---o0o---
PHẬT NÓI KINH VÔ LƯỢNG
THỌ
---o0o---
PHẦN HUYỀN NGHĨA
Kinh Vô
Lượng Thọ và viên giáo xứng tánh của Như Lai, là hóa nghi
của chúng sanh sẵn có. Nguyên trong cảnh giới chơn như vốn
không có một pháp mà trùm khắp hết vi trần, ứng hết các
cơ mà rốt ráo viên tịch. Bởi vì chúng sanh không hiểu nguồn
tâm, vọng duyên vào nẻo khổ, huyển sanh vào huyển diệt,
lúc xuống lúc lên, muốn nhổ gốc luân hồi, dứt nhơn ái, nếu
không có pháp môn Niệm Phật thì còn ai biết lối để về
nhà. Vì thế đấng
Pháp Vương rủ lòng thương xót mở rộng
pháp môn, chỉ những kinh chư Phật hộ trì, rõ chúng sanh cõi
vốn thanh tịnh. Vô biên biển giác thấu về một mối an
lành, vô số tường vân ruổi hết ba ngàn mưa mốc. Do đó hồng
danh vừa xướng, dứt sạch tội mê, một niệm tròn đầy mau
lên bảo địa. Mình và người không cách, vượt mười muôn
ức cõi chẳng bao xa, phàm thánh giống in, tức có đủ hết
ba mươi hai tướng. Cốt yết tâm mình là Phật, tức Phật tỏ
lòng, đem muôn thiện
đồng về, giữ cho nhất tâm chẳng loạn. Trong hoa sen báu
mẹ con sẽ gặp nhau, trên tướng lông mài sự khổ vui đâu
còn nữa, từ đó
đủ trí ấn Văn Thù, đầy nguyện vương Phổ Hiền, không cần
động một mảy may mà chứng liền được tam muội, không dời
nửa bước mà đi khắp mười phương, liền được thọ ký bồ
đề, vị lên bất thối. Nhờ phương
tiện ấy, khó nói hết thâm ân, phàm người có Tịnh Ðộ
nhân duyên cần nên nhận lấy.
Có người hoặc chấp CÓ
chê KHÔNG , nặng tình mê tánh, luyến huyển thân làm trăm tuổi,
mê chơn tánh cả muôn đời,
lấy được hạt mè tự cho là đủ,
nằm trên cánh phù du
buổi tối đâu có ngày mai, như kẻ cùng
tử nổi trôi nhận thành khổ làm nhà ở, sống buông lung điên
đảo, khóa chơn
như trong đêm mơ. Dù Phật Tổ đã
ân cần kề tai dặn bảo, nhưng nào ai chịu nhận lối về,
không hề phá tướng tột không, chấp thuốc thành bịnh, bỏ
lời Phật dạy, quên hẳn lối đi, suốt ngày mê tình đắm
nhàn không biết bỏ trần về giác. Thấy lổ trần nhà hiện
bóng cho là ánh nhật giữa trời không, chỉ được hạt nước
ngoài khơi cứ tưởng là muôn trùng biển rộng. Chẳng khác
Lão Bà moi đáy nước tìm hình bóng đâu
đâu, như chàng Diễn Nhã Ðạt Ða
nhìn gương thấy mất đầu
la hoảng. Than ôi! Thân người khó được, chổ chí Ðạo
khó nghe, một hơi thở không về trở thành đời
khác. Ba đường dông rủi dài biết bao năm , nhà
lửa cháy phừng phừng mà vẫn một lòng chơi giỡn, hằng hà
sa kiếp khó hàn trở lại thân người, nếu không hiểu được
Nhất Tâm, trôi lăn biết bao giờ trở lại. Nếu muốn vượt
ngang qua ba cõi, chỉ có con đường về Cực Lạc Phương Tây,
Kinh này Phật nói trước tiên, là con
đường duy nhất cho chúng sanh thoát luân hồi khổ.
Trước khi giảng Kinh, chúng
ta cần hiểu rõ những Thắng Nghĩa, những Yếu Chỉ, những
Huyền Nghĩa nhất là những cốt tủy của toàn Bộ Kinh.
I.Những Thắng Nghĩa:
kinh Vô Lượng Thọ là một bộ kinh chính yếu làm nơi QUY TÚC
cho pháp môn Tịnh Ðộ. Trong ấy diễn
đạt hết thắng nghĩa của Tông mà
kinh Tịnh Ðộ khác không có đủ. Kinh bao gồm các khía cạnh
như: Nhơn Quả, Tín Giãi, Nguyện Hạnh, Khuyên Răn, Sự Lý,
và Tu Chứng. Vì nó có đầy
đủ tất cả thắng nghĩa, nên Cổ Ðức
gọi là Ðại Kinh.
*Ðủ Nhơn Quả: pháp
môn Niệm Phật A Di Ðà cầu sanh về cõi Cực Lạc có đủ
trong Kinh luận Ðại thừa mà chuyên chú có Ba Kinh và Một Luận.
Tất cả các Kinh Luận nói về tịnh độ
phần nhiều nói về Quả, ít đề cập đến Nhơn. Kinh này
nói Tỳ kheo Pháp Tạng trong lúc là Bồ Tát Gieo Nhơn, tu các
thứ hạnh nguyện,
nhờ đó mà được cái quả Tịnh Ðộ
ngày nay, vì có Diệu Quả mà ngài chuyên nhiếp hóa chúng
sanh, ai nương cái đó mà tu hành chắc được
kết quả. Nhơn Quả đầy đủ so với các Kinh tịnh độ khác,
Kinh này đầy đủ nhất.
*Ðủ Tín Giải: Tín
là cội của Ðạo là mẹ
của các công đức, nuôi sống tất cả các căn lành.
Giải là hiểu rõ điều
cốt yếu để tu hành, do lòng tin mà
sinh ra. Kinh này nói rõ nhơn quả của Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo
do lòng tin sâu hiểu rõ mà tạo thành cõi Di Ðà Tịnh Ðộ.
Ngài đã nghe hai trăm mười ức quốc
độ của chư Phật, việc lành dữ của
trời người và thấy rõ các quốc độ của chư Phật. Ðồng
thời ngài cũng hiểu rõ tất cả Phương Pháp Trang Nghiêm Diệu
Ðộ. Ở các Kinh luận Tịnh Ðộ đều
lấy Việc Khó Tin để khuyên người
Sanh Lòng Tin. Kinh này dạy: Khi tin đều phải dùng trí tuệ
quán sát, chỉ cho thấy các pháp đều Không, Vô Ngã, hiểu
rõ mình như huyễn, dùng trí tuệ đạt
đến chỗ cứu cánh không còn nghi ngờ. Do đó lòng
tin trở nên sâu chắc.
*Ðủ Hạnh Nguyện:
Kinh A Di Ðà dạy: Muốn được vãng sanh phải có nhiều căn lành,
phước đức, nhân duyên, nhưng không
nói rõ phải tu thế nào để
có nhiều căn làn, phước đức, nhân duyên.
Ở trong Kinh này giải thích rõ Phật A Di Ðà đã tu nhơn gì,
tại sao phải phát nguyện tịnh tu và cũng nói cái Diệu Quả
mà Phật A Di Ðà thành đạt, người cầu vãng sanh phải phát
nguyện như thế nào để
đạt đến kết quả. Nguyện và Hạnh ở đây được giải
thích vô cùng tường tận.
*Ðủ Khuyên Răn:
Kinh Vô Lượng Thọ khuyên người dứt bỏ năm thiêu, năm ác,
làm năm điều lành,
đồng thời cũng chỉ rõ những việc ác để sớm xa
lìa, trong Kinh đồng thời cũng chỉ những khổ não vô kể của
cõi Ta Bà để sanh lòng sợ sệt từ đó muốn xa lìa, khen ngợi
Tịnh Ðộ trang nghiêm vô cùng diệu lạc để người sanh lòng
hâm mộ pháp nguyện tu hành. Thiết tha căn dặn, hết lòng thương
yêu khuyên răn đó
là thù thắng của Kinh này.
*Ðủ Lý Sự: Lý là
lý trí, dùng trí tuệ để phán xét. Giải rõ lý Chơn Như
như huyễn, chỉ rõ diệu dụng của bản tâm, tự tánh Di
Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ. Sự tức là chỉ Sự Tướng, như nói
trong cõi Tịnh Ðộ Phật A Di Ðà sống lâu vô lượng, ánh
sáng vô lượng, vàng ròng làm đất,
âm nhạc, hoa trời đều là thắng diệu
của Sự. Các Kinh Tịnh Ðộ thường hiển Sự ẩn Lý, Kinh
này Lý Sự đều
được trình bày.
*Ðủ Thân chứng:
Trong các Kinh Tịnh Ðộ khác nói rõ các thứ công đức trang
nghiêm Tịnh Ðộ không thể nghĩ bàn, tuy mười phương chư Phật
đều khen ngợi thanh tịnh như thế, trang nghiêm như thế
nhưng chưa có người được thân thấy, nên khó làm cho người
ta tin chắc. Trong Kinh này khi đức Thế Tôn giảng xong, Ngài
A-Nan đảnh lễ Phật Vô Lượng Thọ ở cõi Cực Lạc tây phương.
Lúc ấy Phật Vô Lượng Thọ và cõi Cực Lạc hiện rõ ra
làm cho ngài A-Nan và tất cả đại
chúng đều thân thấy. Phật Vô Lượng Thọ không phải chỉ
do đức Thế Tôn diễn nói mà toàn thể
Hội Chúng đều chính mắt mình nhìn thấy được.
II.Yếu-Chỉ Kinh Vô Lượng
Thọ: Gồm có năm
điểm cốt yếu:
1-Tin vào Trí Phật:
Trong Ðại Kinh dạy: Nếu có chúng sanh nào không hiểu Trí Phật,
đối với trí thù thắng của Phật hoài nghi không tin, song vẫn
tin tội phước, nguyện sanh về cực lạc những chúng sanh
này sau khi lâm chung ở biên
địa cõi Cực Lạc, sống năm trăm năm không thâý Tam-Bảo gọi
là Thai-Sanh, nên biết đối với trí
huệ Phật sinh lòng nghi hoặc thất lợi rất lớn. Phật nói
pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn đặc biệt không thể nghĩ bàn,
gần đây một số
người căn cứ vào sở học của họ
đứng ở một khía
cạnh như Tướng Tông, Bát nhã Tông, Tam Luận Tông để nhìn
Trí Phật, cho việc Mang Nghiệp Vãng Sanh Vượt Khỏi Tam Giới,
Một Ðời Thành Phật là một vấn đề
khó hiểu. Họ đâu biết rằng: Phật đã
nói rõ pháp này khó tin và diệu dụng không thể nghĩ bàn.
Nên biết Trí Phật không thể nghĩ bàn, không thể nghĩ nói.
Trí Ðại thừa tối thượng không thể nghĩ so sánh, Phật
dùng trí huệ ấy để nói lên pháp môn Tịnh Ðộ, không còn
chút gì đáng nghi nữa!
2-Tin mình đã có thiện
căn: Ðức Thế Tôn khi vừa thành đạo Ngài đã
nói: Tất cả chúng sanh đều có đủ Ðức
Tướng và Trí Tuệ của Như Lai, nhưng bị vô minh che lấp, ta
sẽ đem Ðạo Giác Ngộ chỉ bày chúng sanh được thành Phật.
Biết được mình có Phật tánh, có sẵn hột giống Phật
nên cố gắng vun quén, lau chùi vết nhơ để Phật tánh
được hiển lộ. Nếu mình không có
Phật tánh dù chúng ta có tu muôn nghìn đời cũng không thể
thành Phật. Như người mài ngói gạch để làm gương sẽ không
bao giờ được toại nguyện vì bản chất ngói gạch không thể
hiển lộ ánh sáng để trở thành gương. Có một số người
không hiểu mình có Phật tánh, có thiện căn, cứ cho mình có
nghiệp chướng nặng không thể vãng sanh. Họ đâu
biết rằng năng lực đại nguyện của Phật A Di Ðà
không thể nghĩ bàn. Một cục đá dù to nhưng có phương tiện
đưa lên thuyền dễ dàng sang thẳng bờ kia.
Hạt cát tuy nhỏ nhưng không có động lực giúp đỡ vẫn bị
chìm lỉm ở một chỗ. Mình đã
không tin mình có tánh Phật, có thiện căn, thì đâu có thể
tin vào Phật. Lòng tin đã không sâu thì nguyện đâu có tha
thiết, làm sao có thể được vãng sanh?
3.Phát Ðại Nguyện Bồ Ðề:
Ðại Kinh dạy: Chánh nhân của Ba Bậc vãng sanh là phải Phát
Tâm Bồ Ðề. Nói một cách khác, nếu không phát Tâm Bồ Ðề
tức là không thể vãng sanh. Tâm Bồ Ðề là gì? Tâm Bồ Ðề
là tâm đại từ
bi độ mình và độ
người được hoàn toàn giác ngộ. Do
đó, mới biết pháp môn Tịnh Ðộ là pháp môn viên đốn Ðại
thừa, không phải hàng định
tánh tiểu thừa có thể thâm nhập được. Vì
thế, dù là phàm phu mà phát Ðại Nguyện Bồ Ðề cũng được
thành chánh giác.
4.Nhất hướng chuyên niệm
cầu được vãng sanh: Kinh A Di Ðà dạy NHẤT TÂM BẤT
LOẠN, Kinh này dạy MỘT HƯỚNG CHUYÊN NIỆM. Chuyên niệm xét
về thời gian thì một lòng hướng về từ trước đến sau nối
kín nhau không dứt, như vòng xích sắt chuyển không có đầu
mối. Về không gian là chuyên lòng nhớ nghĩ đến Phương Tây,
cõi Cực Lạc trang nghiêm, Phật A Di Ðà tiếp dẫn, không hề
nghĩ đến hướng nào khác. Người chuyên tâm là người hệ
niệm thế giới cực lạc ở Tây Phương, cầu được vãng
sanh. Dù có tiền muôn bạc vạn cũng không ham, dù có vui vẻ
như thiên cung tâm vẫn không lay động, một chí nguyện cầu
sanh không gì làm lay chuyển nổi. Ðến khi lâm chung tâm Phật
hiển hiện, Phật A Di Ðà đến như bóng theo hình, như vang hợp
tiếng, pháp đúng như thế, nhơn quả không sai.
5.Tu các Công đức Chí
Tâm Hồi Hướng: Pháp Môn Tịnh
Ðộ chia làm hai hạnh: Chánh hạnh và Trợ hạnh. Niệm Phật
là chánh hạnh nhưng tu các công đức cũng không thể thiếu,
nó như chim có hai cánh mới có thể vượt trùng dương. Có người
không hiểu cho việc Trì Danh là chánh nên không cần Bố Thí,
Trì Giới, đọc Kinh, xây tháp, tạo tượng…không cần làm
các thứ công đức là một điều lầm lớn. Pháp môn Tịnh
Ðộ cần có chánh trợ đồng tu. Thuở xưa Ngài Pháp Tạng Tỳ
Kheo phát 48 đại nguyện, rồi Ngài tự thực hành sáu phép Ba
La Mật và dạy người thực hành trải qua vô ươn số kiếp,
tích công lụy đức nhiều đời
mới thành tựu pháp thân trang nghiêm
diệu độ. Trong Ðại Kinh dạy: Bậc Thượng Trung vãng sanh cần
tu các công đức và chí tâm hồi hướng cho pháp giới chúng
sanh. Hồi hướng có nghĩa là quay về. Có 4 nghĩa: 1- Hồi hướng
nhơn quả: Niệm Phật là nhơn, vãng sanh là quả. 2 - Hồi tự
hướng tha: Mình chưa được
độ trước phát tâm độ người. 3 - Hồi Tiểu hướng Ðại:
Bỏ tự lợi của Tiểu thừa, quy hướng cầu thành Phật
vãng sanh của Ðại thừa. 4 - Hồi Sự hướng Lý: Ðem 3 nghiệp
thanh tịnh của sự tướng hướng về nhất chơn pháp giới của
Lý tánh Thanh tịnh và không thanh tịnh đồng thành chủng
trí. Ðại Kinh lại dạy: Nếu các chúng sanh nghe danh hiệu ta,
lòng tin vui mừng cho đến một niệm, một lòng hướng nguyện
sanh về nước ta, liền được vãng sanh. Nên biết chí tâm hồi
hướng là điều rất quan trọng.
Năm yếu chỉ này,
nếu người Tu Tịnh Nghiệp gắng thực hành chắc được quả
vị cao.
III.Huyền Nghĩa:
Tổng quan của một Bộ Kinh được Ngài
Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư nghiên cứu theo năm lớp huyền
nghĩa:
-
Giải Ðề Kinh: Ðề
của Kinh này nói cho đủ là PHẬT
NÓI KINH VÔ LƯỢNG THỌ.
Muốn giảng Kinh trước phải hiểu tường tận đề Kinh, vì
đề luôn là những nét khái yếu, đồng thời hiển thị yếu
chỉ của Kinh.
Ðề Kinh này gồm có 6 chữ,
chia làm 3 đoạn đề
giảng:
*PHẬT
có nghĩa là Giác. Tự mình giác ngộ, giác ngộ cho người khác
và hành giác đã viên mãn. Kẻ phàm phu thì bất giác, nhị thừa
thì không có giác tha, Bồ Tát thuộc phần giác, chỉ có Phật
là hoàn toàn giác ngộ nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng chánh
giác. Nói một cách khác, Phật là nguời triệt để tự giác
và dạy người khác cùng giác ngộ như Ngài.
*NÓI
là truyền đạt tư tưởng bằng ngôn ngữ âm thanh, Phật Nói
tức là lời dạy trong Kinh này là chính từ Kim Khẩu của Ðức
Thích Ca Mâu Ni tuyên diễn
*KINH
là nghĩa thấu suốt. Kinh tiếng Phạn gọi là Tu Ða La, Trung
Hoa dịch là Kinh (sợi dây), ý nói dùng văn xâu suốt nghĩa lý,
cũng như sợi dây xâu hoa. Lại có nghĩa là thường pháp.
Trong Tâm Văn nói: Lời dạy của thánh hiền là Kinh. Vì không
luận trải qua bao nhiêu thời gian, các vật trong đời
có thể thay đổi, người trong đời xưa nay đều tôn trọng
quy tắc này.
*VÔ LƯỢNG THỌ
là danh hiệu Ðức Phật ở thế giới Cực Lạc Phương Tây
mà Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đề cập tới. Nội dung bài
thuyết giảng trong Kinh này là Ðức Phật Thích Ca tuyên dương
chổ thực hành, chỗ thành tựu và chỗ nhiếp hóa chúng sanh
của Phật A Di Ðà.
Nói chỗ thành tựu là chỉ
Ðức Phật A Di Ðà kết quả viên mãn, thành tựu pháp thân
trang nghiêm và cõi Cực Lạc trang nghiêm.
Nói chỗ nhiếp hóa là là
chỉ Ðức Phật Vô Lượng Thọ đã nhiếp hóa chúng sanh có
duyên trong mười
phương đã được sanh về cõi Cực Lạc, được lợi ích ở
trong Chánh Ðịnh Tụ.
Ðề Kinh PHẬT NÓI VÔ LƯỢNG
THỌ là nêu chánh báo để thu gồm y báo, nêu Hóa chủ đều
gồm cả Ðồ chúng. Trong đại Kinh Phật dạy: Ta nay vì các
chúng sanh nói Kinh pháp này làm cho chúng sanh thấy Phật Vô Lượng
Thọ và Quốc Ðộ của Ngài, những điều
đương cơ chúng sanh có thể mong thành đạt được. Lại nói:
Có chúng sanh nào gặp được Kinh này
tùy theo ý mình muốn đều
có thể được độ. Như thế Kinh này
quả là bộ Kinh cứu kính của pháp môn Tịnh Ðộ.
Vô Lượng Thọ là tâm
tánh một niệm hiện tiền của chúng ta. Quá khứ không có đầu,
vị lai không có chót, ngang cùng ba phía, nên hiệu là Vô Lượng
Thọ. Tâm tánh nhất niệm chúng ta trải qua muôn kiếp không
hoại, thể đồng hư không dọc khắp mười phương, nên gọi
là Vô Lượng Quang. Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang là bản
thể nhất chơn pháp giới hiện tiền. Do đó,
Tâm, Phật, chúng sanh ba món đó đều không có gì
sai khác.
2.Biện Luận về Chơn
Thể: Trước đây
chúng ta đã biết tên Kinh. Ðã có
tên tức là có thực thể, vì thực thể chính là chủ thể của
toàn bộ Kinh.
Kinh này lấy Vô Lượng Thọ
làm tên là hiển cái đức Trường Thọ không sanh diệt tịch
tịnh làm thể. Chơn thể của nó là Phật tánh, Niết Bàn hay
Vô Sanh. Trong Ðại Kinh Phật dạy: Hôm nay ta ở trong đời này
làm Phật, diễn nói Kinh Pháp, truyền bá dòng đạo
độ người chưa giác ngộ được thoát sanh tử, vào
chỗ vô sanh (Niết Bàn). Ta nay ở trong đời làm Phật, ở
trong năm khổ, năm
ác, năm thiêu cháy, bị nhiều đau khổ mà giáo hóa quần
sanh, khiến bỏ năm điều ác, trừ năm
thiêu cháy, xa lìa năm
khổ, diệt trừ ý nghiệp, dạy cho năm điều lành, được
phước trường thọ độ đời vào đạo Niết Bàn.
Vì thế Kinh này lấy Niết Bàn làm chủ thể không còn nghi ngại.
Niết bàn là biệt hiệu của
thật tướng. Trong Trí Ðộ Luận dạy: Thật tướng của các
pháp là thành lũy của Niết Bàn. Thành Niết Bàn có ba cửa
là Không, Vô Tướng, Vô Tác. Thật tướng là không tướng mà
có tướng mà không tướng. Muốn hiểu giáo thể phải quan
sát pháp tánh. Pháp tánh là cái không sanh, không diệt, không
đoạn, không thường. Tâm cũng là tiếng tạm mượn đặt tên,
Quốc độ nào có khác gì! Song tâm không phải là độ, mà độ
chính Tâm, lấy bỏ đều tiêu, thấy nghe cũng dứt, đâu có
thể cùng nhau suy tính, vọng nói phải
quấy! Vì thế, nêu sơ lược bốn nghĩa để nghiên cứu rõ
ràng:
a-Nghĩa Mình và Người không
hai: Pháp thân chư Phật như Hư không , trùm khắp mười
phương, toàn minh là người không hề trở ngại.
b-Tánh và Tướng không
hai: Ðại Thừa Khởi Tín nói: Từ xưa đến nay Sắc và Tâm
không hai, vì tánh của sắc là trí, thể của sắc không hình
gọi là trí thân, vì Trí tánh là sắc nên gọi là pháp thân,
chỉ hiện của sắc khắp tất cả chổ không có ngằn mé,
theo Tâm mà có thể chỉ vô lượng Bồ Tát, vô lượng Báo
thân, vô lượng trang nghiêm, các thứ sai biệt ở mười
phương thế giới đều không ngằn mé mà vẫn không hề ngăn
ngại nhau.
c-Nhân và Quả không hai:
Ðại Kinh nói: Pháp Tạng Tỳ kheo mới phát nguyện rồi, giữa
hư không vẳng tiếng khen ngợi: Quyết thành chánh giác. Lại
nói: chúng sanh nhất tâm niệm Phật liền được
công đức vô lượng. Vì thế nên biết
: Nhơn gồm quả bể, quả thấu nguồn nhơn, cũng đồng như
trong Kinh Pháp Hoa: Khi mới phát tâm liền thành chánh giác. Ở
trong pháp tánh, nhơn quả không hai, rốt ráo không thể được.
Lại nữa, cảnh giới Niết
Bàn đủ bốn đức:
Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, mầu nhiệm
không thể nghĩ bàn, là cực quả tu chứng của bậc Thánh xuất
thế gian. Kinh này nhiều chổ đề xướng pháp tánh tuy nói
các thứ sự tướng trang nghiêm ở Cực Lạc thế giới chính
là trang nghiêm tự tánh thanh tịnh Niết Bàn mà Phật thường
hiển lộ.
d-Chúng sanh và Phật không
hai: Trong Kinh Ðại Niết Bàn nói: Ta dùng trí tuệ Bát nhã thấy
tất cả hàm sanh trong sáu đường, ba cõi, nguồn gốc thể
tánh rốt ráo vắng lặng, tướng đồng hư không , không danh,
không thực, dứt hết các chấp, xưa và nay vẫn bình đẳng
không có tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, không sanh,
không khởi, không tận, không diệt, Niết Bàn, sanh tử đều
không thể được. Thể tánh chúng sanh vốn linh minh đồng triệt
như Phật không khác, nhưng vì vọng
niệm dấy lên nên có chúng sanh và Phật, thực sự không có
hai.
3-Nói rõ Tông thú: Tông
thú là mục tiêu để
mọi người nương về. Biết được chơn thể, y theo đó mà
khởi tu, đó là đạt được điểm yếu của Tông Thú. Biết
được chơn thể phải nhằm ngay vào đó, thực hành đúng
tôn chỉ chắc chắn thành công.
Kinh này lấy Phát Tâm Bồ
Ðề, Chuyên Niệm Hồng Danh Phật A Di Ðà, Hồi Hướng cầu
nguyện vãng sanh về nước Cực Lạc làm Tông Thú. Vì thế người
tu hành trước hết phải Phát Tâm Cầu Ðại Bồ Ðề, tu Ðạo
Bồ Tát nên được
nghe danh hiệu chư Phật trong mười phương. Nhờ được nghe
sức thù thắng oai thần của Phật Vô Lượng Thọ mà Chuyên
Lòng Niệm Phật ấy, Cầu Nguyện Vãng Sanh Về Nước Kia Ðể
Thành Phật, Ðộ Chúng Sanh là yếu chỉ của Kinh này.
Ba món tư lương của tịnh
độ là TÍN, NGUYỆN, THỰC HÀNH, trong
đó, NGUYỆN là chủ yếu. Dù có TIN mà không có NGUYỆN thì sự
TIN ấy trở thành KHÔNG TƯỞNG, THỰC HÀNH mà không NGUYỆN
thì việc THỰC HÀNH ấy cũng UỔNG CÔNG. TIN mà PHÁT NGUYỆN gọi
là Thực tin lời Phật, THỰC HÀNH mà y theo Nguyện làm cho
công khỏi phí, điều
đó cần nên chú ý. THỰC HÀNH mà
không có NGUYỆN dù có niệm đến
Nhất Tâm cũng không được vãng sanh.
THỰC HÀNH mà có NGUYỆN chắc chắn được sanh lên Thượng
Phẩm, dù người tán tâm Niệm Phật cũng nhờ vào nguyện mà
được vãng sanh, bất quả phẩm vị không cao mà thôi. Ngẫu
Ích Ðại Sư dạy: Ðược vãng sanh hay không hoàn toàn do TIN
NGUYỆN. Phẩm vị có cao thấp đều do TRÌ DANH có cạn sâu,
chính là ý này. Nguyện và Thực hành có quan hệ mật thiết
như thuyền và lái. Thuyền không có lái không thể đi thẳng
dòng, không thể sang được bờ kia. Người
tu nếu không Nguyện sẽ bị luân chuyển trong sáu đường, khó
có thể sanh về tây phương được.
Nguyện là động lực của
Tín và Thực hành. Vì sao? Vì lòng có ao ước khẩn thiết cầu
sanh về Tây phương thì việc thực hành niệm Phật mới dũng
mãnh. Niệm Phật mà dũng mãnh chính là mình y theo giáo pháp
vâng làm, phát lòng Bồ Ðề.
Kinh
này giảng rõ nhơn địa thù thắng của Phật Vô Lượng Thọ
và kết quả trang nghiêm thành tựu, chính là muốn lấy Nguyện
Hạnh phổ nhiếp chúng sanh của Phật Vô Lượng Thọ làm NHƠN,
dẫn dắt chúng sanh phát nguyện làm DUYÊN. Nhơn duyên đã đủ,
Phật nhớ chúng sanh, chúng sanh nhớ Phật, hai nhớ niệm bền
chặt thì từ đời này đến
đời khác không thể xa lìa như hình
với bóng, không thể trái nhau. Người niệm được
Nhất Tâm chắc được vãng sanh mà chưa
được nhất niệm
cầu sanh cũng quyết được vãng sanh.
Như thế, pháp môn Tịnh Ðộ thực là thù thắng không pháp
môn nào có thể so sánh.
4-Nghị luận về công dụng:
Nghị luận về công dụng là bàn đến việc y theo Kinh mà tu
hành sẽ được công dụng như thế nào.
Kinh này lấy Ðới Nghiệp
Vãng Sanh và Trụ Chánh Ðịnh Tụ làm lực dụng. Nghiệp là
gì? Nghiệp là những hành động thiện ác biến thành chủng
tử ghi vào trong tâm thức, gặp duyên liền sanh ra hiện hành.
Nghiệp do người tập thành thói quen và có năng
lực lôi người đến chỗ chính mình
gây tạo. Nên Cổ Ðức có câu: Người mất muôn việc đều
bỏ lại, chỉ có nghiệp theo mình. Chúng ta từ vô thỉ đến
nay, do vô minh che lấp chơn như Phật tánh, do đó tạo nghiệp
rất nhiều. Kinh Ðịa Tạng nói; Dấy
Ðộng niệm đều là Tội Nghiệp. Chúng ta nhiều kiếp
lâu xa, tạo nghiệp vô số, nếu nghiệp của mỗi chúng sanh
đều có thể tướng thì dù chất đầy
trong cõi hư không này cũng không hết. Hôm nay, chuyên niệm Phật
Vô Lượng Thọ, nhất tâm cầu sanh An Dưỡng, chỉ cần một
niệm dũng mãnh tinh tấn, cắt đứt
đầu môí các nghiệp, một xích bị cắt đứt là
toàn thể sợi xích không còn trói buộc nữa, khi mạng chung
mong Phật tiếp dẫn, mang nghiệp vãng sanh, một đời thành đạo.
So sánh các pháp môn chuyên vào Tự Lực, phá một phần vô
minh để chứng
được một phần pháp thân, vô minh phá sạch mới được thành
công. Nếu phân chia khó dễ người tu Tự Lực và người tu Tự
Lực cộng Tha Lực thật cách xa. Nên Cổ Ðức cũng nói: Trong
thời mạt pháp, tham thiền để thấy tánh khó như con kiến bò
lên núi cao, niệm Phật cầu vãng sanh dễ như buồm căng gặp
nước thuận.
Trong Ðại Kinh dạy: Chúng
sanh được sanh về cõi Cực Lạc, tất cả đều trụ Chánh
Ðịnh Trụ. Trong Ma Ha diễn cũng nói: bậc Thập Thánh là
Chánh Ðịnh Tụ, Bậc Tam Hiền là Bất Ðịnh Tụ và Phàm Phu
là Tà Ðịnh Tụ. Trong Kinh này nói: Người sanh về nước
kia đều trụ ở Chánh Ðịnh Tụ. Như
thế, bất luận người nào được
sanh về nước kia đều trụ Bậc Thập Thánh Chánh Ðịnh
Tụ. Vì ở Cực Lạc không có Bất Ðịnh Tụ và Tà Ðịnh Tụ.
5-Phân Ðịnh Giáo Tướng:
Theo Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư: Một đời
thuyết pháp của đức Như Lai được chia làm năm thời là
Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Ðẳng, Bát nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn.
Kinh này thuộc thời Thuyết Giáo Phương Ðẳng, Ðốn Giáo Bồ
Tát tạng. Chơn Yết Liễu Thiền Sư dạy: Pháp môn niệm Phật
là đường tắt tu hành, chánh án Ðại Tạng, tiếp kẻ Thượng
căn, dẫn Bậc Trung, Hạ. Như thế, Kinh này
thuộc Ðốn Giáo Bồ Tát Tạng.
---o0o---