Tịnh độ
Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Yếu
Hán Văn: Khương Tăng Khải Dịch và ghi chú: Hồng Nhơn
28/10/2553 22:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN GIẢNG KINH

(tiếp theo)

 

III-GIẢNG KINH:

Toàn bộ Kinh này được chia làm 3 phần là Tựa, Chánh Tông, Lưu Thông.

A-PHẦN TỰA

Ðây là phần giới thiệu nguyên nhân pháp khởi và những bằng chứng có thực để mọi người có một niềm tin mạnh mẽ mới có thể thấu triệt được Tánh Vô Lượng Thọ, một thể tánh chưa hề sanh diệt của tất cả chúng sanh. Ðức A Nan vốn là bực đa văn vào bậc nhất , những lời Ngài được nghe như nước đổ vào bình không có chút nào rơi mất sai sót. Lời Ngài thuật lại chính là giáo pháp từ Kim Khẩu của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra, có thời gian, có nơi chốn, có tất cả chúng Thinh Văn và chúng Bồ Tát cùng nghe: hẳn đây là buổi thuyết pháp có thật.

AI-Tựa Chứng Tín

I-Chứng Tín Chỗ Nơi nghe Kinh

KINH VĂN

Ta nghe như vầy: Một thuở nọ Phật ở trong thành Vương Xá, núi Kỳ Xà Quật.

 

Thông thường khi Phật nói kinh đều có đủ 6 món làm bằng chứng để tin, đồng thời cũng để giải quyết những nghi vấn căn bản là thời thuyết pháp này do ai thuật lại, có đáng tin cậy không? Người đã nghe là ai? Lúc nào? Ai chủ giảng? Giảng nơi nào? Có những người nào nghe? Giải quyết những câu hỏi trên gây cho người đọc một niềm tin tưởng vững chắc.

Trong đoạn này có 5 món thành tựu:

a-Tín thành tựu: Chữ: TA NGHE NHƯ VẦY. Nguyên nhân khi đức Như Lai sắp vào Niết Bàn, nằm giữa Ta La Song Thọ, Ngài bảo cho các hàng Tỳ Kheo biết Như Lai sắp vào Niết Bàn. A Nan vốn là thị giả suốt đời hầu Phật, nên khi nghe Phật sắp nhập diệt Ngài không thể kềm hãm buồn thương than khóc. Thấy thế, Tôn giả A Nậu Lâu Ðà bảo: A Nan , ông là người truyền giáo pháp của Ðức Phật , tại sao không hỏi Phật về những việc ở tương lai, ngồi than khóc như thế có lợi ích gì? A Nan tỉnh ngộ liền đến bên Phật hỏi Bốn Ðiều Thiết Yếu. Phật đáp:

*Sau khi ta diệt độ, các thầy Tỳ Kheo lấy giới luật làm thầy.

*Sau khi ta diệt độ, các thầy Tỳ Kheo lấy Tứ Niệm Xứ mà an trụ.

*Ðối với Ác Tánh Tỳ Kheo dùng Phạm Ðàn để trị.

*Lời đầu của kinh phải để TA NGHE NHƯ VẦY.

Sở dĩ Phật dạy để bốn chữ ấy ở đầu kinh với mục đích làm cho chúng sanh tin tưởng, vì A Nan trực nhận lời Phật dạy, kể đúng lại không phải mình nói ra hay thêm bớt. Chính lời Phật nói nên mọi người dễ tin nhận. Lòng tin rất quan trọng, nó là bước đầu vào đạo, nên kinh Hoa Nghiêm cũng nói : Lòng tin như người có đôi tay, đi vào kho báu tùy ý nhặt lấy. Người không có lòng tin như người không có đôi tay, dù vào được kho báu vẫn không thu hoạch được gì!

Vì thế, đầu kinh việc xây dựng niềm tin vững chắc là điều cần thiết.

b-Văn thành tựu: A Nan vốn là bậc đa văn nhất. những lời Ngài nghe được như nước rót vào bình không thể rơi mất hay sai sót. Chữ TA NGHE làm mọi người thêm tin chắc đó là lời Phật nói.

c-Thời thành tựu: LÚC BẤY GIỜ là chỉ rõ thời gian Phật thuyết pháp. Suốt 49 năm Phật mòn gót trên những chặng đường giáo hóa. Mỗi thời gian giáo hóa đều có khác nhau, nên Ngài A-Nan nêu rõ thời gian để xác định buổi thuyết Pháp.

d-Chủ thành tựu: PHẬT là chỉ cho Ðức Thích Ca Mâu Ni là Chủ Giảng.

e-Xứ thành tựu: Ở TRONG THÀNH VƯƠNG XÁ, NÚI KỲ XÀ QUẬT là chỉ chổ nơi Ngài giáo hoá như nói lúc bấy giờ Phật ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc, ở Vườn Lộc Uyển, Hằng Hà ngạn…Buổi thuyết pháp này ở thành Vương Xá núi Kỳ Xà Quật.

Thành Vương Xá: Thành này là một cố đô ngày xưa, nơi ở của nhiều vua chúa. Thành này gồm có năm hòn núi, mỗi hòn núi đều có nhiều tinh xá. Phật nói kinh này ở một tinh xá trong núi Kỳ Xà Quật.

Kỳ Xà Quật: là Phạn ngữ, Tàu dịch là Linh Thứu sơn, vì núi này có hình giống con linh thứu và trong núi cũng có nhiều linh thứu ở nên lấy vật đặt tên.

Ðoạn văn trên đây chỉ rõ Năm món thành tựu để mọi người tin chắc.

2-Chúng Thanh Văn

KINH VĂN:

Cùng với chúng Ðại Tỳ Kheo một muôn hai ngàn người họp lại một chỗ. Tất cả các Bậc Ðại Thánh ấy đã đạt được thần thông, tên các Ngài là Tôn Giả Liễu Bổn Tế, Tôn Giả Chánh Nguyện, Tôn Giả Chánh Ngữ, Tôn Giả Ðại Hiếu, Tôn Giả Nhân Hiền, Tôn Giả Ly Cấu, Tôn Giả Danh Văn, Tôn Giả Thiện Thật, Tôn Giả Cụ Túc, Tôn Giả Ngưu Vương, Tôn Giả Ưu Lâu Tần Lụy Ca Diếp, Tôn Giả Gia Dà Ca Diếp, Tôn Giả Na Ðề Ca Diếp, Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Ðại Mục Kiền Liên, Tôn Giả Kiếp Tân Na, Tôn Giả Ðại Trụ, Tôn Giả Ðại Tịnh Chí, Tôn Giả Ma Ha Châu Na, Tôn Giả Mãn Nguyện Tử, Tôn Giả Ly Chướng, Tôn Giả Lưu Quan, Tôn Giả Kiến Phúc, Tôn Giả Diên Vương, Tôn Giả Di Thừa, Tôn Giả Nhơn Tánh, Tôn Giả Gia Lạc, Tôn Giả Thiện Hội, Tôn Giả La Vân, Tôn Giả A Nan. Tất cả đều là Thượng Thủ.

GIẢNG-YẾU

Ðại Tỳ Kheo: Chữ đại là dịch từ chữ Ma Ha của Phạn Ngữ. Chữ Ma Ha ở Ấn Ðộ thường chỉ cho những cái gì số nhiều, vượt hơn người khác hoặc rộng rãi bao trùm. Ở đây chỉ chúng Tỳ Kheo số rất đông, vượt hẳn hơn 95 học thuyết đương thời và đức độ bao trùm giới hậu học nên gọi là đại. Tỳ Kheo có năm nghĩa: 1-Khố ma: Tỳ Kheo khi mới thọ giới, phát tâm rộng lớn, diệt trừ phiền não làm cho ma phải sợ sệt vì họa diệt chủng. 2-Khấ Sĩ: Khi đã xuất gia không còn chứa giữ, xin ăn để tự sống, mang phước điền gieo rắc nhân gian. 3-Tịnh mạng: Khi xin ăn không còn các thứ Tà mạng. 4-Tịnh trì: Khi xuất gia rồi Tịnh Trì cấm giới, trong sạch như lưu ly không hề hủy phạm. 5-Phá ác: Phá sạch các phiền não, vì tôn trọng giới luật làm thầy.

Ðại Thánh: là chỉ các bậc Thanh Văn căn tánh nhạy bén, thành tựu được nhiều thắng đức, chứng được quả vị cứu cánh vô học thánh nhân. Ðoạn này tán thán công đức của các bậc Thanh Văn.

Ðạt được thần thông: là khen ngợi đức độ tu hành của các bậc Tiểu Thừa chứng quả cứu cánh. Vì người chứng được tam muội, phát huy diệu dụng của chơn tâm sẽ được sáu món thần thông là: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông và lậu tận thông.

Có nghi vấn cho rằng A Nan khi Phật còn trụ thế, Ngài vẫn còn ở hàng Học Ðịa sao được gọi là Ðại Thánh? Thực ra A Nan ở trong hội này là Chủ Ðặt Vấn Ðề Thưa Thỉnh, Ngài vốn là hàng Tăng Thượng Lợi Căn, tuy ở hàng Học Ðịa mà đã thành tựu vô lượng thắng diệu công đức, đồng với các bậc Ðại Thánh.

Có nghi vấn cho rằng các Bồ Tát là bậc gần Phật, đạo đức cao hơn hàng Thanh Văn, tại sao các Kinh thường nêu Thanh Văn trước Bồ Tát?

Sỡ dĩ các Kinh nêu chúng Thanh Văn rồi sau mới nêu Bồ Tát với những lý do sau đây:

a-Phân biệt gần xa: hàng Thanh Văn phần nhiều ở gần Như Lai nên được nêu ra trước. Vì các hàng Thanh Văn tu tập chưa lâu, đạo pháp chưa thuần, tuy được quả thánh nhưng oai nghi tới lui phải theo Phật dạy. Như ông A Na Luật không được nghe người nữ nói và cùng người nữ ở chung một đêm. Cấm Ta Già Ða không được nghe người nói việc uống rượu. Cấm 17 đồng tử không được đùa giỡn trong nước. Các vị này đều là A la hán nhưng luôn luôn phải ở bên Phật để nhờ đức Thế Tôn răng dạy. Vì chư Thanh Văn nhờ Phật tiếp độ trực tiếp bỏ Phàm vào Thánh, mang ơn sâu nặng, tuy được quả thánh, thường theo Như Lai vây quanh cúng dường nên thường ở gần Phật. Trái lại, Bồ Tát đắc đạo đã lâu, không nhờ Phật dạy hằng ngày. Tuy mang ơn sâu nặng nhưng vì nhiệm vụ giáo hóa chúng sanh tùy duyên nhiếp hóa nên không gần.

b-Phân biệt oai nghi hình tướng: Các hàng Thanh Văn gìn giữ oai nghi hình thức giống Phật, người đời đều cung kính tôn trọng nên nêu trước, Bồ Tát tùy duyên giáo hóa hình tướng không định. Như Ngài Văn Thù trong ba tháng kiết hạ, dời ba lần an cư, nên được nêu sau.

c-Phân biệt Hiển Mật: Ngài Long Thọ Bồ Tát nói: Giáo pháp có Hiển có Mật, căn cứ vào Hiển giáo thì La Hán và Bích Chi lậu đã dứt, đồng như Phật nên giới thiệu sau Phật. Còn Bồ Tát hiện thân làm hóa độ, chỉ các phiền não để độ phàm phu, nếu để trước A la hán làm người ngạc nhiên. Nếu căn cứ vào Bí Mật Giáo, Bồ Tát đức cao nên cần để trước, Thanh Văn đức kém nên phải để sau. Nên Kinh Hoa Nghiêm trước để Bồ Tát, các Hội sau mới để Thanh Văn trước.

d-Phân biệt nhiều ít: Như Kinh Niết Bàn nói: Tất cả Chúng phần ít để trước, phần nhiều để sau. Trong Kinh này chúng Thanh Văn ít nên để trước, chúng Bồ Tát nhiều nên để sau.

Tôn Giả: là những bậc có đức đáng tôn quí. Ðoạn này kể tên 32 vị Thượng Thủ của một muôn hai ngàn thanh văn nghe pháp.

3-Chúng Bồ Tát

KINH VĂN:

Cùng hội với các bậc Bồ Tát như: Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Diệu Ðức, Bồ Tát Từ Thị, cùng tất cả Bồ Tát trong Hiền Kiếp này. Lại có mười sáu vị đại sĩ theo hộ vệ đức Phổ Hiền là Bồ Tát Thiện Tư Nghị, Bồ Tát Tín Huệ, Bồ Tát Không Vô, Bồ Tát Thần Thông Hoa, Bồ Tát Quang Anh, Bồ Tát Huệ Thượng, Bồ Tát Trí Tràng, Bồ Tát Tịch Căn, Bồ Tát Nguyên Huệ, Bồ Tát Hương Tượng, Bồ Tát Bưu Anh, Bồ Tát Trung Trụ, Bồ Tát Chế Hạnh, Bồ Tát Giải Thoát, đều tuân theo thắng đức của đại sĩ Phổ Hiền, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện của các Bồ Tát, an trụ trong tất cả pháp công đức, đi dạo mười phương, làm nhiều việc phương tiện, vào trong pháp tạng của Phật, rốt ráo đến bờ kia, dạo vô lượng thế giới hiện thành bậc Chánh đẳng chánh giác.

 

GIẢNG YẾU

 

Ðoạn này nói rõ những nét đặc thù của các vị Bồ Tát, kể rõ các Bồ Tát theo hạnh Phổ Hiền, tán thán vô lượng công đức của 16 vị Bồ Tát và nói rõ chúng Bồ Tát tham dự.

Ðại Thừa: cổ xe lớn có khả năng tiếp độ tất cả chúng sanh. Trong Kinh Pháp Hoa Phật dụ ba thừa là xe Dê, xe Nai và xe Trâu trắng. Từ phương tiện nói ba thừa, Phật chỉ cho cứu cánh chỉ còn có một Ðại Thừa tức là Phật Thừa.

Bồ Tát: là Phạn ngữ nói cho đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa, Bồ Ðề dịch là Giác, Tát Ðỏa dịch là Hữu Tình. Bồ Tát nghĩa là giác hữu tình vì Bồ Tát trong tâm đã đủ năng lực giác ngộ và cũng đủ năng lực giác ngộ cho người.

Có người hỏi: Thanh Văn, Duyên Giác đã giác ngộ, có đủ đạo hạnh giác ngộ tại sao nói Bồ Tát mới giác ngộ chúng hữu tình?

Nói chung bậc Tam Hiền, Thập Thánh đều có giác ngộ, nhưng công hạnh có sai khác. Bồ Tát là những người có ý nguyện lấy việc cứu khổ chúng sanh để chứng quả Ðại Bồ Ðề. Tất cả chúng sanh có nhưng giả có, cần phải khai quyền hiển thật độ thoát, ngoài việc giác ngộ cho chúng sanh không cầu gì khác. Nên trong Ðịa Trì luận nói: Một lòng quyết định giác ngộ chúng hữu tình nên gọi là Bồ Tát. Phàm phu chấp Có, nhị thừa chấp Không, không ở trung đạo nên không thể dẫn dắt chúng hữu tình. Trong Phật pháp lấy Giáo, Nghĩa, Hành làm tiêu chuẩn chính. Thanh Văn là những người căn độn lấy Giáo làm tên. Thanh là nghe, nhờ nghe được giáo lý mà giác ngộ nên gọi là Thanh Văn. Căn cứ vào giáo lý là bậc còn cạn. Duyên Giác là những người tùy theo duyên mà ngộ được Giải nên gọi là Duyên Giác. Căn cứ vào duyên mà giác là bậc giác ngộ đã sâu. Bồ Tát tu hạnh và giác ngộ, có khả năng thành tựu lợi mình và lợi người, nên gọi là người Giác Ngộ chúng sanh.

Hiền Kiếp: (bhadrakalpa) là một trong ba kiếp. Kiếp trụ của quá khứ gọi là TRANG NGHIÊM KIẾP. Kiếp trụ của vị lai gọi là TINH TÚ KIẾP. Kiếp trụ của hiện tại gọi là HIỀN KIẾP.

Ðoạn này nêu tên ba vị Bồ Tát ở Hiền Kiếp và mười sáu vị chánh sĩ, đồng thời cũng khen ngợi Thực Ðức và Quyền Ðức của các Ngài không thể nghĩ bàn. Các vị Bồ Tát này đủ vô lượng hạnh nguyện, thực hành lục độ, tứ nhiếp pháp, thành tựu viên mãn các thứ công đức. Dùng phương tiện quyền xảo, tùy theo hoàn cảnh của chúng sanh, hiện nhiều thân tướng để độ thoát. Các Ngài đã chứng hội vào pháp tạng đến quả Niết Bàn, ở trong các thế giới thành bậc CHÁNH GIÁC.

KINH VĂN:

Ngài ở cung trời Ðâu Suất, rộng nói chánh pháp, rời khỏi thiên cung ấy, giáng sanh vào thai mẹ, từ nách bên phải sanh, đi liền bảy bước, ánh sáng rực rỡ soi khắp mười phương, không lường cõi Phật, tự nói lời rằng: Ta sẽ vì cuộc đời khốn khổ làm bậc Vô thượng tôn, Ðế Thích, Phạm Thiên phò trì, người trời nương về.

Thuở nhỏ thị hiện đủ tài nghệ như: tính toán, văn nghệ bắn cung, cỡi ngựa, biết đạo thuật, thông thuộc các sách, đi ra vườn sau giảng võ thử tài. Lớn lên ở trong cung vui, trong trường thinh sắc thấy Già, Sống, Chết, hiểu cõi đời vô thường, bỏ hết tiền của, ngôi vua, vào núi học đạo. Trả về mão Anh Lạc quí, ngựa trắng, bỏ trân quí để mặc pháp phục, cắt bỏ râu tóc, dưới cây thiền định, cần khổ sáu năm, cầu đạo giải thoát. Hiện ra trong cõi đời năm trược, tùy thuận chúng sanh, phủi giũ trần cấu, tắm gội thân vàng, chư thiên ở trên cành cây, đỡ ra khỏi ao. Các linh cầm theo sau, ở nơi đạo tràng, có nhiều điềm lành nêu rõ công tác, thương chúng sanh, nhận cỏ trải dưới gốc cây, kiết già vững ngồi, được hào quang lớn, khiến các bọn ma biết được, quyến thuộc của bọn ma đến thử bức bách. Ngài dùng sức trí huệ hàng phục được tất cả. Ðược pháp mầu nhiệm thành bậc chánh giác cao tột, các cõi trời Thích Phạm cầu xin chuyển bánh xe pháp.

 

GIẢNG YẾU

Phần nhiều các vị Bồ Tát giáng trần thường hiện đủ 9 tướng. Các Ngài ở đây đều có đủ:

1- Tướng ở cung trời Ðâu Suất: Ðâu Suất là Phạn ngữ dịch Diệu Túc là cõi trời thứ tư trong sáu cõi trời dục giới. Cõi trời này có rất nhiều điểm thù thắng, nên các Bồ Tát thường tạm an trụ trước khi giáng sanh. Kinh Niết Bàn nói: Cõi trời trên thì ám độn, cõi trời dưới thì buông lung, cõi trời Ðâu Suất không ám độn và không buông lung nên được gọi là cõi trời thù thắng. Người tu bố thí, trì giới được sanh về cõi trời trên hoặc cõi trời dưới. Người tu bố thí, trì giới, thiền định mới được sanh về cõi trời Ðâu Suất nên gọi là thù thắng.

Có người hỏi: Cõi trời Ðâu Suất là thuộc dục giới loạn địa, làm sao tu Ðịnh lại được sanh về cõi ấy?

Thiền định ở đây không phải nhập thiền đại định mà chỉ cần xử dụng tâm tu huệ ở dục giới và tu niệm Phật tam muội sẽ được sanh về cõi trời ấy, gọi nương theo định mà được vãng sanh.

2- Tướng giáng sanh: Lòng Bồ Tát thương chúng sanh tha thiết nên muốn hòa đồng để độ sanh, bỏ cái vui thắng diệu của cõi Ðâu Suất, dấn thân vào cõi Diêm Phù Ðề chịu khổ, để chỉ cho chúng sanh thấy lòng từ bi đó mà sinh lòng tri ân kính trọng, quyết thực hành theo hạnh nguyện của Bồ Tát. Các Ngài thường giáng sanh vào loài thai sanh vào hạng quý tộc biểu hiện giáo pháp thù thắng cần độ các hàng trí thức. Sanh vào dòng vua nhờ đó mà dễ dàng hộ trì chánh pháp. Sanh vào giai cấp cao nhất để khuyên giữ trọn đạo nhơn luân, dứt hết phỉ báng, khinh ngạo. Nếu các Ngài sanh vài loài hóa sanh, lời nói chánh pháp sẽ trở thành huyễn hóa không thực. Sanh vào loài thai sanh vì muốn lưu lại lợi ích cho đời sau, để Xá Lợi cho người đời chiêm ngưỡng lưu bố. Vì thế chư Phật trong ba đời hóa độ đều giáng sanh vào loài thai sanh.

3- Tướng sanh từ hông bên hữu: Tướng này nêu ra cho thấy chỗ sanh khác thường, hiện ra điềm lạ và các cõi trời Thích Phạm cúng dường. Người đời thường theo đường bất tịnh mà ra, Bồ Tát vì chúng sanh mà giáng sanh vào cõi đời, nên tuỳ duyên nên sự sanh có khác hơn người đời. Tuy từ hông bên hữu sanh ra, nhưng vượt qua khỏi như màn sương, thân người mẹ an ổn không phải chịu những điều khó nhọc. Bước đi bảy bước là thị hiện sức dũng mãnh trong mười phương ra vào không hề sợ sệt. Thân có ánh sáng tượng trưng cho sự ra đời vì muốn giác ngộ mọi người. Chấn động đại địa làm cho bọn ma quỷ phải run sợ, tùng phục.

Tướng này, đoạn trước nói sự kỳ đặc về thân tướng, kế đó là sự kỳ đặc về hành động để làm mọi người quy thú, đồng thời cũng hiển rõ công đức thâm trọng để trời người nương về.

4- Tướng đồng tử: ngày từ lúc nhỏ, vì Ngài là bậc thị hiện nên đã biết hết các pháp thế gian, chỉ nghe qua một lần là có thể thông thạo, vì đã có chủng tử sẵn chỉ nghe là có hiện hành ngay, các sách thế gian đều hiểu rõ hết.

5- Tướng lập gia đình: đoạn này nói rõ việc lập gia đình, ra sau vườn tỷ thí, cỡi ngựa, bắn cung.

Có người hỏi: tại sao các Ngài thị hiện mà vẫn có vợ, có con?

Các Ngài luôn hiện tướng bình thường. Trước Thọ rồi sau Xả. Từ đó, chỉ cho mọi người thấy rõ dục vọng là điều đáng chán. Nếu các Ngài không thị hiện tướng này sẽ gây cho chúng sanh nhiều nghi vấn, họ cho rằng chỉ có những bậc thanh khiết mới có thể thành chánh giác, còn chúng sanh bị dục vọng, gia thê đái tử không thể nào thành Phật được. Thực ra Phật ở trong thế gian, chỉ khác hơn thế gian là giác ngộ. Bỏ phiền não đi tìm bồ đề không khác gì người cố công tìm sừng thỏ, bỏ sóng tìm nước mà không bao giờ được toại nguyện. Vì nước và sóng nguyên thể chỉ là một, mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Nếu không thị hiện tướng này, có người cho rằng những bậc chưa vướng vào tục lụy mới có thể chứng quả, còn những những người đã lam lấp phong trần có tu cũng uổng công mà thôi. Thực ra các Ngài có đồng hoàn cảnh như ta mà vẫn tu thành chánh giác, chứng tỏ mọi người đều có khả năng thành Phật.

6- Tướng xuất gia: Hiểu đời vô thường, huyễn mộng, các Ngài bỏ hết danh vọng giàu sang bên ngoài như vợ đẹp, con ngoan, phụ hoàng và xã tắc, vất luôn đồ trang sức trên thân, bỏ cả râu tóc để nhận lấy áo pháp và thực hành pháp lành thiền định, ngồi dưới gốc cây. Sáu năm khổ hạnh nói lên lòng cương quyết khám phá chơn lý, giải thoát sanh tử cho tất cả chúng sanh, đồng thời cũng thể hiện bỏ mê lầm về chánh đạo.

7- Tướng đắc đạo: Các Ngài sau khi tắm rửa hình nhơ, linh cầm theo đến đạo tràng thể hiện sự giác ngộ từ nội tâm, vì tâm là động lực chính đưa tới sự giác ngộ. Ngồi dáng kiết tường trên cỏ, dùng thần lực phóng ánh sáng trí huệ lớn, hàng phục các ma, được pháp vi diệu, hiện thành Phật đạo.

KINH VĂN:

Các Ngài vì lời cầu xin nên đi khắp đó đây, nói pháp vang dội, đánh trống pháp, thổi loa pháp, cầm kiếm pháp, xây tràng pháp, nổi sấm pháp, xẹt điện pháp, xối mưa pháp, bố thí pháp, thường dùng pháp âm giác ngộ người đời, ánh sáng chiếu khắp vô lượng cõi Phật. Tất cả thế giới, sáu thứ chấn động, giữa thâu các ma, làm động cung điện ma, làm các ma đều sợ sệt, tất cả đều quy phục, đốt cháy lưới tà, tiêu diệt các chấp, dứt các trần lao, tan hết dục nhiễm, nghiêm thành giữ pháp, khai triển Tịnh Ðộ pháp môn, rửa hết trần cấu, tất cả đều trong sạch. Ánh sáng Phật pháp chói lọi, dẫn dắt mọi người, vào quốc gia nào đều giữ gìn phong tục tập quán tốt, gây tạo phước điền.

Các Ngài tuyên nói chánh pháp, đem đến sự an vui cho mọi người, dùng các phương pháp tinh diệu, như thuốc hay trị lành bịnh ba khổ, chỉ rõ đạo lý có vô lượng công đức, nhận lời căn dặn của các bậc Bồ Tát, thành Chánh đẳng chánh giác. Thị hiện Niết Bàn, giúp đỡ mọi người, tiêu trừ các lậu, trồng các cội đức đầy đủ mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Ði dạo các cõi Phật, khắp hiện các đạo giáo, người nào nghe theo tu hành sẽ được thanh tịnh, không còn cấu uế, như các nhà ảo thuật hiện các hình lạ, có thể biến đổi hình nam nữ, chỗ học sáng tỏ, tùy ý có thể làm được tất cả, các Bồ Tát này lại cũng như thế.

Các Ngài học tất cả pháp, xâu suốt rõ ràng, chỗ ở yên ổn, cảm hóa được tất cả mọi người. Vô số cõi Phật đều có thể hiện khắp, chưa hề thiếu sót, thương mến chúng sanh, ban cho đầy đủ các pháp mầu nhiệm như thế. Kinh điển của Bồ Tát dạy đều rốt ráo mầu nhiệm, tên đồn trùm khắp, đạo truyền mười phương, vô lượng chư Phật cùng chung hộ niệm. Chỗ của Phật an trụ, các Ngài đều an trụ được, địa vị của các bậc đại thánh, các Ngài đều có địa vị đó. Lời dạy bảo của Như Lai các Ngài đều có thể dạy khắp, vì các Bồ Tát mà làm bậc đại sư, đem thiền huệ sâu nhiệm dạy bảo mọi người, thông các pháp tánh, hiểu tướng chúng sanh, hiểu rõ các quốc độ.

Các Ngài cúng dường chư Phật, hoá hiện thân cũng như ánh điện, khéo học cương yếu vô úy, hiểu rõ các pháp huyễn hóa, phá hết lưới ma, cổi hết trói buộc, vượt ngoài địa vị của các bậc Thanh Văn, Duyên Giác, được Không, Vô Tướng, Vô Nguyện tam muội. Khéo lập nhiều phương tiện, chỉ rõ ba thừa, ở trong bậc Trung, Hạ này mà hiện tướng diệt độ, được pháp bình đẳng, có làm và không làm, không khởi và không dứt, đầy đủ thành tựu vô lượng tổng trì, có đủ trăm ngàn tam muội, truyền thiền định tịch mịch, đi sâu vào pháp tạng của Bồ Tát, được Hoa Nghiêm tam muội. Các Ngài diễn nói tất cả Kinh điển, trong thiền định có thể thấy vô lượng chư Phật, chỉ trong một niệm đều có thể thấy tất cả, giải hết chỗ vấn nạn, chỗ ngăn ngại, phân biệt rõ ràng ngằn mé của chơn thật. Các Ngài được trí huệ biện tài của Như Lai, hiểu được lời nói các chúng sanh, giáo hóa tất cả vượt qua các pháp thế gian, lòng thường trụ chắc ở con đường độ đời. Ở trong tất cả muôn vật mà tùy ý làm người bạn không cần mời của các loài, phát lời thề lớn, gánh vác giúp đỡ cho tất cả quần sanh.

Các Ngài thọ trì pháp tạng mầu nhiệm của Như Lai, được chủng tánh Phật, thường khởi lòng đại từ-bi thương xót chúng sanh, diễn nói lời lành, khai mở đường lành, mắt pháp cho cả ba đường, làm vị pháp sư không cần thỉnh, đem cho mọi người, như người con hiếu thương yêu cha mẹ, gần gũi chúng sanh không phút nào rời. Tất cả công đức đều hướng về Phật Quả. Tất cả các Ngài đều được công đức vô lượng của chư Phật, trí huệ sáng tỏ không thể nghĩ bàn. Các Bồ Tát Ðại Sĩ nhiều không thể tính đếm, đồng đến pháp hội.

 

GIẢNG YẾU

 

8- Tướng chuyển luân: đoạn này chia làm hai phần:

*Dùng thân và miệng để giáo hóa: Trong Kinh nói các Ngài dạo đi là lấy thân nghiệp để giáo hóa. Các Ngài hiện đủ oai nghi, đi đến chúng sanh làm bạn không cần mời để dạy dỗ.

*Dùng miệng để giáo hóa: Trong Kinh nói các Ngài nói lời pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp là dùng khẩu nghiệp để giáo hóa. Các Ngài dùng lời nói để chúng sanh nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ rồi chứng đạo quả.

Từ trong thân, các Ngài phóng hào quang chiếu khắp vô lượng cõi Phật, dùng thần lực làm cho thế giới chấn động, thấu các cõi ma, làm cho tất cả ma đều sợ sệt. Các Ngài dùng lời nói phá hết tà kiến, diệt hết các chấp, dứt hết tà dâm, diệt trừ dục cảnh. Dùng lời nói hộ trì chánh pháp, ngăn mọi hủy báng, mở các pháp môn lành, dạy mọi người theo chánh đạo. Ðoạn này tán thán Quyền Ðức và Thật Ðức của các Ngài.

9- Tướng thị hiện Niết Bàn: Tướng này mục đích giáo hóa chúng sanh chán thân vô thường, vui đạo Niết Bàn, dứt nhơn sanh tử, gieo trồng công đức, ưa đạo tịch mịch.

 

YẾU LƯỢC

 

Ðoạn này là phần tựa Chứng Tín gồm đủ sáu món thành tựu trước khi Phật thuyết pháp. Lời Kinh văn đã rõ không cần giải thích thêm. Ở đây chúng tôi chỉ tóm lược những ý nghĩa biểu tượng cốt yếu.

Trong Kinh nêu các vị Bồ Tát có nêu Văn Thù trước, có Kinh nêu Phổ Hiền trước. Ngài Văn Thù tiêu biểu cho trí huệ, Ngài Phổ Hiền tiêu biểu cho đạo hạnh. Kinh này thuộc về Viên Giáo lấy Quả khởi Nhơn, nên nêu đức hạnh của Ngài Phổ Hiền, các vị đại sĩ đều tùy thuận Như Lai học Tu Hạnh của Phổ Hiền, được gọi là thực hành phương tiện quyền xảo vào tạng Phật pháp, rốt ráo đến bờ kia. Ðó chính là yếu nghĩa của pháp môn Tịnh độ. Tất cả chỗ thực hành của Bồ Tát không ngoài phương tiện, vì phương tiện nên phải trụ trong tịnh độ để thường thấy Phật, nhờ thấy Phật được nghe pháp để tu hành vào tạng Phật pháp, viên mãn tâm giác rốt ráo đến bờ kia. Nếu không phương tiện thì các món thực hành không thể thành tựu. Kinh Ðại Bát nhã nói: Các Bồ Tát đó tương ứng với đại trí tuệ đến bờ kia, nên từ chỗ ấy sanh về các tịnh độ này đến tịnh độ kia mỗi nơi đều gặp Phật. Vì thế nên biết rằng, nếu không muốn rời Phật phải lấy Niệm Phật làm Nhơn, Kinh Hoa Nghiêm nói: Hàng Bồ Tát trong thập địa trước sau đều nên niệm Phật. Do đó Kinh này hàng Nhị thừa không thể gánh vác nổi. Trọng tâm để cho hàng phàm phu phát Ðại Thừa Tâm, y theo lời dạy tu hành, sanh vào nhà Như Lai, đủ hạnh nguyện của Phổ Hiền.

Ðoạn từ ở cung trời Ðâu Suất giáng sanh là nói sơ lược về hóa nghi của đức bổn sư để hiện sự thành Phật độ sanh của các Bồ Tát. Nguyện Phật vô cùng chỉ nêu một công hạnh của đức bổn sư để hiển rõ công hạnh của mười phương chư Phật, vì một là tất cả.

Trong đoạn nêu các Bồ Tát có Bồ Tát Diệu Ðức tức là Văn Thù, mà Văn Thù là tượng trưng cho bể Trí Tuệ. Sỡ dĩ khó vào đại hạnh của Phổ Hiền là vì không thể hiểu rõ được tự tâm, mỗi niệm viên đốn, tánh tướng bình đẳng, thánh và phàm đồng có đủ không có chút sai khác, vì không hiểu rõ nên chí nguyện làm những điều không đầy đủ. Vì sao? Vì Ngoài Tâm mà Khởi Tu sẽ trở thành Hữu Lậu, vì vô biên công đức Không Ngoài Tự Tâm, thuận theo chơn tâm là tất cả pháp liền có đầy đủ vô lượng công đức. Tiêu trừ hết các lậu là sau đó có đủ tất cả. Vì thế, lấy trí tuệ của đức Văn Thù mới tròn đủ đại hạnh của Phổ Hiền, như người huyển sự hiện các tướng thay đổi nam nữ không có gì trở ngại. Nên Kinh nói: Không làm, Không có, Không khởi, Không biết, được pháp bình đẳng.

Người thế gian nghe nói Tịnh Ðộ liền chấp ở nơi độ, nghe nói vãng sanh liền chấp nơi sanh, bỏ tu Tịnh Ðộ. Tất cả cái đó đều là nhơn sanh diệt, không thể nào khế hợp với tánh không sanh diệt. Dầu chẳng biết trong tạng Như Lai sáng chiếu tròn đầy, trùm khắp quốc độ mười phương, tìm chỗ sanh tử tới lui cũng không có. Vì nó sanh diệt là một, tới lui không ngại, người nào vào được trong lưới vô úy, hiểu rõ các pháp hiển hóa đều có thể thấy Phật Vô Lượng Thọ, nghiêm tịnh tất cả quốc độ trong mười phương.

Nêu lên Ngài Từ Thị là ý muốn Kinh này lưu trụ thế gian, rộng độ các chúng sanh. Nếu không phải Bồ Tát Bổ Xứ không thể nhận lời phó chúc. Ba vị Bồ Tát này hiện khắp mười phương, giáo hóa chúng sanh mà vẫn thường ở Cực Lạc tiếp dẫn chúng sanh về tịnh độ. Như Hạnh Nguyện Phẩm nói: Người được vãng sanh liền thấy Phật A Di Ðà, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Di Lặc. Các Bồ Tát thường vây quanh. Mười sáu vị đại sĩ này đồng nguyện với Bồ Tát Phổ Hiền.

AII-Tựa Phát Khởi: Ðại Giáo Duyên Khởi

KINH VĂN:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn các căn vui vẻ, sắc mặt thanh tịnh sáng rỡ vòi vọi. Tôn giả A Nan theo lời Phật dạy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bên vai hữu, quỳ xuống chấp tay mà bạch Phật rằng: Hôm nay đức Thế Tôn sắc mặt vô cùng vui vẻ, thần thái thanh tịnh, sáng rỡ vòi vọi như ảnh trong gương, oai nghiêm khả kính, cao diệu vô lượng, con chưa từng thấy ngày nào đức Như Lai vui đẹp hớn hở như ngày hôm nay! Kính lạy đức Thế Tôn! Con nghĩ hôm nay đức Thế Tôn có một phương pháp đặc biệt, một con đường thù thắng để cho trời người thực hành các công đức của chư Phật ở hiện tại, quá khứ, vị lai, tưởng Phật sẽ được Phật hiện tiền. Nếu không phải như thế vì sao oai thần của Phật lại trang nghiêm hoan hỷ như thế!

Phật hỏi A Nan: Tại sao ông lại hỏi ta lời ấy, chư thiên nhờ ông đến hỏi ta hay từ mắt huệ của ông thấy để tự hỏi?

A Nan bạch Phật: Thế Tôn! Không có chư thiên đến nhờ con hỏi mà chính tự con thấy tướng oai nghiêm vui vẻ khác thường mà muốn hỏi thôi!

Phật dạy: Tốt lắm A Nan! Lời hỏi của ông rất hợp ý ta, câu hỏi khéo léo, lời hỏi rõ ràng, vì thương chúng sanh thời mạt pháp mà hỏi ý nghĩa nhiệm mầu này! Ðức Như Lai chỉ vì lòng đại bi vô lậu, thương xót chúng sanh trong ba cõi mà xuất hiện trong đời, đem ánh sáng đạo đức để tiêu diệt bóng đêm. Sự lợi ích của trí huệ này có tác dụng rất lớn, vô lượng ức kiếp khó được, khó gặp, như hoa Linh Thoại không phải lúc nào cũng có. Cũng thế, lời hỏi ấy có rất nhiều lợi ích để dẫn dắt trời người.

A Nan nên biết! Ðức Như Lai đã thành bậc Chánh đẳng chánh giác, trí tuệ không thể nghĩ bàn có nhiều phương pháp dẫn dắt chúng sanh tự tại không ngại, nhưng hôm nay nét mặt hớn hở sáng rỡ để biểu hiện sự hân hoan mà đức Như Lai sắp nói ra phương pháp thù thắng chưa từng có.

A Nan! Hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà giảng nói.

 

GIẢNG YẾU

 

Trong đoạn này đức Thế Tôn hiện tướng làm nguyên nhân pháp khởi để A Nan nhơn đó mà hỏi.

Thế Tôn: là đấng giác ngộ, phúc đức vô biên, từ bi vô lượng, làm cho người đời chiêm ngưỡng khâm phục, tôn trọng nên gọi là Thế Tôn.

Các căn vui vẻ: là hiển lộ sự vui mừng cao tột. Sở dĩ Phật vui mừng vì hai lý do: 

*/ Ngài nhớ Phật A Di Ðà có công đức thực hành đã thành tựu. 

*/ Nhớ những chúng sanh sẽ có lợi ích lớn, nhờ tu pháp môn tịnh độ mà một đời thành Phật độ sanh, nên Ngài vui mừng.

Ðoạn này là đoạn mở bày pháp môn thù thắng, nêu chỗ chí diệu hầu làm sáng tỏ nguyên nhân xuất thế của Như Lai và nguồn gốc nói ra giáo pháp, làm cho người nghe sanh tin tưởng khó gặp, dứt nghi sanh lòng tin. Có rất nhiều Kinh khuyên tu để được vãng sanh về nước Cực Lạc nhưng đặc biệt Kinh này có nhiều thắng nghĩa:

# Nói rõ thệ nguyện rộng lớn của Ngài Pháp Tạng, nhờ đó làm cho hành giả sanh lòng gánh vác, phát khởi lòng bi trí để đủ nguyện Phổ Hiền.

# Nói rõ Y Báo, Chánh Báo cõi Cực Lạc trang nghiêm làm cho người tu sanh lòng quyết định, chí thành hồi hướng vào cảnh giới Phật, chẳng sa vào chỗ Nghi Thành.

# Nói rõ chánh nhơn vãng sanh và quả báo thế gian, làm cho người tu sanh lòng tinh tấn, một lòng niệm Phật, thành tựu tam muội, quyết định được sanh về Cực Lạc.

Có người hỏi rằng: Nói Kinh Viên Ðốn, đức Bổn Sư thường phóng quang hiện bửu tướng sao Kinh này không có?

Kinh này lấy Phật vô lượng thọ làm chủ, đức Bổn Sư là bạn. Ðoạn sau Phật Vô Lượng Thọ phóng quang chiếu khắp tất cả thế giới chư Phật. Ðặc biệt đức Bổn Sư cùng với chư Phật trong mười phương khen ngợi và chứng minh. Ðức Bổn Sư không phóng quang vì muốn chúng sanh một lòng quy kính PHẬT VÔ LƯỢNG THỌ.

---o0o---