Tịnh độ
Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Yếu
Hán Văn: Khương Tăng Khải Dịch và ghi chú: Hồng Nhơn
28/10/2553 22:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN GIẢNG KINH

(tiếp theo)

 

B-PHẦN CHÁNH TÔN

BI- Nói rõ chỗ thực hành: đoạn này nói rõ Thắng Nhơn, Thắng Hạnh và Thắng Quả của Tỳ Kheo Pháp Tạng.

1 -Nói rõ thắng nhơn

*Cổ Phật xuất hiện

KINH VĂN:

Phật bảo A Nan: Ở trong quá khứ lâu xa vô lượng không thể nghĩ bàn và ở trong số kiếp vô ươn về trước, có đức Như Lai Ðịnh Quang xuất hiện trong đời, giáo hóa và độ thoát vô số chúng sanh, tất cả đều được đắc độ, rồi sau đó Ngài mới diệt độ. Kế đó có các Như Lai Nhật Quang Viễn, Như Lai Nguyệt Quang, Như Lai Chiên Ðàn, Như Lai Sơn Thiên Vương, Như Lai Tu Di Thiên Mạo, Như Lai Tu Di Ðẳng Diệu, Như Lai Nguyệt Sắc, Như Lai Chánh Niệm, Như Lai Ly Cấu, Như Lai Vô Trước, Như Lai Long Thiên, Như Lai Dạ Quang, Như Lai An Minh Ðảnh, Như Lai Lưu Ly Diệu Hoa, Như Lai Lưu Ly Kim Sắc, Như Lai Kim Tạng, Như Lai Danh Viêm Quang, Như Lai Viêm Căn, Như Lai Danh Ðịa Chủng, Như Lai Nguyệt Tượng, Như Lai Nhật Âm, Như Lai Giải Thoát Hoa, Như Lai Trang Nghiêm Quang Minh, Như Lai Hải Giác Thần Thông, Như Lai Thủy Quang, Như Lai Ðại Hương, Như Lai Ly Trần Cấu, Như Lai Xả Yểm Ý, Như Lai Bửu Viêm, Như Lai Dũng Lập, Như Lai Công Ðức Trí Huệ, Như Lai Tỵ Nhật Nguyệt Quang, Như Lai Tối Thượng Thủ, Như Lai Bồ Ðề Hoa, Như Lai Nguyệt Minh, Như Lai Nhật Quang, Như Lai Hoa Sắc Vương, Như Lai Thủy Nguyệt Quang, Như Lai Trừ Nghi Minh, Như Lai Ðộ Cái Hạnh, Như Lai Tịnh Tín, Như Lai Thiên Túc, Như Lai Oai Thần, Như Lai Pháp Huệ, Như Lai Loan Âm, Như Lai Sư Tử Âm, Như Lai Long Âm, Như Lai Xử Thế. Tất cả Như Lai như thế đều đã qua.

Lúc ấy có Ðức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hành túc, thiện thệ, thế gian giải, Vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sự, Phật, Thế Tôn.

 

GIẢNG YẾU

 

Ðoạn này kể 54 vị Phật đã qua. Vị sau cùng là Thế Tự Tại Vương Phật là Ðức Phật mà Pháp Tạng Tỳ Kheo thân thừa để nói rõ bổn nhơn thành Phật của Ngài Pháp Tạng được tiếp nối truyền thừa từ các chư Phật đã qua.

*/ Nhơn địa của Ngài Pháp Tạng

KINH VĂN:

Lúc bấy giờ, có vị quốc vương nghe Phật nói pháp, lòng thường vui vẻ, pháp lòng chân chánh Vô thượng, bỏ nước thôi làm vua, thực hành hạnh Sa Môn, hiệu là Pháp Tạng. Ngài có tài cao, triết lý giỏi vượt hẳn người đời, đến chỗ của đức Như Lai Thế Tự Tại Vương, lạy dưới chân Phật, đi nhiểu ba vòng, quỳ xuống chắp tay đọc lời tán thán rằng:

mặt sáng cao vòi vọi,

Oai thần không cùng cực,

Chiếu rực rỡ như thế,

Không ai so sánh bằng.

Nhật nguyệt bằng ma-ni,

Châu sáng chiếu hực-hở,

Soi hết chỗ tối tăm,

Phá tan hết phiền não.

Dung nhan của Như Lai,

Không ai so sánh được,

Tiếng lớn diễn chánh pháp,

Âm vang khắp mười phương.

Giỏi nghe tinh tấn lớn,

Trí tuệ được chánh định,

Oai đức thật cao tột,

Nhiệm mầu thực ít có.

Sâu chắc đủ niệm lành,

Trong biển pháp chư Phật,

Sâu tột hết mầu nhiệm,

Rốt ráo đến bờ kia.

Vô minh và dục nô,

Người say mê không xiết,

Bậc sư tử diệt trừ,

Thần đức cao vô lượng.

Công đức lần rộng lớn,

Trí vô cùng thâm diệu,

Oai tướng sáng rực rỡ,

Chấn động cả đại thiên.

Nguyện con được làm Phật,

Nối nghiệp đấng Pháp Vương,

Vượt ra ngoài sanh tử,

Ðều được đạo giải thoát.

Bố thí và thiền định,

Giới, nhẫn nhục tinh tấn,

Các tam muội như thế,

Trí huệ là bậc thượng.

Con thề nguyện làm Phật.

Phát lời thề lớn này,

Ðộ những kẻ sợ sệt,

Ðều được an lạc lớn.

Như nay có Ðức Phật,

Ðến trăm ngàn muôn ức,

Vô lượng các đại thánh,

Số nhiều như hằng sa.

Cúng dường các Ðức Phật,

Ở các Ðức Phật này,

Chẳng bằng người cầu đạo,

Giữ chánh pháp không bỏ.

Thí như cát sông Hằng,

Chư Phật trong thế giới,

Không thể kể hết được,

Các cõi nước cũng thế.

Ánh sáng đều soi khắp,

Trên các quốc độ này,

Cứ như thế sáng mãi,

Oai lực không thể lường.

Nguyện khi con thành Phật,

Quốc độ phải thứ nhất,

Nhân dân thật vi diệu.

Ðạo tràng cũng cao tuyệt.

Nước luôn luôn vui đẹp.

Không cõi so sánh được,

Con rũ lòng thương xót,

Ðộ tất cả chúng sanh.

Người trong mười phương cõi,

Tâm ưa muốn trong sạch,

Ðã đến được nước con,

Sẽ vui vẻ an ổn.

May được Phật thương xót,

Vì con mà chứng nguyện,

Con phát nguyện kia rồi,

Hết lòng muốn thực hiện.

Chư Phật trong mười phương,

Trí tuệ được vô ngại,

Thường theo hộ trì con,

Biết được tam hồn con.

Con dù bị mất mạng,

Bị các khổ ép ngặt,

Con quyết luôn tinh tấn,

Nhẫn nhục tu không mỏi.

Phật bảo Ngài A-Nan: Tỳ Kheo Pháp Tạng nói tụng này rồi liền bạch với Phật Thế Tự Tại Vương : Kính lạy đức Thế Tôn! Con nay phát tâm Vô thượng chánh giác, nguyện Phật vì con rộng nói chánh pháp, con sẽ tu hành giữ gìn cõi Phật mầu nhiệm vô lượng trang nghiêm. Hôm nay con ở trong đời sẽ mau thành chánh giác và quyết nhổ hết các nguồn gốc đau khổ sanh tử cho chúng sanh.

Ðức Phật bảo Ngài A-Nan: Khi đó Phật Thế Tự Tại Vương dạy cho Pháp Tạng Tỳ Kheo làm cách nào để tu hành trang nghiêm Phật độ mà chính Tỳ Kheo Pháp Tạng phải thực hành. Tỳ Kheo Pháp Tạng lại bạch với Phật Thế Tự Tại Vương rằng: Nghĩa lý của Phật dạy rất mầu nhiệm sâu xa, không phải là cảnh giới của con. Cúi mong Ðức Phật giảng giải rõ ràng về việc làm của các Như Lai đã trang nghiêm tịnh độ, để từ đó con sẽ theo các phương pháp ấy tu hành hầu thành tựu những điều mà con mong muốn.

Lúc bấy giờ, Phật thế tự tại biết được ý chí cao siêu, tin nguyện sâu rộng của Tỳ Kheo Pháp Tạng nên dạy rằng: Nếu có người dùng đấu để lường một biển lớn, nếu cố gắng chuyên cần, trải qua nhiều số kiếp sẽ lường hết nước, lấy được châu báu. Nếu có người tinh tấn chí tâm cầu đạo không dừng chắc được kết quả. Không nguyện gì mà chẳng thành tựu. Trong lúc ấy Phật thế tự tại vì Pháp Tạng Tỳ Kheo mà nói rõ hai trăm mười ức quốc độ của chư Phật, việc lành dữ của trời người, những quốc độ vi diệu và thô sơ. Ngài cũng theo tâm nguyện của Pháp Tạng Tỳ Kheo, dùng thần lực hiện rõ các quốc độ cho Pháp Tạng Tỳ Kheo được thấy.

Trong lúc ấy, nghe Phật Thế Tự Tại Vương giảng giải việc nghiêm tịnh quốc độ và làm thế nào cho được thanh tịnh. Nhờ ấy và hiểu tất cả nên Tỳ Kheo Pháp Tạng phát khởi nguyện lớn cao tột, tâm luôn tịch mịch, chỉ không chấp trước, tất cả thế gian không ai sánh bằng, luôn luôn nhớ nghĩ đủ năm kiếp, giữ gìn công hạnh để trang nghiêm quốc độ thanh tịnh,

A Nan bạch Phật: Ðức Phật Thế Tự Tại Vương trụ thế bao lâu? Phật dạy: Ðức Phật kia thọ mạng bốn mươi hai kiếp.

GIẢNG YẾU

Ðoạn này hiện rõ sự tán thán Ðức Phật của Ngài Pháp Tạng để nói rõ chỗ muốn cầu của mình, Pháp Tạng Tỳ Kheo tùy theo căn cơ mà vào, hôm nay, chúng ta nghe Kinh này rồi, chí tâm hồi hướng Phật Vô Lượng Thọ, cầu sanh về cõi Cực Lạc, cùng với sự phát tâm của Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo ngày xưa không khác. Phật Vô Lượng Thọ sẽ thọ ký cho chúng ta như Phật Thế Tự Tại Vương không khác. Ngài Pháp Tạng nói: Con nay phát tâm Vô thượng chánh giác, nên biết đại nguyện từ nơi Vô thượng chánh giác mà ra, tất cả tịnh độ từ đó kiến lập, vừa phát tâm ấy cõi Cực Lạc trang nghiêm tức khắc có đủ. Nên nói: chí tâm cầu đạo, quyết tâm không lui, như thế nguyện nào không tròn. Vì sao? Vì tất cả pháp không lìa tự tâm. Nên trong Kinh nói: Tâm ấy tịch mịch, chỉ không chấp trước tức là tâm còn ngằn mé sẽ trở thành nhỏ hẹp, không thể gọi là nguyện thù thắng, chỉ có tùy thuận theo tâm giác ngộ, thu các cõi Phật một niệm sáng rỡ, mười phương đều thanh tịnh. Người mới học phải theo phát tâm này mà học đừng có lui sụt.

2- Nói rõ thắng hạnh:

*Trước Phật phát nguyện

KINH VĂN:

Khi đó Tỳ Kheo Pháp Tạng giữ gìn thực hành theo các phương pháp kiến tạo tịnh độ của hai trăm mười ức cảnh giới thanh tịnh của chư Phật. Tu hết các hạnh như thế rồi, Tỳ Kheo Pháp Tạng đến chỗ Phật Thế Tự Tại Vương, lễ dưới chân Phật, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, chấp tay đứng nghiêm bạch với Phật rằng: Thế Tôn! Con đã giữ gìn thực hành hạnh trang nghiêm Phật độ xong!

Phật Thế Tự Tại Vương bảo Ngài Pháp Tạng rằng: Thật đúng lúc, ông nên vì tất cả đại chúng Bồ Tát mà nói nguyện lớn trang nghiêm tịnh độ để các vị ấy nghe rõ và tu theo hạnh trang nghiêm Phật độ đến khi đầy đủ vô lượng nguyện lớn.

Tỳ Kheo Pháp Tạng bạch Phật rằng: Cúi mong Phật từ mẫn chứng minh những nguyện lớn sau đây:

1- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU TRONG CÕI NƯỚC TÔI CÓ ÐỊA NGỤC, NGẠ QUỶ, SÚC SANH, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC .

2- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NHÂN THIÊN TRONG NƯỚC TÔI SAU KHI LÂM CHUNG CÓ NGƯỜI LẠI RƠI VÀO BA ÐƯỜNG DỮ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

3- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI, THÂN KHÔNG MÀU VÀNG RÒNG TẤT CẢ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

4- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI CÓ KẺ XẤU NGƯỜI TỐT KHÔNG ÐỒNG ÐỀU NHAU, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

5- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI KHÔNG CÓ TÚC MỆNH THÔNG, ÍT NHẤT LÀ BIẾT RÕ NHỮNG VIỆC TRONG TRĂM NGHÌN ỨC NA-DO-THA KIẾP, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

6- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI NẾU KHÔNG ÐƯỢC THIÊN NHÃN THÔNG, ÍT NHẤT LÀ THẤY RÕ TRĂM NGHÌN ỨC NA-DO-THA THẾ GIỚI CỦA CHƯ PHẬT, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

7- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN Ở NƯỚC TÔI KHÔNG ÐƯỢC THIÊN NHĨ THÔNG, ÍT NHẤT LÀ NGHE VÀ THỌ TRÌ TẤT CẢ LỜI THUYẾT PHÁP CỦA TRĂM NGHÌN ỨC NA-DO-THA ÐỨC PHẬT, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

8- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI KHÔNG ÐƯỢC THA TÂM THÔNG, ÍT NHẤT LÀ BIẾT RÕ TÂM NIỆM CỦA TẤT CẢ CHÚNG SANH TRONG TRĂM NGHÌN ỨC NA-DO-THA THẾ GIỚI, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

9- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI KHÔNG ÐƯỢC THẦN TÚC THÔNG, KHOẢNG MỘT NIỆM ÍT NHẤT LÀ LƯỚT QUA KHỎI TRĂM NGHÌN ỨC NA-DO-THA THẾ GIỚI, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

10- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI CÒN QUAN NIỆM THAM CHẤP LẤY THÂN, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

11- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIẾN TRONG CÕI NƯỚC TÔI KHÔNG TRỤ CHÁNH-ÐỊNH-TỤ, NHẨN ÐẾN TRỌN DIỆT ÐỘ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

12- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU QUANG MINH CÒN HỮU HẠN, ÍT NHẤT KHÔNG CHIẾU THẤU TRĂM NGHÌN ỨC NA-DO-THA THẾ GIỚI, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

13- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU THỌ MẠNG CÒN HỮU HẠN, ÍT NHẤT LÀ KHÔNG ÐẾN TRĂM NGHÌN ỨC NA-DO-THA, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

14- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG THINH VĂN TRONG CÕI NƯỚC TÔI, NẾU CÓ AI TÍNH ÐẾM ÐƯỢC SỐ BAO NHIẾU, DÙ ÐÓ LÀ VÔ LƯỢNG BÍCH-CHI PHẬT ÐỒNG TÍNH ÐẾM TRONG TRĂM NGHÌN KIẾP, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

15- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN CÒN THỌ MẠNG HỮU HẠN, TRỪ NGƯỜI CÓ BỔN NGUYỆN RIÊNG, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

16- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI CÒN CÓ NGƯỜI NGHE DANH TỪ BẤT THIỆN, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

17- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, VÔ LƯỢNG CHƯ PHẬT TRONG MƯỜI PHƯƠNG TRONG MƯỜI PHƯƠNG THẾ GIỚI ÐỀU KHÔNG XƯNG DANH HIỆU TÔI, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

18-` LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG SANH TRONG MƯỜI PHƯƠNG HẾT LÒNG TIN MỘ MUỐN SANH VỀ NƯỚC TÔI, NHẨN ÐẾN MƯỜI NIỆM, NẾU KHÔNG ÐƯỢC SANH, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC, TRỪ KẺ TẠO TỘI NGŨ NGHỊCH VÀ HỦY BÁNG CHÁNH PHÁP.

19- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG SANH TRONG MƯỜI PHƯƠNG PHÁT TÂM BỒ-ÐỀ, TU CÁC CÔNG-ÐỨC, NGUYỆN SANH VỀ CÕI NƯỚC TÔI, ÐẾN LÚC LÂM CHUNG NẾU KHÔNG CÙNG ÐẠI CHÚNG HIỆN THÂN TRƯỚC NGƯỜI ÐÓ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

20- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG SANH TRONG MƯỜI PHƯƠNG NGHE DANH HIỆU TÔI, CHUYÊN NHỚ CÕI NƯỚC TÔI VÀ TU CÁC CÔNG-ÐỨC, CHÍ TÂM HỒI HƯỚNG, MUỐN SANH VỀ CÕI NƯỚC TÔI, NẾU KHÔNG ÐƯỢC TOẠI NGUYỆN THÌ TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

21- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, HÀNG NHƠN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI, TẤT CẢ KHÔNG ÐẦY ÐỦ BA MƯƠI HAI ÐẠI NHƠN TƯỚNG, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

22- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ-TÁT Ở CÕI KHÁC SANH VỀ NƯỚC TÔI, CỨU CÁNH ÐỂU ÐẾN BẬC NHẤT SANH BỔ XỨ, TRỪ NGƯỜI CÓ BỔN NGUYỆN RIÊNG, TỰ TẠI HÓA HIỆN, VÌ CHÚNG SANH MÀ PHÁT THỆ LỚN, TU CÁC CÔNG-ÐỨC, ÐỘ THOÁT MỌI LOÀI, ÐI KHẮP THẾ GIỚI TU CÁC HẠNH BỒ-TÁT, CÚNG DƯỜNG MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT, KHAI HÓA VÔ LƯỢNG CHÚNG SANH, LÀM CHO TẤT CẢ ÐỀU ÐỨNG VỮNG NƠI ÐẠO TRÀNG VÔ THƯỢNG CHÁNH GIÁC, SIÊU XUẤT CÔNG HÀNH CỦA CÁC BẬC THÔNG THƯỜNG, HIỆN TIỀN TU TẬP ÐỨC CỦA PHỔ-HIỀN, NẾU KHÔNG NHƯ THẾ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

23- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, BỒ-TÁT TRONG CÕI NƯỚC TÔI THỪA THẦN LỰC CỦA TÔI MÀ ÐI CÚNG DƯỜNG MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT, TRONG KHOẢNG THỜI GIAN MỘT BỮA ĂN, NẾU KHÔNG ÐẾN KHẮP VÔ LƯỢNG, VÔ SỐ NA-DO-THA THẾ GIỚI, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

24- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CÁC BỒ TÁT TRONG CÕI NƯỚC TÔI KHI Ở TRƯỚC MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT HIỆN CÔNG ÐỨC CỦA MÌNH, MUỐN CÓ NHỮNG VẬT CÚNG DƯỜNG, NẾU KHÔNG ÐƯỢC ÐÚNG NHƯ Ý, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

25- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU CHÚNG BỒ TÁT Ở TRONG CÕI NƯỚC TÔI KHÔNG DIỄN THUYẾT ÐƯỢC NHẤT-THẾ-TRÍ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

26- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU CÁC BỒ TÁT Ở TRONG CÕI NƯỚC TÔI KHÔNG ÐƯỢC THÂN KIM CƯƠNG NA LA DIÊN, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

27- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, TRONG CÕI NƯỚC TÔI TẤT CẢ ÐỒ DÙNG CỦA NHÂN THIÊN HÌNH SẮC ÐỀU SÁNG ÐẸP SẠCH SẼ, TỐT TƯƠI, VI DIỆU, KHÔNG CÓ THỂ TÍNH BIẾT, DÙ LÀ NGƯỜI ÐƯỢC THIÊN NHÃN, NẾU CÓ NGƯỜI BIỆN DANH SỐ CÁC ÐỒ ẤY ÐƯỢC RÕ RÀNG, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

28- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU BỒ TÁT TRONG CÕI NƯỚC TÔI, DÙ LÀ NGƯỜI ÍT CÔNG ÐỨC NHẤT, KHÔNG THẤY BIẾT ÐƯỢC CỘI CÂY ÐẠO TRÀNG CAO BỐN TRĂM MUÔN DO TẦN, VÔ LƯỢNG MÀU SẮC VÀ ÁNH SÁNG, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

29- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT Ở TRONG CÕI NƯỚC TÔI NẾU THỌ TRÌ ÐỌC TỤNG, GIẢNG NÓI KINH PHÁP MÀ KHÔNG ÐƯỢC TRÍ HUỆ BIỆN TÀI, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

30- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU CÓ AI HẠN LƯỢNG ÐƯỢC TRÍ HUỆ BIỆN TÀI CỦA BỒ TÁT TRONG CÕI NƯỚC TÔI, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

31- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CÕI NƯỚC TÔI THANH TịNH, NƠI NƠI ÐỀU SOI THẤY VÔ LƯỢNG VÔ SỐ BẤT KHẢ TƯ NGHÌ THẾ GIỚI MƯỜI PHƯƠNG, ÐỀU THẤY NHƯ LÀ THẤY MẶT MÌNH TRONG GƯƠNG, NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

32- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, TRONG CÕI NƯỚC TÔI TỪ MẶT ÐẤT VÀNG LÊN ÐẾN HƯ KHÔNG, LẦU NHÀ CUNG ÐIỆN, AO NƯỚC, CÂY HOA, TẤT CẢ VẠN VẬT ÐỀU CÓ VÔ LƯỢNG CHẤT BÁU VÀ TRĂM NGHÌN THỨ HƯƠNG HỌP LẠI MÀ THÀNH. VẠN VẬT ÐỀU XINH ÐẸP KỲ DIỆU, MÙI THƠM XÔNG KHẮP MƯỜI PHƯƠNG THẾ GIỚI, BỒ TÁT CÁC NƠI NGỬI ÐẾN MÙI THƠM ẤY, LIỀN TU THÀNH PHẬT, NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ THẾ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

33- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CÁC LOÀI CHÚNG SANH TRONG VÔ LƯỢNG BẤT KHẢ TƯ NGHÌ THẾ GIỚI Ở MƯỜI PHƯƠNG, ÐƯỢC QUANG MINH CỦA TÔI CHẤM ÐẾN THÂN, THỜI THÂN TÂM NHU KHUYẾN, NHẸ NHÀNG HƠN NGƯỜI CÕI TRỜI. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

34- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CÁC LOÀI CHÚNG SANH TRONG VÔ LƯỢNG BẤT KHẢ TƯ NGHÌ THẾ GIỚI Ở MƯỜI PHƯƠNG NGHE DANH HIỆU CỦA TÔI MÀ KHÔNG ÐƯỢC VÔ SANH PHÁP NHẨN CÙNG CÁC MÓN THẬM THÂM TỔNG TRÌ, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

35- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CÁC NGƯỜI NỮ TRONG VÔ LƯỢNG BẤT KHẢ TƯ NGHÌ THẾ GIỚI Ở MƯỜI PHƯƠNG VUI MỪNG TIN NHẬN, PHÁT BỒ ÐỀ TÂM, NHÀM GHÉT THÂN GÁI. NẾU SAU KHI MẠNG CHUNG MÀ CÒN LÀM THÂN NGƯỜI NỮ NỮA, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

36- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT TRONG VÔ LƯỢNG BẤT KHẢ TƯ NGHÌ THẾ GIỚI Ở MƯỜI PHƯƠNG NGHE DANH HIỆU TÔI, VẪN THƯỜNG TU PHẠM HẠNH MÃI ÐẾN THÀNH PHẬT, NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNHGIÁC.

37- LÚC TÔI THÀNH, HÀNG NHÂN THIÊN TRONG VÔ LƯỢNG BẤT KHẢ TƯ NGHÌ THẾ GIỚI Ở MƯỜI PHƯƠNG NGHE DANH HIỆU TÔI, CÚI ÐẦU ÐẢNH LỄ, NĂM VÓC GIEO MÌNH XUỐNG ÐẤT, VUI MỪNG TIN MẾN, TU BỒ TÁT HẠNH, THỜI CHƯ THIÊN VÀ NGƯỜI ÐỜI ÐỀU KÍNH TRỌNG NGƯỜI ÐÓ. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

38- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI MUỐN CÓ Y PHỤC, THỜI Y PHỤC TỐT ÐÚNG PHÁP LIỀN THEO TÂM NIỆM NGƯỜI ÐÓ MÀ TỰ NHIÊN HIỆN ÐẾN TRÊN THÂN, NẾU CÒN PHẢI CẮT MAY NHUỘM GIẶT THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

 

39- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU HÀNG NHÂN THIÊN TRONG CÕI NƯỚC TÔI HƯỞNG THỌ SỰ VUI SƯỚNG KHÔNG NHƯ VỊ LẬU TẬN TỲ KHEO, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

40- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CÁC BỒ TÁT TRONG CÕI NƯỚC TÔI TÙY Ý MUỐN THẤY VÔ LƯỢNG THẾ GIỚI NGHIÊM TỊNH CỦA CHƯ PHẬT Ở MƯỜI PHƯƠNG, LIỀN ÐƯỢC THẤY RÕ CẢ NƠI TRONG CÂY BÁU, ÐÚNG NHƯ Ý MUỐN NHƯ THẤY MẶT MÌNH TRONG GƯƠNG SÁNG. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ THẾ THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

41- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT Ở THẾ GIỚI PHƯƠNG KHÁC NGHE DANH HIỆU TÔI, TỪ ÐÓ NHẪN ÐẾN THÀNH PHẬT MÀ CÁC SẮC CĂN VẪN CÒN THIẾU XẤU, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

42- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT Ở THẾ GIỚI PHƯƠNG KHÁC NGHE DANH HIỆU TÔI, TẤT CẢ ÐỀU ÐƯỢC GIẢI THOÁT TAM MUỘI, TRỤ TAM MUỘI ÐÓ TRONG KHOẢNG THỜI GIAN MỘT NIỆM, CÚNG DƯỜNG VÔ LƯỢNG BẤT KHẢ TƯ NGHÌ CHƯ PHẬT THẾ TÔN MÀ VẪN KHÔNG MẤT CHÁNH ÐỊNH. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

43- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT Ở PHƯƠNG KHÁC NGHE DANH HIỆU TÔI, SAU KHI MẠNG CHUNG THÁC SANH VÀO NHÀ TÔN QUÝ. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

44- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT Ở PHƯƠNG KHÁC NGHE DANH HIỆU TÔI VUI MỪNG HỚN HỞ, TU BỒ TÁT HẠNH VẸN ÐỦ CÔNG ÐỨC. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY THÌ TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

45- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT Ở PHƯƠNG KHÁC NGHE DANH HIỆU TÔI ÐỀU ÐẶNG PHỔ ÐẲNG TAM MUỘI, TRỤ TAM MUỘI NÀY PHẢI ÐẾN LÚC THÀNH PHẬT, THƯỜNG ÐƯỢC THẤY VÔ LƯỢNG BẤT KHẢ TƯ NGHÌ TẤT CẢ CHƯ PHẬT. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

46- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, CHÚNG BỒ TÁT TRONG CÕI NƯỚC TÔI MUỐN NGHE PHÁP GÌ THỜI TỰ NHIÊN ÐƯỢC NGHE PHÁP ẤY. NẾU KHÔNG ÐƯỢC NHƯ VẬY THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

47- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU CHÚNG BỒ TÁT Ở THẾ GIỚI PHƯƠNG KHÁC NGHE DANH HIỆU TÔI MÀ KHÔNG ÐƯỢC BẬC BẤT THỐI CHUYỂN, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

48- LÚC TÔI THÀNH PHẬT, NẾU CHÚNG BỒ TÁT Ở THẾ GIỚI MƯỜI PHƯƠNG KHÁC NGHE DANH HIỆU TÔI MÀ KHÔNG ÐƯỢC LIỀN ÐỆ NHẤT ÂM HƯỞNG NHẪN, ÐỆ NHỊ NHU KHUYẾN NHẪN, ÐỆ TAM VÔ SANH NHẪN, Ở NƠI PHẬT PHÁP KHÔNG ÐƯỢC LIỀN BẬC BẤT THỐI CHUYỂN, THỜI TÔI KHÔNG Ở NGÔI CHÁNH GIÁC.

Phật bảo A Nan: Lúc bấy giờ Tỳ Kheo Pháp Tạng sau khi nói nguyện này rồi liền dùng bài kệ tụng rằng:

Tôi lập nguyện cao cả,

Quyết trọn đạo Vô thượng,

Nguyện này chư tròn đủ

Thề không thành chánh giác.

Tôi nguyện vô lượng kiếp,

(Nếu) Không làm đại thí chủ,

Giúp hết người nghèo khó,

Thề không thành chánh giác.

Tôi đến khi thành Phật,

Tiếng tăm khắp mười phương,

Nếu ai còn chẳng nghe,

Thề không thành chánh giác.

Lìa dục nhiều chánh niệm,

Tịnh huệ tu phạm hạnh,

Chí cầu đạo Vô thượng,

Làm thầy các trời người.

Sức thần ánh sáng lớn,

Chiếu khắp vô lượng cõi,

Tiêu trừ ba cấu nhiễm,

Giúp thoát các nạn tai.

Mở rộng mắt trí huệ,

Dứt hết sự mê mờ,

Lắp tất cả đường dữ,

Mau về với nẻo lành.

Công tác thành tựu tốt,

Oai chấn khắp mười phương,

Như nhật nguyệt soi sáng,

Ðèn trời khó sánh bằng.

Cho hết của công đức,

Thường ở gần mọi người,

Diễn nói các pháp mầu.

Cúng dường tất cả Phật,

Ðầy đủ các công đức,

Nguyện huệ đều thanh tịnh,

Ba cõi đáng tôn sùng.

Trí vô ngại như Phật,

Thông đạt tất cả nguyện,

Sức công đức tối thắng,

Trở thành bậc chánh giác.

Nguyện này được kết quả,

Ba cõi sẽ chấn động,

Các thiện thần trên không ,

Sẽ rưới các hoa báu.

Phật nói với A Nan: Tỳ Kheo Pháp Tạng nói bài tụng này rồi, lúc ấy cõi đất sáu thứ chấn động. Trời rưới hoa báu để khen ngợi đại nguyện, tự nhiên tiếng nhạc hư không khen rằng: Ngài quyết định thành tựu Vô thượng chánh giác. Và sau đó Tỳ Kheo Pháp Tạng tu đầy đủ những nguyện lớn như thế, chắc thật không dối, xa lìa thế gian, vui đạo tịch diệt.

 

GIẢNG YẾU

 

Ðoạn này nói rõ Ngài Pháp Tạng Tỳ Kheo vì tất cả chúng sanh mà lập Ðại Nguyện. Nên biết quốc độ của chư Phật không lìa một niệm thanh tịnh tâm của chúng sanh mà được thành lập. Tất cả chúng sanh bản tánh vốn thanh tịnh, vốn không sanh tử, vốn xưa này thường trụ Vô Dư Niết Bàn, chỉ vì tình trần che lấp trở thành trôi nổi lặn ngụp không có ngày ra khỏi. Bồ Tát thương xót phát Ðại Nguyện này, vì các chúng sanh phá trừ vọng chấp, chiếu sáng nội tâm, hiện sức tự tại, chiếu ánh sáng lớn vào pháp tánh sáng rỡ không phải ở bên ngoài mà có. Vì tự tánh vốn không lìa các nẻo ác, nên biết Bồ Tát từ tâm Không Tịch này mà trang nghiêm cõi Phật. Tự Tánh Diệu Viên đủ các tướng hảo, Bồ Tát thuận theo Diệu Tâm này mà trang nghiêm cõi Phật. Tự tánh không ngại hiển sáu pháp thần thông, nên biết Bồ Tát thuận theo Vô ngại tâm mà trang nghiêm cõi Phật. Tự tánh không trụ không thể đoạn diệt, nên biết Bồ Tát thuận theo tâm Vô Trụ này mà trang nghiêm cõi Phật. Tự tánh không có ở ngoài cũng như gió xuân trùm khắp vạn vật, nên biết Bồ Tát thuận theo tâm không ở ngoài này mà nghiêm tịnh cõi Phật. Tự tánh không ở bên trong như gương trong hiện hết các ảnh, nên biết Bồ Tát thuận theo tâm không ở trong mà nghiêm tịnh cõi Phật. Tự tánh sáng rỡ như mặt nhật chiếu khắp, nên biết Bồ Tát thuận theo Ánh Sáng Tâm mà nghiêm tịnh cõi Phật. Tự tánh bình đẳng như hương xông khắp, nên biết Bồ Tát thuận theo Tâm Bình Ðẳng mà nghiêm tịnh cõi Phật. Nên biết 48 Ðại Nguyện không có một nguyện nào mà không có sẵn trong tâm chúng sanh, tức là lấy Tự Tâm để nghiêm tịnh Tự Ðộ, như nước chảy vào biển, như vang hợp tiếng, nên Tỳ Kheo Pháp Tạng đã nói: Nếu không đúng như thế, tôi thề không ở ngôi chánh giác. Trong không trung khen ngợi: Quyết định sẽ thành Vô thượng chánh giác. Vì cái Nhân đã không thể nghĩ bàn, thì các Quả dĩ nhiên cũng không thể nghĩ bàn. Người có chí cầu sanh về TỊNH ÐỘ phải tin như thế mà vào.

*Chứa trồng công đức:

KINH VĂN:

Này A Nan! Tỳ Kheo Pháp Tạng ở trước Phật, trước chư thiên, ma phạm, long thần, bát bộ mà pháp đại nguyện này. Lập nguyện xong, một lòng chuyên ý trang nghiêm diệu độ chỗ tu hành để trang nghiêm tịnh độ rộng lớn vĩ đại mầu nhiệm vượt hẳn các cõi tịnh độ khác. Luôn luôn xây dựng, không lui không đổi, số kiếp không thể nghĩ bàn, gieo trồng vô lượng đức hạnh của Bồ Tát. Không biết dục biết sân biết hại; không khởi tưởng dục tưởng sân tưởng hại; không đắm sắc hương vị xúc và pháp. Sức nhẫn thành tựu không nài khó nhọc, ít dục, biết đủ, không nhiễm giận và si mê. Chánh định giữ luôn, trí tuệ vô ngại, không có lòng tà hại, dối trá. Sắc mặt lúc nào cũng vui, lời nói dịu dàng. Ðối đáp đúng pháp dũng mãnh tinh tấn, chí nguyện không mỏi mệt, chuyên cầu pháp trong sạnh, đem ân huệ cho tất cả các loài, cung kính Tam-Bảo, kính thờ thầy bạn. Nhờ trang nghiêm lớn mà đầy đủ các hạnh, làm cho chúng sanh công đức thành tựu. Ở trong pháp không , vô tướng, vô nguyện, không làm , không khởi, quán pháp như huyễn. Xa lìa lỗi thọ tự hại mình và hại đến người khác, tu tập lợi lành để lợi mình và lợi người. Bỏ nước thôi làm vua, dứt hết tiền của và sắc đẹp. Tự mình làm sáu phép Ba La Mật và bảo người làm , đã chứa nhóm công đức vô số kiếp không thể tính được, đến chỗ người ở theo chỗ họ muốn, đem vô số vật báu tặng cho khắp cả, dạy bảo an ổn vô số chúng sanh ở trong đạo chơn chánh Vô thượng. Vì các vị trưởng giả, cư sĩ, người giàu sang tôn quí hoặc vì vua sát đế lợi, vua chuyển luân, chúa trời lục dục cho đến Phạm thiên mà thường đem tứ sự cúng dường cung kính tất cả chư Phật. Công đức như thế không thể nói hết. Hơi miệng thơm sạch như hoa ưu bát la, lỗ chân lông trên thân tỏa hương chiên đàn, hương ấy xông khắp vô lượng thế giới. Hình dung ngay thẳng, tướng tốt lạ thường. Trên tay đeo vô lượng vật báu, y phục đồ ăn uống toàn diệu thơm ngon. Những lọng nhang vi diệu để trang nghiêm. Tất cả các việc như thế vượt hẳn các trời người. Ở nơi tất cả pháp đều được tự tại.

 

GIẢNG YẾU

 

Tỳ Kheo Pháp Tạng dùng tâm vô lượng, phát nguyện vô lượng, khởi hạnh vô lượng, mỗi thứ đều khế hợp với chơn như pháp giới. Chúng sanh vô lượng, pháp giới vô lượng, Bồ Tát tùy thuận chúng sanh trải qua bất khả thuyết na do tha kiếp và bất khả thuyết hằng hà sa cõi Phật, thảy đều vô lượng, dùng hạnh hay nghiêm tịnh Phật độ, độ thoát vô lượng chúng sanh mà thật không có Phật độ để nghiêm tịnh, cũng không có một chúng sanh nào có thể độ. Vì sao? Vì pháp giới tức không phải là pháp giới, nên dùng đại trang nghiêm để cụ túc các hạnh. Lại nói, trong pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, không làm , không khởi, quán pháp như huyễn hóa. Ðó là dung thông cả Bi Trí, không ngại lý sự, nên có thể ở trong tất cả pháp mà được tự tại. Kinh Nhất Hướng Xuất Sanh Bồ Tát nói: Phật dạy: Ta nhớ thuở quá khứ rộng lớn vô lượng vô biên A Tăng Tỳ kiếp có Phật hiệu Bửu Công Ðức Oai Túc Kiếp Vương sắp vào Niết Bàn, vì chúng sanh rộng nói pháp Ðà La Ni, lúc ấy có một vị Chuyển Luân Vương tên là Trí Hoa có người con làm thái tử tên là Bất Tư Nghì Thắng Công Ðức, mới 15 tuổi theo cha đến gặp Phật, nghe được pháp bổn Ðà La Ni, liền ở trong 7 muôn năm tinh chuyên tu tập chưa từng ngủ nghỉ, ngồi ngay thẳng một chỗ không hề ngã nghiêng, không tham tiền của và ngôi vua, không làm việc vui cho riêng mình, được gặp 90 ức trăm ngàn na do tha Phật thuyết pháp cho nghe, Ngài đều nghe và tu trì, chán nhà thế tục, cạo tóc làm Sa Môn. Xuất gia rồi ở trong 9 muôn năm tu tập pháp Ðà La Ni này, lại vì chúng sanh phân biệt bày tỏ. Suốt đời hết lòng giáo hóa làm cho 80 ức trăm ngàn na do tha chúng sanh được phát đạo tâm, chứa góp công đức đến địa vị bất thối. Tỳ Kheo Bất Tư Nghì Công Ðức lúc ấy đâu phải người nào lạ, đó chính là Như Lai A Di Ðà. Qua đoạn Kinh trên ta thấy Pháp Tạng Tỳ Kheo một đời còng như thế huống chi nhiều đời, một kiếp còn như thế huống chi nhiều kiếp, từ đó có thể biết được công đức tu hành của Ngài.

3 Nói rõ thắng Quả

*Pháp Tạng Tỳ Kheo thành Phật

KINH VĂN

A Nan bạch Phật: Kính thưa đức Thế Tôn, Bồ Tát Pháp Tạng đã thành Phật và đã diệt độ chưa? Hoặc chưa thành Phật và hiện nay vẫn còn là Bồ Tát?

Phật bảo: A Nan! Bồ Tát Pháp Tạng nay đã thành Phật, hiện tại ở về hướng tây, cách đây mười muôn ức cõi Phật. Thế giới của Phật ấy tên là CỰC LẠC. A Nan lại hỏi: Ðức Phật ấy thành Phật đến nay đã bao lâu? Phật đáp: Thành Phật đến nay đã hơn mười kiếp.

 

GIẢNG YẾU

 

Ðoạn này giải rõ thời gian Phật Vô Lượng Thọ thành Phật và hiện đang ở cõi Cực Lạc Phương Tây.

 

---o0o---