Luận tạng Nam truyền
Đạo Vô Ngại Giải Paṭisambhidāmagga
Bhikkhu Ñāṇamoli dịch từ tiếng Pāḷi sang tiếng Anh: THE PATH OF DISCRIMINATION Nguyễn Văn Ngân dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
26/07/2554 23:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

III- LUẬN VỀ QUÁN HƠI THỞ

GHI CHÚ DẪN NHẬP

Ba phần đầu (từ i  đến iii) thực ra đã tự rõ nghĩa. Phần i nói đến trạng thái chung của tâm hiển nhiên gây trở ngại cho định, đến các trạng thái giúp cho luyện định, và đến các khía cạnh khác nhau của chúng.

Phần ii  đề cập tới những đáp ứng sai lầm tạm thời của tâm khi tập quán hơi thở làm đình trệ tu tập.

Phần iii chỉ cách tránh những lầm lỗi nhỏ này và phân tích tỉ mỉ tiến trình chứng đạt sự nhập định hoàn toàn. Nó kết thúc bằng một bài kệ ca ngợi người chứng quả vị Arahant qua cách hành trì này. Sau bài kệ ấy là phần chú giải nói tới nibbana - cứu cánh của toàn thể phần thực hành - tới phẩm hạnh của đức Phật - tới niềm tin vào trí tuệ toàn giác của Ngài cung cấp động lực để tăng tiến cho đến khi đạt được thể nghiệm bằng thực chứng cá nhân và cho đến khi nhu cầu về niềm tin được bỏ đi.

Ba phần này tạo thành một loại khảo sát và giới thiệu tổng quát trước phần phân tích tỉ mỉ cách hành trì thực sự, như đã nói khái quát trong các Kinh, được tiến hành ở Phần iv. Các phần này dựa trên Nhóm B, và tạo thành thí dụ được triển khai nhiều nhất của phần đó.

Phần iv - là phần chính của Luận thuyết này - thoạt tiên trông rắc rối nhưng đến khi xem xét toàn thể Luận thuyết thì thấy có hệ thống và khắng khít trong tất cả chi tiết và trong những đoạn trùng lắp. Để nhận chân trọn vẹn giá trị phần này, trước hết cần phải nhớ rằng quán hơi thở là một trong những phương pháp tu tập bốn Nền Tảng của Quán Niệm nói ở các Kinh (D kinh số 22, M kinh số 10), nhớ rằng sự tu tập này ở dưới hình thức không ngừng thực tập quán niệm và hiểu biết rõ ràng tường tận được điều hướng đúng đắn. Lại nữa, như đã trình bầy, các ‘cặp bốn’ nói đến người đang thực hành quán niệm ngay bây giờ (như: ‘Vị ấy biết ‘Tôi thở vào hơi dài’...) và người đang thực tập cho thành tựu định lực, tuệ giác, đạo lộ trong tương lai, nhưng chưa đạt được (Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] tôi sẽ thở vào...). Cuối cùng, trình tự ‘định, tuệ, chứng đạo lộ’ được theo đúng sát sao và như thế cung ứng sự nhất quán về cấu trúc đến toàn thể phần này.

Có ghi nhớ những nét đại cương ấy thì phương án sau trở nên rõ ràng.

Trong hai Nền Tảng đầu đề cập tới trí hiểu biết ở giây phút hiện tại, chúng ta có:

a)      phân tích cách nhận biết về đối tượng thiền quán (‘thở vào hơi dài’...) (đđ 194-195);

b)      chỉ cho thấy rằng sự quán tưởng này cũng chính là phần thực hành Nền Tảng Quán Niệm thứ nhất, đó là ‘Quán Thân’ (đđ 196-198);

c)      chỉ cho thấy rằng, sau khi đạt được định, quán niệm và hiểu biết rõ ràng tường tận được thực hành cùng một lúc khi áp dụng tuệ giác (đđ 199-202);

d)      phần kết luận liệt kê các trạng thái hiện hữu trong khi quán tưởng như thế ở các tầng nhập định kế tiếp nhau (đđ 203-125). Đoạn này rút ra từ Luận Thuyết I đđ 41-43.

Với mười bốn Nền Tảng còn lại đề cập tới tương lai, phương án quy mô thiết lập nền tảng của định sau đây được áp dụng khắp luận này:

i.         phân tích cách nhận biết đối tượng của định (‘Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở vào’...); sự phân tích này tương ứng với (a) ở trên, nhưng khác đi nhiều về chi tiết và nội dung;

ii.       chỉ cho thấy nền tảng nào trong bốn Nền Tảng Quán Niệm đang được thực tập; giống như (b) ở trên;

iii.      phân tích và nói rõ ‘tập’ có nghĩa là gì;

iv.     chỉ cho thấy rằng quán niệm và hiểu biết rõ ràng tường tận được áp dụng như thế nào; giống như (c) ở trên;

v.       kết luận, giống như (d) ở trên;

Bốn đoạn từ i đến iv trong năm đoạn vừa nói trên được lập lại đúng theo từng chữ trong mỗi trường hợp của 14 trường hợp, ngoại trừ một số chữ then chốt được thay khi cần.

Theo cách này, mỗi một cứ điểm trong số 16 cứ điểm* sẽ được bàn riêng cho tới chứng đắc đạo lộ.

* cứ điểm: 16 cứ điểm được áp dụng với hơi thở vào và hơi thở ra thì ta có 32 hình thái liệt kê ở đ. 183 của luận này.

Sáu phần cuối cùng, từ v đến x, chỉ đưa ra sự phân loại ngắn gọn về các giai đoạn trí về nhập định (v), về tuệ giác khởi đầu (vi), về các loại tuệ giác tiếp sau đưa đến sự xuất khởi của Đạo lộ (vii đến ix) và Quả của Đạo Lộ (x). Các phần này đã được đề cập chi tiết ở Luận Thuyết I, từ các chương V đến XII.

Các phần chính của luận thuyết này được giải thích trong Chương VIII của Con Đường Thanh Lọc (Visuddhimagga) (q.v.).

 

[III- LUẬN VỀ QUÁN HƠI THỞ]

«Ānāpānassatikathā »

[Tóm lược]

1. [162] Khi bất cứ ai tu tập định bằng cách quán hơi thở [1] với 16 cứ điểm, có hơn 200 loại trí khởi lên trong vị ấy:

I.        tám loại trí về chướng ngại và tám loại trí về trợ giúp,

II.     mười tám loại trí về bất toàn,

III.   mười ba loại trí về giữ trong sạch,

IV.  ba mươi hai loại trí trong người thực hành quán niệm,

V.     hai mươi bốn loại trí nhờ định,

VI.  bẩy mươi hai loại trí nhờ quán thực tánh,

VII.tám loại trí về nhàm chán,

VIII.tám loại trí biết về cái gì tương thuận với nhàm chán,

IX.  tám loại trí như là làm lắng dịu nhàm chán,

X.     hai mươi mốt loại trí về hạnh phúc giải thoát.

[Phần i]

2. Tám loại trí về chướng ngại và tám loại trí về trợ giúp là gì?

3. Ham muốn ái dục là chướng ngại cho định, xuất ly là trợ giúp cho định.

Sân hận là chướng ngại..., không sân hận là trợ giúp...

Dã dượi buồn ngủ là chướng ngại..., nghĩ đến ánh sáng là trợ giúp...

Dao động là chướng ngại..., không tán loạn là trợ giúp...

Nghi là chướng ngại..., tìm hiểu rõ hiện tượng là trợ giúp...

Vô minh là chướng ngại..., trí là trợ giúp...

Tẻ nhạt là chướng ngại..., hoan hỉ là trợ giúp...

Cũng vậy, tất cả các trạng thái bất thiện là chướng ngại cho định, tất cả các trạng thái thiện là trợ giúp cho định.

Đây là tám loại trí về chướng ngại và tám loại trí về trợ giúp.

4. Khi tâm được điều hướng, điều hướng khéo, qua 16 khía cạnh này, tâm củng cố các nhất điểm và được lọc sạch chướng ngại. [163]

Các nhất điểm này là gì?

Xuất ly là nhất điểm, không sân hận là nhất điểm, nghĩ đến ánh sáng là nhất điểm, không tán loạn là nhất điểm, tìm hiểu rõ hiện tượng là nhất điểm, trí là nhất điểm, hoan hỉ là nhất điểm, các trạng thái thiện là nhất điểm.

5. Những chướng ngại này là gì?

Ham muốn ái dục là chướng ngại cho định, sân hận là chướng ngại, dã dượi buồn ngủ là chướng ngại, dao động là chướng ngại, nghi là chướng ngại, vô minh là chướng ngại, tẻ nhạt là chướng ngại, các trạng thái bất thiện là chướng ngại.

Chướng ngại : chướng ngại theo nghĩa nào?

Chướng ngại theo nghĩa án ngữ các lối thoát.

Các lối thoát ấy là gì?

Xuất ly là lối thoát cho các bậc thánh nhân, các bậc thánh nhân được thoát ra nhờ xuất ly: ước muốn tình dục án ngữ lối thoát đó, và bởi vì con người bị ước muốn tình dục tạo khó khăn nên không hiểu được lối thoát của thánh nhân dưới hình thức xuất ly.

Không sân hận..., sân hận...

Nghĩ đến ánh sáng..., dã dượi buồn ngủ...

Không tán loạn..., dao động...

Tìm hiểu rõ hiện tượng..., nghi...

Trí..., vô minh...

Hoan hỉ..., tẻ nhạt...

Cũng thế, tất cả các trạng thái thiện là lối thoát cho các bậc thánh nhân, các bậc thánh nhân được thoát ra nhờ tất cả các trạng thái thiện: tất cả các trạng thái bất thiện án ngữ lối thoát đó, và bởi vì con người bị tất cả các trạng thái bất thiện tạo khó khăn nên không hiểu được lối thoát của thánh nhân dưới hình thức trạng thái thiện.

[Phần ii]

6. Khi người có tâm được lọc sạch khỏi những chướng ngại này [164], người ấy tu tập định bằng quán hơi thở qua mười sáu cứ điểm, mười tám bất toàn sau đây khởi lên trong vị ấy theo từng chập ngắn ngủi.[2]

Mười tám bất toàn nào khởi lên?

(1) Khi vị ấy chú tâm theo dõi chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối hơi thở vào,[3] tâm của vị ấy bị phân tán phía trong, và như thế là một ngăn trở cho định.

(2) Khi vị ấy chú tâm theo dõi chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối hơi thở ra, tâm của vị ấy bị phân tán phía ngoài, và như thế là một ngăn trở cho định.

(3) Những hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, hơi thở vào là một ngăn trở cho định.

(4) Những hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, hơi thở ra là một ngăn trở cho định.

(5) Khi mệt vì thở vào (hơi quá dài hay quá ngắn), bất kỳ sự mong ngóng hơi thở ra nào đều là một ngăn trở cho định.

(6) Khi mệt vì thở ra (hơi quá dài hay quá ngắn), bất kỳ sự mong ngóng hơi thở vào nào đều là một ngăn trở cho định.[4]

7.

Chú tâm theo dõi hơi thở vào
Và cũng theo dõi hơi thở ra
Bên trong phân tâm sẽ xảy đến
Bên ngoài để phân tâm cuốn hút
Mong ngóng thở ra ở người
Mệt mỏi nhiều vì thở vào,
Mong ngóng thở vào ở người
Mệt mỏi nhiều vì thở ra;
Sáu nhược điểm này của định
Dựa trên quán hơi thở
Sẽ ngăn tâm thoát ra khỏi
Phân tâm do chúng tạo nên;
Và ai không biết về giải thoát
Ắt phải tin lời người khác.

8.  (7) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiệu,[5] tâm của người ấy có thể bị hơi thở vào lay động, đây là một trở ngại cho định.

(8) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy có thể bị dấu hiệu ấy lay động, đây là một trở ngại cho định.

(9) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiệu, tâm của người ấy có thể bị hơi thở ra lay động, đây là một trở ngại cho định.

(10) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy có thể bị dấu hiệu lay động, đây là một ngăn trở cho định.

(11) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy có thể bị hơi thở ra lay động, đây là một ngăn trở cho định.

(12) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy có thể bị hơi thở vào lay động, đây là một ngăn trở cho định.

9. [165]

Hướng tâm chú ý đến dấu hiệu trong khi tâm
Vẫn bị hơi thở vào phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở vào trong khi tâm
Vẫn bị dấu hiệu phân tán;
Hướng tâm chú ý đến dấu hiệu trong khi tâm
Bị hơi thở ra phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở ra trong khi tâm
Bị dấu hiệu phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở vào trong khi tâm
Vẫn bị hơi thở ra phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở ra trong khi tâm
Bị hơi thở vào phân tán;
Sáu nhược điểm này của định
Dựa trên quán hơi thở
Sẽ ngăn tâm thoát ra khỏi
Phân tán do chúng tạo nên;
Và ai không biết về giải thoát
Ắt phải tin lời người khác.

10. (13) Tâm buông theo [hơi thở] quá khứ bị [6] xao lãng thắng thế là một ngăn trở cho định.

(14) Tâm lay động vì ngóng chờ [hơi thở] tương lai là một ngăn trở cho định.

(15) Tâm giải đãi bị lười biếng thắng thế là một ngăn trở cho định.

(16) Nỗ lực quá sức, tâm bị dao động thắng thế là một ngăn trở cho định.

(17) Khi bị lôi cuốn, tâm bị tham thắng thế là một ngăn trở cho định.

(18) Khi chán ghét, tâm bị sân hận thắng thế là một ngăn trở cho định.

11.

Tâm nào: săn đuổi quá khứ,
Mong ngóng tương lai, lười biếng,
Nỗ lực quá sức hay bị lôi cuốn,
Hay chán ghét, tâm ấy không được định
Sáu nhược điểm này của định
Dựa trên quán hơi thở
Là như thế khi chúng vấy bẩn tư tưởng người đó
Vị ấy không biết được Tâm Tăng Thượng.

12. (1) Khi theo dõi chặng đầu, chặng giữa chặng cuối hơi thở vào, tâm hành giả bị phân tán bên trong, cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động. (2) Khi theo dõi chặng đầu, chặng giữa chặng cuối hơi thở ra, tâm hành giả bị xao lãng bên ngoài, cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động. (3) Hơi thở vào với hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động. (4) Hơi thở ra với hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, cả thân... (5) [166] Vì trong vị ấy mong ngóng hơi thở ra khi mệt vì hơi thở vào [quá dài hay quá ngắn] cả thân lẫn... (6) Vì trong vị ấy mong ngóng hơi thở vào khi mệt vì hơi thở ra [quá dài hay quá ngắn] cả thân lẫn... (7) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiệu, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở vào dao động, cả thân lẫn... (8) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy vẫn bị dấu hiệu dao động, cả thân lẫn... (9) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiện, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở ra dao động, cả thân lẫn... (10) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy vẫn bị dấu hiệu dao động, cả thân lẫn... (11) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở ra dao động, cả thân lẫn... (12) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở vào dao động, cả thân lẫn... (13) Tâm chạy theo [hơi thở] quá khứ bị phân tâm thắng thế, cả thân lẫn... (14) Tâm bị dao động vì mong ngóng [hơi thở] tương lai, cả thân lẫn... (15) Tâm giải đãi bị lười biếng thắng thế, cả thân lẫn... (16) Nỗ lực quá sức, tâm bị dao động thắng thế cả thân lẫn... (17) Khi bị lôi cuốn, tâm bị tham công kích cả thân lẫn... (18) Khi chán ghét, tâm bị sân hận thắng thế cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động.

13.

Người nào mà việc quán hơi thở
Không được tu tập, không toàn thiện,
Thấy xáo trộn trong thân
Tâm vị ấy cũng như thế,
Rồi vị ấy bị dao động trong thân
Trong tâm vị ấy cũng như thế.
Người nào mà việc quán hơi thở
Được tu tập, được toàn thiện,
Thì không xáo trộn trong thân
Tâm vị ấy cũng như thế,
Rồi vị ấy không bị dao động trong thân
Trong tâm vị ấy cũng như thế.

14. Khi tâm được lọc sạch những chướng ngại này [đề cập ở phần i.] hành giả tu tập định bằng quán hơi thở qua mười sáu cứ điểm, mười tám bất toàn này khởi lên trong vị ấy theo từng chập ngắn ngủi.

[Phần iii]

15. Mười ba loại trí về giữ trong sạch là gì?

(1) Tâm chạy theo [hơi thở] quá khứ bị phân tán thắng thế: bằng cách tránh điều này vị tỳ kheo tập trung tâm vào một nơi, như vậy tâm không bị phân tán.

(2) Tâm mong ngóng [hơi thở] tương lai có thể bị lay động: [167] bằng cách tránh điều này vị tỳ kheo trấn tĩnh tâm vào một nơi, như thế tâm cũng không bị phân tán.

(3) Tâm giải đãi bị lười biếng thắng thế: bằng cách cố gắng làm, vị ấy từ bỏ lười biếng, như thế tâm cũng không bị phân tán.

(4) Nỗ lực quá sức, tâm bị dao động thắng thế: bằng cách chế ngự, vị ấy từ bỏ dao động, như thế tâm cũng không bị phân tán.

(5) Khi bị lôi cuốn, tâm bị tham thắng thế: bằng cách hiểu biết rõ ràng tường tận điều đó, vị tỳ kheo từ bỏ tham, như thế tâm cũng không bị phân tán.

(6) Khi chán ghét, tâm bị sân hận thắng thế: bằng cách hiểu biết rõ ràng tường tận điều đó, vị tỳ kheo từ bỏ sân hận, như thế tâm cũng không bị phân tán.

Tâm được trong sạch, sáng sủa và đạt được nhất điểm qua sáu khía cạnh này.

16. Những nhất điểm này là gì?

(7) nhất điểm dưới hình thức thiết lập ý muốn buông bỏ tặng phẩm [khi bố thí],

(8) nhất điểm dưới hình thức thiết lập biểu tượng của tĩnh lặng [trong khi định],

(9) nhất điểm dưới hình thức thiết lập đặc tính của diệt (vaya) [trong quán thực tánh],

(10) nhất điểm dưới hình thức thiết lập đoạn diệt [nirodha] [trong đạo lộ].

17. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập ý muốn buông bỏ tặng phẩm của người nhất quyết từ bỏ. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập biểu tượng của tĩnh lặng của người dồn hết cho Tâm Tăng Thượng. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập đặc tính của diệt của người thực hành quán thực tánh. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập đoạn diệt vốn của các bậc Thánh.

18. Trong bốn trường hợp đạt được nhất điểm này, tâm

(11) đi vào tiến trình thanh lọc của đạo lộ [7]

(12) được bình thản tăng cường,

(13) được trí thoả mãn.

19. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của sơ thiền là gì?

Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu, tăng cường bình thản là đoạn giữa và thỏa mãn* là đoạn cuối của sơ thiền.

* ở đây, tuy dùng chữ encouragement (khích lệ), nhưng ở Vism IV đ. 113, tỳ kheo Ñāṇamoli đã sửa thành satisfaction (thỏa mãn). Vì thế, tôi chọn chữ satisfaction để dịch cho phù hợp với thay đổi này và để thống nhất với sự thỏa mãn vừa mới nói ở đ. 18 (13). Đoạn 22 sắp tới đây nói đến đặc tính này ở đoạn cuối của sơ thiền.

20. Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của sơ thiền: đoạn đầu có mấy đặc tính?

Đoạn đầu có ba đặc tính:

i.         tâm được thanh lọc khỏi các trở ngại của [cõi thiền] đó;

ii.       vì được thanh lọc, nên tâm tiến đến đoạn giữa [trạng thái quân bình, vốn là] dấu hiệu của tĩnh lặng;

iii.      vì đã tiến đến, nên tâm đi vào trạng thái quân bình ấy.

Và vì tâm đã được lọc sạch các trở ngại của thiền, và bởi vì nó được thanh lọc, nên tâm tiến đến đoạn giữa [trạng thái quân bình, vốn là] dấu hiệu của tĩnh lặng, và vì đã tiến đến, nên tâm đi vào trạng thái quân bình ấy, [168] tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của sơ thiền. Đây là ba đặc tính của đoạn đầu. Vì thế nên nói rằng sơ thiền tốt đẹp ở đoạn đầu với [ba] đặc tính.

21. Tăng cường bình thản là đoạn giữa của sơ thiền: đoạn giữa có mấy đặc tính?

Đoạn giữa có ba đặc tính: người tỳ kheo

iv.     vô can nhìn tâm đã được thanh lọc với lòng bình thản;

v.       vô can nhìn tâm đã tiến đến tĩnh lặng với lòng bình thản;

vi.     vô can nhìn sự thiết lập nhất điểm với lòng bình thản.

Và vì tỳ kheo [bây giờ] vô can nhìn tâm đã được thanh lọc với lòng bình thản và vô can nhìn tâm đã tiến đến tĩnh lặng với lòng bình thản và vô can nhìn sự thiết lập nhất điểm với lòng bình thản, sự tăng cường bình thản đó là đoạn giữa của sơ thiền. Đây là ba đặc tính của đoạn giữa. Vì thế nên nói rằng sơ thiền tốt đẹp ở đoạn giữa vốn có [ba] đặc tính.

22. Thỏa mãn là đoạn cuối của sơ thiền: đoạn cuối có bao nhiêu đặc tính?

Đoạn cuối có bốn đặc tính:

vii.    thỏa mãn theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên trong đó;

viii.  thỏa mãn theo nghĩa các năng lực gây ảnh hưởng có tác dụng (hương vị) duy nhất;

ix.     thỏa mãn theo nghĩa nỗ lực thích đáng có hiệu quả;

x.       thỏa mãn theo nghĩa lập lại;

là thỏa mãn ở đoạn cuối của sơ thiền. Đây là bốn đặc tính của đoạn cuối. Vì thế nên nói rằng sơ thiền tốt đẹp ở đoạn cuối vốn có [bốn] đặc tính.

23. Tâm đã đạt tới chu kỳ ba đoạn [đầu, giữa và cuối] và tốt đẹp theo ba thể thức đó và có 10 đặc tính như thế cũng có luôn [năm yếu tố của cõi thiền] là hướng tâm về đối tượng, suy xét đối tượng, hỉ, lạc và cương quyết cũng như [năm năng lực gây ảnh hưởng và năm lực] tín tấn niệm định và tuệ.

24. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của nhị thiền là gì?

Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của nhị thiền, tăng cường bình thản là đoạn giữa và thỏa mãn là đoạn cuối.

25-28. Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của nhị thiền: đoạn đầu có mấy đặc tính?

Đoạn đầu có ba... [lập lại các đoạn từ 20 đến 23, thay chữ sơ thiền bằng chữ nhị thiền] [169]

29-33. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của tam thiền là gì? ... [lập lại các đoạn từ 19 đến 23]

34-38. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của tứ thiền là gì? ...

39-58. ... [lập lại cũng cùng năm đoạn như thế với mỗi phần của 4 chứng đắc cõi vô sắc] ...

59-148. ... [lập lại cũng cùng năm đoạn như thế với mỗi phần của 18  Tuệ Quán Thực Tánh Chính] ...

149-168. ... [lập lại cũng cùng năm đoạn như thế với mỗi phần của 4 đạo lộ] ... [170]

[Tỷ dụ Lưỡi Cưa]

169.

Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người không biết ba điều này
Tu không tăng tiến. [171]
Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người biết rõ ba điều này
Tu có thể tăng tiến.

170. Thế nào là nói ba điều này không phải là đối tượng của một tâm duy nhất?, tuy chúng không phải là không được biết tới?, tâm không bị phân tán, vị tỳ kheo thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt?

Giả thử có một thân cây đặt nằm trên mặt đất bằng, một người dùng cưa cắt nó. Quán niệm của người ấy được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng ấy di chuyển tới lui; và người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

Khi thân cây ấy được đặt nằm trên mặt đất bằng thì dấu hiệu buộc quán niệm [8] cũng thế. Các răng cưa như thế nào, các hơi thở vào và hơi thở ra cũng thế. Vì quán niệm của người được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng cưa ấy di chuyển tới lui; và như vậy người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt, cũng thế, vị tỳ kheo ngồi, sau khi lập quán niệm ở đỉnh mũi hay môi trên xong, không chú ý tới sự di chuyển vào ra của các hơi thở vào và hơi thở ra, cho dù các hơi thở ấy không phải là không được tỳ kheo biết tới khi các hơi thở vào ra; và như vậy vị ấy thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

Nỗ lực là gì? Thân và tâm của người tinh tấn trở nên dễ điều khiển: đây là nỗ lực.

Phận sự là gì? Các bất toàn cần được từ bỏ nơi người tinh tấn, và các tâm hướng về đối tượng của vị ấy đã được êm dịu: đây là phận sự.

Kết quả đặc biệt là gì? Ở người tinh tấn, các kết buộc đi tới tình trạng bị từ bỏ, và các khuynh hướng ngủ ngầm của người ấy đi tới tình trạng bị diệt trừ: đây là kết quả đặc biệt.

Như vậy, ba điều này không phải là đối tượng của một tâm duy nhất, [172] tuy chúng không phải là không được biết tới, tâm không bị phân tán, và vị ấy thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

171.

Quán niệm hơi thở vào và
hơi thở ra của người nào
được hoàn hảo, khéo tu tập,
Và mang dần tới tăng trưởng
Theo đúng như lời Phật dạy,
Người đó soi sáng thế giới này
Giống như trăng tròn không mây.
[9]

172. Thở vào (āna) là hơi thở đi vào (assāsa); thở ra (apāna) là hơi thở đi ra (passāsa)*.[10] Thiết lập (nền tảng) nhờ hơi thở vào là niệm; thiết lập (nền tảng) nhờ hơi thở ra là niệm. Khi thở vào niệm được thiết lập (đặt nền tảng) trong vị ấy; khi thở ra niệm được thiết lập (đặt nền tảng) trong vị ấy.

* ở Vism VIII đ. 164 viết là: assāsa là hơi gió đi ra; passāsa là hơi gió đi vào như đã nói theo chú giải của tạng Luật.

173. Hoàn hảo: hoàn hảo theo nghĩa phân biệt rõ* [cõi thiền, tuệ quán và đạo lộ]; hoàn hảo theo nghĩa [các trạng thái liên kết sau đó] trang bị [lẫn cho nhau]; hoàn hảo theo nghĩa tuyệt hảo.

* pariggaha. Xin đọc lại chú thích về chữ này ở Luận I đ. 23.

174. Khéo tu tập: Có bốn loại tu tập:

i.         tu tập theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên trong đó; (Luận I 135)

ii.       tu tập theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng (Luận I 134)

iii.      tu tập theo nghĩa hiệu quả vì nỗ lực thích đáng;

iv.     tu tập theo nghĩa lập lại;

Bốn loại tu tập này đã được thuần thục, tạo thành nền tảng, được củng cố, được điêu luyện và đem lại đồng nhất thể.*

* Câu: ‘đã được thuần thục... đồng nhất thể’ tìm thấy ở D ii 103; S ii 274 ff. Có lẽ vì phần so sánh giữa samaṁ susamaṁ ở đoạn sắp tới nên bhikkhu Ñāṇamoli dịch susamāraddhābrought to very sameness: ‘đem lại đồng nhất thể’. Maurice Walshe dịch chữ này là properly undertaken (LDB trang 246); Bhikkhu Bodhi dịch là fully perfect it  (CDB I trang 707-8).

‘Được thuần thục’: Ở bất cứ nơi nào, nếu muốn, vị ấy làm chủ, có quyền lực và hoàn toàn tự tin,* các trạng thái [tĩnh lặng và quán thực tánh] sẵn sàng để vị ấy hướng tới, sẵn sàng để vị ấy sử dụng theo ý muốn, sẵn sàng để vị ấy chú tâm suy xét, sẵn sàng để vị ấy khởi tâm. ‘Được thuần thục’ được nói vì lý do đó.

*vesārajja: hoàn toàn tự tin

‘Tạo thành nền tảng’: quán niệm của vị ấy được thiết lập vững vàng (vững đặt) trên bất cứ nền tảng nào tâm của vị ấy trụ vào. Tâm của vị ấy trụ vào bất cứ nền tảng nào nơi quán niệm của vị ấy được thiết lập vững vàng (vững đặt). ‘Tạo thành nền tảng’ được nói vì lý do đó.

‘Củng cố’, quán niệm của vị ấy luân chuyển song hành với bất cứ cái gì vị ấy điều tâm tới. Vị ấy điều tâm tới bất cứ cái gì quán niệm của vị ấy luân chuyển song hành với. ‘Củng cố’ được nói vì lý do đó.

‘Được điêu luyện’: được điêu luyện theo nghĩa giữ vững, được điêu luyện theo nghĩa trang bị, được điêu luyện theo nghĩa hoàn hảo. Khi tỳ kheo gìn giữ quán niệm, vị ấy chế ngự được các trạng thái xấu xa, bất thiện. ‘Được điêu luyện’ được nói vì lý do đó.

‘Đem lại đồng nhất thể’ (susamāraddhā): Có bốn loại ‘đem lại đồng nhất thể’: đem lại đồng nhất thể theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên; đem lại đồng nhất thể theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng; đem lại đồng nhất thể theo nghĩa hiệu quả vì nỗ lực thích đáng; đem lại đồng nhất thể vì chính đáng hủy bỏ (susamugghātattā)* nhiễm lậu vốn đối nghịch với trạng thái này.

* Bản của VRI viết là susamūhatattā.

‘Đồng nhất thể’ (susamaṁ): [11] Có nhất thể (samaṁ) và đồng nhất thể (susamaṁ). Nhất thể là gì? Các trạng thái nào khởi lên vốn không lỗi và mang đặc tính giác ngộ: đây là nhất thể. ‘Đồng nhất thể’ là gì? Đối tượng cho những trạng thái như đoạn diệt, nibbana: đây là ‘đồng nhất thể’. Nhất thể này và đồng nhất thể này được biết đến, thấy rõ, nhận ra, được thực chứng, được thể nghiệm với tuệ; nỗ lực không mệt mỏi được mang lại để toàn thiện (āraddha), quán niệm đã được thiết lập (đặt nền tảng) không suy giảm, thân được an tịnh, mát lạnh (asāraddha),* tâm định nhất điểm. ‘Đem lại đồng nhất thể’ (susamāraddhā) được nói vì lý do đó.

* dịch sát: không cuồng nhiệt. Đọc Peter Masefield, The Itivuttaka, PTS [Oxford, 2000], trang 110.

175. Mang dần tới tăng trưởng: tăng trưởng chuẩn bị từ trước và sau đó mang đến tăng trưởng nhờ hơi thở vào dài, tăng trưởng chuẩn bị từ trước và sau đó mang lại tăng trưởng nhờ hơi thở ra dài, ... [và cứ thế với 32 thể thức, đọc đ. 183 dưới đây, cho đến] ... tăng trưởng chuẩn bị từ trước và sau đó mang đến tăng trưởng nhờ hơi thở ra dài quán từ bỏ. Tất cả các loại niệm hơi thở với 16 cứ điểm cũng được chuẩn bị cho tăng trưởng và mang tới tăng trưởng phụ thuộc vào nhau. ‘Mang dần tới tăng trưởng’ được nói vì lý do đó.

176. Theo đúng như: ‘Theo đúng như’ có mười nghĩa, đó là, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của tự chủ, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của an tịnh trong tâm, ... là nghĩa của hoàn toàn dập tắt phiền não trong tâm, là nghĩa của trí trực chứng, ... là nghĩa của hiểu biết trọn vẹn, ... là nghĩa của từ bỏ, ... là nghĩa của tu tập, ... [174] là nghĩa của thực chứng, ... là nghĩa của chứng ngộ đồng thời, ... nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của củng cố đoạn tận.

177. Buddha (Bậc Giác Ngộ): là Thế Tôn, là bậc tự trông cậy vào  chính mình*, không thầy chỉ dạy về những tri kiến chưa từng nghe từ trước,[12] người tự khám phá (abhisambujjhati) ra chân lý, đạt toàn giác trong tứ đế, các lực và làm chủ.

* sayambhū: tự trông cậy vào chính mình, không mong mỏi ở ai khác. Đây là phẩm tính của một vị Phật (Đọc PED trang 697; đọc R. C Childers, A Dictionary of the Pali Language, [Cosmo Publications, New Delhi, 1979] trang 471). Sayambhunā, bậc tự thông hiểu Đạo Pháp, không học từ ai khác. Đọc T. W. Rhys Davids, F. Max Müller hiệu đính, The Questions of Milinda, Vol. II, [Low Price Publications, Delhi, 1996] chú thích 6, trang 6.

Buddha: Buddha theo nghĩa nào? Ngài là người khám phá (bujjhitar) ra chân lý, do đó ngài là bậc giác ngộ (buddha). Ngài là người đánh thức (bodhetar) cuộc đời này, do đó ngài là bậc giác ngộ. Ngài được giác ngộ nhờ hiểu biết toàn triệt, giác ngộ nhờ thấy biết tất cả, giác ngộ không dựa vào chỉ dẫn của một ai, giác ngộ vì uy lực,[13] ngài được giác ngộ bằng phẩm hạnh diệt xong nhiễm lậu, được giác ngộ bằng phẩm hạnh giải thoát khỏi các đặc tính tất yếu của hiện hữu.* Ngài hoàn toàn không còn tham, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài hoàn toàn không còn sân, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài hoàn toàn không còn si, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài hoàn toàn không còn ô nhiễm, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài đã đi trên đạo lộ giải thoát chỉ có một chiều, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài một mình khám phá ra giác ngộ toàn triệt vô thượng, do đó ngài là bậc giác ngộ. Ngài là bậc giác ngộ vì đã hủy diệt vô minh và chứng đạt giác ngộ.

* Nirupadhi: giải thoát khỏi các đặc tính tất yếu của hiện hữu, những gì tất yếu của hiện hữu theo nghĩa rộng nhất của nó (nghĩa hẹp: không còn luyến ái). Đọc Ñāṇamoli, The Guide, PTS [Oxford, 1977], chú thích 164/12, trang 49. Xin đọc Luận I đ. 18 liệt kê 15 đặc tính căn bản tất yếu của hiện hữu này.

Buddha:  đây không phải là tên do mẹ đặt ra, do cha đặt ra, do anh đặt ra, do chị đặt ra, do bạn hữu và những người đồng hành đặt ra, do bà con và thân quyến đặt ra, do sa môn và brahmans đặt ra, do chư thiên đặt ra: đây là danh hiệu (lấy) từ sự giải thoát cuối cùng của các bậc Giác Ngộ, các bậc Thế Tôn, cùng với sự chứng đạt trí toàn giác ở cội cây Giác Ngộ, danh hiệu ‘bậc Giác Ngộ (Buddha)’ là một (ý niệm) diễn bày dựa trên chứng ngộ.

178. Đã dạy: Theo đúng như đức Phật đã dạy, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của tự chủ, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của an tịnh trong tâm, ... [và cứ thế như ở đ 176 cho đến] nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của củng cố đoạn tận.

179. Người đó: người đó là cư sĩ hay đã xuất gia, sống không gia đình.

180. Thế giới: thế giới tập hợp, ... [lập lại Luận I đ 580 cho đến] Mười tám thế giới: Mười tám yếu tố.

181. Soi sáng: Sau khi đã tìm ra nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của tự chủ, [175] vị ấy là ngôi sao soi sáng, chiếu sáng thế giới này. Sau khi đã tìm ra nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của an tịnh trong tâm,... [và cứ thế như ở đ 176 cho đến]... Sau khi đã tìm ra nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của củng cố đoạn diệt, vị ấy là ngôi sao soi sáng, chiếu sáng thế giới này.

182. Giống như trăng tròn không mây: Các ô nhiễm giống như đám mây, trí của bậc thánh giống như mặt trăng. Người tỳ kheo giống như con của phạm thiên làm chủ trăng tròn. Khi không có mây, không có sương mù, không có khói bụi do quyền lực của Thần Nguyệt Thực Rāhu phát ra, mặt trăng rọi sáng, chói sáng và sáng ngời, người tỳ kheo khi được giải thoát khỏi ô nhiễm cũng rọi sáng, chói sáng và sáng ngời như thế. ‘Giống như trăng tròn không mây’ được nói vì lý do đó.

Đây là mười ba loại trí thanh tẩy.

CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ.

[Phần iv]

183. Ba mươi hai loại trí của người làm việc có quán niệm* là gì?

* satokārissa: người làm việc có quán niệm

[Tóm lược Kinh: 4 nhóm, 16 cứ điểm, 32 hình thái]

Ở đây, một tỳ kheo đi đến cánh rừng hay đến gốc cây hay đến chỗ trống vắng, ngồi xuống; sau khi đã ngồi khoanh chân, giữ thẳng thân hình, thiết lập quán niệm trước mặt, luôn giữ quán niệm vị ấy thở vào, luôn giữ quán niệm vị ấy thở ra.

(1) Đang thở vào hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi dài’; (2) hay đang thở ra hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi dài’; (3) Đang thở vào hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi ngắn’; (4) hay đang thở ra hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi ngắn’. (5) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở vào’; (6) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở ra’; (7) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’;* (8) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’.

* hành vi của thân’ chính là hơi thở vào và hơi thở ra (M i 301). Tuy bắt nguồn từ tâm (cittasamuṭṭhāna), nhưng hơi thở vẫn được coi là ‘hành vi của thân’ vì sự hiện hữu của nó có liên hệ mật thiết với cơ thể do nghiệp tạo ra và hơi thở được tạo nên lấy cơ thể làm phương tiện (Pm 263). Đọc đ. 266.

(9) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm sự hoan hỉ, tôi sẽ thở vào’; (10) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm sự hoan hỉ, tôi sẽ thở ra’; (11) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm sự an lạc, tôi sẽ thở vào’; (12) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm sự an lạc, tôi sẽ thở ra’. (13) Vị ấy tập như vầy [176] ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm,* tôi sẽ thở vào’; (14) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra’. (15) Vị ấy tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở vào’; (16) Vị ấy tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra’.

* Phẩm Cūḷavedalla trong Bộ Kinh Trung nói: ‘Nhận thức và cảm thọ thuộc tâm, đây là những trạng thái có liên hệ mật thiết với tâm; đó là lý do tại sao cảm thọ và nhận thức là ‘hành vi của tâm’’ (M i 301). Chú giải MA nói rằng hành vi của tâm, hành vi của thân có liên hệ mật thiết với tâm và thân theo nghĩa do tâm, do thân tạo ra. Đọc Ñāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, Wisdom Publications, [Boston, 1995], chú thích 466, trang 1240.

(17) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm tâm,* tôi sẽ thở vào’; (18) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm tâm, tôi sẽ thở ra’. (19) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở vào’2*; (20) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra’. (21) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở vào’3*; (22) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở ra’. (23) Vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở vào’4*; (24) Vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở ra’.

* kinh nghiệm tâm’ [cittapaṭisaṁvedī] được hiểu theo bốn jhānas.

2* ‘làm tâm hân hoan’ (abhippamodayaṁcittaṁ) được giải thích là hoặc chứng hai cõi thiền có hỉ hay khi thể nhập các cõi thiền có tuệ giác dẫn đến đoạn diệt khởi lên...

3* làm tâm định’ (samādahaṁcittaṁ) để chỉ cho nhập cõi thiền hay sự định tâm ngắn ngủi khởi lên cùng với tuệ giác.

4* ‘giải thoát tâm’ (vimocayaṁcittaṁ) có nghĩa là giải thoát tâm khỏi các chướng ngại và các yếu tố thiền còn thô bằng cách định tâm theo mức độ tăng dần, và thoát khỏi các lệch lạc trong nhận thức bằng tuệ giác. Đọc Ñāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, sđd, chú thích 1120, trang 1325.

(25) Vị ấy tập như vầy ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở vào’; (26) Vị ấy tập như vầy ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở ra’. (27) Vị ấy tập như vầy ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở vào’; (28) Vị ấy tập như vầy ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở ra’. (29) Vị ấy tập như vầy ‘Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vào’; (30) Vị ấy tập như vầy ‘Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra’. (31) Vị ấy tập như vầy ‘Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vào’; (32) Vị ấy tập như vầy ‘Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra’. (Vin iii 70f.; M iii 83; S v 311f.; A v 111).

[Chú giải về đoạn kinh dẫn nhập]

184. Ở đây: trong nhận thức này, trong chọn lựa này, trong ưa chuộng này, trong tuyển chọn này, trong Giáo Pháp này, trong Giới Luật (vinaya) này, trong lãnh vực Giáo Pháp và Giới Luật này, trong giáo lý này, trong đời sống Phạm Hạnh này, trong Giáo Huấn của bậc Đạo Sư này. ‘Ở đây’ được nói vì lý do đó.

185. Một tỳ kheo: Một tỳ kheo là người thế tục rộng lượng hay bậc hữu học hay một Arahant đã chứng trạng thái không thể đả kích được.

186. Cánh rừng: sau khi đã đi quá mốc ranh, tất cả đều là rừng.

187. Gốc cây: chỗ ngồi của tỳ kheo được sửa soạn, hay cái giường, ghế, đệm, chiếu, miếng da hay mớ cỏ, lá, giạ của tỳ kheo trải ra, chỗ vị ấy đi, đứng, ngồi hay nằm.

188. Trống vắng: nơi người cư sĩ hay đạo sĩ ít qua lại.

189. Chỗ: nhà, chái nhà, dinh thự, biệt thự, hang động.

190. Ngồi xuống; sau khi đã ngồi khoanh chân: vị ấy đã ngồi xuống, sau khi đã ngồi khoanh chân xong xuôi.

191. Giữ thẳng thân hình: thân của vị ấy thẳng, đặt định [vững chãi], xếp đặt đâu vào đó.

192. Thiết lập quán niệm trước mặt vị ấy (parimukhaṁ satiṁ upaṭṭhapetvā): pari có nghĩa duy trì; mukhaṁ (nđ: cái miệng) có nghĩa lối thoát; satiṁ (niệm) có nghĩa thiết lập (nền tảng). ’Parimukhaṁ satiṁ upaṭṭhapetvā’ (quán niệm được thiết lập trước mặt vị ấy) được nói vì lý do đó.[14]

193. Luôn giữ quán niệm vị ấy thở vào, luôn giữ quán niệm vị ấy thở ra: [177] vị ấy là người làm việc có quán niệm theo 32 khía cạnh:

(1) Khi vị ấy biết rõ nhất tâm và không tán loạn qua thở vào hơi dài, niệm được thiết lập (tạo nền tảng) trong vị ấy; nhờ vào quán niệm đó và trí đó, vị ấy là người làm việc có quán niệm. (2) Khi vị ấy biết rõ nhất tâm và không tán loạn qua thở ra hơi dài... (32) Khi vị ấy biết rõ nhất tâm và không tán loạn qua thở ra quán từ bỏ, niệm được thiết lập (tạo nền tảng) trong vị ấy; nhờ vào quán niệm đó và trí đó, vị ấy là người làm việc có quán niệm.

194. Như thế nào là (1) đang thở vào hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi dài’; (2) hay đang thở ra hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi dài’?

[Phân tích Trí về Đối Tượng Quán Tưởng]

195. (a) Vị ấy thở vào một hơi dài đo bằng khoảng cách. (b) Vị ấy thở ra một hơi dài đo bằng khoảng cách. (c) Vị ấy thở vào và thở ra những hơi thở vào và hơi thở ra dài đo bằng khoảng cách. Khi vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào dài và hơi ra dài đo bằng khoảng cách, hăng hái khởi lên.* (d) Với hăng hái, vị ấy thở vào hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (e) Với hăng hái, vị ấy thở ra hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (f) Với hăng hái, vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. Khi, với hăng hái, vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách, hân hoan khởi lên. (g) Với hân hoan, vị ấy thở vào hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (h) Với hân hoan, vị ấy thở ra hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (i) Với hân hoan, vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. Với hân hoan, khi vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài, tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách, tâm của vị ấy quay đi khỏi những hơi thở dài vào và ra, và bình thản được thiết lập.[15]

* chando uppajjati: chanda ở đây có nghĩa ý muốn làm, ý muốn này khởi lên vì thành quả đạt được khi hành thiền tiến triển. Vì thế tôi dịch là ‘hăng hái khởi lên’. Đọc Ñāṇamoli, The Path of Purification [BPS, 1991], chú thích 46 trang 783.

[Nền tảng của quán niệm]

196. Những hơi thở vào và hơi thở ra dài theo chín khía cạnh này là thân thể. [16] ‘Thiết lập’ (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán thân. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân.[17] [178]

197. Vị ấy quán: [18] Vị ấy quán thân đó như thế nào? Vị ấy quán thân đó vô thường, chứ không trường tồn; quán khổ não chứ không quán vui sướng; quán không phải là ngã chứ không quán là ngã; vị ấy đâm ra nhàm chán, hết thích thú; vị ấy khiến cho lòng tham phai nhạt, không khơi dậy nó; vị ấy làm cho đoạn diệt, không còn sanh khởi; vị ấy buông bỏ, không nắm giữ. Khi quán vô thường, vị ấy từ bỏ nhận thức cho là trường tồn; khi quán khổ não, vị ấy từ bỏ nhận thức cho là vui sướng; khi quán không phải là ngã, vị ấy từ bỏ nhận thức cho là ngã; khi trở nên nhàm chán, vị ấy hết thích thú; khi lòng tham của vị ấy phai nhạt, vị ấy từ bỏ tham; khi làm cho đoạn diệt, vị ấy từ bỏ sanh khởi; khi buông bỏ, vị ấy không còn nắm giữ. Vị ấy quán thân như thế đấy.

198. Tu tập: có bốn loại tu tập: tu tập theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên trong đó; tu tập theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng; tu tập theo nghĩa hiệu quả của nỗ lực thích đáng và tu tập theo nghĩa lập lại.

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận *][19]

199. Khi vị ấy biết chắc2* sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất;3* nhận thức của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất; sự hướng tâm về đối tượng của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng diệt đi.

* sampajāna: hiểu biết thấu đáo tường tận có đặc tính là không mơ hồ lẫn lộn. Nhiệm vụ của nó là tìm hiểu (phán xét). Biểu hiện của nó là xem xét kỹ lưỡng (Vism IV đ. 172).

2* viditā ; 3* abbhatthaṁ

200. Cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế nào?

Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của khao khát, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm... Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của hành vi tạo quả, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của xúc, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Cũng thế, khi vị ấy thấy được đặc tính của phát sanh, vị ấy đã nhận biết rõ sự sanh khởi của cảm nghiệm. Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận rõ như thế đấy. (so với I đ. 288).

Thế nào là sự xuất hiện (được thiết lập) của cảm nghiệm được nhận biết rõ? Khi vị ấy suy xét [cảm nghiệm] là vô thường, sự xuất hiện (thiết lập) của hủy diệt được nhận rõ; khi vị ấy suy xét cảm nghiệm là khổ não, sự xuất hiện (thiết lập) của hãi hùng được nhận biết rõ; khi vị ấy suy xét cảm nghiệm không phải là tự ngã, sự xuất hiện (thiết lập) của tánh không được nhận biết rõ. Sự xuất hiện (được thiết lập) của cảm nghiệm được nhận biết rõ như thế đấy.

Thế nào là sự biến mất của cảm nghiệm được nhận rõ? Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa diệt tận có điều kiện như vầy: Với sự diệt tận của vô minh, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm. Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa diệt tận có điều kiện như vầy: Với sự diệt tận của khao khát, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm... [179] Với sự diệt tận của hành vi tạo quả, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm. Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa diệt tận có điều kiện như vầy: Với sự diệt tận của xúc, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm. Cũng thế, khi vị ấy thấy được đặc tính của biến đổi, vị ấy đã nhận biết rõ sự biến mất của cảm nghiệm. Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ là như thế đấy.

Cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế đấy.

201. Nhận thức được nhận rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biêt rõ khi chúng biến mất như thế nào?

Sự sanh khởi của nhận thức được nhận rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh, nên có sự sanh khởi của nhận thức... Với sự sanh khởi của khao khát... Với sự sanh khởi của xúc... [và cứ thế như ở đ. 200 cho tới hết].

202. Hướng tâm về đối tượng được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế nào?

Sự sanh khởi của hướng tâm về đối tượng được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh, nên có sự sanh khởi của hướng tâm về đối tượng... Với sự sanh khởi của khao khát... Với sự sanh khởi của hành vi tạo quả... Với sự sanh khởi của nhận thức... [và cứ thế như ở đ. 200 cho tới hết]... [180] [20]

Hướng tâm về đối tượng được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế đấy.

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

203. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như;* vị ấy tổng hợp các lực...; vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ... ; vị ấy tổng hợp đạo lộ...;[21] vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác], hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như.*

*samatthañcapaṭivijjhati: thể nhập được ý nghĩa của nhất như.

204. Vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng: vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng như thế nào? Vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa quyết tâm của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không tán loạn của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa thấy rõ của nó. Người này tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng’ được nói vì lý do đó.

205. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: đối tượng của vị ấy là lãnh vực của vị ấy; lãnh vực của vị ấy là đối tượng của vị ấy. Vị ấy hiểu rõ, như thế vị ấy là một người; hành vi hiểu biết là tuệ tri.[22]

Nhất như: sự xuất hiện của đối tượng là nhất như, tâm không tán loạn là nhất như, làm tâm trong sạch là nhất như.

Ý nghĩa: mang ý nghĩa không lỗi, mang ý nghĩa không nhiễm lậu, mang ý nghĩa giữ trong sạch, nghĩa tối hậu.

Thể nhập:  vị ấy thể nhập sự xuất hiện (thiết lập) đối tượng, vị ấy thể nhập ý nghĩa không tán loạn của tâm, vị ấy thể nhập sự cương quyết của tâm, vị ấy thể nhập sự giữ tâm trong sạch. ‘Thể nhập được ý nghĩa của nhất như’ được nói vì lý do đó.

206. Vị ấy tổng hợp các lực: Vị ấy tổng hợp các lực như thế nào? Vị ấy tổng hợp tín lực theo nghĩa không lay chuyển vì bất tin của nó. Vị ấy tổng hợp tấn lực theo nghĩa không lay chuyển vì lười biếng của nó. Vị ấy tổng hợp niệm lực theo nghĩa không lay chuyển vì sự xao lãng của nó. Vị ấy tổng hợp định lực theo nghĩa không lay chuyển vì dao động của nó. Vị ấy tổng hợp tuệ lực theo nghĩa không lay chuyển vì vô minh của nó. Người này tổng hợp các lực ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các lực’ được nói vì lý do đó.

207. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đ. 205 cho đến hết]. [181]

208. Vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ:  vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ như thế nào? Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật theo nghĩa tìm hiểu của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ theo nghĩa chan hòa của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng theo nghĩa an lạc của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của định theo nghĩa không tán loạn của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản theo nghĩa tư duy* của nó. Người này tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ’ được nói vì lý do đó.

* paṭisaṅkhānaṭṭhena: theo nghĩa tư duy.

209. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đ. 205 cho đến hết].

210. Vị ấy tổng hợp đạo lộ: Vị ấy tổng hợp đạo lộ như thế nào? Vị ấy tổng hợp chánh kiến theo nghĩa thấy rõ của nó. Vị ấy tổng hợp chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào của nó. Vị ấy tổng hợp chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói của nó.* Vị ấy tổng hợp chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi của nó. Vị ấy tổng hợp chánh mạng theo nghĩa trong sạch của nó. Vị ấy tổng hợp chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của nó. Vị ấy tổng hợp chánh niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của nó. Vị ấy tổng hợp chánh định theo nghĩa không tán loạn. Người này tổng hợp đạo lộ ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp đạo lộ’ được nói vì lý do đó.

* pariggahaṭṭhena: theo nghĩa giữ gìn lời nói.

211. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đ. 205 cho đến hết].

212. Vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác]: Vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác] như thế nào? Vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng theo nghĩa ưu thắng của chúng. Vị ấy tổng hợp các lực theo nghĩa không lay chuyển của chúng. Vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa lối thoát của chúng. Vị ấy tổng hợp đạo lộ theo nghĩa nhân của chúng. Vị ấy tổng hợp các nền tảng (thiết lập) quán niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của chúng. Vị ấy tổng hợp chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của chúng. Vị ấy tổng hợp nền tảng của thần thông (con đường dẫn đến năng lực) theo nghĩa thành tựu của chúng. Vị ấy tổng hợp các sự thực theo nghĩa chân như (hiện thực) của chúng.

213. Vị ấy tổng hợp tĩnh lặng theo nghĩa không tán loạn của nó. Vị ấy tổng hợp quán thực tánh theo nghĩa quán tưởng. Vị ấy tổng hợp tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của chúng. Vị ấy tổng hợp sự phối hợp theo nghĩa không vượt quá của nó.

214. Vị ấy tổng hợp tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự của nó. Vị ấy tổng hợp tiến trình thanh lọc tâm theo nghĩa không tán loạn của nó. Vị ấy tổng hợp tiến trình thanh lọc quan điểm theo nghĩa thấy rõ của nó. Vị ấy tổng hợp giải thoát theo nghĩa tiêu dao tự tại của nó. [182] Vị ấy tổng hợp minh trí theo nghĩa hiểu rõ. Vị ấy tổng hợp tiêu dao tự tại theo nghĩa từ bỏ của nó. Vị ấy tổng hợp trí hủy diệt theo nghĩa cắt đứt của nó. Vị ấy tổng hợp trí về không sanh khởi theo nghĩa làm lắng dịu của nó.

215. Vị ấy tổng hợp hăng hái theo nghĩa nguồn gốc của nó. Vị ấy tổng hợp chú tâm suy xét theo nghĩa nguồn sanh khởi của nó. Vị ấy tổng hợp xúc theo nghĩa gặp gỡ của nó. Vị ấy tổng hợp định theo nghĩa tiên phong của nó. Vị ấy tổng hợp niệm theo nghĩa ưu thắng của nó. Vị ấy tổng hợp tuệ theo nghĩa cao nhất trong tất cả của nó. Vị ấy tổng hợp tiêu dao tự tại theo nghĩa cốt lõi của nó. Vị ấy tổng hợp Nibbana, vốn nhập vào với bất tử, theo nghĩa chấm dứt của nó. Người này tổng hợp đạo lộ ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác]’ được nói vì lý do đó.

216. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đđ 205* cho đến hết].

* Nguyên văn: đđ 106-7. Trong Luận III, hai đoạn này không mang cùng nội dung để lập lại. Tôi đã sửa lại cho đúng (như ở đ. 205).

(ii)

217. Như thế nào là (3) đang thở vào một hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi ngắn’; (4) đang thở ra một hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi ngắn’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

218. (a) Vị ấy thở vào một hơi ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi. (b) Vị ấy thở ra một hơi ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi. (c) Vị ấy thở vào và thở ra những hơi thở vào ngắn và những hơi thở ra ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi. Khi vị ấy thở vào và thở ra những hơi thở vào ngắn và những hơi thở ra ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi, tinh tấn khởi lên. (d) Với hăng hái, vị ấy thở vào hơi thở ngắn tinh tế hơn trước đo bằng một chốc ngắn ngủi. (e) ... [và cứ thế như ở đoạn đ. 195 cho đến hết, thay chữ dài bằng chữ ngắn và thay chữ khoảng cách bằng một chốc ngắn ngủi].

[Nền tảng của Quán Niệm]

219. Những hơi thở vào và những hơi thở ra ngắn theo chín khía cạnh là thân thể. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân được gọi là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) [183] vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán thân. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân’.

220. Vị ấy quán: ... [lập lại đ. 197].

221. Tu tập: ... [lập lại đ. 198].

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

222-225. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

226-238. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực, ... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].

(iii)

239. Như thế nào là (5) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở vào’; (6) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

240. Thân: có hai loại thân: thân tâm thức và thân vật thể.

Thân tâm thức là gì? Cảm nghiệm, nhận thức, chủ ý, xúc, chú tâm suy xét, tâm tánh* là thân tâm thức, và cái được gọi là hành vi của tâm cũng thế:  những điều này là thân tâm thức.

* tâm tánh (nāma = mentality: lề thói, cung cách suy nghĩ)

Thân vật thể là gì? Bốn yếu tố chính và các yếu tố rút ra từ những yếu tố chính này, hơi thở vào và hơi thở ra, dấu hiệu buộc [quán niệm], và những gì được gọi là hành vi của thân cũng thế: đây là thân vật thể.

241. Vị ấy kinh nghiệm các thân này như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài, ... qua những hơi thở vào ngắn, ... qua những hơi thở ra ngắn, ... quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm các thân này.

242. Khi vị ấy hướng tới, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Khi vị ấy biết rõ, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Khi vị ấy thấy rõ,... duyệt lại,... dứt khoát tâm của mình,... cả quyết bằng niềm tin,... nỗ lực tinh cần,... thiết lập (đặt nền tảng) quán niệm,... định tâm,... Khi vị ấy biết rõ bằng tuệ,... Khi vị ấy trực tiếp chứng biết cái cần được chứng biết trực tiếp,... Khi vị ấy hiểu biết đầy đủ cái cần được hiểu biết đầy đủ,... [184] Khi vị ấy từ bỏ cái cần được từ bỏ,... Khi vị ấy tu tập cái cần được tu tập,... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Các thân này được kinh nghiệm như thế đấy.

[Nền tảng của Quán Niệm]

243. Những hơi thở và và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] là một thân. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân đó được gọi là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí đó, vị ấy quán thân đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân’.

244. Vị ấy quán: ... [lập lại đ. 197].

245. Tu tập: ... [lập lại đ. 198].

[Tập luyện]

246. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự; những hơi thở vào và ra ấy là Tiến Trình Thanh Lọc Tâm theo nghĩa không phân tán; những hơi thở vào và ra ấy là Tiến Trình Thanh Lọc Quan Điểm theo nghĩa chứng thấy. Nghĩa của chế ngự trong đó là tu tập về Giới Tăng Thượng; nghĩa của không phân tán trong đó là tu tập về Tâm Tăng Thượng; nghĩa của chứng thấy trong đó là tu tập về Tuệ Tăng Thượng.

247. Khi chú ý đến ba loại tu tập này vị ấy tu tập, khi biết rõ chúng, vị ấy tu tập, khi thấy rõ, ... [và cứ thế như ở đ. 242 cho đến] ... khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy tu tập.

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

248-251. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

252-264. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ như thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].

(iv)

265. Như thế nào là (7) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’; (8) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

266. Hành vi của thân là gì? Những hơi thở vào dài là thân; những hơi thở này có liên hệ mật thiết với cơ thể, là hành vi của thân,[23] vị ấy tu tập cho lắng dịu, cho ngưng lại, cho tịch lặng những hành vi của thân này. Những hơi thở ra dài thuộc về thân;... Những hơi thở vào ngắn thuộc về thân;... Những hơi thở ra ngắn thuộc về thân;... Những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] thuộc về thân;... Những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] thuộc về thân; những hơi thở này có liên hệ mật thiết với cơ thể, là hành vi của thân, vị ấy tu tập cho lắng dịu, cho ngưng lại, cho tịch lặng những hành vi của thân này.

Lúc có những hành vi của thân như thế vì thân nghiêng phía sau, qua lại, theo mọi hướng, nghiêng phía trước, dao động, khích động, di chuyển, lay động, [185] vị ấy tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’. Lúc có những hành vi của thân như thế vì thân không nghiêng phía sau, qua lại, theo mọi hướng, nghiêng phía trước, khích động, thay đổi luôn, di chuyển, lay động, vắng lặng và tinh tế, vị ấy tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’.

Rồi vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’, vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’: nhờ thế, không tạo ra kinh nghiệm hơi gió, và không tạo ra những hơi thở ra và hơi thở vào, và không tạo ra quán hơi thở, và không tạo ra định nhờ quán hơi thở, và kết quả là bậc trí không thâm nhập vào và không xuất khởi từ thành tựu đó.

Rồi vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’, vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra: nhờ thế, tạo ra kinh nghiệm hơi gió, và có tạo ra những hơi thở ra và hơi thở vào, và có tạo ra quán hơi thở, và có tạo ra định nhờ quán hơi thở, và kết quả là bậc trí thâm nhập vào và xuất khởi ra từ thành tựu đó. Như cái gì? Như gõ cái chiêng. Thoạt tiên, âm thanh thô sượng đục phát ra và [tâm diễn ra] vì biểu tượng của âm thanh sượng này được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi âm thanh thô sượng này ngưng, rồi sau đó những âm thanh yếu ớt xảy ra và [tâm diễn ra] vì biểu tượng [24] của âm thanh yếu ớt này được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi âm thanh yếu ớt này ngưng, thì sau đó tâm xảy ra vì nó có dấu hiệu của những âm thanh yếu ớt này làm đối tượng - cũng thế, thoạt tiên những hơi thở vào và hơi thở ra thô xảy ra và [tâm không bị tán loạn] vì dấu hiệu của những hơi thở vào và hơi thở ra thô được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi những hơi thở vào và hơi thở ra thô này ngưng, rồi sau đó những hơi thở vào [186] và hơi thở ra yếu ớt xảy ra và [tâm không bị phân tán] vì biểu tượng của những hơi thở vào và hơi thở ra yếu ớt này được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi những hơi thở vào và hơi thở ra yếu ớt này ngưng, thì sau đó tâm xảy ra vì nó có dấu hiệu của những những hơi thở vào và hơi thở ra yếu ớt này làm đối tượng của nó. Nhờ thế, có tạo ra kinh nghiệm hơi gió, và có tạo ra những hơi thở ra và hơi thở vào, và có tạo ra quán hơi thở, và có tạo ra định nhờ quán hơi thở, và kết quả là bậc trí thâm nhập vào và xuất khởi từ thành tựu đó.

[Nền tảng của Quán Niệm]

267. Những hơi thở vào và hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của thân là một thân. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân được gọi là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán thân đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân’.

268. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].

269. Tu tập: ... [lập lại đ 198].

[Tập luyện]

270-271. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự; ... [lập lại phần còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

272-275. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân,  cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

276-288. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào dài và hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ thế như ở đđ 203-206 cho đến hết].

[Kết Luận Đoạn Bốn Câu Thứ Nhất]

289. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm.

Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới sự quán tưởng thân đúng như thân.

CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ.

(v)

290. (9) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm hoan hỉ, tôi sẽ thở vào’; (10) vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm hỉ, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

291. Hỉ là gì? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài, vì hỉ nên hân hoan khởi lên trong vị ấy... Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài,... qua những hơi thở vào ngắn... qua những hơi thở ra ngắn, qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm [187] toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] qua những hơi thở vào làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, vì hỉ nên hân hoan khởi lên trong vị ấy. Bất cứ hỉ nào, hân hoan nào, hành vi tạo hân hoan nào, sự hoan hỷ nào, vui vẻ nào, khoan khoái nào, thỏa mãn nào, thơ thới nào, tâm tư thanh thoát nào, là hỉ.[25]

292. Vị ấy kinh nghiệm hỉ như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài,... qua những hơi thở vào ngắn,... qua những hơi thở ra ngắn,... qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], qua những hơi thở vào làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của thân, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó.

293. Khi vị ấy hướng tới, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Khi vị ấy biết rõ, hỉ đó được kinh nghiệm... [và cứ thế như ở đ. 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Hỉ đó được kinh nghiệm như thế đấy.

[Nền tảng của Quán Niệm]

294. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] có cảm giác. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Cảm giác là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán cảm giác đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.

295. Vị ấy quán: ... [lập lại đ. 197].

296. Tu tập: ... [lập lại đ. 198].

[Tập luyện]

297-298. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ  là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... [lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

299-302. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

303-315. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].

(vi)

316. (11) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm lạc, tôi sẽ thở vào; (12) vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm lạc, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

317. Lạc là gì? Lạc có hai loại: Lạc thuộc thân và lạc thuộc tâm.

Lạc thuộc thân là gì? Bất cứ sự khỏe khoắn cơ thể, cơ thể dễ chịu, cơ thể khoẻ khoắn và dễ chịu sanh do tiếp xúc với thân, chào đón cảm giác dễ chịu sanh từ xúc chạm với thân, là lạc thuộc thân.[26]

Lạc thuộc tâm là gì? Bất cứ sự khỏe khoắn tâm tư, tâm tư dễ chịu, tâm tư khoẻ khoắn và dễ chịu sanh do tiếp xúc với tâm, chào đón cảm thọ dễ chịu sanh từ xúc chạm với tâm, là lạc thuộc tâm.

318. Vị ấy kinh nghiệm lạc đó như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài,... qua những hơi thở ra dài,... qua những hơi thở vào ngắn... qua những hơi thở ra ngắn, qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở vào dài làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc... quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm lạc đó.

319. Khi vị ấy hướng tâm tới, vị ấy kinh nghiệm lạc đó. Khi vị ấy biết rõ,... [và cứ thế như ở đ 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Hỉ đó được kinh nghiệm như thế đấy.

[Nền tảng của Quán Niệm]

320. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc, có cảm nghiệm. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Cảm nghiệm là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán cảm nghiệm đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.

321. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].

322. Tu tập: ... [lập lại đ 198].

[Tập luyện]

323-324. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... [lập lại những phần còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

325-328. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

329-341. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực,... [và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].

(vii)

342. (13) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm, tôi sẽ thở vào’; (14) vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

343. Hành vi của tâm là gì? Nhận thức và cảm thọ vì những hơi thở vào dài là thuộc tâm; những thứ này có liên hệ mật thiết với tâm, là những hành vi của tâm.23 Nhận thức và cảm thọ vì những hơi thở ra dài,... những hơi thở vào ngắn... những hơi thở ra ngắn... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở vào dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc là thuộc tâm; những thứ này có liên hệ mật thiết với tâm, là những hành vi của tâm. Đây là hành vi của tâm.

344. Vị ấy kinh nghiệm lạc đó như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài,... những hơi thở ra dài,... những hơi thở vào ngắn... những hơi thở ra ngắn, những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở vào dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm hỉ,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc... quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm .

345. Khi vị ấy hướng tâm tới, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm. Khi vị ấy biết rõ, hỉ đó được kinh nghiệm... [và cứ thế như ở đ 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm. Những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm như thế đấy.

[Nền tảng của Quán Niệm]

346. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm đó nên có cảm nghiệm. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Cảm nghiệm là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán cảm nghiệm đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.

347. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].

348. Tu tập: ... [lập lại đ 198].

[Tập luyện]

349-350. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... [lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

351-354. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

355-367. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].

(viii)

368. (15) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở vào’; (16) vị ấy tập như vầy: ‘Lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

369. Hành vi của tâm là gì? Nhận thức và cảm thọ vì những hơi thở vào dài... những hơi thở ra dài... những hơi thở vào ngắn... những hơi thở ra ngắn... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], những hơi thở vào làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm hỉ,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm

là thuộc tâm; những thứ này có liên hệ mật thiết với tâm, là những hành vi của tâm; vị ấy tu tập cho lắng dịu, cho ngưng lại, cho tịch lặng những hành vi của tâm này.

[Nền tảng của Quán Niệm]

370. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm đó nên có cảm nghiệm. Thiết lập (nền tảng) ... Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.

371. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].

372. Tu tập: ... [lập lại đ 198].

[Tập luyện]

373-374. Những hơi thở vào và hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».*

* bản POD không có những chữ trong ngoặc kép «» này. Tôi tiếp nối các đoạn trước để giòng tư tưởng của quý vị không bị đứt đoạn.

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

375-378. Khi làm lắng dịu hành vi của tâm qua những hơi thở vào và hơi thở ra, vị ấy biết rõ sự nhất tâm và không phân tán, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

379-391. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tĩnh lặng hành vi của tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng... «và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

[Kết luận Đoạn Bốn Câu Thứ Hai]

392. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm. Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới quán cảm giác đúng như cảm giác.

(ix)

393. (17) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm tâm, tôi sẽ thở vào; (18) vị ấy tập như vầy:‘ Kinh nghiệm tâm, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

394. Tâm đó là gì? Có tâm là thức do những hơi thở vào dài;... Có tâm là thức do những hơi thở vào ngắn;... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Có tâm là thức do những hơi thở ra làm tĩnh lặng hành vi của thân; bất cứ thức, ý, sự tạo ý niệm, tâm, sự trong suốt, [190] ý, ý xứ, năng lực gây ảnh hưởng, thức, tập hợp thức, <yếu tố ý thức do các yếu tố đã nói ấy tạo ra> nào, là tâm.[27] *

* Đọc Như Nhiên, Phân Tích, đ 184 nói về nguyên tố ý & ý thức.

395. Vị ấy kinh nghiệm tâm đó như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài,... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của tâm, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó vị ấy kinh nghiệm tâm đó.

396. Khi vị ấy hướng tâm tới, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm. Khi vị ấy biết rõ,... [và cứ thế như ở đ 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm hành vi của tâm đó. Vị ấy kinh nghiệm hành vi của tâm đó như thế đãy.

[Nền tảng của Quán Niệm]

397. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.

398. Vị ấy quán: ... «lập lại đ 197».

399. Tu tập: ... «lập lại đ 198».

[Tập luyện]

400-402. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

402-405. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

406-418. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

(x)

419. (19) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở vào’; (20) vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

420. Làm cho tâm hân hoan là gì? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào, ... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm, hành vi làm tâm hân hoan khởi lên trong vị ấy. Bất cứ hành vi tạo hân hoan nào, hoan hỷ nào, vui vẻ nào, khoan khoái nào, thỏa mãn nào, thơ thới nào, tâm tư thanh thoát nào, là hành vi làm tâm hân hoan.

[Nền tảng của Quán Niệm]

421. Qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm hân hoan nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm... «Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.

422. Vị ấy quán: ... «lập lại đ 197».

423. Tu tập: ... «lập lại đ 198».

[Tập luyện]

424-425. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

426-429. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm hân hoan, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

430-442. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm hân hoan, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

(xi)

443. (21) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở vào’; (22) vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở ra’.?[191]

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

444. Định là gì? Sự nhất tâm và không phân tán vì những hơi thở vào dài là định... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Sự nhất tâm và không phân tán vì những hơi thở ra là định; bất cứ sự ổn cố nào, sự vững chắc nào, sự trụ vững của tâm, không lao chao, không phân tán, tâm không dao động, tĩnh lặng, năng lực gây ảnh hưởng của định, định lực, chánh định, là định. [28] *

* Đọc Như Nhiên, Phân Tích, đ 436, trang 322.

[Nền tảng của Quán Niệm]

445. Qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm định nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm... «Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.

446. Vị ấy quán: ... «lập lại đ 197».

447. Tu tập: ... «lập lại đ 198».

[Tập luyện]

448-449. Những hơi thở vào và hơi thở ra làm cho tâm định là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

450-453. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm định, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

454-466. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm định, «vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

(xii)

467. (23) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở vào’; (22) vị ấy tập như vầy: ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

468. Vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tham, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tham, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi sân, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi sân, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi si, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi si, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi ngã mạn (kiêu hãnh), tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi quan điểm [sai lạc], tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi nghi hoặc, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi đờ đẫn lười biếng, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi dao động, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tính không biết hổ thẹn, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tính không biết ghê sợ tội lỗi, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tính không biết ghê sợ tội lỗi, tôi sẽ thở ra’.

[Nền tảng của Quán Niệm]

469. Qua hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm... «Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.

470. Vị ấy quán:... «lập lại đ 197».

471. Tu tập:... «lập lại đ 198».

[Tập luyện]

472-473. Những hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

474-475. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

476-490. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đ 203-215 cho đến hết».

[Kết luận Đoạn Bốn Câu Thứ Ba]

491. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm.

Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới sự quán tâm đúng như tâm.

(xiii)

492. (25) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở vào’; (26) vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

493. Vô thường: Vô thường là gì? Năm tập hợp là vô thường.

Vô thường theo nghĩa nào? Vô thường theo nghĩa sanh và diệt.

494. Người thấy sự sanh khởi của năm tập hợp thấy bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự diệt tận của năm tập hợp thấy bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự sanh diệt của năm tập hợp thấy bao nhiêu đặc tính? [192]

Người thấy sự sanh khởi của năm tập hợp thấy hai mươi lăm đặc tính. Người thấy sự diệt tận của năm tập hợp thấy hai mươi lăm đặc tính. Người thấy sự sanh diệt của năm tập hợp thấy năm mươi đặc tính.[29]

495. Vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong vật thể, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong vật thể, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong cảm nghiệm, tôi sẽ thở vào’;... [và cứ thế với 201 trạng thái còn lại đã liệt kê ở Luận I đ 5 cho đến]... vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong già và chết, tôi sẽ thở ra’.

[Nền tảng của Quán Niệm]

496. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán tâm nên có các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Các đối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.

497. Vị ấy quán:... «lập lại đ 197».

498. Tu tập:... «lập lại đ 198».

[Tập luyện]

499-500. Những hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

501-504. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán vô thường, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

505-517. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán vô thường, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

(xiv)

518. (27) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở vào’; (28) vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

519. Thấy rõ nguy hiểm trong vật thể, vị ấy có ý muốn làm cho lòng ham muốn vật thể phai nhạt, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn vật thể, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn vật thể, tôi sẽ thở ra’. Thấy rõ nguy hiểm trong cảm nghiệm... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại đã liệt kê ở Luận I đ 5 cho đến]... Thấy rõ nguy hiểm trong già và chết, vị ấy có nỗ lực làm cho lòng ham muốn già và chết phai nhạt, vị ấy có quả quyết trong tín và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn già và chết, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn già và chết, tôi sẽ thở ra’... vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong già và chết, tôi sẽ thở ra’.

[Nền tảng của Quán Niệm]

520. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán hết ham muốn có các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) này «là quán niệm. Quán là trí. Các đối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.

[Tập luyện]

521-522. Những hơi thở vào và hơi thở ra quán hết ham muốn là Tiến Trình Thanh Lọc Giới «theo nghĩa chế ngự;... lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

523-526. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán hết ham muốn, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

527-539. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán lòng tham phai nhạt, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

(xv)

540. (29) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận, tôi sẽ thở vào’; (30) vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

541. Thấy rõ nguy hiểm trong vật thể, vị ấy có ý muốn diệt tận vật thể, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận vật thể, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận vật thể, tôi sẽ thở ra’. Thấy rõ nguy hiểm trong cảm nghiệm... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại đã liệt kê ở Luận I đ 5 cho đến]... Thấy rõ nguy hiểm trong già và chết, vị ấy có ý muốn diệt tận già và chết, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận của già và chết, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận của già và chết, tôi sẽ thở ra’... vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận của già và chết, tôi sẽ thở ra’.

542. Có nguy hiểm trong vô minh theo bao nhiêu khía cạnh? Vô minh diệt theo bao nhiêu khía cạnh?

Có nguy hiểm trong vô minh theo năm khía cạnh. Vô minh diệt theo tám khía cạnh.

Có nguy hiểm trong vô minh theo năm khía cạnh nào?

Có nguy hiểm trong vô minh theo nghĩa vô thường; có nguy hiểm trong vô minh theo nghĩa khổ não, theo nghĩa không phải là ngã,... theo nghĩa thiêu đốt (thống khổ),... có nguy hiểm trong vô minh theo nghĩa biến đổi. Có nguy hiểm trong vô minh theo năm khía cạnh này.

Vô minh diệt theo tám khía cạnh nào?

Vô minh diệt với sự diệt tận của nguồn gốc, vô minh diệt với sự diệt tận của nguồn sanh khởi,... với sự diệt tận của sanh,... với sự diệt tận của sanh sản,... với sự diệt tận của nguyên nhân,... với sự diệt tận của điều kiện,... vô minh diệt với sự sanh khởi của trí, vô minh diệt với sự xuất hiện của diệt tận. Vô minh diệt theo tám khía cạnh này.

Sau khi đã thấy rõ nguy hiểm của vô minh theo năm khía cạnh này, vị ấy có ý muốn làm cho vô minh diệt tận, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán sự diệt tận của vô minh, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán sự diệt tận của vô minh, tôi sẽ thở ra’.

543. Trong hành vi tạo quả, có nguy hiểm theo bao nhiêu khía cạnh? Có bao nhiêu ... [và cứ thế như ở đ 542 cho đến] ... vị ấy tập như vầy: ‘Quán sự diệt tận của hành vi tạo quả, tôi sẽ thở ra’.

544. Có nguy hiểm trong thức theo bao nhiêu khía cạnh?

545. ... nguy hiểm trong tâm thức-vật thể...?

546. ... nguy hiểm trong sáu giác quan...?

547. ... nguy hiểm trong xúc...?

548. ... nguy hiểm trong cảm giác...?

549. ... nguy hiểm trong thèm khát...?

550. ... nguy hiểm trong bám níu...?

551. ... nguy hiểm trong trở thành...?

552. ... nguy hiểm trong sanh...?

553. Có nguy hiểm trong già và chết theo bao nhiêu khía cạnh? Già và chết diệt theo bao nhiêu khía cạnh?

Có nguy hiểm trong già và chết theo năm khía cạnh. Già và chết diệt ... [194]

... ‘Tôi sẽ thở ra quán sự diệt tận của già và chết’

[Nền tảng của Quán Niệm]

554. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận nên có các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) này « là quán niệm. Quán là trí. Các đối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.

[Tập luyện]

555-556. Những hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận là Tiến Trình Thanh Lọc Giới «theo nghĩa chế ngự; ... lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

557-560. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận qua, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

561-573. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

(xvi)

574. (31) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ, tôi sẽ thở vào; (32) vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ, tôi sẽ thở ra’?

[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]

575. Buông bỏ: có hai loại buông bỏ: buông bỏ là dứt bỏ và buông bỏ là sự đi vào (lao vào).

576. Dứt bỏ vật thể, như thế buông bỏ là dứt bỏ; tâm đi vào (lao vào) sự diệt tận của vật thể, nibbana, như thế buông bỏ kể như là sự đi vào (lao vào); vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ vật thể, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ vật thể, tôi sẽ thở ra’. Dứt bỏ cảm nghiệm, ... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại đã liệt kê ở Luận thuyết I đ 5 cho đến]... ‘Quán buông bỏ già và chết, tôi sẽ thở ra’.

[Nền tảng của Quán Niệm]

577. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) này «là quán niệm. Quán là trí. Các đối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.

[Tập luyện]

578-579. Những hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ là Tiến Trình Thanh Lọc Giới «theo nghĩa chế ngự; ... lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».

[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]

580-583. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».

[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]

584-596. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».

[Kết luận Đoạn Bốn Câu Thứ Tư]

597. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm.

Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới sự quán đối tượng của tâm ý đúng như đối tượng của tâm ý.

Đây là ba mươi hai loại trí trong những người làm việc có quán niệm.



(v)

598. Hai mươi bốn loại trí nhờ định là gì?

599. Sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài là định. Sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài là định... [và cứ thế với tất cả hai mươi bốn hình thái ở ba đoạn bốn câu đầu cho đến]... Sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở dài giải thoát tâm là định. Đây là hai mươi bốn loại trí nhờ định.



(vi)

600. Bảy mươi hai loại trí nhờ tuệ quán thực tánh là gì [195]?

601. Vì hơi thở vào dài [30] có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán khổ đau, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán không phải là ngã. Vì hơi thở ra dài... [và cứ thế với tất cả hai mươi bốn hình thái ở ba đoạn bốn câu đầu cho đến]... Vì hơi thở ra dài giải thoát tâm có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán khổ đau, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán không phải là ngã.

Đây là bẩy mươi hai loại trí nhờ tuệ quán thực tánh.



(vii)

602. Tám loại trí về nhàm chán là gì?

603. Khi quán vô thường, hành giả biết và thấy hơi thở vào đúng như thực, như vậy là có trí về nhàm chán. Khi quán vô thường, hành giả biết và thấy hơi thở ra đúng như thực,... khi quán hết ham muốn, hành giả biết và thấy hơi thở vào... hơi thở ra đúng như thực,... khi quán đoạn diệt, hành giả biết và thấy hơi thở vào... hơi thở ra đúng như thực,... Khi quán buông bỏ, hành giả biết và thấy hơi thở vào đúng như thực, như vậy là có trí về nhàm chán. Khi quán buông bỏ, hành giả biết và thấy hơi thở ra đúng như thực, như vậy là có trí về nhàm chán.

Đây là tám loại trí về nhàm chán.



(viii)

604. Tám loại trí tương thuận với nhàm chán là gì?

605. Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở vào trong người đang quán vô thường là trí tương thuận với nhàm chán. Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở ra trong người đang quán vô thường là trí tương thuận với nhàm chán. Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở vào trong người đang quán hết ham muốn... [và cứ thế với tám hình thái còn lại của đoạn bốn câu thứ tư cho đến]... Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở ra trong người đang quán buông bỏ là trí tương thuận với nhàm chán.

Đây là tám loại trí tương thuận với nhàm chán.



(ix)

606. Tám loại trí như là làm lắng dịu nhàm chán là gì?

607. Tuệ tư duy và điềm tĩnh do hơi thở vào trong người quán vô thường là trí như là sự lắng dịu nhàm chán. Tuệ... [và cứ thế với tám hình thái còn lại của đoạn bốn câu thứ tư cho đến]... Tuệ tư duy và thản nhiên do hơi thở ra trong người quán vô thường là trí như là sự lắng dịu nhàm chán.

Đây là tám loại trí như là làm lắng dịu nhàm chán.



(x)

608. Hai mươi mốt loại trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát * là gì? (cf. I 355ff.)

* vimuttisukha: hạnh phúc toàn hảo của giải thoát

609. Với đạo lộ nhập giòng, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:

1)      quan điểm [sai lạc] cho có bản ngã,

2)      hoài nghi,

3)      hiểu sai về giới và nghi lễ,

4)      khuynh hướng về quan điểm [sai lạc] ngủ ngầm,

5)      khuynh hướng về hoài nghi ngủ ngầm.

610. Với đạo lộ trở lại một lần, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:

6)      kết buộc thô lậu về thèm muốn khoái lạc giác quan,

7)      kết buộc thô lậu về chống đối,

8)      khuynh hướng ngủ ngầm của kết buộc thô lậu về thèm muốn khoái lạc giác quan,

9)      khuynh hướng ngủ ngầm của kết buộc thô lậu về chống đối. [196]

611. Với đạo lộ không trở lại, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:

10)  tàn dư của kết buộc về thèm muốn khoái lạc giác quan,

11)  tàn dư của kết buộc về chống đối,

12)  khuynh hướng ngủ ngầm của tàn dư của kết buộc về thèm muốn khoái lạc giác quan,

13)  khuynh hướng ngủ ngầm của tàn dư của kết buộc về chống đối.

612. Với đạo lộ Arahant, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:

14)  ham muốn hiện hữu cõi sắc giới,

15)  ham muốn hiện hữu cõi vô sắc giới,

16)  ngã mạn (tự hào),

17)  dao động,

18)  vô minh,

19)  khuynh hướng ngã mạn (tự hào) ngủ ngầm,

20)  khuynh hướng ham muốn hiện hữu ngủ ngầm,

21)  khuynh hướng vô minh ngủ ngầm.

Đây là hai mươi mốt loại trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát.

Đây là trên hai trăm loại trí khởi lên trong người tu tập định nhờ quán niệm hơi thở với mười sáu nền tảng.

CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ QUÁN HƠI THỞ.


[1] Ānāpānasati - quán hơi thở (= Āna + apāna + sati) : Ānaṁ là hơi thở đi vào; apānaṁ là hơi thở ra. Tuy nhiên có người nói ngược lại (PsA 320 Se).

[2] Bản của PTS, quyển 1, trang 164, I. 2, viết là: khaṇikasamodhānā ime aṭṭhārasa upakkilesā uppajjanti ‘Khi bất toàn khởi lên, chúng liên tiếp khởi lên như thế trong từng khoảnh khắc, theo thứ tự chớp nhoáng, chứ không trong một tâm sát na (PsA 321 Se)

[3] Với hơi thở vào, chặng đầu là đầu mũi hay môi trên, chặng giữa là quả tim, và chặng cuối là rốn (PsA 322 Se). Với hơi thở ra thì kể ngược lại.

[4] Sau khi kết luận rằng ‘Đề mục thiền quán này phụ thuộc vào luồng hơi thở qua cánh mũi’, thì ao ước dưới hình thức mong ngóng những hơi thở thô tiếp tục đi vào là biểu hiện của khao khát làm ngăn trở định vì thiếu sự ổn định của nhất tâm... Người thở hơi vào quá dài hay quá ngắn có thể cảm thấy khó chịu vì mệt mỏi thân tâm do hơi thở ấy tạo ra (PsA 322 Se).

[5] Dấu hiệu là nơi hơi thở vào và hơi thở ra chạm phải. Vì hơi thở vào và ra đánh vào đầu mũi người có mũi dài và môi trên người có mũi ngắn’ (PsA 323 Se).

[6] Đây là ‘Tâm theo dõi hơi thở ra hơi thở vào đã đi quá nơi xúc chạm và đã đi mất từ chỗ ấy’. Câu kế là ‘Tâm mong đợi và đón chờ hơi thở vào chưa tới nơi xúc chạm’ (PsA 323 Se)

[7] PTS quyển I, trang 167, 1. 20 đọc là paṭipadāvisuddhipakkhantaṁ. Toàn đoạn văn này được bàn ở chương IV , Con Đường Thanh Lọc (trang 148-9).

[8] ‘Dấu hiệu buộc quán niệm’ là đỉnh mũi hay môi trên là nguyên nhân và là dấu hiệu để buộc quán niệm’ (PsA 328 Se)

[9] Toàn bài kệ ở Thag 549; hai câu cuối ở Dh 382. đ 182 lấy candimā (trăng tròn) với nghĩa candi-mant (người làm chủ trăng) như satimā.

[10] Đọc ānan ti assāso no passāso, apānan ti passāso no assāso. Assāsavasena và cứ thế không có đoạn văn mới sau chữ assāso.

[11] Lối chơi chữ ở samaṁ (nhất thể) liên kết với chữ sammati (quá khứ phân từ là santo an tịnh) và cũng cách dùng chữ như thế ở đây với tiếp đầu ngữ saṁ (= hợp lại) xảy ra nhiều lần trong tác phẩm này. Xem chữ ‘nhất thể’ ở phần danh từ Việt Pāḷi ở cuối sách.

[12] Anācariyako pubbe ananussutesu dhammesu.

[13] Visavitāya: không có trong tự điển của PTS: Đọc Luận Thuyết XXII đ. 5 (Ps ii 205, PsA 655 ấn bản của PTS); Cf. DhsA 109, DhsAA 65 ấn bản của Vidyodaya: ‘Visavitāyā ti arahatāya’.

[14]Có nghĩa duy trì ’ theo nghĩa được giữ vững. Cái gì được giữ vững? Lối thoát. Định, khi dựa trên niệm hơi thở, tự nó là lối thoát, dẫn thẳng tới đạo lộ arahant. Như vậy mới nói ‘có nghĩa lối thoát’. Nghĩa của ‘lối thoát khỏi sanh tử luân hồi’ được diễn tả bằng nghĩa của mukha (miệng) ở phía trước. ‘Có ý nghĩa thiết lập’ theo nghĩa tự tánh. Nghĩa của đoạn này là: Sau khi đã làm cho niệm thành lối thoát được giữ vững. Nhưng có người nói ‘có nghĩa duy trì’ tượng trưng cho ‘duy trì là ý nghĩa của quán niệm’; và ‘có nghĩa của lối thoát’ tượng trưng cho ‘cửa vào và ra là nghĩa của hơi thở vào và hơi thở ra’. Vậy thì điều được ngụ ý chính là: Sau khi đã thiết lập quán niệm thành lối thoát được giữ vững của hơi thở vào và hơi thở ra’ (PsA 350-1).

[15] Có thể thấy sự khác biệt giữa văn phong của Bhadantācariya Dhammapāla và của Bhadantācariya Mahānāma qua lời bình giải của hai vị về cùng đoạn văn này. Luận bình của ngài Dhammapāla về đoạn này được trích dẫn trong Visuddhimagga Chương VIII (trang 273), còn của ngài Mahānāma tìm thấy trong chú giải của Paṭisambhidā. Về câu ‘tâm của vị ấy quay đi’, vị sau nói: Assāsapassāse nissāya paṭibhāganimitte uppajjante pakati-assāsapassāsato cittaṁ nivattati (Khi biểu tượng tương tự (tợ tướng) dựa trên hơi thở vào và hơi thở ra khởi lên, tâm quay đi khỏi những hơi thở vào và hơi thở ra ấy)- PsA 351 Se), nhưng vị trước nói: ‘Anukkamena assāsapassāsānaṁ ativiya sukhumatarabhāvappattiyā anupaṭṭhahane vicetabbākārappatteheti tehi cittaṁ vinivaṭṭati. Keci ‘Bhāvanābalena pana sukhumatarabhāvappatesu assāsa passāsesu tattha paṭibhāganimitte uppanne pakatiassāsapassāsato cittaṁ nivattatī’ ti’ (Vào lúc không có biểu hiện nào của hơi thở vào và hơi thở ra vì đã đạt tới mức rất tinh tế, tâm quay đi khỏi những hơi thở ấy khi đạt sắc thái đặc biệt như thế người ta phải tự hỏi những hơi thở ấy có hiện hữu hay không. Nhưng có người nói rằng khi hơi thở vào và hơi thở ra đã đạt tới trạng thái vi tế hơn dưới ảnh hưởng của sự phát triển thiền định, thì tâm quay đi khỏi những hơi thở vào ra bình thường đó ngay khi biểu tượng tương tự khởi lên ở đấy - VismA 261). Chữ ‘có người - keci ’ trên được dành cho những người phát biểu ý tưởng nghe qua xa lạ, ở đây Paramatthamañjūsā (chú giải của quyển Visuddhimagga) có lẽ muốn nói tới lời giải thích trong Saddhammappakāsinī (chú giải của quyển Paṭisambhidāmagga) bằng chữ ‘keci ’ này.

[16] Hơi thở vào và hơi thở ra được coi như những vi tử li ti* là thân thể theo nghĩa nhóm, và biểu tượng khởi lên nhờ hơi thở vào bình thường và hơi thở ra bình thường cũng được gọi là ‘biểu tượng’. ‘Thiết lập quán niệm’: quán niệm được gọi là ‘thiết lập’ (nền tảng) vì, sau khi đã tiếp nhận đối tượng, quán niệm vẫn ở đấy. ‘Quán là trí ’: có nghĩa quán về thân biểu tượng trong tĩnh lặng và quán thân tâm thức & thân vật thể trong tuệ quán thực tánh là trí. ‘Thân là sự thiết lập (nền tảng)’: thân được gọi là thiết lập (nền tảng) vì quán niệm, sau khi đã tiếp đón nó, vẫn còn ở đó. ‘Nhưng nó không phải là quán niệm’: thân đó không được gọi là ‘quán niệm’ (PsA 351 Se).

*[kalāpa: vi tử li ti] (Pm 259).

[17]Quán thân đúng như thân’: thân của nhiều loại, là quán thân đó. Hay, quán một tấm thân nào đó, chứ không phải quán về bất cứ ý tưởng nào khác liên quan đến thân đó; không quán về trường tồn, vui sướng, ngã và cái đẹp trong cái thân vốn vô thường, khổ não, không phải là ngã và bất tịnh, mà quán thân vô thường, khổ não, không phải là ngã và bất tịnh. Hay chỉ giản dị quán thân thôi chứ không quán trong thân đó bất cứ thân nào được giả định là ‘Tôi’, của tôi hay đàn bà, đàn ông (PsA 352, Se). Đọc thêm MA  i 241f.

[18] Đọc Luận I đ. 296.

[19] Đọc A ii 45 để thấy sự thích đáng của tiểu mục này.

[20] Do cắt bỏ đi vì trùng lắp, nên sự thay thế chữ xúc bằng chữ nhận thức bị thiếu mất trong bản của PTS.

[21] Bản của PTS vol. I trang 180 1.15 viết: samatthañ ca paṭivijjhati... pe... balāni ca samodhāneti... pe... bojjhaṅge ca samodhāneti... pe... maggañ ca samodhāneti... pe... dhamme, như sẽ thấy ở sau.

[22] Viết là: ārammaṇaṁ. Pajānāti ti puggalo. Pajānanā paññā.

[23] Đọc M i 301.

[24] ‘Dấu hiệu là một khía cạnh của những âm thanh đó; và dấu hiệu của âm thanh không là gì ngoài chính âm thanh đó’. (PsA 358 Se).

[25] Đọc Dhs. đ. 9.

[26] Đọc Dhs. đ. 3.

[27] Đọc Dhs đ 6. <Viết là tajjā mano->.

[28] Đọc Dhs. đ 15.

[29] Đọc Luận thuyết I đ. 285f.

[30] Viết là  Dīghaṁ assāsā aniccato (?); đọc chú giải (PTS ed. đ. 526) (assāsā ở abl. sing [xuất xứ cách, số ít]).

-ooOoo-