Đời sống
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt
13/12/2558 23:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương 1: Định nghĩa về tốt và không tốt

Chữ Hán là một ngôn ngữ tượng hình, dùng hình tượng để ghép lại để trở thành một chữ. Khi xem chữ đó người ta biết nó biểu hiện cho cái gì. Ví dụ như nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, heo gà, cây cối, núi sông, nóng lạnh, gió, lửa v.v... tất cả đều dùng hình ảnh để nói lên nội dung của chữ ấy. Trong khi đó ngôn ngữ tiếng Việt lại tượng thanh nên khi phân tích ra bằng hình ảnh sẽ không nhận biết được. Ví dụ chữ "tốt" mà đem chia ra bằng lối đánh vần thì nó chẳng còn có ý nghĩa gì cả. Trong khi đó chữ Hán phải làm nhiệm vụ ghép từng chữ tượng hình như thế mới có ý nghĩa.

Ví dụ chữ "tốt" là "lương" hay "hảo". Chữ lương (良) gồm 2 bộ. Bộ chủ (丶) nghĩa là phàm vật gì cần có phân biệt, sự gì cần biết nên chăng, lòng đã có định, thì đánh dấu chữ chủ để nhớ lấy. Bộ Cấn (艮) có nghĩa là bền hay ngăn lại. Cũng gọi tên là Quẻ Cấn trong tám quẻ. Như vậy định nghĩa chung của chữ lương (良) là: phàm làm việc gì lòng đã có ý nhất định, cần phân biệt rõ ràng và có tính cách bền chắc thì gọi là tốt. Ngoài chữ nầy ra bên tiếng Hán còn một chữ khác nữa để diễn tả cho việc tốt, hành động tốt nữa gọi là hảo (好). Chữ nầy có hai bộ. Đó là bộ nữ (女) và bộ tử (子). Chữ nữ (女) có nghĩa là con gái, sao Nữ. Cũng đọc là nứ: nghĩa là gả con gái cho người ta và cũng có âm gọi là nhữ. Nghĩa là mày, tục dùng như chữ nhữ (汝). Còn chữ tử (子) gọi là con. Bất luận trai hay gái đều gọi là tử. Đàn ông nào có được hạnh học vấn đều gọi là tử cả, như Khổng Tử, Mạnh Tử v.v... Con cháu gọi người trước là tiên tử. Gã, dùng để gọi kẻ tầm thường như chú lái đò, chú học trò v.v... Chức tước hoặc mầm mống của các loài động vật. Số lẻ, tiếng giúp lời. Cũng còn có nghĩa là tý, tức giờ đầu trong 12 Chi.

Nếu ghép chữ hảo (好) lại thì ta thấy có người đàn bà và bên cạnh đó chữ tử (子) có 8 nghĩa chính như bên trên đã nêu. Nếu người đàn bà đức hạnh có được người con, người chồng, một mầm mống tốt thì người ta gọi là hảo (好).

Còn chữ bất (不) gồm 2 bộ là bộ nhất (一) và bộ tiểu (小). Bộ nhất (一) có nghĩa là một, là số đứng đầu trong các số đếm. Phàm việc gì chỉ có một đều gọi là nhất cả. Cũng có nghĩa là cùng, dùng về lời nói hoặc giả thế chăng. Bao quát hết thảy, thuộc về một mặt. Còn bộ Tiểu (小) có nghĩa là nhỏ, hẹp hòi, khinh thường, nàng hầu v.v... Như vậy nếu ta ghép chung 2 bộ lại thì sẽ có chữ bất (不) nghĩa là chẳng khá, là lời nói lưỡng lự chưa quyết hẳn. Cũng đọc là chữ phủ v.v...

Như vậy tốt được gọi là hảo (好), lương (良). Không tốt được gọi là bất hảo (不好), bất lương (不良). Phàm bất cứ việc gì mà có chữ bất đứng đầu đều ngầm ý giả định, chưa chắc chắn. Có ý nghi ngờ từ việc lớn đến việc nhỏ. Còn đã gọi là tốt thì hoàn toàn có ý tin cậy vào; nhất định hơn những điều xấu khác. Cho nên gọi là tốt.

Ở đây chúng ta có thể nêu lên vài ví dụ để nhìn về 2 khía cạnh của việc tốt và việc xấu, từ phía nầy hay phía khác. Vậy chúng ta nên đứng về phía nào để nhìn một sự việc?

Ví dụ như mưa phùn mùa xuân rất tốt cho cỏ cây hoa lá và cho nông dân cày cấy, gieo mạ; nhưng đối với người đi đường thì trơn trợt, không tốt lắm. Vì áo quần sẽ bị dơ bẩn. Trăng mùa thu rất đẹp cho thi nhân mặc khách với bầu rượu túi thơ ngắm trăng thưởng gió. Nhưng đối với kẻ ăn trộm thì ánh trăng ấy quả là kẻ thù. Anh ta chẳng làm ăn gì được cả.

Một kẻ đang trung thần với một triều đại là tốt. Trong khi đó những người không ủng hộ, thì gọi đó là xấu. Vậy thì qua thời gian năm tháng, qua cách sống, qua lịch sử sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ biết rằng thế nào là đúng, thế nào là sai. Ví dụ đối với dân tộc và đất nước, vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một đại anh hùng. Vì ông ta đã đại thắng quân Thanh, mang danh dự về cho Đại Việt; nhưng khi nhà Nguyễn Gia Long lên xây dựng vương triều thì gọi Tây Sơn là Ngụy. Vì lẽ ngày xưa quân Tây Sơn đã đánh quân chúa Nguyễn chạy qua đến Cao Miên và Thái Lan, sau đó mới về lập quốc và thống nhất sơn hà, bắt đầu trả lại thù xưa.

Cái lý tưởng của người Việt Nam bỏ nước ra đi tỵ nạn Cộng Sản là tốt. Vì họ là những người không thích và không thể sống với cái chủ nghĩa độc tài chuyên chính ấy; nhưng đối với người Cộng Sản, họ là kẻ chiến thắng. Họ gọi họ là kẻ anh hùng. Họ gọi những quân nhân của chính quyền miền Nam Việt Nam là ngụy quân, ngụy quyền. Còn người miền Nam gọi người miền Bắc là giặc, là quân cướp nước, xâm chiếm miền Nam, v.v...

Người thích ăn trái sầu riêng thì bảo rằng cái mùi sầu riêng sao mà nó thơm quá; nhưng những kẻ không thích mùi nầy thì có cạy miệng bảo họ cũng chẳng dám ăn.

Kẻ ăn chay lâu ngày thì không thể nào dùng mặn được. Vì mùi vị của thức ăn mặn nó tanh tưởi khó chịu. Trong khi đó biết bao nhiêu người ăn đùi gà, đùi heo bịnh tật nhưng đâu có đoái hoài lưu tâm. Đó là chưa kể về lý do Tôn Giáo, đạo đức hoặc cái nhìn từ bi từ hướng nầy hay hướng khác.

Có người cả đời chẳng đi xe hơi. Vì bảo rằng xăng của xe sẽ làm ô nhiễm môi sinh. Trong khi đó những người xử dụng những năng lượng nầy đâu có bao giờ để ý đến. Hoặc lý luận như người ở trên thì làm sao các hãng xe hơi sản xuất được và lúc bấy giờ đem bán cho ai? Xã hội làm sao phát triển được? Kỹ nghệ sẽ như thế nào? Chính phủ sẽ lấy tiền thuế ở đâu mà bù vào cho các khoản chi của nhà nước?

Có ai thương hại những loài dã thú trong rừng hoang của Phi Châu hay của Ấn Độ không? Ai cũng muốn săn bắn; nhưng đâu ai đó có biết rằng có những con vật đã tiệt giống ngày nay không còn có mặt trên trái đất nầy chăng? hay cứ vui theo cái thú vui độc hại ấy. Nếu loài thú biết nói, chắc rằng chúng sẽ thành lập nên hội thú quyền để đòi hỏi những bất công mà loài người đã mang đến cho chúng. Chúng chẳng biết làm gì ngoài khả năng tự vệ mà thôi. Khi không còn tự vệ được nữa thì chịu chết với sức mạnh của con người. Vậy thì ai tốt ai xấu? Bởi vì chúng ta không hiểu được tiếng nói của động vật nhưng nếu chúng ta nhìn động tác của chúng trước khi bị giết thì chắc rằng chúng ta sẽ chẳng làm ngơ cho việc nầy.

Thế giới nầy đâu có mấy nước giết chó để ăn thịt. Chỉ riêng người miền Bắc Việt Nam của chúng ta đã thoải mái giết sinh mạng của những con vật biết trung thành với chủ nầy để nhâm nhi. Người ta nói: "Chó không chê chủ nghèo. Con không chê mẹ hát dở" là điều đúng. Dù cho chủ có nghèo đi chăng nữa, chó không bao giờ đổi chủ. So ra tánh trung thành nầy của chó đối với người và muôn loại khác thì có lẽ chó vượt qua rất xa. Thế mà đã có nhiều người Đại Hàn, người Việt Nam, người Trung Quốc bắt chúng làm thịt cho được, thì không biết phải hiểu như thế nào về hành động nầy?

Ở Mỹ người ta xếp chó mèo trên đàn ông đến 2 bậc và ở Âu Châu cũng như các xứ tân tiến khác cũng thế; nhưng nếu lỡ mà họ đến Việt Nam thấy dân mình đang bắt chó làm thịt thì họ sẽ nghĩ gì về một dân tộc có mấy ngàn năm văn hiến như thế?

Một người học trò ham học mà nhà nghèo. Ngoài việc học ra phải đi làm bồi bàn để kiếm sống và đóng tiền học phí. Trong khi đó một kẻ con nhà giàu tiêu tiền như nước, sát phạt qua những canh bạc thâu đêm, đâu có ý nghĩa gì với những đồng tiền nhỏ nhoi ấy, nhưng đối với cậu học trò nghèo kia có thể sống cả một cuộc đời; tuy nhà nghèo nhưng còn trong sạch. Trong khi đó biết bao nhiêu người giàu họ đã sống trên mồ hôi và nước mắt của kẻ khác thì sao? Xã hội bây giờ đã tiến bộ lắm rồi; nhưng mỗi ngày trên thế giới nầy vẫn còn mấy chục ngàn trẻ em thiếu ăn, thiếu thuốc men mà chết. Trong khi đó có không biết bao nhiêu thực phẩm dư thừa tại Âu Mỹ hay Á Châu đem đổ vào sông vào biển. Vì họ lý luận rằng tiền chuyên chở đến Phi Châu hay những nơi có nạn đói đắt hơn là nguyên vật liệu đem đi cho. Do vậy họ đem đi đổ; nhưng trong khi đó thì thế giới nầy đang có không biết bao nhiêu người đành phải chịu chết đói, chết khát.

Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu: "Mèo khen mèo dài đuôi" có lẽ diễn tả đúng được tâm trạng và tình huống của những điều đã nêu trên. Vì ai cũng muốn cái lý và phần thắng nằm về phía mình chứ không nằm về nơi khác. Đó cũng là điều dễ hiểu. Vì mình muốn bảo vệ cái tự ngã, cống cao, ngã mạn của mình và cho rằng ai cũng sai hết, chỉ có tôi là đúng mà thôi. Vì tôi có lý, vì tôi mạnh, vì tôi có tiền, vì tôi có quyền, vì tôi có thế lực, vì tôi có học, vì tôi đẹp, vì tôi giỏi v.v... và v.v... cứ thế nhân lên, trừ đi, cộng thêm và chia ra rồi trước sau gì nó cũng huề cả. Vì tạo hóa lâu nay vốn dĩ công bằng. Điều ấy cũng hẳn đúng với câu: "Chẳng ai giàu ba họ và cũng chẳng ai có thể khó đến ba đời". Đâu có ai làm quan từ đời nọ qua đời kia đâu? Đâu có ai đi ở đợ suốt bao nhiêu thế hệ đâu? Và cũng đâu có ai giàu suốt năm nầy qua tháng nọ, đời nầy qua đời khác đâu?

Nếu tất những việc bên trên mà không đúng, hóa ra luật vô thường của nhà Phật không đúng sao và cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác sẽ cư xử như thế nào đây?

Một kẻ giết người không gớm tay cứ nghĩ rằng không ai có thể biết được hành vi tông tích của mình. Vì hắn đã có nhiều thiện xảo; nhưng thời gian năm tháng trôi qua chính lương tâm hắn bị dằn vặt, hoặc giả những oan hồn uổng tử ấy cứ hiện về khiến hắn ăn không ngon, ngủ không yên để rồi phải tự ra đầu thú với chính quyền địa phương và tự khai những lỗi lầm của mình để xin được quyền sống cho đến cuối đời chứ không muốn bị hành quyết nơi ghế điện. Tại sao một người giết người không gớm tay như thế mà còn sợ đau sợ chết, thì thử hỏi những cái chết oan uổng khác của những người mà hắn ta đã giết phải bị đau khổ và dằn vặt biết chừng nào? Trong khi mạng mình thì quý mà xem mạng người khác còn thua cỏ cây rơm rác là nghĩa như thế nào?

Ngày xưa khi khoa học chưa phát triển, loài người sống với thiên nhiên, với mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú, họ vẫn có thể tự biết khi nào trời mưa, trời bão hoặc có những hiện tượng biến dị của đất trời của con người. Còn ngày nay chỉ cần bật máy truyền hình, truyền thanh lên là có thể nghe và thấy được. Nhưng riêng tôi cả tháng nay ở vùng núi đồi Đa Bảo nầy chỉ chập chùng có những cây bạch đàn và những cây thông, trong nhà trong thất không có điện thoại, không có truyền hình; nhưng cũng có thể hiểu và biết được những hiện tượng như trên, không qua ngôi sao hay mặt trăng mà qua những động vật đang sống quanh đây. Cứ mỗi lần có những biến thiên của trời đất thì xem hiện tượng của những con mối và những con kiến thì rõ.

Con kiến biết trước rằng sẽ có mưa to gió lớn nên chúng sẽ vào sâu trong ổ cũng như che đậy mặt ở của mình thật kỹ cho nước mưa khỏi lọt vào và gió cũng không thể thổi mạnh vào hang của chúng. Sau khi gió mưa đã ngừng nghỉ thì chúng lại đi nhặt những lá cây, vỏ cây mà chúng đã đậy lại, đem đi nơi khác. Nhìn thấy chúng mảnh khảnh như thế nhưng chúng làm việc liên tục và rất có tinh thần trách nhiệm, khiến cho con người cũng phải khâm phục.

Còn con mối cũng thế. Bỗng một hôm trời nắng gắt, nóng không thể tưởng, quý Thầy, quý Chú trong Tu Viện Đa Bảo nghĩ rằng ngày mai chắc phải chịu một ngày nắng bức hơn như thế nữa. Thế nhưng bỗng nhiên những con mối cánh dài bay đậu đầy cửa sổ và bóng đèn. Ai trong chúng tôi nhìn chúng cũng thấy là một hiện tượng lạ; nhưng chưa biết là việc gì. Có người nghĩ tại sao cuộc đời của con mối cũng như của những con thiêu thân thê thảm đến thế. Đầu thai bao lâu trong trứng mới nở được, mà chỉ cần một đêm thôi thì thân hình đã tan xác pháo, đúng là kiếp phù du mà. Nhưng không, đó là một sự báo hiệu của ngày mai không đẹp đẽ mấy. Mai sẽ giông, gió sẽ thổi, mưa sẽ nặng hạt hơn mọi lần. Mà đúng thế, lần nầy thì thôi khỏi phải nói, trời đất nổi cơn thịnh nộ, xung thiên, cuồng phong thổi dữ dội, khiến cho những chậu kiểng trong vườn của Tu Viện ngã lăn ra hết và mưa cứ thế mà càng ngày càng nặng hạt. Dĩ nhiên là những con mối kia đã chết hết rồi. Không biết vì sao chúng lại chịu hy sinh như thế? Có lẽ chúng không chịu được giông bão chăng? Hay vì lẽ gì khác? Chúng sinh ra chỉ chờ cơn giông bão là phải chết? Nhưng dù sao đi nữa tôi thấy những loài động vật như kiến, mối ở đây quả thật là bất khả tư nghì. Tôi không biết chúng có bảo rằng: trời sao xấu quá không? Tại sao phải làm mưa làm gió như thế để cho chúng phải chết? Còn thiên nhiên thì sẽ trả lời sao về việc nầy?

Thật sự ra có rất nhiều sự sống ở dưới bàn chân của ta, ở trong người của chúng ta, ở trên không trung, trong biển cả và ở khắp nơi trong hoàn vũ nầy. Bởi vậy trong kinh Phật dạy có hằng hà sa số chúng sanh là vậy. Có những chúng sanh có tư tưởng mà không có hình tướng. Hoặc giả có hình tướng mà không có tư tưởng. Hoặc giả có loài có cánh, có loài có chân, có loài không chân v.v... cứ thế và cứ thế chúng sống rất nhiều trong thế gian và ngoài thế gian nầy. Con người thật ra chỉ là một sinh vật rất nhỏ, nhỏ li ti so với bao nhiêu sinh vật đã có trước ta và sau ta nữa.

Nước Úc nầy người Anh mới phát hiện ra 200 năm. Diện tích lớn gấp mấy chục lần nước Việt Nam mình; nhưng cho đến thế kỷ thứ 21 nầy vào năm 2003 chỉ mới có độ 20 triệu người. Nếu đem cả dân tộc Ấn Độ gần 1 tỷ người vào đây ở, chắc cũng còn rộng. Tuy nhiên chính phủ sợ thiếu nước. Nước sẽ là một đề tài rất lớn mà nhân loại trong tương lai sẽ gặp phải.

Người Âu Châu khi ăn uống phải lịch sự, nhai không có tiếng kêu, trong khi đó người Nhựt, nếu anh ăn canh mà không húp thành tiếng thì đó không phải là người mạnh khỏe. Trong khi chúng ta ăn dùng đũa, dùng nĩa thì gọi là văn minh, còn người Ấn Độ, Tích Lan dầu khách nào đi chăng nữa, họ cũng chỉ dùng bàn tay mặt. Chúng ta nhìn họ, bảo rằng họ không văn minh; nhưng họ nhìn mình, có lẽ họ cũng nghĩ vậy. Họ sẽ nghĩ rằng: Cơm là hạt ngọc của trời cho. Tại sao không dùng tay mà sờ mó trực tiếp để nâng hạt cơm ấy đưa vào miệng? Thế mới gọi là biết ơn, trân quý chứ? Còn vật nào mà người ta ghê tởm thì người ta mới gắp và tạo một khoảng cách cần thiết để khỏi dơ tay!!! Vậy thì đúng hay sai, tốt hay xấu tùy theo từng phong tục, tùy theo từng địa phương mà có nên những quan điểm như thế nầy.

Một hôm chúng tôi đứng sắp hàng ở phi trường Auchland thuộc nước Tân Tây Lan để chờ kiểm soát giấy thông hành khi ra khỏi cửa. Bỗng mọi người chú ý đến một người đàn ông. Người ấy vẫn là đàn ông; nhưng ông ta đang mặc váy. Ai thấy cũng xầm xì; nhưng ông ta thì tỉnh bơ. Không phải ông mặc lộn đâu. Vợ ông cũng mặc như thế. Xem ra ông ta rất hãnh diện. Vì đây là những y phục truyền thống của người Mori, dân địa phương của Tân Tây Lan đấy! Trong khi đó ông nhìn chúng tôi và mọi người chung quanh chắc cũng có một quan điểm như thế. Nghĩa là tại sao đàn ông không mặc váy mà mặc cái gì không ra cái gì hết vậy? Còn đàn bà cũng thế, phần trên thân thể cũng thiếu, phần dưới thân thể cũng vậy. Như vậy là văn minh sao? Vậy thì tốt hay xấu; nên hay không nên, chúng ta phải đứng ở khía cạnh nào để định nghĩa và tuân theo đây?

Một con người được gọi là tốt. Vì người đó có nhiệm vụ đóng thuế đầy đủ cho chính phủ, không phạm về luật lệ giao thông, là một người chồng siêng năng lý tưởng.

Một con chó được gọi là con chó tốt; nghĩa là con chó ấy phải trung thành với chủ. Còn nếu mình đóng vai người thiếu đạo đức và một con vật không trung thành thì mình sẽ nghĩ như thế nào về chính phủ của mình và chủ của mình đây? Rồi ai sẽ là người xử kiện cho chúng ta trong những việc nầy? Lương tâm, luật pháp, đạo đức hay có người trung gian để hòa giải?

Thật ra tốt và xấu là 2 mặt trái phải của cuộc đời nầy. Đứng bên nầy thì mình thấy ban ngày, mà đứng bên kia thì mình thấy ban đêm. Sự tốt xấu ấy nó không phải là một định luật, lại càng không phải là một định đề. Vì lẽ nếu đem áp dụng vào chỗ nầy thì đúng mà chỗ khác lại không đúng. Chúng ta nên có một cái nhìn và sự đánh giá không phải ở điểm khởi đầu của sự kiện, mà nên đứng ở trung tâm của sự việc để nhìn. Nếu cao cả hơn thì nên vượt lên trên sự đối đãi để nhìn thì chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn.