[20]
Sự báo ứng của Nghiệp
"Chính Nghiệp dẫn dắt thế
gian nầy" -- Atthasalini
Sự báo
ứng của Nghiệp là một tiến trình vô cùng phức tạp mà chỉ có Đức Phật mới có thể
am tường thấu đáo. Để nhận thức phần nào vấn đề khó khăn ấy, ta cần phải biết
lịch trình tiến triển của dòng tư tưởng (citta vithi).
Tâm, hay thức, phần tinh túy của
cái được gọi là chúng sanh, đóng vai trò tối quan trọng trong guồng máy phức
tạp của con người. Chính tâm làm cho ta trong sạch, cũng chính tâm làm cho ta ô
nhiễm. Trong thực tế, tâm là người thù nguy hiểm nhất mà cũng là người bạn chí
thân của con người.
Khi ngủ say, không chiêm bao
mộng mị, tâm của ta ở trong một trạng thái ít nhiều tiêu cực, tương tợ như
trạnh thái tâm của người vừa chết, hay lúc được thọ thai. Danh từ Phật Giáo gọi loại
tâm ấy là Bhavanga, hay yếu tố
của đời sống. Bhavanga cũng có nghĩa là nguyên do tối cần, hay điều kiện tối
cần để tồn tại. Phát sanh và hoại diệt từng khoảnh khắc, luồng Bhavanga trôi
chảy như một dòng suối, luôn luôn biến đổi, không khi nào giống hệt nhau trong
hai chập tư tưởng kế tiếp.
Không phải chỉ lúc ngủ mê không
nằm mộng ta mới có loại tâm Bhavanga, mà lúc thức cũng có. Trong đời sống, ta
có loại tâm ấy nhiều hơn tất cả những loại tâm khác. Do đó Bhavanga là điều
kiện tối cần thiết cho đời sống.
Có vài học giả cho rằng Bhavanga
đồng nghĩa với tiềm thức. Theo Tự Điễn Triết Học [1], tiềm thức là một ngăn
trong tâm mà vài tâm lý gia và triết gia cho rằng ngăn ấy nằm cạnh phía dưới
ngưỡng cửa của thức.
Theo các triết gia tây phương,
tiềm thức và thức cùng tồn tại trong cùng một lúc [2]. Nhưng theo Phật Giáo,
hai loại tâm không thể tồn tại trong cùng một lúc.
Bhavanga không phải là một
"hạ tầng cảnh giới" cũng không như "tâm cao thượng" của
F.W. Myer. Hình như trong tất cả nền triết học Âu Tây, không có khoảng nào đề
cập đến cái gì như Bhavanga.
Bhavanga là yếu tố chánh yếu duy
trì cuộc sống. Danh từ gần Bhavanga nhất có lẽ là "Liên Tục Sinh
Tồn", có nơi gọi là "Luồng Hộ
Kiếp", vì nó là điều kiện tất yếu cho kiếp sống sinh tồn.
Nếu không bị ngoại cảnh xâm
nhập, như lúc ngủ say không mộng mị, thì những chập tư tưởng Bhavanga liên tục
nối tiếp như dòng nước. Khi có một đối tượng xuất hiện - vật chất hay tinh thần
- thí dụ như một hình sắc, thì luồng Bhavanga rung động trong hai chập tư
tưởng, rồi tắt. Lúc luồng Bhavanga vừa tắt thì "ngũ môn hướng tâm"
hay "ngũ khai môn" (pancadvaravajjana) phát sanh và hoại diệt. Tác
động của tâm nầy là hướng về đối tượng, trong trường hợp nầy đối tượng là hình
sắc. Tức thì, nhãn thức (cakkhu-vinnana) thấy đối tượng, nhưng chưa biết gì. Kế
đó là "tiếp thọ tâm", hay "tâm tiếp thâu" (sampaticchana).
Tiếp theo là "suy đạc tâm" (santirana) quan sát, dò xét đối tượng.
Rồi "xác định tâm" (votthapana) phân biệt, lựa chọn, thu nhận hay
loại bỏ. Đến đây là vai trò của tự do ý trí. Do nơi chập tư tưởng quyết định,
phát sanh tiến trình Javana, một giai đoạn tối quan trọng, vì chính ở giai đoạn
nầy hành động thiện hay bất thiện biểu hiện. Chính Nghiệp được tạo nên trong
giai đoạn nầy.
Nếu quyết định chánh đáng
(yoniso manasikara) thì tạo thiện nghiệp. Nếu quyết định sai lầm (ayoniso
manasikara) thì tạo bất thiện nghiệp. Mặc dầu đối tượng có đáng được ưa thích
hay không, ta vẫn có thể tạo một tiến trình Janava thiện hay bất thiện theo ý
muốn. Thí dụ như khi gặp người thù nghịch, tức nhiên là sự giận dữ phát sanh
ngoài ý muốn của ta. Nhưng bậc thiện trí thức có thể chế ngự tâm mình, thay vì
nổi giận, rải tâm Từ đến người ấy. Vì lý do đó mà Đức Phật dạy:
"Làm
ác do ta.
Làm cho ta nhơ bẩn do nơi ta.
Không làm ác do ta.
Làm cho ta trong sạch cũng do nơi ta.
Cả hai, nhơ bẩn và trong sạch, chỉ tùy thuộc nơi ta.
Không ai khác có thể làm cho ta trong sạch. [3]"
Dĩ nhiên là trong đời sống, tư
tưởng của ta bị rất nhiều yếu tố bên ngoài chi phối như giới thân cận, tập tục,
lễ nghi v.v... Trong những trường hợp ấy thì tự do ý trí cũng bị lũng đoạn. Tuy
nhiên, dầu ở trường hợp khó khăn nào, ta cũng có đủ khả năng dùng tự do ý chí
vượt qua các áp lực bên ngoài và tạo những tư tưởng thiện hay bất thiện. Một
người thân cận có thể là yếu tố có nhiều ảnh hưởng, nhưng chính ta phải chịu
trách nhiệm về tất cả các hành động của ta và chỉ có hành động của ta mới theo
sát ta như bóng với hình.
Javana là một
Phạn ngữ rất khó chuyển dịch ra ngôn ngữ khác. Vài học giả dịch là "trực
cảm". Danh từ "xung lực"
đôi khi cũng được dùng. Trong quyển sách nầy, Phạn ngữ Javana được giữ nguyên
vẹn.
Theo đúng nguyên căn, Javana có
nghĩa là chạy, bởi vì trong tiến trình tâm, mỗi loại thường phát sanh trong
một, hai, hay ba chập tư tưởng, chỉ có tâm Javana phát sanh liên tiếp trong bảy
chập lúc bình thường và năm chập khi lâm chung, và tất cả bảy chập đều cùng
chung một đối tượng. Những tâm sở phát sanh trong bảy chập tư tưởng ấy đều giống
hệt nhau, nhưng năng lực thì không đồng đều, có chập mạnh có chập yếu hơn.
Tiến trình tâm (citta vithi),
hay lộ trình tiến triển của một tư tưởng, một thời gain cực nhỏ, chấm dứt bằng
"đăng ký tâm" hay "tâm ghi nhận" (tadalambana) trong hai
chập. Như vậy, trọn lộ trình tư tưởng có tất cả mười bảy chập.
Kinh sách thường diễn tả lịch
trình tiến triển của tâm như sau:
"Người kia nằm dưới gốc cây
xoài, lấy khăn trùm đầu lại, ngủ mê. Một ngọn gió thổi qua làm rung động nhánh
cây và một trái xoài rụng xuống cạnh bên đầu anh chàng đang ngủ. Anh tung khăn
ra và hướng tầm mắt về phía có tiếng động. Thấy một vật, anh cầm lên, quan sát
và nhận ra đó là một trái xoài. Anh hả miệng cạp ăn, và nuốt cùng với nước
miếng. Xong, nằm xuống ngủ lại."
Trong câu truyện, giấc ngủ say
là luồng Bhavanga yên tĩnh trôi chảy. Ngọn gió thoảng qua cây xoài là tâm
"Bhavanga vừa qua" (atiti Bhavanga ). Nhánh cây rung động là tâm
"Bhavanga rung động" (Bhavanga calana). Trái xoài rụng là tâm
"Bhavanga dứt vòng" (Bhavanga upaccheda). Hướng về đối tượng là
"ngũ môn tâm hướng" (pancadvaravajjana). Thấy đối tượng mà chưa biết
gì là "ngũ quan thức" (panca vinnana), trong trường hợp nầy là nhãn
thức. Nhặt lên là "tiếp thọ ". Quan sát là "suy đạc tâm".
Nhận định rằng đó là một trái xoài là "xác định tâm". Chính sự thưởng
thức trái xoài là tiến trình Javana (7 chập), va sự nuốt miếng xoài, là
"đăng ký tâm". Khi ăn xong trái xoài người kia nằm ngủ lại, là khi
trãi qua trọn lộ trình thì tâm trở lại trạng thái Bhavanga.
Tóm lại mỗi lộ trình tư tưởng
chia làm 17 chập: 3 chập Bhavanga, 1 ngũ môn hướng tâm, 1 ngũ quan thức, 1 tiếp
thọ tâm, 1 suy đạc tâm, 1 xác định tâm, 7 chập Javana và 2 chập đăng ký, như
sau:
Chập tâm
|
Lộ Trình Tiến
Triển Của Một Tư Tưởng
|
1
|
Atita Bhavanga
(Bhavanga vừa qua)
|
2
|
Bhavanga Calana
(Bhavanga rung động)
|
3
|
Bhavanga Upaccheda
(Bhavanga dứt vòng)
|
4
|
Pancadvaravajjana
(Ngũ môn hướng tâm)
|
5
|
Panca Vinnana
(Ngũ quan thức)
|
6
|
Sampaticchana
(Tiếp thọ tâm)
|
7
|
Santirana
(Suy đạc tâm)
|
8
|
Votthapana
(Xác định tâm)
|
9
|
Javana
(Xung lực)
|
10
|
11
|
12
|
13
|
14
|
15
|
16
|
Tadalambana
(Đăng ký tâm)
|
17
|
Trong 7 chập tư tưởng của tiến
trình Javana, chập đầu có năng lực tạo Nghiệp yếu nhất nên trổ quả trong kiếp
hiện tại, gọi là "Hiện Nghiệp" (dittha dhamma vedaniya kamma, nghiệp
có hiệu năng tức khắc trong hiện tại). Nếu không trổ sanh trong kiếp hiện tại
thì quả ấy sẽ tiêu mất, gọi là quả không trổ sanh, hay "Nghiệp Vô Hiệu
Lực" (Ahosi).
Chập tư tưởng yếu kế đó là chập
thứ 7 của tiến trình Javana. Quả của chập nầy trổ sanh trong kiếp sống kế liền
sau kiếp hiện tại, gọi là "Hậu Nghiệp" (upapaja vedaniya kamma,
nghiệp có hiệu năng liền kế đó). Nghiệp nầy trổ quả kế tiếp theo, cũng tự nhiên
trở nên vô hiệu lực nếu không trổ sanh trong kiếp kế liền đó.
Quả của 5 chập tư tưởng còn lại,
từ chập 2 đến chập 6 của tiến trình Javana, có thể trổ sanh bất cứ lúc nào
trong vòng luân hồi, từ kiếp kế kiếp hiện tại đến lúc hoàn toàn giải thoát, gọi
là "Nghiệp Vô Hạn Định" (aparapariya vedaniya kamma, quả trổ sanh
trong thời gian vô hạn định).
A. Phân loại theo Thời gian
Như vậy, theo thời gian, Nghiệp
có thể được phân loại như sau:
1.-
Hiện Nghiệp (Dittha dhamma vedaniya kamma), quả trổ sanh trong kiếp hiện tại.
2.- Hậu Nghiệp (Upapajja vedaniya kamma), quả trổ sanh trong kiếp kế kiếp hiện
tại.
3.- Nghiệp Vô Hạn Định (Aparãpariya vedaniya kamma), quả trổ sanh không nhất
định lúc nào trong thời gian chưa đắc Quả Niết Bàn.
4.- Nghiệp Vô Hiệu Lực (Ahosi Kamma).
Những câu chuyện thí dụ:
Hiện
nghiệp
a) Quả lành trổ sanh trong kiếp
hiện tại.
Hai vợ chồng kia chỉ có một cái áo
(choàng theo lối người Ấn). Khi chồng có việc đi đâu, mặc áo, thì vợ phải ở
nhà. Nếu vợ đi thì chồng ở nhà. Một ngày kia, chồng đi nghe Đức Phật thuyết
pháp, lấy làm thỏa thích, khởi sanh ý muốn dâng lên Đức Phật cái áo duy nhất
ấy, nhưng lòng luyến ái cố hữu của con người trỗi dậy, và một cuộc tranh đấu
diễn ra bên trong anh. Sau cùng, tâm bố thí chế ngự lòng luyến ái. Anh hết sức
vui mừng, reo lên: "Ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng", và hành
động đúng y sở nguyện, dâng cái áo lên Đức Phật.
Câu truyện lọt đến tai vua. Đức
vua lấy làm hoan hỷ, truyền lệnh ban cho anh 32 bộ áo. Người chồng có tâm đạo
nhiệt thành ấy lựa ra hai bộ, một bộ cho mình và một bộ cho vợ, còn lại bao
nhiêu dâng hết lên Đức Phật. [4]
b) Quả dữ trổ sanh kiếp hiện
tại.
Một người thợ săn dắt bầy chó
vào rừng kiếm thịt, thấy bên đàng một vị tỳ khưu đang đi khất thực. Hôm ấy anh
đi cả buổi mà không săn được gì, người thợ săn lấy làm bực tức cho rằng vì gặp
vị đạo sĩ giữa đàng, đó là điềm xấu nên xui xẻo. Lúc trở về lại gặp vị đạo sĩ ấy
nữa, người thợ săn nổi giận xua chó cắn, mặc dù vị tỳ khưu kia hết lời năn nỉ
van lơn. Không còn cách gì khác nữa, vị tỳ khưu bèn trèo lên cây để tránh bầy
chó dữ. Người thợ săn chưa đã nư giận, chạy đến gốc cây, dương cung bắn lên,
nhằm bàn chân vị tỳ khưu. Trong lúc sợ hãi mất bình tỉnh và vô cùng đau đớn, vị
tỳ khưu đánh rơi cái y của mình xuống, chụp lên đầu và bao trùm lên mình thợ
săn. Bầy chó dữ thấy một người đang lúng túng trong bộ y vàng ngỡ là nhà sư đã
té xuống nên áp lại cắn xé chủ mình. [5]
Hậu
Nghiệp: Quả trổ sanh trong kiếp kế liền, sau kiếp hiện tại.
Có người làm công cho nhà triệu
phú nọ, một người rằm, sau khi làm việc cực nhọc ngoài đồng, chiều về thấy cả
nhà đều thọ bát quan ngày ấy. Mặc dầu chỉ còn có nửa ngày, anh liền xin thọ
giới và nhịn đói buổi chiều. Bất hạnh thay, sang hôm sau anh qua đời. Nhờ tâm
trong sạch nghiêm trì bát quan trai giới, anh tái sanh lên cõi trời.
Vua Ajatasattu (A Xa Thế), con
Vua Bình Xa Vương (Bimbisara), liền sau khi chết, tái sanh vào cảnh khổ vì mang
trọng tội giết cha.
Nghiệp
Vô Hạn Định: Quả trổ sanh bất cứ lúc nào,từ kiếp kế kiếp hiện tại đến
lúc giải thóat hoàn toàn.
Không ai có thể lẫn thoát ra
khỏi Nghiệp nầy. Chư Phật và chư vị A La Hán cũng không thể tránh khỏi quả dữ
của những Nghiệp đã gieo trong thời dĩ vãng.
Đức A La Hán Moggallana (Mục
Kiền Liên), trong một kiếp quá khứ xa xôi, đã nghe lời người vợ tàn ác âm mưu
ám hại cha mẹ [6]. Do hành động sai lầm ấy, Ngài đã trãi qua một thời gian lâu
trong cảnh khổ và, trong kiếp cuối cùng, bị một bọn cướp giết chết.
Đức Phật bị vu oan là giết chết
một nữ tu sĩ theo đạo lõa thể. Kinh sách chép rằng sở dĩ Đức Phật phải chịu
tiếng oan như vậy là vì trong một tiền kiếp, Ngài đã thiếu lễ độ với một vị Độc
Giác Phật.
Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) toan
giết Đức Phật, lăn đá từ trên núi cao làm trầy chân Ngài. Kinh sách chép rằng
vào một tiền kiếp xa xôi, Đức Phật đã lỡ tay giết người em khác mẹ trong một vụ
tranh chấp tài sản.
B. Phân loại theo Tác động
Theo một lối phân loại khác, căn
cứ trên tác động, Nghiệp chia làm bốn:
1.-
Nghiệp Tái Tạo (Janaka Kamma)
2.- Nghiệp Trợ Duyên (Upatthambhaka Kamma)
3.- Nghiệp Bổ Đồng (Upapidaka Kamma)
4.- Nghiệp Tiêu Diệt (Upaghataka Kamma)
Theo Phật Giáo, chập tư tưởng
cuối cùng của đời sống thật quan trọng, vì trong giờ phút lâm chung, Nghiệp
lành hay dữ có năng lực mạnh nhất tạo điều kiện cho sự tái sanh liền kế đó.
Nghiệp ấy gọi là Nghiệp Tái Tạo (Janaka Kamma).
Cái chết của một chúng sanh chỉ
là sự "sự gián đoạn tạm thời của một hiện tượng tạm thời". Mặc dầu
thể xác hiện tại hoại diệt nhưng một hình thể khác sẽ phát sanh thích ứng tùy
theo tư tưởng mạnh nhất trong giờ lâm chung, và hình thể sau nầy không hoàn
toàn giống hình thể trước mà cũng không tuyệt đối khác. Thể xác tan rã, nhưng
luồng Nghiệp lực vẫn tồn tại. Tiến trình tư tưởng cuối cùng ấy, gọi là
"Nghiệp Tái Tạo", quyết định cảnh giới của kiếp sống tới.
Thông thường, tiến trình tư
tưởng cuối cùng của một người tùy thuộc nơi phẩm hạnh của người ấy trong đời
sống. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đặc biệt mà ngoại cảnh tạo cơ hội thuận lợi
hay bất lợi, làm cho một người tốt có thể có những tư tưởng xấu, hay người xấu
có những tư tưởng tốt lúc thở hơi cuối cùng. Chính chập tư tưởng cuối cùng ấy
tạo điều kiện cho sự tái sanh trong kiếp kế. Trong trường hợp nầy phẩm hạnh của
người kia trong đời sống không đem lại ảnh hưởng nào cho sự tái sanh. Nhưng,
như vậy không có nghĩa là quả phải có của những hành động trong quá khứ đã tiêu
tan mất. Quả ấy sẽ trổ sanh đúng lúc và tương xứng với nhân đã gieo.
Những biến đổi bất ngờ trong lúc
tái sanh giải thích vì sao có những đứa con hung dữ, xấu xa, trong một gia đình
lương thiện và những người hiền lành đạo đức sanh trưởng trong một gia đình hư
hèn tàn ác.
Nghiệp Tái Tạo cũng có thể bị
Nghiệp quá khứ chen vào để trợ lực hay để làm suy nhược và ngăn trở. Những ảnh
hưởng và duy trì gọi là "Nghiệp Trợ Duyên" (Upatthambhaka Kamma).
Những ảnh hưởng làm suy nhược và
ngăn trở gọi là "Nghiệp Bổ Đồng" (Upapidaka Kamma).
Theo định luật Nghiệp Báo, khả
năng trổ quả của Nghiệp Tái Tạo cũng có thể bị một Nghiệp quá khứ khác, nghịch
chiều và mạnh hơn, hoàn toàn tiêu diệt một cách bất ngờ, cũng như một chướng
ngại vật chận đứng sức tiến của một làn tên bay đến là rơi mũi tên xuống đất.
Ảnh hưởng phản nghịch ấy gọi là "Nghiệp Tiêu Diệt" (Upaghataka Kamma).
Nghiệp nầy mạnh hơn hai Nghiệp trên vì chẳng những gây trở ngại mà còn tiêu
diệt hoàn toàn năng lực của một Nghiệp khác.
Trường hợp của Devadatta (Đề Bà
Đạt Đa) được sanh trưởng trong hoàng tộc. Nghiệp Trợ Duyên giúp Ngài trưởng
thành trong hoàn cảnh tiện nghi, sung túc. Đến khi manh tâm chia rẽ Tăng Già,
tạo Nghiệp Bổ Đồng, do Nghiệp nầy Ngài bị trục xuất ra khỏi Giáo Hội và phải
chịu nhục nhã. Sau cùng, Nghiệp Tiêu Diệt dẫn ông vào khổ cảnh.
C. Phân loại theo Báo ứng
Căn cứ trên khả năng báo ứng
(vipakadanavasena), Nghiệp có thể phân làm bốn loại:
1.-
Trọng Nghiệp (Garuka Kamma ),
2.- Cận Tử Nghiệp (Asanna Kamma ),
3.- Thường Nghiệp (Acinna Kamma ),
4.- Tích Trữ Nghiệp (Katatta Kamma ).
Loại Nghiệp đầu tiên là
"Trọng Nghiệp" (Garuka Kamma ), có nghĩa là hành động trọng yếu,
nghiêm trọng, một cái Nghiệp nặng, vì nó chắc chắn trổ quả trong kiếp hiện tại
hay kế tiếp, sau kiếp hiện tại. Nếu là một Trọng Nghiệp thuộc về loại
"thiện "thì đó là kết quả của thiền (Jhana). Người đắc tứ Thiền Sắc
Giới chẳng hạn thì hưởng quả vị của Thiền ấy ngay trong kiếp hiện tại hay trong
kế tiếp.
Nếu là một Trọng Nghiệp thuộc về
loại "bất thiện", thì đó là hậu quả của năm tội ác, Anantariya Kamma,
Ngũ Nghịch Đại Tội, tức là: giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán, gây thương
tích cho Đức Phật, và gây chia rẽ Tăng Già.
Đức Phật có lưu ý hàng đệ tử
rằng nếu không phạm tội giết cha thì Vua Ajatasattu (A Xà Thế) đã đắc quả Tu Đà
Hườn rồi. Trong trường hợp nầy Trọng Nghiệp bất thiện được gây ra trước, và
ngăn cản tiến bộ tinh thần về sau.
Nếu không có một Trọng Nghiệp
làm điều kiện cho sự tái sanh trong kiếp kế liền đó, thì "Cận Tử
Nghiệp"(Asanna Kamma ) là nghiệp dắt dẫn đi thọ sanh. Cận Tử Nghiệp là
hành vi cuối cùng, hay hành vi nào mà chập tư tưởng cuối cùng nhớ đến trước khi
lâm chung. Vì lẽ ấy, trong các xứ Phật Giáo thường có tập tục nhắc nhở người
sắp lìa trần những hành vi tốt đẹp của họ trong đời sống, giúp đỡ, khuyến khích
họ tạo một vài nghiệp lành ngay trước giờ lâm chung như đọc kinh, niệm Phật, bố
thí v.v...
Đôi khi người xấu có thể chết
một cách yên ổn và tái sanh vào cảnh giới hữu phúc nếu họ được may mắn hồi nhớ
lại, hoặc làm một điều thiện trong giờ phút cuối cùng. Như vậy không có nghĩa
là người ấy - dầu tái sanh trong nhàn cảnh - tránh khỏi quả dữ của nhân ác đã
gieo trong quá khứ.
Mặc khác, một người lành có thể
thọ sanh trong cảnh khổ vì bất thình lình trong giờ phút cuối cùng lại có một
hành vi hay tư tưởng bất thiện. Trong trường hợp nầy cũng vậy, nhân lành đã
gieo sẽ trổ quả đúng lúc, nhưng vì có chập tư tưởng bất thiện cuối cùng, người
ấy phải chịu tái sanh trong cảnh khổ.
Loại nghiệp thứ ba là 'Thường
Nghiệp" (Acinna Kamma). Thường Nghiệp là hành động hằng ngày, những việc
làm mà ta thường lập đi lập lại, hay thường nhắc nhở, nhớ đến, và ưa thích hơn
hết. Những thói quen, lành hay dữ, dần dần trở thành bản chất và ít nhiều uốn
nắn tâm tánh con người. Trong khi nhàn rỗi tâm thường duyên theo những tư
tưởng, những hành vi quen thuộc một cách tự nhiên, lắm khi vô ý thức. Cùng một
thế ấy, trong giờ phút lâm chung, trừ khi bị một ảnh hưởng nào mạnh hơn, ta
thường nhớ lại những hành vi và tư tưởng quen thuộc. Như bác sĩ thì nhớ bệnh
nhân, giáo sư thì nhớ cử tọa v.v...
Sau cùng là "Nghiệp Tích
Trữ"(Katatta Kamma ), bao gồm tất cả những trường hợp không có kể trong ba
loại nghiệp trên. Những trường hợp nào không nằm trong ba loại nghiệp kể trên
gom chung lại thành một loại: Nghiệp Tích Trữ. Nghiệp nầy giống như cái vốn dự
trữ của một cá nhân.
D. Phân loại theo Cảnh giới
Lối phân loại cuối cùng căn cứ
trên những cảnh giới mà quả có thể trổ sanh. Theo lối nầy quả có thể chia làm
bốn:
1.- Những hành động bất thiện
(akusala) tạo quả trổ sanh trong Dục Giới (kamaloka),
2.- Những hành động thiện (kusala), tạo quả tái sanh trong Dục Giới,
3.- Những hành động thiện, tạo quả tái sanh trong Sắc Giới (rupaloka), và
4.- Những hành động thiện, tạo quả tái sanh trong Vô Sắc Giới (arupaloka).
Những
Hành Động Bất Thiện Tạo Quả Trổ Sanh Trong Dục Giới
Có mười hành động bất thiện, tạo
nghiệp dữ. Trong 10 hành động ấy,
- Ba biểu hiện bằng việc làm (thân
nghiệp ) là: sát sanh (panatipata), trộm cắp (adinnadana), và tà dâm (kamesu
micchacara)
- Bốn biểu hiện bằng lời nói
(khẫu nghiệp) là: nói dối (musavada), nói đâm thọc (pisunavaca), nói lời thô lỗ
cộc cằn (pharusavaca), nói nhảm nhí vô ích (samphappalapa).
- Ba biểu hiện bằng tư tưởng (ý
nghiệp ) là: tham lam (abhijjha), sân hận (vyapada), và tà kiến (micchaditthi).
Sát sanh là cố ý giết chết một
chúng sanh. Trong Phạn ngữ Panatipata, "pana" có nghĩa là đời sống
tâm-vật-lý của một chúng sanh. Xem thường đời sống, tiêu diệt, cắt đứt, ngăn
chặn sức tiến của năng lực một đời sống, không để nó tiếp tục trôi chảy là
panatipata.
"Pana" có nghĩa là cái
gì đó có hơi thở. Do đó tất cả những động vật - gồm cả loài thú - đều được xem
là "pana". Cây cỏ không có phần tinh thần, tuy nhiên giới luật hàng
xuất gia không cho các vị tu sĩ xâm phạm đến đời sống của cỏ cây. Giới nầy
không áp dụng cho người cư sĩ.
Có năm chi tạo nghiệp sát sanh:
1.- Có một chúng sanh; 2.- Biết rằng đó là một chúng sanh; 3.- Ý muốn giết; 4.-
Cố gắng để giết; 5.- Chính hành động giết chết.
Nghiệp bất thiện được gây nên do
hành động sát sanh nặng hay nhẹ tùy tánh cách quan trọng của chúng sanh bị
giết, lành hay dữ, lớn hay nhỏ v.v... Giết một bậc vĩ nhân hiền đức hay một con
thú to lớn tạo nghiệp nặng hay là giết một tên sát nhân hung dữ hay một sinh
vật bé nhỏ, vì sự cố gắng để thực hiện hành động sát sanh và tai hại gây ra
quan trọng hơn. Quả dữ của nghiệp sát sanh là mạng yểu, bệnh hoạn, buồn rầu,
đau khổ vì nạn chia ly và lo sợ.
Có năm chi tạo nghiệp trộm cắp:
1.- Có một vật thuộc sở hữu của người khác; 2.- Biết như vậy; 3.- Có ý muốn
đoạt vật ấy làm sở hữu của mình; 4.- Cố gắng trộm cắp; 5.- Chính hành động trộm
cắp. Quả đương nhiên của nghiệp trộm cắp là nghèo nàn, khốn khổ, thất vọng và làm
thân nô lệ.
Có bốn chi tạo nghiệp tà dâm là:
1.- Ý nghĩ muốn thỏa mãn nhục dục; 2.- Cố gắng tiếp theo; 3.-Tìm phương tiện để
đạt mục tiêu; 4.- Chính hành động tà dâm. Quả đương nhiên của nghiệp tà dâm là
có nhiều kẻ thù, đời sống gia đình (giữa vợ và chồng) không có hạnh phúc, tái
sanh làm đàn bà hay người bán nam bán nữ.
Có bốn chi tạo nghiệp nói dối:
1.- Có sự giả dối (không chân thật) trong lời nói; 2.- Ý muốn làm người khác
hiểu sai sự thật; 3.- Thốt ra lời; 4.- Tạo sự hiểu biết sai lạc cho người khác.
Quả đương nhiên của nghiệp nói dối là bị mắng chửi nhục mạ, tánh tình đê tiện,
không ai tín nhiệm và miệng thúi.
Có bốn chi tạo nghiệp nói đâm
thọc: 1.- Có những người sẽ là nạn nhân của sự chia rẽ; 2.- Ý muốn phân ly
những người ấy hay muốn lấy lòng một người; 3.- Cố gắng thực hiện tình trạng
phân ly; 4.- Thốt ra lời nói đâm thọc. Quả của nghiệp nói đâm thọc là bị chia
rẽ với bạn bè.
Có ba chi để tạo nghiệp nói thô
lỗ: 1.- Một người khác; 2.- Tư tưởng sân hận; 3.- Thốt ra lời thô lỗ. Quả của
nghiệp nói thô lỗ là không làm gì ai cũng bị ghét, tiếng nói khàn khàn.
Có hai chi tạo nghiệp nói nhảm:
1.-Ý muốn nói chuyện nhảm nhí; 2.- Thốt ra lời nói nhảm. Quả của nghiệp nói
nhảm là thân thể không nở nang đều (có một bộ phận nào trong mình yếu kém), lời
nói không rõ ràng minh bạch làm cho người ta không tin.
Có hai chi tạo nghiệp tham lam:
1.- Vật sở hữu của người khác; 2.- Tâm thèm muốn, ước mong được làm chủ vật ấy.
Quả của nghiệp tham lam là không được mãn nguyện.
Có hai chi để tạo nghiệp sân
hận: 1.- Một người khác; 2.- Tư tưởng muốn tạo phiền não cho người đó. Quả của
nghiệp sân hận là thân hình xấu xa, nhiều bệnh hoạn và bẩm tánh khó thương.
Tà kiến là thấy sự vật không
đúng, hiểu biết sai lầm, tin rằng không có quả báo.
Có hai chi để tạo nghiệp tà
kiến: 1.- Nhìn sự vật một cách sai lầm; 2.- Khư khư cố chấp quan niệm sai lầm
ấy. Hậu quả đương nhiên của tà kiến là: ham muốn thấp hèn, thiếu trí tuệ, kém
thông minh, bệnh hoạn kinh niên và có những tư tưởng đáng chê trách.
Theo Phật Giáo có 10 loại tà
kiến:
1.-
Tin rằng không có gì gọi là "để bát"(dinnam). Câu nầy hàm ý là để bát
chư Tăng không đem lại lợi ích gì.
2.- Tin rằng không có gì là "cúng đường"(ittham), hay
3.- "dâng tặng"(hutam). Nơi đây cũng vậy hai câu nầy có nghĩa là để
bát cúng dường Đức Phật và chư Tăng, bố thí vật thực và dâng tặng vật dụng đến
những người cần món ấy không đem lại lợi ích gì.
4.- Tin rằng không có nhân quả. Hành động thiện hay bất thiện đều không gây hậu
quả nào.
5.- Tin rằng không có gì gọi là "thế gian nầy", hay
6.- "Thế gian tới", tức những người sanh ở đây không chấp nhận có
kiếp quá khứ và những người ở đây không chấp nhận một đời sống vị lai.
7.- Tin rằng không có "mẹ", hay "cha". Hai câu nầy ngụ ý
rằng đối xử với cha mẹ như thế nào cũng không đem lại hậu quả gì.
9.- Tin rằng không có chúng sanh chết và tái sanh.
10.- Tin rằng không có những bậc tu sĩ xa lánh chốn phồn hoa đô hội, tìm nơi
vắng vẻ để hành thiền và những bậc thiện trí thức, đức độ cao cả, đạo hạnh
trang nghiêm đã chứng đạt Đạo Quả (ám chỉ chư Phật và chư vị A La Hán ).
Nghiệp
Lành Tạo Quả Trổ Sanh Trong Lục Giới
Có 10 loại hành động tốt tạo
nghiệp lành (kusalakamma) trổ quả trong Dục Giới là:
1.-
Bố thí (dana) hay là lòng quảng đại rộng rãi;
2.- Trì Giới (sila);
3.- Tham thiền (bhavana);
4.- Lễ bái (apacayana), biết trọng người đáng kính;
5.- Phục vụ (veyyavacca);
6.- Hồi hướng phước báu (pattidana);
7.- Hoan hỷ với phước báu của người khác (anumodana), tâm Hỷ;
8.- Nghe Pháp (dhamma savana);
9.- Hoằng Pháp (dhamma desana); và
10.- Củng cố chánh kiến của mình (ditthijjukamma).
Đôi khi thiện nghiệp thứ bẩy
được chia làm hai: "tán dương phước báu của người khác" (pasamsa)
được thêm vào cùng "hoan hỷ với phước báu của người khác"
(anumodana). Điểm thứ 10, chánh kiến cũng được chia làm hai là qui y Tam
Bảo(tisarana) và niệm (anussati).
Nếu tính như thế ấy thì mười
thiện nghiệp trở thành mười hai.
Đức khoan dung quảng đại hay
"Tâm Bố Thí" tạo quả dưới hình thức được nhiều của cải, sự nghiệp.
"Trì Giới" đem lại sự tái sanh trong gia tộc quý phái và hoàn cảnh an
lành hạnh phúc. "Tham Thiền" đưa đến sự tái sanh trong Sắc Giới và Vô
Sắc Giới và nâng đỡ, đưa hành giả đến giác ngộ và giải thoát. Quả của sự
"Hồi Hướng Phước Báu" là được một đời sống sung túc, dồi dào phong
phú. "Hoan Hỷ với phước báu của người khác" đem lại trạng thái an
vui, bất luận trong cảnh giới nào. "Nghe Pháp" và "Hoằng
Pháp" đem lại trí tuệ. "Kính Trọng Người Đáng Kính"là nhân tạo
quả được có thân bằng quyến thuộc quý phái thượng lưu. "PhụcVụ" tạo
quả dưới hình thức có nhiều người theo hầu hạ và giúp đỡ. "Tán Dương Hành
Động của kẻ khác" đem lại hậu quả là được nhiều người khen tặng. "Quy
Y Tam Bảo" sớm chấm dứt phiền não. "Niệm" đem lại hạnh phúc dưới
nhiều hình thức.
Thiện
Nghiệp Tạo Quả Có Thể Trổ Sanh Trong Sắc Giới
Sau đây là năm tầng thiền Sắc
Giới (Rupa Jhanas) [7] hoàn toàn thuộc về tâm:
1.-
Tâm thiện của sơ thiền, gồm: tầm (vitakka), sát (vicara), phỉ (piti), lạc
(sukha), và trụ (ekaggata).
2.- Tâm thiện của nhị thiền gồm: sát, phỉ, lạc, trụ.
3.- Tâm thiện của tam thiền gồm: phỉ, lạc, trụ.
4.- Tâm thiện của tứ thiền gồm: lạc và trụ, và
5.- Tâm thiện của ngũ thiền gồm: xả (upekkha) và trụ.
Mỗi tầng trong năm tầng thiền ấy
đều là nhân tạo quả tương xứng cho hành giả thọ hưởng trong cảnh sắc giới, sau
khi từ bỏ xác thân nầy.
Thiện
Nghiệp Tạo Quả Trổ Sanh Trong Vô Sắc Giới
Có bốn tầng Thiền Vô Sắc tạo quả
cho hành giả thọ hưởng trong những cảnh trời Vô Sắc:
1.-
Tâm thiện đeo níu trạng thái "không vô biên thiên"(Akasanancayatana).
2.- Tâm thiện đeo níu trạng thái "thức vô biên thiên"
(Vinnanancayatana)
3.- Tâm thiện đeo níu trạng thái "vô sở hữu
thiên"(Akincannacayatana).
4.- Tâm thiện đeo níu trạng thái "phi tưởng, phi phi tưởng
thiên"(Nevasanna nasannayatana). [8]
Chú thích:
[1] Dictionary of Philosophy.
[2] Theo triết học Phật Giáo,
không lúc nào không có một loại tâm đang đeo níu một đối tượng, vật chất hay
tinh thần. Nói cách khác, tâm luôn luôn có đối tượng. Đối tượng của tâm có thể
là vật chất như tiếng động, hình sắc hay tinh thần như một tư tưởng, tâm Từ
chẳng hạn. Mỗi chập tư tưởng phát sanh rồi hoại diệt và, trước khi diệt, tạo
điều kiện cho chập tư tưởng kế tiếp phát sanh. Sự tồn tại của một chập tư tưởng
như vậy nhanh đến độ giác quan của con người khó có thể ý thức được. Những nhà
chú giải ghi nhận rằng trong thời gian một cái nhoáng, có hằng tỷ tỷ chập tư
tưởng phát sanh và hoại diệt.
[3] Dhammapada, Kinh Pháp Cú,
câu 165.
[4] Buddhist Legends -
Dhammapadatthakatha, phần 2, tr. 262.
[5] Buddhist Legends, trang 282.
[6] Theo một vài quyển sách,
chính ông đã giết mẹ.
[7] Theo Vi Diệu Pháp Toát Yếu,
Abhidhammatha Sangaha, Thiền Sắc Giới (Rupa Jhana) có năm tầng, nhưng sách
Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Đạo, chỉ nêu lên bốn tầng. Không có nhiều khác biệt
giữa hai lối giải thích. Theo Vi Diệu Pháp, mỗi tầng Thiền (Jhana) tương ứng
với một chi thiền (tầm, sát, phỉ, lạc, trụ). Trong sách Thanh Tịnh Đạo tầnh nhị
thiền không còn hai chi tầm, sát nữa mà chỉ gồm ba chi thiền: phỉ, lạc, trụ.
[8] Để có thêm chi tiết, xem
"A Manual of Abhidhamma", tác giả Narada Thera, trang 43-56.