Chương 3: Ý nghĩ của thiếu niên về việc tốt và không tốt
Khi con trẻ vị thành niên, dưới 18 tuổi phạm luật của nhà trường hay xã hội thì cha mẹ hay người giám hộ phải chịu trách nhiệm; nếu là những tội nhẹ. Nếu chẳng may phạm tội giết người thì chính thiếu nên ấy phải vào tù để được cải huấn. Đa phần luật lệ ở các nước Âu Mỹ đều như vậy. Dĩ nhiên là có nhiều trường hợp đặc biệt khác nữa; nhưng tựu chung là như vậy.
Nhưng tại sao con trẻ ngày nay lâm vào tình trạng ấy? Do xã hội? Cha mẹ? Hoàn cảnh chung quanh? Hay học đường? Nếu bảo rằng: "học đường là lò đúc nhân tài" thì gia đình là gì? Nếu không phải là nơi căn bản để sản sinh ra người con ấy? Nhưng tại sao cũng gia đình đó, cha mẹ đó mà sinh ra nhiều người con, lại khác nhau đến như vậy? Có người học hành nên danh nên phận, bác sĩ, kỹ sư; trong khi đó có nhiều người hư thân trắc nết, phạm vào những lỗi lầm nghiêm trọng đối với gia đình, với bạn bè và với xã hội? Lỗi ấy tại ai?
Nếu bảo rằng tại người trẻ ấy hoàn toàn cũng không đúng. Vì lẽ cha mẹ vẫn là người trực tiếp lo lắng mà. Còn nếu bảo là nhà trường hay cha mẹ cũng không đúng. Tại sao nhà trường vẫn có những người học giỏi và cha mẹ vẫn có những người con ngoan hiền mà? Cái nên của ngày xưa nó khác và cái hư của ngày nay nó cũng khác nhau nhiều lắm. Ngày xưa khi muốn lấy chữ hiếu để làm gương, cha mẹ hay Thầy giáo hay đem gương hiếu thảo của 24 người học trò thời Đức Khổng Tử ra khuyên bảo; nhưng thời đó qua xa rồi, đã hơn 2.500 năm rồi còn gì. Cái hiếu thời đó là xã hội không có khả năng chu toàn cho con người; nên con cái phải có bổn phận lo cho cha mẹ khi về già. Còn cái hiếu ngày nay mà bảo phải làm như thế thì chắc chắn con cái sẽ cãi lại rằng, đã có xã hội lo rồi. Họ đi làm đóng thuế cho chính phủ và chính phủ hay nhà nước phải có bổn phận lo cho cha mẹ mình.
Ngày hôm nay ít còn có người con nào có hiếu phải cõng cha cõng mẹ đi khắp nơi xin ăn hoặc lóc thịt mình để cho cha mẹ dùng như nhiều mẩu truyện cổ của Phật Giáo vẫn thường hay nghe nói đến, mà cha mẹ ngày nay đôi khi lại buồn tủi vì nói mà con cái không nghe lời. Con cái được sinh ra trong các gia đình người Á Đông, đa phần cha mẹ làm chủ mọi việc, kể từ việc trong gia đình cho đến việc học hành, giao thiệp v.v... quyền uy cha mẹ nắm, tiền bạc cha mẹ lo. Những trẻ con vị thành niên phải chấp nhận việc ấy và xem cha mẹ là bậc Thầy săn sóc mọi vấn đề từ vật chất đến tinh thần; nhưng khi ở ngoại quốc ngày nay lại khác. Nếu cha mẹ la rầy quá đà, nhiều lúc cầm cây để hăm dọa, chưa đánh đứa trẻ; nhưng đứa trẻ nhanh chân hơn, chúng đi tìm điện thoại để gọi cho Cảnh Sát đến điệu cha mẹ về bót. Có nhiều cử chỉ nâng niu chiều chuộng thân mật thì chúng cũng có thể gọi cho Cảnh Sát như thường và báo cho Cảnh Sát biết là bị lạm dụng. Khi Cảnh Sát đến thì cha mẹ chẳng biết giải thích tại sao. Vì nó là con cái của mình mà. Có một câu chuyện hơi khôi hài nhưng có thật, xin kể cho quý vị nghe.
Có một chùa nọ nuôi mấy chú tiểu dưới 18 tuổi, dĩ nhiên là được cha mẹ gửi gấm đàng hoàng. Một hôm vào lớp học ngồi ngủ gục, chú kia bị cô giáo hỏi tại sao? Chú tiểu trả lời rằng: Ở chùa phải thức khuya dậy sớm để tụng kinh nên vào trường buồn ngủ. Thế là Thầy trụ trì ấy bị mời đến trường và từ đó trở đi không được kêu chú bé ấy dậy tụng thời kinh Lăng Nghiêm vào buổi sáng nữa.
Nếu một người đi tu mà không tụng kinh Lăng Nghiêm vào buổi sáng thì thử hỏi phải làm gì bây giờ? Thật là khó xử. Ở nhà cha mẹ đã khó, mà đến chùa quý Thầy, quý Cô cũng chẳng biết phải làm sao cho hơn bây giờ. Đó là chưa nói đến những người lớn hơn tuổi ấy. Ở Việt Nam, nếu đã là người phát tâm xuất gia thì vào chùa và Thầy trụ trì hay vị Bổn Sư là người có quyền quyết định tất cả; nhưng ở ngoại quốc nầy không phải như thế. Nếu nói nặng một tiếng thì đã bỏ chùa đi rồi. Họ không cần đi đến chùa khác, ra ngoài ở vẫn xin tiền trợ cấp của chính phủ để thuê nhà và có đủ tiền ăn uống, đâu có lo gì, mà sợ những hình phạt của Thầy mình. Đó là chưa kể những chuyện trái ý nghịch lòng khác của tình yêu lẩm cẩm của trẻ vị thành niên nữa. Có những em chưa đầy 18 tuổi đã bụng mang dạ chửa. Bây giờ phải đổ thừa cho ai đây. Đó là chuyện ngoài đời. Còn trong đạo thì chuyện nầy tương đối còn kỷ cương hơn một chút. Vì có giới luật ràng buộc; nhưng nếu chính những cô cậu ấy không tự giữ mình thì không có gì có thể giữ thay cho mình được.
Ở Đức, nếu một người trẻ muốn đi tu, tuổi ít nhất phải là 16. Do vậy ở ngoại quốc chúng ta thấy ít có những chú tiểu đầu để một vá tóc dài buông xuống phía trước rất dễ thương như ở Việt Nam chúng ta thường thấy, mà đa phần là người lớn tuổi, hay những người già cả. Vì vậy cho nên có một Thầy ở Mỹ tuyên bố rằng: Ở Mỹ nầy chỉ có những người không bình thường mới đi tu, chứ những đứa trẻ bình thường thì nó ít đi tu lắm!!! Tôi có hỏi tại sao thì được giải thích rằng:
Một đứa bé bình thường sau khi xong Tiểu Học thì nó vào học Trung Học. Sau khi học xong Trung Học thì vào Đại Học. Sau khi ra trường thì nó đi tìm việc làm và sau đó là mua xe, mua nhà, lấy vợ, sinh con. Chứ ai đâu có thì giờ để mà lo chuyện xuất gia tu học. Chỉ những kẻ không phải như vậy họ mới đi tu thôi.
Nghe xong tôi thấy hơi xốn xang và tự nghĩ rằng: Không lẽ chùa là một cái bệnh viện, chỉ chứa toàn là những bệnh nhân? Nếu hiểu dưới cái dạng cứu đời giúp người thì đúng chùa là nơi như vậy; nhưng quý Thầy, quý Cô giống như Bác sĩ, Y tá chữa bệnh cho bệnh nhân thì phải là những người bình thường chứ? Nếu là người không bình thường thì làm sao mà chữa bệnh? Nhưng khi nghe và hiểu nguyên nhân như trên thì lấy đâu ra nguồn vốn là con người từ lúc ban đầu để mà đào tạo thành người tu chân chính, rồi đầu ra mới có được những người giỏi chứ? Nếu đầu vào chưa là đầu voi mà đầu ra còn nhỏ hơn đuôi chuột nữa thì quả thật là một điều đáng lo ngại cho Phật Giáo Việt Nam ngày nay tại Mỹ nói riêng và tại ngoại quốc nói chung. Vì tre sắp tàn mà măng không có mọc. Đây là trách nhiệm của Giáo Hội, của con người thời đại. Nếu tất cả chúng ta đều giao phó cho xã hội. Còn con người phải bó tay thì phải nói rằng đặt ra giáo dục học đường và giáo dục gia đình để làm gì? Nếu con người là Thượng Đế, mà Thượng Đế hư hỏng như thế, quả thật xã hội nầy đã đến lúc cần phải thẩm định lại.
Mới đây Bộ Giáo Dục Đức đã cộng tác với Cơ quan Giáo Dục Thế Giới kiểm tra lại sức học của các học sinh trường trung học của mình thì thấy không phải một em bé mà kết quả chung là nước Đức đứng hàng thứ 14 trên thế giới. Vì vậy cho nên Thủ Tướng Schröder và Bộ Giáo Dục bắt học đường phải có bổn phận nhiều hơn nữa. Nghĩa là tăng giờ học lên. Có nơi còn phải học vào cả ngày thứ bảy nữa và dĩ nhiên là nhu cầu đòi hỏi cho học đường cũng gia tăng hơn. Do vậy mà cha mẹ phải đóng thuế nhiều hơn thì chính phủ mới có tiền để chi vào các khoản thiếu hụt đó, chứ tiền ở đâu mà chi bây giờ? Đúng là một cái vòng luẩn quẩn, đẩy cái nầy qua thì cái khác phải xê dịch đi một tí.
Phải thành thật mà nói rằng ở Hoa Kỳ cho đến ngày hôm nay, sau hơn 25 năm xây dựng chưa có chùa nào hay Phật Học Viện nào của Phật Giáo Việt Nam thành công trong vấn đề đào tạo thế hệ xuất gia trên quê hương mới đó. Có; nhưng rất ít và rất lẻ loi. Thế hệ thứ 2 đã thế thì thử hỏi thế hệ thứ 3 sẽ ra sao? Ngày xưa khi vào chùa tu, tôi đã được nghe bảo rằng: "Đời người tu giống như bông xoài trứng cá". Điều ấy đúng. Vì việc tu nó không đơn giản. Nếu đơn giản thì mọi người đã đi xuất gia hết rồi; nhưng ít ra cũng còn người đi tu. Còn ngày nay ở ngoại quốc như thế quả là điều hết sức nan giải vô cùng. Một bài toán mà Giáo Hội vẫn chưa có đáp số là phải mạnh dạn viết lên con số như thế nào, là bao nhiêu đây? Câu trả lời vẫn còn để trống !
Vậy xã hội ngày nay là xã hội gì? Đó là một xã hội không trọng nhân nghĩa bằng tiền bạc. Một xã hội chỉ xử dụng những người giỏi, còn người dở bị quẳng vào quên lãng. Một xã hội chỉ có đồng tiền là đại diện cho tiếng nói của mọi hoàn cảnh. Vì thế cho nên ai có tiền nhiều, ai có bằng cấp cao thì xã hội Mỹ, xã hội Úc, Canada sẽ cho di dân dễ dàng hơn là những người không có chuyên môn gì cả. Vậy thì ngày nay chuyện đạo đức, luân lý nói với ai đây?
Đã có hằng trăm Thầy, Cô ra đi từ trước và nhất là sau năm 1975; nhưng một thời gian ở Mỹ rồi thì bị cái vòng xoay của Mỹ nó mạnh quá hay nói đúng hơn là nó tàn nhẫn quá; nên đã có không biết bao nhiêu Thầy, Cô đã bỏ chiếc áo nhà tu, đi mặc lại chiếc áo đời thường để được dễ thở hơn; nhưng không biết cái đời thường ấy đã nghiền nát họ như thế nào rồi, thì chẳng ai quan tâm đến họ nữa. Dẫu sao đi nữa họ cũng đã bị tục hóa rồi mà. Đời lúc ấy có đen hay trắng cũng vậy thôi. Nếu Thầy, Cô nào giỏi thì bon chen với đời. Còn không có khả năng thì đành chịu như bao nhiêu người khác và sống bằng cách đón chờ những ân huệ của xã hội hằng tháng. Chỉ có thế thôi.
Vậy thì tuổi trẻ có đóng góp gì cho xã hội? Có chứ và có rất nhiều. Bằng chứng là những nhà bác học, những nhà giáo dục, những nhà xã hội đều xuất thân từ tuổi trẻ đấy chứ. Nếu bảo sự giáo dục tại trường ấy dở, tại sao đào tạo được nhiều bậc nhân tài như thế? Dĩ nhiên không phải ai học trường ấy đều ra làm Thủ Tướng, Tổng Thống, Bác Học cả, mà lý do nội tại là do chính cậu bé, cô bé ấy nhiều hơn. Nếu sinh ra trong nhà giàu có mà chẳng ham học, chỉ xài tiền của cha mẹ thì cậu ấy hay cô ấy tương lai sẽ chẳng có gì. Nếu cô cậu ấy biết tiến thân qua lời dạy của cha mẹ và học đường thì cô cậu ấy sẽ thành công; nhưng nhiều khi cũng có thể hiểu ngược lại là đằng khác đấy. Các cô cậu vị thành niên nầy sẽ nghĩ gì và nói rằng: Người lớn là loại người khó xài được, vì chẳng hiểu tuổi trẻ là gì cả. Nhưng các cô cậu đâu có ngờ rằng trước khi bước qua cái tuổi già nầy, tất cả họ đều phải trải qua cái tuổi trẻ ấy chứ. Con cái ngày nay có thể hơn cha mẹ về thông minh, khoa học, ngoại giao v.v... nhưng chắc chắn một điều không thể hơn kinh nghiệm được. Điều đó phải khẳng định như thế và chưa có cậu bé nào qua khỏi được nhận định nầy.
Napoléon của Pháp ngày xưa hay vua Quang Trung của Việt Nam cách 200 năm về trước khi chinh phục đông tây nam bắc hoặc có khả năng đại thắng quân Thanh như thế, không phải là một ông tướng già ở nơi trận mạc, mà tất cả đều là những thanh niên ưu tú của quốc gia. Là những người có đầu óc minh mẫn mới lãnh đạo được hàng hàng lớp lớp tướng sĩ như thế. Dĩ nhiên những anh hùng ấy không phải tự nhiên mà anh hùng. Họ là những người phải được hun đúc nơi học đường, nơi gia đình từ thuở ấu thơ kia. Tôi đoan chắc là như thế, mà mãi cho đến ngày nay tôi chưa đọc được một tác phẩm nghiêm túc, rõ ràng nào về cha mẹ họ, về cuộc đời của họ lúc ấu niên cũng như thiếu niên, mà chỉ biết họ thành danh, thành người và những chiến công lẫy lừng của những vị tướng ấy. Lẽ ra phải có những nghiên cứu sâu xa hơn nữa, để chúng ta được tự hào về những người như thế và tôi tin rằng không phải ai cũng nhờ thời thế mới tạo nên anh hùng.
Nhà thờ tại Mỹ ngày nay một phần nhỏ bị khủng hoảng. Có lẽ không phải vì niềm tin mà vì thiếu tiền. Nguyên nhân từ đâu mà thiếu? Vì người lớn càng ngày càng nhiều mà người nhỏ đi nhà thờ rất ít, ai sẽ là người đóng thuế nhà thờ để nuôi nhà thờ đây? Nếu không phải là những người trẻ, mà ngày nay người trẻ họ tin gì? Nếu làm thống kê thì chắc có lẽ những nhà tôn giáo học sẽ thất vọng. Do vậy nhà thờ phải bán và ai mua nhà thờ để làm gì? Nếu không phải là nhà chùa. Chỉ có chùa mới mua lại mà thôi, như thế mới đủ tiêu chuẩn; nhưng rồi 20 năm sau nữa nhà chùa không có khả năng duy trì nữa thì chắc có lẽ lúc ấy cũng phải treo bảng bán mà thôi. Nhưng lúc ấy thì ai mua? Hãy chờ và xem thử ra sao, chứ việc bán chùa để làm nhà hàng của người Trung Hoa tại San Francisco không phải là không có.
Đó là chuyện của 100 năm trước, khi mà cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911 của Tôn Dật Tiên đã thành công ở Trung Hoa thì có rất nhiều người Hoa chạy sang lánh nạn tại Hoa Kỳ. Lúc ấy họ thấy trống trải quá cho nên sau khi tạm yên thì họ lo đời sống tâm linh và lúc ấy chắc cũng đã có nhiều Thầy sang tỵ nạn; nên họ đã xây dựng được nhiều ngôi chùa to lớn và đến 20 năm sau, 40 năm sau rồi 60 năm sau họ không thể duy trì được. Vì lẽ thiếu người tu và thiếu người đi chùa nên họ phải bán lại cho người khác để làm nhà hàng. Đó là một thực tế. Dầu ta không chấp nhận cũng phải thừa nhận một sự thật như vậy.
Đâu có ai sống hết thế kỷ nầy đến thế kỷ khác để mà làm nhân chứng cho cuộc đời nầy đâu mà có thể biết được hết mọi biến thiên của lịch sử. Nhưng lịch sử là những gì nối ghép lại của thời nầy qua thời nọ, tạo thành một chuỗi dài thời gian liên tục như thế và do con người đóng góp mà thành. Lịch sử có lúc nên có lúc hư, có khi thịnh khi suy cũng là lịch sử. Còn con người hiện diện trong thời gian đó chỉ là một nghiệp lực mà thôi. Ví dụ ngày nay những người Đức còn sống sót lại dưới thời Hitler cai trị thì họ rất xấu hổ rằng họ đã có một người lãnh đạo đất nước họ như thế; nhưng vào thời đó ai dám nghĩ điều đó; nếu có chỉ vào tù và không có đường nào khác. Ngày đó là vậy; nhưng bây giờ thì nhân loại đã ghê tởm trò chém giết dân Do Thái như thế; cho nên ngày nay người Đức an ủi vết thương lòng của dân Do Thái bằng cách tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm để tưởng nhớ đến những người bị Đức Quốc Xã thiêu sống và người Do Thái ngày nay ở Đức cũng có nhiều quyền lợi hơn những người ngoại quốc khác. Một phần vì họ có tài và một phần họ được nâng đỡ.
Tuổi trẻ của Karl Marx, của Lénin, của Stalin, của Hồ Chí Minh, của Mao Trạch Đông, của Kim Nhựt Thành, của Fidel Castro v.v... những tên tuổi mà người chết nghe còn sợ, huống gì những người còn đang sống hay bị sống dưới thời họ cai trị. Cũng là tuổi trẻ dấn thân; nhưng chẳng may họ dấn thân lầm vào con đường bạo ác mà dân tộc của những nước nầy chắc không cần đến họ thì những dân tộc ấy vẫn có thể hiên ngang sánh vai chung cùng thế giới. Có đâu sau 70 năm của Liên Xô hay hơn 50 năm của các nước Cộng Sản khác tại Âu Châu họ vẫn còn nghèo đói, chết chóc và xiết buộc những tư tưởng tự do để cho thế giới nhìn họ như là những dân tộc kém mở mang về dân trí cũng như nhân quyền.
Đông Âu đã sớm thoát ra khỏi sự cai trị của chủ nghĩa Cộng Sản và bây giờ họ đã được phục hồi về mọi phương diện. Nhờ đó mà tuổi trẻ ngày hôm nay họ có được cơ hội để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Từ đó họ sẽ phụng sự cho quê hương đất nước họ với cái nhìn thực tế hơn. Nếu ai đó có cơ hội xem lại những cuốn phim mà đài truyền hình Đức chiếu về những cô nhi nhà nước Lỗ Ma Ni nuôi nấng lúc chủ nghĩa Cộng Sản còn thịnh hành thì mới thấy rằng: Đời sống của các em lúc đó chẳng khác nào heo gà và súc vật. Do vậy khi lớn lên các em cũng chỉ được hành xử như súc vật, không hơn không kém, mà đó không phải là lối cư xử của con người. Tội ác ấy đâu phải do các em, mà do những người lãnh đạo ấy đầu độc. Bây giờ có em đã được nước Đức bảo lãnh nuôi nấng, cho ăn học thành tài, khi các em nhìn lại hình ảnh nhà giam lúc còn thanh thiếu niên tại đó, các em phát biểu rằng: Không ngờ các em từ địa ngục đã được tái sanh trở lại làm người.
Có những người trẻ may mắn ở Âu, Mỹ, Á, Úc ngày hôm nay, đầy đủ điều kiện để đi học và nhận chân được giá trị chân thiện mỹ của cuộc đời thì trong khi đó cũng có những em cùng tuổi với các em chẳng may sinh vào các nước Phi Châu nghèo khó hay Bắc Hàn ngày nay, dẫu cho có muốn làm một việc thiện đi nữa cũng khó mà thực hiện. Do vậy các em hãy ngẩng cao đầu lên và dùng hai mắt, đôi tay cũng như lý trí để đi thẳng vào đời và hãy nhận chân lấy những kinh nghiệm của người đi trước mà bước vào đời bằng cách sống tự tin riêng của các em.