Chương 7: Quan niệm tốt xấu theo cái nhìn của một nhà giáo dục
Viết đến chương nầy tôi nhớ lại những ngày tháng còn đi học tại trường Nhật ngữ ở Nhật cũng như những năm tháng học giáo dục tại Đại Học Teikyo (帝 京 大 學 ) và Cao Học tại Đại Học Viện Risso (立 正 大 學 院). Tiện đây xin ghi lại một số trang để nhớ lại những gì mà tôi đã học được ở đó trong thời gian từ ngày 22 tháng 2 năm 1972 đến ngày 22 tháng 4 năm 1977. Thời gian chỉ vỏn vẹn hơn 5 năm; nhưng trong hơn 5 năm đó đời tôi đã bước qua những ngõ rẽ rất khác thường, không trông đợi, không có kế hoạch, không chờ mong, không hứa hẹn. Thế mà chúng cứ đến, cứ lướt qua trên đời mình, rồi hôm nay đây ở nơi thanh vắng chốn núi rừng nầy nhớ lại mà cũng lấy làm vui.
Đó là ngày 22 tháng 2 năm 1972, với một tấm vé máy bay một chiều của Thầy Bảo Lạc cho, tôi đã mua từ Sàigòn đến Đông Kinh. Trên đường đi có ghé Hồng Kông và Đài Bắc. Đi bằng Vietnam Airline. Thời đó Air Vietnam bay đến Tokyo là chuyến bay xa nhất của Á Châu. Còn Âu Châu chỉ có Air France và Mỹ Châu thì Panam bay. Tấm vé máy bay ấy không ngờ là tấm vé định mệnh và tôi cũng còn giữ phần vé gốc cho đến ngày nay, ngay cả số ghế ngồi. Một kỷ niệm không bao giờ quên. Mặc dầu mùa hè năm 1974 tôi có về thăm lại quê hương một tháng; nhưng chuyến đi ấy cũng bình thường thôi.
Tôi đến Nhựt ban đầu nhờ Thầy Như Tạng và Thầy Chơn Thành giúp đỡ cho chỗ ăn chỗ ở. Một hôm Thầy Chơn Thành dẫn tôi đi công việc và đọc cho tôi nghe là mình đi từ nhà gare Gotanda đến nhà gare Shinjuku thì xuống. Lúc ấy tôi chỉ đọc được chữ Hán, chữ được chữ mất. Nhà gare Gotanda đọc chữ Hán là Ngũ Phản Điền (五 返 田), còn nhà gare Shinjuku đọc chữ Hán là Tân Túc (新 宿 ). Tôi lấy làm lạ mới hỏi Thầy ấy. Sao mà Thầy tài quá vậy? Chữ Ngũ Phản Điền tại sao lại đọc Gotanda? Thầy ấy cười rồi mua vé và bảo rằng: học từ từ sẽ biết chứ sao. Sau đó tôi về nơi ở trọ của Thầy, thấy nhà cửa gì thấp bé, đi đụng đầu và chẳng có chỗ tắm, tôi hỏi Thầy đang học gì thì Thầy bảo rằng: đang học chương trình tu sĩ khóa trình của Đại Học Risso. Mới đầu tôi không tin và bảo rằng: mình là tu sĩ thì học tu sĩ làm gì nữa và cái tên của Đại Học sao mà nghe nó giống Jean Jacque Rousseau quá vậy? Thầy ấy bảo chương trình tu sĩ là chương trình cao học, tức hậu đại học đó. Còn chữ Risso (立 正) là Lập Chánh - nghĩa là lấy ý nghĩa từ chữ : Lập Chánh An Quốc Luận (立 正安國 論) của Ngài Nhựt Liên Thánh Nhơn (日 蓮 聖 人) sáng tổ của tông Nhựt Liên Tông có từ thế kỷ thứ 13 kia. Khi mà quân Mông Cổ sang xâm chiếm Việt Nam thì chúng cũng đánh đến Nhựt. Ngài Nhựt Liên mới viết luận nầy dâng lên tướng quân Hòjò Tokigori (Bắc Điều Thời Lại); nhưng tướng quân và thuộc hạ lúc bấy giờ bác bỏ. Do vậy bị đày đi đảo Satonăm 1257. Sau đó thì mọi việc xảy ra giống như Ngài tiên đoán. Vì thế ngày nay người ta lấy tên bộ luận ấy đặt tên cho Đại Học nầy.
Một hôm tôi gặp Thầy Trí Quảng cùng đi lên dốc ở Shibuya để đến nhà bác Quảng Phụng. Bác ấy sau nầy đã xuất gia và bây giờ là Thượng Tọa Thích Trí Nguyên trụ trì chùa Linh Sơn tại Pháp. Thầy Trí Quảng đố tôi là: Đố Thầy Như Điển con đường dốc tiếng Nhựt gọi là gì? Nói trúng tôi sẽ thưởng. Lúc đó tôi đang học tiếng Nhựt nên bí rị. Sau nầy mới biết, gọi là Sakamichi (返 道) đâu có khó khăn gì. Sau đó Thầy ấy về Việt Nam và bây giờ làm trong Giáo Hội nhà nước chức lớn lắm đấy. Nghe đâu gia đình liệt sĩ nên mới được vậy. Chứ lúc còn ở Nhựt, Thầy ấy với Hòa Thượng Minh Tâm và quý Thầy khác vẫn sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà.
Sau 9 tháng học Nhựt ngữ tôi thi đậu vào Phân khoa Giáo Dục Đại Học Teikyo ở Hachioji. Ở Nhựt thi vào trường rất khó; nhưng đậu vào rồi, học đủ năm, đủ điểm là sẽ ra trường. Lúc ấy tôi chọn giáo dục vì nghĩ rằng sau nầy có thể làm việc cho Giáo Hội ở Việt Nam tại Đại Học nào đó. Tôi có nghe hoặc đọc đâu đó rằng: "Một vị bác sĩ nếu lỡ tay chữa bệnh không đúng thì chỉ làm hại một đời người, một con bịnh. Còn một ông Thầy giáo mà hướng dẫn học trò sai là làm hỏng cả một thế hệ". Tôi rất thích câu nầy cũng có nghĩa là tôi thích mang trách nhiệm vào mình; chứ không phải nhận trách nhiệm rồi trao qua cho người khác, như có nhiều người vẫn làm mà tánh tôi vốn không ưa điều đó.
Lúc đó tôi đã hết tiền nên nhờ Hòa Thượng Minh Tâm xin cho ở chùa. May sao chùa Bổn Lập (本 立 - Honryuji) cũng nằm tại thành phố Hachioji (八 王子 - Bát Vương Tử). Cho nên tôi rất hài lòng và tiện đường đi đến chùa cũng như đi đến trường. Tôi không nhớ ngày mấy; nhưng nhằm vào tháng 4 năm 1973. Như vậy đến nay đã hơn 30 năm rồi, 30 năm một giấc mộng, giấc mộng ấy tương đối khá dài và khá nhanh đã lướt qua trên đời mình như vũ bão, không đoái hoài gì hết. Mặc cho bao nỗi đổi thay của thời thế.
Tôi xem bản đồ thì biết rằng muốn đi đến trường phải đi bộ từ chùa ra nhà gare Hachioji phía Keiosen (京 王 線 ). Vì tại đây có thêm một loại tàu khác màu hồng chạy thẳng lên Shinjuku gọi là Chuyosen (中 央 線 ). Nếu không khéo sẽ bị lạc. Rồi từ đó đến gare Takahatafudo (高 旗不動 - Cao Kỳ Bất Động) đoạn lấy xe Bus đi đến trường; hoặc đi thêm một gare nữa đến gare Sesekisakuraoka (聖 蹟櫻丘 - Thánh Tích Anh Khưu) thì xuống. Sau đó lấy xe Bus để đi đến đó. Khổ cho tôi là cái tên 2 nhà gare nó dài lê thê, đọc muốn mỏi miệng; nhưng đọc riết, biết ghép chữ lại, sau nầy dần quen đi, chứ chẳng có một phép lạ nào cả. Có lẽ nơi đó ngày xưa là một rừng hoa anh đào đẹp lắm cho nên người ta mới gọi vậy; lúc ấy chẳng thấy còn cây nào. Hai bên đường chỉ là ruộng lúa, thỉnh thoảng mới có vài cây anh đào thôi. Lúa của Nhựt rất sai hạt. Thân lúa rất thấp; nhưng hạt rất nhiều, gạo rất dẻo và thơm. Nhìn cách cày bừa và cấy bằng máy móc của họ thuở ấy mà ham, ước gì các chùa hay nông dân tại miền Trung có được những nông cụ như thế để cấy cày thì đỡ nhọc biết mấy; nhưng đó chỉ là ước mơ thôi. Mà hình như sau hơn 30 năm ấy, miền Trung Việt Nam vẫn còn khổ cực với nghề nông, làm sao có thể sắm máy cày được. Đó cũng chỉ là ước mơ thôi.
Ngày đó tôi rất thích đi đoạn đường nầy vì xe Bus có nhiều chuyến. Sau nầy, năm 1998 tôi cùng Hạnh Nguyện, Hạnh Tấn đi sang Nhựt có ghé về thăm Đại Học trong vội vã và có xuống bến xe ngày trước đã đi học; nhưng bến xe thuở ấy bây giờ đã đổi khác hết rồi. Hai bên là phố thị, nhà lầu cao ngất. Những thửa ruộng xinh xắn ngày xưa bây giờ chẳng còn nữa.
Sau nầy cư dân ở phía sau Đại Học đông nên chính phủ đã cho mở thêm một bến xe Bus nữa. Xe nầy đi từ nhà gare Takahatafudo đến. Vì ít người đi hơn phía gare kia nên thỉnh thoảng mới có một chuyến Bus chạy. Thế nhưng khi đã phát hiện được như vậy tôi và Yamada Yukio (山 田 幸 雄) học cùng phân khoa hay dùng tuyến nầy để đi. Vì ít người nên ít phải chen lấn nhau. Ngày đó là thế; còn bây giờ thì đã đổi khác quá nhiều rồi. Ngay cả nhà gare chính ở Hachioji của Keiosen cũng mới lạ. Ngày trước khi tôi còn đi học thì nó nằm trên mặt đất và sau nầy người ta dời nó xuống dưới hầm, được tân trang rất hiện đại. Có lần về lại chùa xưa và Đại Học Viện cũ không biết lối nào mà đi. Vì lẽ nhà cửa quá cao, đã xây dựng lên san sát bên nhau nên không nhìn ra được.
Đại Học mang tên là Đế Kinh (帝 京) có nghĩa là Kinh Đô Đế Quốc, chữ dùng có tính cách vua chúa, quân chủ. Nằm trên đồi cao so với những cư dân gần đó. Phân khoa của tôi học vẫn là phân khoa đầu tiên của Đại Học nầy, nên sau khi xong Đại Học, lúc ấy Đại Học chưa tổ chức được bậc hậu đại học của Cao Học và Tiến Sĩ, chứ bây giờ thì đã hoàn bị lắm rồi. Ngày ấy có lẽ đây là nơi trường Trung Học Teikyo cũ và họ lấy lại phòng học của trường Trung Học để dạy. Dĩ nhiên ngoài Phân khoa Giáo Dục ra còn nhiều phân khoa khác nữa; nhưng thuở ấy còn khiêm nhường lắm. Chỉ có Phân khoa Y Khoa của Đại Học nầy là nổi tiếng. Vì vị Viện Trưởng là Bác Sĩ Y Khoa, tiếp theo là Phân khoa Thể Dục và Thể Thao của Đại Học nầy không những nổi tiếng tại nước Nhựt mà còn nổi tiếng trên thế giới nữa.
Ngày ấy chỉ có chừng 10 tòa nhà như vậy để dạy và chơi thể thao, phòng ăn cũng như thư viện. Trong khi tôi học tại đó chỉ có xây thêm được 3 giảng đường lớn và một số phòng học khác; đến năm 1998 về lại xem thì thấy lầu ngang dãy dọc độ 30 khu quanh núi như vậy đã được thành hình. Bãi đậu xe ngày xưa bây giờ phía dưới cho xây dựng rất hiện đại và bên trên vẫn là bãi đậu xe. Phía dưới là sân vận động để cho sinh viên tập thể thao trong mùa đông. Thuở ấy học tại Đại Học nầy chỉ có 3 sinh viên Việt Nam. Một cô học Phân khoa Kinh Tế, bây giờ có chồng, có con đang ở tại Mỹ; một anh học về Công Nghiệp, hình như bây giờ đã về lại Việt Nam. Chỉ có tôi là học Phân khoa Giáo Dục. Ngày ấy cả lớp nhao nhao vì ai cũng mới, vì là ngày khai giảng mà. Sau đó chia lớp và tìm phòng. Chúng tôi bắt đầu làm quen nhau. Một hôm có ông giáo sư già, khoảng độ 70 tuổi và bây giờ chắc ông không còn nữa. Ông ta dạy giờ giáo dục học tâm lý. Ông ta nói thao thao bất tuyệt, năm đầu tiên tôi đâu hiểu ất giáp gì. Ông ta hỏi các sinh viên rằng: Các anh chị chọn Phân khoa Giáo Dục. Vậy chữ giáo dục nó có nghĩa là gì vậy? Nghe thì dễ mà trả lời rất khó. Cả hằng mấy chục người ở trong phòng đó cũng chỉ nhìn nhau mà thôi. Đoạn ông ta giảng rằng:
Chữ Kyo (敎) có nghĩa là lịnh ở trên ban xuống hay cũng có nghĩa là dạy cho ai một điều gì đó. Còn Iku (育) có nghĩa là nuôi, mong muốn trưởng thành. Như vậy chữ Kyoiku (敎 育) có nghĩa là nuôi dưỡng cái ý chí, cái tri thức của một con người và mong người đó trở thành một kẻ hữu dụng cho đời, thì gọi là giáo dục.
Cả lớp cúi mặt xuống ra vẻ đồng tình. Người Nhật là thế đó, cái gì không ưa, phản đối thì la ó om sòm. Còn cái gì mà phục kẻ khác thì lầm lì và cúi mặt. Nếu tôi nhớ không lầm thì cả 4 năm học ở Đại Học Giáo Dục chỉ lần đó Thầy Nakamura (中 村) là đào sâu chữ giáo dục nhiều nhất. Còn những lần khác chẳng nghe thấy Thầy nào nhắc đến. (Quý vị muốn xem kỹ về học trình của Phân khoa Giáo Dục tại Đại Học Teikyo niên học 73-77 thì xin xem quyển Cảm Tạ Xứ Đức của tôi viết xuất bản năm 2002 thì rõ).
Buổi trưa sau khi dùng nhẹ tại Mensa hay Kantine của trường, tôi phải vào thư viện nghỉ một chút. Vì đó là thói quen từ trước rồi và mãi về sau nầy cũng vậy. Tôi nghe Tổng Thống Bill Clinton và đọc những báo nơi phần y học có giải thích rõ, nếu mỗi trưa chỉ cần nghỉ lưng vài chục phút đến 1 tiếng đồng hồ thì rất tốt cho sức khỏe. Mà quả thật vậy, từ đó đến nay tôi đều giữ giờ giấc như thế, mặc dầu ở ngoại quốc đã gần 32 năm rồi. Đây có thể là một tật xấu; nhưng nếu tôi không nghỉ trưa thì buổi chiều không làm việc được. Ngồi trước thiên hạ giảng bài mà cứ ngáp hoài, xem sao cho được.
Chương trình học ở Nhựt thì nhiều lắm, ngay cả chiều thứ bảy cũng còn học. Ngày chủ nhật là ngày làm việc cho chùa rồi. Cứ thế và cứ thế liên tục trong hơn 5 năm như vậy. Mỗi năm có 4 lần tôi cùng với Nakatomi, Matsunaga, Simizu đi đến các nhà của Phật Tử để tụng kinh. Đó là tuần lễ trước Tết Nguyên Đán tính theo dương lịch, lễ Bỉ Ngạn mùa Xuân từ 21 tháng 3 đến 28 tháng 3. Lễ Vu Lan 15 tháng 7 dương lịch và lễ Bỉ Ngạn mùa Thu từ 21 đến 28 tháng 9. Đến nhà nào cũng tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Như Lai Vô Thượng Thọ thứ 16 bằng tiếng Nhựt. Tụng xong nếu họ có thì giờ thì mời trà nước và nói vài câu chuyện. Nếu không, nhận bì thư cúng dường dầu nhiều dầu ít, đoạn đi đến nhà khác. Đây là những tín đồ của chùa. Ở Nhựt họ chia ra đàn gia và tín gia. Đàn gia tức là những đại thí chủ, dành cho Thầy trụ trì và các Thầy lớn đi; còn tín chủ thì ai đi cũng được. Cho nên tôi được chia vào đó. Sau một mùa 7 ngày như thế là có độ 1.000 US$. Số tiền đó thời ấy lớn lắm. Mỗi năm tôi phải đóng học phí cho nhà trường 2.500 US$. Số còn lại để dành mua sách vở và những chuyện lặt vặt khác. Nhờ tiếng Nhựt khá và biết đi cúng; nên tôi thâm nhập vào xã hội Nhật rất mau, kể cả nụ cười, cái gắt gỏng, cái cúi đầu cảm tạ, cái nheo mắt, tôi có thể đọc và hiểu rõ họ, ngay cả bây giờ sau hơn 26 năm xa Nhật. Ơn đó phải nói nhờ Thầy trụ trì Oikawa (及 川 眞 介), quý vị nào muốn tìm hiểu về cách sống của Tăng sĩ Nhật xin vào chùa ở thì rõ, xin khỏi dài dòng nơi đây.
Thầy ấy là người có đi du học tại Tích Lan, có viết sách; nên rất hiểu thân phận của lưu học Tăng như chúng tôi và dễ thông cảm. Cái gì tôi xin Thầy ấy cũng gật đầu, chứ chưa bao giờ nói tiếng không. Ví dụ như nghỉ hè tôi xin Thầy ấy đi Hokkaido (北 海 道 = Bắc Hải Đạo) là một đảo tuốt ở miền Bắc, tại đây có dân tộc thiểu số tên là Ainu đang sinh sống, họ giống như người Mori ở Auckland ở New Zealand gần Úc. Họ có văn hóa riêng, có đời sống riêng. Rồi đi Nigata để thăm gia đình Yamada, đi thăm Thầy Yoshioka có liên hệ với Việt Nam và có tác phẩm viết về Hoa Thung (Tsubaki no hana = 椿 花) đã được giải thưởng văn học Nhật Bản, là một đại Thiền Sư của Tông Tào Động Nhật Bản khá nổi tiếng. Ngài có viết một tác phẩm nhỏ về Thiền. Tôi đã dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt từ năm 1979 và đã lần lượt đăng lên báo Viên Giác, đến năm nay 2003 tôi cho in lại hầu hết những bài viết và dịch trong 25 năm qua thành một quyển sách với nhan đề là: "Những Đoản Văn Viết Trong 25 Năm Qua" sẽ xuất bản trong năm 2003 và đầu 2004 quý vị sẽ có sách ấy, sẽ đọc được tác phẩm nầy bằng 2 thứ tiếng. Tiếng Đức do Hạnh Giới dịch. Đây là một tác phẩm Thiền có giá trị.
Có lúc tôi đi Osaka (大 阪) rồi đi Shikoku (四 國 ) để thăm Nakatomi, đi Yanaguchi (山口) để thăm Matsunaga và Simizu. Có năm đi tuốt xuống Kagoshima (鹿 兒 島 ) để thăm bạn học cũ tên là Hoàng có thời là sinh viên học chung Nhựt ngữ tại trường Yottsuya ở Tokyo. Bây giờ Hoàng đang ở Canada. Có lúc đi Saitama (琦玉) để thăm Tiến Quang, giờ Quang đang ở Mỹ. Lắm lúc lại về cư xá sinh viên ở Shinjuku để thăm Khê và Lê Tùng Phương. Khê bây giờ đang ở Mỹ và Phương đang ở Pháp. Hay ghé thăm Phước Anh ở cư xá Shibuya. Bây giờ Phước Anh đang ở Mỹ.
Cũng có nhiều chuyến đi xa như thế rất là ý vị. Có lúc đi vì ở chùa chịu không nổi không khí ngột ngạt, có lúc đi vì công việc. Nhưng đa phần là để trốn sự mệt nhọc. Vì học cả năm đã "đừ", mà về chùa không biết bao nhiêu là công việc, vả lại ngày nào cũng nghe cái loa từ nhà bếp của chùa phát ra; nên phải xa chùa thế thôi. Đi xong lại quay về. Cho nên bây giờ tôi vẫn còn nhắc đến và phải cảm ơn họ. Nếu không nhờ hay bị thì đúng hơn, một người đàn bà trong chùa ở Việt Nam và một người đàn bà trong chùa ở Nhựt thì tôi đã không nên người mà gạo cơm, nước uống của Việt Nam trong 23 năm, của Nhật hơn 5 năm, của Đức hơn 26 năm, cộng chung 3 nơi ấy lại thành hơn 54 năm thì tôi không có Như Điển của ngày hôm nay năm 2003 nầy.
Học ở học đường ta học được chữ nghĩa, còn học ở trường đời ta học được luân lý, văn hóa, đạo đức của một dân tộc, một lối sống. Khi mới xa quê, tôi nghĩ rằng chắc qua Nhựt học được nhiều lắm; nhưng khi đến đó rồi mới có những chuyện hỡi ôi! Lúc ấy phải lo giữ gìn nhân cách của mình và thấy rằng Phật Giáo Việt Nam có nhiều điểm hơn xa Phật Giáo Nhật Bản. Lúc ấy mình mới trở về lại con người thật của mình. Có thể nói đây là kinh nghiệm giáo dục chăng? Vì qua kinh nghiệm, con người ta mới trưởng thành được.
Tôi làm việc như thế - mỗi sáng tụng kinh, lau chùa, ăn sáng rồi đi học. Đến chiều về lo lau dọn nhà bếp, chánh điện, nấu nước tắm, ăn cơm tối, tắm rửa, học bài. Cứ thế và cứ thế năm nầy qua năm nọ, tháng nầy qua tháng kia để đi đến kết quả là tôi giỏi tiếng Nhựt lúc nào mà mình chẳng hay biết, để năm thứ tư trước khi ra trường được phê vào học bạ là: Thiên tài của ngôn ngữ học. Cuối năm 1976 tôi viết luận văn ra trường với đề tài là: Giáo dục Anh ngữ dưới thời vua Minh Trị duy tân 1868. Luận văn nầy cũng tối ưu, sau đó một số trường Đại Học đã in lại cho sinh viên tham cứu.
Tôi cũng chưa biết là lúc đó phải làm gì sau khi học xong Đại Học. Vì lẽ về Việt Nam thì không được. Vì thời ấy quá nhiễu nhương, một lá thư gởi từ Việt Nam qua Nhật mất hết 6 tháng. Lúc đó thân phụ tôi còn tại thế đã gởi cho tôi. Tôi xem con dấu đóng trên bì thư như thế nầy. Đầu tiên là dấu bưu điện của Đà Nẵng, sau đó dấu bưu điện của Hà Nội, rồi dấu bưu điện của Bắc Kinh. Kế tiếp là Moscow rồi mới đến Tokyo. Khi tôi bóc thư ra xem thì giấy đi phần giấy, bao thư đi phần bao thư; chữ không thể đọc được nữa. Mắt tôi như mờ đi. Vì biết rằng quê hương ở gần đó; nhưng không cách nào liên lạc được. Tờ giấy viết thư hồi đó, tiếc rằng tôi không còn giữ, mà chắc gì đã giữ lại được, vì thời gian năm tháng trôi qua, nó mờ đục gần giống tờ giấy carbon. Đó là thời điểm của năm 1976, 1977 cả dân tộc Việt Nam từ Nam chí Bắc đều bị ăn bobo và tất cả đều phải vào hợp tác xã; nên mới ra nông nỗi ấy.
Tôi chẳng có gì để phải sợ người Cộng Sản. Bởi vì tôi chẳng có công mà cũng chẳng có tội; nhưng tội lỗi của họ đã làm cho dân tộc tôi, cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất càng ngày càng khổ đau, không cất đầu lên nổi với thế giới; nên tôi không đứng cùng chung chiến tuyến với họ mà thôi. Họ nói quá hay mà làm thì quá dở ; cho nên mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn tư tưởng và lập trường không giống họ như thế.
Cuối năm 1976 Thầy Oikawa hỏi tôi định học tiếp nơi đâu sau khi xong Đại Học? Tôi bảo rằng có lẽ tôi sẽ học tại Đại Học Risso. Đây là nơi mà các Hòa Thượng Thánh Nghiêm (người Đài Loan) và một số Ni Sư đệ tử Ngài Tinh Vân cũng đã tốt nghiệp. Hòa Thượng Thiền Định, Hòa Thượng Trí Quảng, Hòa Thượng Minh Tâm, Hòa Thượng Chơn Thành v.v... cũng đã tốt nghiệp nơi đây; nên tôi muốn thi vào đó. Một phần vì đây là nơi Thầy Oikawa dạy tiếng Pali và cũng thuộc tông phái của chùa mình đang ở, một phần học như thế để cho ông bà vui. Vì mình ở chùa họ mà cứ đi học Thiền với Thiền Sư Sogen Omori hoài thì xem sao được. Đó là 2 lý do chính mà tôi đã chọn Đại Học Risso để học Cao Học. Tôi lấy tiếng Hán làm sinh ngữ một; tiếng Pháp làm sinh ngữ hai. Tôi nghĩ rằng các tu sĩ trẻ của Nhật Bản chỉ rành tiếng Nhật, chứ chữ Hán thì ít rành. Ngày thi hôm đó nhằm bài ra như thế nầy: Các thí sinh hãy chấm câu các câu văn chữ Hán và bình chú những thời kinh do Thiên Thai Trí Giả Đại Sư biên soạn. Đúng là trúng tủ rồi còn gì nữa. Còn tiếng Pháp không khó lắm. Tôi đã làm bài xong và hí hửng ra về.
Đến chùa thì Thầy Oikawa hỏi ra sao? Tôi đáp rằng: Đã xong. Kính mong Thầy yên trí. Để rồi một tháng sau, tức vào cuối năm 1976 ấy tôi biết rằng đã đậu thứ 12 trong 26 người được đậu. Như thế là vui rồi. Lúc ấy vừa lo ra trường bên Đại Học Teikyo, vừa lo có tiền để đóng tiền trường cho Đại Học Risso. Lúc ấy hình như phải đóng 36 vạn (tiền Nhựt) tương đương với 2.000 US$ lúc bấy giờ. Thầy ấy bảo rằng tôi thưởng cho một nửa, còn một nửa Như Điển tự đóng lấy. Thế là nhẹ đi hết 50 phần trăm rồi.
Sau khi thi đậu vào Cao Học Phân khoa Phật Học rồi Thầy ấy bảo tôi là nên tìm một ít sử liệu và sách vở có viết về Phật Giáo Việt Nam để Thầy ấy sưu tầm, đồng thời lo cho luận văn Cao Học của tôi trong thời gian sắp tới nữa. Tôi bảo rằng: Chỉ có ở Pháp mới có thể tìm ra được. Vả lại cũng không thể về Việt Nam vào thời điểm đó. Thế rồi tôi cứ âm thầm học, âm thầm thi cử, âm thầm tụng kinh, âm thầm đóng tiền học phí cho nhà trường; mặt khác phải lo tham gia công việc của Chi Bộ Phật Giáo tại Nhật như làm báo, hội họp v.v... thế rồi thời gian cứ thế mà trôi đi.
Khi học Tiểu Học chúng ta thấy những người học Trung Học sao mà hay quá. Khi xong Trung Học ta thấy chẳng có gì. Lúc ấy thấy người học ở Đại Học sao mà hay quá. Khi xong Đại Học cũng lại chẳng thấy có gì. Rồi hậu Đại Học cũng thế thôi. Cho nên sau khi Hạnh Giới lãnh bằng Tiến Sĩ về Triết Học ngành Tôn Giáo Học ở Đại Học Hannover vào đầu tháng 9 năm 2003 có hỏi tôi và mọi người là cái bằng Tiến Sĩ nầy để làm gì vậy? Đây không phải là một câu hỏi ngớ ngẩn mà nó là thực tế của cuộc đời. Trước đó nó là gì và sau đó sẽ ra sao? Mỗi người hãy tự trả lời câu hỏi ấy.
Tôi vẫn thường hay nói với học trò đệ tử của mình rằng: Sự học nó không làm cho con người ta giải thoát được, mà muốn mở cánh cửa giải thoát kia, không thể thiếu sự tu và sự học được. Đó cũng có thể là câu kết luận cho chương nầy là: quan niệm như thế nào về tốt xấu của một nhà giáo dục vậy.
Ngày xưa khi người đậu được cái bằng Tiểu Học hoặc Trung Học là trong làng trong xóm ăn mừng. Vì có người thông dịch giúp, hoặc giả khi làm đơn từ bằng tiếng Pháp thì đã có người giúp đỡ, cho nên làng xã rất quý và rất trọng vọng. Thời mà chữ Nho còn thịnh hành thi đỗ ông Tú, ông Cử đã là to. Có nhiều người thi hai lần đều đỗ Tú Tài, cho nên gọi là ông Tú Kép. Có nhiều ông hay chữ như ông Tú Xương đi thi biết bao nhiêu trận; nhưng đâu có đỗ trận nào. Thế nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, trong làng có ma chay, cưới hỏi là người ta đều cậy nhờ ông Tú ấy đặt cho câu đối; có đỏ đỏ đen đen dán trước bàn thờ ông bà cho nó vui cửa vui nhà. Còn đỗ Tiến Sĩ Trạng Nguyên thời xưa thì phải biết. Cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20 Quảng Nam ra Huế thi, có cả 5 ông cùng đỗ đầu khoa Tiến Sĩ và Phó Bảng. Cho nên vua Tự Đức mới phong cho dân Quảng Nam là Ngũ Phụng Tề Phi, tức 5 con phụng trên 5 bảng vàng cùng phi một lúc về Điện Bàn, Duy Xuyên và Quế Sơn. Bởi vậy làm dân Quảng Nam có rất nhiều người hãnh diện về Tiên Tổ của mình.
Còn cái học bây giờ bằng cấp hà rầm; nhưng đa phần là mua quan bán tước. Đó là ở quê nhà, chứ còn ở ngoại quốc phải thực lực mới ra trường. Nhưng cái trình độ bây giờ so với ngày xưa cũng thấp hơn nhiều bậc lắm. Ví dụ như Cử Nhân ngày xưa chừng 30 năm trước là bằng Tiến Sĩ bây giờ rồi đó. Còn Tiến Sĩ hồi đó thì phải nói là những bồ chữ lớn được chứa trong bụng của các ông Tiến Sĩ ấy. Cả nước chỉ có một hai người, còn bây giờ thì lạm phát.
Học, tu là điều quan trọng; nhưng nó không là tất cả. Vì có những người rất giỏi nhưng đâu có bằng cấp gì. Điển hình là Ngài Tinh Vân, Tông Trưởng khai tông của Phật Quang Sơn ở Đài Loan, Ngài tự thú rằng: từ nhỏ đến giờ Ngài chưa có cái bằng nào cả. Khi Cộng Sản tiếp thu Trung Hoa năm 1949 Ngài đã tìm đường sang Đài Bắc. Từ đó Ngài có đến các học viện Phật Giáo để tham cứu. Có vị Đại Sư hỏi rằng Ngài đã tốt nghiệp đâu chưa? Ngài Tinh Vân trả lời vì chiến tranh ly loạn đã học xong các chương trình Phật Học ở Phật Học Viện tại Trung Quốc, nhưng không có bằng. Do vậy vị Sư ở Đài Loan cấp cho một văn bằng của Phật Học Viện. Ngài Tinh Vân cầm xong mảnh bằng hỏi lại: Bằng nầy để làm gì? Từ đó đến nay hơn 50 năm Ngài đã có mặt trên thế giới. Có cả hàng vạn đệ tử cả Tăng lẫn Ni, có hơn 200 Chùa Viện, Đại Học, Trung Học, Tiểu Học, các cơ sở từ thiện v.v... ước chừng mỗi nơi như vậy là 50 triệu đô-la đi và cứ nhân cho 200 lần như thế thì thấy con số thành công to lớn biết là bao nhiêu. Đó là người không có bằng cấp gì; nhưng có một tấm lòng cho nhân gian, đem Phật Giáo để làm đẹp cho cuộc đời và chính cái tấm lòng đó đã làm cho Ngài thành công khắp đó đây.
Ngài đã có mặt tại Roma và được Đức Giáo Hoàng tiếp. Ngài cũng đã tiếp kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã gặp vua Thái. Tổng Thống Lý Đăng Huy đã đến Phật Quang Sơn tại Đài Nam để thăm v.v... Như thế chắc chắn sự thành công ấy không phải của một người mà là của tập thể; nhưng tập thể đó có người lãnh đạo tốt, mới được như vậy.
Tốt và xấu là hai mặt của cuộc đời cũng như giải thoát và trầm luân chỉ là một cánh cửa, đi vào thì đọa lạc, đi ra là giải thoát. Chỉ đơn giản thế thôi.