Đời sống
Những bài học bình dị
Minh Nguyên biên dịch
21/07/2554 02:45 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Hôm nọ, một người giáo viên nổi tiếng quay trở về nhà sau bài thuyết trình quan trọng mà ông vừa trình bày trước một nhóm các đồng nghiệp đáng kính của mình. Đang đi nhưng lòng ông say sưa với những lời tán thưởng mà thính giả đã dành tặng cho ông. Thói quen đã đưa ông đến con đường đi bộ dọc theo bờ biển.

Đang tản bộ trên bờ biển thì ông bắt gặp một cậu bé. Em bé đang xây một tòa lâu đài cát trên bãi biển, đấy là tòa lâu đài cát lớn nhất và công phu nhất mà từ trước đến giờ ông từng được thấy. Em bé trịnh trọng dùng đôi tay của mình xúc cát lên rồi nắn cát cho thật chắc, sau đó nhẹ nhàng đặt vào vị trí thích hợp. Em bé cẩn thận và miệt mài xây đắp những tòa tháp, những gác canh, đào hào, cắm cờ...

Khi em bé hoàn thành tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng, em đứng dịch lùi một tí để thư giản và ngắm nhìn tuyệt tác của mình. Rồi đột nhiên em nhảy về phía trước, bước lên trên tòa lâu đài, đạp phá nó, banh nó ra trên bãi cát, rồi ngắm nhìn khi những con sóng nối đuôi nhau vỗ lên mặt biển, xóa nhòa dấu tích tòa lâu đài của em, như thể là tòa lâu đài của em chưa hề tồn tại.

Người giáo viên cảm thấy sốc khi chứng kiến cảnh tượng đó. Thật là lãng phí! Tại sao thành quả ấy lại bị phá hủy? Tại sao một người tự tạo ra rồi tự phá hủy thành quả của chính họ? Ông đi đến bên em bé và hỏi:

– Tại sao cháu đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để xây nên tòa lâu đài to lớn và đẹp đẽ đến vậy mà lại đập phá nó?

Em bé đáp lại:

– Cha mẹ của cháu cũng đã hỏi cháu câu đó. Mẹ cháu nhìn thấy những điều rất ý nghĩa từ tòa lâu đài cát. Mẹ đã nói với cháu rằng, mỗi hạt cát có thể xem như là mỗi khía cạnh của nhân loại. Người ta có thể tạo nên những điều rất ấn tượng khi biết đoàn kết với nhau, nhưng khi chúng ta lãng quên đi những mối quan hệ của mình với người khác và cố gắng tồn tại như một hạt cát đơn lẻ thì sẽ khiến cho nhiều thứ bị hủy hoại như cháu đã phá hủy tòa lâu đài cát vậy đó, hoặc là bị sóng biển phá tan, phân hủy nó ra hàng tỷ mảnh nhỏ và phát tán dọc theo bờ biển. Còn cha cháu thì bảo rằng, đấy là một cách để học về cuộc sống. Không có gì tồn tại mãi mãi. Giống như những tòa lâu đài cát, mọi thứ được tạo ra rồi lại bị phá hủy, tồn tại rồi lại biến mất. Hết thảy đều không thường còn. Khi chúng ta ý thức được điều này thì chúng ta bắt đầu biết trân quý thời gian mà chúng ta đang có. Bố cháu còn bảo rằng, xây dựng những tòa lâu đài cát là một cách giúp cho trẻ em học những bài học quan trọng ấy bằng trực quan sinh động.

Em bé nói tiếp:

– Còn với cháu, cháu chỉ biết rằng cháu đang chơi. Cháu chỉ muốn hòa mình với những gì cháu đang làm và vui với công việc đó.

Người giáo viên nghe xong thì lặng lẽ mở dây buộc giày và cởi chúng bỏ qua một bên, cởi bỏ đôi tất của mình, xăn quần lên, tháo cả cà-vạt rồi ngồi xuống bên em bé và nói:

– Chú có thể ngồi lại và chơi chung với cháu được không?

Nguồn: 101 Healing Stories for Children and Teen, George W. Burns, John Wiley & Sons Publisher, Canada, 2005.