Tịnh độ
Niệm Phật chỉ nam
19/03/2557 09:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật chỉ nam
Mục lục
Xem toàn bộ


 
   Tất cả pháp môn lấy việc minh tâm làm thiết yếu, tất cả hạnh môn lấy việc tịnh tâm làm thiết yếu. Song mà, cốt yếu của chỗ minh tâm không gì bằng niệm Phật. “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật. Chẳng nhờ phương tiện tự được tâm khai ngộ”. Niệm Phật như thế chẳng phải là chỗ cốt yếu của sự minh tâm sao?

   Hơn nữa, chỗ cốt yếu của việc tịnh tâm cũng không gì bằng niệm Phật. Một niệm tương ưng, một niệm là Phật; mỗi niệm tương ưng, mỗi niệm là Phật. Thanh châu gieo vào nước đục, nước đục không thể không trong; Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn không thể không thành Phật. Niệm Phật như thế chẳng phải cốt yếu của tịnh tâm sao?

   Một câu Phật hiệu đều thâu nhiếp chỗ cốt yếu của hai môn ngộ và tu. Nói về ngộ thì tín ở trong ấy, nói về tu thì chứng ở trong ấy. Tin hiểu, tu chứng đều thâu nhiếp; chỗ cốt yếu của Đại thừa, Tiểu thừa và tất cả các kinh điển đều bao hàm trọn vẹn. Vậy thì một câu A-di-đà chẳng phải là đạo chí yếu sao?

   Một tâm niệm hiện giờ của chúng ta hoàn toàn chân mà thành vọng, hoàn toàn vọng mà tức là chân, trọn ngày bất biến, trọn ngày tùy duyên. Hễ không theo duyên pháp giới Phật mà niệm Phật thì niệm chín pháp giới kia. Không niệm Tam thừa thì niệm Lục phàm; không niệm người trời thì niệm Tam đồ; không niệm ngạ quỷ, súc sinh thì niệm địa ngục. Bởi vì, hễ còn nơi hữu tâm thì không thể vô niệm. Tâm thể vô niệm chỉ riêng Phật chứng ngộ, từ Đẳng Giác trở xuống đều là còn niệm. Nếu khởi một niệm tất rơi vào mười pháp giới, không có niệm nào ra ngoài mười pháp giới. Vì mười pháp giới bao hàm tất cả, mỗi khi khởi một niệm là một duyên để thọ sinh. Nếu người biết lý này mà không niệm Phật thì chưa có điều đó.

   1. Nếu tâm này có thể tương ưng với bình đẳng, đại từ, đại bi, công đức của y báo chánh báo và Vạn đức Hồng danh tức là niệm pháp giới Phật. 
   2. Nếu tâm này có thể tương ưng với tâm Bồ-đề, Lục độ Vạn hạnh, tức là niệm pháp giới Bồ-tát. 
   3. Dùng tâm vô ngã tương ưng với mười hai nhân duyên, tức là niệm pháp giới Duyên giác. 
   4. Dùng tâm vô ngã quán sát Tứ đế, tức là niệm pháp giới Thanh văn. 
   5. Hoặc tương ưng với Tứ thiền, Bát định và Thượng phẩm Thập thiện, tức là niệm pháp giới Trời. 
   6. Nếu tương ưng với ngũ giới, tức là niệm pháp giới Người. 
   7. Nếu tu các pháp giữ giới làm lành mà còn tâm sân hận, kiêu mạn, hơn thua, tức là rơi vào pháp giới A-tu-la. 
   8. Nếu dùng tâm chậm yếu niệm Hạ phẩm thập ác, tức là rơi vào pháp giới Súc sinh. 
   9. Hoặc dùng tâm vừa hưỡn vừa gấp tương ưng với Trung phẩm thập ác, thì rơi vào pháp giới Ngạ quỷ. 
   10. Nếu dùng tâm mãnh liệt tương ưng với Thượng phẩm thập ác, tức là rơi vào pháp giới Địa ngục.

   Thập ác là sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai lưỡi, tham, sân, tà kiến. Ngược lại những điều này tức là Thập thiện. Nên thầm tự kiểm điểm những ý niệm sinh khởi hằng ngày, xem coi tương ưng với pháp giới nào nhiều. Nếu tương ưng với pháp giới nào mạnh, chỗ an thân lập mạng sau này không cần phải nhọc hỏi người khác nữa.

   Một niệm hiện giờ của chúng ta duyên sinh không tánh, không tánh duyên sinh, chẳng sinh pháp giới Phật thì sinh chín pháp giới kia. Nếu ước về duyên sinh không tánh thì chúng sinh và chư Phật bình đẳng một tánh không. Ước về không tánh duyên sinh, thì mười pháp giới hơn kém cách xa. 
Vua A-xà-thế lúc lâm chung, do người đuổi ruồi lấy phất trần phất qua mặt. Ông khởi một niệm sân hận liền đọa làm rắn độc.

   Một người phụ nữ qua sông xảy tay, làm đứa con rơi xuống nước. Vì mò tìm con nên bị chết chìm, bởi lòng từ mà được sinh lên cõi trời.

   Ôi! Một niệm từ bi và sân hận, bèn phân ra cõi trời và súc sinh. Thế thì một niệm duyên sinh lúc lâm chung, có thể không cẩn thận được sao? Nếu dùng tâm này, duyên niệm Phật A-di-đà cầu sinh Tịnh độ sẽ thấy Phật, được vãng sinh. Nhưng một niệm này không thể cầu may mà được, cần phải giữ gìn chân thật thường ngày thuần thục. Thế nên, chúng ta niệm ngàn muôn lần một câu A-di-đà này, cho đến niệm trọn ngày trọn năm, đều là để làm thuần thục một niệm này mà thôi. Nếu được một niệm thuần thục, thì khi lâm chung chỉ có một niệm này không còn niệm nào khác. Đại sư Trí Giả nói: “Khi lâm chung, tâm ở nơi định là tâm thọ sinh Tịnh độ”. Chỉ có một niệm này, không còn niệm nào khác, như vậy chẳng phải là tâm ở nơi định hay sao? Nếu niệm được như thế mà không thấy Di-đà thì còn thấy ai? Chẳng sinh về Tịnh độ thì còn sinh về nơi nào? Chỉ e chúng ta tự tin không nổi thôi.
“Thật vì sinh tử, phát tâm Bồ-đề. 
Lấy Tín–Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. 

   Mười sáu chữ này là toàn bộ cương lĩnh của pháp môn niệm Phật. Nếu tâm “thật vì sinh tử” không phát khởi thì tất cả lời khai thị đều trở thành luận bàn vô ích.

   Tất cả nỗi thống khổ ở thế gian không gì hơn sinh tử. Chẳng thoát khỏi sinh tử, thì sinh tử tử sinh, sinh sinh tử tử, ra khỏi một bào thai lại vào một bào thai, bỏ một đãy da lại lấy một đãy da, khổ đã chẳng kham, huống chi luân hồi chưa ra khỏi, khó tránh đọa lạc. Một niệm sai lầm liền vào nẻo ác, ba đường dễ vào khó ra, địa ngục trường kỳ thống khổ. Vừa nghĩ đến điều này trong lòng như lửa đốt. Thế nên, hiện nay xét nghĩ thống thiết về sinh tử như an táng mẹ cha, như cứu lửa cháy đầu.

   Song mà, ta có sinh tử, ta mong cầu ra khỏi, mà tất cả chúng sinh đều ở trong sinh tử cũng nên ra khỏi. Họ với ta vốn đồng một thể, đều là cha mẹ nhiều đời, là chư Phật vị lai. Nếu chẳng nghĩ suy độ khắp, chỉ mong cầu lợi ích riêng mình, đối với lý có điều thiếu sót, nơi lòng có chỗ chưa an. Huống nữa, nếu không phát tâm rộng lớn thì ở ngoài không thể cảm thông với chư Phật, bên trong không thể khế hợp bản tâm; bên trên không thể thành Phật đạo trọn vẹn, ở dưới không thể lợi ích chúng sinh rộng lớn. Ân ái từ vô thỉ làm sao giải thoát, oán hờn lầm lỗi bao đời làm sao cởi mở, tội nghiệp nhiều kiếp khó thể sám trừ, căn lành bao đời khó thể thành thục. Tùy sự tu hành, vướng nhiều chướng duyên, dù có được thành tựu cuối cùng cũng rơi vào nơi nhỏ hẹp nghiên lệch.

   Thế nên, phải xứng với bản tánh phát tâm Đại Bồ-đề. Tâm rộng lớn đã phát nên tu hạnh rộng lớn. Nhưng trong tất cả hạnh môn, thì môn thực hành dễ nhất, thành tựu dễ nhất, ổn thỏa hoàn toàn, viên đốn cùng tột, thì không gì bằng “lấy Tín–Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”.

   Bảo rằng tin sâu nghĩa là: Phạm âm của Thích-ca Như Lai quyết không lừa dối, tâm đại từ bi của Thế Tôn Di-đà quyết chẳng nguyện suông. Hơn nữa, lấy nhân niệm Phật cầu vãng sinh, tất cảm quả thấy Phật vãng sinh, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu; vang thì ứng tiếng, bóng ắt theo hình.

   Nếu nhân đã chân thì quả sẽ thật. Điều ấy có thể không đợi hỏi Phật cũng tự tin được. Huống chi, một niệm tâm tánh hiện giờ của chúng ta, trọn ngày tùy duyên, trọn ngày bất biến, dọc ngang cùng khắp. Ngay nơi thể không gì ở ngoài, Di-đà Tịnh độ đều ở trong đây. Đem tâm Phật của ta, niệm Phật nơi tâm của ta. Lẽ nào Phật nơi tâm của ta chẳng ứng với tâm Phật của ta hay sao?

   Truyện vãng sinh ghi chép tướng lành lúc lâm chung hàng hàng lớp lớp, lẽ nào lại lừa gạt ta sao? Tin như thế rồi nguyện ưa thích thiết tha. Lấy niềm vui ở cõi kia, xem lại nỗi khổ nơi Ta-bà, tâm chán lìa sẽ sâu sắc như rời hầm phẩn, như ra lao ngục. Lấy nỗi khổ nơi Ta-bà trông về niềm vui Cực Lạc, tâm chán nản ưa thích tự nhiên khẩn thiết như về cố hương, như đến Bảo sở. Nói tóm lại, như khát nghĩ đến uống, như đói nghĩ đến ăn, như bệnh khổ nghĩ đến thuốc hay, như trẻ thơ nghĩ về từ mẫu, như tránh kẻ thù cầm dao bức bách, như rơi vào nước lửa cấp thiết cầu cứu vãn. Nếu có thể khẩn thiết như thế, tất cả cảnh duyên không thể dẫn dắt được.

   Sau đó, lấy tâm Tín–Nguyện này chấp trì danh hiệu. Trì một tiếng là một hạt giống nơi chín phẩm, niệm một câu là một chánh nhân của sự vãng sinh. Cần phải tâm tâm tương tục, niệm niệm không khác, chỉ chuyên tâm, chỉ cần mẫn, không xen tạp, không gián đoạn, càng lâu dài càng bền chắc, càng trì niệm càng thiết tha. Trải qua lâu dài tự thành một khối vào nơi nhất tâm không loạn. Quả thật như thế, nếu không vãng sinh thì Thích-ca Như Lai là người nói dối, Thế Tôn Di-đà chỉ lập nguyện suông. Lẽ nào lại có việc ấy hay sao?

   Hiện trạng sinh tử của chúng ta chỉ do hai thứ: tâm lực và nghiệp lực.
Tâm lực là tâm niệm có nhiều mối, khi lâm chung đi theo mối nặng nhất. Nghiệp lực cứ như người mang nợ, chủ nợ mạnh lôi kéo trước tiên. Nghiệp lực tuy lớn, nhưng tâm lực lại càng lớn hơn. Bởi nghiệp không tự tánh, hoàn toàn nương nơi tâm.

   Tâm hay tạo nghiệp, tâm hay chuyển nghiệp, nên khi tâm chú trọng thì làm cho nghiệp thêm mạnh, mới hay dẫn dắt thọ sinh. Nếu ta dùng tâm chú trọng tu Tịnh nghiệp thì Tịnh nghiệp mạnh. Tâm chú trọng, nghiệp mạnh chỉ hướng tới Tây Phương, khi lâm chung quyết định sinh về Tây Phương, chẳng sinh vào nơi khác. Ví như cây to, tường cao bình thường nghiêng về phía Tây, ngày kia khi ngã đổ tất không về chỗ khác.

   Thế nào là tâm chú trọng? Chúng ta tu tập Tịnh nghiệp, lòng tin quý ở nơi sâu, chí nguyện quý ở nơi tha thiết. Do tin sâu, nguyện tha thiết, nên tất cả tà thuyết không thể lay động mê hoặc, tất cả cảnh duyên không thể kéo lôi. Giả sử khi ta đang niệm Phật, bỗng Tổ Đạt-ma hiện ra bảo rằng: “Ta có pháp Thiền chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Ông hãy bỏ niệm Phật, ta sẽ trao cho ông pháp Thiền ấy!”. Lúc ấy, chỉ nên lễ bái Tổ sư mà thưa: “Trước kia con đã thọ giáo pháp môn niệm Phật của Thích-ca Như Lai, phát nguyện thọ trì trọn đời chẳng đổi. Tổ sư tuy có truyền đạo vi diệu, nhưng con không dám trái với thệ nguyện của chính mình!”. Dù Phật Thích-ca hiện thân bảo rằng: “Trước kia ta nói pháp môn niệm Phật chỉ là phương tiện nhất thời thôi. Nay có pháp môn thù thắng hơn cả pháp ấy, ông nên ngừng niệm Phật ta sẽ nói pháp thù thắng này ngay!”. Bấy giờ, chỉ nên cúi đầu bày tỏ với Phật: “Trước kia con tiếp nhận pháp môn Tịnh nghiệp của Thế Tôn, phát nguyện nếu còn một hơi thở quyết chẳng đổi thay. Như Lai tuy có pháp thù thắng, nhưng con không dám trái với bản nguyện của chính mình!”.

   Dù Phật Tổ hiện thân còn chẳng thay đổi lòng tin, huống là thuyết giả dối của ma vương ngoại đạo, há đủ để dao động ta sao? Tin được như thế mới gọi là lòng tin sâu chắc.

   Về phần nguyện, ví như có vòng sắt nóng đỏ xoay vần trên đầu, cũng không vì sự khổ ấy mà thối thất chí nguyện vãng sinh. Nếu như có cảnh dục lạc tuyệt vời của Chuyển Luân Vương hiện đến, cũng không vì sự vui sướng đó mà thối thất chí nguyện vãng sinh. Gặp những cảnh duyên thuận nghịch cùng cực như thế còn chẳng thay đổi chí nguyện, huống là cảnh thuận nghịch nhỏ nhặt ở thế gian, lẽ nào có thể lôi kéo được sao? Nguyện như thế, nguyện ấy mới đáng gọi là chí nguyện tha thiết.

   Lòng tin sâu chắc, chí nguyện tha thiết gọi là tâm chú trọng. Dùng tâm này tu Tịnh nghiệp thì Tịnh nghiệp rất mạnh mẽ, do tâm chú trọng nên dễ thuần thục, do nghiệp mạnh mẽ nên dễ chín mùi. Khi Tịnh nghiệp Cực Lạc thành thục, duyên nhiễm Ta-bà phải hết. Nếu duyên nhiễm đã hết, thì lúc lâm chung dù có muốn cảnh luân hồi hiện ra cũng không được. Nếu Tịnh nghiệp đã thành thục, lúc lâm chung tuy muốn cảnh Tịnh độ và Phật A-di-đà chẳng hiện cũng không thể được. Nhưng Tín–Nguyện này lúc bình thời phải rèn luyện cho thuần thục, khi lâm chung mới khỏi lạc vào đường khác.
Biển cả Phật pháp nhờ lòng tin được vào. Một môn Tịnh độ, lòng tin càng thiết yếu.

   Thuở xưa, Vương Trọng Hồi hỏi Dương Vô Vi: 
   - Niệm Phật thế nào để được không gián đoạn?
   Dương Vô Vi đáp:
   - Sau khi đã tin không còn nghi nữa.
   Vương Trọng Hồi vui vẻ rồi đi. Không bao lâu, Dương Vô Vi chiêm bao thấy Vương Trọng Hồi cảm tạ rằng:
   - Nhờ sự chỉ bảo của ông tôi được lợi ích lớn, nay đã sinh về Tịnh độ rồi!
   Một là: Thật vì sinh tử, phát tâm Bồ-đề, đó là con đường chung của người học đạo.
   Hai là: Lấy Tín–Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật làm chánh tông của Tịnh độ.
   Ba là: Dùng sự nhiếp tâm chuyên chú mà niệm, làm phương tiện tu hành.
   Bốn là: Lấy sự nhiếp phục phiền não hiện hành, làm việc chính của sự tu tâm. 
   Năm là: Lấy sự giữ vững bốn giới trọng làm căn bản vào đạo.
   Sáu là: Lấy mọi thứ khổ hạnh làm trợ duyên tiến đạo.
   Bảy là: Lấy nhất tâm không loạn làm chỗ trở về của Tịnh hạnh.
   Tám là: Lấy những điềm lành làm chứng nghiệm vãng sinh.
   Tám việc này đều nên giảng nói tận tường. Người tu Tịnh nghiệp không thể không biết.

   Chấp trì danh hiệu là chăm chăm giữ lấy, gìn chặt trong lòng không tạm thời quên lãng. Nếu vừa có một niệm gián đoạn, hoặc xen tạp thì chẳng phải chấp trì. Mỗi niệm tiếp nối, không xen tạp, không gián đoạn, là tinh tấn thật sự. Tinh tấn không ngừng thì lần lần vào chỗ nhất tâm không loạn, thành tựu trọn vẹn Tịnh nghiệp. Nếu đến chỗ nhất tâm không loạn vẫn còn tinh tấn không ngừng, ắt sẽ khai mở trí tuệ, phát khởi biện tài, được thần thông, thành tựu Niệm Phật Tam-muội, cho đến mọi thứ tướng lành linh ứng lạ kỳ đều hiện tiền. Nhưng không thể đem lòng trông mong hiệu nghiệm, chỉ nên gắng sức nơi nhất tâm không loạn mà thôi.

   Ngay khi niệm Phật, nên buông bỏ muôn duyên, chỉ chuyên nhất một niệm như cứu lửa cháy đầu, như an táng cha mẹ, như gà ấp trứng, như rồng dưỡng châu, không mong hiệu quả nhỏ bé, chẳng mong cầu mau chóng thành tựu, chỉ một lòng thường niệm như thế, đó gọi là môn Thiền thâm diệu vô thượng. Thế thì căn thân thế giới, mỗi niệm thầm chuyển biến theo tâm mình, tâm phàm mắt thịt chẳng thể thấy biết được. Đến lúc lâm chung, Phật A-di-đà cùng Thánh chúng bỗng hiện ra trước mắt, hoặc hiện hương lạ nhạc trời, các thứ tướng lành. Lúc ấy, người đời mới bảo rằng Tịnh ngiệp thành tựu, nhưng đâu phải lúc ấy mới thành tựu Tịnh nghiệp!

   Niệm Phật nên phát sinh bốn thứ tâm: 
   1. Phát sinh tâm hổ thẹn, vì từ vô thỉ kiếp đến nay chúng ta đã tạo nhiều nghiệp chướng.
   2. Phát sinh tâm vui thích, vì được nghe pháp môn này.
   3. Phát tâm đau buồn, vì nghiệp chướng từ vô thỉ nên khó gặp được pháp này.
   4. Phát tâm cảm kích, vì Phật từ bi như thế.

   Nếu có được một trong bốn thứ tâm này, Tịnh nghiệp liền có thể thành tựu. Niệm Phật phải lâu dài, phải không gián đoạn, nếu gián đoạn Tịnh nghiệp sẽ không thành tựu. Niệm Phật lâu dài nhưng phải mạnh mẽ, không thể lười mỏi, nếu lười mỏi Tịnh nghiệp cũng không thể thành tựu. Lâu dài mà không mạnh mẽ thì sẽ thối lui; mạnh mẽ mà không lâu dài thì không tiến bộ.
Ngay khi niệm Phật, không thể có tư tưởng khác, không có tư tưởng khác tức là “Chỉ”. Ngay khi niệm Phật phải rõ ràng phân minh, hay rõ ràng phân minh tức là “Quán”. Trong một niệm Chỉ–Quán đầy đủ, chẳng phải có pháp Chỉ–Quán nào khác. Chỉ là nhân của định, định là quả của Chỉ. Quán là nhân của tuệ, tuệ là quả của Quán. Một niệm không sinh, rõ ràng phân minh là lặng lẽ mà sáng soi; rõ ràng phân minh, một niệm không sinh là sáng soi mà lặng lẽ. Người được như thế, Tịnh nghiệp nhất định thành tựu. Người thành tựu như thế đều là Thượng phẩm. Một người cho đến trăm ngàn muôn ức người, tu như thế đều thành tựu như thế.