[28]
Hiện tượng Tái Sanh
"Đống xương tàn (của tất cả
thể xác) của một người,
Xuyên qua các kiếp sống nầy trong một chu kỳ,
Có thể cao vọi như một ngọn núi
- Bậc cao minh nói như vậy."
--
Itivuttaka
Theo
triết học Phật Giáo (Vi Diệu Pháp, Abhidhamma), ba hiện tượng có thể xuất hiện
cho con người thấy trong giai đoạn hấp hối là: Nghiệp (Kamma), Hiện Tượng Của
Nghiệp (Kamma Nimita), và Biểu Hiện Lâm Chung (Gati Nimitta).
Kamma (Nghiệp) là vài hành động
tốt hay xấu trong đời sống hoặc ngay trước phút lâm chung. Nếu người hấp hối đã
phạm một trong năm trọng tội (Garuka Kamma, ngũ nghịch trọng tội: giết cha,
giết mẹ, giết một vị A La Hán, làm tổn thương Đức Phật và chia rẽ Tăng Chúng),
hoặc người ấy đã đắc một trong các tầng Thiền-na (Jhana), thì chứng nghiệm hiện
tượng Kamma trước khi chết. Những hành động thiện hay bất thiện đặc biệt ấy có
năng lực thật mạnh, chen vào, áp đảo tất cả các hành động khác và biểu hiện
thật rõ rệt trước mắt người hấp hối.
Nếu không có Nghiệp nặng như vậy
thì có thể tiến trình tư tưởng cuối cùng của người ấy đeo níu theo cái Nghiệp
vừa tạo liền trước khi chết, gọi là Asanna Kamma, hay Cận Tử Nghiệp. Cận Tử
Nghiệp là hành vi cuối cùng hay hành vi nào mà chập tư tưởng cuối cùng nhớ đến,
liền trước khi lâm chung.
Nếu không phải Cận Tử Nghiệp thì
có thể là Thường Nghiệp (Acinna Kamma), hành động tốt hay xấu thường ngày,
những việc ta thường làm hằng ngày, hay những việc mà ta thưòng nhớ đến và ưa
thích hơn hết. Trong trường hợp nầy, nếu người hấp hối là một bác sĩ thì thấy
đang săn sóc bệnh nhân, một tỳ khưu thì thấy đang thuyết pháp, một tên trộm thì
thấy đang cạy cửa, khoét vách v.v...
Nếu ba trường hợp trên không xảy
ra thì Nghiệp Tích Trữ (Katatta Kamma), xuất hiện. Nghiệp Tích Trữ gồm tất cả
những trường hợp không có kể trong ba loại Nghiệp trên, những hành động, tốt
hay xấu, không quan trọng.
Hiện Tượng của Nghiệp - Kamma
Nimitta - là những biểu tượng xuất hiện trong tâm thức của người hấp hối dưới
hình thức sắc, thinh, hương, vị, xúc hay pháp, tức là những hình sắc, âm thanh,
mùi, vị hay tư tưởng mạnh mẽ, quen thuộc, trong nếp sanh hoạt hằng ngày, tốt
hay xấu. Như người đồ tể thì thấy con dao hay con thú chết, bác sĩ thì thấy
bệnh nhân, người mộ đạo thì thấy các món lễ vật v.v...
Biểu Hiện Lâm Chung - Gati
Nimitta - là vài dấu hiệu có liên quan đến cảnh giới mà người hấp hối sắp được
tái sanh vào. Do đó, mặt người sắp lâm chung thường lộ vẽ vui sướng hoặc đau
khổ. Khi triệu chứng phát sanh, nếu là xấu thì ta có thể sửa chữa kịp thời bằng
cách giảng kinh hay nói pháp để tạo đối tượng tốt đẹp trong tư tưởng người sắp
chết. Những Biểu Hiện Lâm Chung (Gati Nimitta) [1] thường là lửa, rừng, vùng
sơn cước, thai bào mẹ, thiên cung v.v...
Dầu sanh trong trường hợp bất
đắc kỳ tử, tiến trình tư tưởng của người sắp chết vẫn diễn tiến và đối tượng
của chập tư tưởng cuối cùng ấy là một trong ba hiện tượng: Nghiệp, Hiện Tượng
của Nghiệp và Biểu Hiện Lâm Chung (Kamma, Kamma Nimitta, và Gati Nimitta).
Thí dụ một người sắp lâm chung
và tái sanh vào cảnh người. Đối tượng của chập tư tưởng cuối cùng là một vài
hành động (nghiệp) tốt. Tiến trình tư tưởng cuối cùng của người ấy diễn ra như
sau: Luồng Bhavanga ngưng rung động trong hai chập rồi diệt. Liền khi ấy Ngũ
Môn Hướng Tâm (manodvaravajjana) phát sanh rồi tắt. Kế đến một giai đoạn tâm lý
quan trọng, tiến trình Javana, lúc bình thường phát sanh liên tiếp trong bảy
chập, nhưng trong tư tưởng cuối cùng của một kiếp sống thì chỉ phát sanh trong
năm chập liên tiếp. Tiến trình nầy không có năng lực tái tạo mà chỉ có nhiệm vụ
điều hòa kiếp sống mới (abhinavakarana). Trong trường hợp của người sắp tái
sanh trở lại vào cảnh người, đối tượng của luồng Javana cuối cùng là một nghiệp
tốt, vậy là tâm thiện. Đăng Ký Tâm (tadalambhana citta), có phận sự ghi nhận,
có thể phát sanh trong hai chập, mà cũng có thể không phát sanh. Đó là chập tư
tưởng tối hậu của kiếp sống hiện tại. Có người lầm tưởng rằng Tử Tâm (cuti
citta) tạo điều kiện để tái sanh. Trong thực tế, Tử Tâm không có nhiệm vụ đặc
biệt nào. Chính tiến trình Javana tạo điều kiện cho sự tái sanh sắp đến.
Cái chết thật sự đến lúc Tử Tâm
(cuti citta) chấm dứt. Kể từ đó tâm và vật thực (cittaja và aharaja) không còn
tạo năng lực vật chất nữa. Chỉ còn một loại năng lực vật chất phát sanh do hơi
nóng (utuja) tiếp tục tồn tại đến khi cơ thể vật chất tan rã [2].
Lúc Tử Tâm vừa tắt thì
Thức-tái-sanh phát hiện cùng một lúc cũng phát sanh "mười-thành-phần của
thân", "mười-thành-phần của giống" nam hay nữ, và
"mười-thành-phần của ý căn" [3].
Như vậy, theo Phật Giáo, tánh
chất nam hay nữ đã được quyết định ngay lúc bà mẹ thọ thai và do Nghiệp tạo
điều kiện, chớ không phải là một sự hòa hợp ngẫu nhiên của minh châu và tinh
trùng.
Sự diệt tắt của tâm trong kiếp
vừa qua là cơ hội để cho một tâm mới phát sanh trong kiếp sống kế. Tuy nhiên,
không có cái gì vĩnh cửu, nguyên vẹn đơn thuần, không biến đổi, được chuyển từ
quá khứ sang hiện tại. Cũng như bánh xe lăn tròn trên đường, mỗi một lúc chỉ có
một điểm của bánh xe chạm với đường. Nói một cánh chính xác, chúng ta chỉ sống
trong từng chập tư tưởng. Ta chỉ sống trong hiện tại và hiện tại nhất định phải
trôi vào dĩ vãng.
Trong tiến trình luôn luôn biến
đổi của đời sống, trong một khoảnh khắc, mỗi chập tư tưởng, sanh, trụ, rồi
diệt, và trong khi diệt, chuyển tất cả năng lực và cảm giác đã ghi nhận cho
chập tư tưởng kế. Vậy mỗi chập tư tưởng mới gồm những năng lực tiềm tàng của
chập trước và thêm vào đó chút gì khác. Đến lúc chết, chập tư tưởng cuối cùng
chấm dứt, để nhường chổ cho chập tư tưởng kế phát sanh trong kiếp sống mới.
Vậy, cái thức mới gồm chứa tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ, vì tất cả
những cảm giác trong quá khứ đều được ghi nhận trong cái tâm biến đổi, và tất
cả tiềm năng đều được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác, mặc dầu phần vật chất
tan rã. Vì lẽ ấy, đôi khi có người còn nhớ được kiếp quá khứ của mình. Nếu trí
nhớ chỉ thùy thuộc khối não, tức nhiên không thể có người nhớ được tiền kiếp
của mình.
"Chúng sanh mới là sự biển
hiện của luồng nghiệp trong hiện tại, không giống hệt cũng không đồng nhất với
chúng sanh trước kế đó.
"Những thành phần (ngũ uẩn)
tạo nên chúng sanh ấy không giống hệt cũng không phải là một với thành phần
(ngũ uẩn) đã tạo nên chúng sanh trước. Tuy nhiên, cũng không phải hoàn toàn là
khác vì cả hai cùng nằm chung trong một luồng nghiệp, mặc dầu biểu hiện dưới
hình thức mới, trong thế gian mà ngũ quan ta có thể thâu nhận, và ta cho là có
một chúng sanh mới."
Theo Phật Giáo, cái chết là sự
chấm dứt của đời sống tâm-vật-lý của cá nhân. Chết là sự diệt tắt của: sinh lực
(ayu) - tức đời sống tâm linh và vật lý (jivitidriya), hơi nóng (usma) và thức
(vinnana).
Chết không phải là sự tiêu diệt
hoàn toàn của một chúng sanh, mặc dầu kiếp sống chấm dứt. Cái tiềm lực làm sống
chúng sanh không bị tiêu diệt.
Cũng như ánh sáng đèn điện là
biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy của luồng điện vô hình, chúng ta là biểu
hiện bề ngoài của luồng nghiệp vô hình. Bóng đèn có thể vỡ và ánh sáng có thể
tắt, nhưng luồng điện vẫn tồn tại, và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta
đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cùng thế ấy, sự tan rã của thể xác không làm xáo
trộn luồng nghiệp lực, và sự chấm dứt của thức hiện tại dẫn đến sự phát sanh
của công thức mới. Tuy nhiên, không có gì trường tồn bất biến, như một thực thể
đơn thuần, "chuyển" từ hiện tại sang tương lai.
Trong trường hợp nêu trên, người
chết tái sanh trở lại vào cảnh người, chập tư tưởng cuối cùng tất nhiên là một
loại tâm thiện. Thức-tái-sanh (patisandhi vinnana) là tâm thiện ấy phát sanh,
tự nhiên chuyển đến hạt minh châu và tinh trùng tương xứng trong cảnh người và
tắt, nhường cho những chập Bhavanga nối tiếp.
Như thế, lúc chết, luồng nghiệp
lực vẫn luôn luôn trôi chảy, không có một điểm thời gian gián đoạn. Ngay lúc
chết những chập tư tưởng vẫn liện tục kế tiếp như trong đời sống.
Hiện tượng tử-sanh, chết và tái
sanh, diễn ra tức khắc, dầu ở nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong
không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực
tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh, không trãi qua một trạng thái chuyển
tiếp nào (antarabhava). Phật Giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người
chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai
[4].
Trong kinh Milinda Panha
(Mi-lin-đa Vấn Đạo), đức vua Milinda hỏi Đại Đức Nagasena:
"Kính bạch Đại Đức, nếu có
một người chết ở đây và tái sanh vào cảnh Trời Phạm Thiên và một người khác
cũng chết ở đây và tái sanh tại Kashmir, người nào sanh ra trước?
- Tâu Đại Vương, cả hai cùng
sanh ra một lượt. Đại Vương sanh ở đâu?
- Kính bạch Đại Đức, trong một
làng nọ gọi là Kalasi.
- Làng Kalasi cánh đây bao xa?
- Bạch Đại Đức, lối 200 dặm.
- Tâu Đại Vương, Kashmir cách
đây bao xa?
- Bạch Đại Đức, lối 20 dặm.
- Bây giờ xin Đại Vương hãy nghĩ
đến làng Kalasa.
- Bạch Đại Đức tôi đã nghĩ xong.
- Và bây giờ Đại Vương xin hãy
nghĩ đến Kashmir.
- Bạch Đại Đức tôi đã nghĩ xong.
- Trong khi nghĩ đến hai nơi,
nơi nào tư tưởng của Đại Vương đến mau và nơi nào đến chậm?
- Bạch Đại Đức cả hai đều bằng
nhau.
- Vậy, tậu Đại Vương, cùng một
thế ấy, người chết ở đây và tái sanh vào cảnh Phạm Thiên không chậm hơn người
chết ở đây và tái sanh ở Kashmir.
- Kính bạch Đại Đức, Ngài ban
thêm cho con một thí dụ khác.
- Tâu Đại Vương, nếu hai con
chim đang bay trên trời và cả hai cùng đáp một lúc. Một con đáp trên ngọn cậy
cao. Còn con kia thì đáp trên ngọn cây thấp. Tâu Đại Vương nghĩ thế nào, cái
bóng của con nào rọi xuống đất trước?
- Cả hai cái bóng đều rọi xuống
cùng lúc. Không có cái nào rọi trước cái nào rọi sau. [5]"
Vấn đề có thể được nêu lên:
"Tìm đâu luôn luôn có minh châu và tinh trùng sẵn sàng để tiếp nhận
thức-tái-sanh?"
Theo Phật Giáo, số chúng sanh vô
cùng tận, vô hạn định, và nơi trú ngụ của chúng sanh cũng vậy. Bào thai cũng
không phải là nơi duy nhất cho sự tái sanh.
Quả địa cầu chỉ là một điểm nhỏ,
so với vũ trụ bao la, không phải là cảnh giới duy nhất có thể trú ngụ. Và con
người cũng không phải là chúng sanh duy nhất. [6]
Vậy, tin rằng luôn luôn có một
nơi thích ứng để tiếp nhận thức tái sanh cũng không có gì quá đáng. Nếu ta tung
lên trời một hòn gạch, hòn gạch sẽ rơi trở xuống, và luôn luôn có một điểm nào
trên mặt đất sẵn sàng tiếp nhận hòn gạch.
Chú thích:
[1] Quyển "The Tibetan Book
of the Dead" của tác giả Dr W.T. Evans-Wents, có trình bầy đầy đủ chi tiết
[2] Theo Phật Giáo năng lực vật
chất do bốn yếu tố tạo nên:
a)
Kamma (nghiệp), là hành động thiện hay bất thiện trong quá khứ.
b) Utu, là sự biến đổi vật chất hay Tejo, nguyên tố lửa, có đặc tánh nóng hay
lạnh, trong Tứ Đại.
c) Citta, gồm tâm vương và tâm sở.
d) Ahara, sức dinh dưỡng trong thực vật.
[3] Xem Chương 25
[4] Dr Evans-Wents viết rằng
theo kinh sách Tây Tạng, có một trạng thái chuyển kiếp từ khi chết đến lúc đầu thai. Linh hồn
người chết phải ở trạng thái ấy trong 1, 2, 3, 4, 5, 6 hay 7 tuần lễ, cho đến
49 ngày ("The Tibetan Book of the Dead", trang XLII - XLIII, 58, 160,
165). Quan niệm như vậy trái với giáo lý của Đức Phật (Xem "A Manual of
Abhidhamma).
[5] "Milinda's
Questions", phần 1, tr. 127-128.
[6] Trên dãy ngân hà có lối một
triệu hành tinh trên ấy có sự sống -- "The Nature of the Universe",
Fred Hoyle, tr. 87-89.