Xá Lợi Phất xuất thân từ dòng dõi Đại Bà La Môn và là bạn thân của Ngài Mục Kiền Liên từ thuở thiếu thời. Hai vị nầy đã thệ nguyện với nhau là nên tìm Thầy học đạo và sau nầy ai biết được phương pháp nào hay hơn thì mách bảo cho người khác và cả 2 sau đó làm môn đệ của một Thầy Bà La Môn khá nổi tiếng. Rồi một hôm Ngài Xá Lợi Phất ra đường gặp một vị Sa Môn với tư cách trang nghiêm hòa ái, từ xa đi lại. Ngài Xá Lợi Phất mới hỏi rằng:

Ngài từ đâu đến và Ngài tu theo phép gì? Thầy của Ngài là ai?

Ngài Mã Thắng đáp rằng: Ngươi không nghe Thái Tử Tất Đạt Đa xuất thân từ dòng họ Thích, đã bỏ ngôi để đi xuất gia và thành đạo dưới cội Bồ Đề và người ấy là Thầy của ta, ta là đệ tử của Ngài.

Thầy của Ngài đã dạy cho Ngài những gì? Ngài Xá Lợi Phất hỏi.

- Thầy ta dạy nhiều lắm; nhưng những điều căn bản như thế nầy: Tất cả các pháp đều chẳng có mà cũng chẳng không. Ngài Mã Thắng đáp lại như vậy.

Sau khi nghe xong Ngài Xá Lợi Phất liền ngộ và chứng sơ quả, sau đó về rủ Ngài Mục Kiền Liên và 250 đệ tử của mình đến đảnh lễ dưới chân Phật và thờ Phật làm Thầy.

Xem qua chuyện trên ta thấy rất đơn thuần; nhưng không phải ai cũng làm được. Xã hội ngày xưa căn tánh con người vốn không bị ngoại cảnh chi phối nhiều; nên nghe qua liền ngộ. Còn ngày nay chúng ta đã nghe như thế không biết bao nhiêu lần rồi mà ta có ngộ gì đâu. Vì sao vậy? Vì ngày nay nghe; nhưng đã không buông xả cái cũ để đón nhận cái mới vào, mà nghe cũng chỉ để mà nghe thôi; chứ không mang một ý niệm nào khác; nên nội tâm chẳng có tiến bộ nào hết, mà tham sân chấp ngã càng ngày càng nhiều; nên chân lý không thể nắm bắt được là vậy.

Lại một câu chuyện khác có liên quan về vấn đề xã hội và con người thời Đức Phật còn tại thế. Câu chuyện bắt đầu như sau:

Tại nước Ma Kiệt Đà có một vị tiên tu đã lâu năm có được thần thông; vì thế nhà vua đương thời rất nể vì trọng vọng và thường hay mời vào cung để dùng ngọ trai. Mỗi lần như thế vị tiên nầy dùng thần thông để bay đến cung điện và dùng cơm xong lại dùng thần thông để bay về lại chỗ ngồi thiền của mình. Một hôm vua đi vắng và dặn Công Chúa con của mình là nên tiếp đón vị Tiên Nhơn ấy như vua đã tiếp. Công Chúa vâng lời và đã dọn cơm để cúng dường cho Tiên Nhơn.

Khi Tiên Nhơn đến, thấy không có vua ở nhà mà Công Chúa thì quá đẹp cho nên nổi lên niệm ham muốn sắc dục, dùng tay chạm vào người nữ ấy; nên đã mất đại thần thông, khiến cho lúc ra về không thể bay bổng trên không trung được. Tiên Nhơn mắc cỡ, xấu hổ quá; nhưng muốn chữa thẹn bằng cách bảo với Công Chúa rằng: Hôm nay ta đi bộ vào rừng để mọi người chiêm ngưỡng cho được phước. Thế rồi Công Chúa cho dân chúng dọn dẹp đường sá để đón Tiên Nhơn.

Vì không còn thần thông cho nên Tiên Nhơn nổi lên niệm sân hận và bị những con khỉ, con chim trong rừng la ó chạy nhảy khắp nơi, khiến Tiên Nhơn càng giận dữ hơn nữa và phát nguyện rằng: Sau nầy sẽ đầu thai thành một con vật to lớn ăn hết tất cả những loài thú trong rừng cũng như những con vật dưới nước. Đức Phật quán sát việc nầy và bảo cho Đại chúng biết rằng:

Do phước đức tu học nhiều đời, sau khi mãn báo thân nầy Tiên Nhơn ấy sẽ sanh thiên; nhưng sau khi phước ở cõi trời đã hết, phải đọa vào ác thú theo lời thề của mình khi xưa. Cho nên phải biết rằng một niệm sân hận, một lời thề ác nó có hại như thế, bị trầm luân khổ ải biết bao giờ mới ra khỏi trần lao.

Đó là một câu chuyện có thật đã được ghi vào Đại Tạng kinh và đã được chính Phật dạy. Còn tin hay không là quyền của mọi người. Ở đây ta học được bài học gì?

Điều thứ nhất phải thấy rằng dầu đã chứng được ngũ thông nhưng đừng coi thường nữ sắc. Vì chính nữ sắc mà biết bao nhiêu Tiên Nhơn đã mất đại thần thông. Cũng chính vì nữ sắc mà Ngài A Nan đã thất điên bát đảo không biết bao nhiêu lần. Trước kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất tại động Thất Diệp, Ngài Ca Diếp cũng đã nhắc lại Ngài A Nan điều đó.

Đã mất thần thông mà còn chữa thẹn bằng cách đi bộ để mọi người chiêm ngưỡng cho được phước. Không biết Công Chúa có biết không, chứ còn Phật thì đã rõ điều nầy, mà Ngài Quy Sơn Linh Hựu cũng đã dạy trong phần Cảnh Sách rằng: Phải đường đường Tăng tướng, dung mạo khả phân; chứ không thể là dung mạo khả nghi được. Người ta tu cốt cả trong lẫn ngoài, chứ không thể chỉ bề ngoài không như Tiên Nhơn kia đã lòe đời được.

Khi đã hết thần thông rồi thì ếch nhái, khỉ, voi nó cũng chê cười, chứ đâu phải chỉ loài người không. Thế nhưng cái niệm sân si nơi con người của Tiên Nhơn vẫn còn đó nên đã phát nguyện độc hại để rồi sau khi hưởng phước xong, sẽ luân hồi trở lại làm thân con thú kia mà thôi. Điều ấy phải hiểu rằng: Kẻ nào gieo gió ắt phải gặp bão. Nhân quả xưa nay chẳng chừa một ai là vậy.

Ngài Hoài Hải một hôm giảng Thiền xong, thấy có một người già vẫn còn ngồi tại giảng đường. Ngài Hoài Hải mới hỏi:

- Đã nghe xong, tại sao vẫn còn ngồi đó?
- Thưa Ngài, con có việc muốn thưa.
- Ngươi cứ nói - Ngài bảo thế.

- Nguyên trước đây đã khá lâu, còn là một vị Tăng, có người hỏi con rằng: Người tu có bị nhân quả chi phối không? Và con đáp rằng: Không. Do đó con đã bị đầu thai làm con chồn đã lâu mà chưa siêu thoát được. Nguyên hang của con nằm ở phía Tây của chùa đây. Hôm nay con xin hỏi lại Hòa Thượng câu ấy và xin Hòa Thượng đáp cho. Hòa Thượng bảo được và vị ấy hỏi rằng:

- Người tu hành có bị nhân quả chi phối không?
- Người tu không lầm nhân quả. Hòa Thượng đáp.

Nghe xong người ấy liền ngộ và bảo rằng:

- Mai nầy con sẽ hóa kiếp. Xin Hòa Thượng cho mai táng như một vị Tăng.

Quả nhiên như vậy, hôm sau Hòa Thượng đến phía Tây chùa thấy có một con chồn đang chết và cho chúng Tăng chôn cất như nghi lễ của một Tăng nhân. Đây cũng là một câu chuyện có thật cách chúng ta 1.000 năm và đã xảy ra tại Trung Quốc. Tin hay không xin dành phần ấy lại cho quý vị; nhưng chắc chắn một điều nhân quả sẽ không mất. Nó như bóng với hình, theo ta suốt cả một đoạn đường của sinh tử, tử sinh như thế.

Núi Kê Túc, nghĩa là núi Chân Gà, bên trên có 3 ngọn châu đầu vào nhau rất hùng vĩ, khó ai đến đây được. Núi nầy nằm gần núi Linh Thứu ngày nay tại Ấn Độ thuộc Tiểu Bang Bihar. Tương truyền rằng Ngài Ca Diếp đã nhập định nơi đây. Khi Ngài nhập định thì Hoàng Hậu Ma Da đã dâng y kim tuyến vàng của Đức Như Lai cho Ngài Ca Diếp và nói rằng: Khi nào Đức Phật Di Lặc ra đời thì hãy dâng y ấy cho Phật Di Lặc. Ngày nay y ấy sau 2.500 năm vẫn còn trong núi nầy và độ 7 triệu năm nữa thì Ngài Di Lặc sẽ ra đời. Sau khi độ 3 hội Long Hoa xong, Đức Phật Di Lặc đến núi Kê Túc. Lúc ấy có rất nhiều người kiêu mạn đi theo cùng. Ngài Di Lặc lấy móng tay khảy 3 lần thì tự dưng 3 ngọn núi Kê Túc sẽ nở ra và Ngài Ca Diếp lấy y dâng cho Đức Phật Di Lặc, đoạn Ngài dùng thần lực bay lên hư không, dùng lửa Tam Muội để thiêu thân rồi hóa; lúc ấy khiến cho những người ngã mạn phát lòng tin, tín tâm kiên cố và chứng thánh quả.

Những chuyện như thế thấy khắp nơi trong Đại Tạng nằm ở những phần kinh, luật và luận. Chắc chắn rằng ngày nay người ta khó tin; nhưng đó là sự thật. Một cộng đồng Tăng lữ như thế, một pháp hội như thế đã được thành hình, đã được triển khai, mà cách 1.000 năm sau, sau khi Đức Phật nhập diệt, Ngài Huyền Trang đã đi bộ đến những nơi như thế để chiêm bái, đảnh lễ và về lại Trung Quốc viết nên bộ Đại Đường Tây Vức Ký để thuật lại những việc thấy nghe tại Ấn Độ. Lúc bấy giờ chắc cũng ít người tin. Còn ngày nay những câu chuyện như thế đã cách xa chúng ta hơn 2.500 năm lịch sử và cách Ngài Huyền Trang cũng đã hơn 1.300 năm; nên việc tin tuyệt đối vào đây cũng khó có. Thế nhưng không phải là không có. Vì đó là sự thật.

Một sự thật mà lịch sử đã chứng minh được là vào cuối thế kỷ thứ 19 khi Nguyễn Tường Tộ đi sứ sang Pháp thấy những điều hay lạ như cây đèn trút xuống đất nhưng vẫn không tắt (đèn điện) và xe chạy 2 bánh vẫn không té, ngã (xe đạp) và còn biết bao nhiêu điều văn minh khác nữa. Ông đã tâu lên vua quan nhà Nguyễn và muốn duy tân sửa đổi nơi quê hương mình; nhưng triều đình vua quan vốn thủ cựu, cố chấp đã không tin điều đó là có thật, mà còn cho là càn dỡ và những đề nghị cải cách ấy đã bị xếp vào quên lãng; nên nước ta đã chậm tiến cả hàng trăm năm so với các nước trên thế giới ngày nay là vậy.

Rồi đến việc máy bay bay lên không trung, tàu ngầm chạy dưới đáy biển, tàu điện chạy trên đường rầy mang cả hàng mấy chục toa. Máy điều hòa không khí, truyền thanh, truyền hình, điện thoại di động, máy Computer, đĩa hát v.v... tất cả đều xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21. Nếu những người ở thế kỷ thứ 19 hoặc đầu thế kỷ thứ 20 mà đầu thai trở lại ở Nam Thiệm Bộ Châu nầy, người ta nghĩ là ở nơi một thế giới nào khác và chắc chắn không thể là thế giới của họ đã ở cách đây hàng trăm năm về trước.

Mới chỉ hơn 100 năm thôi mà thế giới đã thay đổi như thế. Thử hỏi 1.000 năm sau nhìn lại 5.000 năm trước thì chắc chắn có những điều khó tin lắm rồi.

Như vậy đối với xã hội, Tôn Giáo có một trách nhiệm gì chăng? Dĩ nhiên mỗi một Tôn Giáo ra đời đều muốn hướng con người đến chân thiện mỹ chứ chẳng có Tôn Giáo nào muốn mang con người vào chỗ hoại diệt cả. Có Tôn Giáo của thế gian mà cũng có Tôn Giáo của xuất thế gian; có Tôn Giáo cao siêu minh triết, mà cũng có Tôn Giáo bình thường trong cuộc đời, nhằm hướng dẫn con người trở thành con người tốt hơn. Tuy nhiên việc làm tốt hay xấu vẫn do con người, chứ không do Tôn Giáo đó. Tôn Giáo chỉ là một khuôn phép, còn con người có chịu chấp nhận những khuôn phép đó không lại là chuyện khác.

Ngày xưa tại Trung Hoa có kể lại câu chuyện rằng: "Mẹ của Ngài Mạnh Tử làm nhà gần người giết thịt heo thì bà thấy con bà lúc nào cũng tìm những con dao cùn và lấy cây chuối làm thân heo để giết làm thịt. Đó là trò chơi không cố ý; nhưng mẹ Ngài biết chắc sẽ di hại về sau nơi tâm thức của con mình; nên mới dời nhà đến ở gần một trường học. Ngài Mạnh Tử thấy học trò đi học, mình cũng bắt chước học theo, cuối cùng thành một nhà hiền triết Trung Hoa".

Như thế chúng ta thấy rằng hoàn cảnh của xã hội chung quanh rất quan trọng. Dầu là đứng trước cái nhìn của một nhà xã hội học hay một nhà Tôn Giáo học cũng thế thôi. Dĩ nhiên nó có nhiều sự khác biệt; nhưng đó là sự khác biệt tốt; chứ không phải là một sự khác biệt xấu.

Như thế dù đứng dưới cái nhìn nào, một hình thức nào đi chăng nữa ở trong xã hội nầy, cái được gọi là cá thể con người đó nó rất quan trọng. Nếu nó không được hướng dẫn tốt, đào tạo giỏi thì nó sẽ trở thành phế thải. Nếu nó được ở trong một môi trường tốt thì nó trở thành hữu dụng, mặc dầu cuộc đời nầy chẳng có gì chắc thật cả; chỉ là giả danh chứ không có gì là thực tướng, ngoại trừ chân lý giải thoát của Đức Phật.

Nếu một kí-lô sắt để lâu ngày không biết xài, ta đem cân kí bán; nó chỉ có giá trị là sắt vụn độ 10 đồng một kí mà thôi. Cũng kí sắt ấy nếu đem chế tạo thành đinh đóng tường thì ta sẽ có được giá trị hơn 10 lần như trước. Còn nếu ta đem 1 kí sắt ấy chế tạo thành những linh kiện của Computer, chắc chắn chúng ta sẽ có giá trị gấp 1.000 lần như vậy.

Thân ta cũng giống như thế, hơn thua, nên hư chúng ta phải là chủ tể chứ không thể là cục sắt; nhưng tùy theo hoàn cảnh, sẽ tạo nên những vật tốt. Điều nầy rất quan trọng, xin đừng quên.