[18]
Nghiệp Báo
"Tất cả chúng sanh đều có
cái nghiệp của mình." -- Trung A Hàm
Định luật
nhân quả trong lĩnh vực tinh thần đạo đức là Nghiệp Báo, Kamma [1].
Tái Sanh là hệ luận tự nhiên của
Nghiệp. Nghiệp Báo và Tái Sanh là hai giáo lý căn bản trong đạo Phật có liên
quan mật thiết với nhau.
Từ trước thời Đức Phật, hai học
thuyết Nghiệp Báo và Tái Sanh đã được truyền bá sâu rộng tại Ấn Độ. Tuy nhiên,
chính Đức Phật đã giải thích tận tường và trình bầy đầy đủ Giáo Pháp cao siêu
ấy, đến nay vẫn còn lưu truyền.
Vì sao có sự bất đồng trong nhân
loại?
Ta phải giải thích thế nào những
chênh lệch tựa hồ như bất công trong thế gian?
Tại sao có hạng người sanh
trưởng trong cung điện nguy nga, giàu sang vinh hiển, trí tuệ xuất chúng, đạo
hạnh thanh cao, thân hình tráng kiện, trong khí ấy có kẻ khác lại phải chịu
sống trong cảnh cùng đinh, cơ hàn khốn khổ? Tại sao người kia có tiền của ức
triệu mà người nọ lại thiếu trước hụt sau? Tại sao có người thông minh tuyệt
vời và có kẻ tối tăm ngu muội? Tại sao người nầy được sanh ra với bản tánh hiền
lương của các bậc thánh nhân, kẻ nọ lại sẵn nết hung dữ từ khi lọt lòng mẹ? Tại
sao có hạng thần đồng thông suốt nhiều thứ tiếng, có hạng thần đồng về môn toán
học, thần đồng về khoa hội họa, văn chương, âm nhạc v.v...? Tại sao có những
trẻ em sanh ra đã mù, điếc, câm, ngọng hoặc kỳ hình dị thể? Tại sao có những
trẻ em vừa mở mắt chào đời đã được hưởng mọi phước lành, và có em lại bị xem
như một tội khổ?
Có chăng những nguyên nhân nhất
định, tạo nên hoàn cảnh chênh lệch trong thế gian? Nếu không, những trạng thái
bất đồng kể trên hẳn là những sự kiện ngẫu nhiên sảy ra hoàn toàn do sự may
rủi.
Bậc trí tuệ không thể tin nơi sự
may rủi mù quáng và không chấp nhận lối giải thích bằng sự ngẫu nhiên.
Trong thế gian nầy không có điều
chi xảy đến cho người nào mà không do một hay nhiều nguyên nhân. Quả vui, quả
khổ của những người đang gặt hái đều trổ sanh do những nhân tốt hay xấu đã tạo,
hoặc trong kiếp hiện tại, hoặc trong những kiếp quá khứ. Nhưng với lý trí phàm
tục, với sự hiểu biết tùy thuộc nơi giác quan của nhục thể, không dễ gì thấu
triệt những nguyên nhân vô hình và phức tạp của guồng máy thế gian. Ta chỉ thấy
hiển hiện trước mắt cái quả đang trổ mà không thấy được tất cả các nguyên nhân
vi tế đã tạo điều kiện cho quả ấy phát sanh, vì nhân kia không phải hoàn toàn
được tạo nên trong kiếp hiện tại mà có thể được rải rác gieo trồng từ vô lượng
tiền kiếp.
Có chăng những bậc cao minh sáng
suốt, tiếp nhận được bằng tuệ giác những điều mà mắt thịt tai phàm không thể
nghe thấy? Phật Giáo xác nhận rằng có thể có.
Vài hệ thống tín ngưỡng chủ
trương rằng tất cả các sự khác biệt trong đời đều do một nguyên nhân duy nhất,
và nguyên nhân ấy là do sự quyết định tối cao của Đấng Tạo Hóa. Đức Phật không
nhìn nhận có một Đấng Tạo Hóa toàn tri, toàn năng, tạo ra càn khôn vũ trụ.
Các nhà bác học hiện đại giải
thích thế nào sự chênh lệch của nhân loại?
Căn cứ trên sự cảm nhận của giác
quan, nhà khoa học cho rằng tình trạng bất đồng kia do những nguyên nhân vật lý
và hóa học hổn hợp, do truyền thống và do giới thân cận.
Nhà sinh lý học trứ danh, ông
Julien Huxley, có viết như sau:
"Mầm giống sơ khởi cấu tạo
con người là những đơn vị sinh lý gọi là "gene" (gene là những cực vi
tế bào trong tinh trùng do đó mầm giống của cha truyền sang con gọi là định
luật truyền thống).
Có những loại "gene"
tạo ra màu sắc cho cơ thể. Có loại chi phối bề cao, sức nặng. Có loại ảnh hưởng
tới khả năng sinh sản, tuổi thọ, và sức khỏe của con người. Cũng có loại
"gene" ảnh hưởng đến hình hài thể vóc. Phần lớn các đặc tánh di
truyền, nếu không phải là tất cả, đều do các đơn vị sinh lý "gene"
chi phối.
"Riêng về những đặc tính
tinh thần - phức tạp và tế nhị hơn - thật khó mà chứng minh một cách cụ thể.
Mặc dầu có những sự kiện hiển nhiên có sự di truyền thuộc về tinh thần, nhưng
không có hiện tượng nào xác nhận rằng những đặc điểm tinh thần từ ông bà cha mẹ
truyền xuống cho con cháu phải theo một thể thức nào giống như thể thức truyền
thống về xác thịt.
"Mọi truyền thống, tinh
thần và vật chất, bằng cách nầy hay cách khác, đều tùy thuộc nơi tác động tương
quan giữa các bẩm thụ "gene" mà mỗi người mang trong mình từ lúc mới
được thọ thai."
Ta phải nhìn nhận rằng tất cả
các hiện tượng lý-hóa mà nhà khoa học hiện đại nêu lên đã giải thích một phần
vấn đề. Tuy nhiên các hiện tượng lý-hóa ấy không thể là nguyên nhân duy nhất
quyết định sự khác biệt tế nhị giữa những cá nhân. Nếu thuyết truyền thống hoàn
toàn là đúng, nếu con cái nhất định phải giống cha mẹ, thì ta phải giải thích
thế nào trường hợp hai bé sanh đôi, thụ hưởng một thứ sanh khí, một thứ
"gene", được nuôi dưỡng in như nhau, tại sao bẩm tánh của mỗi em lại
khác? Trí tuệ và tánh nết lại càng khác biệt.
Truyền thống không đủ để giải
thích chỗ âm u sâu rộng của vấn đề chênh lệch trong đời. Đúng ra, thuyết nầy
giải thích những chỗ giống nhau nhiều hơn là chứng minh những điểm dị biệt. Hạt
"gene" cực kỳ vi tế - lối một phần ba chục triệu của một phân Anh
(1/30.000.000 inch) - chỉ giải thích được một phần vấn đề, phần vật chất. Đối
với sự chênh lệch tinh thần, trí tuệ đạo đức, vô cùng phức tạp và tế nhị hơn,
chúng ta vẫn còn cần nhiều tia sáng khác. Truyền thống không thể giải thích tại
sao có những đứa con hung dữ, sát nhân, trong một gia đình có tiếng là lương
thiện, và trái lại, có những trẻ con hiền từ, sanh trưởng trong một gia đình
hung ác. Thuyết truyền thống cũng không thể giải thích do đâu có những thần
đồng, những bậc vĩ nhân, những bậc Đại Giáo Chủ v.v...
Luận về thuyết truyền thống,
Tiến sĩ Th. Pascal viết như sau trong quyển "Reincarnation":
"Quay về vai trò của bẩm
thụ "gene" trong vấn đề truyền thống, chúng ta lập lại rằng bẩm thụ
vật lý"gene" tự nó giải thích phần vật chất của con người. Về khả
năng trí thức và đạo hạnh, bẩm thụ "gene" không rọi được tia sáng
nào. Nếu bẩm thụ "gene" cấu tạo được trọn vẹn con người, ta sẽ tìm
thấy trong mọi người tất cả bẩm tánh của cha mẹ và không khi nào có những tánh
khác.
"Như vậy sẽ không có những
người con sát nhân trong gia đình lương thiện và cũng không có những bậc hiền
nhân sanh trưởng trong gia đình hung ác. Trong đời sống hằng ngày ta có thể gặp
hai đứa trẻ sinh đôi, cùng cha, cùng mẹ, cùng thừa hưởng một bẩm thụ của cha
mẹ, cùng được sanh ra trong những điều kiện như nhau, cùng trưởng thành trong
những điều kiện như nhau, cùng trưởng thành trong một giới thân cận, thân hình,
mày mặt thật giống nhau, những một đứa thì hiền lương, còn một đứa thì hung ác
tàn bạo. Ngoài ra, số trẻ thần đồng cũng khá nhiều và đủ làm bối rối các học
giả chủ trương thuyết truyền thống. Nếu đi ngược dòng thời gian, phăng mãi lên
trong gia phả các vị thần đồng, ta có thể tìm được chăng những vị tổ tiên cũng
thần đồng như vậy? Vậy, không phải tất cả bẩm tánh và trí tuệ của con người đều
do nơi cha mẹ, ông bà, cũng không truyền lại hết cho con. Bằng chứng là trong
hàng con cháu của Mozart, Beethoven và Dantes không có một thần đồng hay một vĩ
nhân nào, và trong phạm vi của các nhà duy-vật-học, chưa có gì chứng minh được
thuyết truyền thống một cách thiết thực.
"Về mặt thể xác, không phải
tất cả đặc điểm vật lý của cha mẹ đều được truyền hết cho con, trí tuệ và tính
nết mỗi người con một khác [2] và nhiều gia đình lương thiện lấy làm đau khổ mà
sanh ra những đứa con ngỗ nghịch bất lương."
Phật Giáo cũng nhìn nhận có phần
ảnh hưởng của sự truyền thống và của giới thân cận, nhưng cho rằng không đủ.
Phật Giáo thêm vào đấy định luật Nghiệp Báo (Kamma), tức là sự tổng hợp các
hành động khác trong quá khứ và hiện tại. Chính chúng ta phải lãnh phần trách
nhiệm về những hành động của chúng ta trong quá khứ và gặt hái hoàn cảnh an vui
hay đau khổ trong hiện tại. Chính ta tạo thiên đàng cho ta. Cũng chính ta tạo
địa ngục cho ta. Ta là người xây dựng tương lai của ta. Chính ta tạo cái mà
người thế gian gọi là Định Mệnh.
Nguyên Nhân của Sự Chênh Lệch
Thuở Đức Phật còn tại tiền, có
chàng thanh niên tên Sudha, thắc mắc trước trạng huống bất đồng giữa loài
người, muốn tìm chân lý, đến gần Ngài và bạch rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, vì lý do
nào và nguyên nhân nào trong đời có người yểu (appayuka) và có người thọ
(dighayuka), người bệnh hoạn (bavhabadha) và người khoẻ mạnh (appabadha), người
xấu xa (dubbanna) và người đẹp đẽ (vannavanta), có hạng người làm gì cũng không
ai làm theo, nói chi cũng không ai nghe (appesakka) và hạng người có thế lực,
làm gì cũng có người theo, nói chi cũng có người nghe (mahesakka), có người
nghèo khổ (appabhopga) và người giàu sang (mahabhoga), có người sanh trưởng
trong gia đình bần tiện (nicakulina) và có người dòng dõi cao sang
(uncakulina), có người dốt (duppanna) và có người trí tuệ (pannavanta)?
Đức Phật trả lời vắn tắt như thế
nầy:
"Tất cả chúng sanh đều mang
theo cái Nghiệp (Kamma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như
người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi
khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh. [3]"
Rồi Đức Phật giải thích cho
Subha nghe từng trường hợp:
"Nếu người kia trọn đời chỉ
biết sát sanh, người thợ săn chẳng hạn, bàn tay luôn luôn đẩm máu, hằng ngày
sống trong sự giết chóc và gây thương tích không chút xót thương. Do tính hiếu
sát ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ là một người có mạng
"yểu".
"Nếu người kia luôn luôn
thận trọng, không hề xác phạm đến tính mạng của ai, sống xa gươm đao, giáo mác
và các loại khí giới, lấy lòng tứ ái đối với tất cả chúng sanh.Do sự không sát
sanh (Tâm Từ) ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ trường "
thọ".
"Nếu người kia độc ác, luôn
luôn tìm cách hại người, luôn luôn dùng đấm đá và gươm đao đối sử với mọi
người. Do nết hung dữ, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ ươn yếu bệnh
hoạn.
"Nếu người kia không bao
giờ làm tổn thương ai khác. Do đức tánh hiền lương nhu hòa, nếu tái sanh trong
cảnh người, người ấy sẽ được mạnh khỏe.
"Nếu người kia thô lỗ, cộc
cằn, luôn luôn giận dữ, chưởi mắng, nguyền rủa kẻ khác.Do hậu quả của sự thô
lỗ, cộc cằn ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, người ấy sẽ xấu.
"Nếu người kia thanh tao
nhã nhặn, dầu ai có chưởi mắng thậm tệ cũng không hề oán giận và tìm cách trả
thù. Do hậu quả của phong thái thanh nhã ấy, nếu tái sanh trong cảnh người,
người ấy sẽ đẹp đẽ.
"Nếu người kia có tánh đố
kỵ, thèm thuồng, ham muốn lợi danh của kẻ khác, không biết tôn kính người đáng
kính, luôn luôn chứa chấp lòng ganh tỵ. Do hậu quả của tính tật đố ganh ấy, nếu
tái sanh trong cảnh người, sẽ là người có ảnh hưởng, nói gì không ai nghe, làm
gì không ai theo.
"Nếu người kia không có
tánh đố kỵ, không thèm ham muốn lợi danh của người khác, biết tôn trọng người
đáng kính, không chứa chấp lòng ganh tỵ. Do ảnh hưởng của tâm không ganh tỵ ấy,
nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người có thế lực, nói gì cũng có người
nghe, làm gì cũng có người theo.
"Nếu người kia không bao
giờ biết bố thí vật gì. Do tánh keo kiết, bám níu vào tài sản sự nghiệp của
mình, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người nghèo nàn thiếu thốn.
"Nếu người kia giàu lòng
quảng đại, tánh ưa bố thí. Do lòng quảng đại rộng rãi ấy, nếu tái sanh trong
cảnh người, sẽ là người giàu có dư dã.
"Nếu người kia không biết
phục thiện, tánh ưa kiêu hãnh, không tôn trọng người đáng kính. Do tánh ngạo
mạn và vô lễ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người đê tiện thấp hèn.
"Nếu người kia biết phục thiện,
tánh không kiêu hãnh, biết tôn trọng người đáng kính. Do đức tính biết phục
thiện và có lễ độ ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người sang trọng
quyền quý.
"Nếu người kia không chịu
gần người có tài đức để học hỏi điều hay lẽ phải và phân biệt chánh tà. Do sự
kém học ấy, nếu tái sanh trong cảnh người, sẽ là người dốt.
"Nếu người kia cố công tìm
đến người có tài đức để học hỏi. Do sự học hỏi chánh đáng ấy, nếu tái sanh
trong cảnh người, sẽ là người thông minh trí tuệ." [4]
Trên đường tái sanh luân hồi,
con người chịu ảnh hưởng của nghiệp quá khứ nhiều hơn truyền thống.
Như trường hợp của Đức Phật.
Ngài đã thọ sanh nhờ tinh trùng, minh châu và bẩm thụ "gene" của cha
mẹ cũng như mọi chúng sanh. Nhưng về mặt thể chất cũng như về phương diện tinh
thần, trong quý tốc, từ tổ tiên mấy đời xuống đến Ngài, không ai có thể sánh
với Ngài. Đức Phật đã có lần dạy rằng Ngài không thuộc dòng dõi vua chúa mà
thuộc dòng của chư Phật, chắc chắn Đức Phật là bậc siêu nhiên. Ngài sanh ra với
cái nghiệp phi thường mà chính Ngài đã tạo nên từ vô lượng kiếp.
Theo kinh Lakkhana Sutta [5],
Đức Phật sanh ra với tướng mạo khác thường - 32 đặc điểm phi thường - là do bao
nhiêu công đức cao dày mà ngài đã tạo ra trong vô lượng kiếp quá khứ. Kinh
Lakkhana Sutta cũng giải thích rành mạch mỗi tướng tốt của Đức Phật, tướng nào
phát sanh do nhân nào.
Trường hợp hy hữu của Đức Phật
chứng tỏ rằng năng lực của Nghiệp chẳng những chi phối cơ thể mà còn vượt lên,
làm mất phần hiệu năng của tinh trùng, minh châu và bẩm thụ "gene"
của cha mẹ. Vì thế Ngài dạy rằng :
"Ta là kẻ thừa hưởng những
hành vi tạo tác của ta như một di sản từ quá khứ truyền lại."
Đề cập đến sự khác biệt giữa
chúng sanh, sách Atthasalini ghi rằng:
"Do sự khác biệt giữa cái
nghiệp mỗi chúng sanh nên có trạng thái chênh lệch trong sự tái sanh. Người
sanh ra sang cả, kẻ thì đê hèn. Người sanh ra trong sự khinh khi nguyền rủa, kẻ
thì được tôn trọng kính vì. Người được hạnh phúc an vui từ lúc lọt lòng mẹ, kẻ
lại khổ sở khốn cùng.
"Do sự khác biệt giữa cái
nghiệp mỗi chúng sanh nên có sự khác nhau về hình dung, sắc diện: người thì đẹp
đễ, kẻ lại xấu xa, người cao, người thấp, kẻ thì tuấn tú phương phi, người thì
kỳ hình dị tướng.
"Do sự khác biệt giữa cái
nghiệp mỗi chúng sanh nên có trạng thái chênh lệch trong xã hội như được, thua,
danh thơm, tiếng xấu, được ca tụng hay bị khiển trách, hạnh phúc hay đau
khổ."
"Do
nghiệp, thế gian luân chuyển.
Do nghiệp, chúng sanh tồn tại.
Và cũng do nghiệp, mà chúng sanh vướng víu.
Liên kết với nhau như bánh xe,
cấu hợp, dính liền và quây tròn quanh cái trục.
Do
nghiệp, chúng sanh được vinh hạnh tôn sùng.
Do nghiệp, chúng sanh chịu cảnh nô lệ tôi đòi,
Bị nạn độc tài đàn áp và đi đến chỗ bại vong.
Đã biết rằng nghiệp sanh quả
Tại sao vẫn tin rằng:
"Trong đời nầy không có nghiệp báo? [6]
Tóm tắt, theo Phật Giáo, những
sự chênh lệch về tinh thần, đạo đức, trí tuệ và bẩm tánh, một phần lớn đều tùy
thuộc hành động và khuynh hướng của chúng ta trong quá khứ và trong hiện tại,
tức là nghiệp.
Không Phải Tất Cả Đều Do Nghiệp
Mặc dầu chủ trương rằng nguyên
nhân chánh tạo nên hoàn cảnh chênh lệch trong đời sống là sự khác biệt giữa cái
Nghiệp mỗi chúng sanh, Phật Giáo không quả quyết rằng tất cả đều do nơi Nghiệp.
Nói cách khác, Nghiệp không phải là nguyên nhân duy nhất tạo nên những khác
biệt, những sự chênh lệch giữa chúng sanh. Định luật Nghiệp Báo tuy quan trọng,
chỉ là một trong 24 nguyên nhân (Paccaya) [7] trong đời sống được mô tả trong
triết hoặc Phật Giáo. Để điều chỉnh quan niệm sai lầm cho rằng:"Những quả
lành, dữ, hay không-lành, không-dữ, tất cả đều phát sanh do những hành động [8]
(nghiệp đã tạo ra) trong quá khứ (Pubbekatehetu)", Đức Phật dạy:
"Nếu luận như vậy và quả
quyết rằng do những hành động trong quá khứ mà con người trở thành sát nhân,
trộm cướp, dâm loàn, láo xược, thô lỗ, nhảm nhí, tham lam, xảo quyệt, hư hèn,
thì ta có lý do để ỷ lại, dựa trên quá khứ mà không muốn thực hiện, không cố
gắng thực hiện,và cũng không cần thiết phải thực hiện, hay không thực hiện, một
hành động, dầu hành động ấy có đáng thực hiện hay không. [9]"
Đoạn kinh quan trọng trên đây
đính chánh một quan điểm sai lầm chủ trương rằng tất cả những xảy ra trong lãnh
vực tinh thần cũng như vật chất, đều do tiền nghiệp mà phát sanh.
Nếu kiếp sống hiện tại tuyệt đối
do hành động quá khứ chi phối hay hoàn toàn do tiền nghiệp chủ động thì định
luật Nghiệp Báo chẳng có gì khác hơn là Thuyết Định Mệnh hay Tiền Định. Không
ai còn tự do để cải thiện đời sống mình, trong hiện tại hay trong tương lai,và
tự do ý trí chỉ là một điều phi lý. Đời sống trở nên hoàn toàn tự động và con người
không mấy khác biệt với một cái máy.
Tin rằng chúng ta được sanh ra
do một đấng Tạo Hóa Toàn Năng, toàn quyền định đọat số phận và sắp đặt trước
định mạng mà, dầu muốn dầu không, ta không thể nào thay đổi được, hoặc tin rằng
cái Nghiệp tạo ra số phận và định đoạt đời sống của chúng ta thì có gì khác
nhau? Có khác chăng chỉ ở hai danh từ.
Thuyết định mạng như vậy không
phải là định luật Nghiệp Báo trong Phật Giáo.
Năm Niyama (Định Luật)
Theo Phật Giáo có năm định luật,
hay tiến trình (Niyama) [10] tác động trong lĩnh vực vật chất và tinh thần. Đó
là :
1. Utu Niyama, là định luật vật lý có liên quan đến tiến trình
của những sự vật vô cơ như hiện tượng thời tiết, mưa, gió, nhiệt, hàn v.v...
bốn mùa tám tiết và đặc tánh của mỗi mùa như hạ thì nóng, đông thì lạnh cũng
nằm trong định luật nầy.
2. Bija Niyama, là định luật vật lý có liên quan đến tiến trình
của những sự vật hữu cơ như cây cỏ. Do định luật nầy thì mầm nào sanh giống đó.
Cây lúa thì do bột lúa, cây cam thì do hột cam, vị ngọt do đường, mía, mật ong
mà ra v.v... Lý thuyết khoa học về tế bào và bẩm thụ gene trong việc thọ thai
cũng do định luật nầy chi phối. Sự giống nhau về phương diện vật lý của hai trẻ
sanh đôi cũng vậy.
3. Kamma Niyama, là định luật nhân quả hay là sự tiến triển từ
hành động, thiện hoặc ác, đến quả, lành hay dữ. Nhân gieo thì quả trổ. Nhân
lành đem lại quả tốt. Nhân ác đem lại quả xấu. Đó là định luật thiên nhiên, quả
phải trổ sanh do nhân như vậy, chớ không phải là hình thức thưởng hay phạt.
Tiến trình từ nhân đến quả cũng tự nhiên và cần thiết như sự xoay chuyển của
mặt trăng quanh mặt trời. Đó là nguyên tắc nhân quả tương xứng của định luật
Nghiệp Báo.
Nguyên tắc của luật nhân quả là
quả trổ liên tục. Một nhà bác học tìm tòi, học hỏi, thâu thập được nhiều kiến
thức và kinh nghiệm trong đời sống, đến lúc chết và tái sanh, tất cả những kinh
nghiệm và kiến thức ấy cũng được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. Đối khi ta
phảng phất nhớ lại một vài kinh nghiệm và kiến thức trong kiếp trước, nhưng lắm
lúc ta quên hẳn, cũng như ta quên một vài kinh nghiệm và kiến thức đã thu thập
lúc còn nhỏ, trong cùng một kiếp sống. Do nguyên tắc quả trổ liên tục có những
trường hợp thần đồng nhạc sĩ, họa sĩ, sử học gia, ngôn ngữ gia v.v..., những em
bé chưa học mà nói được nhiều thứ tiếng.
4. Dhamma Niyama, là định luật của vạn pháp, như những hiện tượng
xảy ra khi một vị Bồ Tát đản sanh trong kiếp chót, luật hấp dẫn lực và những
định luật khác trong vũ trụ v.v... đều có thể liệt vào lịch trình tiến triển
nầy.
5. Citta Niyama, là định luật tâm lý, như tiến trình tâm, sự cấu
tạo phần tâm linh, những năng lục của tâm như thần giao cánh cảm, hiểu biết quá
khứ vị lai, huệ nhãn, huệ nhĩ, tha tâm htông, và những hiện tượng tượng tương
tợ mà khoa học hiện đại chưa giải thích được.
Năm lịch trình tiến triển tự nó
là những định luật dựa theo đó ta có thể giải thích tất cả những hiện tượng tâm
lý cũng như vật lý.
Nghiệp Báo chỉ là một trong năm
định luật ấy.
Cũng như tất cả định luật trong
vũ trụ, năm lịch trình tiến triển kể trên không do một oai lực thiêng liêng
huyền bí nào tạo nên.
Định luật liên quan đến sự tiến
triển vật lý, loại vô cơ, loại hữu cơ, định luật của vạn pháp (Dhamma Niyama)
là những lịch trình tiến triển ít nhiều tự động, mặc dầu trong một giới hạn
nào, trí thông minh của con người cũng có thể kiểm soát được. Thí dụ như lửa
nóng có đặc tánh làm phỏng da, tiết lạnh đến mức độ nào thì làm đông nước,
nhưng cũng có người có thể đi trên lửa mà không bị phỏng mà cũng có người khỏa
thân ngồi trên tuyết lãnh sơn mà không sao. Những người trồng hoa chuyên nghiệp
có thể tạo những cảnh vườn tụyêt đẹp với các loại hoa trái mùa, người luyện
phép du dà (yoga) có thể dùng oai lực thần bí nâng cao một vật nặng.
Định luật thuộc về phần tâm linh
cũng như máy móc như các định luật khác, nghĩa là cũng tác động một cánh hồn
nhiên, tự động, vô ý thức, không cần kích thích, không tùy thuộc nơi ý muốn nào
bên ngoài. Khi nhân đã gieo thì, do Nghiệp Báo, quả phải trổ.
Công phu tu tập trong Phật Giáo
nhằm mục đích kiểm soát tâm, và sự kiểm soát nầy có thể thực hiện được nhờ hiểu
biết chân chánh và tư tưởng trong sạch. Luật nhân quả tác động một cách rất máy
móc. Khi Nghiệp quá nặng thì dầu con người có muốn cũng không thể sửa đổi hậu
quả nghiêm khắc của nó. Nhưng trong những trường hợp ấy cũng vậy, Chánh Kiến là
tác ý trong sạch có thể sửa chữa phần nào cái Nghiệp. Trong một giới hạn nào
Nghiệp lành có thể làm dịu bớt quả dữ.
Định luật nhân quả thật phức
tạp. Chỉ có Đức Phật mới thấu hiểu được cội nguồn của nó.
Mục tiêu tối hậu của người Phật
tử là tận diệt Nghiệp.
Chú thích:
[1] Sanskrit là Karma.
[2] Đại tá Ingersol viết như sau
về văn hào trứ danh nước Anh, ông Shakespeare. "Cả cha lẫn mẹ ông
Shakespeare đều không biết đọc biết viết. ông Shakespeare trưởng thành trong
một làng bé nho giữa những người dốt".
[3] Kammassaka manava satta,
Kammadayada, Kammayoni, Kammabandhu, Kammapatisarana, Kamma satte vibhajati
yadidam hinappanitataya'ti. (Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, bài kinh
Cullakammavibhanga Sutta, số 135).
Xem lời giải đáp của Đại đức
Nagasena cho Vua Milinda về vấn đề nầy. Warren, Buddhism in Translation, trang
214.
[4] Về sự báo ứng của nghiệp,
khi đề cập đến mối tương đồng giữa nhân và quả (nhân nào tạo quả ấy), Tiến sĩ
Crimm có viết như sau:
"Trong tất cả những trường
hợp tương tợ, ta có thể dẫn chứng dễ dàng rằng đinh luật tương đồng có tác dụng
điều chỉnh và chuyển hướng cho thức tái sanh phối hợp với một tế bào mới. Như
người kém lòng từ bi, giết chóc người và vật một cách dễ dàng, đã ôm ấp dưỡng
nuôi sâu kín trong lòng bản tánh sát sanh.
"Người ấy sẽ không ngần ngại
và lắm khi cũng lấy lòng thỏa thích mà giết một sanh mạng, tức là cắt đứt một
sự sống của một chúng sanh, hay nói cách khác, là thâu ngắn đời sống của một
chúng sanh. Tức nhiên mầm giống có khuynh hướng sát sanh, mầm giống có bẩm tánh
thâu ngắn đời sống, thấm nhuần trong người ấy và đến lúc chết, do định luật
tương đồng, bị hấp dẫn đến một cảnh giới cũng có những khuynh hướng tương tợ,
và trong cảnh giới ấy đương nhiên đời sống bị thu ngắn lại. Cùng một thế ấy,
người có tâm ác, vui thích trong việc hành hạ chúng sanh và làm cho kẻ khác đau
đớn tật nguyền cũng nuôi sâu kín trong lòng mầm giống hung ác ấy. Khi chết - do
định luật tương đồng, cái gì giống nhau có sức hấp dẫn lẫn nhau, xấu hút xấu,
tốt hút tốt - tâm ác sẽ bị thu hút đến những cảnh giới cũng hung ác như vậy,
với năng lực tạo nên một thân thể xấu xa dị tướng.
"Một người có tánh nóng
giận hằng kích thích những mầm giống có tính chất làm cho sắc diện trở nên xấu
xa. Vì đổi sắc diện là đặc tánh của sự giận dữ.
"Người nào có tánh ganh tỵ,
keo kiệt, kiêu hãnh, hằng tích trữ những bẩm chất thù hận, ác cảm, khinh rẻ kẻ
khác, những khuynh hướng khai triển mầm giống tương xứng với cảnh nghèo khổ
v.v...
"Đó dĩ nhiên, chỉ là hậu
quả của nghiệp đã tạo trong quá khứ, có thể thay đổi tánh nam hay tánh nữ, như kinh
Digha Nikaya, Trường A Hàm, số 21 có thuật rằng Gopiksa, vì bà rất ghét tâm
tánh đàn bà và do đó tự tạo cho mình một bẩm tánh đàn ông". The Doctrine
of the Buddha, trang 191.
[5] Digha Nikaya, Trường A Hàm,
iii, trang 112, số 30.
[6] The Expositor, trang 65,
chương 87.
[7] Xem Compendium of
Philosophy, trang 191, Manual of Abhidhamma, tác giả Narada Thera.
[8] Hành động bằng thân, khẩu
hay ý.
[9] Angutatara Nikaya, Tăng Nhứt
A Hàm, trang 173; Gradual Sayings; Phần i, trang 157.
[10] Xem Abhidhammavatara, trang
54. Bà Rhys Davids, Buddhism, trang 119.