[39]
Phẩm hạnh A La Hán
"Dù ít tụng nhưng hành đúng
giáo lý, diệt tham, sân, si,
tri kiến chân chánh, tâm siêu thoát,không luyến ái, tại đây và về sau.
Người ấy sẽ chứng nghiệm thành quả
của đời sống phạm hạnh thiêng liêng." -- Kinh Pháp Cú
Trong Tam
Tạng kinh điển có rất nhiều Phật ngôn mô tả trạng thái vắng lặng và hạnh phúc
của một vị A La Hán, còn tạm trú trên thế gian cho đến khi ngũ uẩn chấm dứt, để
phục vụ những ai muốn tìm Chân Lý, bằng lời giáo huấn và gương lành trong sạch.
Kinh Pháp Cú ghi lại những Phật
ngôn sau đây:
Đối với người đã trải qua suốt
cuộc hành trình [1], chấm dứt mọi ưu phiền [2], hoàn toàn siêu thoát [3], cắt
đứt mọi trói buộc [4], nhiệt độ (tham ái) không còn nữa.[5] -- (câu 90)
Người tự lực cố gắng giữ tâm
niệm, không luyến ái, không đeo níu theo nơi trú ẩn nào; cũng tựa hồ như những
con thiên nga đã lìa ao hồ, người ấy rời bỏ nhà này đến nhà khác, và ra đi. [6]
-- (câu 91)
Những ai không tích trữ [7], giữ
chánh niệm khi dùng vật thực [8], những vị đã nhắm sự Giải Thoát, vốn hư không
và vô hình tướng, như đối tượng của mình [9]. Lộ trình của những vị ấy không
khác nào lộ trình của đàn chim bay trên không trung, không thể vẽ lại được. --
(câu 92)
Người tận diệt ô nhiễm, không luyến
ái vật thực, nhắm đến Giải Thoát, vốn hư không và vô tướng, như đối tượng của
mình. Con đường của Ngài không khác nào con đường của đàn chim bay trên không
trung, không thể vẽ lại. -- (câu 93)
Chư vị A La
Hán chứng nghiệm hạnh phúc Niết Bàn bằng cách chứng đắc Đạo Quả A La Hán trong
kiếp sống hiện tiền. Đã chế ngự lục căn như tuấn mã được huấn luyện thuần thục,
đã tiêu trừ ngã mạn và không còn ô nhiễm, người vững chắc như thế, chí đến chư
Thiên cũng quý mộ. -- (câu 94)
Như đất, người giữ tâm quân bình
và có nếp sống kỷ cương không còn xúc động. Người ấy như trụ đồng Indakhila
[10], như ao hồ phẳng lặng, không bị bùn đất làm nhơ bẩn. Với người có tâm quân
bình như thế [11], cuộc đi lang thang bất định của đời sống không còn lặp lại
nữa [12]. -- (câu 95)
Tâm trầm tĩnh, ngôn ngữ trầm
tĩnh, hành động trầm tĩnh, người ấy, hiểu biết chân chánh, trọn vẹn siêu thoát,
hoàn toàn tịnh lạc và quân bình. -- (câu 96)
Người không nhẹ dạ [13], thấu
triệt trạng thái Vô Sanh [14] (Niết Bàn), cắt đứt mọi hệ lụy [15], chấm dứt mọi
cơ hội [16] (cho điều thiện và điều ác phát sanh) [17], tận diệt mọi tham ái
[18], người ấy quả thật là tối thượng. -- (câu 97)
Dù ở làng mạc hay trong rừng
sâu, ở non cao hay trũng thấp [19], bất luận nơi nào mà vị A La Hán trú ngụ,
nơi ấy quả thật là tịnh lạc. -- (câu 98)
Quả thật tịnh lạc, chốn rừng sâu
mà người trần tục không thích ở. Người hết dục vọng [20] sẽ hoan hỷ an trú (ở
nơi ấy) vì các Ngài không tìm dục lạc. -- (câu 99)
Hạnh phúc thay, ta sống không
hận thù giữa đám người thù hận. Giữa những người thù hận, ta sống không thù
hận. -- (câu 197)
Hạnh phúc thay, ta sống mạnh
khỏe [21] giữa những người ươn yếu. Giữa đám người bệnh hoạn ta được sống mạnh
khoẻ. -- (câu 198)
Hạnh phúc thay, ta sống không
khao khát (dục lạc) giữa những người khao khát. Trong đám người tham ái ta sống
không dục vọng. -- (câu 199)
Hạnh phúc thay, ta sống không bị
chướng ngại. Dưỡng nuôi phỉ lạc, ta sẽ như các vị Trời trong cảnh Quang Âm
Thiên. -- (câu 200)
Người không còn bờ bên này [22]
hay bên kia [23], cũng không còn cả hai bên, bên này và bên kia, người thoát ly
phiền não và không còn bị ràng buộc [24] - Như Lai gọi ngườiay là Bà La Môn
(Brahmana). [25] -- (câu 385)
Người có hành thiền [26], sống
trong sạch và ẩn dật [27], hoàn thành nhiệm vụ và thoát ra khỏi mọi hoặc lậu
[28], người đã thành tựu Mục Tiêu Tối Thượng [29] - Như Lai gọi người ấy là Bà
La Môn. -- (câu 391)
Người đã cắt đứt mọi thằng thúc,
người không còn run sợ, đã vượt hẳn ra khỏi mọi ràng buộc, không dính mắc - Như
Lai gọi người ấy là Bà La Môn. -- (câu 397)
Người ấy đã cắt đứt dây cương
(sân hận), dây thừng (luyến ái), và dây nọng (tà kiến), cùng các món đồ bắt kế
(những khuynh hướng còn ngủ ngầm), vứt bỏ cây trục (vô minh), người đã giác ngộ
(Phật) [30] - Như Lai gọi người ấy là Bà La Môn. -- (câu 398)
Người không tức giận, chịu đựng
lời khiển trách, roi vọt, và hình phạt. Người lấy hạnh nhẫn nhục làm quân lực
(để tự bảo vệ) - Như Lai gọi người ấy là Bà La Môn. -- (câu 399)
Người không nóng giận, làm tròn
bổn phận [31], giới hạnh trang nghiêm, thoát khỏi ái dục, thu thúc lục căn và
mang xác thân ngũ uẩn này lần cuối cùng [32] - Như Lai gọi người ấy là Bà La
Môn. -- (câu 400)
Như nước trên lá sen, như hột
cải đặt trên đầu mũi kim, người không luyến ái dục lạc - người ấy, Như Lai gọi
là Bà La Môn. -- (câu 401)
Tại đây, trên thế gian này,
người chứng ngộ sự tận diệt phiền não của chính mình, người bỏ gánh nặng xong
bên đàng [33] và siêu thoát - người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 402)
Người có tri kiến thâm diệu,
người trí tuệ, thấu hiểu đường chánh nẻo tà [34], người đã thành đạt mục tiêu
tối thượng - Như Lai gọi người ấy là Bà La Môn. -- (câu 403)
Người không trìu mến hàng cư sĩ
cũng như hàng xuất gia, người du phương đó đây, không có một nơi ở nhất định,
người không còn tham ái - người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 404)
Người đã rời bỏ gậy gộc trong
khi tiếp xúc với chúng sanh, mạnh hay yếu, không sát sanh hoặc làm tổn thương
bất luận ai - Như Lai gọi người ấy là Bà La Môn. -- (câu 405)
Thân hữu giữa những người thù
nghịch, ôn hoà trong đám đông hung hăng, hỷ xả giữa người cố chấp [35] - Như
Lai gọi người ấy là Bà La Môn. -- (câu 406)
Nơi con người mà tham lam, sân
hận, ngã mạn và phỉ báng (không còn bám vào được) lả tả rơi như hột cải để đầu
mũi kim (phải rơi) - Như Lai gọi người ấy là Bà La Môn. -- (câu 407)
Người nói lời êm dịu, hiền hoà,
xây dựng, chân thật và không xúc phạm đến ai - người ấy, Như Lai gọi là Bà La
Môn. -- (câu 408)
Người không tham ái điều gì
trong thế gian này hay thế gian kế, người dập tắt dục vọng và siêu thoát - người
ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 410)
Người đã vượt khỏi điều thiện,
điều ác, và mọi ràng buộc [36], người không ưu phiền, không ô nhiễm và tinh
khiết - người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 412)
Ngh không bợn nhơ, người trong
sáng như mặt trăng, thanh tịnh, vắng lặng và không chao động [37], người đã
tuyệt trừ tham ái thủ hữu - người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 413)
Người đã tự tách rời ra những
ràng buộc trong cảnh người và vượt qua những thằng thúc của cảnh Trời, thoát ly
mọi hệ lụy - người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 417)
Người đã dứt bỏ ưa [38] và ghét
[39], thản nhiên, không bị ô nhiễm [40] làm hoen ố, người đã khắc phục thế gian
[41] và kiên trì cố gắng - người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 418)
Người không bám vào ngũ uẩn
trong quá khứ, vị lai hay hiện tại, không luyến ái (ái) và không bám chặt vào
(thủ) - người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 412)
Vô quý [42], cao thượng, anh
dũng, đại hiện thánh [43], người đã khắc phục [44], không còn dục vọng, người
ấy rửa sạch [45] (mọi ô nhiễm), đã giác ngộ [46] - người ấy, Như Lai gọi là Bà
La Môn. -- (câu 422)
Bậc hiền thánh đã thấu hiểu tiền
kiếp, đã thấy những cảnh hạnh phúc [47] và đau khổ [48], đã đến mức tận cùng
của mọi kiếp sống [49], người đã, với trí tuệ cao siêu, tự mình cải tiến [50],
hoàn tất [51] (đời sống phạm hạnh thiêng liêng) và chấm dứt mọi dục vọng -
người ấy, Như Lai gọi là Bà La Môn. -- (câu 423).
Chú thích:
[1] Suốt cuộc hành trình trong
vòng luân hồi: ám chỉ một vị A La Hán.
[2] Hành giả chấm dứt mọi ưu
phiền lúc đắc Quả A Na Hàm, tầng thứ ba trong bốn tầng thánh. Đến tầng ấy, hành
giả đã tận diệt mọi luyến ái đeo níu theo dục vọng và mọi hình thức bất mãn.
[3] Sabbadhi, hoàn toàn tự do,
thoát ra khỏi mọi dính mắc đối với ngũ uẩn v.v...
[4] Có bốn loại trói buộc
(gantha) là: a/ tham muốn (abhijja), b/ oán ghét (vyapada), c/ dễ duôi nương
theo nghi thức lễ bái và cúng tế (silabbataparamasa, giới cấm thủ), d/ cố chấp
trong thành kiến, khư khư chấp rằng thành kiến của mình là chân lý (idhamsaccabhinivesa,
kiến thủ).
[5] Những câu này ám chỉ phẩm
hạnh của một vị A La Hán. Có hai loại nhiệt độ: tinh thần và vật chất. Lúc còn
sống, một vị A La Hán còn thọ cảm nhiệt độ của thể xác, nhưng không quan tâm
đến. Tuy nhiên, Ngài không còn có nhiệt độ của tham vọng, hay lửa tham ái.
[6] Chư vị A La Hán đi lang
thang bất định, không luyến ái một nơi ở nhất định nào bởi vì các Ngài đã hoàn
toàn tự do, đã thoát ra khỏi mọi quan niệm về "Ta" và "Của
Ta".
[7] Có hai loại tích trữ là hoạt
động có liên quan đến nghiệp (tức tích trữ nghiệp hay hành), và bốn món cần
thiết trong đời sống của một vị tỳ khưu (tứ vật dụng: thuốc men, chỗ ở, y bát
và vật thực). Loại tích trữ đầu tiên có khuynh hướng kéo dài cuộc hành trình
trong vòng luân hồi. Tứ vật dụng, mặc dù cần thiết, có thể là một trở ngại cho
tiến bộ tinh thần.
[8] Dứt khoát từ bỏ mọi thèm
muốn về vật thực.
[9] Giải Thoát, hay Niết Bàn, là
thoát ra khỏi mọi phiền não (Vimokkha). Gọi là hư không vì còn lòng
tham-sân-si, chớ không phải Niết Bàn là hư vô, không có gì hết hay tuyệt diệt.
Niết Bàn là trạng thái siêu thế tích cực, không thể mô tả bằng ngôn ngữ tại
thế. Không có dấu vế của tham-sân-si, chư vị A La Hán chứng nghiệm quả vị Niết
Bàn lúc còn ở trong kiếp sống này. Nói rằng sau khi từ bỏ kiếp này, các Ngài sẽ
còn sống, "tại", hay hết sống, "bất tại", đều không đúng,
bởi vì Niết Bàn không phải vĩnh cửu cũng không phải hư vô. Không có cái gì để
vĩnh viễn hóa cũng không có cái gì, ngoại trừ khát vọng, để tuyệt diệt (hư vô
hoá).
[10] Indakhila là một cây cột
vừa vững chắc vừa cao của Trời Đế Thích, hoặc là cây trụ chánh ở cổng vào một
thị trấn.
Các nhà chú giải ghi nhận rằng
Indakhila này là những trụ cột vững chắc, dựng lên bên trong hay bên ngoài các
thị trấn cho đẹp mắt. Thông thường, các trụ cột này làm bằng gạch hoặc bằng gỗ,
hình bát giác. Những trụ cột này được chôn thật sâu dưới đất. Do đó có thành
ngữ "vững chắc như trụ Indakhila".
[11] "Tadi" là người
đã buông xả, không còn luyến ái những gì ưa thích, không bất mãn với điều không
vừa lòng, cũng không bám níu vào điều gì. Giữa tám điều kiện thăng trầm của thế
sự - được và thua, tán dương và khiển trách, danh thơm và tiếng xấu, hạnh phúc
và đau khổ - một vị A La Hán sống hoàn toàn bình thản. Tâm quân bình, không
chao động, không biểu hiện lòng ưa thích hay bất mãn, không hỷ hạ vui cười mà
cũng không lo âu sầu muộn.
[12] Bởi vì các Ngài không còn
sanh tử nữa.
[13] Assaddho, theo sát nghĩa là
không tín nhiệm hay không trung thành. Vị A La Hán không chấp nhận suông những
nguồn hiểu biết, vì chính Ngài đã tự chứng nghiệm chân lý.
[14] Akata, Vô Sanh, là Niết
Bàn. Akatannu cũng có thể được hiểu là người vô ân bạc nghĩa.
[15] Những dây nối liền trong
kiếp nhân sinh. Sandicchedo cũng có nghĩa là người phá nhà, một tên trộm.
[16] Hata + avakaso là người đã
tiêu trừ cơ hội.
[17] Vanta + aso, người ăn đồ ói
mửa, là một định nghĩa khác của danh từ này.
[18] Bằng bốn Thánh Đạo. Những
hình thức thô kịch của tham ái được chế ngự trong ba tầng Thánh đầu tiên. Hình
thức vi tế được tận diệt trong tầng cuối cùng.
[19] Nina và Thala, sát văn tự
là những lớp thấp và những đất cao, những thung lũng và những đồi cao.
[20] Chư
vị A La Hán đã dứt bỏ dục vọng,thích ở nơi vắng vẻ ẩn dật trong rừng sâu, nơi
mà người trần tục không thích.
[21] Khỏe mạnh, không còn những
chứng bệnh của tham ái.
[22] Bờ bên này, tức Param, lục
căn: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý.
[23] Bờ bên kia, tức Aparam, lục
trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
[24] Không dính mắc, không bị
ràng buộc vào điều gì như "Ta" và "Của Ta".
[25] Brahmana là một danh từ có
liên quan đến giai cấp Bà La Môn, giai cấp được ưu đãi nhất thời bấy giờ, và
cũng là danh từ để gọi những người theo đạo Bà la Môn. Mặc dù vậy ở đây
Brahmana có nghĩa là người đã hoàn tất Con Đường, người đã chứng nộ Đạo và Quả,
tức một vị Phật hay một vị A La Hán. Trong chương này danh từ Bà La Môn được
dùng theo ý nghĩa này.
[26] Người thực hành thiền Vắng
Lặng (Samatha, chỉ) và thiền Minh sát (Vipassana, quán).
[27] Asinam, người sống một mình
trong rừng, ẩn dật.
[28] Bằng cách chứng ngộ Tứ Diệu
Đế và tận diệt các Thằng Thúc.
[29] Tức chứng ngộ Niết Bàn.
[30] Đã thông suốt Tứ Diệu Đế.
[31] Bổn phận đối với đạo giáo.
[32] Vì người đã tận diệt dục
vọng không còn tái sanh nữa.
[33] Gánh nặng của ngũ uẩn.
[34] Người thông suốt con đường
dẫn đến những cảnh khổ, con đường dẫn đến các nhàn cảnh và con đường Niết Bàn.
[35] Những người còn thành kiến
ngã chấp, còn luyến ái ngũ uẩn.
[36] Những ràng buộc ấy là:
tham, sân, si, ngã mạn và tà kiến.
[37] Không bị ô nhiễm làm chao
động.
[38] Tức luyến ái, đeo níu theo
nhục dục ngũ trần.
[39] Arati, ghét bỏ, không chịu
cuộc sống ở chốn rừng sâu (theo bản Chú giải).
[40] Upadhi, bợn nhơ. Có bốn
loại upadhi là: ngũ uẩn (khanda), khát vọng (kilesa), tác hành (abhisankhara),
và dục lạc (kama).
[41] Thế gian là ngũ uẩn.
[42] Usabham, là con trâu cổ - Ý
nói người vô úy, không sợ sệt, như con trâu cổ.
[43] Mahesim, người tìm giới
định, tuệ, cao thượng.
[44] Vijitavinam, người đã khắc
phục mọi khát vọng.
[45] Nahatakam, người đã thanh
lọc mọi ô nhiễm.
[46] Buddham, người đã thông
suốt Tứ Diệu Đế.
[47] Sagga, là sáu cảnh Trời
Dục, mười sáu cảnh Trời Sắc Giới, bốn cảnh Trời Vô Sắc Giới. (Xem Chương 27).
[48] Apaya là bốn khổ cảnh.
[49] Jatikkhayam là đạo quả A La
Hán.
[50] Abhinnavosito tức là đến
mức cùng tột bằng cách thông suốt những điều phải được thông suốt, xa lìa những
điều phải xa lìa, chứng ngộ những gì phải chứng ngộ và trau dồi những gì phải
trau dồi (theo bản Chú giải).
[51] Sabbavositavosanam tức là
đã sống đời phạm hạnh thiêng liêng dẫn đến mức tận cùng là tuệ giác có liên
quan đến Con Đường A La Hán, chấm dứt mọi khát vọng.