Phật có trí tuệ rộng lớn, biết rõ căn cơ; quyết tâm niệm Phật bảy ngày không ai chẳng được nhất tâm không loạn. Không chịu quyết tâm (tử tâm) chẳng thể làm được việc gì. Tâm vốn hoạt bát linh thông, sao gọi là chết (tử)? Bởi vì, đem cái tâm nghĩ nhớ tình người ân ái, danh lợi phải quấy đổi trở lại để niệm Phật. Người xưa bảo rằng: “Đánh vọng tưởng chết, cứu Pháp thân sống”. Ví như kẻ cướp, chết đi tâm trộm cướp, một lòng làm người ngay thẳng. Nếu tâm chết thật thì lấy gì để niệm Phật? Muốn niệm đến chỗ nhất tâm không loạn, phải nhất tâm không loạn mà niệm.
Niệm Phật cần phải thiết thực dụng công, niệm đến chỗ không có người hay niệm và Phật được niệm, cũng không có thân tâm thế giới, niệm tức là vô niệm. Tạp niệm vừa khởi liền trở thành chướng ngại. Như thế, lẽ nào buổi sáng niệm vài câu, buổi tối niệm vài câu mà có thể được thành tựu? Tâm niệm niệm Phật này phải giống như cây chổi sắt quét sạch tất cả tạp niệm. Tạp niệm tuy nhiều nhưng chẳng ngoài những ý niệm nghĩ về tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, cùng sắc, thinh, hương, vị, xúc. Trước dùng chổi sắt quét những niệm thô, sau quét những niệm vi tế. Tuy nhất thời quét không hết nhưng cũng phải giảm bớt, cần phải quét sạch mới thấy thái bình. Phải tự mình kiểm xét rõ ràng, niệm Phật có thể quét hết những ràng buộc ái ân của chính mình hay không? Nếu quét không sạch, cần phải sinh tâm rất hổ thẹn. Gọi là tin phải tin chân thật, nguyện phải nguyện thiết tha, thực hành phải thực hành thiết thực, mới được thọ dụng chân thật.