[16]
Vài đặc điểm của Phật Giáo
"Giáo pháp mà Đức thế tôn
khéo giảng dạy và được truyền bá đầy đủ là để tự chứng ngộ, là Giáo Pháp có
hiệu năng tức khắc, khuyến khích suy gẫm tìm tòi, dẫn đến nơi (Niết Bàn), để
bậc thiện trí am hiểu, mỗi người cho riêng mình." -- Trung A Hàm.
Nền tảng của Phật Giáo
Tứ Diệu Đế mà chính Đức
Phật đã khám phá và truyền dạy thế gian là đặc điểm chánh yếu mà cũng là nền
tảng vững chắc của Phật Giáo.
Bốn Chân Lý Thâm Diệu ấy là Khổ
(lý do tồn tại của Phật Giáo ), nguồn gốc của sự khổ (ái dục), chấm dứt sự khổ
(Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo), và con đường "Trung
Đạo".
Ba chân lý đầu tiên là phần
triết lý của Phật Giáo. Chân lý thứ tư là phần luân lý căn cứ trên triết lý ấy.
Tất cả bốn, gồm trọn vẹn giáo lý của Đức Phật, đều tùy thuộc nơi cơ thể vật
chất này. Đây là những sự kiện hoàn toàn dính liền với con người và những chúng
sanh khác, những sự kiện hiển nhiên, không còn tranh luận gì nữa.
Dầu chư Phật có thị hiện trên
thế gian cùng không, các chân lý ấy vẫn tồn tại mãi mãi. Các Ngài chỉ phát lộ
cho thế gian.
Phật Giáo nằm vững trên nền tảng
đau khổ. Mặc dầu nhấn mạnh vào sự hiện hữu của đau khổ, Phật Giáo không phải là
một giáo lý bi quan. Phật Giáo không hoàn toàn bi quan, cũng không hoàn toàn
lạc quan, mà chỉ thực tiễn. Người ta sẽ có lý do để chủ trương rằng Phật Giáo
là bi quan nếu giáo lý nầy chỉ đề cập dong dài đến trạng thái đau khổ mà không
vạch ra con đường để thoát khổ và tiến đạt hạnh phúc trường cửu. Đức Phật đã
nhận ra tính cách phổ thông của sự khổ và kê liệt một phương thuốc trị liệu cho
chứng bệnh chung của nhân loại. Theo Đức Phật Niết Bàn, sự chấm dứt đau khổ, là
hạnh phúc cao thượng nhất mà con người có thể quan niệm.
Trong quyển bách khoa tự điển
"Encyclopaedia Britannica", tác giả viết :
"Chủ nghĩa bi quan yếm thế
bày tỏ thái độ tuyệt vọng đối với đời sống, một ý niệm tổng quát và mơ hồ rằng
đời sống dẩy đầy đau khổ và tội lỗi. Trong thực tế, giáo lý nguyên thủy của Đức
Phật cũng lạc quan như bất luận chủ nghĩa lạc quan nào khác ở phương Tây. Chủ
trương rằng Phật Giáo là "bi quan", là chỉ áp dụng suông vào Phật
Giáo, nguyên tắc đặc cách của người phương Tây theo đó, không thể có hạnh phúc
nếu không có tự ngã. Người Phật tử chân chánh nhìn tương lai với lòng nhiệt
thành hướng về hạnh phúc trường cửu."
Hạnh Phúc
Đức Phật không bao giờ khuyên
nhủ hàng thiện tín nên đem hết tâm trí và thì giờ để than van sầu muộn về những
bất hạnh của kiếp sinh tồn. Hành động như vậy chỉ làm cho cuộc sống càng thêm
đau khổ.
Tâm phỉ (Piti) là một trong
những yếu tố chánh yếu, hay điều kiện phải có trước tiên, để thành tựu giác
ngộ. Theo ý của nhiều văn hào vô tư, không thiên vị, người Phật tử được xem là
hạnh phúc nhất trên thế gian. Người Phật tử không có mặc cảm tự ti rằng mình là
kẻ có tội, đáng được thương hại. Chư Vị Hội Viên của Giáo Hội Thánh Thiện,
những người đã khép nếp sống của mình vào khuôn khổ đạo đức đầy đủ nhất và phẩm
hạnh cao siêu nhất. "Aho sukham, aho sukham", "Quả thật hạnh
phúc! Quả thật hạnh phúc!" "Chúng ta sẽ sống trong phỉ lạc." là
những lời thường được người bước theo dấu chân Đức Phật lặp đi và nhắc lại.
Ngày nọ có một vị Trời đến hầu
Phật và hỏi:
"Những
người thường lai vãng chốn rừng sâu.
Những bậc thánh nhân, có đời sống đạo hạnh,
Mỗi ngày chỉ ăn một lần.
Tại sao các vị ấy trông có vẻ tự tại ?
Xin Ngài dạy cho."
Đức Phật đáp :
"Những
vị ấy không than van sầu muộn những chuyện đã qua,
Không nóng nảy khao khát những gì chưa đến,
Mà chỉ tập chung tâm trí vào hiện tại.
Do đó các vị ấy tự tại."
Chư tỳ khưu
sống an vui trong hiện tại trường cửu, không âu sầu hối tiếc quá khứ mà cũng
không lo âu cho tương lai.
Định Luật Nhân Quả và Hạnh Phúc
Trong bộ Samyutta Nikaya (Tạp A
Hàm) có lối diễn tả hứng thú pháp Paticca Samuppada (Thập Nhị Nhân Duyên) bằng
hạnh phúc như sau:
"Đau khổ dẫn đến Tín nhiệm
(Saddha); Tín nhiệm dẫn đến Hoan hỷ thỏa thích (Pamajja); Thỏa thích dẫn đến
Phỉ lạc (Piti); Phỉ lạc dẫn đến Khinh An tịch tịnh (Passaddhi); Khinh An dẫn
đến Hạnh Phúc (Sukha); Hạnh phúc dẫn đến tâm Định (Samadhi); Định dẫn đến Tri
và Kiến chân tướng của sự vật (Yathabhutannanadassana); Tri kiến chân tướng của
sự vật dẫn đến khước từ, Đoạn tuyệt (Nibbida). Đoạn tuyệt, khước từ, dẫn đến
buông xả (Viraya); Buông xả, không luyến ái, dẫn đến giải thoát (Vimutti); Giải
thoát dẫn đến dập tắt mọi dục vọng (Khaye-Nana), tức là Đạo quả A La Hán."
[1]
Đoạn kinh quan trọng này giải
thích tại sao đau khổ có thể dẫn đến hạnh phúc và cuối cùng đến các thánh Đạo
và thánh Quả.
Đức Khoan Hồng Trong Phật Giáo
Không cần phải có đức tin mù
quáng để thấu hiểu Tứ Diệu Đế. Người phàm tục có thể kinh nghiệm hai chân lý
đầu tiên - chân lý tại thế. Còn hai chân lý sau - thuộc về siêu thế (Lokuttara)
- chỉ có bậc thánh nhân mới chứng nghiệm.
Giáo Huấn của Đức Phật được xây
dựng trên nền tảng vững chắc ấy, những sự kiện mà ai ai cũng có thể trắc nghiệm
và kinh nghiệm, chớ không phải xây dựng trên sự sợ sệt một cái gì mà chính ta
không biết. Như vậy Phật Giáo thuần lý và rỏ ràng thực tiễn.
Trong toàn thể Giáo Pháp, không
có điều nào không hợp với lý trí hay không thể thực hành. Đức Phật đã thực hành
những điều Ngài dạy, và dạy những gì Ngài đã thực hành. Điểm quan trọng nhất
được nhấn mạnh trong giáo lý là pháp hành, bởi vì tín ngưỡng suông không thể
thanh lọc thân tâm con người
Kinh Pháp Cú dạy:
"Người lão thông pháp học
và đọc thuộc lòng kinh điển mà không hành theo lời dạy, con người dể duôi ấy
cũng tựa như kẻ chăn bò. Có đếm bò, nhưng bò thì của người khác. Người ấy không
hưởng được phước báu của bậc Sa môn." (câu 19)
Một hệ thống thuần lý và thực
tiễn không thể chứa đựng giáo lý bí truyền hay thần bí.
Trong kinh Maha Parinibbana
sutta (Đại Niết Bàn) Đức Phật tuyên bố rỏ ràng:
"Như Lai đã truyền dạy chân
lý mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền
bởi vì, khi đề cập đến chân lý, Như Lai không hề có bàn tay nắm lại của ông
thầy còn muốn giữ lại điều gì."
Đức Phật dùng danh từ Anantaram
[2] và Abahiram. Nếu Ngài có ý nghĩ : "Bao nhiêu giáo lý nầy, Ta sẽ không
dạy ai khác" ắt ta có thể liệt Ngài vào hàng các ông thầy dạy học với bàn
tay nắm lại. Nếu Đức Phật có ý nghĩ : "Ta sẽ dạy những người này",
hay "Ta sẽ không dạy những người kia", ắt Ngài đã tạo ra một nhóm
người ở bên trong và một nhóm người khác ở bên ngoài. Đức Phật không phân biệt
như vậy.
Khi đề cập đến giáo lý bí
truyền, trong bộ Anguttara Nikaya (Tăng Nhứt A Hàm), Đức Phật dạy:
"Nầy các đệ tử, có ba hạng
còn giữ lại bí mật của mình, không cởi mở. Là ba hạng nào? Hàng phụ nữ không
cởi mở, giữ kín bí mật. Tri kiến thần bí được giữ kín, không cởi mở. Tà giáo
được giữ kín, không cởi mở. Giáo Pháp và Giới Luật do một vị Phật toàn thiện
công bố thì rực rỡ chói sáng trong thế gian, chớ không giữ kín."
Quả thật Đức Phật không bày tỏ
quan điểm riêng của mình về vài thắc mắc của nhân loại mà giữ im lặng một cách
đặc biệt về những đề tài tranh luận ấy, vì nó không thích nghi với sứ mạng cao cả
của Ngài và không cần thiết cho sự giải thoát của chúng sanh. Trong trường hợp
nọ, có một vị tỳ khưu tên Malunkyaputta đến hầu Phật và nóng nảy muốn Ngài giải
thích tức khắc vài điểm thắc mắc, và nếu không được như vậy, thầy dọa sẽ hườn
tục, từ bỏ đời tu sĩ. Thầy bạch :
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, đến
nay Đức Thế Tôn chưa hề giải rỏ. Ngài đã gát qua một bên và đã loại bỏ những lý
thuyết đề cập đến quan điểm: thế gian này có trường tồn vĩnh cửu không, thế
gian này có giới hạn không, hay vô hạn định, v.v. [3]"
Đức Phật khuyên thầy không nên
lãng phí thì giờ và năng lực trong những học thuyết chỉ có hại cho tiến bộ đạo
đức.
"Cũng như người kia bị một
mũi tên tẩm độc đâm sâu vào mình, và khi lương y muốn nhổ mũi tên ra để điều
trị thì ông vội vã ngăn cản lại và nói: Tôi sẽ không để cho ai nhổ mũi tên này
ra, trước khi biết rỏ ràng và đầy đủ chi tiết về người bắn tôi, về tánh chất
của mũi tên v.v... Người này sẽ chết trước khi biết được những điều ấy. Đây
cũng vậy, người nọ sẽ chết trước khi thắc mắc của mình được giải thích."
Giải quyết những vấn đề siêu
hình ấy không dẫn đến nhàm chán, dứt bỏ dục vọng, giác ngộ, Niết Bàn.
Một lần khác, khi có một vài đệ
tử muốn tìm hiểu về những điểm này, Đức Phật thuật lại truyện ngụ ngôn con voi
với người mù. [4]
Con voi được dẫn đến trước một
nhóm người mù để những người này biết hình dáng con voi như thế nào. Mỗi người
rờ nhằm một bộ phận của thân voi và có ý niệm khác nhau về hình dáng toàn thể,
rồi bênh vực quan điển của mình. Rốt cùng cuộc tranh luận trở nên sôi nổi.
Bằng cách giữ im lặng, không bàn
đến, Đức Phật gát qua một bên những khảo sát vô ích, chỉ nhằm thỏa mãn tánh tò
mò, mà không dẫn đến giải thoát.
Phật Giáo không chủ tâm cung cấp
giải đáp cho tất cả mọi vấn đề luân lý và triết học của nhân loại. Phật Giáo
cũng không đề cập đến những khảo sát và học thuyết không có chiều hướng đem lại
tiến bộ tinh thần đạo đức. Phật Giáo có một mục tiêu rỏ ràng và thực tiễn -
chấm dứt đau khổ - luôn luôn nhắm vào mục tiêu ấy, và hoàn toàn gát bỏ qua một
bên tất cả những gì không thích nghi. Tuy nhiên,mọi quan sát sâu sắc về bản
chất thực sự của đời sống đều được khuyến khích.
Cưỡng bách, ngược đãi, hay cuồng
tính, không thể có một vai trò nào trong Phật Giáo. Xuyên qua đoạn đường 2.500
năm dài dẳng và ôn hòa, không một giọt máu bị đổ vì danh nghĩa của Đức Phật.
Không có một ông vua hùng dũng nào đã tung kiếm hoặc múa gươm để truyền bá Phật
Pháp, và không có sự cảm hóa bằng võ lực hay bằng một phương tiện cưỡng bách
nào khác. Tuy nhiên, Đức Phật là nhà truyền bá đầu tiền và vĩ đại nhất thế
gian. Phật Giáo đã được hoằng khai rộng rãi, vẫn còn đang mở rộng trên khắp thế
gian, và đang ôn hòa thâm nhập vào tất cả các quốc gia, chính vì giá trị cố hữu
sẵn có và tánh cách tốt đẹp của giáo huấn, chớ tuyệt nhiên không phải nhờ sự hỗ
trợ của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quân phiệt, hoặc một phương tiện gián tiếp
nào khác để đưa người ngoài vào đạo.
Aldous Huxley viết:
"Một mình trong các tôn
giáo lớn trên thế giới, Phật Giáo đã vạch ra con đường của mình mà không có sự
ngược đãi, áp bức, kiểm duyệt hay điều tra."
Lord Russell ghi nhận:
"Trong tất cả các tôn giáo
lớn của lịch sử, tôi chọn Phật Giáo, đặc biệt trong những hình thức nguyên
thủy; bởi vì ở đây yếu tố ngược đãi là nhỏ bé nhất."
Dưới danh nghĩa của Đức Phật,
không có nơi thiêng liêng thờ phượng não đã bị máu của hàng phụ nữ vô tội làm
hoen ố, không có tư tưởng gia chân chánh nào đã bị thiêu sống, và không có sự
thiêu đốt tàn nhẫn những người khác đạo.
Phật Giáo không dạy giáo điều bí
ẩn và không nói đến phép lạ. Đức Phật chắc chắn có nhiều oai lực thần thông
siêu phàm vì Ngài đã dày công trau giồi tâm linh, nhưng Đức Phật không dùng
phép lạ. Như phép Yamaka Patihariya [5] chẳng hạn, mà có nơi sai lầm gọi là
"đôi phép lạ" là hiện tượng tâm linh mà chỉ có vị Phật mới có thể tạo
nên. Trong trường hợp đặc biệt này, do oai lực thần thông, Đức Phật làm cho
nước và lửa đồng thời phát sanh từ thân Ngài, xuyên qua các lỗ chân lông.
Phật Giáo nhắm đến phần tri thức
nhiều hơn phần tình cảm và chú trọng đến phẩm cách của hàng tín đồ hơn là sức
mạnh về số lượng.
Ngày kia nhà triệu phú Upali,
một tín đồ của Nigantha Nataputta, đến gần Đức Phật và lấy làm thỏa thích được
thính pháp nên quỳ xuống bày tỏ lòng mong muốn được Đức Phật cho phép bước theo
dấu chân Ngài. Nhưng Đức Thế Tôn khuyên trưởng giả Upali:
"Nầy người cư sĩ, ông hãy
nghĩ suy cặn kẽ. Một người lỗi lạc như ông nên suy tư cẩn thận trước khi làm
điều gì."
Nghe những lời bất ngờ ấy,
trưởng giả Upali lại càng thỏa thích, và bạch:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, nếu
con đến một vị đạo sư nào khác và xin đi theo để tu học, các đệ tự của vị ấy
kiệu con lên, rồi đi khắp đường phố hò reo, công bố rằng triệu phú gia này đã
từ bỏ tôn giáo mình để đi theo đạo sư kia. Bạch Đức Thế Tôn, Ngài thì trái lại,
khuyên con hãy đi về suy nghĩ lại. Con càng thêm thỏa thích với những lời
khuyên dạy vàng ngọc ấy."
Và ông lặp lại lời thỉnh cầu:
"Lần thứ nhì con xin được
quy y Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo."
Mặc dầu nhà triệu phú Upali đã
trở thành Phật tử do sự hiểu biết và lòng tự nguyện, Đức Phật bi mẫn vô biên,
và khoan hồng rộng lượng, khuyên ông cứ tiếp tục hộ trì vị đạo sư cũ.
Kêu gọi tất cả những ai đi tìm
chân lý không nên để thế lực bề ngoài ảnh hưởng, Đức Phật đi xa đến mức khuyên
dạy các đệ tử không nên khấu đầu khuất phục một cách mù quáng trước oai quyền
của bậc trưởng thượng mà phải suy tư xét đoán.
Phật Giáo đượm nhuần tinh thần
tự do tìm hiểu và hoàn toàn quảng đại khoan hồng. Đây là một giáo huấn được
truyền bá với tinh thần cởi mở và thiện cảm, một giáo huấn rọi sáng và sưởi ấm
toàn thể vũ trụ bằng đuốc tuệ và từ bi, và bao trùm trong ánh hào quang rực rỡ
của mình tất cả chúng sanh đang lặn hụp chiến đấu trong đại dương của vòng sanh
tử triền miên.
Lòng bi mẫn và đức khoan hồng
của Đức Phật quả thật vô biên. Ngài không dùng oai quyền của mình để ban hành
những điều răn cấm. Thay vì dùng thời mệnh lệnh cách, sai bảo: - "Ngươi
phải làm thế nầy không được làm thế kia", Ngài khuyên dạy: - "Điều
nầy con nên làm, điều kia con không nên làm".
Những giới luật thông thường của
Phật tử không phải là những điều răn, những mệnh lệnh mà là kỹ cương
(Sikhapada) do chính người Phật tử tự nguyện khép mình vào.
Lượng khoan hồng và lòng từ bi
của Đức Phật bao gồm tất cả nam nữ, và tất cả chúng sanh.
Phật Giáo và Đẳng Cấp Xã Hội
Đức Phật là người đầu tiên trong
lịch sử nhân loại đã cố gắng loại bỏ chế độ mua tôi bán mọi, đã xây dựng một
nền luân lý cao thượng và ý niệm về tình huynh đệ giữa loài người, và bằng
những danh từ mạnh mẽ, Ngài lên án hệ thống đẳng cấp, có tánh cách xúc phạm đến
phẩm giá con người, lúc bấy giờ đã ăn sâu trong xã hội Ấn Độ. Ngài tuyên bố:
"Là
cùng đinh, không phải do sanh trưởng.
Là bà la môn, không phải do sanh trưởng.
Do hành động, người nầy là cùng đinh
Do hành động, người kia là Bà la môn. [6]"
Kinh Vasettha Sutta [7] thuật
lại câu truyện hai người thanh niên bà la môn bàn cãi nhau về vấn đề cái gì làm
cho con người thuộc về thành phần bà la môn. Một người chủ trương là sự sanh
trưởng. Người kia thì cho rằng chính phẩm hạnh cá nhân làm cho con người được
liệt vào đẳng cấp ưu tú ấy. Và không người nào thuyết phục được người kia. Nên
cả hai đồng ý đem câu chuyện đến nhờ Đức Phật phân xử.
Rồi hai người bạn đến cầu Đức
Phật và trình bầy sự việc lên Ngài.
Trước tiên, Đức Phật nhắc nhở
hai người rằng các loài cây cối, côn trùng, loài thú có bốn chân, rắn rít, cá
tôm, chim chóc, đều có hình thể riêng biệt và có thể phân biệt với nhau, còn
trường hợp con người thì khác, không có biệt mạo riêng từng loại. Rồi Ngài giải
thích làm thế nào con người có thể phân biệt với nhau bằng việc làm hằng ngày.
Để kết luận, Đức Phật chú giải:
"Sự
sanh trưởng không làm cho con người được liệt vào giai cấp bà la môn hay bị
loại ra khỏi giai cấp này.
Nếp sống hằng ngày tạo nên người nông dân, thương gia hay nô bộc.
Nếp sống hằng ngày tạo ra hạng trộm cắp, binh sĩ, tu sĩ, hay vua chúa."
Một cuộc đối thoại có liên quan
đến vấn đề đẳng cấp cũng được ghi chép trong kinh Madhura Sutta [8]. Vua
Madhura thuật lại câu chuyện sau đây với Đại Đức Kaccana:
"Kính bạch Đại Đức, những
vị bà la môn nói như thế nầy: Trong bốn đẳng cấp mà con người được phân hạng,
Bà la môn là cao cả hơn hết. Các đẳng cấp khác đều thấp kém hơn. Chư vị Bà la môn được xem là trong sạch. Những người khác
thì không. Những vị bà la môn là con chánh thức của thần Braham (Phạm thiên),
được sanh ra từ trong miệng Ngài, được đặc cách tạo nên, và sẽ là thừa kế của
Ngài. Kính bạch Đại Đức. người nghĩ như thế nào?"
Đại Đức Kaccana giải đáp rằng đó
là một lối quả quyết vô căn cứ, và Ngài chỉ dẫn rằng một người giàu có sang
trọng có thể thuê mướn một người khác để làm gia đinh cho mình. Người xấu xa
tội lỗi, dầu ở đẳng cấp nào, cũng phải tái sanh vào cảnh khổ, còn người hiền
lương đạo đức thì vào nhàn cảnh. Người đã gây tội ác, bất luận thuộc về đẳng
cấp nào, cũng phải chịu hình phạt, và Ngài nhấn mạnh rằng khi xuất gia nhập
chúng thì mọi người đều được kính nể tôn trọng bằng nhau, không có bất luận sự
phân biệt nào. Theo Phật giáo, đẳng cấp hay chủng tộc không gây trở ngại cho
việc trở thành một Phật tử hay được chấp nhận vào Giáo Hội Tăng Già, tập đoàn
những bậc thánh nhân cao thượng. Ngư phủ, người hốt rác, gái giang hồ, cùng với
các chiến sĩ và Bà la môn, đều được chấp nhận vào Giáo hội, được hưởng đồng đều
cấp bậc và địa vị.
Đức Upali, trước kia là thợ cạo,
giữa đám đông các vị khác, được chọn làm đại đệ tử chuyên về những vấn đề có
liên quan đến giới luật. Đức Sunita, được các vua chúa và hành quý tộc trong
nướctôn kính như bậc A La Hán, chỉ là người hốt rác. Triết gia Sati là con một
ngư ông. Cô gái giang hồ Ambapali được chấp thuận vào Giáo hội và đắc quả A La
Hán. Rajumala, được Đức Phật cảm hóa lúc nàng sắp sửa quyên sinh mạng sống, là
một cô gái nông nô. Punna cũng thuộc giai cấp nông nô, được Đức Phật chấp nhận
lời thỉnh cầu nhập Hạ, trong lúc Ngài từ chối Trưởng giả Anathapindika (Cấp cô
độc), chủ của nàng. Subha là con gái của người thợ rèn. Capa là con gái của một
người đuổi nai cho thợ săn. Những trường hợp tương tợ, còn nhiều trong kinh
điển, chứng tỏ rằng cánh cửa của Phật Giáo rộng mở cho tất cả mọi người, không
có bất luận sự phân biệt nào.
Đức Phật tạo cơ hội đồng đều cho
tất cả và nâng cao quy chế con người, hơn là hạ thấp. Phật Giáo có sửa cho trẻ
sơ sinh, mà cũng có thức ăn đầy đủ dinh dưỡng cho người trưởng thành khỏe mạnh.
Phật Giáo kêu gọi đồng đều, người giàu cũng như kẻ nghèo.
Phật Giáo và Hàng Phụ Nữ
Cũng chính Phật Giáo đã nâng cao
quy chế của hàng phụ nữ và dắt dẫn nữ giới thực hiện địa vị quan trọng của mình
trong xã hội. Trước thời Đức Phật, người đàn bà Ấn Độ không được trọng đãi.
Một văn hào Ấn, Hemacandra,
khinh rẽ và xem nữ giới như những "ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống
địa ngục" - Naraka margadvarasya dipika.
Đức Phật không coi rẻ phẩm giá
mà chỉ ghi nhận bẩm chất yếu đuối của người phụ nữ. Ngài nhìn nhận có thiên
tánh trong cả hai giới, nam và nữ, và trong giáo huấn Ngài đặt mỗi giới vào
đúng vị trí của nó. Nam
hay nữ không phải là một trở ngại việc thanh lọc thân tâm hay trong công trình
phục vụ độ tha.
Đôi khi, để chỉ người đàn bà,
phạn ngữ (Pali) có danh từ "matugama" nghĩa là "hạnh làm
mẹ" hay "xã hội những bà mẹ". Là mẹ, người phụ nữ được hưởng danh
dự xứng đáng trong Phật Giáo. Bà mẹ được xem là cây thang thích nghi để con cái
nương theo đó mà lên tận những cảnh trời. Vợ hiền là người bạn chí thân của
chồng (parama sakha).
Mặc dầu thoạt tiên Ngài từ chối,
không chấp nhận nữ giới vào Giáo Hội, nhưng về sau, do lời thỉnh cầu tha thiết
của Đức Ananda và của bà Maha Pajapati, kế mẫu Ngài, Đức Phật cho phép thành
lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni (nữ tu sĩ). Như vậy, Đức Phật là người đầu tiên sáng
lập một đoàn thể phụ nữ có giới luật và kỹ cương đầy đủ.
Cũng như hai vị A La Hán
Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên) là đại đệ tử cai quản
Giáo Hội Tỳ Khưu, giáo hội độc thân có tánh cách dân chủ xưa nhất trong lịch
sử, hai vị A La Hán Khema và Uppalavanna là đại đệ tử bên phái nữ, cai quản
Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Nhiều vị đệ tử khác cũng được Đức Phật liệt vào hàng lỗi
lạc và nhiệt thành nhất. Trong những người dòng Vajjian cũng vậy, tánh cách tự
do của người phụ nữ được xem là một trong những nguyên do đưa dân tộc này đến
trạng thái phồn thịnh. Trước thời Đức Phật, người phụ nữ không được hưởng tự do
đầy đủ và không được có cơ hội để phát triển khả năng tinh thần và bẩm tánh đạo
đức của mình. Ở Ấn Độ, vào thời xưa cũng như còn ở nhiều nơi ngày nay, sanh con
gái là thêm một trở ngại, một bất hạnh trong gia đình.
Hôm nọ, trong lúc Đức Phật đang
nói truyện với vua Kosala thì có tên lính hầu vào báo tin hoàng hậu hạ sanh
công chúa. Được tin, vua tỏ vẻ không bằng lòng. Thấy vậy Đức Phật khuyện:
"Một bé gái, tâu đại vương,
có khi là đứa con quý, còn hơn con trai."
Đối với người phụ nữ bị ngược
đãi đủ điều trước thời Đức Thế Tôn, sự thành lập Giáo Hội Tỳ Khưu Ni chắc chắn
là một phước lành. Trong Giáo Hội nầy, các bà hoàng hậu, công chúa, các tiểu
thơ trong hàng quý tộc, các mệnh phụ phu nhân, những bà mẹ khổ đau, những người
phụ nữ thân cô, chí đến hạng gái giang hồ, bất luận ở đẳng cấp nào trong xã
hội, đều tụ hợp nhau lại, ôn hòa và vui vẽ, cùng nhau đồng hưởng và đồng hấp
thụ không khí tự do bình đẳng, khác hẳn với nếp sống lầu son gác tía và cung
vàng điện ngọc. Có rất nhiều người, theo lẽ thông thường ắt phải mãi mãi bị
lãng quên trong bóng tối, đã tỏ ra lỗi lạc và đã thành tựu mục tiêu giải thoát
sau khi tìm nương tựa nơi Giáo Hội.
Tỳ Khưu Ni Khema, vị đệ tử đứng
đầu hàng trong Giáo Hội, trước kia là thứ hậu sinh đẹp của vua Bimbisara (Bình
Sa Vương), không chịu gặp Đức Phật vì nghe nói rằng Đức Phật thường nhắc đến
sắc đẹp bề ngoài với những lời lẽ không tưng bốc. Ngày kia bà tình cờ đi đến
một ngôi chùa để thưởng ngoạn phong cảnh, rồi dần dần vào giảng đường, lúc ấy
Đức Phật đang thuyết Pháp. Đọc được tư tưởng của bà, Đức Phật dùng thần thông
tạo nên một thiếu nữ sinh đẹp đứng hầu bên cạnh và cầm quạt, quạt Ngài. Bà
Khema mãi mê ngắm sắc đẹp tuyệt trần của thiếu nữ. Đức Phật làm cho thiếu nữ
biến dần từ trẻ đẹp đến trưởng thành, rồi già nua, tóc bạc răng long, da nhăn,
lưng còm và cuối cùng kiệt sức, té quỵ xuống đất.
Chỉ đến lúc ấy bà Khema mới nhận
định tánh cách phú du tạm bợ của sắc đẹp bề ngoài và bản chất vô thường của đời
sống. Bà nghĩ: "Thân hình sinh tươi đẹp đễ kia phút chốc đã trở nên héo
tàn hư hoại dường ấy. Vậy thì hình dáng mỹ miều của ta sẽ tàn tạ có khác
gì?"
Thấu hiểu ý nghĩ thần kín ấy,
Đức Phật khuyên bà:
"Người
khứng làm nô lệ cho tham dục sẽ lăn trôi theo dòng,
Giống như loài ruồi muỗi bị cuốn quấn trong mạng nhện.
Nhưng, quả thật thảnh thơi,
Người đã cắt lìa tất cả những trói buộc,
Tâm tư hướng về nơi khác, không màng thế sự,
và, bỏ lại một bên mọi dục lạc của ngũ trần. [9]
Về sau bà Khema đắc quả A La Hán
và, với sự đồng ý của đức vua, bà xuất gia Tỳ Khưu Ni và được liệt vào hàng cao
kiến nhất trong Giáo Hội.
Bà Patacara vừa mất hai con,
chồng, cha, mẹ, và anh trong một trường hợp thê thảm, tâm lực của Đức Phật dẫn
dắt đến Ngài. Sau khi nghe lời khuyên dạy êm dịu của Ngài bà đắc Quả Tu Đà Hườn
và xin xuất gia. Ngày nọ, xuống suối rửa chân, bà ghi nhận rằng khi rút chân
lên có những giọt nườc từ chân liên tiếp gieo điểm xuống dòng suối, trôi đi một
đổi, rồi tan mất. Có những giọt trôi xa hơn nữa, nhưng rồi cũng tan mất. Bà suy
nghĩ:
"Cùng dường thế ấy, tất cả
chúng sanh đều phải chết. Người lúc thiếu thời, người đã trưởng thành, cũng có
người lúc tuổi thọ đã cao, nhưng tất cả đều phải chết."
Đức Phật đọc tư tưởng ấy, biến
hình xuất hiện trước mặt bà và thuyết giảng một thời Pháp. Khi nghe xong bà đắc
quả A La Hán. Về sau bà trở thành một nguồn an ủi cho nhiều bà mẹ bất hạnh.
Hai bà Dhammadinna và Bhadda
Kapilani là hai vị Tỳ Khưu Ni được biệt danh là chú giải Giáo Pháp.
Để giải đáp cho Mara (Ma Vương),
chính Tỳ Khưu Ni Soma [10] đã ghi nhận:
"Bên trong một người phụ nữ
có tâm vững chắc và tri kiến cao thượng, bản chất người phụ nữ có ảnh hưởng gì
đến quyền tìm hiểu Giáo Pháp? Người còn ôm ấp mối hoài nghi về câu hỏi:
"Trong những vấn đề nầy ta có phải là đàn bà không? Hay ta là đàn ông, hay
như vậy, ta là gì khác? - Đó là con người thích nghi để nói chuyện với ma vương
Tâm Ác."
Trong hành tín nữ cũng có nhiều
vị lỗi lạc với tâm đạo nhiệt thành, lòng quảng đại bố thí, kiến thức sâu rộng
và tâm từ.
Bà Visakha là vị đại thí chủ của
Giáo Hội đứng đầu trong hàng thuần thánh chân chánh [11].
Bà Suppiya, một tín nữ giàu lòng
mộ đạo khác, vì không thể tìm ra thịt ở chợ, cắt một miếng ở đùi mình để nấu
bát cháo dâng lên một vị tỳ khưu đang đau ốm.
Bà Nakulamata là một người vợ
trung thành đã cứu được chồng ra khỏi bàn tay tử thần nhờ đọc lại phẩm hạnh của
mình.
Samavati là một bà hoàng hậu
sùng đạo dễ mến, mặc dầu bị thiêu đốt, bà không tỏ ý oán giận, trái lại, còn
rải tâm từ cho người chủ mưu hại mình.
Hoàng hậu Mallika nhiều lần có
thể gián và khuyên giải chồng là vua Pasenadi.
Một tỳ nữ Khujjuttara, giảng
giải Giáo Pháp và cảm hóa được nhiều người.
Bà Punabbasumata, có lòng muốn
nghe Pháp nhưng còn phải dỗ ngủ đứa con đang khóc cho nó nín rồi mới đi được.
Bà ru con:
"Nín
đi con, bé Uttara! Hãy ngủ đi
Punabbasu, để mẹ được đi nghe Giáo Pháp
Mà bậc tôn sư,bậc trí tuệ nhất thế gian truyền dạy
Mẹ rất yêu mến con của mẹ
Và cũng hết lòng quý trọng cha con.
Nhưng mẹ càng yêu quý hơn nữa
Giáo lý cao siêu đã vạch ra con đường" [12]
Một bà mẹ có nhiều nghĩ ngợi suy
tư khác vừa mất đứa con duy nhất. Nhưng bà không than khóc như người thường.
Có người hỏi tại sao, bà đáp:
"Nó
đến đây một mình, không ai kêu gọi,
Và sớm ra đi, cũng một mình, không ai mời mọc.
Đến như thế nào, nó ra đi cùng thế ấy.
Vậy thì ở đây có lý do gì để sầu muộn? [13]"
Hai bà Sumana và Subhadda có
những đức tánh gương mẩu và hết lòng đặt niềm tin nơi Đức Phật.
Bấy nhiêu thí dụ tưởng cũng đủ
nói lên vai trò quan trọng của hàng phụ nữ trong thời Đức Phật.
Phật Giáo và Tinh Thần Bất Bạo Động
Tình thương vô lượng vô biên của
Đức Phật không chỉ hướng về nhân loại mà còn bao trùm luôn cả loài thú. Chính
Đức Phật đã đánh đổ nghi thức giết thú để tế lễ thần linh và khuyên hàng đệ tử
nên nới rộng tâm từ (Metta) đến tất cả chúng sanh, chí đến những con vật nhỏ bé
đang bò dưới chân. Ngài dạy rằng không ai có quyền tiêu diệt mạng sống của kẻ
khác. vì tất cả mọi người đều quý trọng đời sống.
Các vị tỳ khưu phải rèn luyện
tâm từ đến mức độ không được đào đất và cũng không được sai bảo hay nhờ cậy
người khác đào đất. Giới luật dạy như vậy. Các Ngài cũng không thể uống nước
chưa lọc.
Nhà vua Phật Giáo vĩ đại nhất,
Đức Vua Asoka (A-Dục), có cho ghi khắc trong đá những hàng chữ sau đây:
"Không nên lấy sự sống nuôi
sự sống. Cho đến rơm rạ, nếu còn côn trùng trong ấy, cũng không nên đốt."
Một người Phật tử thuần thành
phải hành tâm từ đối với mọi chúng sanh và đồng nhất hóa với tất cả, không nên
có bất luận sự phân biệt nào.
Tâm Từ, một trong những đặc điểm
nổi bật nhất trong Phật Giáo, cố gắng phá vỡ mọi trở ngại đẳng cấp xã hội,
chủng tộc hay tín ngưỡng đã gây chia rẽ giữa người và người. Nếu chỉ vì nhãn
hiệu tôn giáo khác nhau mà những người không cùng theo một hệ thống tín ngưỡng
không thể hợp nhau lại trên một lập trường chung, trong tinh thần huynh đệ
tương thân tương ái như anh chị em ruột một nhà thì hẳn các vị giáo chủ đã thất
bại thảm thê trong sứ mạng cao cả của các Ngài.
Trong bản tuyên ngôn của Ngài về
lượng khoan hồng, căn cứ trên hai bài kinh Culla Vyuha Sutta, và Maha Vyuha
Sutta, Đức Vua Asoka (A-Dục) viết:
"Chỉ có đoàn kết là tốt
đẹp. Như vậy có nghĩa là tất cả mọi người đều vui lòng lắng tai nghe giáo lý
của người khác truyền dạy."
Trong tất cả giáo lý của Đức
Phật không có một điểm nào dành riêng cho một quốc gia hay một dân tôc đặc
biệt. Ngài kêu gọi tất cả mọi người.
Đối với người Phật tử thuần
thành, không có người thân kẻ sơ, người thù nghịch hay kẻ xa lạ. Không có người
phải bị xã hội ruồng bỏ, bởi vì tâm Từ là tình thương bao quát, đại đồng, do sự
hiểu biết un đúc rèn luyện. Tâm Từ củng cố tình huynh đệ giữa tất cả mọi chúng
sanh. Người Phật tử chân chánh là một công dân thế giới.
-oOo-
Như vậy, một vài đặc điểm của
Phật Giáo là thuần lý, thực tiễn, công hiệu, không bạo động, không quá kích,
khoan hồng, và đại đồng.
Trên hai ngàn năm trăm năm,
xuyên qua lịch sử nhân loại, Phật Giáo là một ảnh hưởng cao quý nhất có tánh
cách thống nhất, hòa hợp, và nâng đỡ con người.
Có những quốc gia nổi lên rồi
suy tàn. Có những đế quốc - xây dựng trên bạo lực và cường quyền - đã phồn
thịnh cực độ, rồi tan rã. Nhưng vương quốc của Pháp Bảo, kiến tạo bằng Từ bi và
Lý trí, đến nay vẫn còn thịnh vượng, và sẽ tiếp tục thịnh vượng, ngày nào mà
người Phật tử còn biết giữ gìn những quy tắc cao cả của Giáo Pháp.
Chú thích:
[1] Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm,
tập ii, trang 32. Kindred Sayings, phần ii, trang 27.
[2] Xem chú thích Chương 14.
[3] Majjhima Nikaya, Trung Hàm,
Cula Malunkya, số 63. Xem Chương 22.
[4] Xem Udana, vi, trang 4;
Woodward, Some Sayings of the Buddha, trang 287-288.
[5] Xem chú thích Chương 8.
[6] Sutta Nipata - Vasala Sutta.
Xem Phụ bản 3.
[7] Cùng bộ kinh Sutta Nipata,
trang 115.
[8] Majjhima Nikaya, Trung A
Hàm, tập II, trang 83-90.
[9] Psalms of the Sisters, phần
I, trang 82.
[10] Xem Kindred Sayings, phần
I, trang 162
[11] Xem Chương 10.
[12] Xem Kindred Sayings, phần
I, trang 270
[13] Jataka Translation, số 354