Tịnh độ
Niệm Phật chỉ nam
19/03/2557 09:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật chỉ nam
Mục lục
Xem toàn bộ

Trích dẫn "Vãng sinh tịnh độ quyết nghi
 hạnh nguyện nhị môn" của Đại sư Tuân Thức
 
   Phàm xử lý việc công hay tư, có nhiều việc để làm, tuy vội vàng mà trong lòng chẳng quên Phật và nhớ Tịnh độ. Ví như người đời có việc cấp thiết trong lòng, dù nói năng, đi lại, ngồi nằm nhưng vẫn âm thầm nghĩ nhớ việc ấy rất rõ ràng. Tâm của người niệm Phật cũng phải như thế. Nếu như lãng quên thì phải luôn luôn thâu nhiếp trở lại, lâu dần thành thói quen, tự nhiên thường nhớ. Kinh Lăng-nghiêm nói: “Nếu tâm chúng sinh nhớ Phật niệm Phật, hiện tại tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa. Chẳng nhờ phương tiện, tự được tâm khai ngộ”. Buộc tâm như thế, tự nhiên thường ngăn chặn tất cả niệm ác; dù muốn làm ác nhưng do nhớ Phật nên việc ác không thể thành; dù cho khi theo niệm ác tạo nghiệp ác nhưng tâm vẫn thường hổ thẹn khiêm tốn, ví như trong mình có mùi thơm, tự nhiên không còn mùi hôi thối.

   Hơn nữa, phải biết lúc tâm vừa khởi niệm ác vi tế thì liền nhớ Phật, do sức mạnh của Phật nên niệm ác tự dứt, như người gặp nạn cầu người kia cứu giúp, nhất định được thoát khỏi. Nếu lúc thấy người khác chịu khổ, do trong tâm niệm Phật nên thương xót mong họ lìa khổ. Nếu là người phán xét tội nhân để hình phạt và hạ ngục, do niệm Phật nên sinh tâm thương xót, tuy y theo pháp luật nhưng phải thầm nguyện rằng: “Ta thi hành pháp luật, chẳng phải là bản ý của ta, nguyện người được vãng sinh Tịnh độ, thệ sẽ cứu tế lẫn nhau”. Nói chung, trải qua tất cả mọi nơi mọi việc, hoặc thiện hoặc ác, do tâm nhớ Phật nên thường thệ nguyện. Trong Nguyện Vương của ngài Phổ Hiền nói: “Tất cả việc ác thảy đều chẳng thành, còn làm việc lành thì đều mau thành tựu”. Đó tức là ý này. Niệm Phật liên tục trong lòng, có thể làm thành tất cả công đức của nhân Tịnh độ.