[Phụ
Bản 5]
Từ Bi Kinh
(Metta Sutta)
[1]
1. Người
khôn khéo mưu tìm lợi ích cho mình và có ước nguyện thành đạt trạng thái
Vắng Lặng [2] nên có hành động (như thế này):
Người ấy phải có khả năng, phải
chánh trực, hoàn toàn chánh trực [3].
2. Tri túc, dễ nuôi (sống giản
dị, để cho người thiện tín dễ dàng hộ trì), có ít nhiệm vụ (ít bị ràng buộc),
sống dễ dàng (không nhiều nhu cầu), thu thúc lục căn, kín đáo, tế nhị, không
luyến ái gia đình.
3. Người ấy khác nên vi phạm lỗi
lầm nhỏ bé nào mà bậc thiện trí có thể khiển trách. Ước mong tất cả chúng sanh
được an vui và châu toàn! Ước mong tất cả đều có tâm hoàn toàn trong sạch.
4. Bất luận chúng sanh ấy như
thế nào: - yếu đuối hay khỏe mạnh, cao lớn mập mạp hay tầm vóc bình thường, lùn
thấp bé nhỏ, hữu hình hay vô hình, những chúng sanh ở gần hay những chúng sanh
ở xa, những chúng sanh đã ra đời hoặc những chúng sanh chưa sanh - Ước mong tất
cả chúng sanh, không loại trừ bất luận ai, đều có tâm an lành hạnh phúc.
5. Không ai làm cho ai thất
vọng, không ai khinh bỉ ai, dù người như thế nào hoặc ở nơi đâu. Trong cơn giận
dữ hay lúc oán hờn, không nên mong điều bất hạnh đến với người khác.
6. Cũng như bà từ mẫu hết lòng
bảo bọc đứa con duy nhất của bà dù có hiểm nguy đến tính mạng, cùng thế ấy
người kia trau giồi tâm Từ vô lượng vô biên, rải khắp mọi chúng sanh.
7. Hãy để những tư tưởng từ aí
vô biên bao trùm toàn thể thế gian: - bên trên, phía dưới, bốn phương tám
hướng, không để cho điều gì làm trở ngại, không mảy may nóng giận, không chút
hiềm thù.
8. Dù người ấy đứng, đi, ngồi
hay nằm, giây phút nào còn thức (không ngủ) thì nên phát triển tâm niệm. Đó là
Phúc Lành Cao Thượng Nhất. [4]
9. Không để rơi vào những Lầm
Lạc [5], đức hạnh trong sạch và viên mãn Giác Ngộ [6], người ấy lánh xa mọi
hình thức ái dục. Đúng như vậy, người ấy không còn trở lại vào bào thai [7].
Chú Giải Từ Bi Kinh:
[1] Vào lúc ấy mùa mưa sắp đến,
sau khi được Đức Phật ban dạy những đề mục hành thiền, một nhóm tỳ khưu ra đi,
tìm nơi thích hợp để thực hành. Trong cuộc đi bất định ấy các Ngài đến một địa
điểm vắng vẻ yên tĩnh và quyết định ở lại đó hành thiền nhằm mục tiêu giải
thoát.
Các vị thọ thần sống trên cây
cảm thấy bất tiện nên tìm cách làm cho chư tỳ khưu không còn ở được và phải ra
đi. Đêm đêm các vị thọ thần làm đủ cách để phá khuấy không cho chư tăng ở yên
hành thiền.
Chư vị tỳ
khưu thấy khó mà an trụ tâm trong tình trạng như vậy nên trở về cbùa bạch lại
tự sự với Đức Thế Tôn.
Đức Phật dạy chư Tăng bài Kinh
Metta Sutta (kinh về tâm Từ) và khuyên các vị này trở lại ngay địa điểm trước
rồi cùng đọc lên bài Kinh này khi vào rừng. Chư Tăng làm theo lời dạy.
Những tư tưởng Từ ái an lành
được ban rải ra, thấm nhuần bầu không khí trong toàn khu rừng. Các vị thọ thần
ở khắp nơi trong rừng nghe Kinh cảm thấy thanh bình an lạc, phát tâm kỉnh mộ
chư Tăng, và kể từ đó thay vì khuấy nhiễu làm trở ngại, tận tình hộ trì và nâng
đỡ chư Tăng.
Trong thời đại ba tháng an cư
kiết hạ, Vassana, tất cả chư vị tỳ khưu trong nhóm đều chứng đắc Đạo Quả A La
Hán.
Bài Kinh Metta Sutta này vừa có
tánh cách bảo hộ, vừa là một đề mục hành thiền. Phần đầu bài Kinh mô tả những
phẩm hạnh mà người mong tìm tình trạng an lành cho mình cần nên trau giồi, và
phần sau là phương pháp thực hành tâm Từ, được giải thích cặn kẽ.
[2] Tức Niết Bàn.
[3] Uju và Suju. Chữ Uju hàm ý
đặc tánh chánh trực trong lời nói và hành động - tức thân khẩu chánh trực. Chữ
Suju là tâm chánh trực (Bản Chú Giải).
[4] Đó là thực hành Tứ Vô Lượng
Tâm (Brahma Vihara).
[5] "Lầm lạc" ở đây có
nghĩa Sakkayaditthi (thân kiến).
[6] Tức nhoáng thấy Niết Bàn lần
đầu tiên.
[7] Khi đã chứng đắc tầng
Anagami (A Na Hàm) thì tái sanh vào cảnh giới Suddhavasa (Cảnh Giới Trong Sạch)
và không cần tái sanh vào cảnh người.