Tịnh độ
Niệm Phật chỉ nam
19/03/2557 09:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật chỉ nam
Mục lục
Xem toàn bộ


   Phật nói pháp tu hành ra khỏi sinh tử, phương tiện nhiều môn, chỉ có pháp niệm Phật cầu sinh Tịnh độ là thẳng tắt nhất. Trong kinh nói: “Nếu muốn tịnh cõi Phật, phải thanh tịnh tâm mình”. Ngày nay, tu hành Tịnh nghiệp, nên lấy việc thanh tịnh tâm làm gốc. Muốn tịnh tự tâm, trước nhất phải giữ giới thanh tịnh. Vì mười việc ác của thân miệng ý là nhân khổ của ba đường ác, chỗ cốt yếu của việc trì giới trước nhất phải làm cho ba nghiệp thanh tịnh, thì tâm tự tịnh. Nếu thân không giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối thì thân nghiệp thanh tịnh. Miệng không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác độc, nói lời thêu dệt thì khẩu nghiệp thanh tịnh. Ý không tham lam, không sân hận, si mê thì ý nghiệp thanh tịnh. Mười việc ác này dứt hẳn, ba nghiệp trong sạch, đó là điều thiết yếu của sự tịnh tâm. Ở trong tâm thanh tịnh này dấy khởi tâm chán khổ nơi cõi Ta-bà, phát nguyện vãng sinh miền An Dưỡng, lập chánh hạnh niệm Phật. Tâm niệm Phật phải thiết tha vì sinh tử. Đầu tiên, ngoài đoạn ngoại duyên, kế đến bên trong đơn độc đề khởi nhất niệm. Dùng một câu A-di-đà Phật làm mạng căn, niệm niệm không lãng quên, tâm tâm chẳng gián đoạn. Trong 24 giờ, đi đứng nằm ngồi, khi ăn lúc uống, cúi ngửa tới lui, động tĩnh bận rảnh, trong mọi thời không u mê, không ngu muội, hoàn toàn không có duyên gì khác, dụng tâm như thế lâu ngày thuần thục, cho đến trong mộng cũng không quên mất, thức ngủ như nhau tức là công phu miên mật, trở thành một khối tức là lúc công phu đắc lực. Nếu niệm đến nhất tâm không loạn, lúc lâm chung cảnh giới Tịnh độ hiện ra trước mắt, tự nhiên không bị sinh tử ràng buộc, bèn cảm Phật A-di-đà phóng quang tiếp dẫn. Đây là hiệu quả chắc chắn vãng sinh.

   Tu tuệ ở chỗ quán tâm, tu phước ở nơi vạn hạnh. Quán tâm lấy niệm Phật làm bậc nhất, vạn hạnh lấy cúng dường làm trước tiên, hai điều ấy chính là bao gồm hết thảy. Tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, khởi tâm động niệm đều là vọng tưởng, là gốc sinh tử, cho nên chuốc lấy quả báo khổ. Nay đem tâm vọng tưởng đổi thành niệm Phật thì mỗi niệm đều trở thành nhân Tịnh độ, đó là quả báo vui. Nếu niệm Phật tâm không gián đoạn, vọng tưởng tiêu diệt, ánh sáng của tâm phát lộ, trí tuệ hiện tiền thì thành tựu Pháp thân Phật.
 
   Chúng sinh sở dĩ bần cùng không có phước huệ, là do nhiều đời nhiều kiếp chưa từng có một niệm cúng dường Tam Bảo để cầu phước đức, mãi bị sinh tử làm khổ thân, niệm niệm tham cầu thú vui ngũ dục để vun bồi gốc khổ. Nay đem tâm tham cầu cho riêng mình, chuyển đổi mà cúng dường Tam Bảo, đem thân mạng hữu hạn tùy tâm tùy sức cúng dường mười phương, cho đến một nén hương, một cành hoa và lúa, gạo, thức ăn, phước ấy vô cùng, do đó cảm nên Hoa Tạng trang nghiêm Phật quả, làm nơi tự thọ dụng sau này cho mình, bỏ đây không có hạnh vi diệu để thành Phật.

   Pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ là mong thấu suốt vượt thoát sinh tử. Nếu chẳng biết cội rễ của sinh tử, rốt cuộc hướng đến chỗ nào để thấu suốt vượt thoát. Vậy cái gì là cội rễ sinh tử? Người xưa nói: “Nghiệp chẳng nặng chẳng sinh Ta-bà, ái chẳng đoạn chẳng sinh Tịnh độ”. Vậy ái là gốc sinh tử. Từ lúc mới có sinh tử đến nay, đời đời kiếp kiếp, bỏ thân này thọ thân khác đều do ái dục, nên bị lưu chuyển đến ngày nay. Nay niệm Phật, niệm niệm phải đoạn gốc ái này. Nghĩa là hằng ngày ở nhà niệm Phật, thấy con cháu, việc nhà, của cải không có gì chẳng thuộc về ái. Như thế, không có một việc gì, không có một niệm nào chẳng phải là thứ dẫn đến sinh tử. Khi đang niệm Phật, trong tâm chưa từng có một niệm buông bỏ gốc ái. Niệm Phật như thế, càng niệm ái càng tăng trưởng. Lại như lúc tình cảm con cháu khởi lên, phải xoay trở lại quán xét kỹ câu niệm Phật, quả thật có thể chống chọi và đoạn trừ được ái này chăng? Nếu không đoạn được, làm sao vượt thoát sinh tử? Vì duyên ái đã nhiều kiếp huân tập sâu dày, còn niệm Phật chỉ mới phát tâm, lại chẳng tha thiết chân thật, nên không đắc lực. Nếu hiện tại không làm chủ được cảnh ái, khi gần chết chắc chắn chỉ thấy gốc ái sinh tử hiện ra, rốt cuộc chẳng làm chủ được. Cho nên, khuyên người niệm Phật, đầu tiên là tâm phải tha thiết đối với việc sinh tử, phải tha thiết đối với việc đoạn dứt sinh tử, cần phải trong mỗi niệm đoạn dứt cội gốc sinh tử. Như thế, mỗi niệm mỗi niệm là lúc liễu ngộ sinh tử, gọi là trước mắt đều là việc sinh tử, trước mắt thấu suốt sinh tử không. Như thế, mỗi niệm chân thật thiết tha thì hiệu quả rõ ràng. Nếu không thoát khỏi sinh tử thì chư Phật mắc tội nói dối.

   Học đạo không có khả năng đặc biệt gì khác, chỉ là phải làm cho đạo lực tăng trưởng, nghiệp lực tiêu mòn, lâu ngày thuần thục trở thành một khối, tự nhiên mỗi niệm đều là Di-đà, nơi nào cũng là Cực Lạc. Gần đây, nhận thấy người học đạo chỉ biết tham cầu huyền diệu, chẳng biết quyết tâm công phu ở chỗ căn bản, đến khi gặp cảnh vinh nhục, họa hoạn sinh tử liền thấy họ bấn loạn tay chân, đó chẳng phải là do người khác làm thành mà chính họ tự lầm đó thôi. Cội gốc sinh tử tức là mọi thứ vọng tưởng trong hàng ngày của chúng ta. Các thứ nghiệp phiền não, nhân ngã, yêu ghét, tham dục, nóng giận, si mê, nếu còn một mảy may chưa đoạn dứt tức là cội gốc sinh tử. Nay muốn tham thiền đốn ngộ vượt thoát sinh tử, xin tự lường xét! Quả như có thể ngay một niệm nhanh chóng đoạn dứt phiền não trong nhiều kiếp, như cắt đứt tơ rối hay chăng? Nếu chẳng thể đoạn dứt phiền não, dù có thể đốn ngộ cũng trở thành nghiệp ma, sao lại xem thường? Từ trước, chư Tổ đốn ngộ cũng do tích lũy công phu tu hành dần dần trong nhiều đời mà được, cho nên việc đốn ngộ nói thì dễ nhưng thật rất khó. Nếu không có hai ba chục năm quyết tâm công phu, làm sao được một niệm đốn ngộ ở trong chỗ nhiệt não? Quan trọng là tự biết căn cơ mình thế nào mà thôi!

   Còn như pháp môn niệm Phật, người đời chẳng biết chỗ vi diệu cho là cạn cợt, kỳ thực mỗi bước đều đạp trên đất chân thật. Tại sao? Vì chúng ta từ khi chào đời đến nay, mỗi niệm mỗi niệm vọng tưởng phan duyên tạo nghiệp sinh tử, chưa từng có một niệm soi sáng lại tâm mình, chưa từng có một niệm chịu đoạn dứt phiền não. Nay quả như có thể đem tâm vọng tưởng đổi thành niệm Phật, thì trong mỗi niệm đoạn dứt phiền não. Nếu trong mỗi niệm đoạn được phiền não, tức là mỗi niệm thoát khỏi sinh tử. Nếu có thể giữ một niệm niệm Phật không đổi dời, nhất tâm không loạn, so với việc tham thiền còn rốt ráo hơn. Tóm lại, chỉ nơi một niệm chân thật thiết tha mà thôi. Song tham thiền nhất định phải chết hết tâm thế gian, chẳng chứa một niệm vọng tưởng; niệm Phật là đem ý tưởng thanh tịnh chuyển đổi ý tưởng nhiễm ô, dùng ý tưởng, dẹp trừ ý tưởng chính là một cách thay đổi, tùy theo căn cơ của chúng ta thích hợp để làm thôi.

   Tu Tịnh độ không cần cầu tỏ ngộ tâm tánh, chuyên dùng niệm Phật làm chánh hạnh, lại lấy bố thí trai Tăng, tu các phước điền công đức để trợ giúp trang nghiêm cõi Phật. Người niệm Phật trong lòng tuy phát nguyện vãng sinh, nhưng phải biết chặt đứt gốc sinh tử trước, mới có hiệu quả nhanh chóng. Gốc sinh tử là sự tham đắm các thứ thọ dụng ở thế gian và sắc đẹp, tiếng hay, ăn ngon, mặc đẹp ở hiện nay, tất cả đều là gốc khổ. Phải tận lực dứt bỏ hết thảy tâm sân nộ, phẫn hận, chấp trước, si ái, và mọi giáo pháp tà vạy của tà ma ngoại đạo tà sư nói. Chỉ tin sâu một môn niệm Phật, mỗi ngày tụng hai quyển kinh Di-đà, niệm Phật bao nhiêu câu, hoặc không tính số, chỉ là tâm tâm không quên danh hiệu Phật. Phật là giác, nếu mỗi niệm không quên Phật, tức niệm niệm giác ngộ sáng suốt. Nếu tâm quên Phật tức là bất giác. Nếu niệm đến chỗ trong mộng có thể niệm tức là thường giác không mê. Hiện tại, nếu tâm này không mê thì lúc lâm chung tâm này chẳng mờ, ngay chỗ tâm này không mê mờ chính là hướng đi. Nay việc nước đa đoan, quyết không thể tham thiền, mà chỉ nên niệm Phật là hay nhất. Không câu nệ trong động tịnh bận rảnh, mọi nơi đều niệm được, chỉ là nhất tâm không quên thì đâu còn pháp hay khéo nào khác nữa!

   Tham thiền phải lìa vọng tưởng, niệm Phật ở chỗ chuyên tưởng. Do chúng sinh đã chìm trong vọng tưởng từ lâu, lìa nó thật khó khăn. Nếu ngay nơi ý tưởng nhiễm ô chuyển biến trở thành ý tưởng thanh tịnh, đó là lấy độc trị độc, là phương pháp thay đổi mà thôi. Thế nên, tham cứu khó ngộ, niệm Phật dễ thành. Quả thật tâm vì sinh tử khẩn thiết, dùng tâm tham cứu mà niệm Phật, còn lo gì một đời này không vượt thoát sinh tử!

   Niệm Phật tức là tham thiền, hoàn toàn không có hai pháp. Khi niệm Phật, trước đồng loạt buông bỏ tất cả phiền não, vọng tưởng, tham dục, sân hận, si mê, luyến ái, các thứ ý niệm tạp loạn trong lòng của chính mình, buông bỏ đến chỗ không thể buông bỏ, chỉ đề khởi một câu A-di-đà Phật rõ ràng phân minh, trong lòng không gián đoạn như chỉ xỏ ngọc, lại như đầu mũi tên cắm vào tâm điểm không có mảy may kẽ hở. Gắng sức giữ vững như thế, ở mọi nơi chẳng bị cảnh duyên dẫn dắt quên mất, hằng ngày lúc động tĩnh không xen tạp, không rối loạn, mộng thức như nhau, niệm đến lúc sắp lâm chung nhất tâm không loạn, tức là lúc siêu sinh Tịnh độ.

   Pháp môn này, thứ nhất phải có chí quyết định; thứ hai phải buông bỏ được; thứ ba phải tùy duyên, tùy duyên thì an mệnh; thứ tư phải nhận rõ không mê lầm; thứ năm phải có tâm chán khổ khẩn thiết, tâm chán khổ khẩn thiết, tự nhiên diệt trừ ý niệm tham dục, chẳng còn lui sụt. Dùng năm yếu quyết này đơn độc giữ gìn một niệm.

   Phương pháp tu hành cũng có thứ bậc, như công khóa của người xuất gia không cần câu nệ hình thức bên ngoài, chỉ lấy niệm Phật làm chính. Mỗi ngày dậy sớm lễ Phật, tụng một quyển kinh Di-đà, cầm chuỗi niệm danh hiệu Phật A-di-đà hoặc ba ngàn, năm ngàn câu, hoặc một vạn, niệm xong liền đối trước Phật hồi hướng phát nguyện vãng sinh Tịnh độ. Đó là thời khóa buổi sáng, tối cũng như vậy, ngày ngày lấy đó làm thời khóa cố định, nhất quyết không thể thiếu. Đem pháp này chỉ bảo cho quyến thuộc như pháp cùng tu càng hay, đó là pháp thực hành thường nhật. Nếu vì việc lớn sau cùng, thực hành công phu càng phải khẩn thiết, mỗi ngày ngoài hai thời công khóa, trong 24 giờ chỉ đem một câu A-di-đà Phật đặt trong lòng, niệm niệm chẳng lãng quên, tâm tâm không mờ tối, chẳng nghĩ nhớ tất cả việc đời, chỉ lấy một câu Phật làm mạng căn của chính mình, nắm chặt nơi lòng quyết không buông bỏ, cho đến khi ăn uống sinh hoạt, đi đứng ngồi nằm, một câu Phật này luôn luôn hiện tiền. Nếu lúc gặp những cảnh giới phiền não, thuận nghịch, mừng giận, tâm bất an, phải cố đề khởi niệm Phật khẩn thiết, ngay đó phiền não liền bị tiêu diệt. Vì mỗi niệm phiền não vốn là gốc khổ của sinh tử, nay dùng niệm Phật để tiêu diệt phiền não, tức là nơi Phật cứu độ khổ não sinh tử. Nếu niệm Phật mà tiêu được phiền não thì có thể cắt đứt sinh tử, chẳng còn pháp nào khác. Niệm Phật cho đến lúc làm chủ được phiền não, thì ngay trong mộng cũng tự làm chủ được. Nếu trong mộng tự làm chủ được, thì ngay trong lúc bệnh khổ cũng tự chủ được. Nếu trong lúc bệnh hoạn khổ đau tự chủ được, thì lúc lâm chung tâm sáng suốt rõ ràng, bèn biết lối đi. Việc này hành không khó, chỉ cần là tâm phải tha thiết vì sự sinh tử.

   Đơn độc nương tựa một câu Phật hiệu, chớ hướng ra ngoài nghĩ ngợi những chuyện khác, lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an lạc tự tại và được đại hoan hỷ thọ dụng, mà dục lạc thế gian không thể sánh bằng. Bỏ qua pháp môn này, không còn pháp môn thẳng tắt giản đơn nào khác.