Tịnh độ
Niệm Phật chỉ nam
19/03/2557 09:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật chỉ nam
Mục lục
Xem toàn bộ


 
   Niệm Phật cần phải chân thật mà niệm, mới có được công phu, mới có hy vọng chứng được nhất tâm không loạn. Như đã chứng được nhất tâm không loạn thì sự vượt thoát sinh tử chắc chắn thành tựu. Nếu chưa được vậy, cần phải mạnh mẽ tinh tấn để cầu chứng đắc. Cho nên, niệm Phật nhất định phải niệm một cách chân thật, phải niệm câu Phật hiệu từng chữ rõ ràng, đồng thời trong lòng mình quán tưởng rõ ràng, nơi tai cũng nghe rành rẽ rõ ràng, đó chính là niệm một cách chân thật. Câu Phật hiệu thứ nhất niệm được tốt, lại chân thật niệm câu thứ hai, câu thứ ba, cho đến vô số câu. Mỗi câu Phật hiệu đều phải từ trong tâm thành kính nhất, khẩn thiết nhất mà niệm ra, như thế mới xem là chân thật, mới coi là dụng công, mới có hy vọng vượt thoát sinh tử. 

    Niệm Phật thường ngày phải liên tục. 
   Thứ nhất: Ban đầu đừng tham nhiều, chỉ mong liên tục. Mỗi ngày niệm Phật đều có số mục nhất định, như thế Cư sĩ tại gia mới không đến nỗi do việc bận rộn quên niệm Phật. Việc này phải tùy vào hoàn cảnh của từng người, mỗi ngày niệm mấy ngàn câu, niệm mấy vạn câu đều tốt. Nhưng mỗi ngày ít nhất phải niệm mười niệm, nếu không chẳng thể vãng sinh. Còn như tiếng niệm Phật, hoặc niệm lớn tiếng, hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm, niệm Phật ở nhà tốt nhất là niệm thầm để khỏi phải 
khiến người khác phiền não.

   Thứ hai: Dần dần thêm nhiều để mong tiến thêm. Mỗi ngày mười niệm giữ không gián đoạn, đó chính là công phu, nhưng không thể cho là đủ, vẫn phải cố gắng hết sức mình dần dần niệm tăng thêm. Bởi vì chúng ta niệm Phật là vì vượt thoát sinh tử, cần phải hết lòng hết sức để mong tiến thêm. Ở trước nói, sáng sớm mỗi ngày niệm mười niệm, bây giờ lại thêm buổi tối mỗi ngày niệm mười niệm. Buổi tối niệm Phật tốt nhất là trước khi ngủ, niệm Phật xong rồi ngủ, có thể giấc ngủ được an lành không có ác mộng. Như thế, sáng tối mười niệm, có thể không gián đoạn, lại tiến thêm một bước là phải dùng chuỗi sáng tối đều niệm một trăm lẻ tám câu, lại tiến thêm một bước nữa lấy một trăm lẻ tám câu xem là một trăm câu, buổi sáng niệm ba trăm, tối niệm ba trăm, thêm lên buổi sáng niệm năm trăm, tối niệm năm trăm, thêm nữa sáng niệm một ngàn, tối niệm một ngàn. Nếu thời gian không thể phân phối thì ngủ trễ một giờ, dậy sớm một giờ, vẫn không ảnh hưởng sức khỏe. Còn như khi đi đường, lúc ngồi xe, khi nghỉ ngơi, lúc tản bộ, đều phải niệm Phật không cần nhớ số. Nếu có nhiều thời gian rảnh, vẫn cần phải tăng thêm số câu niệm Phật, mỗi ngày thêm đến ba ngàn câu, năm ngàn, một muôn, ba muôn, mười muôn. 
   Phương pháp niệm Phật: 
   1. Phải ngồi mà niệm. Tuy đi đứng nằm ngồi đều có thể niệm Phật, nhưng ngồi là thích hợp nhất. 
   2. Phải dùng chuỗi nhẹ, để lần được nhanh. 
   3. Phải niệm bốn chữ A-di-đà Phật, không niệm sáu chữ. Bởi niệm sáu chữ một muôn câu, nếu rút ngắn niệm bốn chữ, có thể lên đến một muôn năm ngàn câu. 
   4. Phải niệm theo lối kim cang trì, nghĩa là chỉ sẽ động môi mà thôi. Niệm lớn tiếng hay niệm nhỏ đều được, nếu muốn nhanh muốn nhiều, chỉ có phương pháp niệm kim cang trì là thích nghi nhất.

   Thứ ba: Không cần tham nhiều nên cầu tinh thuần. Chúng ta phải biết niệm Phật là dụng công, chẳng phải tính số. Quả như niệm thật nhiều mà lại tinh thuần thì rất tốt, nếu chỉ tham nhiều mà chẳng cầu tinh thuần thì cũng là sai lầm. Thử nghĩ miệng niệm Phật, tay lần chuỗi, trong lòng lại nghĩ lăng xăng, dù cho mỗi ngày niệm mười muôn câu Phật, có thể xem là dụng công chăng? Cho nên nói, chẳng cần tham nhiều chỉ cầu tinh thuần. Mỗi một câu Phật hiệu đều phải niệm rành rẽ rõ ràng, bên trong phải niệm đến tự tâm, bên ngoài phải niệm đến cõi Cực Lạc. Một câu niệm như thế, trăm câu niệm như thế, ngàn câu muôn câu cũng niệm như thế, tự nhiên sẽ niệm thành nhất tâm không loạn, tự tâm cảm thông với Phật Di-đà không mảy may chướng ngại, chỉ ở nơi sự tinh tấn của mỗi người mà thôi!