Tám pháp niệm Phật:
1. Nhiếp tâm niệm: Thâu nhiếp tâm trở lại, gọi là “nhiếp cả sáu căn, Tịnh niệm tiếp nối”, mọi lúc mọi nơi, thậm chí khi ngủ cũng không quên Thánh hiệu Di-đà.
2. Dõng mãnh niệm: Ví như người nghèo tìm của báu, dù cho của báu ấy để trong miệng cọp, hoặc dưới hang giao long cũng phải tiến tới không trở lui. Niệm Phật có tinh thần này, quyết định vãng sinh.
3. Tin sâu niệm: Chúng ta niệm Phật phải đầy đủ lòng tin sâu sắc, phát nguyện thiết tha và tâm vượt thoát sinh tử.
4. Quán tưởng niệm: Như quán 32 tướng hảo của Phật, mỗi niệm đều thấy 32 tướng, hốt nhiên ở phía trước như được bảo vật, có thể tham khảo phương pháp Quán tưởng niệm Phật trong kinh Thập Lục Quán.
5. Dừng tâm niệm: Dừng bỏ tất cả tâm yêu ghét, tâm danh lợi, tâm lập công và tâm lỗi lầm, tâm mong cầu, tâm tham luyến, tâm nhân ngã thị phi, mỗi niệm chỉ ở nơi Phật. Đó chính là buông bỏ tất cả tâm sinh tử, chỉ còn một tâm niệm Phật.
6. Ái mộ niệm: Ví như trẻ thơ xa mẹ, trong lòng đau buồn thương nhớ, cầu Phật thương xót thâu nhận. Chương Niệm Phật Viên Thông, Bồ-tát Đại Thế Chí nói: “Nếu con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, dù trải qua nhiều đời cũng không xa cách nhau”, chính là nói: Phật như người mẹ hiền, từng giờ từng phút trông mong những đứa con lưu lạc quê người như chúng ta, có thể sớm trở về cố hương. Chúng ta nếu có thể như con nhớ mẹ, nhớ niệm Phật A-di-đà, thì Phật quyết định đến tiếp dẫn, đó là do hai nguyện khế hợp nhau.
7. Quyết tâm niệm: Lấy việc thi cử đại học làm ví dụ. Nếu năm nay không thi đậu, quyết tâm mạnh mẽ năm sau thi lại, phải có tinh thần tiếp tục tiến lên ấy. Lại xét nghĩ Thánh Hiền nơi Tịnh độ đều là từ phàm phu mà thành, ta cũng không thể tự xem thường, nhất định cũng phải làm được.
8. Tất cả niệm: Phàm thấy, nghe, hiểu, biết, mỗi lỗ chân lông, cho đến xương tủy, không có chỗ nào mà không niệm Phật. Như thế gọi là chân thật niệm Phật, toàn thân đều phải ở nơi miệng.
Ba loại niệm Phật chẳng tương ưng:
1. Tâm tánh không thuần, lúc còn lúc mất, khi niệm Phật lờ mờ, tâm có khi trụ có khi không trụ, không dùng hết sức mình, do đó không được cảm ứng.
2. Tâm tánh chẳng chuyên nhất, không quyết định. Niệm Phật không có tâm quyết định cũng chẳng được cảm ứng.
3. Tâm tánh chẳng tiếp nối. Khi niệm Phật chẳng thể tiếp nối, niệm Phật giây lát, giây lát lại làm việc khác, cũng không được cảm ứng.
Ba điều này lần lượt tạo nên, do tâm tánh chẳng thuần nên không có tâm quyết định, do tâm không quyết định nên tâm tánh chẳng tiếp nối. Ba việc này trái với Phật, do đó niệm Phật chẳng được cảm ứng.