Chương 9: Những gì nên làm và không nên làm
Đầu tiên chúng ta nên chia những động từ có tính cách tự nguyện (nên) và bắt buộc (phải) của nhiều ngôn ngữ khác nhau, để ta thấy được cái tự do và điều kiện ắt có và đủ để thành tựu một việc gì.
Động từ tiếng Việt "nên" có ý bảo ta nên làm việc đó. Nếu không làm cũng không sao. Nếu dùng chữ "phải" như anh phải sống hay tôi phải đi học v.v... nó trở thành một bổn phận nhất định nào đó. Còn tiếng Anh cũng thế. Ví dụ như câu: You must learn English. Nghĩa là: Anh phải học tiếng Anh hoặc: You have to learn English cũng giống nhau. Có nghĩa là điều kiện ắt có và đủ để học ở Đại Học Anh, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Canada v.v... thì anh phải biết tiếng Anh. Nếu anh không biết thì làm sao thi vào đó và vào đó để làm gì v.v...
Tiếng Đức cũng thế. Du sollst Deutsch lernen. Có nghĩa là cậu nên học tiếng Đức. Nếu nói Sie müssen Deutsch lernen. Có nghĩa là ông/bà phải học tiếng Đức. Đây cũng là một động từ có điều kiện, nhằm để đạt được theo nhu cầu một cái gì đó. Tiếng Pháp cũng vậy. Ví dụ như câu: Je dois aller à l'école. Nghĩa là: Tôi phải đi học. Đi học là một nhiệm vụ, không thể nói là tôi nên đi học. Tiếng Trung Hoa nói rằng: (我 必 須 買 這 本 書). Nghĩa là tôi phải mua quyển sách nầy. Vì đó là điều bắt buộc. Nếu không có quyển sách đó, tôi sẽ không làm được gì cả. Nhưng khi thay bởi động từ "nên" thì nó sẽ nhẹ hẳn ý nghĩa của câu nói đi. Ta có thể nói rằng: (你 應 該 買 這 本 書). Nghĩa là: Anh nên mua quyển sách nầy. Điều ấy có nghĩa là: nếu có tiền thì mua bây giờ, còn không có tiền thì để lúc khác; hoặc giả không mua cũng không có sao.
Bây giờ ngôn ngữ cuối cùng mà tôi muốn dùng đến là tiếng Nhật. Tiếng nầy tương đối khác hơn những ngôn ngữ bên trên. Vì lẽ tiếng Nhật không cần trợ động từ, mà chỉ trong động từ đó nó có thể nói lên tất cả mọi ý muốn rồi. Ví dụ động từ (行) (iku) nghĩa là đi. Chia chỉ 5 thể như sau: Ikanai (không đi) ikimassu (đi) ikeba (nếu đi) ikoo (hãy đi) ikimasho (cùng đi). Nhìn như vậy ta không thể biết là "nên đi" phải chia như thế nào. Nếu muốn dùng chữ "nên" thì lấy động từ ikimassu bỏ chữ su phía sau và thêm vào chữ sen ka? Nghĩa là ikimasen ka? Câu hỏi ấy có nghĩa là: không đi sao? Trong đó có ngụ ý là nên đi. Còn nếu nói "phải đi" thì động từ iku ấy phải chia như sau: ikanakerebanarimasen. Hoặc có thể nói: ikkitte wa ikenai yo = không được phép đi v.v...
Mỗi một ngôn ngữ nó có một nhiệm vụ khác nhau. So ra trong 3 ngôn ngữ của Á Châu gồm tiếng Tàu, tiếng Nhật và tiếng Việt thì tiếng Việt dễ nhất. Vì động từ không phải chia, sau đó đến tiếng Tàu và tiếng Nhật. Trong khi đó 3 ngôn ngữ của Âu Châu: Anh, Pháp, Đức đều phải dùng đến trợ động từ mới có thể diễn tả hết được ý muốn của mình là nên hay không nên, phải hay không phải. Tuần tự theo dễ khó, ta có thể nói tiếng Anh đơn giản hơn, rồi đến tiếng Pháp khó hơn một chút và cuối cùng là tiếng Đức.
Đứng về phương diện ngôn ngữ học, nhân chủng học và xã hội học mà nói thì những dân tộc nào càng đơn giản thì càng phát triển nhiều hơn; nhưng ngôn ngữ thì có phần ngược lại. Tiếng Việt chúng ta đơn giản, không chia động từ; nhưng đâu có phát triển nhanh được. Tiếng Việt chỉ khó ở dấu phát âm mà thôi. Trong khi đó tiếng Nhựt và tiếng Đức khó gấp mấy lần tiếng Anh và tiếng Việt; nhưng những nước nầy họ đã bỏ Việt Nam sau lưng cả gần một thế kỷ rồi.
Đây chỉ là một số ví dụ căn bản thôi, chứ không là tất cả. Do vậy chúng ta cũng không thể lấy cách dùng động từ để đánh giá một dân tộc được. Cũng như thế, có nhiều người nói rằng: những nước giàu trên thế giới đều theo Thiên Chúa, còn những nước nghèo đều là Phật Giáo cả. Nói như vậy là sai. Vì lẽ Nhật Bản, Đại Hàn, Thái Lan, Singapore theo Phật Giáo số đông; nhưng đâu có nghèo. Trong khi đó rất nhiều nước ở Phi Châu theo Thiên Chúa giáo; nhưng họ đâu có giàu. Đó là một số thí dụ để ta thấy tất cả nó chỉ có tính cách tượng trưng và tương đối thôi, chứ không có tính cách tuyệt đối.
Vậy thì giữa tốt và xấu; giữa nên và không nên ta phải chọn cái gì? Chọn cái bắt buộc phải như thế, hay khuyên là nên làm như thế nầy, thế kia?
Xã hội nầy cho con người rất nhiều thứ tự do, như tự do đi lại chẳng hạn. Trên đường phố anh có thể chạy xe 50 km/giờ là tốt. Có nơi 30 km/giờ. Ở xa lộ, anh có thể chạy trên 80 km/giờ đến 130 km/giờ. Nếu chạy chậm hơn hoặc nhanh hơn đều bị phạt. Vì sao vậy? Vì chậm hơn sẽ làm cản trở lưu thông trên xa lộ. Nếu nhanh quá cũng dễ gây ra tai nạn chết người. Nhưng luật là luật, thỉnh thoảng vẫn thấy những chiếc xe chạy chậm rì trên xa lộ, chẳng biết vì nguyên nhân gì, đồng thời cũng thấy nhiều xe phóng nhanh không thể tưởng tượng được, làm như hết giờ rồi, phải chạy gấp đến đó để kịp dự đám tang hay đám cưới; nhưng được phần họ, liệu những gì chung quanh sẽ ra sao? Nếu họ phạm sẽ bị phạt và nhiều lần vẫn thế. Vẫn chạy nhanh, vẫn bị phạt, vẫn bị cảnh cáo. Trong khi đó có nhiều người suốt đời chưa bao giờ chạy xe bị phạt một lần nào cả. Bảo hiểm không tăng mà càng ngày càng giảm. Người nầy sẽ được Nha Giao Thông & Vận Tải khen tặng và hãng bảo hiểm cũng có quà cho nữa. Đó là những phần thưởng dành cho những người giữ luật đi đường một cách đứng đắn. Cũng như trường học thưởng cho những người học sinh giỏi thế thôi. Ai cố gắng, sẽ được nhiều người lưu tâm. Đó là một kết quả đã được đền bù.
Trong Phật Giáo chúng ta thường hay xưng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là Đại Sĩ. Vì sao? Vì đó là kẻ làm lợi cho mình mà cả lợi cho người nên gọi là Đại Sĩ. Còn kẻ chỉ làm lợi cho mình, không làm lợi cho người, gọi là Hạ sĩ và kẻ chỉ làm lợi cho người, không làm lợi cho mình thì gọi là Trung sĩ. Ba kẻ ấy, ba bậc tiêu biểu ấy mang tính chất tự độ, độ tha, tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Một Bồ Tát không vì sự còn hay mất của mình mà tồn tại. Bồ Tát ấy sở dĩ còn tồn tại là vì chúng sanh chứ không phải vì mình.
Ngày xưa khi Phật còn tại thế đến một làng đó giảng pháp; tất cả mọi người đều tin theo và quy y thọ giới. Có mẹ con quỷ La Sát thường hay bắt người để hại mới tìm đến Phật và bảo rằng:
- Từ khi Ngài về đây thuyết pháp tôi bị đói.
- Tại sao vậy? Phật hỏi nguyên nhân.
- Vì mọi người trở nên hiền lành; nên tôi không hại được. Quỷ La Sát trả lời thế.
Thế rồi Phật dạy quỷ La Sát về sự khổ của những người thân bị quỷ giết hại, cho nên sau đó quỷ La Sát cũng quy y thọ giới và khi chết được sanh thiên.
Một câu chuyện khác kể rằng: Có người thợ săn, đem lưới vào rừng để lưới chim. Nếu ngày nào không bắt được con chim nào là vợ con ở nhà sẽ đói. Một hôm người thợ săn ấy đến trước Đức Phật và bảo rằng:
- Tại Ngài đến đây dạy đạo, cho nên con không bắt được con chim nào cả, khiến cả nhà con đói.
Phật lại làm phép hóa ra một con chim Đại Bàng và lao mình vào lửa dữ, đoạn bảo thợ săn vào đó lấy mồi, mang về nhà cho vợ con. Sau đó cả gia đình người thợ săn nầy đến quy y với Phật, nghe pháp và chứng Thánh quả.
Một hôm có một vị Bà La Môn giàu có trong thành Ma Kiệt Đà rất muốn hại Phật; nhưng chưa biết cách nào. Bỗng nảy ra ý kiến là cho gia nhân đem củi mục bắt qua một hầm sâu, dưới đó đang đốt lửa và trộn đồ ăn có chất độc dược, đoạn đến Trúc Lâm Tịnh Xá thỉnh Phật về độ trai và bảo với gia nhân rằng, phen nầy Cồ Đàm không bị lửa thiêu thì cũng bị thuốc độc hại. Mọi người biết được tâm địa của Bà La Môn kia như thế; nên khuyên Phật đừng đến. Ngài bảo rằng: chẳng có sao và cứ thế tự tại ra đi. Khi đến trước hầm lửa Phật dùng Phật nhãn để thấy và dùng thần lực để hóa hầm lửa kia ra hoa sen nhiều màu thơm ngát. Đoạn Phật vào bên trong thọ trai. Sau khi dùng xong, Phật chẳng hề gì. Do vậy cả gia đình Bà La Môn nầy quy y với Phật.
Phật độ người như thế đó. Ngài không bắt buộc ai phải theo Ngài, cũng chẳng bắt buộc ai phải quy y với Ngài, mà điều ắt có hẳn nhiên là sau khi thấy một việc gì đó, họ tự thân trở thành là Phật tử, chứ Phật không dùng quyền lực, giáo điều để bắt buộc ai cả.
Ngày xưa A Xà Thế đã kết thân với Đề Bà Đạt Đa để hại Phật; nhưng cuối đời ông, chính ông đã là một ông vua hỗ trợ Phật Pháp hết mình. Vì Đức Phật cũng như giáo lý của Đức Phật đã cảm hóa ông.
Cách đó gần 300 năm sau ở Ấn Độ có vua Asoka cũng là một ông vua giết người không gớm tay và chính ông đã cho chặt cây Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo, rồi cho quân lính đem đốt. Khi đốt thì lá vẫn xanh tươi, cành vẫn còn nguyên vẹn. Nhà vua thấy điều kỳ lạ nên đã mua sữa bò và nước lạnh để tưới gốc cây đã chặt và kỳ lạ thay chỉ một đêm thôi, từ gốc cây ấy đã mọc lên 2 cây khác, rồi cho xây thành cao lên để khỏi bị phá. Thời gian chẳng bao lâu Hoàng Hậu, vợ vua Asoka, tin theo ngoại đạo và ghen ghét với ông cho nên cho người chặt cây Bồ Đề một lần nữa. Nhà vua lúc bấy giờ đã tin sâu nơi Tam Bảo nên rất thương tâm và cho người mua sữa hòa cùng với nước, thân hành đến đây tưới vào gốc cây Bồ Đề và cũng kỳ lạ thay chỉ một đêm thôi là cây ấy lại mọc lên. Chính những điều kỳ lạ nầy đã cảm ứng đến vua quan; nên mọi người sẵn sàng tin theo và hộ trì chánh pháp.
Trong Đại Tạng kinh của Phật Giáo nơi nào cũng xác định một điều là 3.000 vị Phật từ quá khứ đến hiện tại, bước sang vị lai Đức Phật nào cũng thành chánh giác nơi đây và ở tại xứ Ấn Độ nầy chứ không phải là một nơi nào khác trên quả địa cầu nầy hết cả.
Đầu tiên Ngài đến núi Gaya đã 2 lần muốn ngồi nơi đó để thành chánh giác; nhưng Chư Thiên đã hiện ra và dẫn đường Ngài đi đến nơi gốc cây Bồ Đề. Gốc cây ấy bây giờ vẫn còn xanh tươi, mặc dầu những thế kỷ sau đó như thế kỷ thứ 11 đã bị quân Hồi Giáo đến từ Thổ Nhĩ Kỳ để chinh phạt và đốn chặt cây Bồ Đề cũng như phá các thánh tích của Phật Giáo, rồi động đất v.v... khiến cho cây Bồ Đề đã bao phen khổ lụy. Nhưng kỳ lạ thay! bây giờ năm 2003 nầy, nếu có ai đó đến đây để chiêm bái - thì đây! cây Bồ Đề vẫn còn nguyên vẹn và được các nước Phật Giáo trên thế giới bảo vệ duy trì cây Bồ Đề linh thiêng nầy để cành lá vẫn mãi xanh tươi với thời gian năm tháng.
Sau khi thành đạo 12 năm Đức Phật mới chế ra giới luật và sau khi Đức Phật sắp nhập diệt thì có một vị Tỳ Kheo rất vui mừng. Vì nghĩ rằng từ nay về sau không ai có thể la rầy vị ấy nữa khi phạm giới. Ngài Ca Diếp trông thấy vậy mới buồn thương, trong mùa hạ sau liền cho vân tập hết tất cả những bậc A La Hán đến động Thất Diệp để kết tập - Kinh - Luật - Luận. Điều ấy đã rõ ràng có từ thời ấy.
Giới luật là những điều ngăn cấm; nếu ai giữ gìn thì sẽ được tốt đẹp và giải thoát. Ai không thực hiện được, kẻ đó phải tự chịu quả báo ở nhiều đời nhiều kiếp về sau. Nó chỉ đơn giản vậy thôi và không có ai có thể thay thế cho mình để lãnh cái nghiệp của mình được; ngoại trừ chính mình phải chuyển hóa lấy mình theo tinh thần giới luật của Phật dạy. Người tại gia cũng thế mà kẻ xuất gia lại còn phải chú tâm thực hành lời dạy nầy kỹ càng hơn nữa.
Có nhiều giới mà chưa thoát ra thành lời hay hành động cũng đã phạm rồi; chứ không nhất thiết phải là giết người cướp của mới là sai trái. Sự sai trái ấy nó nằm ngay nơi khi tâm ta mới bộc phát kia. Ví dụ như ta có ý muốn ăn cắp, ý muốn tà dâm chẳng hạn. Công việc nó khởi đi từ sự tác ý ấy, chứ không phải chờ khi đến kết quả rồi mới bị nhân quả chi phối.
Con người nó hơn những động vật khác là thế. Con người phải biết tự làm chủ mình. Tuy nghĩ những điều xấu, mà chưa thực hiện. Vì còn lý trí, luân lý, đạo đức nó ngăn chận; nên ta chưa thốt nên lời, hay có những hành động thô bỉ. Ví như người điên, hay kẻ dại khờ. Vì họ không tự làm chủ não bộ của họ; cho nên họ mới sinh ra những con người như thế. Con vật cũng vậy. Sở dĩ con cọp nó thấy người là nó giương vuốt nhọn lên, con beo, con sư tử cũng vậy. Đó là sự tự vệ cần thiết của loài vật. Những con vật nầy tuy nó dữ; nhưng nó cũng chỉ giết người và giết những con vật khác khi nó đói; chứ chẳng có con sư tử nào giết nai khi nó no đâu. Còn con người nhiều khi lại khác, muốn mình được nổi danh hơn nên dìm người khác xuống. Muốn chứng minh cho đời thấy rằng mình là người tài, người giỏi nên hạ bệ người khác không nương tay, cũng chỉ vì muốn củng cố cái tự ngã của mình, mà thực tế ra cái tự ngã ấy là một cái tôi đáng ghét nhất và đáng phỉ báng nhất.
Tôi vẫn thường nói rằng: Chẳng ai có thể làm cho mình tốt hơn, mà cũng chẳng có ai có thể làm cho mình xấu hơn được, ngoại trừ chính mình. Nếu mình là một người xấu xa, đê tiện mà có người luôn luôn tâng bốc mình, tô hồng chuốt trắng bảo là mình tốt, chắc chắn mình cũng không thể nào tốt được. Trong khi đó mình là một người hiền mà có không biết bao nhiêu người có manh tâm muốn hại, họ dùng đủ mọi cách để gạt gẫm, chửi bới, vu cáo v.v... họ cũng không vì thế mà xấu xa được. Vì sự thật bao giờ cũng là sự thật. Ngày xưa Đức Phật cũng đã là thế. Có biết bao nhiêu ngoại đạo, ma vương vu oan giáng họa cho Ngài. Những kẻ chưa chứng Thánh không hiểu gì cả nên phân vân khó xử. Còn những bậc lậu tận đã hết thì rất an nhiên tự tại. Ngày nay cũng chỉ thế thôi. Có không biết bao nhiêu thế lực ngoại đạo, ma vương đánh phá Phật Giáo, họ bôi nhọ đủ điều; nhưng không vì thế mà Phật Giáo bị tàn lụi. Có thể một số người chưa có lòng tin vững chắc nơi Tam Bảo nên mới xôn xao. Còn người đã biết rõ lý nhân quả rồi thì không ai dại gì mà đi tin những lời phỉnh gạt của các loài ma ấy.
Ngày xưa có rất nhiều ông vua là Phật Tử, đồng thời cũng có nhiều ông phá chùa, đập tượng, bắt Tăng Ni hoàn tục v.v... cũng có nhiều ông vua xâm chiếm nước khác rồi chia đất cho chư Tăng để cất Chùa, Tịnh xá và đồng thời cũng có không biết bao nhiêu ông vua nhục mạ hủy báng Phật Giáo v.v... nhưng nhìn lại lịch sử chỉ hơn 2.500 năm thôi; những ông vua ấy đâu còn nữa, dầu hay dầu dở. Trong khi đó Phật Giáo đã tự thắng mình từ ngàn xưa và cho đến hôm nay Phật Giáo vẫn còn có mặt khắp năm châu. Còn những thế lực vua chúa ấy, lịch sử còn ai nhắc đến nữa? Như thế và như thế lịch sử đã chứng minh.
Không thể có chuyện "cả vú lấp miệng em" được. Không ai nhân danh quyền lực và thế lực nào để làm như thế cả. Vì cái gì mà danh nó không chánh thì ngôn nó sẽ không thuận và mọi sự thật sẽ được soi sáng dưới ánh mặt trời, dầu cho đó là chuyện tương đối đi chăng nữa.
Ông vua hay chính phủ cũng sống trên tiền thu thuế của nhân dân mà có được. Vua ấy và chính phủ ấy sẽ vì dân thay cho dân mà xây dựng đường sá, làm cầu cống, trường học, bệnh viện v.v... rồi cũng lấy từ tiền thuế ấy mà trả cho những ông quan to nầy. Họ sẽ làm việc theo bổn phận và trách nhiệm. Trừ phi họ tham nhũng, hối lộ v.v... mới bị phanh phui và bị cách chức.
Còn người Phật Tử khi đi chùa, cũng tự nguyện mà cúng chùa; chứ chưa có một người nào đi chùa mà bị bắt buộc cả và ngay cả việc cúng chùa cũng thế. Ngày xưa khi Phật còn tại thế, giàu như vua Tần Bà Sa La cúng cả hằng ngàn ngọn đèn đốt sáng vườn Trúc Lâm suốt đêm cũng không vì thế mà Phật nâng niu chiều chuộng. Trong khi đó một bà lão ăn mày dành dụm mấy quan tiền đem mua dầu để cúng, thì Phật cũng trân quý như thường.
Tinh thần ấy đã tồn tại mấy ngàn năm rồi và nay cũng chỉ thế thôi. Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đối với người Á Châu, việc xây chùa, tháp, cúng dường chư Tăng Ni là một việc phước đức, chứ hoàn toàn không bắt buộc. Đã gọi là tự nguyện thì không có chuyện kể công và so đo nhiều ít, mà đã cúng vào chùa thì nó còn đó; chứ nó có mất mát đi đâu. Cung vua có thể bị đập phá băng hoại, chứ chùa Phật thì muôn đời vẫn còn tồn tại mà. Bởi thế tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu rằng: "Phép vua thua lệ làng" là vậy. Làng nào cũng có chùa; chứ còn cung vua thì chỉ có một ở kinh đô mà thôi.
Người Phật Tử Việt Nam chúng ta cũng nhờ hay đúng hơn là cũng bị ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà ngày nay đã xây dựng gần 600 ngôi chùa lớn nhỏ trên thế giới, đã có mặt khắp năm châu, nhờ mang tiếng nói từ bi lợi tha ấy đi vào cuộc đời để xoa dịu nỗi khổ của nhân sinh. Ngay như nơi Phật xuất thế tại xứ Ấn Độ, đã mấy ngàn năm qua có không biết bao nhiêu chùa của ngoại quốc hiện diện trên đất nước nầy. Còn Việt Nam chúng ta lại chẳng có gì. Mãi đến thế kỷ thứ 20, đầu thế kỷ thứ 21 mới có được 4 ngôi chùa tiêu biểu. Nếu không có những tấm lòng; nếu không có những sự tự nguyện, những sự dấn thân làm sao có được những kết quả ấy?
Còn chư Tăng ngày nay cũng chẳng phải là những kẻ giá cơm túi áo mà vào chùa để đi tu. Họ là những người có tu và có học, có bằng cấp Tú Tài, Cử Nhân, Cao Học, Tiến Sĩ, Thạc Sĩ v.v... với chừng đó tước hiệu, nếu ở đời họ vẫn dư sức để lo cho bản thân và gia đình, đâu có phải cần vào chùa để tìm hạt cơm nơi tín thí dưỡng nuôi để họ trốn xâu lậu thuế. Chỉ có một điều đơn giản là họ thương mình và thương đời nên đã nhất quyết xuất gia vậy thôi. Cũng giống như Phật ngày xưa Ngai vàng không nhận mà nhận làm thân đạo sĩ đi khất thực. Điều đó cũng làm cho vua Tịnh Phạn khó chịu một thời; nhưng cuối cùng rồi vua Tịnh Phạn cũng phải nhường bước cho lẽ phải thế thôi. Ngày nay có không biết bao nhiêu người trên thế gian nầy ghen ghét với chư Tăng bảo rằng: Ngồi nhà mát ăn bát vàng. Thôi thì cứ cạo đầu làm Tăng đi, cứ ăn chay niệm Phật đi, để được Phật Tử Thầy Thầy con con mà cúng dường. Nếu họ làm được, chắc chỉ vài ngày. Vì sự xuất gia ấy không do sự tự nguyện mà thành, mà chỉ do lòng tham lam lộc Thánh nên mới vào chùa. Cũng như có nhiều người thất tình nghĩ rằng vào chùa sẽ được yên tịnh hơn và mối tình xưa sẽ chôn chặt lại; nhưng không ngờ tiếng chuông chùa sẽ khơi dậy những mối tình cũ, người ấy sẽ không yên tâm hơn nữa và chính họ sẽ cởi áo nhà tu trả lại cho chùa, chứ không thể tiếp tục tu nữa. Đó là định luật bù trừ của nhân quả mà. Do đó ta có thể nói rằng người đi tu là người thương đời thật sự, chứ không phải là kẻ chán đời mới đi tu.
Một vua Lý Huệ Tông vì chán cảnh cuối đời của nhà Lý loạn lạc, nhân tình thế thái mà ông ta đã đi tu để trở thành Thiền Sư Huệ Quang thời ấy, đã khiến cho Trần Thủ Độ giận dữ bảo rằng: Nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc, để hỗ trợ cho nhà Trần, mặc dầu ông ta đã giáng chức Hoàng Hậu của Lý Huệ Tông xuống làm cung phi và đem làm vợ của mình; nhưng Trần Thủ Độ cũng chưa vừa ý. Ác độc như thế vẫn chưa vừa và sử sách vẫn còn ghi lại đây. Sau đó ông ta ép Trần Cảnh tức Trần Thái Tông phải lấy chị dâu của mình, vợ của Trần Liễu, để có được một Trần Thánh Tông. Rồi con của Trần Thánh Tông là Trần Nhân Tông cũng đã chán cảnh làm vua nên đã đi tu. Trần Thái Tông vì sức ép nên chán cảnh làm vua. Tuy nhiên vì bổn phận và trách nhiệm và qua lời khuyên của Quốc Sư Phù Vân tại núi Yên Tử nên đã trở lại triều đình mà chăm lo quốc sự. Sau đó vua Trần Nhân Tông mới là ông vua chính thức xem ngai vàng như đôi dép bỏ để vào núi tu hành và lập nên phái Thiền duy nhất của Việt Nam ta, tồn tại một thời gian dài trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật Giáo. Vậy ai có thể nói rằng những ông vua nầy vì thích oản của Phật thơm? Hay dám nói một Lý Đạo Tái, tức một Trạng Nguyên của triều đình nhà Trần đã nói rằng:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên.
Thói đời nó đen bạc như vậy, cho nên Ngài quyết chí đi tu, không làm quan nữa và đã trở thành Thiền Sư Huyền Quang vang tiếng trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam và còn rất nhiều bà Hoàng Hậu, Công Chúa của các triều Lê, triều Nguyễn cũng đi tu. Vậy họ là những kẻ thiếu ăn, hay là những người muốn thêm nhiều danh vọng gì ở cửa chùa nữa?
Gần đây thôi, Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni Sư Trí Hải là những người tiêu biểu. Họ là những học giả của Phật Giáo và của dân tộc Việt Nam, đã nghiên cứu, phiên dịch, trước tác những bộ sách rất quý mà có thể nói đông tây kim cổ, chưa có một người Việt Nam nào sáng giá hơn như thế. Như vậy Phật Giáo đã đóng góp gì cho dân tộc Việt Nam thì chúng ta đã hiểu rồi. Một người có 3 cái bằng Tiến Sĩ như Thượng Tọa Trí Siêu Lê Mạnh Thát so với một người Việt Nam bình thường cũng chưa có, làm sao mà có thể đi so đo được với Phật Giáo. Một Ni Sư Trí Hải đa tài đã chuyển dịch những bản kinh, sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt đã làm nền tảng cho biết bao nhiêu Tăng Ni, Phật Tử ở trong cũng như ngoài nước. Một Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã làm cho Bùi Giáng phải cúi đầu khâm phục, mà ở Việt Nam chúng ta không có được một thi nhân như thế. Rồi những bản văn, bản nhạc, những trước tác v.v... chỉ chừng ấy thôi, Phật Giáo Việt Nam cận đại đã có 3 bậc nhân tài cũng đủ cho ngàn đời sau sách vở vẫn còn ghi lại. Rồi Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Huyền Quang, những người đã được thế giới ngưỡng mộ và đã nhiều lần là ứng cử viên của Giải Nobel Hòa Bình trên thế giới.
Còn ở ngoại quốc Phật Giáo chúng ta không thiếu những người tài có bằng cấp Tiến Sĩ như Cố Hòa Thượng Thích Thiện Ân, Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương (Oriental University) ở Los Angeles, Mỹ Quốc. Hòa Thượng Thích Thiện Thanh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm, Hòa Thượng Thích Trí Chơn, Hòa Thượng Thích Pháp Nhẫn, Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Hòa Thượng Thích Huyền Vi và dưới đó là Thạc Sỹ, Cao Học, Cử Nhân lại quá nhiều. Gần đây thế hệ ra ngoại quốc sau 1975 có Thầy Quảng Chơn ở Mỹ đã xong Tiến Sĩ và hiện dạy tại Đại Học ở New York. Hạnh Giới tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover, Đức Quốc, Thầy Đồng Văn, Sư Cô Minh Huệ, Sư Cô Liên Tường tốt nghiệp Tiến Sĩ ở Ấn Độ v.v... Với chừng ấy mảnh bằng, chừng ấy công lao học tập họ không đủ khả năng để làm ra tiền sao mà họ phải ăn bám ở chùa như lâu nay có nhiều người vẫn nghĩ? Hay họ lại ganh tị với người tu, vì vừa được cúng dường mà vừa được trọng vọng.
Đó là chưa kể những thế hệ đi sau nữa. Bây giờ có rất nhiều Thầy Cô giỏi để tiếp tục gánh vác sứ mạng của Phật Giáo trong tương lai cả trong và ngoài nước. Lúc ấy ma vương và những thế lực dị giáo chắc chẳng an tâm gì khi thấy Phật Giáo càng ngày càng phát triển như thế. Bởi vậy những Thầy Cô, đệ tử của tôi, tôi đều cho học đến nơi đến chốn. Học khi nào hết muốn học mới nghỉ và dĩ nhiên là nó không có điểm cuối cùng như chương trước đã có lần đề cập đến là: Sự học nó không làm cho người tu giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát ấy không thể thiếu sự tu và sự học mà có được. Đó là châm ngôn muôn đời của tôi mà sau này tôi muốn những thế hệ đi sau nên noi theo đó để đi vào đời để khỏi bị khinh khi ngạo báng là những kẻ trọc đầu nầy không có văn hóa và chẳng làm nên tích sự gì, cho nên mới lánh thân vào chùa để nhận được hạt cơm của đàn na thí chủ.
Bây giờ ở ngoài tiệm người ta bày bán không biết bao nhiêu sách vở chỉ dẫn về cách xử dụng Computer, cách nấu ăn, cách trồng cây làm vườn, cách tự xây nhà, làm hồ tắm v.v... nhưng khi mua sách về ta vẫn cho mắm muối, đường, bột ngọt, giống như lượng của sách vở chỉ dẫn; nhưng tại sao món ăn nó không ngon, như ta đã ăn ở nhà hàng nọ? Thế rồi ta đâm ra trách móc, nghĩ rằng chắc họ còn giấu mẹo gì đây? Nhưng đâu có biết rằng những nhân duyên ngoại tại nó cũng quan trọng lắm. Ví dụ như nước nấu tại nhà mình không ngọt, rau cải không tươi v.v... chỉ chừng ấy thôi là gia vị nó đã biến thể rồi. Thứ nữa ta vẫn cố công nhưng thành quả nó không như ý muốn. Vì nhân duyên ngoại tại cũng không kém phần quan trọng. Ví dụ như khi cho cây xuống lỗ vào lúc ấy, thời tiết không tốt; nên kết quả là cây không đâm chồi nảy lộc, do đó nó không giống như những gì mà sách đã chỉ, lại đâm ra trách người trách trời.
Trái quít ở Giang Nam tại Trung Quốc rất ngọt và cũng đem giống ấy lên trồng ở Giang Tây nhưng quít kia lại chẳng ngọt. Điều ấy không phải tại quít mà tại những nhân duyên lệ thuộc bên ngoài như đất, nước, khí hậu v.v...
Đa phần thì chúng ta chỉ trách người thôi, chứ ít ai chịu trách mình tại sao thiếu phước, thiếu tu cho nên mới ra nông nỗi ấy. Phàm người có phước và còn phước thì làm việc gì cũng thành tựu. Còn kẻ thiếu phước, thiếu tu thì làm việc gì cũng hư nát, đổ bể. Đâu phải thấy người ta tu được thành công mà mình ganh ghét đâu? Vì lẽ mỗi người có một cái phước đức và nghiệp lực riêng, không ai có thể cho thêm vào và lấy bớt đi được. Chúng ta phải hiểu điều đó thì chúng ta mới tự tại trong việc tu học và hành đạo. Nếu không, chúng ta chỉ là kẻ lữ hành cô độc, lang thang trên khắp nẻo luân hồi, chẳng biết nơi đâu là cố hương, là quán trọ cả. Nhiều khi nhận kẻ thù làm bạn, nhận người tệ hại làm Thầy mình, thì quả rằng hết sức uổng công cho cuộc đời của mình vậy.
Đa phần mình đòi hỏi nơi người khác mà chẳng đòi hỏi ở chính mình. Thầy đòi hỏi trò phải giỏi; cha mẹ đòi hỏi con cái phải ngoan; chồng đòi hỏi vợ phải chăm sóc việc nhà; ông chủ đòi hỏi thợ phải siêng năng v.v... nhưng đâu có ai ngờ rằng kẻ đối diện kia cũng muốn mình phải có những bổn phận như thế. Do vậy Đức Phật đã chỉ cho người xuất gia và tại gia trong kinh Lục Phương là mỗi một loại người như vậy đều có 5 bổn phận tương ứng với nhau. Nếu cả 2 bên cùng thực hiện thì sẽ được an lạc, lợi ích. Nếu chỉ một bên thì khó trông mong sự đáp ứng toàn hảo được.
Có nhiều người giận chửi cho bõ ghét; nhưng đâu có biết rằng cơn giận dữ ấy làm cho mình càng sân si thêm, gây biết bao nhiêu nghiệp ác tiếp tục; trong khi đó đối phương họ vẫn an vui tự tại; vì họ đâu có biết mình chửi họ bao giờ. Cuối cùng rồi mình vẫn là kẻ khổ, bị tâm thức giày vò khó ăn, mất ngủ. Lỗi ấy không phải tại đối phương mà tại chính ở nơi mình.
Cố Tổng Thống Kennedy của nước Mỹ, người đã bị ám sát vào cuối tháng 11 năm 1963 tại Dallas đã để lại một câu nói rất có giá trị. Đó là: "Bạn hãy đừng đòi hỏi rằng nước Mỹ đã làm gì cho bạn, mà bạn nên hỏi rằng bạn đã làm được gì cho nước Mỹ hay chưa?" . Quả thật là một câu nói tuyệt vời, bất hủ. Bây giờ ta thử phân tích câu nói nầy vậy. Thông thường chúng ta hay đòi hỏi người nầy người nọ. Ví dụ như người Thầy tu thì phải như thế này, ông Cha cố phải như thế kia, Ni Cô là phải như vậy, bà Soeur phải như thế mới đúng. Ông Tổng Thống làm vậy là sai v.v... tất cả đều ở dưới con mắt chủ quan của mình. Ta tự vẽ ra một khuôn hình chữ nhật hay hình vuông rồi ta lồng những gì chúng ta nghĩ là đúng đó vào trong khung ấy; nếu những gì nằm ngoài khung, ta nghĩ rằng không đúng, tất cả đều sai. Đó là một sự nhận xét quá nông cạn, thiển cận, hẹp hòi, cần phải học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn nữa. Người công dân cứ đòi hỏi nay tiền hưu trí, mai tiền mua áo mùa đông, mua áo mùa hè, tiền nghỉ hè, tiền bịnh hoạn v.v... nhưng có rất ít người phải nghĩ rằng mình đã đóng thuế cho chính phủ bao nhiêu rồi và mình đã nộp cho quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí mấy phần trăm? Ví dụ như khi bảo hiểm một căn nhà, một chiếc xe hơi thì ta khai tiền thấp xuống; nhưng khi lỡ xảy ra tai nạn, nhận lại tiền đền bù từ bảo hiểm thì ta bảo rằng tại sao mà ít quá. Có phải ta tự mâu thuẫn ta chăng?
Đó là chưa nói những chuyện có tính cách trách nhiệm cao hơn. Ví dụ như khi quốc gia cần người đi lính để bảo vệ tổ quốc thì ta viện lý do nầy hay lý do khác để chối từ không đi. Như vậy mà quyền lợi thì lúc nào ta cũng đòi hưởng cho nhiều. Nghĩa là thế nào? Nếu một dân tộc mà đa phần người dân đều như thế thì chắc chắn rằng dân tộc ấy đã đến thời kỳ suy vong và ngoại bang có cơ hội để xâm chiếm nước mình. Lúc ấy lại than trời trách đất, chê người lãnh đạo dở. Còn ta, ta đã làm được gì cho quê hương đất nước đây? Hay nói như Trần Tế Xương ở đầu thế kỷ thứ 20 khi tranh đấu với thực dân Pháp rằng:
"Dân hai lăm triệu còn đang ngủ
Dại gì ta thức một mình ta"
Đó cũng là cái khôn của người trí thức; nhưng khôn như thế nước sớm mất về tay ngoại bang là chuyện đương nhiên rồi. Ai cũng chán ngán cho cảnh tranh đấu, giành độc lập cho nước nhà, thì mình có đứng lên hô hào cũng thế thôi. Đó là quan niệm của kẻ tiêu cực trong một đất nước cần sự đóng góp tích cực của mình và nhiều người. Trong khi đó tại Ấn Độ, Thánh Gandhi đã tuyên bố rằng: "Chỉ cần một người có ý chí kiên cường cũng có thể lật đổ được một chế độ thực dân". Điều ấy đúng và người đó chính là Ngài. Suốt bao nhiêu năm tranh đấu gian khổ và cuối cùng thực dân Anh phải chùn bước, để năm 1948 trao trả độc lập lại cho Ấn Độ. Một con én dĩ nhiên không thể tạo nên được một mùa xuân; nhưng nếu một mùa xuân mà có nhiều con én thì đẹp đẽ biết bao nhiêu! Mỗi người trong chúng ta hãy tạo nên một cánh én đi và không nên ngồi đó than trời trách đất là tại sao mùa xuân lại không đến.
Cuộc sống của người tu hành cũng thế. Người đi tu không phải là người ham cuộc sống lợi dưỡng. Nếu muốn sống lợi dưỡng thì nên ở nhà để được yên thân phì da. Còn người ở chùa không thể như thế được. Người xuất gia phải có một ý chí cao vời vợi như núi Thái mới có thể chèo chống qua những truân chuyên khổ ải, thử thách của cuộc đời. Có như thế mới xứng đáng là kẻ "xuất trần thượng sĩ". Người xuất gia không phải là kẻ "trốn xâu lậu thuế" rồi mới vào chùa để tu, mà người xuất gia là người có đầy đủ nghị lực để chiến đấu với nội tâm và ngoại cảnh. Có như thế mới trở thành người mô phạm, đi hướng dẫn cho đời; nếu không là như thế, thì đời sẽ hướng dẫn lại mình, chứ không phải mình đi hướng dẫn đời.
Trong "Qui Sơn Cảnh Sách" Tổ Qui Sơn dạy rằng:
"Phù xuất gia giả
Phát túc siêu phương
Thân hình dị tục
Thiệu long Thánh chủng
Chấn nhiếp ma quân
Thượng báo tứ ân
Hạ tế tam khổ
Nhược bất như thử
Lạm xí Tăng luân..."
Nghĩa là:
"Phàm kẻ xuất gia
Cất bước ra đi
Thân hình khác tục
Hưng long dòng Thánh
Nhiếp phục ma quân
Trên đền bốn ân
Dưới cứu ba khổ
Nếu không phải vậy
Xâm phạm luật Tăng..."
Chỉ cần nhìn một điểm nhỏ như vậy thôi, đủ thấy trách nhiệm của người xuất gia lớn lắm. Họ biết rằng phải nên làm gì, chứ không cần đến người đời khuyên bảo họ. Vì lẽ việc xuất gia là tự nguyện, ai muốn đi trên con đường giác ngộ ấy thì cứ hiên ngang mà tự lãnh trách nhiệm vào mình để dấn thân. Ca dao Việt Nam cũng có câu:
"Sông dài nước chảy ngao du
Mặc lòng ý bạn có muốn tu thì vào chùa".
Rõ ràng là như vậy. Chữ muốn tu ở đây đã diễn tả đầy đủ cái ý nghĩa tự nguyện rồi. Việc đi tu hoàn toàn chẳng ai ép buộc mình cả và việc không tu nổi nữa lại ra đời cũng chẳng ai ép buộc mình phải ở lại với Đạo. Vì nhân duyên chỉ đến đó và nghiệp lực chi phối nên chỉ thực hiện được một phần ba đường hay nửa đường, cũng quý thôi. Dĩ nhiên là đã hơn những kẻ chưa dấn thân được một bước nào và bây giờ họ không kham nổi trách nhiệm tự nguyện ấy, họ có quyền đặt gánh xuống nghỉ, để thảnh thơi trong kiếp luân hồi, rồi mai sau một trăm hay hai trăm năm nữa họ sẽ đi tiếp tục; chẳng có gì để phải trách móc, chê bai họ. Vì chính điều ấy mình cũng chưa làm được kia mà. Người xuất gia là người học hạnh Thánh; chứ không phải là Thánh. Do đó nhiều khi có đúng có sai. Đó là chuyện thường tình trong cuộc đời; chẳng có gì để phải trách móc cả.
Một hôm đi trong xe của một Phật Tử tại Los Angeles, tôi có hỏi rằng: Lâu nay ở hải ngoại nói chung và nước Mỹ nói riêng có nhiều người viết thư rơi, hoặc sách báo chửi bới quý Thầy như vậy. Đạo Hữu thấy ra sao?
Vị ấy trả lời rằng:
"Bạch Thầy, ở đây việc đó rất thường xảy ra và điều đầu tiên của chúng con khi nhận được là liệng vào thùng rác, không đọc. Nếu đọc sẽ dấy bẩn tâm mình. Vả lại chúng con tin quý Thầy hơn chứ đâu có tin những người viết thư rơi, hoặc viết sách nói xàm đó. Họ vẫn là những người phàm mà".
Đó là câu trả lời của một trong nhiều người Phật Tử hiểu đạo. Khi biết đạo rồi, ta tin đạo là chân lý, lời nói của quý Thầy, Cô là là phương tiện đưa đến chân lý; chứ không là tất cả. Vì ở ngoài đời cũng thế, chúng ta có những người cha rất hiền lành, đạo đức, trí thức biết lo cho gia đình vợ con, xã hội; nhưng nếu lỡ ra chúng ta có những người cha phạm phải lỗi nầy, lỗi nọ, chúng ta làm con, chúng ta không thừa nhận người ấy là cha mẹ của ta sao? Đó chẳng qua là nghiệp lực của mình phải sanh vào trong một gia đình như thế.
Như trên đã trình bày - Có Phật Tử bảo rằng chúng con rất là có phước, vì có được một Thầy như thế; nhưng đồng thời cũng ở địa phương ấy có người bảo rằng: Chúng con rất vô phước nên mới gặp Thầy, Cô ấy. Vậy thì có phước hay vô phước là do người đối diện và do nhân duyên nữa. Vì người nầy đứng ở phương diện nầy để nhìn. Còn người kia đứng ở phương diện khác để kết luận. Do đó đừng vội buồn khi bị chê mà cũng đừng vội vui khi được khen. Vì khen, chê vốn là 2 thái cực không có thực tướng ở trong cuộc đời nầy.
Khi so sánh thì người ta thường hay đem vật A và vật B nó có những điểm tương đồng và dị biệt để so sánh. Chứ còn đem một động vật với một thực vật mà so sánh thì nó chẳng có điểm nào có thể gọi là giống cả. Vì 2 loại có môi trường sống khác nhau và hoàn cảnh cũng khác nhau, không thể so sánh được. Ví dụ so sánh một người xuất gia với một người chưa bỏ tục gia, chẳng ai làm điều đó cả. Vì người tu đâu phải là mục đích để so sánh như thế. Vả lại nếp sống của Thiền Môn làm sao một người Cư sĩ có thể nắm bắt hết được mà quơ càng nói bậy cho sướng miệng để phê bình Thầy nầy, chỉ trích Cô kia. Đó là điều không tưởng. Vì họ chẳng biết gì về nếp sống tu hành, thì không thể nào nói về chuyện tu hành được. Nếu có nói cũng không đúng. Vì đó không phải là chuyện của người đời; nhất là người đó không ở trong chùa làm sao biết được chuyện của chùa mà viết? Và nếu không nằm trong chăn thì làm sao biết được chăn có rận hay không?
Đức Phật có dạy trong Tứ Thập Nhị Chương rằng: Kẻ ác hại người hiền như tung bụi ngược gió. Bụi kia không đến người hiền mà ngược lại kẻ ác phải lãnh lấy hậu quả hứng bụi. Đồng thời Phật cũng dạy tiếp: Kẻ ác hại người hiền như ngửa mặt phun nước miếng lên trời. Nước miếng kia sẽ rơi ngay vào mặt người ác chứ chưa đến người hiền được. Việt Nam mình cũng có câu phương ngôn như thế: "Kẻ ác hại người hiền như ngậm máu phun người. Máu kia chưa đến người hiền mà miệng mình đã dơ trước", ... cứ thế và cứ thế có rất nhiều bài học luân lý trong cuộc đời nầy mà mỗi chúng ta cần phải học lấy.
Vậy họ nói xấu, bôi nhọ người tu hay người đời như thế có ác ý gì? Dĩ nhiên là có. Đó chung quy cũng chỉ vì tiền, vì danh, vì lợi, vì chính kiến khác nhau. Đời có mấy chữ "T" mà nó khắc nghiệt như thế. Đó là những loại ma vương rung cây để nhát khỉ. Cũng giống như ngày xưa khi Ngài A Nan còn ở nơi núi Linh Thứu với Đức Phật. Trong khi Ngài A Nan ngồi Thiền, chư Thiên mới hiện ra một loài ma, khiến tâm A Nan lo lắng. Phật biết được điều đó; nên đã lấy tay chạm lên đầu Ngài A Nan để an ủi vỗ về và bảo rằng: "Đó là giả cảnh chứ không thật tướng". Sau đó Ngài A Nan bình tĩnh và ngồi Thiền tiếp.
Ngày xưa Đức Phật còn tại thế mà đã có không biết bao nhiêu là ma chướng, nó hết trêu gạt Ngài, lại đến trêu gạt đệ tử của Ngài. Nó hết phá phách điều nầy, lại vu oan giáng họa điều kia; nhưng cuối cùng rồi chân lý vẫn thắng. Vì ma không có chỗ đứng trong cuộc đời nên nó mới quấy phá vậy. Còn chân lý thì bao giờ cũng như như bất động và lúc nào người đời cũng lấy đó làm mực thước để tiến thân; nên có nhiều người tức giận thị phi là đúng.
Nhưng xin thưa! Nếu có cạnh tranh thì xin ra giữa chợ đời mà tranh đua danh và lợi; chứ ở chốn Thiền Môn nầy quyết không có danh mà lợi cũng chẳng màng thì có gì đâu để mà tranh đua? Danh và lợi những người xuất gia đã để lại sau lưng rồi, còn đâu nữa để mà giành giựt với họ. Còn người nào muốn được danh lợi như họ nghĩ thì xin cứ vào chùa để xuống tóc, ăn chay thì biết. Chứ ở đời quen thói ăn tục nói phét ấy làm cho mọi người rất ghê tởm.
Một người Phật Tử bình thường còn giữ năm giới, chuyện có nói có, chuyện không có nói không có. Còn chư Tăng Ni còn nhân quả nữa mà, làm sao họ có thể làm ngược lại nhân quả được. Chỉ có những người không tin luân hồi và nhân quả mới làm được mà thôi. Nói ở đây việc nên làm và không nên làm là nói với người còn tin luân hồi nhân quả. Còn kẻ mà nhân quả luân hồi không tin thì xin miễn bàn. Nói cho nhiều chỉ thêm tốn giấy mực và phiền lòng người đọc. Nhưng đã là con người thì chúng ta ít ra cũng có một ít đạo đức của cung cách làm người. Không thể phủ nhận cái giá trị ấy để đi nhận chìm người khác xuống để mình nổi danh, dầu có một sự nổi danh hư ảo nào khác cũng không nên làm như thế.
Mục đích của người Phật Tử tại gia và người xuất gia là trên đền bốn ơn nặng; dưới cứu khổ ba đường. Rõ ràng rất là cao quý. Ta cứ thế mà tiến bước, chẳng có lý do gì để lùi chân. Nếu lùi, ắt chấp nhận ma vương, mà chúng ta phải tiến. Vì bên cạnh chúng ta đã có chân lý của Đạo Phật hỗ trợ.
Mong rằng những kẻ ác ấy sẽ hồi tâm cũng như kết quả của bao nhiêu vở kịch của Á Châu chúng ta vậy. Một người làm ác đến đâu đi chăng nữa; ở vào lúc cuối câu chuyện hay cuối cuộc đời của họ là sự ăn năn sám hối và chuyện lành thì được phước báo, chuyện ác phải bị nhân quả chi phối. Cũng giống như thế - Vua A Xà Thế, vua A Dục, vua Lương Võ Đế v.v... ngày trước vốn là những bậc hôn quân bạo chúa, giết người chẳng gớm tay và 3 ông vua nầy đều là những ông vua hại Phật, đập phá chùa chiền, tượng Phật, tượng Bồ Tát, đốt hết kinh sách, cho chư Tăng Ni hoàn tục v.v... nhưng một khi những con người ấy biết hồi tâm qua sự nhiệm mầu của giáo lý, thì những vị vua kia trở thành những Phật Tử rất thuần thành, lo xây dựng chùa tháp, hỗ trợ cho Tăng Ni tu học và ngay cả con cái trong gia đình của mình cũng có những người xuất gia, thọ giới nhằm mang ánh đạo nhiệm mầu ấy đi truyền khắp đó đây. Đó là 2 người con của vua A Dục: Mahinda và Công chúa Sanghamita. Một Đông Cung Thái Tử và một Công Chúa đã trở thành một Đại Đức và một Ni Cô, là những người đầu tiên mang Phật Giáo và cây Bồ Đề từ Ấn Độ sang Tích Lan để gieo giống lành ấy.
Không như phim truyện của Âu Châu hay Mỹ Châu, người thắng ở cuối câu chuyện là kẻ mạnh, kẻ đã giết được nhiều người, chiến thắng được nhiều người. Đây là một kết quả rất bi thảm, không mang tính cách đạo lý, mà chỉ mang tính cách mạnh được yếu thua. Do vậy giữa Đông và Tây có nhiều điểm khó mà gần nhau được. Dĩ nhiên trong cái tốt nó đã hàm ý có cái xấu, hoặc trong cái xấu đã có chứa đựng cái tốt; nhưng trong mọi cái xấu, cái ít xấu nhất vẫn là cái đáng quý hơn và trong mọi cái tốt dĩ nhiên là ai cũng chọn cái tốt nhất rồi; nhưng không phải trong ấy chỉ hoàn toàn là tốt. Vì trong cái nầy nó ẩn chứa cái kia.
Cuộc sống ở trong xã hội bị bao việc tốt xấu vây quanh cũng giống như một chiếc áo màu nâu hay màu đen, bây giờ rủi có nhuộm nâu hay nhuộm đen thêm vào thì màu sắc ấy vẫn là vậy, chẳng có chi hơn và ai cũng chẳng để ý làm gì. Trong khi đó cuộc đời của người tu hành, những kẻ đại diện cho đạo đức cũng giống như một chiếc áo trắng, rủi ro có chút bụi nào bị bám vào chiếc áo ấy, họ liền thấy rõ và vì thế mà mới dễ phát giác, phê bình. Cũng như chúng ta phê bình một bức tranh thì dễ, chứ vẽ nên một bức tranh đâu có dễ dàng như thế, mà đòi hỏi phải bao nhiêu năm tháng miệt mài với sơn, với cọ, với ngày, với đêm; nhưng khi đem ra để triển lãm, thì sẽ có tiếng khen và lời chê. Chúng ta mỗi người nên trở thành một họa sĩ thì dễ thông cảm hơn cho họa sĩ kia, chứ ai đứng ở ngoài xem rồi phê bình, thật ra chuyện ấy ai làm cũng được. Có người phê bình đúng, vì người đó đã là họa sĩ; nhưng họ nhận xét theo trường phái của họ. Có người nhận xét sai, vì lâu nay đâu có biết về nghề họa là gì đâu? Nhưng dầu đúng dầu sai, dầu khen dầu chê đã là một họa sĩ thì cố vẽ những bức tranh đẹp cho đời thưởng ngoạn. Cũng như một nhà văn giống với con tằm. Đã là tằm thì phải ăn dâu và nhả tơ. Nếu tằm ăn dâu mà chỉ bài tiết ra toàn là dâu thì đâu có ích lợi gì cho đời. Vì vậy dâu ấy phải biến thành những sợi tơ óng ánh và đem dệt nên những gấm hoa để mang lại hơi ấm cho loài người thì tằm kia, dâu kia, tơ kia quả thật đã rất xứng đáng với chức năng của nó.
Những việc không nên làm thì có vô số mà con người chúng ta nếu muốn tiến thân thì phải lấy chân dò tìm nơi có thể đo được độ sâu của sông ngòi biển cả hoặc những hầm hố nguy hiểm và cũng như thế ấy những gì thuộc về trừu tượng, ta có thể dùng khứu giác để đánh mùi, dùng thính giác để phân biệt nhạc hay nhạc dở, dùng tâm thức để phân biệt là điều nào nên làm và điều nào chẳng nên làm; điều nào nên nói và điều nào chẳng nên nói. Giống như con trâu có dây cột mũi, con ngựa có cương, con voi có người nài v.v... tất cả là mô phạm, là biên giới, là hàng rào cản ngăn để những con vật ấy làm xong một bổn phận trong bao nhiêu sự tương đối của cuộc đời nầy.
Chúng ta cũng thế, phàm làm người hãy nên đắn đó suy nghĩ trước khi nói, trước khi hành động để thực hành hoặc phán đoán một sự kiện dầu tốt hay xấu để làm một mẫu mực tương đối trong cuộc sống thế trần nầy, vốn đã nhiều phong ba thì chúng ta nên cố làm sao sóng gió càng ít đi thì càng tốt; chứ không nên góp thêm gió vào để cuộc sống lại càng khó khăn hơn.